Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

13/08/2019

Hệ OS riêng cho smartphone : Hoa Vi đối phó với khả năng bị Mỹ cô lập

RFI tiếng Việt

Ngày 19/08/2019 tới là hết thời gian mà tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận kéo dài cho một số công ty Mỹ có quan hệ làm ăn với tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi (Huawei). Theo các nhà quan sát, sau thời điểm đó tương lai hoàn toàn bất định. Các bạn hàng truyền thống của Hoa Vi như Google, Microsoft có thể sẽ buộc phải cắt đứt với công ty Trung Quốc, bị cáo buộc làm gián điệp cho chế độ Bắc Kinh.

hd1

Giám đốc điều hành Hoa Vi Richard Yu thông báo về dự án HarmonyOS, Quảng Đông, ngày 9/8/2019 - Huanqiu.com via Reuters

Tập đoàn số một của Trung Quốc sẽ đối phó ra sao ? Chế tạo hệ điều hành độc lập Harmony cho điện thoại di động được coi là một vũ khí hàng đầu mà Hoa Vi dự phòng trong cuộc chiến công nghệ sống còn.

Không khí ra sao tại đại bản doanh của Hoa Vi ?

Trước mắt, cho dù chưa đầy một tuần nữa là đến hạn chót của tổng thống Mỹ, Hoa Vi vẫn tỏ ra bình thản. Tập đoàn ra thông báo trấn an khách hàng, là sau ngày 19/08 sẽ không có thay đổi nào. Đối với toàn bộ điện thoại di động, điện thoại bảng và máy tính của Hoa Vi đã bán và những phương tiện đang có trên thị trường, việc cập nhật các dịch vụ an toàn mạng, cũng như các ứng dụng của Android và Microsoft vẫn sẽ tiếp tục, dù quyết định của tổng thống Mỹ ra sao. Tuy nhiên, vấn đề là, nếu tổng thống Trump quyết định xuống tay, tức kịch bản tồi tệ nhất, thì các sản phẩm mới của Hoa Vi sẽ không còn có quyền sử dụng hệ điều hành Android do Google chế tạo, hệ điều hành số một thế giới cho điện thoại di động.

Hãng tin Mỹ Bloomberg hôm 12/08 cho biết có trong tay một thông báo nội bộ mới đây của nhà sáng lập Hoa Vi Nhậm Chánh Phi (Ren Zhengfei), gửi đến các nhân viên của tập đoàn này. Trong đó, ông Nhậm trình bày chiến lược 5 năm tới của Hoa Vi, đồng thời khẳng định chắc chắn sẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến này. Để thực hiện mục tiêu nói trên, Nhậm Chánh Phi tuyên bố sẽ phải cải tổ triệt để, lập ra một "đội ngũ vững vàng bất khả chiến bại".

Người sáng lập Hoa Vi cũng báo trước với bộ phận khách hàng của tập đoàn là cuộc chiến hứa hẹn sẽ "kéo dài và gian khó". Năm 2019 này, doanh số của Hoa Vi trên thị trường quốc tế dự kiến sẽ sụt giảm 40%, tương đương ít nhất với khoảng 30 tỉ đô la thua lỗ. Nhậm Chánh Phi động viên tinh thần nhân viên với hứa hẹn tình hình sẽ tươi sáng trở lại vào năm 2021. Hoa Vi sẽ hoàn toàn không phụ thuộc vào các công nghệ của Hoa Kỳ, đặc biệt vào hệ điều hành Android do Google sản xuất.

Hôm 09/08/2019, trong một diễn đàn doanh nghiệp công nghệ tin học, tập đoàn Hoa Vi thông báo đang phát triển một hệ điều hành hoàn toàn tự sản xuất để thay thế Android, với tên gọi Harmony OS, tiếng Hoa là Hong Meng (Hồng Mông hay Hỗn Mang). Tập đoàn Trung Quốc nhiều lần trì hoãn việc thông báo rầm rộ kế hoạch thay thế Android, với hy vọng tránh chọc giận Washington, nhằm tiếp tục duy trì quan hệ làm ăn hai bên cùng có lợi với Google.

Một số nhà quan sát chú ý đến sự tương phản đầy kịch tính giữa cái tên hệ điều hành của Hoa Vi bằng tiếng Anh "Harmony" (hay Hài hòa) với cái tên tiếng Hoa là "Hồng Mông (có nghĩa là "Hỗn Mang"), hay thời điểm vũ trụ sinh thành, tạo thiên lập địa theo huyền thoại Trung Hoa cổ. Một cái tên gọi đầy ẩn ý để nói về vị trí của hệ điều hành OS của Hoa Vi trong cuộc chơi thương mại – ngoại giao Mỹ - Trung đang ngày càng biến hóa, khó lường.

Tự sản xuất hệ điều hành riêng có ý nghĩa thế nào với tập đoàn Trung Quốc ?

Hệ điều hành (OS / Operating Systems) là các chương trình chạy trên máy tính hay các thiết bị di động như điện thoại cầm tay, dùng để điều hành, quản lý các thiết bị phần cứng và các tài nguyên phần mềm trên máy tính, hay các thiết bị di động. Hệ điều hành được coi là đầu não của toàn bộ vũ trụ kĩ thuật số di động, cho phép nối kết giữa các năng lực kỹ thuật của máy (như bộ nhớ, bộ vi xử lý, phần ngoại vi…) với các phần mềm hay các ứng dụng. Nói cách khác, không có hệ điều hành, vũ trụ kỹ thuật số này không thể vận hành.

Hiện tại, thị trường hệ điều hành toàn cầu cho smartphone do hai tập đoàn Mỹ, Google và Apple, thống trị. Apple là nhà sản xuất hệ điều hành iOS, được trang bị riêng cho các điện thoại iPhone của công ty này. Google sản xuất hệ điều hành Android, bán cho gần như toàn bộ các đối thủ của Apple, trong đó có Hoa Vi.

Chế tạo được một hệ điều hành riêng là điều hoàn toàn không đơn giản. Trong quá khứ, chỉ mới có rất ít công ty mạo hiểm lao vào chế tạo hệ điều hành riêng. Hãng Black Berry ngay từ những năm 1999 đã thử nghiệm trên các điện thoại di động của hãng, với lúc mặt hàng này bắt đầu phát triển. Về phần mình, Microsoft bắt đầu cuộc phiêu lưu vào năm 2010. Tuy nhiên, hai công ty đều phải chấm dứt tham vọng chế tạo hệ điều hành riêng cách nay hai, ba năm. Vào cuộc quá chậm là một trong những nguyên nhân chính khiến các nỗ lực nói trên thất bại. Tập đoàn điện thoại di động hàng đầu thế giới Samsung đã từng toan tính, nhưng chưa bao giờ dám thực sự dấn thân.

Trong trường hợp Hoa Vi, đây là một thử thách một sống một còn. Điện thoại smartphone chiếm khoảng một nửa trong doanh thu hơn 100 tỉ đô la của Hoa Vi, và là mặt hàng tăng trưởng rất mạnh trong bốn năm gần đây (với tổng tăng trưởng 45%). Khoảng một nửa doanh thu của tập đoàn Hoa Vi hiện nay là trên thị trường quốc tế. Nếu bị Mỹ cô lập, Hoa Vi hoặc sẽ hạ vũ khí, hoặc buộc phải thành công trong cuộc phiêu lưu chế tạo hệ điều hành riêng.

Tập đoàn Trung Quốc có lợi thế trong cuộc chạy đua ?

Tập đoàn Trung Quốc có nhiều lợi thế trên "mặt trận" mới này. Lợi thế trước hết là Hoa Vi có thể dựa vào thị trường rộng lớn trong nước với hơn 800 triệu người sử dụng điện thoại di động smartphone, vốn đã có một hệ thống các ứng dụng riêng như WeChat, Alipay... Bối cảnh hiện nay cũng được nhiều nhà quan sát cho là thuận lợi cho Trung Quốc, khi tinh thần dân tộc của dân chúng có thể dễ dàng bị kích thích bởi những căng thẳng gia tăng với Hoa Kỳ, về thương mại cũng như trong một số lĩnh vực khác. Khách hàng có thể ưu tiên mua điện thoại do các tập đoàn trong nước như Hoa Vi sản xuất.

Về phía các thị trường nước ngoài khác, Ấn Độ, Indonesia hay Châu Phi, là các thị trường mới nổi, nơi điện thoại smartphone bắt đầu có xu hướng tràn đến, người sử dụng vẫn còn chưa quen hẳn với một hệ điều hành nào, do vậy không loại trừ đầu thủ mới nổi Hoa Vi có cơ hội chinh phục thị trường.

Theo chuyên gia kỹ thuật số Joel Plat, trả lời phỏng vấn BFM TV, một điểm đáng chú ý là Hoa Vi dự kiến sẽ đầu tư khoảng 1 tỉ đô la hàng năm cho việc chế tạo hệ điều hành OS cho điện thoại cầm tay, đầu tư như vậy là đáng kể, nếu diễn ra trong dài hạn, thì có thể sánh với đầu tư của Apple trước đây.

Tuy nhiên, trước mắt muốn thành công trên thị trường quốc tế, Hoa Vi phải vượt qua một thách thức khổng lồ : thuyết phục được các nhà xây dựng phần mềm thích ứng các ứng dụng của họ với hệ điều hành tương lai Harmony OS. Với những người quen xài Android, điều này hoàn toàn không dễ. Trước đây tập đoàn khổng lồ Microsoft cũng từng đại bại với dự án hệ điều hành riêng Windows Phone.

Việc Hoa Vi phát triển hệ điều hành riêng có đe dọa Mỹ ?

Theo AFP, nếu tập đoàn Trung Quốc tự sản xuất được hệ điều hành thì đây sẽ là một tai họa cho Google, tập đoàn này có thể là một trong các nạn nhân chủ yếu của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Và cùng với Hoa Vi là nhiều công ty Trung Quốc, đang nắm giữ các thị phần quan trọng điện thoại di động như Xiaomi, OPPO hay Vivo. Toàn bộ các công ty Trung Quốc hiện chiếm khoảng 42% thị trường smartphone thế giới, và hơn 55% đối với smartphone sử dụng hệ điều hành Android của Google.

Và cuộc chiến này sẽ không chỉ dừng ở điện thoại di động, Hoa Vi cũng muốn phát triển hệ điều hành riêng cho cả hệ thống các đồ vật kết nối. Tuy nhiên, theo một chuyên gia văn phòng tư vấn Bearing Point, việc phá vỡ thế độc quyền của Google chưa hẳn đã là dở đối với nhiều doanh nghiệp.

Trước mắt, tập đoàn Trung Quốc luôn khẳng định là buộc phải tìm cách thay thế hệ điều hành Android truyền thống bằng một hệ tự chế, là do các trừng phạt của Mỹ.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 494 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)