Trong dịp đánh dấu tròn mười năm thành lập Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, một tổ chức xã hội dân sự và phản biện độc lập, ông Lê Thân, chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ với VOA tiếng Việt nhận định và viễn kiến về Việt Nam.
Nguồn : VOA, 03/03/2024
Tại buổi gặp gỡ khoảng 200 người Việt Nam tại San Francisco, tối ngày 17/9/2023 mà tôi có tham dự, Thủ tướng Việt Nam, ông Phạm Minh Chính, hai lần nói rằng việc nâng quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt lên tầm đối tác chiến lược toàn diện, mức độ cao nhất, cho thấy nước Mỹ công nhận thể chế chính trị của Việt Nam, công nhận Đảng cộng sản Việt Nam.
Thủ tướng Việt Nam, ông Phạm Minh Chính, cùng đoàn tùy tùng tổ chức một cuộc gặp gỡ với "cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ" ở San Francisco hôm 17/09
Việc nâng cao quan hệ này chính thức được công bố trong chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Hoa Kỳ Joseph Biden (10-11/9/2023). Tại Hà Nội, ông Biden được ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng đón tiếp trong nghi lễ chính thức, mặc dù ông Trọng không giữ một chức vụ nào hết trong chính phủ Việt Nam.
Trước đó, tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Hà Kim Ngọc, trả lời báo chí vào ngày 8/9/2023, rằng chuyến thăm của tổng thống Mỹ thể hiện sự tôn trọng của Mỹ đối với hệ thống chính trị Việt Nam, vai trò của đảng cộng sản Việt Nam, của tổng bí thư đảng.
Ngày 14/9/2023, ông Ngọc, người từng giữ chức vụ Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ khẳng định lại nội dung nói trên khi ông trả lời phỏng vấn của báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng cộng sản Việt Nam.
Tôi thấy rằng như vậy, hóa ra là Đảng cộng sản Việt Nam, đã đi một chặng đường dài 78 năm để nhận được sự công nhận của siêu cường đối địch về ý thức hệ của mình, nước Mỹ. Chúng ta biết ngày 17/10/1945, ông Hồ Chí Minh, Chủ tịch chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, người thành lập đảng cộng sản Việt Nam đã gửi điện thư đến tổng thống Mỹ Truman về việc công nhận nước Việt Nam độc lập. Ông Hồ không nhận được hồi đáp, một số bức thư tiếp sau đó cũng cùng số phận như thế. Xin nhắc, Stalin hồi đó cũng không công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và các đại cường thắng trận : Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch, Anh và Pháp đều không.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự Hội nghị cấp cao Việt Nam - Mỹ ở Hà Nội hôm 11/9/2023
Ta có thể tin rằng nước Mỹ, trong thế trận Chiến tranh Lạnh chống chủ nghĩa cộng sản sau Đại chiến Thế giới II, đã không muốn làm bạn với một chính phủ do một đảng cộng sản lãnh đạo.
Phải tới năm 1995 Mỹ và Việt Nam mới tái lập bang giao, 20 năm sau khi những chiến xe tăng của quân đội cộng sản Việt Nam tiến vào thành phố Sài Gòn thủ đô một thời của đồng minh Việt Nam Cộng Hòa của Mỹ.
Nước Việt Nam lúc ấy đã chính thức công nhận nền kinh tế thị trường, từ bỏ nền kinh tế kế hoạch của ý thức hệ cộng sản, từ năm 1986.
Tuy tái lập bang giao, nhưng những quan hệ qua lại giữa đôi bên được thực hiện theo thông lệ quốc tế, giữa các quan chức chín phủ với nhau. Chính phủ Mỹ, dù vô tình theo thông lệ, hay cố ý, không làm việc với đảng cộng sản Việt Nam.
Những lời khuyên ngoại giao
Năm 2015, một sự kiện bất ngờ đối với giới quan sát quan hệ Việt Mỹ, là tổng thống Mỹ, Barack Obama, chính thức đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng. Các nguồn tin từ giới ngoại giao Việt Nam trước đó cho biết rằng chuyến đi đó là để nâng cao tầm quan trọng của "bên Đảng" đối với người Mỹ. Các thủ tướng, chủ tịch nước của Việt Nam, các chức danh mà người Mỹ dễ dàng tìm thấy sự tương đồng trong hệ thống hành pháp của họ, đều đã chính thức viếng thăm nước Mỹ.
Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius, trong quyển hồi ký xuất bản gần đây của mình, có trích lời khuyên của người tiền nhiệm của ông, David B. Shear, là cần làm việc với Đảng cộng sản Việt Nam, bên cạnh các quan chức chính phủ.
Ngày 10/9/2013, tổng thống Biden cùng đứng trên đài danh dự, cùng tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội. Có thể hiểu rằng đây là cách Hoa Kỳ chính thức công nhận quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam.
Nước Mỹ thực dụng và các chế độ không dân chủ
Thế nhưng tôi thấy trên báo chí Mỹ, người ta lại không thấy nhắc đến Đảng cộng sản Việt Nam là mấy, trong những ngày trước và sau chuyến đi của ông Biden đến Việt Nam. Các tay bỉnh bút của báo Mỹ nói nhiều đến thế trận toàn cầu của Mỹ, khi lôi kéo Việt Nam, nước cựu thù, vào vòng ảnh hưởng của mình, để bao vây Trung Quốc, dù điều đó không được các quan chức hai bên nói ra.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Bùi Thanh Sơn tại buổi lễ hôm 17/09
Thêm vào đó, chi tiết thú vị về câu khen ngợi của ông Nguyễn Phú Trọng về sức khỏe của ông Biden, lan truyền khắp truyền thông Mỹ trong hai ngày 10 và 11 tháng 9.
Bên cạnh sự hân hoan trông thấy được của các quan chức cao cấp trong Đảng cộng sản Việt Nam về việc hệ thống chính trị của họ được nước Mỹ công nhận, các nhà quan sát Việt Nam cho rằng Hà Nội đã có lòng tin chính trị vào Hoa Kỳ lớn hơn trước, rằng Washington sẽ không tìm cách lật đổ chế độ cộng sản của Việt Nam (Giáo sư Alexander Vuving nói trên trang BBC tiếng Việt gần đây).
Cũng rất dễ hiểu là thời gian kéo dài của Cuộc chiến Việt Nam (dài nhất trong thế kỷ 20), và mức độ thảm khốc của nó (hơn ba triệu người Việt và gần 60 ngàn người Mỹ thiệt mạng), làm cho các quan chức đảng của Việt Nam cần một thời gian lâu đến thế, chờ đợi một sự kiện mang ý nghĩa biểu tượng (Joe Biden-Nguyễn Phú Trọng) để có được niềm tin chính trị.
Thực sự là nước Mỹ cũng bị ràng buộc bởi chính họ khi muốn can thiệp vào nội trị của nước ngoài. Vào năm 2007, ông Vang Pao, thủ lĩnh nổi tiếng nhất của những người Hmong chống cộng sản, bị các cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ bắt giữ và đưa ra tòa, vì được cho là phạm tội âm mưu lật đổ một chính phủ có quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, là chính phủ cộng sản Lào, căn cứ theo một bộ luật có tên là Neutrality Act.
Nhưng quan trọng hơn, nước Mỹ là một quốc gia thực dụng.
Sau chuyến thăm Hà Nội của ông Biden, một nhà bình luận chính trị là ông Nguyễn Gia Kiểng, từ Pháp, có viết rằng : "Mỹ và các nước dân chủ ngày càng nhận ra rằng họ không còn cần Việt Nam đến độ phải chiều chuộng chế độ cộng sản một cách vô điều kiện như trước nữa".
Không rõ tại sao ông Kiểng lại viết như vậy sau khi chính ông nhận xét rằng ông Biden đã không đề cập gì đến chuyện nhân quyền của Việt Nam nữa.
Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên có thành tích nhân quyền đáng trách mà Mỹ giao hảo. Năm 2013 đánh dấu 50 năm ngày cuộc đảo chính chính phủ dân cử của tổng thống Chile Salvador Allende, thành lập chế độ độc tài thân Mỹ của viên tướng Augusto Pinochet. Có một sự trùng hợp là ông Allende bị phe đảo chánh giết chết đúng ngày 11/9/2023, ngày mà, 50 năm sau đó, tổng thống Biden tay bắt mặt mừng với các nhà lãnh đạo cộng sản tại Hà Nội.
Ngược lại, các quốc gia đồng minh của Mỹ, nhưng yếu kém, và không còn mang lại lợi ích toàn cầu cho nước Mỹ nữa, thì Mỹ cũng không cố gắng giúp đỡ, chẳng hạn như Việt Nam Cộng Hòa, 1975, hay Afghanistan, 2021.
Sự dè dặt của "ngoại giao cây tre"
Một nhà nghiên cứu trong nước cho tôi biết rằng trước khi tổng thống Biden sang Việt Nam ba tháng, chính phủ Việt Nam có yêu cầu đến những nhà nghiên cứu trong nước đánh giá mặt lợi và bất lợi khi Việt Nam cùng Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ ngoại giao hai nước lên mức cao nhất.
Các đánh giá mà chính phủ Việt Nam thu được đều tích cực ủng hộ quan hệ Việt Mỹ. Các nhà nghiên cứu, các cơ quan nghiên cứu này của Việt Nam, có lẽ cũng giống như nhận xét của ông Alexander Vuving với tờ New York Times, rằng tầng lớp tinh hoa Việt Nam hiện nay rất đồng thuận cho việc xích lại gần với Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Thành Trung, Đại học Fulbright từ thành phố Hồ Chí Minh, nói với tôi là sau khi nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ lên mức cao nhất, Việt Nam sẽ không còn lệ thuộc vào tính đảng phái đôi khi khó lường của chính trị Mỹ, những quan hệ về vũ khí, hợp tác quốc phòng sẽ dễ dàng được quốc hội Mỹ chấp nhận hơn.
Tác động thuận lợi đối với Hà Nội, theo sau thỏa thuận lịch sử Mỹ Việt, 10/9/2023, còn có thể là đối với cộng đồng người Việt sống tại Mỹ. Cộng đồng này vốn chống lại ý thức hệ cộng sản của Hà Nội. Ngay sau chuyến thăm Hà Nội của ông Biden, là chuyến thăm San Francisco, New York và Washington D.C. của thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Không thấy cuộc biểu tình chống Hà Nội nào của cộng đồng Việt Nam tại những nơi ông Chính đi qua. Tuy vậy hãy còn quá sớm để biết được liệu khuynh hướng chống Hà Nội của cộng đồng này có giảm đi hay không sau cuộc gặp Nguyễn Phú Trọng-Joe Biden.
Bên trong Việt Nam, không phải là không có những lực kéo lại về phía Bắc Kinh. Một nguồn tin từ bên trong Việt Nam nói với tôi rằng vào năm 2014, khi bùng lên sự kiện giàn khoan Trung Quốc Hải Dương 981 xâm lấn lãnh hải Việt Nam, dẫn đến sự thay đổi ngoạn mục thái độ của Việt Nam trong quan hệ với hai đại cường Mỹ và Trung Quốc, vẫn có tiếng nói rằng cần nhân nhượng Trung Quốc. Nguồn tin cho cho rằng tướng Phùng Quang Thanh, trong một cuộc họp cao cấp đã thể hiện quan điểm như vậy.
Theo Reuters, Mỹ và Việt Nam đang xem xét việc Việt Nam sẽ mua các chiến đấu cơ F-16. Nếu thành công thì thương vụ này sẽ là vụ mua bán vũ khí lớn nhất giữa hai cựu thù.
Nhưng việc mua bán như vậy sẽ có thể là bất lợi cho những người muốn làm ăn riêng vì không có "lại quả" gì hết trong việc mua bán vũ khí với Mỹ, ý kiến trên giải thích cho tôi.
Điều chắc chắn là cây tre ngoại giao Việt Nam sẽ vẫn có những lúc dè dặt với chuyện hợp tác quân sự, mà vụ mua những chiếc F-16 mới chỉ là bắt đầu.
Joaquin Nguyễn Hòa
Nguồn : BBC, 26/09/2023
Tổng thống Biden đến Hà Nội : Trung Quốc, mối "quan ngại chung" của Việt Nam và Hoa Kỳ
Thanh Hà, RFI, 10/09/2023
Sau New Delhi, tổng thống Mỹ Joe Biden lên đường đến Hà Nội, bắt đầu chuyến công du Việt Nam trong hai ngày 10 và 11/09/2023. Trên nguyên tắc, đôi bên nâng cấp quan hệ lên cấp cao nhất là "đối tác chiến lược toàn diện".
Tổng thống Mỹ Joe Biden tới sân bay Nội Bài, Hà Nội, ngày 10/09/2023, bắt đầu chuyến công du Việt Nam 2 ngày. AP - Evan Vucci
Theo chương trình nghị sự, trong ngày hôm nay tổng thống Joe Biden hội kiến tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam và tổ chức họp báo sau đó tại Hà Nội. Ngày mai nguyên thủ Mỹ sẽ có những buổi làm việc với chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, và thủ tướng Phạm Minh Chính.
Điểm nổi bật trong chuyến công du Việt Nam của lãnh đạo Nhà Trắng lần này rất có thể sẽ là lễ ký kết nâng quan hệ song phương lên mức "đối tác toàn diện". Hãng tin Pháp ghi nhận trong trường hợp này, Mỹ sẽ là quốc gia thứ 5 có mức quan hệ cao nhất đối với Việt Nam, sau Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Trung Quốc là một trọng tâm chuyến công du Việt Nam lần này của tổng thống Hoa Kỳ. Còn về phía Hà Nội, chuyên gia Greg Poling thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế - CSIS giải thích Việt Nam cần tìm kiếm những điểm tựa trước "mối đe dọa Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông".
"Việt Nam trên tuyến đầu trước các hành xử cưỡng bức từ phía Trung Quốc. Cho dù là Việt Nam không đề cập đến nhiều như là phía Philippines, nhưng quốc gia này cũng đang phải đối mặt với thách thức lớn tương tự. Việt Nam xem Trung Quốc là một mối đe dọa, đặc biệt là trên vấn đề Biển Đông.
Hà Nội mong muốn được các nước ở bên ngoài hỗ trợ, kể cả Hoa Kỳ để đối phó với những động thái hăm dọa của Bắc Kinh. Dù vậy Việt Nam không muốn liên kết, không muốn đứng về phía Mỹ. Hà Nội không quan tâm đến chuyện đó. Về phía Washington, chính quyền Biden xem Việt Nam là một đối tác quan trọng hơn, nhưng Việt Nam cũng không phải là một đồng minh của Mỹ như Philippines hay Nhật Bản. Việt Nam không đồng quan điểm với Hoa Kỳ về nhiều mặt.
Riêng liên quan đến Trung Quốc thì Việt Nam có cùng quan điểm với Hoa Kỳ và Việt Nam xem Trung Quốc là một mối đe dọa hiểu theo nghĩa Trung Quốc là một cường quốc đang muốn xét lại trật tự quốc tế. Về kinh tế, tất cả các doanh nghiệp trên thế giới đang muốn di dời cơ sở khỏi Hoa Lục, nên họ chú ý trước hết đến Việt Nam. Như vậy nhìn chung, Việt Nam là một đối tác then chốt trong mắt Hoa Kỳ".
Thanh Hà
*************************
Việt Nam – Hoa Kỳ thiết lập quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện"
Thu Hằng, RFI, 10/09/2023
Chiều ngày 10/09/2023 Việt Nam và Hoa Kỳ xác nhận nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là "Đối tác chiến lược toàn diện". Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ tiếp đón tổng thống Mỹ Joe Biden. Từ trụ sở Trung Ương Đảng, ông Trọng đã thông báo nâng cấp quan hệ song phương, tương tự như mối bang giao giữa Việt Nam với Trung Quốc và Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) hội đàm với Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại văn phòng Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Hà Nội. Ảnh ngày 10/09/2023. AP - Evan Vucci
Hãng tin Mỹ AP ghi nhận đặt chân đến Việt Nam ông Biden ca ngợi Việt Nam là một "nước bạn", một "đối tác đáng tin cậy và một thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế (…) Việt Nam và Hoa Kỳ là những đối tác then chốt ở vào một thời điểm quyết định".
Ngoài ra nguyên thủ Mỹ đánh giá cao "vai trò, vị trí của Việt Nam ở khu vực, vai trò tích cực của Việt Nam trên nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu, trong đó có vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu". Washington khẳng định "ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN" và mong muốn hợp tác với Việt Nam để "đóng góp vào đoàn kết và thịnh vượng cho ASEAN". Về Biển Đông nguyên thủ Mỹ nhắc lại vùng biển này "có vị trí quan trọng đối với thịnh vượng, ổn định quốc tế" và ông Biden khẳng định lại quan điểm của Mỹ về Biển Đông.
Về phía Việt Nam, theo thông cáo của Ban Đối ngoại Trung ương ngày 10/09/2023 được báo chí trong nước trích dẫn, Hà Nội "đánh giá cao lập trường của Mỹ ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về vấn đề Biển Đông. Đề nghị Mỹ tiếp tục ủng hộ, đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, hợp tác, bảo đảm các quyền tự do hàng hải, hàng không và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia ở Biển Đông, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có các hành động trái với luật pháp quốc tế làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện DOC, sớm ký kết COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 (…) .Trên những cơ sở quan trọng nêu trên, vì lợi ích của nhân dân hai nước và mong muốn tăng cường hợp tác nhằm các mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, Việt Nam hoan nghênh việc hai nước xác lập quan hệ ở tầm cao mới là Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững". Việt Nam cũng hoan nghênh "việc thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế" song phương.
Thu Hằng
**********************
Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ ở mức cao nhất : Đối tác Chiến lược Toàn diện
RFA, 10/09/2023
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ đồng thời hoan nghênh hai nước xác lập quan hệ ở tầm cao mới là Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Trong buổi đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Phủ Chủ tịch Việt Nam ngày 10/9/2023 - AFP
Ông Trọng nhấn mạnh trên tờ Tuổi trẻ trong ngày 10/9 tại hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay sau lễ đón chính thức tại Trụ sở Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam rằng : "Vì lợi ích của nhân dân hai nước và mong muốn tăng cường hợp tác nhằm các mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, Việt Nam hoan nghênh việc hai nước xác lập quan hệ ở tầm cao mới là Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững".
Tổng thống Joe Biden cũng đánh giá cao việc hai nước nâng cấp quan hệ lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện có lợi cho cả hai nước và lợi ích quốc tế chung.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm chính thức Việt Nam trong chiều 10/9 (giờ Việt Nam). Theo ghi nhận từ truyền thông nhà nước trong cùng ngày, khoảng 16g45, đoàn xe của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiến vào Phủ chủ tịch tại Hà Nội.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Tổng thống Mỹ và cùng chứng kiến đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam diễu binh. Ngay sau lễ đón tiếp Tổng thống Joe Biden, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ rời Phủ Chủ tịch, tiến sang Văn phòng Trung ương Đảng để hội đàm.
Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Joe Biden đánh dấu 10 năm hai nước xác lập và triển khai quan hệ đối tác toàn diện (2013 - 2023).
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, quan hệ Việt - Mỹ thời gian qua tiếp tục đà phát triển tích cực trên cả ba bình diện song phương, khu vực và quốc tế, có nhiều tiến triển nổi bật và đã đạt được một số kết quả cụ thể.
Từ mức chỉ khoảng 450 triệu USD năm 1995, đến năm 2022, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỉ USD.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ bảy của Mỹ đồng thời là đối tác lớn nhất ở khu vực ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương tăng bình quân khoảng 16% mỗi năm.
Đến năm 2023, Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam với hình thức đầu tư đa dạng. Hiện Mỹ có khoảng 1.200 dự án, tổng vốn đạt gần 11,4 tỉ USD.
Tổng thống Joe Biden là Tổng thống Mỹ thứ Năm thăm Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.
Các tổng thống Mỹ đương nhiệm từng tới thăm Việt Nam trước ông Biden bao gồm : Tổng thống Bill Clinton (thăm tháng 11/2000), Tổng thống George W. Bush (thăm tháng 11/2006), Tổng thống Barack Obama (thăm tháng 5/2016), Tổng thống Donald Trump (thăm tháng 2/2019).
Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 11/7/1995, Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ "Đối tác toàn diện" vào ngày 25/7/2013.
Nguồn : RFA, 10/09/2023
**********************
Nhà Trắng : Mỹ sẽ nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên mức cao nhất
RFA, 10/09/2023
Hoa Kỳ sẽ nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên cấp cao nhất, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jon Finer nói với các phóng viên hôm chủ nhật khi trên chiếc Không lực Một, nói rằng mối quan hệ hợp tác nâng cao sẽ bao gồm cả yếu tố an ninh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đứng duyệt đội danh dự chiều 10/9 - AP
Phát biểu trên máy bay tới Việt Nam, ông Finer cho biết hiện tại không có thỏa thuận vũ khí nào với Việt Nam nhưng nhấn mạnh Mỹ và các đối tác có thể đề nghị giúp đỡ để đa dạng hóa nguồn cung cấp quân sự vốn phụ thuộc vào Nga, một lời đề nghị mà ông nói Việt Nam sẽ chấp nhận.
Ông Finer tháp tùng Tổng thống Joe Biden từ Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ tới các cuộc gặp song phương ở Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức nhận được thông tin này cho rằng, việc đưa mối quan hệ hai nước lên mức cao nhất của Việt Nam là tham vọng từ lâu của ông Nguyễn Phú Trọng trước khi rời chính trường, việc mà ông Hồ Chí Minh có ý muốn nhưng chưa làm được trong quá khứ.
"Chính vì vậy việc nâng cấp mối quan hệ này thể hiện một tham vọng rõ nét nhất của cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng, đồng thời cũng đem lại một lợi ích kinh tế để cứu Đảng, cứu chế độ trong khi nền kinh tế Việt Nam lúc này đang xuống cấp rất nhiều chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 tới nay.
Còn việc thỏa thuận về an ninh cũng như vũ khí, tôi cho rằng tại thời điểm này có thể phía Việt Nam chưa đồng ý ngay. Đấy cũng là mục đích của họ bởi vì họ không muốn gây quá sốc cho phía Trung Quốc khi họ mới vừa nâng cấp lên mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, rồi sau đó lại kèm những thỏa thuận về an ninh và vũ khí", ông Đài nói qua điện thoại với phóng viên RFA.
Cũng theo ông Đài, chuyện hợp tác an ninh và mua bán vũ khí có thể xảy ra trong những tháng tiếp theo "vì đó là nhu cầu cấp thiết của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia khi họ đã nhận thức rõ những thứ vũ khí mà họ mua từ nước Nga đã bị lạc hậu và không có đủ khả năng để giúp cho Việt Nam bảo vệ chủ quyền quốc gia, cho nên họ cần đa dạng vũ khí nhất là từ Mỹ cũng như từ các nước phương tây".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội cho rằng, việc nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ là việc hiển nhiên vì Việt Nam đã đặt cấp quan hệ này với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, theo ông A ở trong nước ít đề cập đến vấn đề an ninh Biển Đông, hay vấn đề mua bán vũ khí với Mỹ mà chỉ nói nhiều đến hợp tác kinh tế, mặc dù khía cạnh quan trọng bậc nhất là vấn đề về an ninh khu vực và trên biển.
"Mỹ tìm mọi cách để làm sao có càng nhiều đồng minh càng tốt, hay những bên chưa phải là đồng minh thì cũng ngã theo hướng như thế trong cuộc đối chọi với Trung Quốc.
Tại Việt Nam người ta không nói nhiều về chuyện hợp tác an ninh, mua bán vũ khí nhưng thật sự là một người am hiểu về tình hình thì đấy đối với Mỹ đó là điểm đầu tiên.
Việc này cũng có thể phù hợp với một khía cạnh nào đó trong chiến lược của Việt Nam bởi vì Trung Quốc họ càng ngày càng hung hăng ở Biển Đông và Việt Nam là một nước láng giềng chịu ảnh hưởng bởi sự hung hăng đó, cho nên có một mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và khía cạnh an ninh khu vực, an ninh quốc gia, tôi nghĩ đó là một khía cạnh rất quan trọng để Việt Nam mua các loại vũ khí hiện đại của Mỹ. Vấn đề là Việt Nam có đủ tiền để mua vũ khí của Mỹ hay không thôi !".
Nguồn : RFA, 10/09/2023
**********************
Tổng thống Biden và Tổng bí thư Trọng ca ngợi việc nâng cấp quan hệ
VOA, 10/09/2023
Sau khi kết thúc cuộc hội đàm vào chiều ngày 10/9, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu ngắn gọn tại trụ sở Đảng cộng sản Việt Nam, ca ngợi việc nâng cấp quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược toàn diện.
Tổng thống Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ đón ở Phủ Chủ tịch.
Theo phóng viên của New York Times Peter Baker, hiện tháp tùng ông Biden và đại diện đưa tin từ Hà Nội cho các phóng viên chuyên tường trình về Nhà Trắng khác, ông Trọng nói rằng quan hệ đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển "nhảy vọt" và hiện đã được "nâng lên một tầm cao mới".
"Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với Mỹ và các đối tác quốc tế khác theo tinh thần của ông Hồ Chí Minh sau khi Việt Nam giành được độc lập", ông Trọng nói, theo phóng viên trên.
"Việt Nam là người bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế".
Trong khi đó, Tổng thống Biden cũng đề cập đến sự phát triển của mối quan hệ kể từ sau chiến tranh cũng như giá trị của việc vượt qua "nỗi đau của quá khứ".
Theo phóng viên Baker, ông Biden cũng trích dẫn ông John Kerry, một trong những cố vấn đứng đằng sau ông khi phát biểu và cố thượng nghị sĩ John McCain, những người đã nỗ lực bình thường hóa mối quan hệ sau khi họ phục vụ trong chiến tranh.
Ông Biden nói : "Cả hai người đều nhìn thấy rất rõ ràng, như tôi và rất nhiều người khác đã thấy, mức độ mà chúng ta có thể đạt được bằng cách cùng nhau vượt qua quá khứ cay đắng".
Theo phóng viên Baker, ông Biden cũng nói về việc hợp tác trong các vấn đề như chuỗi cung ứng chất bán dẫn, thương mại, đầu tư, khí hậu, năng lượng sạch, y tế toàn cầu, ung thư và HIV/AIDS cũng như an ninh bao gồm cả chống buôn người.
Trước đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chào đón ông Biden tại Phủ Chủ tịch với sự xuất hiện của các em thiếu nhi Việt Nam, đoàn quân nhạc và đội danh dự.
Sau lễ đón, hai bên đã tiến hành hội đàm. Theo phóng viên Baker, nhiều quan chức Mỹ cùng ông Biden tham dự, trong đó có Ngoại trưởng Antony Blinken, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper, Đặc sứ của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink, người cũng từng là đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Trong khi đó, phía Việt Nam cũng có nhiều quan chức, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng như Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng.
Tin cho hay, thông qua một người phiên dịch, ông Trọng đã nồng nhiệt chào đón Tổng thống Biden và chúc chuyến thăm Việt Nam của ông "thành công tốt đẹp". Ông Trọng cũng đề cập rằng trong một lá thư gửi hồi tháng Sáu, Tổng thống Biden đã mời ông đến thăm Hoa Kỳ và đã nói lời cảm ơn.
Nguồn : VOA, 10/09/2023
************************
Mỹ, Việt Nam nâng cấp quan hệ để phòng ngừa Trung Quốc
RFA, 10/09/2023
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đạt được các thỏa thuận với Việt Nam về chất bán dẫn và khoáng sản khi Việt Nam nâng Washington lên vị thế ngoại giao cao nhất ngang cùng với Trung Quốc và Nga.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại buổi phát biểu với báo chí ngay sau hội đàm, chiều 10/9 (Ảnh : Trọng Hải).
Đó là nội dung trong một bài phân tích của hãng tin Reuters đăng trong ngày 10/9 ngay sau khi lãnh đạo Mỹ và Việt Nam xác nhận nâng cấp quan hệ hai nước lên mức cao nhất Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Nguồn tin Reuters cũng cho biết, các quan chức và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, có thể bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình, dự kiến sẽ đến thăm Việt Nam trong những ngày hoặc tuần tới, khi Hà Nội tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các siêu cường.
Điều đó xảy ra khi mối quan hệ lâu dài của Việt Nam với Nga đang phải đối mặt với những thử thách về cuộc chiến ở Ukraine, bao gồm cả các cuộc đàm phán với Nga về một thỏa thuận cung cấp vũ khí mới.
Tác giả bài viết trên Reuters cũng cho biết đã xem các tài liệu mô tả các cuộc đàm phán về một khoản tín dụng mà Nga sẽ cấp cho Việt Nam để mua vũ khí hạng nặng, bao gồm tên lửa chống hạm, máy bay và trực thăng chống ngầm, hệ thống tên lửa phòng không và máy bay chiến đấu.
Một trong số đó, lá thư của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính gửi chính phủ Nga vào tháng 5, thể hiện sự quan tâm đến thỏa thuận mới có thể có.
Reuters cũng cho biết một sĩ quan quân đội Việt Nam đã xác nhận tính xác thực của bức thư và cuộc đàm phán về một khoản tín dụng mới trị giá 8 tỷ USD để mua vũ khí hạng nặng.
Hà Nội cũng đang đàm phán tương tự với nhiều nhà cung cấp vũ khí, trong đó có Hoa Kỳ. Trong những tuần gần đây, Việt Nam đã tham gia một số cuộc họp quốc phòng cấp cao với các quan chức hàng đầu của Nga.
Ông Jon Finer, phó cố vấn an ninh quốc gia chính của Mỹ, nói với các phóng viên hôm Chủ Nhật rằng việc nâng cấp sẽ bao gồm khía cạnh an ninh, khi đang trên máy bay cùng Biden tới Việt Nam từ hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 ở Ấn Độ.
Ông cho biết ông không có thỏa thuận vũ khí nào để công bố trong giai đoạn này nhưng nhấn mạnh rằng Mỹ và các đối tác có thể đề nghị Việt Nam giúp đỡ để đa dạng hóa nguồn cung cấp quân sự mà không cần đến nguồn cung cấp quân sự của Nga, một đề nghị mà ông cho biết Việt Nam sẵn sàng chấp nhận.
Điều đó sẽ giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc quân sự vào Moscow, "một mối quan hệ mà chúng tôi cho rằng họ ngày càng khó chịu", Reuters trích lời ông Finer.
Chuyến thăm của Biden diễn ra trong bối cảnh quan hệ thương mại và đầu tư song phương đang phát triển và tranh chấp lãnh thổ kéo dài giữa Việt Nam và Trung Quốc đang nóng lên ở Biển Đông.
Một quan chức Mỹ cho biết chất bán dẫn vẫn là trọng tâm của kế hoạch hành động được thông qua trong chuyến thăm của Biden.
Một vấn đề quan trọng khác là tăng cường chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng, đặc biệt là đất hiếm, trong đó Việt Nam có trữ lượng lớn nhất thế giới sau Trung Quốc, theo ước tính của Mỹ, các quan chức Mỹ cho Reuters biết.
Nguồn : RFA, 10/09/2023
**********************
Mỹ, Việt Nam nâng cao quan hệ trong chuyến thăm của Biden, chú ý đến Trung Quốc
Nandita Bose, Francesco Guarascio and Trevor Hunnicutt, VNTB, 10/09/2023
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến thăm thủ đô của Việt Nam vào Chủ nhật. Hai nước dự kiến sẽ tuyên bố nâng cấp thành đối tác chiến lược, khi Hoa Kỳ tìm cách thúc đẩy chuỗi cung ứng từ Trung Quốc và cả hai nước cố gắng chống lại ảnh hưởng quân sự và ngoại giao của Bắc Kinh ở châu Á.
Tổng thống Joe Biden tổ chức họp báo tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 10/9/2023. Reuters/Evelyn Hockstein Acquire Licensing Rights
Biden sẽ đến Phủ Chủ tịch vào chiều Chủ nhật và Tổng bí thư Đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo quyền lực nhất của Việt Nam, chào đón chính thức, sau đó hành trình đến văn phòng trung ương Đảng để gặp nhau và phát biểu trước công chúng.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia đang phát triển và tranh chấp lãnh thổ kéo dài giữa Việt Nam và Trung Quốc đang nóng lên ở Biển Đông. Việt Nam đã chỉ định bốn quốc gia khác là "đối tác chiến lược toàn diện" là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc và Hoa Kỳ đang mong đợi danh hiệu này.
Nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam là điểm đến "kết bạn" cho các công ty công nghệ Hoa Kỳ, giám đốc điều hành của Google (GOOGL.O), Intel (INTC.O), Amkor (AMKR.O), Marvell (MRVL.O), GlobalFoundries (GFS.O) và Boeing (BA.N) dự kiến sẽ gặp gỡ các giám đốc điều hành công nghệ Việt Nam và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken vào hôm thứ Hai tại Hà Nội.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 13,6% trong năm ngoái lên 109,39 tỷ USD, dẫn đầu là hàng may mặc, giày dép, điện thoại thông minh, đồ điện tử và đồ nội thất bằng gỗ.
Chuyến công du của ông Biden diễn ra gần 50 năm sau khi kết thúc cuộc chiến tranh không được lòng dân sâu sắc giữa chính quyền cộng sản Bắc Việt do Liên Xô hậu thuẫn và chế độ được Hoa Kỳ hậu thuẫn ở Nam Việt Nam.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với các phóng viên trong tuần này : "Chuyến công du thể hiện ‘một bước đáng chú ý trong việc tăng cường quan hệ ngoại giao của chúng ta"’và phản ánh ‘vai trò dẫn đầu’ của Việt Nam trong quan hệ đối tác của Mỹ ở Ấn Độ Dương".
Ông nói : "Trong nhiều hàng chục năm, Hoa Kỳ và Việt Nam đã nỗ lực vượt qua di sản đau thương chung của Chiến tranh Việt Nam, cùng hợp tác để hòa giải, với các quân nhân và cựu chiến binh của chúng tôi soi đường".
Washington đang nỗ lực nâng tầm quan hệ với Hà Nội lên thành quan hệ đối tác "chiến lược" từ quan hệ "toàn diện". Việt Nam đã thận trọng trước nguy cơ gây mích lòng Trung Quốc, nước láng giềng khổng lồ cung cấp nguyên liệu đầu vào quan trọng cho hoạt động thương mại xuất khẩu quan trọng, hoặc Nga, một đối tác truyền thống khác.
Việt Nam đang đàm phán với một số quốc gia khác để nâng cấp và mở rộng kho vũ khí chủ yếu do Nga sản xuất, trong đó có Cộng hòa Czech, và gần đây đã tham gia nhiều cuộc họp quốc phòng cấp cao với các quan chức hàng đầu của Nga.
Tuần trước, một ủy ban của chính phủ Hoa Kỳ đã cáo buộc Việt Nam vi phạm các quyền tự do tôn giáo, nói rằng nước này đang ở trên "một quỹ đạo tương tự như Trung Quốc về mặt quản lý và kiểm soát tôn giáo.
Nandita Bose, Francesco Guarascio and Trevor Hunnicutt
Nguyên tác : "US, Vietnam to elevate ties during Biden visit, with eye on China", Reuters, 10/09/2023
Nguồn : VNTB, 10/09/2023
**********************
Chuyến công du của tổng thống Mỹ Biden nhìn từ Việt Nam
Thùy Dương, RFI, 10/09/2023
Không dự thượng đỉnh với khối ASEAN tại Indonesia, nhưng tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay 10/09/2023, sau khi dự thượng đỉnh G20 tại New Delhi, Ấn Độ, đã bay sang Việt Nam. Chuyến công du Việt Nam của nguyên thủ Mỹ trong hai ngày 10-11/09 để thắt chặt quan hệ song phương được quốc tế quan tâm theo dõi, trong bối cảnh quan hệ Washington - Bắc Kinh đang căng thẳng.
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng (trái) tại lễ đón tổng thống Mỹ Joe Biden, Hà Nội, ngày 10/09/2023. AP - Evan Vucci
Theo AFP, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, Jake Sullivan, hôm 05/09 gọi chuyến thăm Việt Nam lần này của tổng thống Biden là "một bước ngoạn mục trong quan hệ giữa hai nước cựu thù".
Còn nhìn từ Việt Nam, người dân đón nhận thông tin về chuyến thăm của tổng thống Mỹ thế nào ? Chuyến công du của ông Biden mang lại được kết quả gì không ? Trả lời thông tín viên RFI Frédéric Noir, một người phụ nữ tên là Hoa, khoảng 40 tuổi, làm việc tại một nhà máy sản xuất giày thể thao ở thành phố Hồ Chí Minh, cho biết : "Tôi không quan tâm lắm đến chuyến viếng thăm này. Tôi nghĩ là phần lớn mọi người cũng giống tôi thôi. Vì hàng ngày chúng tôi đã có rất nhiều thứ phải lo. Chúng tôi không quan tâm lắm đến các vấn đề về chính trị, bởi vì chúng tôi cũng chẳng có tác động gì".
Ông Cường, một giáo viên về hưu, sống tại Hà Nội, cũng có cùng quan điểm với chị Hoa. Ông chia sẻ thêm : "Đối với tôi và những bạn bè của tôi, thì chuyến thăm của ông Biden không ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của người dân Việt Nam. Không thể trông cậy vào nước ngoài để giải quyết công việc nội bộ của chúng tôi với người hàng xóm láng giềng. Trong dân gian có câu "Bán anh em xa mua láng giềng gần". Nhưng Mỹ có thể giúp cho việc giao lưu hàng hải trên biển Đông trở nên dễ dàng, mà không bị ảnh hưởng bởi những tuyên bố về lãnh thổ của Trung Quốc".
Chị My, người Sài Gòn, làm về truyền thông cho một trường Đại học, thì tỏ thái độ lạc quan, phấn khởi : "Mình rất mong đợi về chuyến thăm này bởi vì mình tin là nó mang đến nhiều cơ hội để mở ra hợp tác lâu dài về kinh tế, giáo dục, bảo vệ môi trường hay nhân quyền".
Thùy Dương
Liệu Việt Nam có đón Tổng thống Joe Biden để tạo niềm tin chiến lược với Hoa Kỳ ?
Theo công bố ngày 22/8 của Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Joe Biden sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 vào tháng tới tại New Delhi, Ấn Độ.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và ông Joe Biden khi đó là Phó Tổng thống Mỹ tại Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 7/7/2015 tại Washington
Vậy là có vẻ như Hoa Kỳ chưa xác nhận tin Tổng thống Biden ghé thăm Việt Nam trong thông cáo này.
Một số cơ quan truyền thông quốc tế (Politico, Reuters) trước đó đưa tin từ Hoa Kỳ rằng, Tổng thống Joe Biden dự kiến thăm Hà Nội vào trung tuần tháng 9 này.
Câu hỏi về khả năng ông Biden thăm Hà Nội, nâng cấp quan hệ lên "Đối tác chiến lược" có lẽ vẫn là "đề tài mở" của truyền thông Việt Nam lẫn thế giới những ngày tới.
Trả lời phỏng vấn với nhà báo Nguyễn Giang của BBC News tiếng Việt ở London, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nhà nghiên cứu Chính trị học, nguyên là Đại sứ Việt Nam ở Hà Lan, tin rằng dù chưa có xác nhận chính thức, khó có nhân tố đột xuất nào khác có thể "hủy ngang" chuyến thăm Việt Nam của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng nâng ly tại cuộc hiêu đãi trọng thể của Chính phủ Mỹ hôm 7/7/2015 tại Washington - Ảnh : Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội
Đinh Hoàng Thắng : Ngoại trừ tình huống bùng nổ trên Biển Đông, hoặc Trung Quốc dọa công khai hay ngấm ngầm, như đóng cửa toàn phần biên giới với Việt Nam, việc ông Biden thăm Hà Nội xem ra không đơn giản là chuyện bỏ sang một bên mà được. Thứ nhất, ông Biden hôm mới đây vừa tuyên bố với cử tri Mỹ rằng ông sắp đi Việt Nam.
Cụ thể, ông nói : "Tôi không nói đùa đâu nhé (I am not joking)… Chúng ta đã có Phillipines và sắp tới đây, sẽ có thêm cả Việt Nam lẫn Campuchia…". Nguyên văn lời ông Biden nói : "có thêm cả Việt Nam lẫn Campuchia cũng đang muốn trở thành một phần trong sự kết nối với chúng ta" (tức Hoa Kỳ).
Thứ hai, chính phủ Việt Nam tuy chưa hồi đáp các tuyên bố này của Tổng thống Biden, nhưng cũng chưa có phát ngôn chính thức nào bác bỏ và thứ ba, tôi cho là quan trọng, đó là từ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc, chưa thấy hiện ra lời lẽ gì "khét lẹt" đối với Hà Nội.
BBC : Vì sao sau khi truyền thông quốc tế trích lời Tổng thống Biden thậm chí đã ba bốn lần nhắc tới chuyến thăm của ông tới Việt Nam mà báo chí và các nhà lãnh đạo Việt Nam không có phản ứng gì công khai, theo ông ?
Đinh Hoàng Thắng : Tôi nghĩ Việt Nam đang ở trong một tình huống khá tế nhị. Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang vừa sang Trung Quốc và ông đã được nghe các "huấn dụ" của "đồng chí cựu - tân Ngoại trưởng Vương Nghị". Vương Ngoại trưởng đề cập tới "các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao" Trung - Việt thời gian tới.
Với thời gian, Việt Nam ngày càng hiểu sâu chính sách củaTrung Quốc, nhưng cả hai đều hành động vì quyền lợi của mỗi nước. "Những dặn dò" của ông Vương Nghị liên quan đến "bảo vệ an ninh chế độ và các thể chế…" được ông Trần Lưu Quang đáp lại một cách phải đạo chứ không hề là những ràng buộc về chính sách.
Và chưa hết, Tổng thống Nga Putin cũng vừa "đánh tiếng" muốn đến thăm Việt Nam sau chuyến công du Hà Nội của Tổng thống Biden. Chúng ta hãy chờ xem "nền ngoại giao cây tre" của Việt Nam sẽ như thế nào.
BBC : Những sự kiện này nếu xảy ra, có vẻ như không còn nằm trong công thức xưa nay về sự kiên định ý thức hệ, ông giải thích điều này thế nào ?
Đinh Hoàng Thắng : Tôi nghĩ, Việt Nam đang tiệm cận đến một "tipping point" (điểm tới hạn). Lợi ích quốc gia - lợi ích dân tộc đang đặt ra cho lãnh đạo hiện nay trước sự lựa chọn, thật ra thì không khó nhưng cũng không đơn giản…
Một mặt, dễ thấy là những lôi kéo, nhắn nhủ của lãnh đạo Nga và Trung Quốc có xuất phát từ lợi ích của người dân Việt Nam đâu ! Họ chỉ xuất phát từ "các cuộc đấu đá" giữa họ với Mỹ và phương Tây và muốn "đẩy" Việt Nam vào thế lưỡng nan ấy. Mặt khác, để lựa chọn, dứt khoát lãnh đạo Việt Nam phải chọn bảo vệ lợi ích sát sườn của cả trăm triệu dân Việt Nam chứ. Ở đây đâu phải chuyện "bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn ?"
Tuy nhiên, các bài học ôn lại từ lịch sử cũng cho thấy, đôi khi xuất hiện những tình huống nguy hiểm, không đơn giản cho các nước nhỏ và vừa như Việt Nam.
Xin nhắc lại, năm 1979 Đặng tấn công Việt Nam vì Việt Nam xóa sổ Khmer Đỏ của Trung Quốc ở Cộng hòa Kampuchea Dân chủ và ký hiệp định hợp tác toàn diện với Liên Xô. Chiến tranh Trung - Việt sau đó còn dai dẳng hàng chục năm, kéo theo bao hệ lụy. Có những mặt còn nặng nề và "tai biến" hơn cả các "cuộc trường kỳ kháng chiến" trước đó. Trung Quốc đã đẩy Việt Nam vào các bẫy giương sẵn mà không biết, khiến đất nước bị "chảy máu" suốt hàng chục năm. Kinh tế tiêu điều, nội bộ lủng củng. "Tránh được vỏ dưa lại gặp vỏ dừa". Vừa thoát được chiến tranh thì lại rơi vào "bẫy" Thành Đô…
BBC : Việt Nam hay tự coi mình là nhỏ nhưng trên thế giới người ta lại cho rằng Việt Nam là quốc gia đang trên đà trở thành một nền kinh tế đáng kể, thậm chí thành "cường quốc tầm trung" ở Châu Á, ông nghĩ sao ?
Đinh Hoàng Thắng : Theo một vài tiêu chí do Liên Hiệp Quốc đặt ra thì Việt Nam có thể nghĩ đến khả năng ấy, nhưng các cuộc bàn thảo chỉ mới diễn ra trong khuôn khổ giới học giả. Cho đến khi biến được thành chương trình hành động quốc gia thì chắc còn mất thời gian. Thay đổi tư duy là một quá trình, hiện nay Việt Nam đang phải đối phó với quá nhiều vấn đề. Cả đối nội lẫn đối ngoại… Các vụ đại án trong nước đang làm hủy hoại hình ảnh đất nước. Việc định hình lại tư thế quốc gia trước hết cần tư duy đột phá của lãnh đạo.
BBC : Về khả năng Hà Nội và Washington không chỉ nâng cấp "Đối tác chiến lược Việt - Mỹ" mà thậm chí ông Biden còn nói tới khả năng vượt cấp, nâng hẳn lên "Đối tác chiến lược toàn diện" ngang tầm với Trung Quốc và Liên bang Nga thì ông nghĩ có cao hay không trong mùa thu này ?
Đinh Hoàng Thắng : Về nước Mỹ, câu chuyện nhiều phần có liên quan đến các cuộc vận động tái tranh cử của Tổng thống Biden. Ông ấy muốn cho cử tri Mỹ thấy tương lai tươi sáng trong đại chiến lược "răn đe tích hợp" của Hoa Kỳ, ứng phó với chính sách bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như trong không gian FOIP (Ấn Thái Dương tự do và rộng mở). Trên thực tế, các chiến lược gia cỡ như Điều phối viên An ninh quốc gia Campbell hay Cố vấn An ninh quốc gia Sullivan có nhằm đến vị trí của Singpore, Việt Nam, Thái Lan… trong chiến lược "xoay trục" lớn của Mỹ và phương Tây. Vì thế, "Đối tác chiến lược Việt - Mỹ" đã xuất hiện như một đòi hỏi khách quan.
Về phía Việt Nam, đây là lúc Việt Nam có cơ hội để tách dần khỏi "gọng kìm lịch sử" Trung Quốc. Nhưng từ cơ hội ấy đến khi thiết lập được một "lòng tin chiến lược" trên thực tế với Hoa Kỳ, bằng các bước đi thực chất, rồi tới các hiệp định, các hiệp ước thì cũng chưa thể xảy ra trong thời gian trước mắt.
BBC : Những nhân tố bên ngoài nào có thể đẩy nhanh tiến trình này ?
Đinh Hoàng Thắng : Diễn tiến cuộc chiến ở Ukraine, tình hình căng thẳng xung quanh eo biển Đài Loan và mới đây nhất là Philippines kiên quyết "quay xe" khỏi lập trường của Trung Quốc trên Biển Đông cho chúng ta nhiều điều phải suy nghĩ. Về bang giao Việt - Mỹ, tôi nghĩ chặng đường từ khi có "cú hích chiến lược" cho đến khi kiến tạo được "lòng tin chiến lược" giữa hai nước, vẫn còn cần thời gian. Khoảng cách ấy là bao xa khó nói trước. Đừng quên, Thái Lan - Hoa Kỳ có 180 năm quan hệ. Hiệp ước An ninh Phillipines - Hoa Kỳ đã 65 tuổi. Thế mà lòng tin chiến lược giữa họ với nhau, nhiều lúc vẫn còn "xao xuyến". Con đường trước mắt của quan hệ Việt - Mỹ có thể hình dung rõ hơn sau chuyến thăm tới đây của Tổng thống Biden nếu ông tới Hà Nội.
Nguyễn Giang thực hiện
Nguồn : BBC, 25/08/2023
Mark Esper sắp đến Việt Nam để bảo vệ cho ExxonMobil ?
Thường Sơn, VNTB, 14/10/2019
Sự tự tin của ExxonMobil khi lên tiếng về mỏ Cá Voi Xanh phát xuất tự sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ cập cảng Đà Nẵng vào đầu tháng Ba năm 2018...
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper
Tân bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper sắp đến Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến giàn khoan của Trung Quốc còn lâu mới chịu kết thúc. Tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8, và sau đó là hàng lô hàng lốc phương tiện khai thác dầu như tàu cẩu Lam Kình, giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 kéo vào Biển Đông, giễu qua ngay trước mũi Bộ Chính trị Việt Nam, và có trời mới biết còn bao nhiêu hình ảnh ngáo ộp nữa sẽ được Bắc Kinh cho trình diễn trong tương lai gần…, đã làm tê tái những kẻ vẫn cắm mặt giương cao lá cờ mang tên "Mười sáu Chữ Vàng" ở Hà Nội.
Tiền trạm cho Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper là Randall Schriver - Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách an ninh khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương. Randall Schriver đã có một cuộc gặp với Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Vào năm 2018, kết quả được xem là thành công nhất của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ khi đó là James Mattis với phía Việt Nam chỉ là một hàng không mẫu hạm của Mỹ là USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2018.
Người Mỹ có mối quan tâm đặc biệt ở Đà Nẵng, bởi nơi đây rất gần với mỏ khí đốt Cá Voi Xanh ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi, nằm cách đất liền khoảng 100km, được liên doanh khai thác giữa tập đoàn dầu khí khổng lồ của Mỹ là ExxonMobil với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Mỏ này có trữ lượng đến 150 tỷ mét khối và hứa hẹn mang lại doanh thu lên đến 60 tỷ USD, trong đó 2/3 thuộc về ExxonMobil và 1/3 dành cho nền ngân sách đang lâm vào tình trạng hộc rỗng ngoại tệ của chính thể độc tài ở Việt Nam.
Cũng bởi triển vọng siêu lợi nhuận trên, Cá Voi Xanh đã lọt vào lòng tham và tầm đe dọa của Trung Quốc. Động thái Trung Quốc điều giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng lãnh hải Việt Nam vào năm 2014 là một thông điệp rất rõ ràng về việc Bắc Kinh muốn nuốt trọn mỏ Cá Voi Xanh nếu mỏ này không được hỗ trợ bởi hải quân Mỹ.
Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố "đường Lưỡi Bò" 9 đoạn chiếm tới 90% diện tích Biển Đông, nhiều hãng dầu khí khác của Mỹ đã bỏ cuộc trước áp lực từ Trung Quốc. Nhưng ExxonMobil vẫn tiếp tục thăm dò và tập đoàn này đã phát hiện mỏ khí đốt lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay.
Nhưng vào ngày 7/11/2017 - trùng với thời gian Tổng thống Trump dự Hội nghị thượng đỉnh kinh tế APEC Đà Nẵng mà được báo chí đảng tung hô "thành công tốt đẹp" và "Việt Nam là nước hưởng lợi kinh tế lớn nhất trong APEC", ExxonMobil đã mang lại nỗi thất vọng lớn lao cho giới chóp bu Việt Nam : Chủ tịch Liam Mallon của Công ty Phát triển ExxonMobil đã tuyên bố sẽ hoãn dự án hợp tác với Việt Nam trên biển Đông tới năm 2019, với lời giải thích rất cô đọng : "chúng tôi cần phải đạt được một số thỏa thuận cụ thể" trước khi triển khai đầu tư chính thức.
Khi đó, một số đánh giá đã giả thiết về nguyên nhân chủ yếu và có thể là duy nhất của việc phải hoãn dự án có thể là Trung Quốc gây sức ép mà đã khiến Việt Nam có thể phải điều đình để ExxonMobil tạm ngừng khai thác mỏ Cá Voi Xanh.
Đến tháng Ba năm 2018 khi xảy ra vụ Repsol phải lần thứ hai liên tiếp rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, giả thiết đã biến thành thực tế được xác nghiệm một cách sống sượng : vẫn là "đối tác chiến lược toàn diện lớn nhất của Việt Nam" là Trung Quốc đã nhảy bổ vào nhà của giới chóp bu Việt Nam để đòi không được hợp tác với Mỹ mà phải hợp tác với Trung Quốc để khai thác dầu khí.
Vào tháng Tư năm 2018, lần đầu tiên ExxonMobil đã lên tiếng liên quan đến mỏ Cá Voi Xanh. Tuy không xác nhận về một sức ép của Trung Quốc đối với mỏ dầu khí dồi dào trữ lượng này, ExxonMobil vẫn khẳng định kế hoạch và lộ trình sắp tới - một biểu hiện cho thấy tập đoàn này không mấy lo ngại cho dù Bắc Kinh sẽ làm những động tác nhằm bắt buộc ExxonMobil phải rút khỏi mỏ Cá Voi Xanh như đã khiến Repsol phải rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ.
Sự tự tin của ExxonMobil khi lên tiếng về mỏ Cá Voi Xanh phát xuất tự sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ cập cảng Đà Nẵng vào đầu tháng Ba năm 2018, nằm trong chiến lược tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đông và sẵn sàng đối đầu với hải quân Trung Quốc.
Cho tới nay, dự án Cá Voi Xanh đã nhận được sự ủng hộ công khai và mạnh mẽ của Chính phủ Mỹ. Rất có thể chuyến công du Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper sẽ nhắm đến một trong những mục đích lớn là làm cách nào để bảo vệ mỏ Cá Voi Xanh và ExxonMobil trước sự đe dọa của Trung Quốc.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 14/10/2019
******************
Mark Esper đến Việt Nam : Nhìn lại hai chuyến công du của Jim Mattis
Thường Sơn, VNTB, 12/10/2019
Người vừa trở thành Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ - Mark Esper - sẽ có một chuyến công du Việt Nam, nhiều khả năng diễn ra tháng 10 năm 2019, với mục đích danh nghĩa là "thảo luận việc gia tăng hợp tác quốc phòng giữa hai nước".
Tổng thống Donald Trump ký sắc luật phong Mark Esper Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ - Ảnh minh họa
Đó sẽ là chuyến công du Việt Nam lần thứ ba của hai đời Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ - một mật độ đặc biệt, cho thấy Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên chiến lược xoay trục về Châu Á - Thái Bình Dương và mối quan tâm về vấn đề Biển Đông và Việt Nam.
Vào năm 2018, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ khi đó là Jim Mattis đã có đến hai lần công du Việt Nam - tháng Giêng và tháng Mười.
Chuyến công du Việt Nam tháng 3 năm 2018 của Jim Mattis diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tiến vào giai đoạn căng thẳng của chiến dịch dựng đứng hàng rào thuế quan đầu tiên do Tổng thống Donald Trump là tổng đạo diễn, trong khi các hạm đội 7 và hạm đội 5 của hải quân Hoa Kỳ ngày càng áp sát Biển Đông, trong bối cảnh ngày 10/10/2018 Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật cắt đứt đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông.
Còn tương lai về một cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ tại khu vực này đang dâng lên như một cơn sóng thần cấp độ vừa phải.
Chuyến công du trên cũng là lần thứ hai liên tiếp trong vòng 10 tháng kể từ khi Jim Mattis nhận lãnh chức vụ Bộ trưởng quốc phòng Mỹ - một mật độ ‘thăm viếng’ khá dày đặc đối với quốc gia cách Mỹ đến nửa vòng trái đất.
Lần đầu tiên Jim Mattis đặt chân đến Hà Nội là vào tháng Giêng năm 2018, tiếp liền sau chuyến đi Washington của Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch mà có thể hiểu như lời cầu cứu rõ như ban ngày : chính thể độc đảng ở Việt Nam liên tiếp bị ‘bạn vàng’ Trung Quốc gây sức ép cả về chiến thuật ‘ngoại giao tàu cá’ lẫn tàu hải giám và tàu quân sự vây bọc khu vực mỏ Cá Rồng Đỏ ở Bãi Tư Chính phía đông nam Việt Nam - một chiến dịch mà Bắc Kinh đã quá thành công trong việc ‘hù’ Việt Nam, khiến công ty dầu khí Repsol của Tây Ban Nha (liên doanh với Việt Nam) phải cuốn cờ tháo chạy khỏi mỏ dầu khí này.
Khi đó, tình cảnh của Bộ Chính trị Việt Nam thật chẳng khác gì ‘mỡ treo miệng mèo’ : ngay cả dầu khí trong vùng biển được xem là ‘chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’ cũng không làm cách nào ‘ăn’ được.
Trong khi đó, Mỹ lại đang cần đến cái gật đầu của Việt Nam để phát triển triết lý ‘tàu Mỹ đi qua vô hại’ ở Biển Đông - như một cách lý giải của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho báo giới quốc tế, bắt đầu từ năm 2016 và vẫn tồn tại cho đến giờ. Tuy vậy, các hạm đội Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ không phải cần đến sự chuẩn thuận của giới chóp bu Việt Nam như một điều kiện cần, mà chỉ là điều kiện đủ trong bối cảnh dù Việt Nam có gật hay lắc thì các tàu chiến Mỹ cũng đã áp sát quần đảo Hoàng Sa - trên danh nghĩa là thuộc Việt Nam nhưng đã thuộc về sự chiếm cứ của ‘người đồng chí tốt’ từ hơn bốn chục năm qua.
Chỉ vài tháng sau chuyến đến Việt Nam lần đầu tiên của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis, đến tháng Ba năm 2018 đã hiện ra một hình ảnh chưa từng có tiền lệ kể từ thời điểm 1975 : một hàng không mẫu hạm của Mỹ là USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng - vùng biển mà 5 năm trước lần đầu tiên đã có 3 tàu chiến của Mỹ cập bến để ‘giao lưu hải quân’ với phía Việt Nam.
Nhưng ngay sau khi hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson rút về nước và công ty Repsol của Tây Ban Nha cùng đối tác của nó ở Việt Nam một lần nữa thử khai thác dầu khí ở mỏ Cá Rồng Đỏ, nỗi nhục Bãi Tư Chính lại nổ ra lần thứ hai và phủ đầy khắp bộ mặt chính thể Việt Nam : một lần nữa Repsol phải tháo chạy khỏi mỏ dầu khí này sau khi Trung Quốc lại ra tay dọa dẫm. Và đó là lần mà Repsol có vẻ ‘một đi không trở lại’. Còn ‘bản lĩnh Việt Nam’ đã chỉ hiển hiện đến mức cúi đầu chấp nhận bồi thường cho Repsol một số tiền lớn - có thể từ 400 triệu USD đến hàng tỷ USD, nhưng còn lâu mới dám hó hé trước sức ép ngày càng thô bạo của Trung Quốc.
Còn vào lần này, Tân bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper đến Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến giàn khoan của Trung Quốc còn lâu mới chịu kết thúc. Tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8, và sau đó là hàng lô hàng lốc phương tiện khai thác dầu như tàu cẩu Lam Kình, giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 kéo vào Biển Đông, giễu qua ngay trước mũi Bộ Chính trị Việt Nam, và có trời mới biết còn bao nhiêu hình ảnh ngáo ộp nữa sẽ được Bắc Kinh cho trình diễn trong tương lai gần…, đã làm tê tái những kẻ vẫn cắm mặt giương cao lá cờ mang tên ‘Mười sáu Chữ Vàng’ ở Hà Nội.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 12/10/2019
Khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang, Việt Nam trở thành quốc gia hưởng lợi nhất trong khu vực. Tuy nhiên, vì thặng dư thương mại tăng vọt, Hà Nội đã gây ra sự chú ý từ Tổng thống Trump. Washington tiến hành áp đặt thuế quan với Việt Nam, đồng thời nghi ngờ Hà Nội thao túng tiền tệ. Có những dấu hiệu cho thấy sẽ có những biện pháp trừng phạt tiếp theo được đưa ra, trừ khi Hà Nội giảm thặng dư.
Nghị sĩ Nghị viện Châu Âu, ông Bernd Lange về khái niệm của EU về thương mại dựa trên giá trị. Ảnh : FES Việt Nam
Dù thế, Washington không nên khơi mào một cuộc chiến với Hà Nội vào thời điểm mà bản thân Mỹ cần các đồng minh khu vực để đối phó với những gì Washington coi là "trò bắt nạt" của Trung Quốc ở Biển Đông.
Với chi phí lao động thấp, chính trị ổn định, và có chính sách "trải thảm đỏ" cho nhà đầu tư, cũng như là láng giềng với Trung Quốc. Hà Nội, được xem như là một vị trí thuận lợi cho các công ty nước ngoài có trụ sở tại Trung Quốc tìm đến. Bản thân các công ty khác trong khu vực ASEAN cũng tìm đến Việt Nam như là một trung tâm sản xuất – bất cứ thứ gì từ đồ thể thao đến máy tính – và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực .
Trong những năm gần đây, FDI đã tăng mạnh cùng với thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ, với kỷ lục 40 tỷ USD năm ngoái . Trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ dưới thời Barack Obama hướng tới Hà Nội như là một phần của xoay trục Á Châu. Vị tổng thống này đã chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí lâu đời và đưa Hà Nội vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vào tháng Hai, Tổng thống Trump đã ca ngợi những thành tựu và nỗ lực của Hà Nội nhằm giảm sự mất cân bằng thương mại của các nước, nhưng thái độ của ông sau đó đã thay đổi, có lẽ là ông có những bằng chứng cho thấy Việt Nam trốn thuế quan của Mỹ. Và vào tháng Năm, Tổng thống Trump trong một cuộc phỏng vấn trên truyền thông Mỹ, đã coi Việt Nam "gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất".
Đối với Tổng thống Donald Trump, người được cho là luôn đề đạt các phương thức để đạt được các thỏa thuận thương mại tốt hơn cho Mỹ thì thâm hụt thương mại với Việt Nam là không bền vững. Rủi ro này tiếp tục gia tăng khi các báo cáo cho thấy, một số công ty có trụ sở tại Trung Quốc, cả trong và ngoài nước, đang chuyển sản phẩm qua Việt Nam để tránh hàng rào thuế quan của Washington. Phạm vi của cái gọi là trung chuyển không rõ ràng, nhưng điều này, cùng với những lo ngại của Hoa Kỳ về việc tiếp cận thị trường Việt Nam, đã góp phần vào quan điểm của Washington khi cho rằng : Hà Nội chơi không sòng phẳng.
Việt Nam tuyên bố sẽ trấn áp các vi phạm thương mại và áp dụng thuế chống bán phá giá đối với một số hàng hóa Trung Quốc. Lên tiếng sẵn sàng đẩy mạnh nhập khẩu từ Mỹ để giảm thặng dư, gần đây nhất là mua các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, không vì thế mà Hà Nội thoát ra khỏi tầm giám sát của Washington, khi mới đây, Việt Nam nằm trong danh sách theo dõi khả năng thao túng và phải chịu mức thuế lên tới 456% đối với thép có nguồn gốc từ Hàn Quốc hoặc Đài Loan. Các lô hàng được cho là sẽ được chuyển đến Việt Nam để xử lý nhỏ sau đó tái xuất sang Mỹ.
Tuy nhiên, sẽ có những yếu tố khiến Washington buộc phải kiềm chế. Trong số đó có việc, Hà Nội đang giúp củng cố chiến lược chính sách đối ngoại không kém phần quan trọng của Mỹ trong khu vực : ngăn chặn sự bành trường ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Một tuyến hàng hải quan trọng, với 3.000 tỷ USD thương mại đi qua hàng năm, vùng biển này cũng rất giàu tài nguyên năng lượng. Và Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết các tuyến đường thủy ; bồi lấp các đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng.
Hà Nội được cho là sẵn sàng nhất để thách thức các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc có một chuỗi thời gian bị buộc tội can thiệp vào các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam. Năm 2014, một giàn khoan dầu của Trung Quốc đã rút khỏi vùng biển mà Hà Nội tuyên bố chủ quyền sau các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trên toàn quốc tại Việt Nam. Gần đây, Bắc Kinh tiếp tục chơi trò "mèo vờn chuột" khi đưa tàu thăm dò địa chất đi vào sát bờ biển biển Việt Nam. Hành động này Trung Quốc đã bị Hà Nội lên án và gây lo ngại ở Mỹ .
Nhưng sự sẵn sàng của Việt Nam đối đầu với Trung Quốc có thể bị cắt giảm nếu Mỹ chọn trừng phạt bằng các mức thuế tiếp theo hoặc các hình phạt thương mại khác. Tổng thống Trump sẽ không muốn thấy Việt Nam trở nên dễ dãi hơn với Bắc Kinh, giống như trục chính của Philippines đối với Trung Quốc.
Ngay sau khi lên nắm quyền vào năm 2016, Tổng thống Rodrigo Duterte đã tìm cách sửa chữa các mối quan hệ căng thẳng trước đây với Bắc Kinh để thu hút đầu tư và thương mại. Duterte đã gây tranh cãi khi ông chấp thuận các yêu sách của Trung Quốc đối với vùng nội thủy và đồng ý khai thác chung. Nhưng điều này chỉ thúc đẩy Trung Quốc tiếp tục gia tăng hoạt động bành trướng của mình.
Việt Nam thà không hướng chọn đến Mỹ hay Trung Quốc. Nước này đã cố gắng lèo lái qua lại giữa hai bên, chủ yếu vì nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào thương mại với Mỹ-Trung. Nhưng theo thời gian, điều này sẽ giảm dần, khi Hà Nội theo đuổi chính sách đa dạng hóa các đối tác thương mại. Đáng chú ý nhất là, CPTPP, và gần đây là một thỏa thuận với Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA), vốn được coi là thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất mà EU từng được ký kết với một quốc gia đang phát triển.
Thành quả của những thỏa thuận này có thể mất một thời gian để hiện thực hóa. Trong khi đó, thật khó để không có một chút thiện cảm với một quốc gia, đã không làm gì quá sai, trong khi rắc rối Biển Đông vẫn đang tồn tại.
Mỹ có lẽ sẽ có những lựa chọn khôn ngoan.
Yigal Chazan
Thượng đỉnh Trump-Kim : Tại sao Trump chọn Việt Nam ? (VOA, 08/02/2019)
Tổng thống Donald Trump loan báo Việt Nam là nước tổ chức họp thượng đỉnh lần thứ hai của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, một động thái mà một số nhà bình luận xem như nỗ lực của Hà Nội để tự chống đỡ trước sự xâm lược của cường quốc Trung Quốc, theo bài phân tích trên ABC Australia đăng ngày 7/2.
Tàu sây bay USS Carl Vinson thăm cảng Đà Nẳng ngày 5/3/2018.
Mục đích của Washington trong cuộc họp Trump-Kim cuối tháng này là để Triều Tiên đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân của họ, nhưng Bình Nhưỡng muốn toàn thể bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân, kể cả kho vũ khí của Mỹ tại Hàn Quốc.
Quyết định họp thượng đỉnh tại Việt Nam, một quốc gia dưới sự cai trị của đảng Cộng sản và một nền kinh tế thị trường tự do cùng tồn tại, có tiềm năng biểu tượng.
"Việt Nam nằm trong thế thù địch gay cấn với Trung Quốc tại Biển Đông, do đó Hà Nội đang tìm sự hỗ trợ ngoại giao trong vùng và trên trường quốc tế để làm rào cản ngăn chặn Bắc Kinh", ông Murray Hiebert thuộc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington được ABC Australia dẫn lời.
Hà Nội có lịch sử với Washington lẫn Bình Nhưỡng.
Là một quốc gia cộng sản theo chế độ độc đảng, Việt Nam tự hào về việc kiểm soát chính trị chặt chẽ và một bộ máy an ninh hữu hiệu. Việt Nam cũng đã tổ chức tổ chức thành công Hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương tại thành phố biển Đà Nẵng và Diễn đàn Kinh tế Thế giới của khu vực vào năm ngoái tại thủ đô Hà Nội.
"Như Singapore nơi hai nhà lãnh đạo gặp nhau trước đây, Việt Nam là một nơi rất an ninh", ông Hiebert nói.
"Công an Việt Nam có thể đẩy lùi những đám đông tò mò và giữ các nhà báo tại những khu vực được chỉ định", ông Hiebert nói thêm.
Việc ông Trump tham dự hội nghị APEC năm 2017 có nghĩa là "ông quen thuộc với nước này và có quan hệ tốt với các nhà lãnh đạo", vẫn theo phân tích của ông Hiebert.
Ông Kim cũng tương tự như vậy.
Dù Triều Tiên có lịch sử khác biệt, nhưng hai quốc gia cộng sản này cùng chia sẻ lịch sử chống đế quốc và những quan hệ nước đôi đối với Trung Quốc.
"Việt Nam và Triều Tiên có các quan hệ cộng sản anh em lâu dài, do đó Triều Tiên quen thuộc vớí quốc gia cũng như các quan chức của nước này", ông Hiebert nói.
"Triều Tiên cũng cảm thấy tin tưởng là bộ máy an ninh của Việt Nam có thể bảo vệ an toàn ông Kim".
Việt Nam là trường hợp điển hình của kẻ thù trở thành đồng minh.
Việt Nam đưa ra cho các nhà thương thuyết thượng đỉnh Mỹ một trường hợp điển hình là làm thế nào một cựu thù cộng sản trở thành một đối tác thương mại và an ninh.
Trong một bài diễn văn đọc trước cộng đồng doanh nhân tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói ông Trump tin là Bình Nhưỡng có thể "rập khuôn" con đường của Việt Nam.
"Các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thức được rằng nước họ có thể cải cách, có thể mở cửa và xây dựng các quan hệ mà chủ quyền, nền độc lập và hình thức chính phủ không bị đe dọa", ông nói.
"Tôi có một thông điệp cho Chủ tịch Kim Jong-un : Tổng thống Trump tin là nước của quý vị có thể rập khuôn con đường này. Mọi chuyện thuộc về quý vị nếu quý vị nắm bắt thời điểm này".
Bằng cách giúp Washington đạt được những mục tiêu của chính sách Triều Tiên, Việt Nam có thể hoàn tất mong muốn có những quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ về các mặt khuyến khích thương mại và đầu tư và sử dụng như một đối trọng chiến lược đối với Trung Quốc.
"Quốc gia này có thể thu hút sự chú ý đáng kể của quốc tế, đặc biệt là du khách và các nhà đầu tư qua việc truyền thông tường thuật cuộc họp thượng đỉnh", ông Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS Yusof Ishak ở Singapore nói.
"Đây cũng là một cơ hội cho Việt Nam chứng tỏ chính sách ngoại giao tích cực, qua đó Việt Nam có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng quốc tế, cũng như hòa bình và an ninh trong vùng", chuyên gia này nói.
(Theo ABC/AP)
********************
Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino hôm 7/2 ca ngợi Việt Nam khi thông tin thêm về cuộc gặp diễn ra vào cuối tháng này giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
"Việt Nam là một đối tác và là người bạn thân thiết của Mỹ, và chúng tôi cám ơn chính phủ Việt Nam vì sự hào phóng khi đăng cai hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai này", ông Palladino nói tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ tại thủ đô Washington D.C.
Người phát ngôn này nói thêm rằng hiện hai bên đang xúc tiến các cuộc gặp để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa lãnh đạo Mỹ và Bắc Hàn, trong đó có cuộc thảo luận giữa đặc sứ Mỹ về Triều tiên Stephen Biegun và đối tác Kim Hyok-chol ở Bình Nhưỡng.
Khi được hỏi thêm về nơi Tổng thống Trump sẽ gặp lãnh tụ Kim ở Việt Nam vào ngày 27 và 28/2, ông Palladino nói rằng điều đó "sẽ được công bố" khi mọi chuyện sẵn sàng, và hiện ông chưa có thông tin gì thêm.
"Chúng tôi ngay lúc này đang làm việc về các chi tiết, và chúng tôi nóng lòng đón chờ một hội nghị thượng đỉnh hết sức tốt đẹp", Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tiếp.
Trước đó, có tin nói rằng ông Trump thích thành phố Đà Nẵng, nơi nguyên thủ Mỹ từng tới dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, nhưng ông Kim Jong-un lại muốn tới Hà Nội.
Quan chức Mỹ lâu nay vẫn coi Việt Nam là một hình mẫu mà Bắc Hàn có thể học hỏi trong mối quan hệ với Hoa Kỳ.
Chính phủ Hàn Quốc hôm 6/2 nhận xét rằng việc chọn Việt Nam là nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh tụ Kim Jong-un "mang tính biểu tượng quan trọng", cho thấy rằng vẫn có thể thiết lập mối quan hệ bạn hữu với Mỹ sau một thời gian dài thù nghịch.
Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino dường như cũng nhắc tới điều này khi đề cập tới chuyện hai nước cựu thù "vượt qua xung đột và chia rẽ" để có được mối "quan hệ đối tác thịnh vượng" như hiện nay.
Trên Twitter, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 6/2 viết rằng Hà Nội "mạnh mẽ ủng hộ các cuộc đối thoại nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên" và "sẵn sáng tích cực đóng góp và hợp tác với các bên liên quan để bảo đảm thành công của hội nghị thượng đỉnh lần hai".
Viễn Đông
*******************
Việt Nam quyết tổ chức thành công thượng đỉnh Trump-Kim (VOA, 08/02/2019)
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và 28/2 tại Việt Nam, Hà Nội bày tỏ cam kết làm cho cuộc họp này thành công.
Đặc sứ Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun (giữa) bị các nhà báo bao vây khi ông đến phi trường quốc tế Incheon ở Incheon, Hàn Quốc, ngày 3/2/2019.
"Việt Nam sẵn sàng có những đóng góp tích cực và hợp tác với các bên liên hệ để đảm bảo cuộc họp thượng đỉnh thứ nhì Mỹ-Triều thành công, giúp thực hiện mục tiêu kể trên", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố ngày 6/2.
Theo bài phân tích trên Nikkei Asian Review, Việt Nam được chọn vì tính trung lập. Triều Tiên có tòa đại sứ ở Hà Nội, và đã có quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam. Trong khi đó Hoa Kỳ đã có những nỗ lực để cải thiện các quan hệ với Việt Nam kể từ khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt.
Trong khi thành phố diễn ra thượng đỉnh chưa được công bố, thành phố Đà Nẵng ở miền trung, trước đây tổ chức hội nghị các nhà lãnh đạo Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương 2017, được xem như là ứng cử viên mạnh mẽ nhất. Thành phố có đường sá rộng rãi và nhiều khách sạn sang trọng dọc theo bờ biển. "Đây là một vị trí thuận lợi cho việc gặp gỡ của các giới chức quan trọng nhất", một nguồn tin thân cận với đảng Cộng sản Việt Nam cho Nikkei Asian Review biết.
Đà Nẵng là "chiến trường ác liệt trong chiến tranh Việt Nam, nhưng kể từ đó đã trở thành một thành phố nghỉ mát biểu tượng", phó giáo sư Atsuhito Isozaki, tại trường đại học Keio ở Tokyo chuyên nghiên cứu về Triều Tiên nói. Ông Isozaki nói thêm xét về khía cạnh nỗ lực của Triều Tiên muốn biến thành phố Wonsan ở phía đông nước này thành một khu nghỉ mát, Đà Nẵng "có thể là một cử chỉ của chính phủ Hoa Kỳ khuyến khích Bình Nhưỡng".
Khi ông Trump và ông Kim gặp nhau tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái, nhà lãnh đạo Triều Tiên mượn một máy bay của Trung Quốc thay vì sử dụng máy bay của mình, vốn đã cũ. Việt Nam gần với Triều Tiên hơn và ông Kim có thể sử dụng những phương tiện khác, kể cả xe lửa.
Về mặt tiếp vận, ông Cheong Seong-chang thuộc Viện nghiên cứu Sejong của Hàn Quốc chỉ ra rằng trong khi cuộc họp thượng đỉnh năm ngoái tại Singapore bắt đầu vào 9 giờ sáng và kết thúc sau 2 giờ chiều, thời biểu hai ngày trong lần gặp tháng này giúp hai bên có "nhiều thời gian thảo luận về phi hạt nhân hóa và những khung làm việc cho hòa bình".
Giữa lúc việc chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai được tiến hành, Hoa Kỳ ra chỉ dấu cho thấy có thể nhượng bộ một ít để đổi lấy tiến bộ về những cuộc thương thuyết phi hạt nhân hóa đã bị đình trệ.
Đặc sứ Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun, đã từ Căn cứ Không quân Osan ở Hàn Quốc bay đến Bình Nhưỡng ngày thứ Tư 6/2. Ông đáp xuống Bình Nhưỡng vào khoảng 10 giờ sáng, thông tấn xã Tass của Nga cho biết, và đã gặp người tương nhiệm Kim Hyok Chol, để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh.
"Chúng tôi chuẩn bị thảo luận nhiều hành động có thể giúp xây dựng lòng tin giữa hai quốc gia chúng tôi", ông Biegun tuyên bố vào ngày 31/1. Trong khi trước đây Hoa Kỳ bác bỏ bất cứ sự nhượng bộ nào cho tới khi Triều Tiên có những tiến bộ cụ thể về phía phi hạt nhân hóa, nhận xét của ông Biegun cho thấy Hoa Kỳ có khuynh hướng uyển chuyển hơn, dù vẫn giữ những chế tài đối với Triều Tiên. Những khả năng này bao gồm tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.
Triều Tiên mong đợi chấm dứt nhanh chóng các chế tài đã bóp nghẹt nền kinh tế nước này. Triều Tiên trước tiên muốn tái tục những dự án chung với Hàn Quốc, như khu Phức hợp Công nghiệp Kaesong, trước khi dần dần thuyết phục cộng đồng quốc tế nới lỏng các áp lực.
"Sau 7 năm ngưng trệ, mỗi bên dường như đã quyết định dành nhiều thời gian vào lúc này để thương thuyết", Nikkei Asian Review dẫn lời bà Lisa Collins, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington.
Trong khi đó Trung Quốc và Hàn Quốc cũng hoan nghênh loan báo về họp thượng đỉnh tại Việt Nam. Trung Quốc xem đây là một cơ hội tổ chức họp thượng đỉnh với ông Trump để giải tỏa căng thẳng thương mại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang nhắm đến những cuộc thảo luận trực tiếp với ông Trump trước hay sau khi Tổng thống Mỹ gặp ông Kim vào cuối tháng này. Theo những nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, ông Tập đã nêu lên ý định của ông góp phần vào việc giải quyết những vấn đề trên bán đảo Triều Tiên bằng những cuộc thảo luận trực tiếp với ông Trump, trong khi cũng tìm những đồng thuận trong việc giải quyết những xung đột thương mại Mỹ-Trump.
Tuy nhiên ngày giờ và địa điểm cho cuộc họp thượng đỉnh Trump-Tập vẫn chưa ấn định, những người có liên hệ đến đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc nói. Những vấn đề như vậy dường như đã được đưa ra trong những cuộc thảo luận cấp Bộ trưởng tại Trung Quốc với một phái đoàn do Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer dẫn đầu.
Một phát ngôn viên của phủ Tổng thống Hàn Quốc, ông Kim Eui-kyeom nói Seoul hy vọng Washington và Bình Nhưỡng sẽ có những bước quan trọng và cụ thể tại Việt Nam tiến đến việc xóa sạch những tranh chấp lịch sử tại cuộc họp thượng đỉnh năm ngoái ở Singapore.
Ông Kim nói Việt Nam hiện là bạn của Hoa Kỳ dù trước đây đã sử dụng "gươm và súng" chống Mỹ, đồng thời ông cũng bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ là một "sân khấu vĩ đại" để Hoa Kỳ và Triều Tiên viết nên trang sử mới.
(Theo Nikkei Asian Review)
*********************
Tiến sĩ Nguyễn Việt Phương, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Belfer, Đại học Harvard của Hoa Kỳ, trao đổi với VOA về các điểm lợi khi Việt Nam đăng cai cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra vào ngày 27/28 tháng 2.
VOA : Thư a tiến sĩ Nguyễn Việt Phương, ông có thể phân tích các điểm lợi cho nước chủ nhà khi thượng đỉnh Trump-Kim được tổ chức ở Việt Nam ?
Nguyễn Việt Phương : Về mặt đối ngoại song phương, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc cải thiện mối quan hệ với ba nước : Hoa Kỳ, Triều Tiên và Hàn Quốc. Về phía Hoa Kỳ, việc Việt Nam đứng ra tổ chức một sự kiện quan trọng với ông Donald Trump về mặt đối ngoại này thì chứng tỏ rằng Việt Nam sẵn sàng làm một đối tác tin cậy của Hoa Kỳ trong khu vực Đông Nam Á. Đây là một cơ hội rất thuận lợi cho Việt Nam trong bối cảnh rất nhiều nước trong khu vực muốn giành lấy vị trí này như Singapore, Thái Lan, Philippines…
Hàn Quốc, một đối tác lớn của Việt Nam về kinh tế, lại là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất các cuộc đối thoại của Tổng thống Donald Trump và Lãnh đạo Kim Jong-un. Khi Việt Nam tổ chức cuộc gặp này thì phía Hàn Quốc đánh giá là Việt Nam đã giúp Hàn Quốc vấn đề quan trọng nhất về cả an ninh và ổn định tại bán đảo Triều Tiên.
Về phần Triều Tiên, quan hệ trong thời gian vừa qua giữa Việt Nam và Triều Tiên không có quá nhiều biến động, nhưng cũng không quá tốt ! đặc biệt sau những sự kiện như công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương bị dính líu đến vụ ám sát Kim Jong-nam ở Malaysia năm 2017. Về mặt hệ chính trị, Việt Nam và Triều Tiên được coi là hai quốc gia gần gũi. Qua sự kiện này, Việt Nam có thêm một quan hệ tốt và thuận lợi với Triều Tiên, đặc biệt Triều Tiên muốn học hỏi mô hình cải tổ kinh tế của một số nước như Việt Nam, Trung Quốc… Như vậy Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để chia sẻ với Triều Tiên những bài học về quá trình đổi mới của Việt Nam từ năm 1986. Việc này không chỉ tác động đến Triều Tiên và tác động đến nền chính trị, kinh tế quốc tế bởi vì nước này là một chủ đề nóng trên thế giới. Nếu Việt Nam đóng một vai trò trong việc Triều Tiên mở cửa thì đây sẽ là một đóng góp hết sức quan trọng của Việt Nam đối với nền chính trị, an ninh quốc tế".
VOA : Trên bình diệ n đa phương, thì thượng đỉnh Trump-Kim có ích lợi gì cho Việt Nam ?
Nguyễn Việt Phương : Về mặt đa phương, trong thời gian vừa qua Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để chứng tỏ rằng mình là một quốc gia tích cực trong khu vực và trên quốc tế thông qua những việc như đi tiên phong trong khu vực Đông Nam Á trong việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông ; đi tiên phong trong khu vực Đông Á về thúc đẩy hợp tác khu vực, và gần đây là việc ứng cử một lần nữa làm ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Một trong các động thái để chứng tỏ rằng Việt Nam có thể cải thiện được vị trí là một quốc gia tiên phong trong khu vực, hay giữa các nước tầm trung trên thế giới… Đó là những hoạt động quan trọng trong an ninh khu vực, cụ thể là cuộc gặp Trump-Kim lần thứ hai này".
VOA : Thư a tiến sĩ, khi Việ t Nam tổ chức thượng đỉnh này thành công thì mối quan hệ giữa Hà Nội và Washington sẽ tiến triển ra sao ?
Nguyễn Việt Phương : Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian vừa qua là rất nồng ấm. Hoa Kỳ coi trọng vị trí của Việt Nam tại khu Đông Nam Á. Khi Việt Nam tổ chức sự kiện này sẽ tái khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc duy trì an ninh tại khu vực – mà việc này có lợi cho Mỹ tại khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, Mỹ còn muốn kìm tỏa Trung Quốc, đặc biệt là từ các nước xung quanh, thông qua chính sách mới của họ Ấ n Độ Dương – Thái Bình Dương và Việt Nam là một nước có xuất phát điểm thấp trong chính sách này. Khi Việt Nam hỗ trợ được Mỹ trong việc giải quyết một trong những điểm nóng lớn nhất trên thế giới của Mỹ ngoài khu vực Ấ n Độ Dương – Thái Bình Dương – đó là Triều Tiên, thì Việt Nam tự khắc sẽ thành một đối tác ở tầm chiến lược cao hơn nữa đối với Mỹ trong việc triển khai chính sách Ấ n Độ Dương – Thái Bình Dương để kìm tỏa Trung Quốc trong thời gian tới".
VOA : Việ t Nam có những nét tương đồng với Triều Tiên và có thể chia sẻ với Bình Nhưỡng, tiến sĩ nhận định vấn đề như thế nào ?
Nguyễn Việt Phương : Khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ năm 1979, là do Việt Nam đưa quân vào Campuchia. Việc đưa quân này một phần giúp Việt Nam ổn định biên giới Tây Nam, nhưng lại là nguyên nhân khiến Việt Nam bị cô lập tại khu vực và trên trường quốc tế, tức là rơi vào tình trạng gần giống như Triều Tiên hiện tại. Từ năm 1986 Việt Nam đã mở cửa nền kinh tế và chính sách này và Việt Nam hoàn toàn có thể chia sẻ bài học này đối với Triều Tiên. Hơn nữa, Việt Nam và Triều Tiên có một hệ tư tưởng khá gần gũi, một nền chính trị tương đối tương đồng. Trên thế giới có hai mô hình mà Triều Tiên có thể học hỏi được là mô hình của Trung Quốc và của Việt Nam. Nhưng Trung Quốc có nguồn lực khác nhiều so với Triều Tiên, vì vậy xét trên nhiều khía cạnh thì Việt Nam có lẽ là mô hình phù hợp nhất để Triều Tiên học hỏi, để mở cửa nền kinh tế. Nếu Việt Nam chia sẻ được các bài học của mình cho Triều Tiên thì đó là một điều rất tốt cho quan hệ hai nước và cho quốc tế".
An Hải
Bản chất cuộc so găng
Không giống như sự nổi lên của Nhật Bản thập niên 70s-80s biến nước này thành một hội viên được đón chào của câu lạc bộ phương Tây, sự trỗi dậy của Trung Quốc mang dáng dấp của Nga Sô sau Thế Chiến II ở chỗ đều thách thức trật tự quốc tế hiện hành do phương Tây kiểm soát với sự tự tin rằng họ đang vận hành một mô hình phát triển ưu việt hơn.
Việt Nam làm gì trước cuộc so găng Trung - Mỹ (phương Tây) ?
Những thành tựu phát triển của Nga Sô thời bấy giờ và của Trung Quốc hiện nay quả nhiên có thể biện minh cách tiếp cận này của họ. Hơn thế nữa, trở thành siêu cường khi mà phương Tây đã bao vây khắp mọi nơi, không có nhiều lựa chọn cho Nga Sô và Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh sinh tồn này ngoài việc phải xô đổ trật tự cũ. Nếu Nga Sô phải phá vòng vây bằng cách hỗ trợ các dân tộc thuộc địa vùng lên chống thực dân phương Tây và sau đó tham gia vào hệ thống xã hội chủ nghĩa do họ dẫn dắt, thì Trung Quốc đang tổng hợp những nỗ lực tương tự của mình trong Sáng kiến Vành đai Con đường đầy tham vọng nhằm chia lại vùng ảnh hưởng toàn cầu.
Như vậy, cũng như Nga Sô trước đây, cuộc so găng của Trung Quốc với phương Tây không chỉ bó hẹp trong một lãnh vực cụ thể mà thực chất là sự cạnh tranh chiến lược giữa hai mô hình phát triển : Về kinh tế, một bên nhấn mạnh vai trò quyết định của nhà nước, bên kia coi trọng sáng kiến tư nhân ; về chính trị, một bên tăng cường độc đoán cưỡng bách đảng trị, bên kia dựa vào dân chủ tự do pháp trị.
Bản chất mô hình phát triển dựa vào nhà nước là không khác nhưng Trung Quốc hơn Nga Sô ở chỗ tận dụng thành công bối cảnh toàn cầu hoá để học hỏi phương Tây bổ sung các yếu tố thị trường vào nền kinh tế ; và cũng vì thế mà kém Nga Sô ở chỗ chưa thể xây dựng một hệ thống toàn cầu theo mô hình của mình bởi lẽ chính Trung Quốc cũng chưa đủ thời gian để hệ thống hoá chặt chẽ một mô hình mà họ chỉ mới mày mò nhờ ‘dò đá qua sông’.
Nghĩa là hơn Nga Sô về chiến thuật nhưng kém về chiến lược vậy.
Đấu trường chính của cuộc so găng
Lenin từng nói một câu mà hậu bối của ông ít khi muốn nhớ, rằng xét đến cùng chủ nghĩa xã hội nếu muốn thắng chủ nghĩa tư bản sẽ phải thắng về năng suất lao động [1]. Cuộc đối đầu giữa các mô hình phát triển cuối cùng cũng nằm ở chỗ mô hình nào tạo ra năng suất lao động cao hơn.
Đó là lý do vì sao người ta đang dần nhận ra cuộc chiến Mỹ-Trung hiện nay chính yếu không phải về thương mại, mà là về công nghệ [2] - yếu tố quan trọng bậc nhất để tăng năng suất. Điều này cũng giải thích vì sao hai nước vừa tuyên bố đình chiến thương mại tạm thời nhưng ngay sau đó con gái chủ tịch Huawei - tập đoàn chủ đạo trong tham vọng cường quốc công nghệ của Trung Quốc - vẫn bị bắt.
Trung Quốc hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của vấn đề này khi mà sự phát triển vượt bậc vài thập kỷ qua của họ không dựa vào công nghệ phát triển tự thân. Phương Tây sáng tạo công nghệ, Trung Quốc sao chép và tận dụng lợi thế quy mô (economies of scale) không thể so bì của mình để tăng năng suất, giảm giá thành rồi tranh thủ bối cảnh toàn cầu hóa để vươn lên thành thế lực sản xuất hùng mạnh bậc nhất.
Công thức phát triển này của Trung Quốc, bởi vậy, đặt trọng tâm vào việc sao chép công nghệ của phương Tây bằng 3 cách thức chủ yếu sau :
1) gián điệp công nghệ,
2) mua bán & sát nhập tập đoàn phương Tây để chiếm lấy công nghệ, và
3) dùng thị trường nội địa khổng lồ để áp lực các tập đoàn phương Tây muốn làm ăn ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ.
Không phải Tây phương không nhận ra chiến lược này của Trung Quốc, song chỉ khi họ vỡ mộng rằng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc không dẫn đến cởi mở về chính trị mà trái lại còn giúp gia tăng quyền lực độc đoán đảng trị, và bừng tỉnh rằng siêu cường mới nổi này muốn tiếp bước Nga Sô thách thức trật tự quốc tế hiện hành, họ mới bắt đầu ra tay tấn công vào công thức phát triển của Đại lục với 3 đòn tương ứng sau :
1) truy bắt gián điệp công nghệ,
2) siết chặt việc mua bán & sát nhập có yếu tố Trung Quốc (qua cơ chế CFI/Ủy ban Đầu tư Nước ngoài), và
3) đẩy mạnh thương chiến nhằm sắp xếp lại chuỗi sản xuất toàn cầu vào tạo thế bảo vệ các tập đoàn làm ăn trên đất Trung Quốc.
Trung Quốc quả thật nên lo lắng, nhất là khi mới đây họ đã thất bại trong việc dùng lợi ích gây chia rẽ nội bộ khối Tây phương [3] và đang chứng kiến mỗi khi một quốc gia Tây phương ra đòn thì cả khối lại hùa theo hưởng ứng. Giờ đây vận mệnh của Trung Quốc, như Tập tuyên bố, sẽ được đặt trong nỗ lực của quốc gia này tự lực phát triển công nghệ. [4]
Phe nào thắng ?
Thái độ cẩn trọng không cho phép chúng ta dựa trên thiên kiến mà vội vàng đưa ra câu trả lời, đặc biệt khi chứng kiến sự phát triển vũ bão của Trung Quốc vài thập niên qua.
Tuy nhiên nếu đồng ý rằng công nghệ là đấu trường chính của cuộc so găng, Trung Quốc rõ ràng đang gặp quá nhiều bất lợi :
Đầu tiên, những diễn biến thời gian gần đây cho thấy mặc dù rất nỗ lực, Trung Quốc vẫn chưa chế ngự được khả năng sáng tạo công nghệ. Sự khốn đốn của ZTE - tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc, dưới lệnh cấm vận công nghệ của Hoa Kỳ là một minh chứng không thể rõ nét hơn.
Hơn thế, trong khi nhiều nghiên cứu chỉ ra tự do chính trị quan trọng thế nào đối với khả năng sáng tạo về dài hạn [5], yếu tố này lại không thể chấp nhận được đối với mô hình phát triển của Trung Quốc. Nghĩa là tham vọng tự lực công nghệ thông qua chiến lược Made in China 2025 của họ, ngay cả khi không bị để ý cũng đã không dễ thành công, huống hồ hiện nay lại đang là đích nhắm tấn công của toàn khối Tây phương thì lại càng khó khăn bội phần.
Hi vọng sót lại của Trung Quốc được nuôi dưỡng bằng niềm tin rằng tinh thần quốc gia phục thù một khi được thổi bùng lên sẽ là nhiên liệu cho cỗ máy sáng tạo quốc gia như những gì từng xảy ra ở Đức sau Thế Chiến I. Chưa rõ nỗ lực này sẽ đi về đâu nhưng nếu nhớ rằng trong khi Đức thuộc về nòng cốt của khối Tây phương, thừa hưởng sinh lực sáng tạo mạnh mẽ bắt rễ trong lối nghĩ, lối sống lý tính hóa cao độ hàng trăm năm của Tây phương nên đã chế ngự được khả năng sáng tạo, thì Trung Quốc, dù tăng trưởng liên tục những thập kỷ vừa qua nhưng chỉ mới chập chững những bước đầu tiên trong việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, sẽ thấy hi vọng của Trung Quốc dẫu chưa tới mức áo tưởng nhưng vẫn khá mong manh.
Một thước đo khác, trực quan hơn, có thể giúp dự đoán kết quả cuộc so găng. Sáng tạo vốn dĩ gắn liền với nhân tài, là sản phẩm của cá nhân và tập thể nhân tài. Thử xem nhân tài trên thế giới đã, đang và sẽ đổ về Mỹ và phương Tây hay là về Trung Quốc để thấy viễn cảnh Trung Quốc u ám ra sao nếu vẫn đẩy quốc gia dấn sâu vào cuộc cạnh tranh chiến lược này [6].
Việt Nam phải chọn
Câu hỏi đầu tiên đặt ra là liệu Việt Nam có thể đứng bên lề cuộc so găng lịch sử này với một tư thế trung lập được không ? Khả năng cao là không. Việt Nam là một nước nhỏ yếu nằm ở vị trí trung tâm của đấu trường so găng là khu vực Biển Đông, mà đã nhỏ yếu thì khó thoát vòng chi phối của các siêu cường mỗi khi họ đụng độ. ‘Các nước Đông Nam Á có thể bị buộc phải chọn một trong hai’[7], lời phát biểu mới tháng trước của Lý Hiển Long tuy ngắn gọn nhưng đủ cho thấy đảo quốc này, nhờ đứng chân trên một di sản và kinh nghiệm ngoại giao phong phú, đã thấu hiểu thời cuộc ra sao.
Nghĩa là, dù Việt Nam có muốn hay không thì các siêu cường cũng sẽ tính toán trên lưng các nước nhỏ như Việt Nam, thế thì chi bằng Việt Nam chọn lựa vị trí của mình trước, ít ra cũng chiếm được đôi chút thế chủ động.
Tuy đáng lo ngại khi lịch sử chứa đầy các ví dụ cho thấy nước nhỏ, gồm cả Việt Nam, đã trở thành chiến trường ủy nhiệm của các siêu cường ra sao, nhưng lịch sử đồng thời cũng cho thấy các quốc gia chậm tiến chỉ có thể phát triển vượt bậc nhờ khéo léo khai thác mâu thuẫn giữa các siêu cường như thế nào. Nếu Nhật Bản nương vào cuộc tranh giành thuộc địa giữa các thực dân Tây phương thì Hàn Quốc tận dụng mâu thuẫn Chiến tranh Lạnh, nếu Đài Loan khai thác thù địch Mỹ-Trung thì chính Trung Quốc sau đó lại chủ động khoét sâu mâu thuẫn Mỹ-Nga Sô (mà việc xâm lược Việt Nam năm 1979 là một phần trong kế hoạch đó) - tất cả đều là để tìm cơ hội phát triển và hiện đại hóa quốc gia.
Vì sao lại thế ? Vì chỉ khi đụng độ lớn các siêu cường mới sẵn sàng hỗ trợ hết mình cho đồng minh nhược tiểu nhằm phục vụ cho lợi ích của chính các siêu cường. Bên cạnh đó, vì nhu cầu chứng minh mô hình phát triển của mình là tốt nhất, sự hỗ trợ của các siêu cường cũng mang tính toàn diện, không chỉ gói gọn trong lãnh vực quân sự, mà lan rộng ra cả kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, xã hội.
Hiểu như thế để thấy Việt Nam chẳng nên lo ngại cuộc so găng lịch sử này mà trái lại cần hoan nghênh nó như một cơ hội, nếu đã coi phát triển quốc gia là mục tiêu tối thượng.
Cũng có nghĩa là, câu hỏi bây giờ không phải là có chọn phe hay không, mà là phải chọn phe nào ?
Chọn phe nào ?
Với những phân tích ở trên rõ ràng là nên nghiêng về phương án Mỹ/phương Tây bởi ưu thế vượt trội của phe này. Thực tế thì tất cả những nước Đông Á kể trên (Nhật, Hàn, Đài, Trung) cũng đã từng lựa chọn tương tự trong những thời điểm quốc gia đòi hỏi hiện đại hóa.
Đó là chưa nói đến có nhiều lý do khiến việc đứng về phe Trung Quốc không hề đảm bảo một kết cục tốt đẹp.
Trước hết, chiến lược ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc đang dấy lên lo ngại khắp nơi và thực tế là chưa có nước nhỏ yếu nào trở nên thịnh vượng nhờ gắn vận mệnh của mình vào Trung Quốc khi mà cách tiếp cận cùng thắng (win-win) chưa bao giờ là ưu tiên của quốc gia này.
Thứ nữa là tâm lý chống Trung Quốc lan rộng của người dân Việt Nam, hàm ý rằng ngay cả khi những người lãnh đạo bằng cách nào đó nhìn thấy lợi ích quốc gia trong việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc thì sự hợp tác đó cũng khó lòng được công chúng ủng hộ, nghĩa là đã để ngỏ sẵn sự thất bại.
Cuối cùng nhưng quan trọng không kém là hồ sơ tranh chấp chủ quyền biển đảo sẽ khiến mọi chọn lựa đứng về phía Trung Quốc, nếu thành hiện thực, đồng nghĩa với đánh đổi chủ quyền quốc gia trên thực tế.
Phải làm gì ?
Ngoại giao dù khéo léo đến đâu chỉ có thể trì hoãn chứ không thể chấm dứt được hiểm họa bành trướng Trung Quốc phủ bóng lên dân tộc chúng ta, và cũng không thể ngăn các siêu cường thương lượng trên lưng những nước nhược tiểu như chúng ta.
Ở một vị trí như nước ta trong tình thế hiện nay, ngoại giao cùng lắm chỉ giúp mua thời gian để chúng ta hiện đại hóa quốc gia nhanh nhất có thể. Mục tiêu của chúng ta không bao giờ là đổi danh dự lấy hòa bình để rồi đánh mất cả hai trong ô nhục, mà phải tìm mọi cách để xây dựng quốc gia hùng mạnh nhất có thể. Chỉ khi quốc gia chúng ta đủ hùng mạnh thì Trung Quốc mới phải cân nhắc thật kỹ trước khi chọn chúng ta làm đối tượng bành trướng của họ, và chính chúng ta mới đủ khả năng xoay sở vượt thoát thân phận con cờ trên bàn cờ nước lớn.
Mà muốn thế thì :
Đầu tiên, phải xóa bỏ tâm lý yếm thế, lo ngại xung đột của một thứ chủ nghĩa hòa bình thiếu chân đế. Nếu tin rằng phát triển quốc gia là mục tiêu tối thượng, trước là để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ sau là để dân tộc có cơ ngẩng mặt lên, chúng ta phải hoan nghênh và đón chào cuộc so găng lịch sử này như một cơ hội trăm năm cho dân tộc chúng ta. Vì rằng ngay cả khi chúng ta ở một vị trí chiến lược song nếu không có mâu thuẫn giữa các siêu cường thì chúng ta cũng chẳng vin vào đâu để phát triển vượt bậc cho được ; tương tự, nếu mâu thuẫn giữa các siêu cường có nảy sinh đi chăng nữa nhưng nếu chúng ta nằm ngoài khu vực đấu trường trung tâm thì cũng rất khó tìm thấy cơ hội.
May thay chúng ta chẳng những có cả hai mà lại đang sở hữu lợi thế thời gian vì cuộc mâu thuẫn này chỉ mới chớm nở và còn nhiều đánh giá khác nhau xung quanh nó. Nhiều người, dựa trên tính khí thất thường của Trump cũng như động thái xuống nước gần đây của Trung Quốc, nghĩ rằng cuộc đụng độ này chỉ khởi lên tạm thời và mang tính chất giai đoạn, trong khi chúng ta, nhìn vào đồng thuận chống Trung Quốc của giới lãnh đạo chính trị phương Tây hiện nay [8] và dựa trên trải nghiệm va đập với Trung Quốc suốt chiều dài lịch sử của chính chúng ta, sẽ thấy cuộc so găng chiến lược này còn kéo dài, mở rộng nhiều thập kỷ tới, và Trung Quốc sẽ không bao giờ dừng lại cho đến khi nó thất bại. Thời gian ở đây là một lợi thế chỉ khi chúng ta nhanh chóng đưa ra quyết định chọn phe của mình thay vì mải mê đu dây, bởi lẽ một khi cuộc đụng độ đã định hình, phe phái đã phân chia, sự lựa chọn chậm trễ của chúng ta sẽ không còn ý nghĩa, hay nói đúng hơn, chúng ta khi đó sẽ không còn quyền chọn lựa nữa.
Sau khi đã có một thái độ đúng đắn với cuộc so găng lịch sử và chọn đúng phe của mình, chúng ta mới có thể đưa ra những đối sách phù hợp. Đó là dù có khoác mặt nạ ngoại giao hòa hiếu với Trung Quốc tới cỡ nào, chúng ta cũng phải ý thức rõ rằng đó chỉ để mua thời gian nhằm ra sức hợp tác toàn diện với Mỹ và phương Tây, vốn đã tỏ rõ đồng thuận mong muốn một Việt Nam thịnh vượng (dĩ nhiên là vì lợi ích chiến lược của chính họ). Sự hợp tác này phải ở mức đồng minh bất luận tên gọi của nó là gì, phải đủ toàn diện ở tất cả các lãnh vực kinh tế, giáo dục, chính trị, quân sự, xã hội và với cả ba chủ thể là nhà nước, thị trường, xã hội dân sự, phải đủ sâu sắc tới mức tạo được sự chuyển biến về chất. Trong sự hợp tác toàn diện đó, lẽ dĩ nhiên là nước chậm tiến đi sau, Việt Nam phải đóng vai một người học trò siêng năng, học lấy học để một cách chủ động như Nhật, Hàn, Đài, Trung đã từng (nghĩa là không chỉ sao chép máy móc mô hình), và còn phải chạy đua với thời gian, vì như đã nói, ngoại giao dù khéo léo đến đâu cũng không kéo dài được cuộc hòa hoãn quá lâu. Sự chủ động của chúng ta là tối quan trọng : chúng ta phải đòi hỏi hợp tác 10 ngay cả khi họ chỉ sẵn lòng hợp tác 1, chứ không phải ngược lại như hiện nay.
Dĩ nhiên là sẽ có những trở ngại đến từ thế chế chính trị hiện hành của Việt Nam nhưng cần lưu ý rằng hiện đại hóa quốc gia là quá trình diễn ra rộng khắp trên nhiều lãnh vực mà hình thức chế độ chỉ là một trong số đó, có thể thay đổi trước hoặc sau tùy hoàn cảnh, miễn sao mục đích phát triển đạt được. Trung Quốc cũng có thể phá hoại những nỗ lực ngoại giao câu giờ của Việt Nam bằng cách chất vấn vì sao các đồng chí là cộng sản mà lại hợp tác sâu rộng với Mỹ/phương Tây, nhưng không khó để đáp trả bằng cách nhắc họ nhớ rằng chính những người cộng sản Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình đã từng mong muốn liên minh quân sự với Mỹ và trên thực tế là đã hợp tác sâu rộng với siêu cường này nhiều thập kỷ sau đó để mưu tìm phát triển.
Tóm lại, trở lực lớn nhất ngăn Việt Nam chớp lấy cơ hội trăm năm có một này không đến từ bối cảnh quốc tế bên ngoài hay hiện tình chính trị nội bộ mà chính là viễn kiến của những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay.
Với lề lối thực hành chính trị thiếu minh bạch ở đất nước chúng ta, người dân hiện không ở vị trí có thể biết được liệu những người lãnh đạo có nhìn ra cơ hội này không và có đang tìm cách chớp lấy hay không. Song khả năng cao là không, nếu chúng ta để ý những động thái sau :
1) tuyên truyền chống Mỹ/phương Tây trong hệ thống giáo dục, báo chí chính thống, và đặc biệt trong lực lượng vũ trang vẫn tiếp tục được duy trì,
2) sự cương quyết không nhượng bộ Mỹ/phương Tây khi đụng đến một số vấn đề nhân quyền không quá cốt yếu phản ánh tâm lý thắng-thua với Mỹ/phương Tây còn đậm nét, và
3) sự rụt rè trong hợp tác với Mỹ/phương Tây mà gần đây là việc hủy bỏ nhiều chương trình giao lưu quốc phòng với Mỹ - tất cả đều cho thấy những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện nay chỉ coi việc hợp tác với Mỹ/phương Tây mang tính chất tình thế và giai đoạn nhằm cân bằng áp lực từ Trung Quốc, chứ hoàn toàn không thấy ở đó cơ hội phát triển và hiện đại hóa vượt bậc cho quốc gia như nó nên là.
Cũng có nghĩa là, cơ hội để Việt Nam không bị nhỡ tàu như bao lần trước đây trong lịch sử nằm ở chỗ liệu mỗi chúng ta, trong tư cách phần tử quốc gia, có làm đủ không trong việc khiến những người lãnh đạo phải đặt quyền lợi dân tộc lên trên đảng phái, phe nhóm, cá nhân để từ đó thấu triệt vấn đề thời cuộc, hoặc chúng ta đã sẵn sàng chưa trong việc thay thế họ một khi thời gian không cho phép sự chậm trễ của họ thêm một giây phút nào nữa.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 01/01/2019 (nguyenanhtuan's blog)
---
[1] https://www.marxists.org/archive/lenin/works/1919/jun/19.htm
[5] https://www.weforum.org/agenda/2018/01/why-political-and-economic-freedom-drives-creativity
[6] https://relocateme.eu/blog/11-tech-talent-relocation-trends-to-expect-in-2018/
[8]https://www.nytimes.com/2018/12/07/business/european-union-trump-china-trade.html
Trong 5 năm qua, không một quốc gia nào ở Đông Nam Á đã thách thức tham vọng chiến lược của Trung Quốc một cách quyết đoán hơn Việt Nam. Liên tục chống lại mục đích của Bắc Kinh ở Biển Đông, Việt Nam đã cố cho phép thăm dò dầu mỏ ở các khu vực biển đang tranh chấp và, như Trung Quốc, đã xây dựng các đồn trú ở các rạn san hô ngập nước, các đảo nhỏ và bãi đá dù là với tỷ lệ nhỏ hơn. Thỉnh thoảng, Việt Nam cũng cố cùng với các nước láng giềng, như Philippines dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino III, để làm cho thấy những gì mà họ coi là hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trường Sa Lớn - đảo lớn thuộc chủ quyền Việt Nam.
Để đẩy lùi Trung Quốc, Việt Nam đã xây dựng được những mối quan hệ chiến lược gần gũi hơn với Hoa Kỳ, trước năm 2017 họ tiến gần đến mức Hà Nội đã sẵn sàng có thể chấm dứt cách tiếp cận mấp mé thường thấy giữa Bắc Kinh và Washington. Hà Nội và Washington đã thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện dưới thời chính quyền Tổng thống Obama khi gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Hoa Kỳ cho Việt Nam và đưa quân đội hai nước lại gần nhau hơn.
Tuy nhiên, năm đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, Việt Nam dường như không chắc chắn về việc đặt cược vào mối quan hệ với Hoa Kỳ, mặc dù họ đón chào chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tuần trước. Hà Nội cũng dường như đã lùi vì cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc một chút trong những tháng gần đây.
Liệu Việt Nam trong thời đại Trump có cảm thấy áp lực sức mạnh quân sự của người láng giềng khổng lồ và mối quan hệ thương mại đáng kể với Hà Nội hay không ? Có thể, nhưng ngay cả khi Hà Nội nghĩ rằng họ không thể tin tưởng vào cam kết chiến lược và thương mại lâu dài của Washington đối với Đông Nam Á, họ sẽ không tiến gần đến Bắc Kinh. Thay vào đó, Việt Nam sẽ tìm ra những phương cách mới để phòng ngừa và tạo ra tham vọng của chính mình, làm việc với các đối tác khu vực khác.
Việc Việt Nam chuyển sang cách tiếp cận có tính đối đầu ít lộ liễu hơn đối với Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn kể từ giữa năm ngoái. Sau khi cho phép công ty Tây Ban Nha Repsol quyền thăm dò dầu khí ở khu vực tranh chấp ngoài Biển Đông, Hà Nội đã cho ngừng khai thác vào năm ngoái, sau khi có áp lực từ Bắc Kinh. Sau đó, tháng 11 năm ngoái, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã đưa ra một tuyên bố chung chung với các đối tác Trung Quốc, đồng thời tuyên bố sẽ duy trì hòa bình ở Biển Đông.
Có nhiều lý do cho sự thay đổi thái độ này, và không phải tất cả đều liên quan đến Trump. Dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines đã trở thành một đối tác ít tin cậy hơn cho Việt Nam về các tranh chấp Biển Đông. Trong khi chính quyền Aquino đã đưa ra một vụ kiện chống lại tuyên bố của Bắc Kinh về Biển Đông ra tòa án quốc tế và công khai trừng phạt các tham vọng khu vực của Bắc Kinh, Duterte đã lôi kéo Trung Quốc, làm giảm tác dụng của phán quyết tòa án, giảm trao đổi quân sự Hoa Kỳ – Philipine và thường nhún nhường bất cứ khi nào Trung Quốc công khai gây áp lực ông ta để không khẳng định yêu sách của Philippines ở Biển Đông. Là Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á vào năm 2017, Philippines đã không tập trung nhiều vào các mối đe dọa từ phía Trung Quốc. Những thách thức chính trị nội bộ ở Việt Nam - đáng chú ý là cuộc đàn áp tham nhũng cao cấp - cũng có thể làm các nhà lãnh đạo Hà Nội phân tâm trong chính sách đối ngoại.
Nhưng những thay đổi trong chính sách Hoa Kỳ có thể đóng một vai trò trong cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn của Việt Nam đối với Trung Quốc. Ông Mattis và Lầu Năm Góc đã thúc đẩy một thế trận cứng rắn hơn ở Biển Đông, đặc biệt là thông qua lộ trình tự do hoạt động hàng hải thường xuyên. Các hoạt động này bao gồm cho tàu khu trục vào gần bãi Scarborough trước chuyến công du của Mattis tới Việt Nam. Lầu Năm Góc đã tuyên bố sẽ đưa một tàu sân bay đến Việt Nam lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh kết thúc. Trong chuyến công du đến Đông Nam Á, ông Mattis tiếp tục phát tín hiệu về việc sẵn sàng gọi các phần ở Biển Nam Trung Hoa theo tên do các quốc gia Đông Nam Á chỉ định, ví dụ như Indonesia, chứ không phải là do Trung Quốc.
Tuy nhiên, đồng thời, các quan chức Việt Nam đã tức giận về những tuyên bố và hành động thương mại của Trump mà họ lo ngại có thể gây phương hại cho các khía cạnh khác trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam. Ngoài việc rút khỏi Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương TPP - một thỏa thuận có lợi cho nền kinh tế Việt Nam - Trump đã phát biểu về bảo hộ tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương tại Đà Nẵng vào năm ngoái, trong đó ông Trump than phiền về "thương mại không công bằng" và thúc đẩy chương trình nghị sự Hoa Kỳ trước tiên của ông ta. Tháng 12, Bộ Thương mại Hoa kỳ đã áp đặt mức thuế cao đối với một số loại thép từ Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida. Ảnh : AP.
Các quan chức Việt Nam nói chung không chắc chắn cách tiếp cận lâu dài của chính quyền Trump đối với Đông Nam Á ra sao, đặc biệt là với việc Washington tập trung vào bán đảo Triều Tiên. Họ cũng không biết mối quan tâm của Nhà Trắng trong việc khôi phục lại cái gọi bộ tứ-một cách tiếp cận khu vực rộng hơn đến Ấn Độ-Thái Bình Dương với Nhật Bản, Úc và Ấn Độ- sẽ diễn ra và họ có thể làm được những gì khác biệt trong việc ngăn chặn cách sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mối quan hệ chiến lược Mỹ - Hoa Kỳ ở mức cao nhất cho tới nay vẫn duy trì mạnh mẽ, mặc dù Hà Nội sẽ không trở thành một đối tác của Mỹ như Singapore, trong khi căng thẳng về thương mại còn kéo dài. Nhưng thay vì quay trở lại Trung Quốc, Việt Nam đang đa dạng hóa các nỗ lực để cắt đứt quyền lực đang gia tăng của Bắc Kinh trong khu vực.
Một là, Hà Nội có thể sẽ hợp tác chặt chẽ với Singapore, Chủ tịch ASEAN năm nay, để cố gắng tạo sự nhất trí trong khối để đối phó với Bắc Kinh. Singapore thường có một cách tiếp cận quân sự đối với Trung Quốc hơn là Philippines dưới thời Duterte. Với các nhà ngoại giao lão luyện, Singapore từ lâu đã là một nhà lãnh đạo hiệu quả của ASEAN. Nếu bất kỳ quốc gia nào có thể thuyết phục các quốc gia ASEAN thống nhất và đưa ra một mặt trận thống nhất trong việc đàm phán bộ quy tắc ứng xử tiềm năng ở Biển Đông với Bắc Kinh, thì có lẽ là Singapore.
Việt Nam đang tăng cường mối quan hệ chiến lược với Singapore, và tương tự với Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Nhật Bản và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2014, và Tokyo đang bán các tàu tuần tra Hà Nội và các vệ tinh quan sát. Việt Nam đã kêu gọi Hàn Quốc đóng vai trò tiềm năng lớn hơn trong an ninh khu vực Đông Nam Á, mặc dù Seoul chưa phản ứng với bất kỳ ý định rõ ràng nào.
Xa hơn, Việt Nam đang cố gắng lôi cuốn Ấn Độ nhằm tăng cường an ninh, thậm chí thúc đẩy hải quân Ấn Độ quyết đoán hơn ở Biển Đông. Hồi đầu tháng này, Việt Nam đã kêu gọi các công ty Ấn Độ đầu tư mới vào dầu và khí đốt ở Biển Đông, điều này đã khiến cho Bắc Kinh tức giận.
Hà Nội đang tự nâng cao năng lực và khả năng quân sự của mình ở Biển Đông. Việt Nam tiếp tục thực hiện chương trình hiện đại hóa quân sự, lập hạm đội tàu ngầm lớn nhất ở Đông Nam Á và nâng cấp lực lượng hải quân bằng nhiều cách khác…
Với việc Hoa Kỳ rời bỏ TPP, Việt Nam đã ủng hộ Nhật Bản như một nhà lãnh đạo khu vực về thương mại một cách mạnh mẽ. Nhật Bản, với sự hỗ trợ của Hà Nội và các thành viên khác của TPP, đã giúp thúc đẩy một thỏa thuận hồi phục, trừ Mỹ ; thỏa thuận này được gọi là Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ cho Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương đã được hoàn tất vào tuần trước và dự kiến sẽ được ký vào tháng 3.
Việt Nam có thể đã trở nên công khai hơn với Trung Quốc trong năm qua, khi tìm hiểu về chính sách của Trump ở Châu Á và đương đầu với sự chia rẽ của các nước láng giềng. Nhưng Hà Nội sẽ vẫn là kẻ đối đầu cứng cỏi nhất Đông Nam Á đối với tham vọng quân sự của Trung Quốc, ngay cả khi Việt Nam đã để nuôi dưỡng các đối tác ngoài Washington để bảo vệ chính họ.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis đã tới Hà Nội trong chuyến thăm 2 ngày hôm 24/1 để "xây dựng lòng tin" và thắt chặt quan hệ an ninh với Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng trong khu vực.
Dịp này, VOA - Việt ngữ có cuộc phỏng vấn với giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Đại học George Mason ở bang Virginia.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đến Hà Nội hôm 24/1/2018.
VOA : Thưa giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giáo sư có thể nhận định về mục đích chuyến công du Việt Nam của ông Jim Mattis ?
Nguyễn Mạnh Hùng :Đây là chuyến thăm Đông Nam Á. Ông đã đến Indonesia trước rồi mới đến Việt Nam. Trước chuyến công du, ông có nói rằng ông muốn sang để tăng cường quan hệ quốc phòng với các đồng minh và các đối tác, dĩ nhiên trong đó Việt Nam và Indonesia. Ổng nói là như thế, nhưng lồng trong toàn khung cảnh toàn diện, chuyến đi này là sự tiếp nối cách thức làm việc của Mỹ từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống.
Trong khi ông Trump có những tuyên bố bất nhất, gây nghi ngờ về tính khả tín của các cam kết với Trung Quốc, thì các cộng sư viên quân sự của ông ấy tìm cách trấn an đồng minh và đối tác. Những lời tuyên bố và hành động ve vãn Trung Quốc từ sau cuộc gặp gỡ ở Mara Lago vào tháng 4/2017 và sau cuộc tiếp đón hoành tráng của Trung Quốc dành cho ông trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 11 vừa qua đã gây cảm tưởng ở phía Đông Nam Á rằng ông Trump muốn mặc cả với Trung Quốc, bỏ rơi Đông Nam Á, thành ra có thể phải thích ứng.
Vì thế cho nên chuyến công du của ông Mattis là rất cần thiết. Nhất là chuyến công du xảy ra sau khi ông ấy dự cuộc đối thoại Shangri-la và đầu tháng 6 vừa qua. Khi ấy Trung Quốc có lập trường rất cứng rắn đối với vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Thành ra các quốc gia đang chờ đợi xem ông ấy phản ứng ra sao.
VOA : Giáo sư có nghĩ rằng chuyến công du này là nhằm củng cố an ninh quốc phòng trung khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trước nguy cơ bị Trung Quốc khống chế ?
Nguyễn Mạnh Hùng :Các nước hiểu rằng tổng thống Trump có thể nói thế nào, nhưng Bộ Quốc phòng, mà nhất là ông Mattis, có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, vì khi người ra nghi ngờ rằng ông Trump muốn ve vãn với Trung Quốc, thì ông Mattis nói rõ ông không làm như vậy. Như đã chuẩn bị trước khi đi, sách lược quốc phòng công bố ngày 19/1 đã xem Trung Quốc là cạnh tranh chiến lược với Mỹ.
Sách lược đó nói rõ hơn rằng Trung Quốc có kế hoạch khống chế khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong trường kỳ và thay thế vai trò lãnh đạo của Mỹ trong trường kỳ. Thêm vào đó, vào tuần trước ở Ấn Độ, tại một cuộc hội nghị giữa ông Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ và ông Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân của Nhật. Ông Đô đốc Harry Harris cảnh báo rằng Trung Quốc là một lực lượng phá hoại có tính cách chuyển tiếp trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và kêu gọi các nước trong khu vực tăng cường khả năng phòng thủ, và hợp tác với nhau để bảo vệ lưu thông hàng hải.
Ông Jim Mattis trên chuyên cơ trong chuyến công du Đông Nam Á. (Photo : B. Gallo / VOA)
VOA : Phía Việt Nam mong đợi điều gì trong chuyến đi của ông Jim Mattis ?
Nguyễn Mạnh Hùng :Phía Việt Nam thường chờ xem phía Mỹ làm gì thì họ mới đối phó được. Bởi vì từ xưa Việt Nam muốn có một đối tác mà họ gọi là cân bằng mềm ‘soft balancing’ với các quốc gia lớn trong khu vực. Mỹ là một quốc gia quan trọng. Nếu Mỹ lùi mà Trung Quốc tiến thì họ phải điều chỉnh và thích ứng với lực lượng nào tốt nhất ở trong vùng. Vì vậy phía Việt Nam sẽ thăm dò xem mức độ cam kết của Mỹ như thế nào và khả thi đến mức độ nào.
VOA : Những điểm chính trong chuyến đi này là gì, thưa giáo sư ?
Nguyễn Mạnh Hùng :Ông Mattis nói rõ mục đích của ổng là tìm cách tăng cường hợp tác quốc phòng với đồng minh và đối tác, nhưng trên đường khi bay đến Indonesia, ông nói với báo chí rằng ông đến Việt Nam ông sẽ lắng nghe nhiều hơn là nói. Ông muốn biết thái độ của Việt Nam đối với nhu cầu hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam. Ông cũng có thể bàn về vấn đề mua bán vũ khí, và việc tàu sân bay của Mỹ thăm Việt Nam trong năm nay. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam xác định sách lược quốc phòng với Mỹ và vai trò của Mỹ trong sách lược đó, qua đó nói rõ nhu cầu của Việt Nam là gì.
VOA : Xin chân thành cảm ơn giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng.
Nguồn : VOA, 24/01/2018