Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

07/02/2019

Trung Mỹ : Hoa Vi khai chiến, khó lật đổ Maduro

RFI tiếng Việt

Hoa Vi : ngòi nổ của chiến tranh viễn thông Trung-Mỹ (RFI, 07/02/2019)

Donald Trump cáo buộc Hoa Vi là mối đe dọa cho an ninh nước Mỹ. Lên như diều gặp gió, tập đoàn điện thoại và linh kiện viễn thông có liên hệ với quân đội Trung Quốc trở thành đối tượng chính trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung để thống lĩnh kinh tế và công nghệ toàncầu.

trungmy1

Ảnh minh họa : Biểu hiệu của Hoa Vi (Huawei) trên nền cờ Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ Reuters/Dado Ruvic

Là một trong những tác nhân chính của mạng điện thoại di động thế hệ 5G, được xem là cao điểm của cách mạng công nghệ internet, hệ thống viễn thông này có thể được dùng vào mục tiêu chính trị, gián điệp và phá hoại. Do vậy, tổng thống Mỹ cáo buộc tập đoàn công nghệ, do một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc sáng lập, đe dọa an ninh Hoa Kỳ. Ngoài chiến dịch ngoại giao thuyết phục các nước đồng minh cấm cửa Hoa Vi, các định chế tư pháp, lập pháp của Mỹ cũng tham gia ngăn chận tập đoàn điện tử viễn thông Trung Quốc.

Điều 7 - đạo luật 2017 và "công ty yêu nước"

Theo Andrus Ansip, phó ủy viên Châu Âu đặc trách thị trường kỹ thuật số, Liên Âu cần phải e dè Hoa Vi và các công ty khác của Trung Quốc, bởi vì họ hợp tác với tình báo Trung Quốc. Phó ủy viên Andrus Ansip muốn nói đến một điều luật của Trung Quốc, luật số 7 ban hành năm 2017, bắt buộc "công dân và các công ty Trung Quốc yêu nước phải hợp tác với cơ quan tình báo".

Nhưng đối với chủ nhân sáng lập Hoa Vi, Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), cho dù ông là cựu sĩ quan, nhưng những cáo buộc phục vụ chính quyền Trung Quốc chỉ là "tin đồn" và "chưa bao giờ Hoa Vi bị bắt quả tang". Con gái của Nhậm Chính Phi, mang họ mẹ là Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), lãnh đạo số hai của Hoa Vi, đang chờ quyết định của tư pháp Canada dẫn độ về Mỹ để trả lời về một vụ khác : qua mặt lệnh trừng phạt Iran của Washington.

Tối thứ Ba 05/02/2019, trong Thông điệp Liên Bang, tổng thống Donald Trump cảnh báo Trung Quốc : "Những hành động đánh cắp việc làm và thịnh vượng của nước Mỹ từ nay chấm dứt".

Hoa Vi đáng ngại chỗ nào ? Cụ thể Hoa Kỳ đối phó ra sao và đâu là mục tiêu của Mỹ lẫn Trung Quốc trong cuộc chiến này ?

Từ Washington, nhà báo Phạm Trần phân tích :

"Điều nghiêm trọng nhất là từ lâu nay, từ thời tổng thống Obama, Mỹ vẫn theo dõi Trung Quốc về vấn đề đánh cắp dữ kiện khoa học. Chính quyền Obama đã tố cáo bộ Quốc Phòng Trung Quốc tập trung khả năng xâm nhập bộ máy điện tử của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, bộ Quốc Phòng, các cơ quan an ninh như CIA và FBI. Nhưng Trung Quốc đều bác bỏ. Quốc Hội Mỹ tìm mọi cách điều tra thu thập bằng cớ để truy tố Trung Quốc, nhưng không thành công.

Thế thì bây giờ xảy ra vụ TMobil. Tmobil, một công ty rất lớn về điện thoại viễn thông của Mỹ hợp tác với Hoa Vi làm ăn buôn bán, nhưng đã phát giác ra một lệnh của Hoa Vi chỉ thị cho công nhân đánh cắp một dữ kiện trong bộ máy điện tử của TMobil, mà Hoa Vi không chế tạo được. TMobil bắt được nhân viên đó, thu lại được tài liệu, trong đó Hoa Vi ra lệnh và hứa thưởng tiền…"..

Tú Anh

********************

Venezuela : Lật đổ Maduro, một ván cờ "khó" đối với Mỹ (RFI, 07/02/2019)

Venezuela đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội và nhân đạo lớn chưa từng có. Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ phe đối lập và khẳng định không loại trừ khả năng can thiệp quân sự để lật đổ chế độ "độc tài" tổng thống Maduro. Giới chuyên gia cho rằng tuy Hoa Kỳ trong thế mạnh, nhưng đây chưa hẳn là một ván cờ dễ cho chính quyền Washington.

trungmy2

Giới hoạt động nhân quyền và chống chiến tranh biểu tình trước Nhà Trắng phản đối Mỹ can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Venezuela, Washington, ngày 26/01/2019 Reuters/Joshua Roberts

Lạm phát kỷ lục, khan hiếm lương thực và thuốc men… đẩy hàng triệu người bỏ xứ tha hương. Câu hỏi đặt ra : Với một bản tổng kết u ám như thế làm thế nào "nhà độc tài" vẫn có thể duy trì quyền lực ? Liệu tổng thống Mỹ Donald Trump có thể can thiệp quân sự để lật đổ chế độ "bạo chúa" như đánh giá của cố vấn an ninh quốc gia John Bolton ?

Tuần san L’Express của Pháp khẳng định Hoa Kỳ khó có thể dùng giải pháp quân sự với Venezuela. Nhìn từ phía Venezuela, tâm lý chống Mỹ vẫn còn cao. Washington chưa thật sự có được sự ủng hộ hoàn toàn của người dân Venezuela. Những người ủng hộ chế độ Maduro chỉ trích Hoa Kỳ và phương Tây can thiệp vào chuyện nội bộ và ủng hộ đảo chính.

Trên bình diện quốc tế, chế độ Maduro được Nga và Trung Quốc "chống lưng". Tuy nhiên, theo giới quan sát, Cuba mới chính là rào cản lớn nhất, gây khó khăn cho chiến lược của Hoa Kỳ trong hồ sơ Venezuela. L’Express nêu lên ba lý do chính.

Thứ nhất, Cuba khống chế toàn bộ quân đội Venezuela. Các sĩ quan cao cấp của nước này, do bộ chỉ huy Cuba điều khiển, được hưởng những đặc quyền đặc lợi, trong khi các hàng sĩ quan cấp thấp, binh sĩ chịu các áp lực dưới hình thức các kiểu đe dọa trá hình nhắm vào gia đình họ.

Theo các nguồn tin lưu hành trên các trang mạng xã hội của phe đối lập, nhiều sĩ quan cao cấp Cuba hiện diện trong quân đội Venezuela : hai tướng, bốn đại tá, tám trung tá, sáu đại úy, 25 sĩ quan cấp úy và 4.500 binh sĩ bộ binh mặc quân phục Venezuela được phân bổ rải rác trong 9 sư đoàn.

Hơn nữa, Cuba thâm nhập sâu trong đời sống chính trị Venezuela. Ngay những ngày đầu lên cầm quyền, cố tổng thống Hugo Chavez đã áp dụng ngay sách lược của Cuba : Kiểm soát chính phủ, Sửa đổi Hiến Pháp, Vô hiệu hóa các định chế, Tống khứ các lực lượng đối lập bằng cách buộc họ phải đi tị nạn và cuối cùng, làm cho cuộc sống những ai ở lại trở nên ngột ngạt nhằm bóp nghẹt ngay từ trong trứng nước mọi mầm mống phản đối.

Thứ hai, cùng với thời gian, Venezuela trở thành một điểm trung chuyển ma túy Colombia nhờ vào băng đảng Los Soles. Một băng đảng bao gồm các sĩ quan cao cấp, có quan hệ mật thiết các sĩ quan Venezuela do nhân vật số hai chính phủ kiểm soát. Đây chính là một trong những nguồn thu béo bở cho quân đội.

Thứ ba, dưới sự chỉ đạo từ xa của Cuba, Venezuela dần dần đi ra khỏi quỹ đạo của phương Tây. Vì vậy, tầm ảnh hưởng của Nga tại đất nước Châu Mỹ Latinh này ngày càng lớn. Theo giải thích của sử gia Olivier Compagnon, giám đốc Viện Nghiên Cứu Châu Mỹ Latinh, trên đài RFI, một mặt Nga là chủ nợ thứ hai của Venezuela, đứng sau Trung Quốc. Mặt khác, Venezuela là một lá bài địa chính trị để Nga làm đối trọng với thế bá quyền của Mỹ trên thế giới.

Đó là chưa tính đến sự ủng hộ của nhiều nước khác đối với Venezuela như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Bolivia, Nicaragua hay như Lực lượng quân đội Cách mạng Colombia (Farc), những đối tác chiến lược chính của chính quyền Caracas.

Tóm lại, trong ván cờ này, tuy Cuba chật vật tìm cách cứu đồng minh, Hoa Kỳ trong thế thượng phong, nhưng mong muốn của Donald Trump đánh đuổi "bạo chúa" Nicolas Maduro cũng không dễ gì thực hiện.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 659 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)