Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/06/2017

Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

Nguyễn Xuân Nghĩa

Dư luận đã theo dõi sát chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam vào tuần qua với nhiều cách đánh giá tương đối là thuận lợi cho phía Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế thẩm xét lại chuyến công du đặc biệt này trong bối cảnh chung của quan hệ giữa hai quốc gia.

quanhe1

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng vào chiều ngày 31 tháng 5 năm 2017. AFP

Bên nào đạt thắng lợi hơn bên nào ?

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, tuần qua Thủ tướng Hà Nội đã viếng thăm Hoa Kỳ trong ba ngày và hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Chuyến thăm viếng của người cầm đầu Chính phủ Việt Nam được dư luận mọi nơi theo dõi vì nhiều lý do. Việt Nam là quốc gia đầu tiên của Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á ASEAN có lãnh đạo hội kiến tân Tổng thống Mỹ khi vùng biển Đông Nam Á đang có nhiều bất trắc ; Việt Nam cũng đạt xuất siêu quá lớn với Mỹ khi Tổng thống Trump lại ưu tiên quan tâm đến hồ sơ mậu dịch và công ăn việc làm của người dân Mỹ. Trong khung cảnh đó, ông đánh giá thế nào về chuyến thăm viếng này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Qua những gì được công bố thì nhiều người cố đánh giá chuyến viếng thăm của Thủ tướng Hà Nội, đại để như bên nào đạt thắng lợi hơn bên nào, hoặc liệu đôi bên có cùng thắng lợi không. Tôi thiển nghĩ là ta có thể nhìn sự việc từ nhiều giác độ khác nhau thì may ra thẩm định được một phần của kết quả, mà chỉ một phần thôi. Do đó, việc đánh giá sẽ mang tính cách tương đối, chưa kể đến sự chủ quan dễ hiểu của từng người quan sát. Phần mình, tôi xin được nhìn vào bối cảnh chung với những yếu tố có thể giúp ích cho sự thẩm xét.

Thứ nhất, Hoa Kỳ vừa có thay đổi lớn với một Chính quyền mới đang có nhiều ưu tiên khác về an ninh, kinh tế và ngoại giao trong một cơ chế chính trị mới là đảng Cộng Hòa kiểm soát Hành pháp lẫn Lưỡng viện Quốc hội và cả Tối cao Pháp viện trong khi đảng Dân Chủ đối lập lại bất định về tương lai và Tổng thống Donald Trump lại khá bất thường trong từng phản ứng. Tổng thống Hoa Kỳ không có toàn quyền như nhiều người lầm tưởng nên ông Trump phải củng cố hậu thuẫn chính trị trong quần chúng đã tín nhiệm ông để vận động các cơ chế quyền lực kia ủng hộ những đề nghị của ông trước sự hoài nghi và đả kích của đa số báo chí. Phong cách thất thường của ông là một trở ngại đáng kể khi nhiều người đã nghĩ tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới. Chúng ta không nên quên bối cảnh chính trị đó của nước Mỹ khi đánh giá những phát biểu hay thậm chí cái bắt tay một vị Tổng thống Hoa Kỳ.

Thứ hai, Việt Nam có cơ chế chính trị độc đảng, với Thủ tướng vẫn chịu sự lãnh đạo của một Bộ Chính trị và Tổng bí thư đảng, Quốc hội không có thực quyền và báo chí chưa được tự do. Vì vậy, cách phản ứng hay phản ảnh chưa hẳn là sự thật. Ưu tiên của Việt Nam hiện nay là tìm thế tăng trưởng kinh tế trong ổn định giữa nhiều đổi thay của thế giới và dưới sức ép hết còn ngấm ngầm của Bắc Kinh. Việc nâng cấp bang giao lên trình độ Tăng cường Đối tác Toàn diện với Hoa Kỳ có thể đáp ứng yêu cầu ấy, miễn sao là vượt qua được khó khăn là mức xuất siêu tới hơn 30 tỷ Mỹ kim với kinh tế Hoa Kỳ, một vấn đề được Chính quyền Mỹ quan tâm.

Nguyên Lam : Xin cảm tạ ông Nghĩa đã nhắc lại bối cảnh của cuộc gặp gỡ và chuyến đi thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Hà Nội trong khi những ưu tiên của Tổng thống Mỹ về đối nội lẫn đối ngoại, và về kinh tế hay an ninh, lại có những điều khá bất thường, mới lạ. Trong bối cảnh đó, ông đánh giá thế nào về quan hệ Việt-Mỹ sau chuyến thăm viếng vừa qua ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho là đề mục ưu tiên cần có một chút thành quả vẫn là kinh tế và phía Việt Nam khéo tạo cơ hội cho Tổng thống Mỹ gây được ấn tượng rằng ông đã tích cực tranh đấu cho quyền lợi của giới lao động Hoa Kỳ với các hợp đồng trị giá 15 tỷ Mỹ kim. Đấy chỉ là ấn tượng nhằm tác động vào cảm quan chứ sự thật lại chẳng nhiều như thế và bề nào thì thời gian khai triển các dự án đầu tư hay thương mại sẽ phải mất nhiều năm. Thứ hai, sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương TPP, Việt Nam vẫn tiếp tục là thành viên của nhóm TPP-11 với 11 quốc gia còn lại. Đấy là một quyết định sáng suốt vì vẫn tạo điều kiện cho việc đàm phán một Hiệp định Thương mại Song phương với Hoa Kỳ. Nhưng qua nội dung được thông báo trong bản Tuyên bố chung dài hơn 1.700 chữ bằng Anh ngữ và những phát biểu của ông Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ trong Nội các Donald Trump, người ta chưa thấy đôi bên nói gì về tiến trình đàm phán đó. Vì vậy, tôi không đánh giá cao kết quả kinh tế của chuyến thăm viếng vừa qua, nhưng lại nhìn thấy nhiều thắng lợi khác của Việt Nam.

Nguyên Lam : Thính giả của chúng ta đã quen với lối nhìn có nhiều nghịch lý của ông Nghĩa. Thưa ông, thắng lợi khác mà ông vừa nói tới là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi trộm nghĩ phía Việt Nam tìm hiểu và nắm vững nội tình Hoa Kỳ hơn xưa nên biết gây ấn tượng tốt đẹp cho mình, dù đó chỉ là ấn tượng không là thực chất. Thứ nhất, nhược điểm của Việt Nam là nạn độc tài và tình trạng quá tồi tệ về nhân quyền. Xưa nay, đấy là mối quan tâm của Quốc hội Hoa Kỳ với tiếng nói mạnh từ xu hướng can thiệp quốc tế bên đảng Dân Chủ làm Hành pháp Mỹ không thể bỏ qua mà nêu thành vấn đề trong quan hệ giữa đôi bên. Lần này, đảng Dân Chủ lại có ưu tiên khác nên hồ sơ nhân quyền "được bỏ qua" trong khi đảng Cộng Hòa lại nhìn vào hồ sơ an ninh tại Đông Á và nhân vật có ảnh hưởng trong đảng là Nghị sĩ John McCain thăm Việt Nam với nhiều phát biểu có lợi cho Hà Nội.

Thứ hai, Hà Nội khéo khai thác nền tự do đa nguyên của Mỹ và sử dụng hệ thống vận động hành lang lẫn báo chí để tranh thủ dư luận. Việt Nam vận dụng bộ máy lobby hay du thuyết bên phía Dân Chủ để tác động vào doanh giới Mỹ lẫn các trung tâm nghiên cứu theo xu hướng bảo thủ và có ảnh hưởng trong Chính quyền Trump. Điển hình là việc phái bộ chuẩn bị dư luận qua quảng cáo trên tờ Washington Times và Thủ tướng Hà Nội gặp doanh giới rồi tham dự hội thảo tại viện The Heritage Foundation. Đây là "thành quả" trong ngoặc kép của nhiều người.

Việt Nam hứa hẹn tiếp tục cải cách

Nguyên Lam : Như vậy ông Nghĩa có theo dõi bài phát biểu và cuộc hội thảo của Thủ tướng Việt Nam do viện Heritage Foundation tổ chức. Ông đánh giá thế nào về cuộc hội thảo này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Cuộc hội thảo tiến hành song ngữ, với phần phiên dịch Anh và Việt nên hơi dài, đến hơn 47 phút, nhưng lại an toàn hơn cho ông Thủ tướng Hà Nội xưa nay chưa hề nổi tiếng về tài hùng biện dù bằng tiếng mẹ đẻ. Ban tham mưu soạn cho ông bài phát biểu có vẻ bao trùm lên nhiều lãnh vực với nội dung kể lể thành tích để tranh thủ một cử tọa lịch sự. Không dám trực tiếp gặp gỡ nhiều người thì dùng cái loa hay ống kính của thiên hạ cũng còn hơn không. Nhưng qua tới phần trao đổi thì nhiều sự thật vẫn được phơi bày cho người tinh ý.

quanhe2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi thảo luận về cơ hội và thách thức về hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển diễn ra tại Quỹ Di sản Hoa Kỳ chiều ngày 31/5. Screen capture

Nguyên Lam : Thưa ông, những sự thật đó là gì trong phần trao đổi ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thứ nhất, giới lãnh đạo Việt Nam vẫn chưa thể ứng khẩu phát biểu dù bằng tiếng mẹ đẻ mà phải đọc bài diễn văn soạn sẵn và bài đó đã được hệ thống thông qua để khỏi bị "chệch hướng" về chính trị. Dù sao, Thủ tướng Hà Nội vẫn có vài phát biểu gián tiếp về Bắc Kinh mà không nêu đích danh vì là đề mục nhạy cảm cho sự nghiệp chính trị của mình ; đấy là chi tiết đáng chú ý về lập trường của lãnh đạo Hà Nội. Qua phần trao đổi vào cuối chương trình, ông Thủ tướng của Hà Nội vẫn phải có một mớ cẩm nang soạn sẵn, nhưng khi được hỏi về quan hệ tay ba, giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và Trung Quốc, ông khéo đẩy câu trả lời cho người có thẩm quyền trong phái bộ ngồi ở dưới. Quy cách hỏi đáp ấy cho thấy thể thức làm việc và ứng phó của một hệ thống chính trị có toàn quyền với dân mà vẫn phải có sự đồng thuận của lãnh đạo thật. Đâm ra việc họ công phu tổ chức một nghiệp vụ tranh thủ dư luận ngoại quốc hay quốc tế vận từ nhiều tháng nay lại giảm mất tác dụng. May cho họ là người dân Việt Nam, nhất là giới trẻ đã tiến bộ ở nhà, lại ít thấy được điều đó.

Nguyên Lam : Trở lại đề mục kinh tế thì ông thấy phía Việt Nam đã cam kết hay hứa hẹn nhựng gì với phía Hoa Kỳ để nâng quan hệ đối tác lên cấp toàn diện ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Qua bản tuyên bố chung do phòng báo chí của Phủ Tổng thống Mỹ phổ biến bằng Anh ngữ, người ta thấy Thủ tướng Hà Nội hứa hẹn tiếp tục chính sách cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài, bảo vệ và chấp hành quyền sở hữu trí tuệ và nhất là nâng cấp luật lệ lao động lên chuẩn mực quốc tế. Phía Mỹ chú ý tới việc Hà Nội cố gắng tiến tới quy chế kinh tế thị trường, là điều chưa có khiến Việt Nam gặp bất lợi khi thương thuyết Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư với Mỹ.

Song song, và trong khuôn khổ của tiến trình gọi là Tăng cường Đối tác Toàn diện bao trùm lên nhiều lĩnh vực, từ an ninh đến quân sự và chia sẻ thông tin tình báo lẫn giảm trừ căng thẳng ngoài biển, ta có thấy hai địa hạt mà Việt Nam cần khai triển và thúc đẩy, đấy là môi trường sinh sống và Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong với vai trò rất trọng yếu của phía Hoa Kỳ trong quan hệ với các nước Đông Dương và Đông Nam Á. Đây là hồ sơ sinh tử cho Việt Nam ở bên một Trung Quốc đang có quá nhiều vấn đề về hủy hoại môi sinh và còn xuất khẩu công nghệ lẫn thiết bị có hại cho môi trường sinh sống.

Nguyên Lam : Thưa ông, nói tới sự căng thẳng ở ngoài biển, một số nhà quan sát cho rằng phía Hoa Kỳ đang quan tâm đến động thái khiêu khích và nguy hiểm của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều tiên, tức là chế độ Cộng sản Bắc Hàn nên cần tới sự hợp tác hay can gián của Bắc Kinh tới độ có thể bỏ qua mối nguy của Trung Quốc trên vùng biển Đông Nam Á. Ông nghĩ sao về sự quan tâm này của nhiều người ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Theo thiển ý thì chuyện Bắc Hàn quả là một ưu tiên của Hoa Kỳ với viễn ảnh chiến tranh khiến ai cũng sợ, nhưng dù muốn tránh thì nước Mỹ vẫn có những ưu thế quân sự đáng kể nhất so với các nước lân bang quanh bán đảo Triều Tiên. Tôi cũng không tin rằng các giải pháp ngoại giao, thí dụ như qua đòn bẩy của Bắc Kinh, mà người ta có thể giải trừ mối nguy này. Tuy nhiên, nếu theo dõi hoạt động của Tổng trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, nhất là lời ông phát biểu trong cuộc hội thảo của nhóm Sangri-la tại Singapore vào Thứ Bảy mùng ba vừa rồi, mình có thể thấy một lập trường hai mặt của lãnh đạo Mỹ. Tổng trưởng Jim Mattis vừa nhắc tới kịch bản ghê rợn của một cuộc chiến tại Bắc Hàn và niềm tin của ông vào sự can gián của Bắc Kinh nhưng đồng thời vẫn phê phán chính sách bành trướng và không tôn trọng luật lệ quốc của Trung Quốc tại vùng biển Đông Nam Á. Vì vậy, ta không nên cho rằng Chính quyền Hoa Kỳ sẽ hy sinh vùng Đông Nam Á để tìm sự ổn định tại Đông Bắc Á.

Sau cùng, ta không quên là Tháng 11 tới đây, Tổng thống Mỹ sẽ công du Đông Nam Á để dự thượng đỉnh của Hiệp hội ASEAN với Hoa Kỳ tại Manila và Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Á Châu Thái Bình Dương tại Đà Nẵng. Chuyến viếng thăm Philippines và Việt Nam mới đáng chú ý hơn vì phần nào cho thấy đối sách của Mỹ với cả khu vực trong các lĩnh vực an ninh lẫn kinh tế.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Nguồn : RFA, 07/06/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Xuân Nghĩa
Read 859 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)