Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/09/2020

Điểm báo Pháp - Mỹ muốn quốc tế hóa vụ Hoa Vi

RFI tiếng Việt

Mỹ muốn quốc tế hóa mối đe dọa từ Hoa Vi

Trong các báo Pháp ra hôm nay, nhật báo kinh tế Les Echos tiếp tục chú ý đến quan hệ Mỹ - Trung nhưng trên một góc độ rộng hơn nhìn từ vụ Hoa Vi.

hoavi1

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và phía sau là logo của tập đoàn tin học Trung Quốc Hoa Vi, trong cuộc họp báo tại bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Washington DC, ngày 15/07/2020.  AFP

Trong bài phân tích có tựa đề "Hoa Vi : Tại sao Hoa Kỳ đã đi quá xa" tác giả Dani Rodrik, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế của trường John F. Kennedy School of Government thuộc Đại học Harvard, cho thấy, dù việc bảo vệ lợi ích của mình là chính đáng, nhất là trong lĩnh vực an ninh quốc gia, nhưng trong vụ Hoa Vi, người Mỹ đã lạm dụng áp đặt các chuẩn mực của mình đối với toàn thể các nước khác.

Tác giả nhận định : "Chế độ thương mại quốc tế hiện nay, được điều chỉnh bởi những luật lệ của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và các thỏa thuận khác, không còn phù hợp nữa. Đó là các quy định được xây dựng chủ yếu cho một thế giới xe hơi, sắt thép, hàng dệt may chứ không phải cho một thế giới của dữ liệu thông tin, phần mềm và trí thông minh nhân tạo. Các quy định cũ không đủ để đối mặt với những thách thức mới của thời đại công nghệ".

Tác giả nêu ra 3 thách thức chính : Thứ nhất về địa chính trị và an ninh quốc gia. Công nghệ số ngày nay cho phép các cường quốc xâm nhập mạng lưới công nghiệp, làm gián điệp mạng, thao túng truyền thông xã hội. Chính phủ Mỹ nhắm vào Hoa Vi vì sợ mối liên hệ của doanh nghiệp này với chính phủ Trung Quốc sẽ làm cho các thiết bị viễn thông của họ trở thành mối đe dọa an ninh. Thách thức thứ hai là về bảo vệ các dữ liệu cá nhân. Thứ ba là khía cạnh kinh tế. Các công nghệ mới tạo ưu thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp lớn chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Thêm vào đó một số chính sách của các chính phủ lại tạo cho các công ty những ưu đãi. Chẳng hạn như chủ trương giám sát dân của chế độ Bắc Kinh đã giúp cho các công ty Trung Quốc thu thập một khối lượng dữ liệu khổng lồ. Việc này giúp họ có nhiều thuận lợi trong chinh phục thị trường thế giới về công nghệ nhận diện.

Trong bối cảnh đó, chính phủ Mỹ đã ngăn chặn Hoa Vi thôn tính các công ty Mỹ, hạn chế các hoạt động của công ty này tại Hoa Kỳ, truy cứu pháp lý đối với lãnh đạo cao cấp của Hoa Vi, gây áp lực với chính phủ nước ngoài để họ không hợp tác với công ty Trung Quốc. Gần đây chính quyền Mỹ cấm các công ty Mỹ bán linh kiện cho chuỗi cung ứng của Hoa Vi trên toàn thế giới.

Tác giả cho rằng dù hiện "có ít bằng chứng cho thấy Hoa Vi làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ không làm trong tương lai".

Giáo sư Dani Rodrik khẳng định Mỹ có lý do an ninh quốc gia để cấm Hoa Vi, nhưng lệnh cấm của Mỹ gây tác hại kinh tế đến các nước khác. Bài viết khẳng định : "Hoa Kỳ có quyền tự do đóng cửa thị trường của mình với Hoa Vi, nhưng nỗ lực của họ nhằm quốc tế hóa các áp lực trong nước mình là không chính đáng. Vụ Hoa Vi là dấu hiệu báo trước một thế giới mà ở đó an ninh quốc gia, tôn trọng đời tư và các vấn đề kinh tế tác động lẫn nhau một cách phức tạp. Điều tốt nhất mà chúng ta mong đợi là chắp vá những quy định, dựa trên các luật lệ cơ sở rõ ràng giúp các nước vẫn theo đuổi lợi ích quốc gia căn bản mà không phải xuất khẩu vấn đề của mình sang nước khác".

Cuba chống virus corona bằng bàn tay sắt

Về chủ đề dịch Covid-19, Le Figaro có bài phóng sự đáng chú ý về cách phòng chống dịch của Cuba, hòn đảo Cộng Sản nằm sát cạnh nước Mỹ, đang là tâm dịch thế giới.

Bài phóng sự mang tựa đề "Cuba thời virus corona" cho thấy chế độ xã hội chủ nghĩa Cuba đã huy động quân đội, cảnh sát cùng hợp lực với các nhân viên y tế để chống dịch thế nào. Đó là các biện pháp cứng rắn, bắt buộc toàn dân đeo khẩu trang, theo dõi chặt chẽ du khách nước ngoài. Thế nên, từ đầu mùa xuân đến nay, cuộc chiến chống dịch của Cuba đã thu được thành công rõ rệt.

Bài báo cho biết, ngay từ đầu đại dịch, chính quyền Cuba đã tuyên truyền cho dân chúng nhất quán về nguyên nhân khủng hoảng dịch này. Virus Corona không phải đến từ Trung Quốc mà là từ các du khách nước ngoài đến thăm hòn đảo. Người ta quên rằng mỗi năm có tới 600 nghìn người Cuba tới Panama, Haiti hay Guyana để mua hàng về bán lại trong nước. Người nước ngoài làm lây truyền Covid trên hòn đảo đã in sâu vào ý nghĩ người Cuba. Một cựu binh từng chiến đấu ở Angola còn quả quyết với phóng viên của Le Figaro rằng "virus đến từ Hoa Kỳ".

Về cách quản lý khủng hoảng dịch, theo tác giả, từ 6 tháng nay, Cuba dựa vào Lực lượng vũ trang Cách mạng để kiểm soát dịch. Binh sĩ quân đội, cảnh sát được huy động tổng lực.

Quân đội tham gia tẩy trùng đường phố. Cảnh sát theo dõi giãn cách xã hội, đeo khẩu trang. Từ giữa tháng Tư chính quyền thủ đô La Habana đã cho ngừng hoạt động giao thông công cộng, ban hành giới nghiêm. Đeo khẩu trang là bắt buộc ở khắp nơi, từ trong không gian khép kín đến ngoài khu công cộng, thậm chí cả trong những chiếc xe Lada cũ rích.

Cảnh sát có mặt ở khắp nơi để buộc người dân tôn trọng quy định, nếu không sẽ bị phạt với mức tiền tương đương với nhiều tháng lương trung bình. Ngay từ tháng 3, chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đã đeo khẩu trang đọc diễn văn trên truyền hình, cũng như các phát thanh viên người dẫn chương trình truyền hình.

Các nhân viên y tế được huy động tổng lực hàng ngày đến các khu phố để truy tìm các ca nghi nhiễm. Sau khi đạt không còn ca nhiễm hồi giữa tháng 7, các biện pháp hạn chế được nới lỏng ở La Habana, nhưng đến tháng 8 Covid-19 trở lại thủ đô và thế là thành phố lại bị giới nghiêm cho đến 30/09/ Tất cả các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm đều được đưa thẳng đi cách ly tập trung.

Bài phóng sự cho biết, do kinh tế kiệt quệ, hệ thống hạ tầng cơ sở y tế bị xuống cấp, tình trạng quá tải đã xảy ra ngay từ khi số ca nhiễm chưa phải là nhiều. Tuy nhiên chính quyền vẫn tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ của hòn đảo khá hùng hậu, vốn vẫn là lực lượng lao động xuất khẩu chủ yếu của Cuba trong nhiều năm qua.

Bài phóng sự cho biết, về kinh tế, Cuba trong tình trạng thảm họa, nhưng tình hình y tế lại khá hài lòng. Cuba ghi nhận 4.700 ca nhiễm và 108 trường hợp tử vong. Hòn đảo hy vọng chế được riêng cho mình vac-xin phòng virus corona mang tên Soberana 1 mà kết quả thử nghiệm lâm sàng sẽ được công bố vào tháng 2 năm tới.

Pháp chấp nhận sống chung với Covid

Vẫn liên quan đến Covid 19, nhưng tại Pháp, nơi tình trạng lây lan của virus đang trở lại đáng báo động trong nhiều ngày qua, với mỗi ngày lên tới trên dưới 10 nghìn ca nhiễm. Trước nguy cơ làn sóng Covid-19 thứ 2 đang đến gần, chính phủ Pháp đã thay đổi cách phòng chống dịch một cách căn bản.

Chủ đề được Le Monde chạy tựa trên trang nhất : "Covid 19 : Tại sao Macron thay đổi chiến lược". Le Monde cho biết sau cuộc họp kín của Hội đồng Quốc phòng y tế hôm 11/09 chính phủ Pháp đã có thay đổi lớn trong cách quản lý dịch virus corona. Để đối phó với làn sóng dịch quay trở lại, tổng thống Pháp từ chối đưa ra những biện pháp ràng buộc hạn chế như Hội đồng Khoa học đã khuyến cáo, trong đó có khả năng phải trở lại phong tỏa dân cư, đóng cửa một số hoạt động kinh tế. Ông Emmanuel Macron cũng dập tắt ngay các đề xuất của bộ trưởng Y tế manh nha định cho đóng cửa các quán bar nhà hàng ở hai thành phố lớn Marseille và Bordeaux, hai điểm nóng virus lây lan hiện nay của Pháp. Chiến lược của chính phủ giờ đây là "sống cùng virus", trao quyền cho từng địa phương quyết định tùy theo tình hình thay vì phải phong tỏa toàn quốc trở lại.

Le Monde ghi nhận, sự quay ngoắt trong sách lược phòng chống dịch này gây khó hiểu trong dư luận và không ít người trong giới chính trị. Theo Le Monde, ngoài áp lực về kinh tế, sự lựa chọn của ông Macron chứa đựng lo lắng đông đảo người dân Pháp sẽ không chấp nhận lại bị đảo lộn cuộc sống vì các biện pháp phòng dịch hà khắc, làm bùng lên làn sóng chống đối chính phủ trong xã hội. Cũng cần biết thêm, theo các cuộc thăm dò dự luận gần đây, 62% dân Pháp không tin vào chính phủ trong cuộc chiến chống dịch.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 589 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)