Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis đã tới Hà Nội trong chuyến thăm 2 ngày hôm 24/1 để "xây dựng lòng tin" và thắt chặt quan hệ an ninh với Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng trong khu vực.
Dịp này, VOA - Việt ngữ có cuộc phỏng vấn với giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Đại học George Mason ở bang Virginia.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đến Hà Nội hôm 24/1/2018.
VOA : Thưa giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giáo sư có thể nhận định về mục đích chuyến công du Việt Nam của ông Jim Mattis ?
Nguyễn Mạnh Hùng :Đây là chuyến thăm Đông Nam Á. Ông đã đến Indonesia trước rồi mới đến Việt Nam. Trước chuyến công du, ông có nói rằng ông muốn sang để tăng cường quan hệ quốc phòng với các đồng minh và các đối tác, dĩ nhiên trong đó Việt Nam và Indonesia. Ổng nói là như thế, nhưng lồng trong toàn khung cảnh toàn diện, chuyến đi này là sự tiếp nối cách thức làm việc của Mỹ từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống.
Trong khi ông Trump có những tuyên bố bất nhất, gây nghi ngờ về tính khả tín của các cam kết với Trung Quốc, thì các cộng sư viên quân sự của ông ấy tìm cách trấn an đồng minh và đối tác. Những lời tuyên bố và hành động ve vãn Trung Quốc từ sau cuộc gặp gỡ ở Mara Lago vào tháng 4/2017 và sau cuộc tiếp đón hoành tráng của Trung Quốc dành cho ông trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 11 vừa qua đã gây cảm tưởng ở phía Đông Nam Á rằng ông Trump muốn mặc cả với Trung Quốc, bỏ rơi Đông Nam Á, thành ra có thể phải thích ứng.
Vì thế cho nên chuyến công du của ông Mattis là rất cần thiết. Nhất là chuyến công du xảy ra sau khi ông ấy dự cuộc đối thoại Shangri-la và đầu tháng 6 vừa qua. Khi ấy Trung Quốc có lập trường rất cứng rắn đối với vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Thành ra các quốc gia đang chờ đợi xem ông ấy phản ứng ra sao.
VOA : Giáo sư có nghĩ rằng chuyến công du này là nhằm củng cố an ninh quốc phòng trung khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trước nguy cơ bị Trung Quốc khống chế ?
Nguyễn Mạnh Hùng :Các nước hiểu rằng tổng thống Trump có thể nói thế nào, nhưng Bộ Quốc phòng, mà nhất là ông Mattis, có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, vì khi người ra nghi ngờ rằng ông Trump muốn ve vãn với Trung Quốc, thì ông Mattis nói rõ ông không làm như vậy. Như đã chuẩn bị trước khi đi, sách lược quốc phòng công bố ngày 19/1 đã xem Trung Quốc là cạnh tranh chiến lược với Mỹ.
Sách lược đó nói rõ hơn rằng Trung Quốc có kế hoạch khống chế khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong trường kỳ và thay thế vai trò lãnh đạo của Mỹ trong trường kỳ. Thêm vào đó, vào tuần trước ở Ấn Độ, tại một cuộc hội nghị giữa ông Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ và ông Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân của Nhật. Ông Đô đốc Harry Harris cảnh báo rằng Trung Quốc là một lực lượng phá hoại có tính cách chuyển tiếp trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và kêu gọi các nước trong khu vực tăng cường khả năng phòng thủ, và hợp tác với nhau để bảo vệ lưu thông hàng hải.
Ông Jim Mattis trên chuyên cơ trong chuyến công du Đông Nam Á. (Photo : B. Gallo / VOA)
VOA : Phía Việt Nam mong đợi điều gì trong chuyến đi của ông Jim Mattis ?
Nguyễn Mạnh Hùng :Phía Việt Nam thường chờ xem phía Mỹ làm gì thì họ mới đối phó được. Bởi vì từ xưa Việt Nam muốn có một đối tác mà họ gọi là cân bằng mềm ‘soft balancing’ với các quốc gia lớn trong khu vực. Mỹ là một quốc gia quan trọng. Nếu Mỹ lùi mà Trung Quốc tiến thì họ phải điều chỉnh và thích ứng với lực lượng nào tốt nhất ở trong vùng. Vì vậy phía Việt Nam sẽ thăm dò xem mức độ cam kết của Mỹ như thế nào và khả thi đến mức độ nào.
VOA : Những điểm chính trong chuyến đi này là gì, thưa giáo sư ?
Nguyễn Mạnh Hùng :Ông Mattis nói rõ mục đích của ổng là tìm cách tăng cường hợp tác quốc phòng với đồng minh và đối tác, nhưng trên đường khi bay đến Indonesia, ông nói với báo chí rằng ông đến Việt Nam ông sẽ lắng nghe nhiều hơn là nói. Ông muốn biết thái độ của Việt Nam đối với nhu cầu hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam. Ông cũng có thể bàn về vấn đề mua bán vũ khí, và việc tàu sân bay của Mỹ thăm Việt Nam trong năm nay. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam xác định sách lược quốc phòng với Mỹ và vai trò của Mỹ trong sách lược đó, qua đó nói rõ nhu cầu của Việt Nam là gì.
VOA : Xin chân thành cảm ơn giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng.
Nguồn : VOA, 24/01/2018