Thượng đỉnh Trump-Kim : Tại sao Trump chọn Việt Nam ? (VOA, 08/02/2019)
Tổng thống Donald Trump loan báo Việt Nam là nước tổ chức họp thượng đỉnh lần thứ hai của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, một động thái mà một số nhà bình luận xem như nỗ lực của Hà Nội để tự chống đỡ trước sự xâm lược của cường quốc Trung Quốc, theo bài phân tích trên ABC Australia đăng ngày 7/2.
Tàu sây bay USS Carl Vinson thăm cảng Đà Nẳng ngày 5/3/2018.
Mục đích của Washington trong cuộc họp Trump-Kim cuối tháng này là để Triều Tiên đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân của họ, nhưng Bình Nhưỡng muốn toàn thể bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân, kể cả kho vũ khí của Mỹ tại Hàn Quốc.
Quyết định họp thượng đỉnh tại Việt Nam, một quốc gia dưới sự cai trị của đảng Cộng sản và một nền kinh tế thị trường tự do cùng tồn tại, có tiềm năng biểu tượng.
"Việt Nam nằm trong thế thù địch gay cấn với Trung Quốc tại Biển Đông, do đó Hà Nội đang tìm sự hỗ trợ ngoại giao trong vùng và trên trường quốc tế để làm rào cản ngăn chặn Bắc Kinh", ông Murray Hiebert thuộc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington được ABC Australia dẫn lời.
Hà Nội có lịch sử với Washington lẫn Bình Nhưỡng.
Là một quốc gia cộng sản theo chế độ độc đảng, Việt Nam tự hào về việc kiểm soát chính trị chặt chẽ và một bộ máy an ninh hữu hiệu. Việt Nam cũng đã tổ chức tổ chức thành công Hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương tại thành phố biển Đà Nẵng và Diễn đàn Kinh tế Thế giới của khu vực vào năm ngoái tại thủ đô Hà Nội.
"Như Singapore nơi hai nhà lãnh đạo gặp nhau trước đây, Việt Nam là một nơi rất an ninh", ông Hiebert nói.
"Công an Việt Nam có thể đẩy lùi những đám đông tò mò và giữ các nhà báo tại những khu vực được chỉ định", ông Hiebert nói thêm.
Việc ông Trump tham dự hội nghị APEC năm 2017 có nghĩa là "ông quen thuộc với nước này và có quan hệ tốt với các nhà lãnh đạo", vẫn theo phân tích của ông Hiebert.
Ông Kim cũng tương tự như vậy.
Dù Triều Tiên có lịch sử khác biệt, nhưng hai quốc gia cộng sản này cùng chia sẻ lịch sử chống đế quốc và những quan hệ nước đôi đối với Trung Quốc.
"Việt Nam và Triều Tiên có các quan hệ cộng sản anh em lâu dài, do đó Triều Tiên quen thuộc vớí quốc gia cũng như các quan chức của nước này", ông Hiebert nói.
"Triều Tiên cũng cảm thấy tin tưởng là bộ máy an ninh của Việt Nam có thể bảo vệ an toàn ông Kim".
Việt Nam là trường hợp điển hình của kẻ thù trở thành đồng minh.
Việt Nam đưa ra cho các nhà thương thuyết thượng đỉnh Mỹ một trường hợp điển hình là làm thế nào một cựu thù cộng sản trở thành một đối tác thương mại và an ninh.
Trong một bài diễn văn đọc trước cộng đồng doanh nhân tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói ông Trump tin là Bình Nhưỡng có thể "rập khuôn" con đường của Việt Nam.
"Các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thức được rằng nước họ có thể cải cách, có thể mở cửa và xây dựng các quan hệ mà chủ quyền, nền độc lập và hình thức chính phủ không bị đe dọa", ông nói.
"Tôi có một thông điệp cho Chủ tịch Kim Jong-un : Tổng thống Trump tin là nước của quý vị có thể rập khuôn con đường này. Mọi chuyện thuộc về quý vị nếu quý vị nắm bắt thời điểm này".
Bằng cách giúp Washington đạt được những mục tiêu của chính sách Triều Tiên, Việt Nam có thể hoàn tất mong muốn có những quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ về các mặt khuyến khích thương mại và đầu tư và sử dụng như một đối trọng chiến lược đối với Trung Quốc.
"Quốc gia này có thể thu hút sự chú ý đáng kể của quốc tế, đặc biệt là du khách và các nhà đầu tư qua việc truyền thông tường thuật cuộc họp thượng đỉnh", ông Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS Yusof Ishak ở Singapore nói.
"Đây cũng là một cơ hội cho Việt Nam chứng tỏ chính sách ngoại giao tích cực, qua đó Việt Nam có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng quốc tế, cũng như hòa bình và an ninh trong vùng", chuyên gia này nói.
(Theo ABC/AP)
********************
Mỹ cám ơn ‘bạn thân’ Việt Nam về cuộc gặp với Chủ tịch Kim (VOA, 08/02/2019)
Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino hôm 7/2 ca ngợi Việt Nam khi thông tin thêm về cuộc gặp diễn ra vào cuối tháng này giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
"Việt Nam là một đối tác và là người bạn thân thiết của Mỹ, và chúng tôi cám ơn chính phủ Việt Nam vì sự hào phóng khi đăng cai hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai này", ông Palladino nói tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ tại thủ đô Washington D.C.
Người phát ngôn này nói thêm rằng hiện hai bên đang xúc tiến các cuộc gặp để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa lãnh đạo Mỹ và Bắc Hàn, trong đó có cuộc thảo luận giữa đặc sứ Mỹ về Triều tiên Stephen Biegun và đối tác Kim Hyok-chol ở Bình Nhưỡng.
Khi được hỏi thêm về nơi Tổng thống Trump sẽ gặp lãnh tụ Kim ở Việt Nam vào ngày 27 và 28/2, ông Palladino nói rằng điều đó "sẽ được công bố" khi mọi chuyện sẵn sàng, và hiện ông chưa có thông tin gì thêm.
"Chúng tôi ngay lúc này đang làm việc về các chi tiết, và chúng tôi nóng lòng đón chờ một hội nghị thượng đỉnh hết sức tốt đẹp", Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tiếp.
Trước đó, có tin nói rằng ông Trump thích thành phố Đà Nẵng, nơi nguyên thủ Mỹ từng tới dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, nhưng ông Kim Jong-un lại muốn tới Hà Nội.
Quan chức Mỹ lâu nay vẫn coi Việt Nam là một hình mẫu mà Bắc Hàn có thể học hỏi trong mối quan hệ với Hoa Kỳ.
Chính phủ Hàn Quốc hôm 6/2 nhận xét rằng việc chọn Việt Nam là nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh tụ Kim Jong-un "mang tính biểu tượng quan trọng", cho thấy rằng vẫn có thể thiết lập mối quan hệ bạn hữu với Mỹ sau một thời gian dài thù nghịch.
Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino dường như cũng nhắc tới điều này khi đề cập tới chuyện hai nước cựu thù "vượt qua xung đột và chia rẽ" để có được mối "quan hệ đối tác thịnh vượng" như hiện nay.
Trên Twitter, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 6/2 viết rằng Hà Nội "mạnh mẽ ủng hộ các cuộc đối thoại nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên" và "sẵn sáng tích cực đóng góp và hợp tác với các bên liên quan để bảo đảm thành công của hội nghị thượng đỉnh lần hai".
Viễn Đông
*******************
Việt Nam quyết tổ chức thành công thượng đỉnh Trump-Kim (VOA, 08/02/2019)
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và 28/2 tại Việt Nam, Hà Nội bày tỏ cam kết làm cho cuộc họp này thành công.
Đặc sứ Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun (giữa) bị các nhà báo bao vây khi ông đến phi trường quốc tế Incheon ở Incheon, Hàn Quốc, ngày 3/2/2019.
"Việt Nam sẵn sàng có những đóng góp tích cực và hợp tác với các bên liên hệ để đảm bảo cuộc họp thượng đỉnh thứ nhì Mỹ-Triều thành công, giúp thực hiện mục tiêu kể trên", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố ngày 6/2.
Theo bài phân tích trên Nikkei Asian Review, Việt Nam được chọn vì tính trung lập. Triều Tiên có tòa đại sứ ở Hà Nội, và đã có quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam. Trong khi đó Hoa Kỳ đã có những nỗ lực để cải thiện các quan hệ với Việt Nam kể từ khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt.
Trong khi thành phố diễn ra thượng đỉnh chưa được công bố, thành phố Đà Nẵng ở miền trung, trước đây tổ chức hội nghị các nhà lãnh đạo Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương 2017, được xem như là ứng cử viên mạnh mẽ nhất. Thành phố có đường sá rộng rãi và nhiều khách sạn sang trọng dọc theo bờ biển. "Đây là một vị trí thuận lợi cho việc gặp gỡ của các giới chức quan trọng nhất", một nguồn tin thân cận với đảng Cộng sản Việt Nam cho Nikkei Asian Review biết.
Đà Nẵng là "chiến trường ác liệt trong chiến tranh Việt Nam, nhưng kể từ đó đã trở thành một thành phố nghỉ mát biểu tượng", phó giáo sư Atsuhito Isozaki, tại trường đại học Keio ở Tokyo chuyên nghiên cứu về Triều Tiên nói. Ông Isozaki nói thêm xét về khía cạnh nỗ lực của Triều Tiên muốn biến thành phố Wonsan ở phía đông nước này thành một khu nghỉ mát, Đà Nẵng "có thể là một cử chỉ của chính phủ Hoa Kỳ khuyến khích Bình Nhưỡng".
Khi ông Trump và ông Kim gặp nhau tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái, nhà lãnh đạo Triều Tiên mượn một máy bay của Trung Quốc thay vì sử dụng máy bay của mình, vốn đã cũ. Việt Nam gần với Triều Tiên hơn và ông Kim có thể sử dụng những phương tiện khác, kể cả xe lửa.
Về mặt tiếp vận, ông Cheong Seong-chang thuộc Viện nghiên cứu Sejong của Hàn Quốc chỉ ra rằng trong khi cuộc họp thượng đỉnh năm ngoái tại Singapore bắt đầu vào 9 giờ sáng và kết thúc sau 2 giờ chiều, thời biểu hai ngày trong lần gặp tháng này giúp hai bên có "nhiều thời gian thảo luận về phi hạt nhân hóa và những khung làm việc cho hòa bình".
Giữa lúc việc chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai được tiến hành, Hoa Kỳ ra chỉ dấu cho thấy có thể nhượng bộ một ít để đổi lấy tiến bộ về những cuộc thương thuyết phi hạt nhân hóa đã bị đình trệ.
Đặc sứ Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun, đã từ Căn cứ Không quân Osan ở Hàn Quốc bay đến Bình Nhưỡng ngày thứ Tư 6/2. Ông đáp xuống Bình Nhưỡng vào khoảng 10 giờ sáng, thông tấn xã Tass của Nga cho biết, và đã gặp người tương nhiệm Kim Hyok Chol, để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh.
"Chúng tôi chuẩn bị thảo luận nhiều hành động có thể giúp xây dựng lòng tin giữa hai quốc gia chúng tôi", ông Biegun tuyên bố vào ngày 31/1. Trong khi trước đây Hoa Kỳ bác bỏ bất cứ sự nhượng bộ nào cho tới khi Triều Tiên có những tiến bộ cụ thể về phía phi hạt nhân hóa, nhận xét của ông Biegun cho thấy Hoa Kỳ có khuynh hướng uyển chuyển hơn, dù vẫn giữ những chế tài đối với Triều Tiên. Những khả năng này bao gồm tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.
Triều Tiên mong đợi chấm dứt nhanh chóng các chế tài đã bóp nghẹt nền kinh tế nước này. Triều Tiên trước tiên muốn tái tục những dự án chung với Hàn Quốc, như khu Phức hợp Công nghiệp Kaesong, trước khi dần dần thuyết phục cộng đồng quốc tế nới lỏng các áp lực.
"Sau 7 năm ngưng trệ, mỗi bên dường như đã quyết định dành nhiều thời gian vào lúc này để thương thuyết", Nikkei Asian Review dẫn lời bà Lisa Collins, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington.
Trong khi đó Trung Quốc và Hàn Quốc cũng hoan nghênh loan báo về họp thượng đỉnh tại Việt Nam. Trung Quốc xem đây là một cơ hội tổ chức họp thượng đỉnh với ông Trump để giải tỏa căng thẳng thương mại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang nhắm đến những cuộc thảo luận trực tiếp với ông Trump trước hay sau khi Tổng thống Mỹ gặp ông Kim vào cuối tháng này. Theo những nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, ông Tập đã nêu lên ý định của ông góp phần vào việc giải quyết những vấn đề trên bán đảo Triều Tiên bằng những cuộc thảo luận trực tiếp với ông Trump, trong khi cũng tìm những đồng thuận trong việc giải quyết những xung đột thương mại Mỹ-Trump.
Tuy nhiên ngày giờ và địa điểm cho cuộc họp thượng đỉnh Trump-Tập vẫn chưa ấn định, những người có liên hệ đến đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc nói. Những vấn đề như vậy dường như đã được đưa ra trong những cuộc thảo luận cấp Bộ trưởng tại Trung Quốc với một phái đoàn do Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer dẫn đầu.
Một phát ngôn viên của phủ Tổng thống Hàn Quốc, ông Kim Eui-kyeom nói Seoul hy vọng Washington và Bình Nhưỡng sẽ có những bước quan trọng và cụ thể tại Việt Nam tiến đến việc xóa sạch những tranh chấp lịch sử tại cuộc họp thượng đỉnh năm ngoái ở Singapore.
Ông Kim nói Việt Nam hiện là bạn của Hoa Kỳ dù trước đây đã sử dụng "gươm và súng" chống Mỹ, đồng thời ông cũng bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ là một "sân khấu vĩ đại" để Hoa Kỳ và Triều Tiên viết nên trang sử mới.
(Theo Nikkei Asian Review)
*********************
‘Việt Nam được lợi khi đăng cai Thượng đỉnh Trump-Kim’ (VOA, 07/02/2019)
Tiến sĩ Nguyễn Việt Phương, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Belfer, Đại học Harvard của Hoa Kỳ, trao đổi với VOA về các điểm lợi khi Việt Nam đăng cai cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra vào ngày 27/28 tháng 2.
VOA : Thư a tiến sĩ Nguyễn Việt Phương, ông có thể phân tích các điểm lợi cho nước chủ nhà khi thượng đỉnh Trump-Kim được tổ chức ở Việt Nam ?
Nguyễn Việt Phương : Về mặt đối ngoại song phương, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc cải thiện mối quan hệ với ba nước : Hoa Kỳ, Triều Tiên và Hàn Quốc. Về phía Hoa Kỳ, việc Việt Nam đứng ra tổ chức một sự kiện quan trọng với ông Donald Trump về mặt đối ngoại này thì chứng tỏ rằng Việt Nam sẵn sàng làm một đối tác tin cậy của Hoa Kỳ trong khu vực Đông Nam Á. Đây là một cơ hội rất thuận lợi cho Việt Nam trong bối cảnh rất nhiều nước trong khu vực muốn giành lấy vị trí này như Singapore, Thái Lan, Philippines…
Hàn Quốc, một đối tác lớn của Việt Nam về kinh tế, lại là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất các cuộc đối thoại của Tổng thống Donald Trump và Lãnh đạo Kim Jong-un. Khi Việt Nam tổ chức cuộc gặp này thì phía Hàn Quốc đánh giá là Việt Nam đã giúp Hàn Quốc vấn đề quan trọng nhất về cả an ninh và ổn định tại bán đảo Triều Tiên.
Về phần Triều Tiên, quan hệ trong thời gian vừa qua giữa Việt Nam và Triều Tiên không có quá nhiều biến động, nhưng cũng không quá tốt ! đặc biệt sau những sự kiện như công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương bị dính líu đến vụ ám sát Kim Jong-nam ở Malaysia năm 2017. Về mặt hệ chính trị, Việt Nam và Triều Tiên được coi là hai quốc gia gần gũi. Qua sự kiện này, Việt Nam có thêm một quan hệ tốt và thuận lợi với Triều Tiên, đặc biệt Triều Tiên muốn học hỏi mô hình cải tổ kinh tế của một số nước như Việt Nam, Trung Quốc… Như vậy Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để chia sẻ với Triều Tiên những bài học về quá trình đổi mới của Việt Nam từ năm 1986. Việc này không chỉ tác động đến Triều Tiên và tác động đến nền chính trị, kinh tế quốc tế bởi vì nước này là một chủ đề nóng trên thế giới. Nếu Việt Nam đóng một vai trò trong việc Triều Tiên mở cửa thì đây sẽ là một đóng góp hết sức quan trọng của Việt Nam đối với nền chính trị, an ninh quốc tế".
VOA : Trên bình diệ n đa phương, thì thượng đỉnh Trump-Kim có ích lợi gì cho Việt Nam ?
Nguyễn Việt Phương : Về mặt đa phương, trong thời gian vừa qua Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để chứng tỏ rằng mình là một quốc gia tích cực trong khu vực và trên quốc tế thông qua những việc như đi tiên phong trong khu vực Đông Nam Á trong việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông ; đi tiên phong trong khu vực Đông Á về thúc đẩy hợp tác khu vực, và gần đây là việc ứng cử một lần nữa làm ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Một trong các động thái để chứng tỏ rằng Việt Nam có thể cải thiện được vị trí là một quốc gia tiên phong trong khu vực, hay giữa các nước tầm trung trên thế giới… Đó là những hoạt động quan trọng trong an ninh khu vực, cụ thể là cuộc gặp Trump-Kim lần thứ hai này".
VOA : Thư a tiến sĩ, khi Việ t Nam tổ chức thượng đỉnh này thành công thì mối quan hệ giữa Hà Nội và Washington sẽ tiến triển ra sao ?
Nguyễn Việt Phương : Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian vừa qua là rất nồng ấm. Hoa Kỳ coi trọng vị trí của Việt Nam tại khu Đông Nam Á. Khi Việt Nam tổ chức sự kiện này sẽ tái khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc duy trì an ninh tại khu vực – mà việc này có lợi cho Mỹ tại khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, Mỹ còn muốn kìm tỏa Trung Quốc, đặc biệt là từ các nước xung quanh, thông qua chính sách mới của họ Ấ n Độ Dương – Thái Bình Dương và Việt Nam là một nước có xuất phát điểm thấp trong chính sách này. Khi Việt Nam hỗ trợ được Mỹ trong việc giải quyết một trong những điểm nóng lớn nhất trên thế giới của Mỹ ngoài khu vực Ấ n Độ Dương – Thái Bình Dương – đó là Triều Tiên, thì Việt Nam tự khắc sẽ thành một đối tác ở tầm chiến lược cao hơn nữa đối với Mỹ trong việc triển khai chính sách Ấ n Độ Dương – Thái Bình Dương để kìm tỏa Trung Quốc trong thời gian tới".
VOA : Việ t Nam có những nét tương đồng với Triều Tiên và có thể chia sẻ với Bình Nhưỡng, tiến sĩ nhận định vấn đề như thế nào ?
Nguyễn Việt Phương : Khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ năm 1979, là do Việt Nam đưa quân vào Campuchia. Việc đưa quân này một phần giúp Việt Nam ổn định biên giới Tây Nam, nhưng lại là nguyên nhân khiến Việt Nam bị cô lập tại khu vực và trên trường quốc tế, tức là rơi vào tình trạng gần giống như Triều Tiên hiện tại. Từ năm 1986 Việt Nam đã mở cửa nền kinh tế và chính sách này và Việt Nam hoàn toàn có thể chia sẻ bài học này đối với Triều Tiên. Hơn nữa, Việt Nam và Triều Tiên có một hệ tư tưởng khá gần gũi, một nền chính trị tương đối tương đồng. Trên thế giới có hai mô hình mà Triều Tiên có thể học hỏi được là mô hình của Trung Quốc và của Việt Nam. Nhưng Trung Quốc có nguồn lực khác nhiều so với Triều Tiên, vì vậy xét trên nhiều khía cạnh thì Việt Nam có lẽ là mô hình phù hợp nhất để Triều Tiên học hỏi, để mở cửa nền kinh tế. Nếu Việt Nam chia sẻ được các bài học của mình cho Triều Tiên thì đó là một điều rất tốt cho quan hệ hai nước và cho quốc tế".
An Hải