Trong các báo Pháp ra hôm nay, nhật báo kinh tế Les Echos tiếp tục chú ý đến quan hệ Mỹ - Trung nhưng trên một góc độ rộng hơn nhìn từ vụ Hoa Vi.
Trong bài phân tích có tựa đề "Hoa Vi : Tại sao Hoa Kỳ đã đi quá xa" tác giả Dani Rodrik, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế của trường John F. Kennedy School of Government thuộc Đại học Harvard, cho thấy, dù việc bảo vệ lợi ích của mình là chính đáng, nhất là trong lĩnh vực an ninh quốc gia, nhưng trong vụ Hoa Vi, người Mỹ đã lạm dụng áp đặt các chuẩn mực của mình đối với toàn thể các nước khác.
Tác giả nhận định : "Chế độ thương mại quốc tế hiện nay, được điều chỉnh bởi những luật lệ của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và các thỏa thuận khác, không còn phù hợp nữa. Đó là các quy định được xây dựng chủ yếu cho một thế giới xe hơi, sắt thép, hàng dệt may chứ không phải cho một thế giới của dữ liệu thông tin, phần mềm và trí thông minh nhân tạo. Các quy định cũ không đủ để đối mặt với những thách thức mới của thời đại công nghệ".
Tác giả nêu ra 3 thách thức chính : Thứ nhất về địa chính trị và an ninh quốc gia. Công nghệ số ngày nay cho phép các cường quốc xâm nhập mạng lưới công nghiệp, làm gián điệp mạng, thao túng truyền thông xã hội. Chính phủ Mỹ nhắm vào Hoa Vi vì sợ mối liên hệ của doanh nghiệp này với chính phủ Trung Quốc sẽ làm cho các thiết bị viễn thông của họ trở thành mối đe dọa an ninh. Thách thức thứ hai là về bảo vệ các dữ liệu cá nhân. Thứ ba là khía cạnh kinh tế. Các công nghệ mới tạo ưu thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp lớn chiếm lĩnh thị trường thế giới.
Thêm vào đó một số chính sách của các chính phủ lại tạo cho các công ty những ưu đãi. Chẳng hạn như chủ trương giám sát dân của chế độ Bắc Kinh đã giúp cho các công ty Trung Quốc thu thập một khối lượng dữ liệu khổng lồ. Việc này giúp họ có nhiều thuận lợi trong chinh phục thị trường thế giới về công nghệ nhận diện.
Trong bối cảnh đó, chính phủ Mỹ đã ngăn chặn Hoa Vi thôn tính các công ty Mỹ, hạn chế các hoạt động của công ty này tại Hoa Kỳ, truy cứu pháp lý đối với lãnh đạo cao cấp của Hoa Vi, gây áp lực với chính phủ nước ngoài để họ không hợp tác với công ty Trung Quốc. Gần đây chính quyền Mỹ cấm các công ty Mỹ bán linh kiện cho chuỗi cung ứng của Hoa Vi trên toàn thế giới.
Tác giả cho rằng dù hiện "có ít bằng chứng cho thấy Hoa Vi làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ không làm trong tương lai".
Giáo sư Dani Rodrik khẳng định Mỹ có lý do an ninh quốc gia để cấm Hoa Vi, nhưng lệnh cấm của Mỹ gây tác hại kinh tế đến các nước khác. Bài viết khẳng định : "Hoa Kỳ có quyền tự do đóng cửa thị trường của mình với Hoa Vi, nhưng nỗ lực của họ nhằm quốc tế hóa các áp lực trong nước mình là không chính đáng. Vụ Hoa Vi là dấu hiệu báo trước một thế giới mà ở đó an ninh quốc gia, tôn trọng đời tư và các vấn đề kinh tế tác động lẫn nhau một cách phức tạp. Điều tốt nhất mà chúng ta mong đợi là chắp vá những quy định, dựa trên các luật lệ cơ sở rõ ràng giúp các nước vẫn theo đuổi lợi ích quốc gia căn bản mà không phải xuất khẩu vấn đề của mình sang nước khác".
Cuba chống virus corona bằng bàn tay sắt
Về chủ đề dịch Covid-19, Le Figaro có bài phóng sự đáng chú ý về cách phòng chống dịch của Cuba, hòn đảo Cộng Sản nằm sát cạnh nước Mỹ, đang là tâm dịch thế giới.
Bài phóng sự mang tựa đề "Cuba thời virus corona" cho thấy chế độ xã hội chủ nghĩa Cuba đã huy động quân đội, cảnh sát cùng hợp lực với các nhân viên y tế để chống dịch thế nào. Đó là các biện pháp cứng rắn, bắt buộc toàn dân đeo khẩu trang, theo dõi chặt chẽ du khách nước ngoài. Thế nên, từ đầu mùa xuân đến nay, cuộc chiến chống dịch của Cuba đã thu được thành công rõ rệt.
Bài báo cho biết, ngay từ đầu đại dịch, chính quyền Cuba đã tuyên truyền cho dân chúng nhất quán về nguyên nhân khủng hoảng dịch này. Virus Corona không phải đến từ Trung Quốc mà là từ các du khách nước ngoài đến thăm hòn đảo. Người ta quên rằng mỗi năm có tới 600 nghìn người Cuba tới Panama, Haiti hay Guyana để mua hàng về bán lại trong nước. Người nước ngoài làm lây truyền Covid trên hòn đảo đã in sâu vào ý nghĩ người Cuba. Một cựu binh từng chiến đấu ở Angola còn quả quyết với phóng viên của Le Figaro rằng "virus đến từ Hoa Kỳ".
Về cách quản lý khủng hoảng dịch, theo tác giả, từ 6 tháng nay, Cuba dựa vào Lực lượng vũ trang Cách mạng để kiểm soát dịch. Binh sĩ quân đội, cảnh sát được huy động tổng lực.
Quân đội tham gia tẩy trùng đường phố. Cảnh sát theo dõi giãn cách xã hội, đeo khẩu trang. Từ giữa tháng Tư chính quyền thủ đô La Habana đã cho ngừng hoạt động giao thông công cộng, ban hành giới nghiêm. Đeo khẩu trang là bắt buộc ở khắp nơi, từ trong không gian khép kín đến ngoài khu công cộng, thậm chí cả trong những chiếc xe Lada cũ rích.
Cảnh sát có mặt ở khắp nơi để buộc người dân tôn trọng quy định, nếu không sẽ bị phạt với mức tiền tương đương với nhiều tháng lương trung bình. Ngay từ tháng 3, chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đã đeo khẩu trang đọc diễn văn trên truyền hình, cũng như các phát thanh viên người dẫn chương trình truyền hình.
Các nhân viên y tế được huy động tổng lực hàng ngày đến các khu phố để truy tìm các ca nghi nhiễm. Sau khi đạt không còn ca nhiễm hồi giữa tháng 7, các biện pháp hạn chế được nới lỏng ở La Habana, nhưng đến tháng 8 Covid-19 trở lại thủ đô và thế là thành phố lại bị giới nghiêm cho đến 30/09/ Tất cả các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm đều được đưa thẳng đi cách ly tập trung.
Bài phóng sự cho biết, do kinh tế kiệt quệ, hệ thống hạ tầng cơ sở y tế bị xuống cấp, tình trạng quá tải đã xảy ra ngay từ khi số ca nhiễm chưa phải là nhiều. Tuy nhiên chính quyền vẫn tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ của hòn đảo khá hùng hậu, vốn vẫn là lực lượng lao động xuất khẩu chủ yếu của Cuba trong nhiều năm qua.
Bài phóng sự cho biết, về kinh tế, Cuba trong tình trạng thảm họa, nhưng tình hình y tế lại khá hài lòng. Cuba ghi nhận 4.700 ca nhiễm và 108 trường hợp tử vong. Hòn đảo hy vọng chế được riêng cho mình vac-xin phòng virus corona mang tên Soberana 1 mà kết quả thử nghiệm lâm sàng sẽ được công bố vào tháng 2 năm tới.
Pháp chấp nhận sống chung với Covid
Vẫn liên quan đến Covid 19, nhưng tại Pháp, nơi tình trạng lây lan của virus đang trở lại đáng báo động trong nhiều ngày qua, với mỗi ngày lên tới trên dưới 10 nghìn ca nhiễm. Trước nguy cơ làn sóng Covid-19 thứ 2 đang đến gần, chính phủ Pháp đã thay đổi cách phòng chống dịch một cách căn bản.
Chủ đề được Le Monde chạy tựa trên trang nhất : "Covid 19 : Tại sao Macron thay đổi chiến lược". Le Monde cho biết sau cuộc họp kín của Hội đồng Quốc phòng y tế hôm 11/09 chính phủ Pháp đã có thay đổi lớn trong cách quản lý dịch virus corona. Để đối phó với làn sóng dịch quay trở lại, tổng thống Pháp từ chối đưa ra những biện pháp ràng buộc hạn chế như Hội đồng Khoa học đã khuyến cáo, trong đó có khả năng phải trở lại phong tỏa dân cư, đóng cửa một số hoạt động kinh tế. Ông Emmanuel Macron cũng dập tắt ngay các đề xuất của bộ trưởng Y tế manh nha định cho đóng cửa các quán bar nhà hàng ở hai thành phố lớn Marseille và Bordeaux, hai điểm nóng virus lây lan hiện nay của Pháp. Chiến lược của chính phủ giờ đây là "sống cùng virus", trao quyền cho từng địa phương quyết định tùy theo tình hình thay vì phải phong tỏa toàn quốc trở lại.
Le Monde ghi nhận, sự quay ngoắt trong sách lược phòng chống dịch này gây khó hiểu trong dư luận và không ít người trong giới chính trị. Theo Le Monde, ngoài áp lực về kinh tế, sự lựa chọn của ông Macron chứa đựng lo lắng đông đảo người dân Pháp sẽ không chấp nhận lại bị đảo lộn cuộc sống vì các biện pháp phòng dịch hà khắc, làm bùng lên làn sóng chống đối chính phủ trong xã hội. Cũng cần biết thêm, theo các cuộc thăm dò dự luận gần đây, 62% dân Pháp không tin vào chính phủ trong cuộc chiến chống dịch.
Anh Vũ
Mỹ tiếp tục trừng phạt Hoa Vi : Bắc Kinh đáp trả cứng rắn (RFI, 18/05/2020)
Quan hệ Mỹ-Trung đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Cuối tuần trước, Washington thông báo một loạt biện pháp mới trừng phạt tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi, bị cáo buộc làm gián điệp cho Bắc Kinh. Hôm qua, 17/05/2020, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả, tố cáo Mỹ "đe dọa dây chuyền sản xuất và cung ứng toàn cầu" và hứa hẹn trả đũa.
Logo của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi. Reuters/Aly Song
Tờ Global Times, ấn bản Anh ngữ của Hoàn Cầu Thời Báo, đại diện cho quan điểm cứng rắn trong chính quyền Trung Quốc, hôm qua cho biết, theo một nguồn tin từ chính phủ Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ có thể trả đũa bằng cách áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với doanh nghiệp Mỹ thuộc các tập đoàn Qualcomm, Cisco và Apple, hoạt động tại Trung Quốc, hay đình chỉ đặt mua phi cơ Boeing của Mỹ.
Thông tín viên Simon Leplâtre từ Thượng Hải cho biết thêm :
« Một lần nữa tranh chấp liên quan đến Hoa Vi lại được làm sống dậy: Trong lúc hai chính quyền Mỹ và Trung Quốc, bị dịch Covid-19 làm chao đảo, gán cho nhau mọi tội lỗi, trong tuần qua Washington lại một lần nữa tấn công tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi.
Các biện pháp mới nhất mà chính quyền Trump đưa ra có thể cản trở Hoa Vi đặt hàng các linh kiện điện tử tân tiến nhất, được sản xuất tại các nhà máy tốt nhất thế giới. Tương lai của tập đoàn viễn thông số một thế giới bị đe dọa.
Hôm qua, 17/05, ngoại trưởng Trung Quốc đã đáp trả với cảnh báo: ‘Chính phủ Trung Quốc sẽ cương quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc. Thông điệp của lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết thêm là các biện pháp của chính quyền Trump ‘‘đang hủy hoại các dây chuyền sản xuất, cung ứng và giá trị toàn cầu’’.
Có một điểm mà Bắc Kinh có thể dùng để phản công Mỹ. Hiện tại Trung Quốc từ chối trừng phạt các doanh nghiệp Mỹ sản xuất tại Trung Quốc, do sợ sẽ kích động làn sóng di dời doanh nghiệp khỏi Trung Quốc, thế nhưng nếu như quan hệ song phương chuyển sang Chiến Tranh Lạnh, đến lượt các đại tập đoàn đa quốc gia của Mỹ như Apple có thể sẽ phải chịu các áp lực từ Bắc Kinh".
Tập đoàn điện tử Đài Loan "ngừng cấp hàng" cho Hoa Vi
Theo báo Nhật Nikkei Asian Review, hôm 18/05, tập đoàn TSMC của Đài Loan, đứng đầu thế giới về chíp bán dẫn, được sử dụng nhiều trong điện thoại di động, máy vi tính, đã không còn nằm trong danh sách các nhà cung cấp của Hoa Vi. Tập đoàn Đài Loan nói trên là một trong các đối tượng hàng đầu của các biện pháp siết chặt của Mỹ nhắm vào Hoa Vi. TSMC vốn là một nhà cung cấp linh kiện bán dẫn hàng đầu cho tập đoàn Trung Quốc.
Ngày 15/05, một hôm trước khi chính quyền Mỹ ban hành loạt biện pháp mới với Hoa Vi, tập đoàn Đài Loan TSMC thông báo đầu tư 12 tỉ đô la, từ 2021 đến 2029, để xây dựng một cơ sở sản xuất trên đất Mỹ. TSMC nhận được các trợ giúp của Washington để xây dựng cơ sở tại Hoa Kỳ. Việc TSMC xây nhà máy tại Mỹ nằm trong kế hoạch của chính quyền Trump tái bố trí các cơ sở công nghệ cao trên đất Mỹ, giảm mạnh sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trọng Thành
***************
Mỹ tăng cường giám sát tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi (RFI, 16/05/2020)
Hôm 15/05/2020, Washington thông báo một loạt biện pháp mới để giám sát chặt chẽ hơn nữa tập đoàn Hoa Vi. Tập đoàn viễn thông Trung Quốc bị chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump coi là hoạt động vì lợi ích của chế độ Bắc Kinh và một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
Tập đoàn Hoa Vi Trung Quốc bị nhiều quốc gia nghì ngờ là con ngựa thành Troy của Bắc Kinh. Ảnh minh họa : Biểu tượng của Hoa VI. AFP/File
Sáng sớm hôm 15/5, Bộ Thương mại Mỹ thông báo biện pháp nhằm ngăn cản khả năng Hoa Vi phát triển các thiết bị bán dẫn ở nước ngoài nhờ vào công nghệ của Mỹ. Bộ Thương Mại Mỹ tố cáo Hoa Vi đã lách các lệnh cấm mà Mỹ ban hành hồi năm 2019, theo đó các doanh nghiệp phải có giấy phép của Washington thì mới được xuất sản phẩm của Mỹ cho Hoa Vi và 114 công ty con của tập đoàn này. Theo Washington, bất chấp lệnh cấm của Mỹ, Hoa Vi vẫn tiếp tục sử dụng các chương trình tin học và công nghệ của Mỹ để phát triển thiết bị bán dẫn.
Chính phủ Mỹ đặt ra thời hạn 120 ngày, kể từ thứ Sáu 15/05, để áp dụng các biện pháp mới. Như vậy là các doanh nghiệp nước ngoài dùng công nghệ của Mỹ để sản xuất thiết bị bán dẫn cho Hoa Vi và các công ty con của tập đoàn Trung Quốc còn thời hạn 120 ngày để giao cho Hoa Vi những thiết bị bán dẫn mà họ đã sản xuất.
Để đáp trả, chính quyền Bắc Kinh kêu gọi Mỹ chấm dứt "cuộc đàn áp phi lý nhắm vào tập đoàn Hoa Vi và các doanh nghiệp Trung Quốc". Trong một thông cáo phát ngày hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố : "Chính phủ Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc" và nhấn mạnh là chính sách của chính quyền Trump đã phá hủy các dây chuyền sản xuất và cung ứng của toàn thế giới.
Bắc Kinh đòi Mỹ trả nợ Liên Hiệp Quốc
Cũng trong ngày 15/05, Trung Quốc đề nghị các thành viên Liên Hiệp Quốc hoàn thành các nghĩa vụ đóng góp tài chính cho định chế quốc tế này. Thông cáo của phái bộ Bắc Kinh tại Liên Hiệp Quốc nêu đích danh Hoa Kỳ, theo đó Mỹ là nước nợ Liên Hiệp Quốc nhiều tiền nhất : sau nhiều năm, số tiền Mỹ nợ Liên Hiệp Quốc đã lên đến 1.116 tỉ đô la cho ngân sách hoạt động của định chế và 1.332 tỉ đô la cho các chiến dịch hòa bình.
Số tiền nợ mà Bắc Kinh nêu trên đã bị Mỹ bác bỏ. Chẳng hạn, về ngân sách đóng góp cho các chiến dịch hòa bình, phát ngôn viên phái bộ Mỹ nói Washington chỉ còn nợ 888 triệu đô la. Đại diện phái bộ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cho rằng Bắc Kinh một lần nữa tìm cách đánh lạc hướng dư luận thế giới về việc che giấu và quản lý yếu kém cuộc khủng hoảng Covid-19.
Thùy Dương
Ngày 19/08/2019 tới là hết thời gian mà tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận kéo dài cho một số công ty Mỹ có quan hệ làm ăn với tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi (Huawei). Theo các nhà quan sát, sau thời điểm đó tương lai hoàn toàn bất định. Các bạn hàng truyền thống của Hoa Vi như Google, Microsoft có thể sẽ buộc phải cắt đứt với công ty Trung Quốc, bị cáo buộc làm gián điệp cho chế độ Bắc Kinh.
Giám đốc điều hành Hoa Vi Richard Yu thông báo về dự án HarmonyOS, Quảng Đông, ngày 9/8/2019 - Huanqiu.com via Reuters
Tập đoàn số một của Trung Quốc sẽ đối phó ra sao ? Chế tạo hệ điều hành độc lập Harmony cho điện thoại di động được coi là một vũ khí hàng đầu mà Hoa Vi dự phòng trong cuộc chiến công nghệ sống còn.
Không khí ra sao tại đại bản doanh của Hoa Vi ?
Trước mắt, cho dù chưa đầy một tuần nữa là đến hạn chót của tổng thống Mỹ, Hoa Vi vẫn tỏ ra bình thản. Tập đoàn ra thông báo trấn an khách hàng, là sau ngày 19/08 sẽ không có thay đổi nào. Đối với toàn bộ điện thoại di động, điện thoại bảng và máy tính của Hoa Vi đã bán và những phương tiện đang có trên thị trường, việc cập nhật các dịch vụ an toàn mạng, cũng như các ứng dụng của Android và Microsoft vẫn sẽ tiếp tục, dù quyết định của tổng thống Mỹ ra sao. Tuy nhiên, vấn đề là, nếu tổng thống Trump quyết định xuống tay, tức kịch bản tồi tệ nhất, thì các sản phẩm mới của Hoa Vi sẽ không còn có quyền sử dụng hệ điều hành Android do Google chế tạo, hệ điều hành số một thế giới cho điện thoại di động.
Hãng tin Mỹ Bloomberg hôm 12/08 cho biết có trong tay một thông báo nội bộ mới đây của nhà sáng lập Hoa Vi Nhậm Chánh Phi (Ren Zhengfei), gửi đến các nhân viên của tập đoàn này. Trong đó, ông Nhậm trình bày chiến lược 5 năm tới của Hoa Vi, đồng thời khẳng định chắc chắn sẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến này. Để thực hiện mục tiêu nói trên, Nhậm Chánh Phi tuyên bố sẽ phải cải tổ triệt để, lập ra một "đội ngũ vững vàng bất khả chiến bại".
Người sáng lập Hoa Vi cũng báo trước với bộ phận khách hàng của tập đoàn là cuộc chiến hứa hẹn sẽ "kéo dài và gian khó". Năm 2019 này, doanh số của Hoa Vi trên thị trường quốc tế dự kiến sẽ sụt giảm 40%, tương đương ít nhất với khoảng 30 tỉ đô la thua lỗ. Nhậm Chánh Phi động viên tinh thần nhân viên với hứa hẹn tình hình sẽ tươi sáng trở lại vào năm 2021. Hoa Vi sẽ hoàn toàn không phụ thuộc vào các công nghệ của Hoa Kỳ, đặc biệt vào hệ điều hành Android do Google sản xuất.
Hôm 09/08/2019, trong một diễn đàn doanh nghiệp công nghệ tin học, tập đoàn Hoa Vi thông báo đang phát triển một hệ điều hành hoàn toàn tự sản xuất để thay thế Android, với tên gọi Harmony OS, tiếng Hoa là Hong Meng (Hồng Mông hay Hỗn Mang). Tập đoàn Trung Quốc nhiều lần trì hoãn việc thông báo rầm rộ kế hoạch thay thế Android, với hy vọng tránh chọc giận Washington, nhằm tiếp tục duy trì quan hệ làm ăn hai bên cùng có lợi với Google.
Một số nhà quan sát chú ý đến sự tương phản đầy kịch tính giữa cái tên hệ điều hành của Hoa Vi bằng tiếng Anh "Harmony" (hay Hài hòa) với cái tên tiếng Hoa là "Hồng Mông (có nghĩa là "Hỗn Mang"), hay thời điểm vũ trụ sinh thành, tạo thiên lập địa theo huyền thoại Trung Hoa cổ. Một cái tên gọi đầy ẩn ý để nói về vị trí của hệ điều hành OS của Hoa Vi trong cuộc chơi thương mại – ngoại giao Mỹ - Trung đang ngày càng biến hóa, khó lường.
Tự sản xuất hệ điều hành riêng có ý nghĩa thế nào với tập đoàn Trung Quốc ?
Hệ điều hành (OS / Operating Systems) là các chương trình chạy trên máy tính hay các thiết bị di động như điện thoại cầm tay, dùng để điều hành, quản lý các thiết bị phần cứng và các tài nguyên phần mềm trên máy tính, hay các thiết bị di động. Hệ điều hành được coi là đầu não của toàn bộ vũ trụ kĩ thuật số di động, cho phép nối kết giữa các năng lực kỹ thuật của máy (như bộ nhớ, bộ vi xử lý, phần ngoại vi…) với các phần mềm hay các ứng dụng. Nói cách khác, không có hệ điều hành, vũ trụ kỹ thuật số này không thể vận hành.
Hiện tại, thị trường hệ điều hành toàn cầu cho smartphone do hai tập đoàn Mỹ, Google và Apple, thống trị. Apple là nhà sản xuất hệ điều hành iOS, được trang bị riêng cho các điện thoại iPhone của công ty này. Google sản xuất hệ điều hành Android, bán cho gần như toàn bộ các đối thủ của Apple, trong đó có Hoa Vi.
Chế tạo được một hệ điều hành riêng là điều hoàn toàn không đơn giản. Trong quá khứ, chỉ mới có rất ít công ty mạo hiểm lao vào chế tạo hệ điều hành riêng. Hãng Black Berry ngay từ những năm 1999 đã thử nghiệm trên các điện thoại di động của hãng, với lúc mặt hàng này bắt đầu phát triển. Về phần mình, Microsoft bắt đầu cuộc phiêu lưu vào năm 2010. Tuy nhiên, hai công ty đều phải chấm dứt tham vọng chế tạo hệ điều hành riêng cách nay hai, ba năm. Vào cuộc quá chậm là một trong những nguyên nhân chính khiến các nỗ lực nói trên thất bại. Tập đoàn điện thoại di động hàng đầu thế giới Samsung đã từng toan tính, nhưng chưa bao giờ dám thực sự dấn thân.
Trong trường hợp Hoa Vi, đây là một thử thách một sống một còn. Điện thoại smartphone chiếm khoảng một nửa trong doanh thu hơn 100 tỉ đô la của Hoa Vi, và là mặt hàng tăng trưởng rất mạnh trong bốn năm gần đây (với tổng tăng trưởng 45%). Khoảng một nửa doanh thu của tập đoàn Hoa Vi hiện nay là trên thị trường quốc tế. Nếu bị Mỹ cô lập, Hoa Vi hoặc sẽ hạ vũ khí, hoặc buộc phải thành công trong cuộc phiêu lưu chế tạo hệ điều hành riêng.
Tập đoàn Trung Quốc có lợi thế trong cuộc chạy đua ?
Tập đoàn Trung Quốc có nhiều lợi thế trên "mặt trận" mới này. Lợi thế trước hết là Hoa Vi có thể dựa vào thị trường rộng lớn trong nước với hơn 800 triệu người sử dụng điện thoại di động smartphone, vốn đã có một hệ thống các ứng dụng riêng như WeChat, Alipay... Bối cảnh hiện nay cũng được nhiều nhà quan sát cho là thuận lợi cho Trung Quốc, khi tinh thần dân tộc của dân chúng có thể dễ dàng bị kích thích bởi những căng thẳng gia tăng với Hoa Kỳ, về thương mại cũng như trong một số lĩnh vực khác. Khách hàng có thể ưu tiên mua điện thoại do các tập đoàn trong nước như Hoa Vi sản xuất.
Về phía các thị trường nước ngoài khác, Ấn Độ, Indonesia hay Châu Phi, là các thị trường mới nổi, nơi điện thoại smartphone bắt đầu có xu hướng tràn đến, người sử dụng vẫn còn chưa quen hẳn với một hệ điều hành nào, do vậy không loại trừ đầu thủ mới nổi Hoa Vi có cơ hội chinh phục thị trường.
Theo chuyên gia kỹ thuật số Joel Plat, trả lời phỏng vấn BFM TV, một điểm đáng chú ý là Hoa Vi dự kiến sẽ đầu tư khoảng 1 tỉ đô la hàng năm cho việc chế tạo hệ điều hành OS cho điện thoại cầm tay, đầu tư như vậy là đáng kể, nếu diễn ra trong dài hạn, thì có thể sánh với đầu tư của Apple trước đây.
Tuy nhiên, trước mắt muốn thành công trên thị trường quốc tế, Hoa Vi phải vượt qua một thách thức khổng lồ : thuyết phục được các nhà xây dựng phần mềm thích ứng các ứng dụng của họ với hệ điều hành tương lai Harmony OS. Với những người quen xài Android, điều này hoàn toàn không dễ. Trước đây tập đoàn khổng lồ Microsoft cũng từng đại bại với dự án hệ điều hành riêng Windows Phone.
Việc Hoa Vi phát triển hệ điều hành riêng có đe dọa Mỹ ?
Theo AFP, nếu tập đoàn Trung Quốc tự sản xuất được hệ điều hành thì đây sẽ là một tai họa cho Google, tập đoàn này có thể là một trong các nạn nhân chủ yếu của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Và cùng với Hoa Vi là nhiều công ty Trung Quốc, đang nắm giữ các thị phần quan trọng điện thoại di động như Xiaomi, OPPO hay Vivo. Toàn bộ các công ty Trung Quốc hiện chiếm khoảng 42% thị trường smartphone thế giới, và hơn 55% đối với smartphone sử dụng hệ điều hành Android của Google.
Và cuộc chiến này sẽ không chỉ dừng ở điện thoại di động, Hoa Vi cũng muốn phát triển hệ điều hành riêng cho cả hệ thống các đồ vật kết nối. Tuy nhiên, theo một chuyên gia văn phòng tư vấn Bearing Point, việc phá vỡ thế độc quyền của Google chưa hẳn đã là dở đối với nhiều doanh nghiệp.
Trước mắt, tập đoàn Trung Quốc luôn khẳng định là buộc phải tìm cách thay thế hệ điều hành Android truyền thống bằng một hệ tự chế, là do các trừng phạt của Mỹ.
Trọng Thành
Gần đây dư luận cả trong nước lẫn quốc tế hầm hập nóng lên khi chứng kiến "cú đấm hủy diệt" của Trump tung thẳng vào Tập Cận Bình qua vụ phong toả tập đoàn Hoa Vi (Huawei). Tập Chủ tịch buộc phải đưa ra lời cầu cứu "thần dân" của mình hãy tham gia vào cuộc Vạn lý Trường chinh (Wanli Changzheng) mới và tất cả "phải bắt đầu lại từ đầu" (nguyên văn lời của Tập) để ứng phó với đòn đánh hiểm hóc củaTrump.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nâng cốc cuối bài phát biểu tại Diễn đàn Vành Đai Con Đường ở Bắc Kinh hôm 26/4/2019 - AFP - Hình minh họa
Nhưng Vạn lý Trường chinh là một cuộc rút lui, một cuộc tháo chạy của Hồng quân Công nông Trung Hoa, lực lượng tiền thân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, diễn ra từ năm 1934 đến 1936. Trong một lần tiếp xúc với Phạm Văn Đồng, Chu Ân Lai từng mở bầu tâm sự : Nếu Trung Quốc biết miếng võ "chiến tranh nhân dân" như Việt Nam, chúng tôi đã không phải tiến hành cuộc "trường chinh" giản khổ và tổn thất quá lớn.
Điều lạ lùng là ông Tập, một lần nữa lại "bẻ lái" con tàu đồ sộ mang tên Cộng hòa nhân dân Trung Hoa theo hướng "ăn mày dĩ vãng". Này nhé, Đặng Tiểu Bình từng cố gắng khôi phục chế độ "lãnh đạo tập thể", thay thế "tệ sùng bái cá nhân" của Mao gây ra cái chết cho hàng chục triệu cán bộ đảng viên. Thế mà đến lượt mình, Tập lại sửa Điều lệ Đảng, thay đổi Hiến pháp, để "ôm trọn gói" cái ghế "Tổng bí thư – Chủ tịch nước" suốt đời. Và nay, sau đòn trừng phạt của Trump, thì hôm 20/5, ông Tập lại trở về "chốn xưa", thăm tỉnh Giang Tây (địa điểm khỏi hành cuộc trường chinh) để tìm liều thuốc kích thích Wanli Changzheng.
Cũng may mà lần này chưa thấy Ban Tuyên giáo Việt Nam huýt còi, cấm các báo quốc doanh bình luận về gót chân a-sin của Trung Quốc qua vụ Hoa Vi, nên độc giả trong nước mới được biết đến cuộc đấu ngoạn mục giữa Trump và Tập thông qua những bình luận khá sắc sảo trên tờ "Thanh Niên" [1]. Cuộc chiến thương mại, xem ra, giờ đây đã mở rộng ra phạm vi các hãng sản xuất chip và bán dẫn.
Hình chụp hôm 3/5/2014 và do Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố hôm 7/5/2014 : tàu Hải cảnh của Trung Quốc (phải) phun nước vào tàu Việt Nam trên Biển Đông - AFP - Hình minh họa
Nhớ lại những lần nước sôi lửa bỏng khi Bắc Kinh cắm cái giàn khoan HD981 vào vùng biển Việt Nam, hoặc mới vài năm trước đây thôi, Trung Quốc đã dùng tàu chiến và tàu hải cảnh đuổi Việt Nam cùng với các đối tác (trong đấy có cả đối tác chiến lược Tây Ban Nha) ra khỏi những giềng dầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mặc ! Đảng vẫn im bặt. Đảng vẫn cấm không cho dân mở miệng. Đảng nói (qua hệ thống dư luận viên), mọi chuyện có Đảng lo !
Nhưng giờ thì đảng không còn đứng ra "hứng đạn" thay cho Trung Quốc được nữa rồi. Đúng như bà con đang bàn tán trên mạng, cái chiến lược phát triển "ăn xổi ở thì", chuyên sao chép và đánh cắp công nghệ của Trung Quốc sẽ phải trả giá vô cùng đắt. Không chỉ việc kinh doanh smartphone trên thị trường quốc tế của Huawei sẽ "đi đời nhà ma", mà hậu quả sẽ còn sâu rộng và dài lâu hơn nhiều người tưởng.
Cho nên có cấm cũng không xong, đảng đành định hướng cho các báo viết vừa phải (đủ cho dân biết nhưng cũng không làm phật lòng Trung Quốc). Cứ để cho truyền thông phanh phui, biết đâu, Việt Nam sẽ học được nhiều bài học khác, trong đó có kinh nghiệm (giờ phải trả giá) của việc "đi tắt đón đầu" kiểu Huawei trong kỷ nguyên 4.0.
Bắc Kinh dùng Hoa Vi để thực hiện âm mưu làm bá chủ thế giới, thông qua con đường công nghệ cao. Chuyện này gợi nhớ đến nền ngoại giao "gấu trúc Panda", dưới cái mũ bảo tồn động vật quý hiếm để vươn ra thế giới, với bộ mặt nhân văn. Trung Quốc hiện đang đem gấu trúc cho mượn, hoặc cho thuê tại 26 vườn thú ở 18 quốc gia. Sự xuất hiện của gấu trúc thường gắn liền với các hội nghị quốc tế, kết thúc các vòng đàm phán thương mại, hoặc các cuộc viếng thăm cấp nhà nước của lãnh đạo Trung Quốc khi ra nước ngoài.
Một trong những "bí mật công khai" cho động thái nói trên là Trung Quốc muốn dùng hình ảnh gấu trúc Panda để "mềm hóa bớt" chế độ sắt máu của mình ở bên ngoài và làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước có thể đem lại cho Bắc Kinh những nguồn lực và công nghệ giá trị. Điều này đã được mô tả như là một trong những nguồn mạch của "quyền lực mềm".
Gấu trúc Mei Xiang và Bei Bei (phải) tại vườn thú Quốc gia ở Washington DC, Hoa Kỳ hôm 24/8/2016 - AFP - Hình minh họa
Trong khi làm ra vẻ chăm lo bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sinh thái ở những nơi khác thì đối với Việt Nam, Trung Quốc hành động hoàn toàn ngược lại. Việc đẩy mạnh quân sự hóa các đảo đá cưỡng chiếm đã bị quốc tế tố cáo là làm hủy hoại môi trường sinh thái, lâu nay Trung Quốc thường xuyên hủy hoại môi trường sinh thái của Việt Nam.
Đặc biệt nghiêm trọng, ngày 23/5, tổ chức "Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á" (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington cảnh báo, các hình ảnh vệ tinh mà họ có được cho thấy các đội tàu khai thác trai tượng – Trung Quốc xem đây là "vàng trắng của biển cả" do giá của nó trong vòng bốn năm qua đã tăng đột biến – đã trở lại Biển Đông. Cũng theo cơ quan này thì từ 2012 cho đến 2015, Trung Quốc đã làm hư hại hay phá hủy ít nhất 28 bãi san hô trên khắp Biển Đông.
Còn trên đất liền, ngày 25/5, theo báo chí trong nước, Trung Quốc đã xả lũ trên thượng nguồn mà không thông báo trước cho Việt Nam, gây ngập lụt đối với toàn thành phố Móng Cái, Quảng Ninh, khiến có người mất tích, hàng chục đò chở hàng bị đắm. Sau đó tuy không mưa nữa nhưng phía đầu nguồn bên Trung Quốc vẫn tiếp tục xả lũ nên nước vẫn dâng cao.
Hoa Vi, Gấu trúc và Trai trượng là những câu chuyện riêng rẽ song tất cả đều liên đới với nhau bằng một điểm chung : tất cả đều là phương tiện của chủ nghĩa đại Hán hiện đại, tất cả đều là những chiếc vòi của con bạch tuộc bành trướng bá quyền Trung Quốc. Nhưng giờ đây những biện pháp bất minh ấy đã bị thế giới phát hiện. Nếu chúng không được ngăn chận kịp thời, quả thật nền văn minh Âu Mỹ đúng là đang bị đe doạ.
Điện thoại di động của Huawei tại một cửa hàng của Huawei ở Thượng Hải hôm 26/5/2019 - AFP - Hình minh họa
Không phải ngẫu nhiên mà Cục trưởng Cục Hoạch định Chính sách Bộ Ngoại giao Mỹ Kiron Skinner từng phát biểu trong một diễn đàn an ninh mới đẩy rằng, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ với Trung Quốc hiện nay là "cuộc chiến với một nền văn minh thực sự khác biệt và một hệ tư tưởng khác biệt" [2]. Ông Cục trưởng còn gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh quyền lực không phải là người da trắng đầu tiên của Hoa Kỳ".
Ngoại trừ một chi tiết nhỏ ông Cục trưởng bỏ qua. Số là trước đây, chính Nhật Bản cũng từng là một đối thủ cạnh tranh quyền lực với Mỹ mà không phải người da trắng. Nhưng lời cảnh báo của ông quả là đã được đưa ra đúng thời điểm. Tuy là đứng trên đối chân đất sét (trường hợp Hoa Vi), gã khổng lồ Bắc Kinh (hãy nhìn các đội tàu khai thác trai tượng đang tràn xuống Biển Đông) vẫn còn dư quốc lực và đủ mưu mô (hãy cảnh giác với những chú gấu Panda) để gây hại cho Mỹ và các nước, trong đó có Việt Nam.
Lời kêu gọi của Phu Xích ngày nào vẫn còn nguyên giá trị : "Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác !".
Việt Trung
Nguồn : RFA, 31/05/2019
[1]https://thanhnien.vn/cong-nghe/cong-nghe-trung-quoc-nguoi-khong-lo-co-doi-chan-dat-set-1084160.html
Con đường Tơ lụa mới : Trung Quốc dùng Ý làm suy yếu Liên Hiệp Châu Âu (RFI, 12/03/2019)
Ý có thể sẽ trở thành nước thứ 68 tham gia sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" (Con đường Tơ lụa mới) của Trung Quốc nếu Roma và Bắc Kinh kí biên bản ghi nhớ nhân chuyến thăm Ý bắt đầu từ ngày 20/03/2019 của chủ tịch Tập Cận Bình. Việc Ý là quốc gia đầu tiên thuộc khối G7 tham gia dự án của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến sự thống nhất của Liên Hiệp Châu Âu trước những tham vọng của Bắc Kinh.
Con đường tơ lụa trên bộ và trên biển của Trung Quốc. NASA/Goddard Space Flight Center/Wikipedia
Dự án xây dựng song song nhiều mạng lưới đường bộ và đường thủy (chủ yếu gồm đường bộ, sân bay, đường sắt và cảng biển) nhằm nối liền hai lục địa Á-Âu được Bắc Kinh công bố năm 2013 và dự kiến hoàn thiện vào năm 2049, nhân 100 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Cho tới nay, Trung Quốc thuyết phục được chủ yếu các nước ở Trung Á, Đông Nam Á và Châu Phi. Liên quan đến Liên Hiệp Châu Âu, hai nước thành viên đã bị khuất phục trước những lời đường mật của Bắc Kinh là Hy Lạp và Bồ Đào Nha.
Ngoài hiện đại hóa tuyến đường sắt nối Hy Lạp và Hungari, chính quyền Athens đã nhượng cảng Piraeus cho Trung Quốc. Từ hạng 93 trên thế giới vào năm 2010, hiện cảng Piraeus vươn lên đứng thứ 38 và trở thành trạm trung chuyển cho các nhà vận tải Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh cũng quyết định đầu tư ồ ạt vào Bồ Đào Nha. Ngoài ra, Lisboa có thể sẽ đưa cảng Sines vào dự án Một Vành đai, Một con đường của Trung Quốc.
Ý giúp Trung Quốc củng cố dự án Con đường Tơ lụa mới
Trang Euractiv (11/03/2019), chuyên về thời sự Châu Âu (trụ sở ở Bruxelles), có trong tay một bản dự thảo thỏa thuận về hợp tác đặc biệt và thương mại giữa Roma và Bắc Kinh. Các đề xuất trong bản dự thảo do phía Trung Quốc đưa ra và Ý chưa chỉnh sửa bất kỳ điểm nào.
Theo dự thảo thỏa thuận, cảng Trieste được xác định là điểm chiến lược dẫn vào Châu Âu của dự án Con đường Tơ lụa mới và sẽ mở cửa cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Nằm trên biển Adriatic và ở cửa ngõ dẫn vào vùng Balkan, cảng Trieste được nối với hệ thống đường sắt dẫn đến Trung và Bắc Âu. Năm 2018, gần 62,7 triệu loại hàng hóa đã được trung chuyển qua khu cảng được coi là một trong số những cảng lớn nhất ở Địa Trung Hải.
Ngoài ra, hai bên còn có thể kí một thỏa thuận hợp tác khác giữa hai nhà phân phối điện lực Trung Quốc State Grid Corporation of China (SGCC) và Terna của Ý. Có thể nói đây là thỏa thuận giữa hai công ty đều liên quan đến vốn của Trung Quốc vì khoảng 29,8% cổ phần của công ty Terna nằm trong tay tập đoàn CDP Reti, trong khi công ty lưới điện Trung Quốc SGCC lại sở hữu đến 35% cổ phần của CDP Reti.
Cuối cùng còn phải kể đến một số thỏa thuận thương mại gây nhiều tranh cãi, cũng có thể được kí nhân chuyến thăm Ý của ông Tập Cận Bình, giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và tập đoàn hàng không và không gian Ý Leonardo.
Ông Luigi Di Maio, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng bộ Phát triển Kinh tế Ý, đồng thời là người đứng đầu Phong trào 5 Sao, khẳng định việc tham gia dự án Con đường Tơ lụa mới trước hết là nhằm đáp ứng nhu cầu của một nước Trung Hoa "khao khát sản phẩm và kinh nghiệm của Ý".
Còn đối với thủ tướng Giuseppe Conte, "việc Ý tham gia vào Con đường Tơ lụa mới là một cơ hội, là một lựa chọn chiến lược đối với đất nước", dù ông trấn an Liên Hiệp Châu Âu và các đồng minh rằng "những lựa chọn như vậy phải được phối hợp với các đối tác truyền thống" của Ý. Ngoài ra, thủ tướng Conte còn phải thuyết phục được những hoài nghi ngay trong nội bộ chính phủ, trước khi lên đường tham dự diễn đàn "Con đường và Vành đai" được tổ chức ở Bắc Kinh vào tháng 04/2019.
Bruxelles đã nhận thấy Roma thay đổi thái độ đối với Bắc Kinh từ vài tháng gần đây. Trước đó, cùng với Đức và Pháp, Ý từng đấu tranh để toàn khối có một cơ chế chung giám sát đầu tư nước ngoài ở Châu Âu, đồng thời duy trì chủ quyền của các nước về vấn đề này. Tuy nhiên, khi đạt được văn kiện chung, Ý lại từ chối và vào đúng thời điểm đó, nội các Ý thay đổi, giờ nằm trong tay phe cực hữu.
Nhật báo Les Echos (07/03), trích lại nhận định của bà Sophie Boisseau du Rocher, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), đồng tác giả cuốn Trung Quốc là/và thế giới (La Chine e(s)t le monde), theo đó, "về nguyên tắc, Liên Hiệp Châu Âu không phản đối dự án Một Vành đai, Một Con đường, nhưng họ muốn có cuộc đàm phán công bằng và điều này sẽ gây khó khăn cho Bắc Kinh nếu các nhà đàm phán Trung Quốc phải đối mặt với một khối đối tác duy nhất".
Vẫn theo chuyên gia Pháp, "Trung Quốc tìm cách áp dụng biện pháp từng làm với các nước ASEAN : những bài diễn văn và tuyên bố trấn an về tầm quan trọng của "sự đoàn kết trong vùng" nhưng thực tế chiến lược thì lại là chia rẽ và khoét rỗng tổ chức trong vùng".
Tóm lại, khi chiêu dụ được Ý, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đánh mạnh vào sự đoàn kết của Liên Hiệp Châu Âu. Trang Global Times, cơ quan tuyền truyền của Trung Quốc, đã tranh thủ cơ hội để đăng một bài viết của giáo sư địa lý người Ý, Fabio Massimo Perenti (Viện Lorenzo de Medici ở Firenze), chỉ trích "thái độ đạo đức giả" của Berlin và Paris.
Ông cho rằng Pháp và Đức "làm việc với Bắc Kinh ở quy mô lớn hơn" so với Ý. Hai nước trên không tham gia dự án Con đường Tơ lụa mới nhưng từng vội vã gia nhập Ngân hàng Đầu tư Châu Á chuyên về đầu tư cơ sở hạ tầng và cũng do Trung Quốc sáng lập.
Trung Quốc muốn vẽ lại bản đồ thế giới theo tiêu chí riêng
Với tổng kinh phí lên đến hơn 1.000 tỉ đô la, Một Vành đai, Một con đường là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất, chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Theo một số chuyên gia, Bắc Kinh muốn vẽ lại bản đồ thế giới theo tiêu chí của Trung Quốc và phô trương sức mạnh của quốc gia này trong trung hạn.
Theo nhà báo François Lenglet, khi phân tích trên đài phát thanh RTL (07/03), dự án Con đường Tơ lụa mới là công cụ chủ đạo trong chiến lược bành trướng quyền lực của Bắc Kinh.
Trước hết, dự án này giúp Trung Quốc kiểm soát các tuyến đường. Ví dụ, dự án đường ống dẫn chất đốt nối Miến Điện và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là cách bảo đảm việc cung cấp khí đốt và loại bỏ khả năng rủi ro Mỹ phong tỏa hàng hải trong các vùng biển mà Hải Quân Hoa Kỳ vẫn thường xuyên tuần tra.
Tiếp theo, Con đường Tơ lụa mới còn giúp Trung Quốc kiểm soát các nước có tuyến đường chạy qua. Đây là điểm đáng lo lắng nhất. Các khoản vay mà Trung Quốc cấp cho các nước sở tại bị coi là chiếc bẫy tài chính để ép họ phụ thuộc vào Bắc Kinh. Pakistan như đang rơi vào tình cảnh này. Malaysia có lẽ cũng đã bị sập bẫy nếu thủ tướng Mahathir Mohamad, ngay sau khi nhậm chức, không sáng suốt rút khỏi dự án mà ông chỉ trích là "tân thực dân".
Con đường Tơ lụa mới như chiếc mạng nhện được giăng trên nửa địa cầu. Và chiếc mạng nhện này chủ yếu do các doanh nghiệp Trung Quốc tự xây và mang lại lợi ích cho Trung Quốc.
(RFI tiếng Việt, tổng hợp từ Les Echos, Le Figaro, Euractiv, đài phát thanh RTL)
******************
Italy sắp bước vào "Vành đai Con đường" của Trung Quốc (VOA, 09/03/2019)
Kế hoạch cơ sở hạ tầng "Vành đai và con đường" của Trung Quốc có thể là tin tốt cho Italy, Thủ tướng Giuseppe Conte tuyên bố ngày 8/3, xác nhận ông có thể ký một hiệp ước với Chủ tịch Tập Cận Bình trong tháng này.
Quan ngại về chính sách ngoại giao nợ nần liên quan đến dự án cơ sở hạ tầng Vành đai Con đường của Trung Quốc ngày càng tăng.
Ông Tập theo kế hoạch sẽ công du Italy từ ngày 22 đến 24/3. Thủ tướng Conte nói Rome và Bắc Kinh đang hướng tới ự đồng thuận về một thỏa thuận khung trong chuyến thăm cấp nhà nước này dù có tin nói rằng Mỹ quan ngại chuyện một đồng minh trọng yếu của Washington tham gia vào "Vành đai và Con đường".
"Với tất cả thận trọng cần thiết, việc Italy tiến vào con đường tơ lụa mới cũng là một cơ hội của đất nước chúng ta", ông Conte phát biểu trước một hội thảo chính sách đối ngoại ở thành phố Genoa.
"Không có nghĩa là ngay ngày hôm sau chúng ta sẽ bị buộc phải làm một điều gì đó. Chuyện này mở đường cho phép chúng ta bước vào dự án và đối thoại", ông Conte nói.
Kế hoạch Vành đai Con đường mà ông Tập cổ súy nhằm nối liền Trung Quốc với Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, Châu Âu, và Châu Phi trên bộ và trên biển thông qua mạng lưới cơ sở hạ tầng.
Ngoài thúc đẩy thương mại và đầu tư, ông Tập còn nhắm phát huy trao đổi trong các lĩnh vực như khoa học, công nghệ, văn hóa.
Thủ tướng Italy dự định tham gia thượng đỉnh "Vành đai Con đường" tại Trung Quốc vào tháng 4 và hứa đưa các tiêu chuẩn thương mại của EU vào dự án đầy tham vọng này.
Một số nước EU đã ký các bản ghi nhớ "Vành đai Con đường" với Trung Quốc bao gồm Croatia, Cộng hòa Czech, Hungary, Hy Lạp, Malta, Ba Lan và Bồ Đào Nha. Nếu Italy ký, nước này sẽ trở thành quốc gia công nghiệp hóa lớn trong nhóm G7 đầu tiên làm như vậy.
Financial Times Hoa Kỳ không hài lòng trước khả năng Italy có thể tham gia "Vành đai Con đường" và đã cảnh báo rằng kế hoạch này gây phương hại cho hình ảnh quốc tế của Rome, tờ Financial Times cho biết.
Putin hứa sẽ cải thiện đời sống của dân Nga (RFI, 20/02/2019
Hôm 20/02/2019, trong bài diễn văn thường niên đọc trước Quốc hội Nga, tổng thống Vladmir Putin đã hứa với dân Nga sẽ cải thiện tình hình của họ "ngay từ năm nay", vào lúc uy tín của ông đang xuống đến mức thấp nhất do nỗi bất mãn của người dân trước tình trạng mức sống không ngừng sụt giảm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước Nghị viện Nga tại Moskva ngày 20/02/2019. Sputnik/Alexei Nikolsky/Kremlin via Reuters
Đây là bài diễn văn đầu tiên của ông Putin trước Quốc hội Nga kể từ khi ông tái đắc cử tổng thống với đa số áp đảo tháng 03/2018, cho nhiệm kỳ thứ tư, và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của ông, theo quy định của Hiến Pháp.
Nếu như năm ngoái tổng thống Putin dành phần lớn bài diễn văn trước Quốc hội để nói về các vũ khí mới "bất bại" của Nga, thì trong bài phát biểu hôm nay, tổng thống Putin tập trung vào các vấn đề kinh tế và xã hội của nước Nga, nói nhiều về gia đình, hệ thống y tế và giáo dục. Đặc biệt, ông Putin loan báo những biện pháp trợ cấp cho các gia đình để thúc đẩy tỷ lệ sinh sản ở Nga.
Tuy nước Nga đã ra khỏi thời kỳ suy thoái 2015-2016, nhưng sức mua của dân Nga tiếp tục sụt giảm và thu nhập của họ vẫn ở mức rất thấp. Người dân càng thêm bất mãn sau khi chính phủ Nga loan báo kế hoạch cải tổ hệ thống hưu trí và tăng thuế giá trị gia tăng từ 18% lên 20%.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vào đầu tháng 2, chính phủ Nga đã công bố kế hoạch huy động hơn 340 tỷ euro cho các dự án cơ sở hạ tầng. Nhưng năm nay, theo dự báo, kinh tế Nga sẽ tăng trưởng chậm lại.
Theo kết quả một cuộc thăm dò mới nhất, tỷ lệ được lòng dân của tổng thống Putin vào tháng Giêng đã sụt giảm còn 64%, mức thấp nhất kể từ khi nước Nga sát nhập vùng Crimée cách đây 5 năm. Khi tái đắc cử tổng thống năm ngoái, uy tín của ông Putin lên tới 80%.
Về quốc phòng, trong bài diễn văn hôm nay, tổng thống Putin loan báo là Nga dự tính triển khai các tên lửa có thể bắn tới các lãnh thổ có đặt những trung tâm quyết định về tên lửa đe dọa an ninh của Nga. Đây là phản ứng của Matxcơva trước việc Hoa Kỳ triển khai các tên lửa ở Châu Âu.
Thanh Phương
****************
Công ty Nhật rời Anh Quốc, hệ quả nhãn tiền của Brexit mù mờ (RFI, 20/02/2019)
Giữa lúc hồ sơ Brexit đang bế tắc, chính phủ Anh đôn đáo tìm mọi cách dàn xếp lại thỏa thuận với Liên Hiệp Châu Âu, một loạt các công ty lớn của Nhật, từ Sony, Panasonic, Nissan, đến Honda, ở các mức độ khác nhau, đang nói lời chia tay sớm với Anh Quốc. Những cảnh báo đang trở thành hiện thực khi điều kiện thỏa thuận Brexit vẫn còn mù mờ, không chắc chắn.
Nhà máy của Honda ở Swindon, Anh Quốc. Ảnh 18/02/2019. Reuters/Eddie Keogh
Ngày 19/02/2018, nước Anh thực sự choáng váng sau thông báo của hãng xe hơi Honda quyết định đóng cửa vào năm 2021 nhà máy duy nhất của hãng tại Swindon, miền nam đất nước. Như vậy, 3.500 lao động của cơ sở sản xuất và hàng nghìn lao động của những doanh nghiệp thầu phụ cho nhà máy Honda trên đất Anh bị đe dọa.
Thông tín viên Muriel Delcroix tại Luân Đôn cho thông tin :
"Đóng tại Swindon từ hơn 30 năm nay, riêng nhà máy Honda này chiếm 10% lượng xe hơi chế tạo tại Vương Quốc Anh. Thông báo đóng cửa nhà máy đã khiến người dân trong vùng nháo nhác. Đại diện công đoàn Unite, ông Alan Tomala, lo ngại kinh tế địa phương sẽ bị tàn phá. Ông nói : "Honda không chỉ là chủ lao động lớn nhất của Swindon, mà còn cả của vùng tây nam này. Mất một công việc trong nhà máy này là kéo theo mất 2 đến 3 việc khác trong dây chuyền sản xuất. Thực sự đây là một tai họa mới…"
Nếu người ta tính tới các công việc bị tác động thì sẽ có khoảng 10.000 chỗ làm bị đe dọa. Honda nhấn mạnh quyết định của hãng không liên quan gì đến Brexit, nhưng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất xe hơi đã nghĩ ngược lại.
Ông Jim Holder, giám đốc tạp chí về xe hơi "What Car ?", nhận định : "Rõ ràng là Brexit đã có vai trò trong quyết định này, cho dù có thể không phải là lý do chính. Nhưng khi ra quyết định dài hạn trong ngành xe hơi đầu tư hàng tỷ đô la cho sản xuất trong 10 năm, thì một chút bất trắc cũng dẫn đến vấn đề lớn…"
Thông báo của Honda được đưa ra không lâu sau khi các hãng xe như Nissan, Jaguar Rover và Ford thông báo cắt giảm sản xuất tại Vương Quốc Anh và rất nhiều người Anh đang mong chính phủ thoát khỏi nhanh nhất bế tắc hiện nay trong hồ sơ Brexit".
Ban lãnh đạo Honda và các dân biểu địa phương đã nhanh chóng thanh minh rằng quyết định của Honda không liên quan gì đến hồ sơ Brexit và giải thích sự lựa chọn của hãng xe là do nhu cầu phải tổ chức lại cho thích ứng với những thay đổi của thị trường toàn cầu. Thế nhưng, việc đóng cửa một nhà máy lớn, chiếm một tỷ trọng đáng kể trong nền kinh tế Anh, được thông báo khi mà chỉ còn 38 ngày nữa tới hạn nước Anh phải rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà vẫn còn chưa biết ra đi theo cách nào. Đây rõ ràng là một tín hiệu rất xấu cho chính phủ bảo thủ của bà Theresa May.
Trong khi đó các chuyên gia kinh tế khẳng định viễn ảnh Brexit, và đặc biệt là Brexit không thỏa thuận, đang ám ảnh các nhà đầu tư Nhật Bản tại Anh, buộc họ phải khẩn trương hơn tính đến giải pháp rời bỏ thị trường Anh.
Hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp Nhật hoạt động tại Anh và sử dụng khoảng 140.000 lao động của đảo quốc này. Các nhà đầu tư Nhật đến cắm chân ở nước Anh khá sớm.
Theo ông Seiji Sugiura, nhà phân tích thuộc Viện Nghiên Cứu Tokai Tokyo, các nhà chế tạo xe hơi Nhật hồi thập niên 1980 đã chọn nước Anh làm căn cứ chính của họ ở Châu Âu bởi nước Anh có một môi trường đầu tư thuận lợi, thuận tiện cho việc đưa hàng vào Âu lục. Nhưng tình hiện nay đã hoàn toàn khác, nhà phân tích Sugiura nhấn mạnh, các nhà đầu tư Nhật cũng có tính toán khác.
Không chỉ có các hãng xe hơi Nhật cắt giảm sự hiện diện, nhiều ngân hàng lớn của của Nhật đang rút dần khỏi Luân Đôn. Các tập đoàn công nghiệp lớn như Toshiba, Hitachi cũng lần lượt cắt giảm các hoạt động trong các dự án lớn ở Anh Quốc trong thời gian gần đây, với lý do khó khăn tài chính. Rồi đến lượt Sony và Panasonic, hai biểu tượng của công nghiệp điện tử Nhật, trong năm ngoái, cũng lần lượt dời trụ sở ở Anh sang các nước Châu Âu, vì lý do hành chính hoặc thuế khóa.
Cho dù Brexit có phải là lý do chính dẫn đến các quyết định như vậy hay không, nhưng nó cho thấy một điều chung là các nhà đầu tư Nhật giờ đây nhìn nước Anh như là mảnh đất đầu tư ẩn chứa nhiều rủi ro. Thực trạng này báo hiệu sẽ còn nhiều công ty từng lấy Anh làm căn cứ ở Châu Âu rất có thể sẽ rút lui khỏi xứ sở sương mù, nhất là khi các điều kiện Anh chia tay với Liên Hiệp mù mờ hoặc không thỏa thuận.
Chuyên gia Sugiura quả quyết : "Brexit không rõ ràng đang ngăn cản đầu tư mới. Đầu tư vào Vương Quốc Anh dường như giờ không còn hấp dẫn nữa".
Anh Vũ
*******************
Nhà sáng lập Hoa Vi : Thế giới "không thể thiếu chúng tôi" (RFI, 19/02/2019)
Trước sức ép tiếp tục gia tăng của Mỹ trên Hoa Vi, một lần nữa, người sáng lập tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc lại lên tiếng. Trong một bài phỏng vấn được đài truyền hình Anh Quốc BBC phát đi vào hôm nay, 19/02/2019, tỷ phú Nhậm Chánh Phi không ngần ngại cho rằng Hoa Kỳ sẽ không thể "đè bẹp" tập đoàn của ông vì "thế giới không thể thiếu Hoa Vi".
Kiểm tra điện thoại cầm tay Hoa Vi tại kho hàng ở Madrid, Tây Ban Nha ngày 07/02/2019. Reuters/Juan Medina
Đối với nhà sáng lập tập đoàn Trung Quốc, sở dĩ thế giới cần đến Hoa Vi, đó là vì tập đoàn của ông "tiến bộ hơn" so với các đối thủ cạnh tranh.
Dĩ nhiên là ông Nhậm không nói gì về các cáo buộc của bộ Tư Pháp Mỹ nhắm vào Hoa Vi liên quan đến các thủ đoạn ăn cắp bí mật thương mại của đối thủ, thậm chí còn nghiễm nhiên thiết lập một chế độ thưởng công cho những ai đánh cắp được bí mật công nghệ của đối thủ cạnh tranh.
Trả lời phỏng vấn, nhà sáng lập Hoa Vi khẳng định : "Nếu đèn tắt ở phương Tây, phương Đông vẫn sẽ tỏa sáng" và Mỹ "không đại diện cho cả thế giới".
Về vụ bắt giữ con gái ông, bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính Hoa Vi, ông Nhậm Chánh Phi đã tố cáo một hành vi mang "động cơ chính trị".
Theo nhận định của hãng tin Pháp AFP, thường khi rất kín đáo, nhà sáng lập Hoa Vi đã phải xuất đầu lộ diện trong những tháng gần đây trước áp lực ngày càng lớn trên tập đoàn của ông.
Tại nhiều quốc gia, Hoa Vi bị nghi ngờ có quan hệ với tình báo Trung Quốc. Đây cũng là mục tiêu của một chiến dịch khốc liệt từ Washington, muốn thuyết phục các đồng minh từ bỏ việc sử dụng thiết bị của Hoa Vi.
Vào cuối tuần trước, tại hội nghị an ninh Munich (Đức), phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã kêu gọi các đồng minh Châu Âu đề cao cảnh giác trước mối đe dọa đến từ Hoa Vi.
Lời kêu gọi này vào hôm qua đã bị Bắc Kinh cực lực đả kích. Theo hãng tin Mỹ AP, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã lên án việc "chính quyền Mỹ cố tạo ra cái cớ để ngăn chặn sự phát triển chính đáng" của các doanh nghiệp Trung Quốc, dùng các "công cụ chính trị" để can thiệp vào hoạt động kinh tế, một hành vi "đạo đức giả và bắt nạt một cách bất công".
Dẫu sao thì nỗ lực của Hoa Kỳ có dấu hiệu chỉ thành công tương đối mà thôi. Một ví dụ cụ thể mới nhất liên quan đến New Zealand. Vào năm ngoái, chính quyền Wellington đã từ chối yêu cầu đầu tiên của Spark, tập đoàn viễn thông chính của đất nước này, xin được sử dụng thiết bị của Hoa Vi.
Tuy nhiên vào hôm nay, thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã xác định trở lại rằng tập đoàn Trung Quốc "chưa hề" bị loại vĩnh viễn khỏi dự án triển khai mạng 5G tại quốc gia vùng Châu Đại Dương này.
Mai Vân
Hoa Vi : ngòi nổ của chiến tranh viễn thông Trung-Mỹ (RFI, 07/02/2019)
Donald Trump cáo buộc Hoa Vi là mối đe dọa cho an ninh nước Mỹ. Lên như diều gặp gió, tập đoàn điện thoại và linh kiện viễn thông có liên hệ với quân đội Trung Quốc trở thành đối tượng chính trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung để thống lĩnh kinh tế và công nghệ toàncầu.
Ảnh minh họa : Biểu hiệu của Hoa Vi (Huawei) trên nền cờ Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ Reuters/Dado Ruvic
Là một trong những tác nhân chính của mạng điện thoại di động thế hệ 5G, được xem là cao điểm của cách mạng công nghệ internet, hệ thống viễn thông này có thể được dùng vào mục tiêu chính trị, gián điệp và phá hoại. Do vậy, tổng thống Mỹ cáo buộc tập đoàn công nghệ, do một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc sáng lập, đe dọa an ninh Hoa Kỳ. Ngoài chiến dịch ngoại giao thuyết phục các nước đồng minh cấm cửa Hoa Vi, các định chế tư pháp, lập pháp của Mỹ cũng tham gia ngăn chận tập đoàn điện tử viễn thông Trung Quốc.
Điều 7 - đạo luật 2017 và "công ty yêu nước"
Theo Andrus Ansip, phó ủy viên Châu Âu đặc trách thị trường kỹ thuật số, Liên Âu cần phải e dè Hoa Vi và các công ty khác của Trung Quốc, bởi vì họ hợp tác với tình báo Trung Quốc. Phó ủy viên Andrus Ansip muốn nói đến một điều luật của Trung Quốc, luật số 7 ban hành năm 2017, bắt buộc "công dân và các công ty Trung Quốc yêu nước phải hợp tác với cơ quan tình báo".
Nhưng đối với chủ nhân sáng lập Hoa Vi, Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), cho dù ông là cựu sĩ quan, nhưng những cáo buộc phục vụ chính quyền Trung Quốc chỉ là "tin đồn" và "chưa bao giờ Hoa Vi bị bắt quả tang". Con gái của Nhậm Chính Phi, mang họ mẹ là Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), lãnh đạo số hai của Hoa Vi, đang chờ quyết định của tư pháp Canada dẫn độ về Mỹ để trả lời về một vụ khác : qua mặt lệnh trừng phạt Iran của Washington.
Tối thứ Ba 05/02/2019, trong Thông điệp Liên Bang, tổng thống Donald Trump cảnh báo Trung Quốc : "Những hành động đánh cắp việc làm và thịnh vượng của nước Mỹ từ nay chấm dứt".
Hoa Vi đáng ngại chỗ nào ? Cụ thể Hoa Kỳ đối phó ra sao và đâu là mục tiêu của Mỹ lẫn Trung Quốc trong cuộc chiến này ?
Từ Washington, nhà báo Phạm Trần phân tích :
"Điều nghiêm trọng nhất là từ lâu nay, từ thời tổng thống Obama, Mỹ vẫn theo dõi Trung Quốc về vấn đề đánh cắp dữ kiện khoa học. Chính quyền Obama đã tố cáo bộ Quốc Phòng Trung Quốc tập trung khả năng xâm nhập bộ máy điện tử của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, bộ Quốc Phòng, các cơ quan an ninh như CIA và FBI. Nhưng Trung Quốc đều bác bỏ. Quốc Hội Mỹ tìm mọi cách điều tra thu thập bằng cớ để truy tố Trung Quốc, nhưng không thành công.
Thế thì bây giờ xảy ra vụ TMobil. Tmobil, một công ty rất lớn về điện thoại viễn thông của Mỹ hợp tác với Hoa Vi làm ăn buôn bán, nhưng đã phát giác ra một lệnh của Hoa Vi chỉ thị cho công nhân đánh cắp một dữ kiện trong bộ máy điện tử của TMobil, mà Hoa Vi không chế tạo được. TMobil bắt được nhân viên đó, thu lại được tài liệu, trong đó Hoa Vi ra lệnh và hứa thưởng tiền…"..
Tú Anh
********************
Venezuela : Lật đổ Maduro, một ván cờ "khó" đối với Mỹ (RFI, 07/02/2019)
Venezuela đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội và nhân đạo lớn chưa từng có. Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ phe đối lập và khẳng định không loại trừ khả năng can thiệp quân sự để lật đổ chế độ "độc tài" tổng thống Maduro. Giới chuyên gia cho rằng tuy Hoa Kỳ trong thế mạnh, nhưng đây chưa hẳn là một ván cờ dễ cho chính quyền Washington.
Giới hoạt động nhân quyền và chống chiến tranh biểu tình trước Nhà Trắng phản đối Mỹ can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Venezuela, Washington, ngày 26/01/2019 Reuters/Joshua Roberts
Lạm phát kỷ lục, khan hiếm lương thực và thuốc men… đẩy hàng triệu người bỏ xứ tha hương. Câu hỏi đặt ra : Với một bản tổng kết u ám như thế làm thế nào "nhà độc tài" vẫn có thể duy trì quyền lực ? Liệu tổng thống Mỹ Donald Trump có thể can thiệp quân sự để lật đổ chế độ "bạo chúa" như đánh giá của cố vấn an ninh quốc gia John Bolton ?
Tuần san L’Express của Pháp khẳng định Hoa Kỳ khó có thể dùng giải pháp quân sự với Venezuela. Nhìn từ phía Venezuela, tâm lý chống Mỹ vẫn còn cao. Washington chưa thật sự có được sự ủng hộ hoàn toàn của người dân Venezuela. Những người ủng hộ chế độ Maduro chỉ trích Hoa Kỳ và phương Tây can thiệp vào chuyện nội bộ và ủng hộ đảo chính.
Trên bình diện quốc tế, chế độ Maduro được Nga và Trung Quốc "chống lưng". Tuy nhiên, theo giới quan sát, Cuba mới chính là rào cản lớn nhất, gây khó khăn cho chiến lược của Hoa Kỳ trong hồ sơ Venezuela. L’Express nêu lên ba lý do chính.
Thứ nhất, Cuba khống chế toàn bộ quân đội Venezuela. Các sĩ quan cao cấp của nước này, do bộ chỉ huy Cuba điều khiển, được hưởng những đặc quyền đặc lợi, trong khi các hàng sĩ quan cấp thấp, binh sĩ chịu các áp lực dưới hình thức các kiểu đe dọa trá hình nhắm vào gia đình họ.
Theo các nguồn tin lưu hành trên các trang mạng xã hội của phe đối lập, nhiều sĩ quan cao cấp Cuba hiện diện trong quân đội Venezuela : hai tướng, bốn đại tá, tám trung tá, sáu đại úy, 25 sĩ quan cấp úy và 4.500 binh sĩ bộ binh mặc quân phục Venezuela được phân bổ rải rác trong 9 sư đoàn.
Hơn nữa, Cuba thâm nhập sâu trong đời sống chính trị Venezuela. Ngay những ngày đầu lên cầm quyền, cố tổng thống Hugo Chavez đã áp dụng ngay sách lược của Cuba : Kiểm soát chính phủ, Sửa đổi Hiến Pháp, Vô hiệu hóa các định chế, Tống khứ các lực lượng đối lập bằng cách buộc họ phải đi tị nạn và cuối cùng, làm cho cuộc sống những ai ở lại trở nên ngột ngạt nhằm bóp nghẹt ngay từ trong trứng nước mọi mầm mống phản đối.
Thứ hai, cùng với thời gian, Venezuela trở thành một điểm trung chuyển ma túy Colombia nhờ vào băng đảng Los Soles. Một băng đảng bao gồm các sĩ quan cao cấp, có quan hệ mật thiết các sĩ quan Venezuela do nhân vật số hai chính phủ kiểm soát. Đây chính là một trong những nguồn thu béo bở cho quân đội.
Thứ ba, dưới sự chỉ đạo từ xa của Cuba, Venezuela dần dần đi ra khỏi quỹ đạo của phương Tây. Vì vậy, tầm ảnh hưởng của Nga tại đất nước Châu Mỹ Latinh này ngày càng lớn. Theo giải thích của sử gia Olivier Compagnon, giám đốc Viện Nghiên Cứu Châu Mỹ Latinh, trên đài RFI, một mặt Nga là chủ nợ thứ hai của Venezuela, đứng sau Trung Quốc. Mặt khác, Venezuela là một lá bài địa chính trị để Nga làm đối trọng với thế bá quyền của Mỹ trên thế giới.
Đó là chưa tính đến sự ủng hộ của nhiều nước khác đối với Venezuela như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Bolivia, Nicaragua hay như Lực lượng quân đội Cách mạng Colombia (Farc), những đối tác chiến lược chính của chính quyền Caracas.
Tóm lại, trong ván cờ này, tuy Cuba chật vật tìm cách cứu đồng minh, Hoa Kỳ trong thế thượng phong, nhưng mong muốn của Donald Trump đánh đuổi "bạo chúa" Nicolas Maduro cũng không dễ gì thực hiện.
Minh Anh
Tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi : Thách thức lớn của Châu Âu
Chủ đề Trung Quốc chiếm nhiều tựa trang nhất báo Pháp hôm nay.
Hoa Vi ám ảnh Liên Âu và nước Mỹ. Ảnh minh họa Reuters/Dado Ruvic/Illustration
Le Monde có hồ sơ lớn về tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei), nằm ở tâm điểm của cuộc đối đầu Mỹ-Trung. Tựa trang nhất của La Croix : "Những điểm yếu của người khổng lồ Trung Quốc". Châu Âu gia tăng áp lực với chính quyền Maduro tại Venezuela là đề tài chính của Le Figaro. Viễn cảnh nước Pháp tổ chức trưng cầu dân ý sau cuộc Thảo luận toàn quốc cũng được báo chí nói đến nhiều.
Trước hết xin giới thiệu bài xã luận của Le Monde : "Hoa Vi : Một thách thức với Liên Âu". Le Monde thừa nhận là, "bị hấp dẫn bởi thị trường Hoa lục khổng lồ", phương Tây trong một thời gian dài đã nhắm mắt trước một loạt các hoạt động khác thường của chính quyền Bắc Kinh như vai trò chỉ đạo của Nhà nước đối với nền kinh tế, các hàng rào bảo hộ mậu dịch được ngụy trang, hay việc không tôn trọng nguyên tắc sở hữu trí tuệ. Điều bất ngờ đối với phương Tây là Trung Quốc đã trỗi dậy hết sức nhanh chóng. Trường hợp tập đoàn Hoa Vi là một ví dụ tiêu biểu.
Chỉ trong vòng chưa đầy một thập niên, Hoa Vi đã trở thành một công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực mạng điện thoại di động thế hệ mới 5G. Giờ đây mạng lưới 5G – mà Hoa Vi tham gia hoặc cung cấp thiết bị tại nhiều quốc gia – đang bị nghi ngờ trở thành công cụ cực kỳ hùng mạnh, mà chính quyền Trung Quốc có thể sử dụng vào các mục tiêu gián điệp hay phá hoại.
Mối quan hệ giữa tập đoàn viễn thông "tư nhân" này, cũng như đa số các doanh nghiệp Trung Quốc với Bắc Kinh là điều gây ngờ vực lớn, bởi quyền lực bao trùm của chế độ cộng sản tại nước này. Một luật mới của Trung Quốc ra đời năm 2017 bắt buộc mọi doanh nhân và công dân phải cộng tác với các cơ quan an ninh, và không được phép công bố thông tin về mối quan hệ bí mật này. Cũng có nghĩa là mọi doanh nghiệp đều có thể bị buộc phải làm gián điệp cho chính quyền.
Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên quyết định ngăn chặn các hoạt động của Hoa Vi, cho dù tập đoàn này liên tục khẳng định không phải là công cụ của Bắc Kinh. Washington vừa khởi sự một chiến dịch ngoại giao rộng lớn nhằm thuyết phục các nước đồng minh đóng cửa với Hoa Vi. Giám đốc tài chính của Hoa Vi vừa bị Hoa Kỳ chính thức yêu cầu dẫn độ, vì một nghi án liên quan đến quan hệ với Iran, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ. Một số người làm việc cho Hoa Vi bị truy tố vì tội gián điệp.
Thế khó xử của Liên Âu
Thế nhưng, theo Le Monde, Liên Âu đang ở trong thế khó xử với Hoa Vi, trước hết bởi không thể áp dụng với công ty này các biện pháp bảo hộ mậu dịch, các biện pháp đi ngược lại với nền kinh tế thị trường, mà chính Châu Âu thường phê phán Trung Quốc. Bên cạnh đó, một lý do quan trọng khác khiến các nước Châu Âu rất dè dặt trước Hoa Vi, là bởi bản thân các tập đoàn hàng đầu của Châu Âu, như Nokia hay Ericsson đang lùi bước tại thị trường chiến lược này.
Theo tập đoàn Đức Deutsche Telecom, việc loại trừ Hoa Vi có thể sẽ khiến cho việc triển khai mạng 5G ở Châu Âu bị trễ hai năm, gây thiệt hại nhiều tỉ euro cho các nhà khai thác.
Le Monde nhấn mạnh đến tình thế đầy thách thức hiện nay, khi Hoa Kỳ, một mặt ngăn chặn Hoa Vi, mặt khác cũng có thể lấy nhà cung cấp phương tiện viễn thông này làm một lá bài mặc cả với Bắc Kinh. Washington có thể bất ngờ mở cửa trở lại cho Hoa Vi, nếu đạt được một số nhân nhượng.
Theo Le Monde, để không rơi vào thế bị động trong cuộc chiến ngoại giao và công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, khối 27 nước phải đoàn kết, xây dựng một chính sách chung nhằm thúc đẩy cách tân công nghệ, cũng như một chính sách tự vệ chung. Hoa Vi chính là một "trắc nghiệm" đối với Châu Âu.
Nếu không vượt qua được trắc nghiệm này, khối 27 nước sẽ trở nên phụ thuộc nặng nề về công nghệ, và rốt cuộc là bất lực về chính trị.
Ngăn chặn Hoa Vi : Châu Âu tìm cách phối hợp
Một người phát ngôn của bộ nội vụ Đức cuối tuần trước cho biết hiện tại chính phủ chưa ra quyết định về vấn đề này. Tuy nhiên, theo nhật báo kinh tế Đức Handelsblatt, Berlin chủ trương hoàn toàn minh bạch về nguồn gốc các thiết bị 5G, và hai tập đoàn viễn thông chủ chốt của Đức đã thống nhất sẽ loại bỏ hoàn toàn thiết bị Hoa Vi.
Tại Pháp, đầu tuần qua, chính phủ đã chuyển qua Thượng Viện một dự thảo sửa đổi luật, cho phép tăng cường kiểm soát các mạng viễn thông. Tuy không nhắm vào công ty cụ thể nào, nhưng ắt hẳn Hoa Vi nằm trong tầm ngắm. Tại Anh, Na Uy, nhiều quan chức chính quyền kêu gọi hành động khẩn cấp. Ba Lan và Cộng hòa Czech cũng cho biết đang suy nghĩ về vấn đề này.
Tại Litva, nhà khai thác Telia sử dụng các thiết bị của Hoa Vi chính thức khởi sự mạng 5G vào tháng 12/2018. Một nhóm nghị sĩ kêu gọi cơ quan an ninh quốc gia chú ý đến hồ sơ này.
Bruxelles dường như đang chuẩn bị cho một hành động phối hợp. Hôm thứ Tư tuần trước, bốn quan chức cao cấp của Liên Hiệp Châu Âu cho hãng tin Reuters hay là Liên Âu sẽ xem xét một số chiến lược ứng phó chung, trong đó có việc sửa đổi các quy định trong lĩnh vực an ninh mạng, được đưa ra vào năm 2016, để "cản đường Trung Quốc".
Trên thực tế, Les Echos cũng thừa nhận là ngăn chặn hoặc loại trừ các thiết bị của Hoa Vi có thể gây ra nhiều hệ quả về chính trị, và đặc biệt là kinh tế. Hiệp hội GSMA, tập hợp hàng trăm nhà sản xuất và khai thác điện thoại di động toàn thế giới, đã đề nghị họp khẩn để bàn về vấn đề Hoa Vi.
Cũng nhật báo Les Echos lưu ý là hai tập đoàn hàng đầu Châu Âu về viễn thông, Nokia và Erikson, sau hai năm suy yếu, bắt đầu cải thiện được tình hình vào năm ngoái. Việc đẩy được Hoa Vi ra khỏi thị trường Châu Âu có thể mang lại cho các tập đoàn của Châu lục nhiều hợp đồng béo bở, nhưng đổi lại, có nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ trả đũa, và cánh cửa vào thị trường Trung Quốc sẽ khép lại. Mà, khu vực này chiếm khoảng 10% doanh số của các nhà cung cấp Châu Âu.
Tuy nhiên, nhìn chung, việc đổi mới thế hệ cơ sở hạ tầng viễn thông 5G sẽ là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp cung cấp thiết bị.
"Những điểm yếu" của người khổng lồ Trung Quốc
Các tập đoàn viễn thông Trung Quốc bị coi là một mối đe dọa với Châu Âu, nhưng về nội tình quốc gia này thì sao ? La Croix có hồ sơ lớn "Những điểm yếu của người khổng lồ Trung Quốc".
Trong số báo ra vào ngày 30 Tết cổ truyền của vùng Viễn Đông, La Croix lưu ý với độc giả : trong lúc người Trung Quốc chuẩn bị đón mừng năm Hợi, một năm được coi là mang lại hy vọng cho giàu sang và thịnh vượng, thì chế độ Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, trước hết là một nền kinh tế đang ngày càng trở nên dễ tổn thương hơn, căng thẳng chính trị nội bộ và trong xã hội gia tăng.
Hình ảnh của Trung Quốc với bên ngoài đang ngày càng xuống cấp, đặc biệt là tình trạng đàn áp khốc liệt nhắm vào cả triệu người Duy Ngô Nhĩ, ngày càng được thế giới biết đến, đàn áp tự do ngôn luận gia tăng. Theo một số nhà nghiên cứu, tại phương Tây, người ta ngày càng nhìn Trung Quốc với thái độ tỉnh táo hơn. Đặc biệt với vụ Hoa Vi, chiếc mặt nạ đã rớt xuống. Rốt cục mọi người cũng hiểu ra rằng "Trung Quốc sẽ không thể cứu được thế giới", thái độ cổ vũ cho một thế giới đa phương của chính quyền Bắc Kinh chỉ là một "miếng mồi", để nhử những người thơ ngây.
La Croix cũng nhấn mạnh là năm nay chế độ Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một loạt dịp kỉ niệm lớn. 60 năm đức Đạt Lai Lạt Ma phải trốn khỏi Tây Tạng sang Ấn Độ tị nạn. 30 năm vụ thảm sát chống lại các sinh viên đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn.
Venezuela : Châu Âu gia tăng áp lực cho bầu cử tự do
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela là tâm điểm của thời sự quốc tế. Le Figaro có bài "Châu Âu gia tăng sức ép lên chính quyền Maduro". Nhật báo Pháp ghi nhận là Liên Hiệp Châu Âu khó lòng đưa ra một tiếng nói thống nhất để gây áp lực mạnh hơn với chính quyền Venezuela. Thiếu đồng thuận, 6 nước Châu Âu kiên quyết nhất đã quyết định lên tiếng trước, với việc đe dọa nếu Caracas không tổ chức lại bầu cử tổng thống, Châu Âu sẽ thừa nhận ông Juan Guaido, chủ tịch Quốc Hội, tổng thống tự phong, làm quyền tổng thống.
Hôm thứ Năm vừa qua, cuộc họp đầu tiên của nhóm tiếp xúc quốc tế do Liên Âu chủ trì, đã diễn ra tại Montevideo, thủ đô Uruguay. Ngoài đại diện Liên Hiệp Châu Âu, còn có 8 quốc gia Châu Âu và 14 nước Châu Mỹ Latinh.
Mục tiêu của nỗ lực quốc tế nói trên, theo lãnh đạo ngoại giao Châu Âu là để giúp Venezuela đi đến một cuộc bầu cử tự do thực sự. Trả lời phỏng vấn đài France Intern sáng nay, ngoại trưởng Pháp cho biết 7 nước Châu Âu (Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh) sẽ phối hợp chặt chẽ, để ủng hộ việc ông Juan Guido tổ chức cuộc bầu cử tổng thống. Chiều hôm qua, Áo cũng quyết định tham gia vào sáng kiến này.
Tổng thống Pháp nêu khả năng trưng cầu dân ý cùng lúc với bầu cử Châu Âu
Trở lại tình hình nước Pháp, báo chí hôm nay đặc biệt chú ý đến việc tổng thống Macron nêu khả năng tổ chức trưng cầu dân ý, để khép lại cuộc Thảo luận toàn quốc, kéo dài 2 tháng.
Nhật báo Les Echos cho biết tổng thống Macron hôm nay, bắt đầu thảo luận với các đảng phái tại Quốc Hội về khả năng tổ chức trưng cầu dân ý, nhằm tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Hàng loạt câu hỏi để ngỏ, về ngày tổ chức (trùng với cuộc bầu cử Nghị Viện hay không ?), những vấn đề nào được nêu ra ? theo hình thức nào ? Tổng thống Macron tuyên bố không loại trừ bất cứ giải pháp nào, và để ngỏ cho thảo luận.
Về phần mình, nhật báo thiên tả Libération cho biết tổng thống Macron muốn gây ấn tượng, khi đưa ra đề xuất có thể tổ chức trưng cầu dân ý đúng vào ngày bầu cử Nghị Viện Châu Âu 26/5, để lấy ý kiến toàn dân về hàng loạt vấn đề được nêu ra trong cuộc Thảo luận toàn quốc, sẽ khép lại ngày 15/03. Libération đặt câu hỏi : Phải chăng đây sẽ là "một bigbang bầu cử", đưa nước Pháp thoát khỏi cuộc khủng hoảng xã hội và chính trị, bùng phát với phong trào Áo Vàng ?
Nhật báo thiên hữu Le Figaro thì bày tỏ lo ngại trước việc tổng thống Macron đang có xu hướng thiên về tổ chức trưng cầu dân ý. Le Figaro dẫn lời lãnh đạo đảng cánh trung Modem, chính trị gia François Bayrou. Theo ông, nếu quyết định này không được chuẩn bị tốt, không có một chiến lược vững chắc, thì cuộc trưng cầu dân ý về các vấn đề của nước Pháp sẽ làm lu mờ các vấn đề lớn của Châu Âu hiện nay. Xã luận Le Figaro với tựa đề "Cần tiến hành một cách thận trọng", nhắc lại kinh nghiệm trưng cầu dân ý như một "con dao hai lưỡi" từng được tổng thống de Gaulle sử dụng cách nay nửa thế kỷ. Trưng cầu dân ý có thể mở ra cánh cửa cho "những câu trả lời mang tính mỵ dân nhất".
Pháp : Hai nhà xã hội học gần 100 tuổi thảo luận về các vấn đề đương đại
Nhật báo Libération dành toàn bộ hồ sơ đầu dài 4 trang, cho cuộc đối thoại giữa hai nhà xã hội học kỳ cựu, Edgar Morin và Alain Touraine, về hàng loạt chủ đề lớn, từ nhập cư, chủ nghĩa dân tộc, sinh thái, Châu Âu hay phong trào Áo Vàng…
Bài xã luận của Libération mang tựa đề "Giải pháp khác", mở đầu với bình luận : "Từng trải không phải là kẻ thù của sự tươi mới…". Trường hợp hai nhà xã hội học Pháp có tuổi đời gần một thế kỷ (Edgar Morin sinh năm 1921, Alain Touraine 1925) được nêu ra như một dẫn chứng tiêu biểu. Theo Libération, hai ông Edgar Morin và Alain Touraine nằm trong số một số trí thức cấp tiến ít ỏi kiên trì chủ trương các lý tưởng toàn cầu mang tính nhân văn, vì một nhân loại "đoàn kết" và "bình đẳng", một hành tinh là "tổ quốc chung", trái ngược lại với xu thế co cụm về bản sắc, với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, tại nhiều xã hội.
Theo hai nhà khoa học Pháp, thái độ với người nhập cư chính là "một trắc nghiệm với nền dân chủ" hiện nay, cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh là "yếu tố quyết định" trong con đường vươn lên của nhân loại… Trong không khí giới trí thức đang bị đè nặng bởi bóng ma của nỗi sợ suy thoái, nỗi lo hãi trước những người lạ…, tư tưởng của Edgar Morin và Alain Touraine mang lại "một luồng gió thuần khiết tuyệt vời", theo ghi nhận của Libération.
Trọng Thành
Hoa Vi trong tầm ngắm của chính phủ Pháp
Theo Le Monde, số đề ngày 24/01/2019, nay đến lượt nước Pháp cũng nghi ngại tập đoàn Hoa Vi của Trung Quốc, vào lúc Paris muốn tăng cường kiểm soát các thiết bị viễn thông sử dụng cho mạng điện thoại di động 5G.
Quảng cáo điện thoại Hoa Vi ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 06/12/2018. Reuters/Aly Song
Le Monde cho biết, sau khi đã chính thức bị gạt ra khỏi thị trường Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, tập đoàn Hoa Vi có thể cũng gặp khó khăn ở thị trường 5G của Pháp. Cho tới nay vẫn rất thận trọng trong hồ sơ gai góc này, Pháp trong những ngày tới sẽ ra một biện pháp tăng cường kiểm soát các thiết bị viễn thông 5G. Tuy biện pháp mới không nhắm cụ thể vào Hoa Vi, nhưng nó có thể tạo điều kiện dễ dàng cho việc gạt các thiết bị của Hoa Vi khỏi mạng di động 5G tương lai.
Le Monde nhắc lại rằng trọng tâm của mối quan ngại chính là sự an toàn của các thiết bị mà tập đoàn Trung Quốc cung cấp cho các công ty viễn thông toàn thế giới. Hoa Vi bị nghi là cài vào điện thoại di động của họ những thiết bị có thể phục vụ cho Bắc Kinh trong công tác gián điệp hoặc phá hoại viễn thông của một quốc gia. Mặc dù cho tới nay chưa có bằng chứng nào được công khai đưa ra để chứng minh giả thuyết đó, nhưng tranh cãi do mối nghi ngờ này gây ra đã không ngừng tăng lên.
Vấn đề, theo Le Monde, đây sẽ là một việc rất tế nhị đối với chính phủ Pháp, vì Hoa Vi nay là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu ở Pháp, như phó tổng giám đốc chi nhánh Pháp đã từng giải thích với Le Monde khi bắt đầu xảy ra tranh cãi vào tháng 11/2018 : "Chúng tôi là công ty Trung Quốc sử dụng nhiều nhân công nhất ở Pháp, với hơn 1 ngàn cộng sự viên trên toàn quốc".
Tập đoàn Trung Quốc cũng đã nhiều nỗ lực để bám trụ lâu dài trên đất Pháp, chứng tỏ thiện chí của họ qua việc gia tăng các hoạt động đầu tư, tài trợ, bảo trợ từ 16 năm qua. Thậm chí Hoa Vi còn hưởng ứng lời kêu gọi của tổng thống Emmanuel Macron cấp cho nhân viên của họ khoản tiền thưởng đặc biệt 1.000 € vào cuối năm qua.
Hoa Vi còn tăng cường sự hiện diện tại Pháp qua việc khánh thành vào tháng 11 năm ngoái trung tâm nghiên cứu và phát triển thứ 5 ở Pháp, và nay sử dụng đến 165 nhân viên cho các trung tâm này.
Miến Điện rơi vào hỗn loạn do du kích sắc tộc
Về thời sự Châu Á, Le Monde hôm nay đăng một bài phân tích của thông tín viên tờ báo này tại Đông Nam Á, Bruno Philip, tựa đề "Miến Điện rơi vào hỗn loạn do du kích sắc tộc". Tác giả ghi nhận là mặc dù vào năm 2015, Miến Điện đã có một chính phủ được bầu một cách dân chủ và trên thực tế do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, thế nhưng điều này đã không thuyết phục được đa số các lãnh đạo du kích quân sắc tộc thiểu số chấp nhận thương lượng một hòa ước. Thực tế đã diễn ra hoàn toàn ngược lại chiều hướng hòa bình .
Các cuộc tấn công gần đây của một lực lượng vũ trang mới, mang tên Quân đội Arakan, khẳng định đấu tranh nhân danh người Phật Giáo của bang Arakan, vừa mở thêm một "mặt trận" mới tại một vùng đầy xáo trộn. Bang Arakan, mà hiện nay gọi là bang Rakhine, đã từng mang tai tiếng trong những năm gần đây, về cách đối xử với người thiểu số Hồi giáo Rohingya, với hơn 750 ngàn người thuộc cộng đồng này đã chạy qua Bangladesh tị nạn, do bị quân đội Miến Điện đàn áp khốc liệt để trả đủa các cuộc tấn công của Quân đội Cứu nguy người Rohingya Arakan, lực lượng du kích Hồi giáo.
Bruno Philip nhắc lại rằng từ nhiều tuần qua, các trận giao tranh đã gia tăng giữa các chiến binh Quân đội Arakan với binh lính quân đội chính quy Miến Điện. Một số chuyên gia không loại trừ khả năng là xung đột sẽ kéo dài và bang Arakan sẽ gặp trình trạng bất ổn thường xuyên. Cho dù khó mà thắng được quân đội Miến Điện rất đáng gờm, các chiến binh của Quân đội Arakan đã chứng tỏ họ được huấn luyện rất tốt, có khả năng chiến đấu cao và rất quyết tâm.
Sự xuất hiện của "mặt trận" mới này khiến chính quyền trung ương và quân đội Miến Điện rất lo ngại, vì bang Arakan không chỉ là một vùng có tính chiến lược, mà còn là vùng được nhiều nơi dòm ngó : Trung Quốc đã đặt tại đây một ống dẫn dầu để vận chuyển dầu từ vịnh Ba Tư, qua vịnh Bengal đến tỉnh Vân Nam. Còn Ấn Độ thì đang xây một cảng nước sâu ở Sittwe, thủ phủ bang Rakhine.
Tỉ lệ thất nghiệp cao tại Pháp : Những nguyên nhân
Tờ Les Echos hôm nay có bài điều tra về những nguyên nhân khiến tỉ lệ thất nghiệp tại Pháp vẫn ở mức cao, nhân dịp cơ quan tìm việc làm Pôle Emploi ngày mai sẽ công bố số liệu thất nghiệp của năm 2018.
Nguyên nhân thứ nhất, theo Les Echos đó là trong khi tỉ lệ thất nghiệp cao như vậy thì hàng ngàn việc làm không tìm được người, vì một mặt ở Pháp thiếu rất nhiều người có chuyên môn, như các nhà tin học, do đào tạo không đủ, mặt khác, do điều kiện nặng nhọc và lương thấp nên nhiều việc làm không đủ sức thu hút.
Nguyên nhân thứ hai là vẫn có sự cách biệt giữa số người thất nghiệp thật sự với số người đăng ký thất nghiệp. Tính đến cuối tháng 09/2018, có hơn 6,6 triệu người thất nghiệp đăng ký tại cơ quan Pôle Emploi, nhưng trên thực tế, có những người không tìm việc làm nhưng vẫn ghi tên thất nghiệp để được hưởng những quyền lợi khác, chẳng hạn như thẻ giao thông công cộng giảm giá hoặc miễn phí.
Một nguyên nhân khác giải thích cho tỷ lệ thất nghiệp cao, đó là thay vì làm việc nhiều năm trong cùng một công ty, xí nghiệp, ngày càng có nhiều người, nếu không muốn nói là tuyệt đại đa số, xen lẫn những giai đoạn làm việc với giai đoạn đăng ký thất nghiệp, kể cả những người có trình độ cao, xuất thân từ các đại học danh tiếng.
"Oman hóa" việc làm : Không đơn giản
Cũng về việc làm, tờ Libération hôm nay đưa độc giả đến Oman, nơi mà người dân đang được khuyến khích... đi làm. Để tạo điều kiện thu nhận nhân công Oman, chính quyền nước này tăng cường các biện pháp chống việc tuyển dụng người nước ngoài. Nhưng dân Oman lại không được xem là một nguồn nhân công hiệu quả.
Theo Libération, để bảo vệ 4,4 triệu dân Oman, mà hiện chiếm thiểu số rất nhỏ trong khu vực tư nhân (260 ngàn so với 2 triệu người nước ngoài), và cũng để lôi kéo họ tham gia nhiều hơn vào hoạt động kinh tế của đất nước, chính quyền vương quốc này đã thiết lập một cơ chế nhằm "Oman hóa" việc làm, với một đạo luật bắt buộc mọi doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước phải tuyển dụng một tỉ lệ tối thiểu nhân công người Oman. Tỉ lệ này được ấn định tùy theo khu vực, nhưng thường là ở mức khoảng 30%.
Nhưng đối với nhiều công ty quốc tế, chính sách "Oman hóa" việc làm đang cản trở sự phát triển của họ ở vương quốc này. Libération trích lời Tareq, một kỹ sư người Pakistan trong ngành xây dựng, giải thích : "Vấn đề không phải là kinh nghiệm hay khả năng, mà là ở chỗ : dân Oman không muốn làm việc". Trong 4 năm làm việc cho 4 công ty nước ngoài, Tareq đều thấy các công ty này phải đối phó với tình trạng lao động Oman thường xuyên vắng mặt hoặc không chịu làm việc.
Vấn đề là theo lời Nader Al Azkawi, một kỹ sư Oman, mặc dù chất lượng của nhân công rất tồi, nhưng một khi đã thâu nhận rồi, các công ty rất khó mà sa thải lao động người Oman. Kỹ sư Tareq thì cho biết là ông không dám lớn tiếng với một công nhân Oman, vì sợ người này sẽ kiện lên chính quyền Oman và hậu quả là ông có thể bị rút visa làm việc.
Giáo hội Công giáo giúp đỡ giới trẻ Salvador
Nhật báo công giáo La Croix hôm nay quan tâm đến vấn đề di dân, chủ đề chính của Ngày Thanh niên Thế giới 2019 đang diễn ra tại Panama với sự hiện diện của giáo hoàng Francis, qua một bài phóng sự về giới trẻ Salvador tại những khu phố nghèo, thay vì bỏ xứ ra đi, đang tìm những con đường khác, với sự trợ giúp của giáo hội địa phương.
Theo đặc phái viên của La Croix từ thủ đô San Sanvador, trong bối cảnh bạo lực triền miên do cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa hai băng đảng lớn đang chia nhau 90% lãnh thổ quốc gia, nhiều thiếu niên Salvador ở khu phố Mejicanos chỉ nghĩ đến chuyện bỏ nước ra đi để tìm đường sang Mỹ.
Để thuyết phục các bạn trẻ này ở lại, nhưng được sống yên bình hơn, các linh mục, tu sĩ công giáo đã thực hiện nhiều dự án, như dự án phát triển một trung tâm huấn nghệ để thanh niên ở San Sanvador có thể tìm được việc làm trên một thị trường lao động qua dư thừa. Mỗi năm, họ cấp học bổng cho một số em tiếp tục học hành cho đến khi có bằng cấp, chìa khóa để tìm được một việc làm ổn định. Trong một khu phố mà 70% người dân có thân nhân tham gia vào một băng đảng, Giáo hội giúp họ tìm ra một con đường thay thế cho con đường lưu vong, vừa nguy hiểm, vừa rất tốn kém.
Không gian : Nguy cơ từ các mảnh vụn
Về không gian, tờ Le Figaro báo động về nguy cơ ngày càng lớn từ các mảnh vụn không gian với ngày càng nhiều các vụ báo động va chạm trên quỹ đạo. Tình hình này đe dọa đến các hoạt động trên không gian.
Theo Le Figaro, các chuyên gia về các mảnh vụn không gian ngày càng lo ngại trước tình hình đang nhanh chóng trở nên trầm trọng. Tờ báo trích lời ông Holger Krag, đặc trách về các mảnh vụn không gian tại Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA) cho biết : "Tại trung tâm kiểm soát của Cơ quan Không gian Châu Âu, mỗi tuần chúng tôi phải xứ lý hàng trăm báo động va chạm với các mảnh vỡ không gian cho toàn bộ 20 vệ tinh nhân tạo mà chúng tôi quản lý".
Cho dù có tránh được, mối đe dọa va chạm với các mảnh vụn không gian gây nhiều tốn kém, không chỉ về phương tiện nhân lực, mà còn về nhiên liệu đối với các vệ tinh, và điều này làm giảm "tuổi thọ" của chúng.
Le Figaro nhắc lại vào năm 2009, đã xảy ra tai nạn mà ai cũng sợ : một vệ tinh quân sự của Nga, đã hết hạn sử dụng, đụng vào một vệ tinh viễn thông của Mỹ. Cả hai vệ tinh đều bị phá hủy hoàn toàn, tạo ra hàng trăm mảnh vụn bắn đi tứ phía, có nguy cơ va chạm vào các vệ tinh khác. Trước đó 2 năm, vào năm 2007, Trung Quốc đã gây sốc cho cả thế giới khi dùng một tên lửa bắn vào một vệ tinh khí tượng của nước này, tạo ra hàng ngàn mảnh vụn không gian, làm tăng đến 34% số mảnh vụn dài hơn 10 cm mà hệ thống giám sát của Không lực Hoa Kỳ kiểm kê được.
Trang nhất các báo
"Brexit : Barnier loại trừ khả năng thương lượng lại hiệp định". Đó là tựa trên trang nhất của Le Monde. Trả lời phỏng vấn Le Monde, ông Michel Barnier, trưởng phái đoàn thương lượng của Liên Hiệp Châu Âu, cảnh báo : thỏa thuận đạt được với thủ tướng Theresa May là "văn bản duy nhất có thể được". Ông nhấn mạnh là nếu chính phủ và các dân biểu Anh không thay đổi lập trường, Bruxelles và Luân Đôn sẽ đi đến tình trạng "no deal" (Brexit không thỏa thuận).
Nhật báo thiên hữu Le Figaro, nhân cuộc đình công của các giáo viên tại Pháp hôm nay, quan tâm đặc biệt đến tâm trạng của giới này, qua hàng tựa : "Giáo viên : Những lý do của sự bất an", cho biết là các giáo viên Pháp bất mãn không chỉ về điều kiện làm việc của họ, mà còn vì họ cảm thấy không được coi trọng.
Nhật báo công giáo La Croix thì chọn đề tài "Truyền thông, khủng hoảng lòng tin", nói đến tình trạng báo chí Pháp đang sụt giảm uy tín và bị xem là không bảo đảm đầy đủ tính độc lập, trong khi dân Pháp lại đang quan tâm ngày càng nhiều đến thời sự.
Riêng tờ Libération, nhân dịp khai mạc Liên hoan truyện tranh Angoulême hôm nay, đặc biệt được trình bày như một truyện tranh, với trang nhất là tranh vẽ của họa sĩ Emil Ferris. Nhưng một trong những đề tài được ghi trên trang nhất là vụ tổng giám đốc Renault Carlos Ghosn, hiện đang bị giam ở Nhật, hôm nay chính thức từ chức.
Nhật báo kinh tế Les Echos thì dĩ nhiên cũng chọn chủ đề hàng đầu về tập đoàn Renault, với hàng tựa "Renault : cặp bài trùng mới trước một sự kế thừa nặng nề". Tân chủ tịch Jean-Dominique Senard và tân tổng giám đốc Thierry Bolloré sẽ nhận trọng trách lãnh đạo tập đoàn xe hơi Pháp sau 14 năm dưới trướng của Carlos Ghosn.
Thanh Phương
Tỉ phú Soros : Tập Cận Bình là kẻ thù nguy hiểm nhất của dân chủ (RFI, 25/01/2019)
Nhà tỉ phú George Soros trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Davos ngày 24/01/2019 đã phê phán Bắc Kinh và ông Tập Cận Bình, đánh giá chủ tịch Trung Quốc là "kẻ thù nguy hiểm nhất" của các xã hội tự do dân chủ. Bắc Kinh hôm nay (25/01) lên tiếng phản bác.
Nhà tỉ phú George Soros tại diễn đàn kinh tế ở Colombo, Sri Lanka, ngày 07/01/2016.LAKRUWAN WANNIARACHCHI / AFP
Trong buổi dạ tiệc thường niên bên lề Diễn đàn Davos, ông Soros tuyên bố : "Trung Quốc không phải là chế độ độc tài duy nhất trên thế giới, nhưng chắc chắn là giàu nhất, mạnh nhất, phát triển nhất về trí tuệ nhân tạo. Điều đó khiến Tập Cận Bình là kẻ thù nguy hiểm nhất cho những ai tin tưởng vào những xã hội tự do".
Tỉ phú George Soros cũng kêu gọi Hoa Kỳ hành động chống lại các tập đoàn công nghệ Trung Quốc như Hoa Vi (Huawei), ZTE. Theo ông, việc để các công ty Hoa lục thống trị thị trường 5G, sẽ là "mối nguy không thể chấp nhận được đối với an ninh thế giới".
Nhà tỉ phú nhấn mạnh : "Năm ngoái, tôi vẫn còn nghĩ rằng Trung Quốc sẽ hội nhập hơn và các định chế thế giới, nhưng thái độ của ông Tập Cận Bình đã làm tôi phải đổi ý".
Năm 2018, ông Soros đã tấn công vào các tập đoàn internet như Facebook mà ông cho là đã "tự bán mình để thu lợi nhuận tối đa". Lần này ông chủ yếu nhắm vào Trung Quốc.
Được chất vấn trong cuộc họp báo hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng tuyên bố của ông Soros là "vô nghĩa". Bà nói : "Trên thế giới ngày nay có thể thấy rõ ai mở ra những cánh cửa, xây dựng đường sá và ai đóng cửa, xây lên những bức tường".
Ông George Soros, tỉ phú Mỹ gốc Hungary, đã tài trợ 2 tỉ đô la cho các quỹ tại 30 nước, đầu tư vào các quốc gia đang phát triển nhằm mở mang kinh tế, nâng cao dân trí, xúc tiến dân chủ.
Thụy My
*******************
Đại sứ Canada : Giám đốc Hoa Vi có hồ sơ vững chắc chống lại dẫn độ (RFI, 24/01/2019)
Đại sứ Canada tại Trung Quốc hôm qua 23/01/2019 cho rằng bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính tập đoàn truyền thông Hoa Vi có hồ sơ vững chắc chống lại việc bị dẫn độ sang Mỹ.
Bà Mạnh Vãn Châu ra khỏi trụ sở tòa án ở Vancouver, Canada, ngày 11/12/2018CTV / AFP
Theo yêu cầu của tư pháp Hoa Kỳ, cảnh sát Canada đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, ngày 01/12/2018, tại Vancouver, với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran. Đương sự được tự do có điều kiện trong khi chờ tư pháp Canada xem xét khả năng dẫn độ. Hạn cuối cùng để tư pháp Mỹ đề nghị dẫn độ là 30/01/2019 và ngày 06/02, bà Mạnh Vãn Châu sẽ được đưa ra trình diện tòa.
Ngày 23/01/20189, đài truyền hình Canada, được AFP trích dẫn, cho biết, ông John McCallum, đại sứ Canada tại Trung Quốc, trong cuộc gặp gỡ báo chí ở ngoại ô Toronto, đã nêu ra ba yếu tố có thể phản bác đề nghị dẫn độ của Mỹ.
Thứ nhất là sự can thiệp của nguyên thủ Hoa Kỳ thông qua các bình luận trên Twitter về hồ sơ này, tạo nghi ngờ về tính chất độc lập của tư pháp Hoa Kỳ. Sau khi bà Mạnh Vãn Châu bị bắt, tổng thống Donald Trump tuyên bố có thể can thiệp để bảo đảm là các cuộc đàm phán về thương mại Mỹ-Trung có thể thành công.
Thứ hai là hồ sơ này có yếu tố "ngoài lãnh thổ", tức là tư pháp Canada không có thẩm quyền bắt giữ, xét xử những hành vi phạm tội xẩy ra ở bên ngoài Canada.
Thứ ba là từ năm 2016, Canada thực thi thỏa thuận về hạt nhân Iran và không áp dụng các trừng phạt của Mỹ đối với Iran, sau khi tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận này.
Do vậy, theo đại sứ John McCallum, bà Mạnh Vãn Châu có hồ sơ vững chắc khi ra trình diện thẩm phán. Tuy nhiên, bộ trưởng Tư Pháp Canada là người có tiếng nói quyết định cuối cùng trong hồ sơ dẫn độ lãnh đạo Hoa Vi.
Phe đối lập Canada chỉ trích gay gắt đại sứ Canada can thiệp vào hoạt động của tư pháp.
Kể từ khi bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ, quan hệ giữa Trung Quốc và Canada trở nên căng thẳng. Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã bắt giữ hai công dân Canada với cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia và kết án tử hình người thứ ba.
Minh Anh
*****************
Hoa Vi : Mỹ xác nhận ý định yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu (RFI, 23/01/2019)
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vào hôm 22/01/2019 cho biết là sắp yêu cầu Canada cho dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi.
Bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi (Huawei) tại tòa án ở Vancouver, Canada, ngày 07/12/2018 Reuters/Jane Wolsak
Tuyên bố của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh ngày 30/01 tới đây là hạn chót để Washington chuyển yêu cầu dẫn độ cho Tư pháp Canada.
Theo Reuters, ông Marc Raimondi, phát ngôn viên bộ Tư pháp Mỹ đã cho biết là Hoa Kỳ "sẽ kiên trì trong yêu cầu dẫn độ bị cáo Mạnh Vãn Châu, và sẽ tôn trọng thời hạn quy định trong hiệp ước dẫn độ Mỹ-Canada".
Theo văn kiện này, Hoa Kỳ phải nộp hồ sơ dẫn độ cho Canada trong thời hạn 60 ngày kể từ khi đương sự bị bắt giữ. Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt ngày 01/12/2018 tại Vancouver.
Lời khẳng định của Mỹ được đưa ra vào lúc quan hệ Canada-Trung Quốc tiếp tục căng thẳng với việc phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đả kích thủ tục cho dẫn độ bà Mạnh qua Mỹ. Bất chấp cơn thịnh nộ từ Bắc Kinh, chính quyền Canada vẫn kiên định lập trường.
Từ Quebec, thông tín viên RFI Pascale Guéricolas giải thích :
"Bên lề các cuộc gặp gỡ nhân Diễn đàn Kinh tế Davos đang diễn ra ở Thụy Sĩ, bà ngoại trưởng Canada đã nhắc lại thỏa thuận giữa chính quyền Mỹ và Canada về việc dẫn độ.
Theo bà, Canada không có chọn lựa nào khác là phải thực thi thỏa thuận, đáp ứng yêu cầu của Washington để bắt giữ nhân vật số hai của Hoa Vi lúc người này quá cảnh Vancouver vào tháng 12 vừa qua.
Theo đại sứ Mỹ tại Canada thì Hoa Kỳ sẽ chính thức yêu cầu cho dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu vào cuối tháng Giêng, theo thời hạn hợp pháp quy định cho những thủ tục này.
Trong khi đó thì nhà cựu ngoại giao Canada Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor vẫn bị giam giữ ở Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh tố cáo họ đe dọa an ninh Trung Quốc.
Theo một số nguồn tin, 2 người này bị thẩm vấn 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày, mà không có sự hiện diện của luật sư. Họ chỉ gặp được đại diện lãnh sự Canada một lần duy nhất trong nửa tiếng đồng hồ từ ngày bị bắt đến nay.
Tình báo Mỹ : Trung Quốc tiến được về công nghệ nhờ đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ
Giới lãnh đạo tình báo Mỹ vào hôm qua, 22/01/2019 cho rằng Trung Quốc đã rút ngắn được giai đoan phát triển công nghệ mới bằng cách ăn cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ, do đó đã có thể thách thức sự thống trị của Hoa Kỳ trong lãnh vực này.
Nhân buổi trình bày Chiến Lược Tình Báo Quốc Gia mới của Mỹ, ông Dan Coats, lãnh đạo ngành tình báo Mỹ đã nêu lên "nhiều mối đe dọa rất khác biệt và phức tạp mà Mỹ chưa bao giờ thấy". Các đe dọa đó đến từ các đối thủ truyền thống của Mỹ như Nga, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Iran, cũng như từ các nhóm khủng bố, và các nhóm khác không do các nhà nước quản lý. Mối lo ngại lớn nhất là nguy cơ những thế lực thù nghịch "hợp sức lại với nhau".
Trong bối cảnh nêu trên, một viên chức cao cấp xin giấu tên tố cáo Trung Quốc là "đã khắc phục được chậm trễ với Mỹ về mặt công nghệ học nhờ vào việc ăn cắp sở hữu trí tuệ Mỹ". Trung Quốc và Nga, theo viên chức này, "đang muốn lập quan hệ đối tác trong lãnh vực trí tuệ nhân tạo và đó là mối lo ngại đối với Mỹ".
******************
Chủ tịch Huawei cảnh báo sẽ thôi luôn 'đối tác toàn cầu' (BBC, 23/01/2019)
Chủ tịch tập đoàn Huawei vừa đưa ra cảnh báo công ty của ông có thể sẽ rút khỏi Mỹ và Anh nếu như còn tiếp tục phải đối mặt với những ngăn cản và ràng buộc.
Chủ tịch Huawei Lương Hoa
Huawei hiện đang bị giám sát bởi rất nhiều chính phủ các nước phương Tây, do lo sợ sản phẩm của hãng có thể bị sử dụng cho mục đích gián điệp.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos, ông Lương Hoa nói rằng Huawei có thể sẽ chuyển giao công nghệ tới những quốc gia "nơi mà chúng tôi được chào đón hơn".
Ông cũng nhấn mạnh rằng Huawei luôn tuân theo các quy định tại những nơi mà hãng hoạt động.
Huawei chuyên sản xuất điện thoại thông minh nhưng cũng là công ty hàng đầu trên thế giới về mảng viễn thông, đặc biệt là mạng điện thoại di động 5G.
Nhưng mối quan tâm về bảo mật công nghệ đang ngày càng tăng lên, đặc biệt là ở Mỹ, Anh, Canada, Úc và Đức.
Lo ngại an ninh
Huawei đã bị cấm đấu thầu một số hợp đồng chính phủ tại Mỹ, nơi mà giới tình báo nghi rằng nhà sáng lập Huawei, Nhậm Chính Phi có mối quan hệ mật thiết với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tháng trước, BT xác nhận các thiết bị của Huawei đã bị loại bỏ khỏi hệ thống liên lạc được phát triển cho các dịch vụ khẩn cấp tại Anh.
Trong khi đó, Đức đang xem xét việc loại hãng này khỏi thế hệ mạng điện thoại di động tiếp theo.
Huawei luôn khẳng định rằng đây là một công ty tư nhân, thuộc sở hữu của nhân viên và không có mối quan hệ nào với chính phủ Trung Quốc
Các giám đốc điều hành hàng đầu của công ty rất hiếm khi trả lời phỏng vấn, nhưng một số nhà báo đã được mời đặt câu hỏi cho ông Lương bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos
Ông Lương nói với họ rằng nếu như công ty tiếp tục phải đối mặt với những trở ngại lớn trong việc kinh doanh tại một vài quốc gia, thì "chúng tôi sẽ chuyển giao công nghệ sang các quốc gia nơi chúng tôi được chào đón và là nơi chúng tôi có thể hợp tác".
Khi mà vẫn chưa biết liệu Huawei có bị rời khỏi Anh quốc hay không, ông Lương nhấn mạnh việc này sẽ phụ thuộc vào người dùng tại Anh xem họ có muốn sử dụng công nghệ của công ty hay không.
Ông cũng cho biết thêm : "Anh quốc là thị trường ủng hộ sự cởi mở và thương mại tự do".
Ba Lan gần đây đã bắt hai người, một công dân Ba Lan, một người Trung Quốc là Vương Vệ Tinh, giám đốc đại diện cho một bộ phận của Huawei ở nước này.
Ông Vương trước đó từng làm việc trong Lãnh sự quán Trung Quốc ở Gdansk, Ba Lan.
Xung đột Canada-Trung Quốc
Huawei đã vượt mặt Apple, trở thành thiết bị cầm tay được buôn bán nhiều nhất trên thế giới
Hồi tháng 12/2018, Mạnh Vãn Chu, con gái nhà sáng lập Huawei, đã bị bắt ở Canada và đối mặt với việc dẫn độ về Hoa Kỳ vì những cáo buộc công ty đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Canada tuần này nói họ sẽ cho dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ.
Ông Lương Hoa nay kêu gọi có một sự "kết luận nhanh" đối với trường hợp của bà Mạnh để bà có thể lấy lại "tự do cá nhân".
Ông cũng nhắc lại tuyên bố của công ty rằng việc bắt giữ hai công dân Canada ở Trung Quốc, được nhiều người coi là sự trả thù cho việc bắt giữ bà Mạnh, "không liên quan gì đến Huawei".
Tin hôm 22/01 nói có hơn một trăm nhà ngoại giao, học giả và các nhà hoạt động đã viết một là thư ngỏ gửi tới Chủ tịch Tập Cận Bình để kêu gọi trả tự do cho hai người Canada đang bị bắt giữ tại Trung Quốc.
Michael Kovrig and Michael Spavor đã bị bắt vào cuối năm ngoái, trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa Ottawa và Bắc Kinh sau khi nhà điều hành Huawei, bà Mạch Vãn Chu bị bắt giữ tại Vancouver vào ngày 1/12.
Chữ ký trong lá thư ngỏ bao gồm bốn cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc và hai cựu đại sứ Mỹ bao gồm Gary Locke, người Mỹ gốc hoa đầu tiên giữ chức này, và một loại các nhà ngoại giao khác từ Bắc Mỹ và Châu Âu.