Venezuela : Maduro trúng ngư lôi nhưng chưa chìm
Khủng hoảng Venezuela, Binh pháp Hoa Vi của Đảng cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh trong mắt một nhà dân túy, Gián điệp quốc tế tái xuất, Hệ quả 40 năm cách mạng Hồi giáo Iran… những chủ đề trên các tuần báo Pháp hôm nay làm cuộc khủng hoảng Áo Vàng và đấu đá tại Pháp, chỉ là bão tố trong ly nước.
Ông Nicolas Maduro đọc diễn văn trước những người ủng hộ tại Caracas. Reuters/Carlos Barria
Như thường lệ, thời sự quốc tế dồi dào nhất vẫn là tuần báo Courrier International tổng hợp 1.500 bài báo quốc tế. Hồ sơ đặc biệt tuần này tổng kết 40 năm cách mạng Hồi giáo Iran và nhìn về tương lai không có tín hiệu khả quan. Cũng bất trắc không kém là cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela, đối đầu hai vị tổng thống. Người đương nhiệm ngày càng yếu thế hơn so với vị lâm thời.
Tổng thống xã hội và Tổng thống tự phong
Courrier International giới thiệu với độc giả hai quan điểm : Tổng thống xã hội bị siết gọng kềm, theo nhận định của El Tiempo, báo Colombia. Quan điểm thứ hai của báo Đức, tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung : cần phải hướng dẫn tổng thống tự phong.
Sau khi chủ tịch Quốc hội lập pháp Venezuela tuyên thệ nhậm chức tổng thống, trước hàng chục ngàn người, chuyện gì sẽ xảy ra trong bước kế tiếp ? Đây là câu hỏi được đặt ra trên khắp nước Venezuela và trên thế giới, theo báo El Tiempo. Dưới bức hí họa một ông râu sâu róm ngồi trong xe tăng chĩa súng cà-nông vào một anh thanh niên mảnh khảnh tay cầm ống loa, tác giả phân tích tương quan lực lượng : một bên, Juan Guaido được quốc tế công nhận và nhất là không ngờ nhà lãnh đạo đối lập trẻ tuổi này lại được phe đối lập đoàn kết hậu thuẫn. Bên kia, Nicolas Maduro, bị cô lập, đứng dưới chân tường.
Tuy nhiên, dù Mỹ và các nước láng giềng của Venezuela huy động mọi biện pháp bóp nghẹt dưỡng khí kinh tài để làm sụp chế độ Caracas, còn phải có nhiều động tác hơn nữa mới có thể đánh chìm được Nicolas Maduro. Bởi vì hàng sĩ quan cao cấp, đang bị tư pháp điều tra về các hành động tham ô và buôn ma túy, biết rõ nếu họ buông Maduro thì họ sẽ chết theo. Nhưng nếu quân đội ý thức là dân chúng cần lương thực và cần mở cửa biên giới với Colombia để nhận viện trợ quốc tế thì người ta có quyền hy vọng một giải pháp ôn hòa. El Tiempo của Colombia không dám phiêu lưu trả lời câu hỏi : Maduro sẽ sụp đổ hay không ? Tuy nhiên, tờ báo kết luận : chưa bao giờ gọng kềm siết chặt như thế và có nhiều quyết tâm làm cho chế độ sụp đổ như thế.
Cùng nhận định là Maduro không đầu hàng một cách dễ dàng, báo Đức Người Frankfurter cho rằng cần phải "giúp" lãnh đạo đối lập bởi vì Maduro "để lộ bản chất" không chấp nhận luật chơi dân chủ, tổ chức bầu lại tổng thống để đưa đất nước ra khỏi bế tắc chính trị một cách lý tưởng nhất cho cả đôi bên và quốc tế. Khi công nhận Juan Guaido, Đức và đa số quốc gia Châu Âu hỗ trợ cho Mỹ và các quốc gia Châu Mỹ la-tinh vì hai nhu cầu : đạo đức và dân chủ. Các nền dân chủ Châu Âu không thể không bảo vệ các quyền chính đáng của công dân Venezuela.
Từ một quốc gia thịnh vượng, Venezuela đã rơi xuống hố sâu khủng hoảng và nghèo đói vì chế độ của Maduro. Khi một nhà lãnh đạo chính trị là cội nguồn của mọi bất hạnh xảy đến cho dân chúng thì phải ngăn chận đương sự lộng hành. Sự kiện trong nội bộ Châu Âu có những đảng mị dân như "phong trào 5 sao" ở Ý ủng hộ Maduro chứng tỏ phe tả Châu Âu chỉ gắn bó với ý thức hệ và quên đi chuyện chính quyền Trung Quốc và Nga hoàn toàn không quan tâm gì đến số phận thường dân Venezuela mà chỉ nhìn đến trữ lượng dầu hỏa và tính tóan hơn thua với Hoa Kỳ.
Tập đoàn Hoa Vi muốn khống chế tây phương
Tập đoàn Hoa Vi Trung Quốc, vũ khí chiến tranh gián điệp của Bắc Kinh trong mục tiêu khống chế tây phương, là chủ đề thứ hai của các tuần báo. Mỹ và Châu Âu đối phó ra sao ? Hệ quả đối với Trung Quốc ?
Bằng cách nào Hoa Vi chinh phục thị trường Châu Âu ? Điều tra của New York Times, được Courrier International giới thiệu một trích đoạn đưa ra ba chiến thuật : đầu tư, bảo trợ và hứa hẹn hoa mỹ, rồi từ từ gây sức ép với những nạn nhân lọt vào bẫy rập. Tại Anh, Hoa Vi lập "hội đồng quản trị đặc biệt" với John Brown, cựu Tổng giám đốc tập đoàn dầu khí BP làm chủ tịch. Rồi thông báo sẽ đầu tư 3 tỉ bảng Anh. Hoa Vi tìm cách kết thân với thủ tướng Anh, thủ tướng Đức. Chỉ trong vòng 5 năm, nhân viên của Hoa Vi tại Châu Âu tăng từ 7300 lên 12.000.
Thế nhưng, vị thế Châu Âu của Hoa Vi, thị trường thứ hai sau Hoa lục, rơi một cách nhanh chóng. Đây là tín hiệu báo trước Hoa Vi sẽ mất thị phần trên toàn thế giới. tháng Giêng 2019, một trong những cán bộ lãnh đạo ở Ba Lan bị bắt về tội gián điệp. Tất cả những gì xảy ra trong ba tháng qua đều đi theo chiều hướng xấu : Pháp, Đức, Tiệp đều nghĩ đến phương án loại Hoa Vi ra khỏi các dự án G5 trong tương lai.
Báo chí Hồng Kông và Hoa lục cũng cho rằng phản ứng của Mỹ và Tây Âu, từ biện pháp truy tố đánh cắp bí mật công nghệ hay cáo buộc gián điệp là một "logic chính trị" muốn "tiêu diệt Hoa Vi bằng mọi giá" ?
Tuần báo Le Point giải thích vì sao mạng lưới viễn thông thế hệ 5 của Hoa Vi đe dọa tự do thế giới. Trong bài "Binh pháp chiến tranh mới của Trung Quốc", Le Point cho rằng một mặt Hoa Vi được chế độ Trung Quốc yểm trợ tối đa : bảo vệ thị trường nội địa, hỗ trợ đánh cắp công nghệ nước ngoài, được Ngân hàng Nhà nước trợ giúp xuất khẩu qua con đường tơ lụa mới, tự do hối lộ không bị trừng phạt. Mặt khác, Hoa Vi là công ty chủ chốt trong chính sách theo dõi nhận diện công dân qua hệ thống camera kỹ thuật số kết hợp chặt chẽ với bộ máy công an. Điều 7 Luật an ninh 2017 buộc công dân và xí nghiệp hợp tác với an ninh tình báo.
Do vậy, theo Le Point, hành động trả đũa của Mỹ tương xứng với thử thách chiến lược mà thế giới đang đối đầu : giới chủ nhân doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng nhiều hộ chiếu khác nhau để phòng thân khi bị Bắc Kinh truy nã, từ nay họ biết sẽ gặp vấn đề ở ngoài Trung Quốc. Quan trọng hơn hết là hệ quả tác động bên trong chế độ Bắc Kinh : Cuộc phản công của Mỹ đánh Hoa Vi đã làm gia tăng mối bất hòa, xung khắc giữa lãnh vực nhà nước và tư nhân. Phe tư nhân không muốn tài trợ cho kế hoạch "Made in China 2025" của Tập Cận Bình. Đòn phản công của Donald Trump còn khuyến khích các đối thủ trong đảng của chủ tịch Trung Quốc, những người chỉ trích họ Tập thiếu thận trọng thách thức Hoa Kỳ.
Chiến tranh thương mại, chiến tranh lạnh
Trong không khí chiến tranh thương mại, chiến tranh lạnh, Le Point đưa độc giả trở lại những trận đấu trong bóng tối với điệp viên hành động cổ điển, gián điệp mạng, tình báo không gian. Trong trận thế phức tạp này, vì sao Putin tung an ninh quân đội GRU ra nước ngoài ? Hoa Vi đóng vai trò gì trong binh pháp gián điệp của Trung Quốc ? Đối sách của Pháp ra sao ?
Theo Le Point, vũ khí bí mật của Pháp để vô hiệu hóa "Hoa Vi, vũ khí của Đảng Cộng sản Trung Quốc" là Ủy ban R226. Nhiệm vụ của cơ quan tối mật này là "nhận dạng, đánh giá mức độ quan trọng của từng cơ phận trong hệ thống 5G và từ đó lựa chọn linh kiện phù hợp, bảo vệ an toàn và bảo mật tối đa".
Trong một bài điều tra dài hơn 4 trang, Le Point trích một chuyên gia tình báo Pháp than phiền : Nước Pháp chậm quá. Hãy nhìn xem nước Mỹ, khi muốn đập Hoa Vi, họ bắt ngay một lãnh đạo và mọi việc được dấy động.
Trong số những giai thoại về hoạt động tình báo trong thời gian qua, Le Point lý giải vì sao an ninh quân đội Nga, gọi tắt là GRU đảm trách hoạt động ngoài lãnh thổ Nga, nhiệm vụ truyền thống của tình báo đối ngoại SVR ? Nicolai Gluchkov, nhà tài phiệt trước là người thân cận với Putin nhưng sau đó trở thành đối lập, đã chết bí ẩn tại Luân Đôn 8 ngày trước vụ đầu độc cha con cựu trung tá Skripal và hàng loạt cái chết bí ẩn khác bị cho là do điệp viên GRU ra tay.
Tại sau Putin tin cậy vào GRU và thất sủng SVR ? Lý do là khi xảy ra vụ biểu tình ở quảng trường Maidan ở Ukraine và sau đó tổng thống thân Nga Viktor Yanoukovitch bị lật đổ, mà Kremlin không trở tay kịp. Nhân viên SVR có mặt đầy ở trong sứ quán Nga tại Kiev và FSB được tăng viện 10 ngày trước cũng bất lực.
Moskva cứu được sĩ diện là nhờ GRU. Trước tiên GRU ra tay khẩn cấp, cứu Yanoukovitch đem sang Nga và vài tháng sau, với những nhân viên bịt mặt, GRU xâm nhập và chiếm bán đảo Crimée không cần nổ súng.
Một thành công lớn khác của GRU trong điệp vụ hải ngoại là trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, hàng chục ngàn thư điện tử của ban vận động cho Hillary Clinton bị tiết lộ.
Đối tượng chính của các phong trào mị dân là ai ?
Nước Pháp vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng Áo Vàng. Gilets Jaunes được các phe dân túy Châu Âu ủng hộ đánh phá trật tự chính trị hiện hữu. Nhưng đối tượng chính của các phong trào mị dân này là ai ?
Đối với tuần báo L’Obs, trích một cố vấn thân thiết của tổng thống Macron thì nhược điểm của ông là không giữ được miệng. Thấm thía bài học châm dầu vào lửa chọc tức phe Áo Vàng xuống đường nhưng chứng nào tật nấy, chỉ bớt đôi chút mà thôi. Tại sao ? Tại vì nhà lãnh đạo thế hệ mới này đoan chắc rằng giới lãnh đạo trước đều là những kẻ đạo đức giả. Mà muốn giải quyết những vấn nạn của đất nước thì phải có can đảm gọi đích danh vấn nạn đó.
Còn Le Point thì có vẻ tội nghiệp cho tổng thống. Vì muốn bớt nợ công qua tiết kiệm ngân sách mà cuối cùng chủ nhân điện Elysée phải chi thêm tiền. Trong bài "Liệu Macron quẹo trái ?", tác giả bài xã luận làm tính nhẩm : nhà nước chi ra 15 tỉ euro để xoa dịu cơn giận của 100.000 Áo Vàng. Tính ra, tốn kém trung bình vì mỗi áo vàng là 150.000 euro, thế mà tình hình vẫn không yên.
Đảng Cộng sản Trung Quốc là kẻ thù chung của Nga-Mỹ
Không hẹn mà nên, cả L’Obs và L’Express đều tập trung phân tích xu hướng dân túy tại Châu Âu và Pháp nhân phong trào Áo Vàng và khủng hoảng ở Venezuela. L’Obs, cánh tả, chỉ trích lãnh đạo đảng "Nước Pháp Bất Khuất" Jean-Luc Melanchon, là nhà cách mạng tưởng tượng, lý luận theo ý thức hệ hơn là nhìn vào thực tế. L’Express tìm hiểu rộng hơn, đến các phong trào dân túy ở Ý, ở Đức và phỏng vấn một "cao thủ" dân túy từng giúp Donald Trump chinh phục cử tri bình dân tại Mỹ và nay được xem là "cố vấn" của đảng cực hữu Pháp : Steve Bannon.
Khi được đặt câu hỏi về mục tiêu sâu xa của phong trào cực hữu, dân túy tại Châu Âu phải chăng là để đánh phá Liên Hiệp Châu Âu, phục vụ cho mưu đồ của Putin, cựu cố vấn của Donald Trump gây ngạc nhiên : Không phải như thế. Phong trào Áo Vàng không có bằng cấp đại học danh tiếng của Pháp, nhưng họ đòi hỏi chính đáng. Họ làm Macron lo ngại nhưng cũng không làm Putin, kẻ ghét biểu tình, lên tinh thần. Nếu Liên Hiệp Châu Âu thay đổi thành một hợp bang với từng thành viên hùng mạnh thì sẽ đáng lo cho Putin.
Tuy nhiên, vẫn theo Steve Bannon, tương lai thế giới sẽ đi theo một trật tự mới Cơ Đốc-Do Thái Giáo với Israel, Châu Âu, Nga và Mỹ. Bởi vì "kẻ thù chung của thế giới là Đảng cộng sản Trung Quốc và chế độ độc tài con buôn". Tập Cận Bình, theo Steve Bannon, là Hitler của thế kỷ 21 : kiểm soát dân chúng bằng máy nhận diện, đàn áp tín đồ Thiên Chúa giáo, bắt giam người Hồi Duy Ngô Nhĩ. Như để cảnh báo thế giới bằng ngôn từ gây sốc, Steve Bannon gọi những người vỗ tay hoan hô Tập Cận Bình là những kẻ tệ hại hơn cả những tay "đồng lõa" với Hitler.
Iran kỷ niệm 40 năm ngày lật đổ chế độ vương quyền
Chế độ giáo quyền Iran kỷ niệm trọng thể 40 năm ngày lật đổ chế độ vương quyền trong bối cảnh thất bại từ kinh tế, xã hội cho đến… tôn giáo.
Iran trở thành một cường quốc khu vực nhưng hiếu chiến và muốn vũ khí hạt nhân. Nhưng đằng sau lớp son rực rỡ này là một nền kinh tế khủng hoảng, một xã hội xa lánh giáo quyền. Giáo chủ Khamenei soạn thảo kế hoạch tương lai 50 năm dự báo Iran sẽ là một nước Hồi giáo hùng mạnh kết hợp công nghệ với giáo quyền. Tuy nhiên, theo luật sư Shrin Ebadi, nhà hoạt động nhân quyền, Nobel Hòa bình 2003, chế độ này không thể tồn tại lâu dài. Phải thay đổi, và hy vọng thay đổi không đổ máu, qua một cuộc trưng cầu dân ý.
Tú Anh