Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

15/08/2019

Điểm báo Pháp - Hồng Kông : Đàn áp hay không đàn áp

RFI tiếng Việt

Hồng Kông : Đàn áp hay không đàn áp, câu hỏi khó cho Bắc Kinh

Một sự can thiệp theo kiểu Thiên An Môn 1989 sẽ là hồi kết cho nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ", với những hậu quả khó lường. Nhưng với sự thiếu vắng một "kế hoạch B", chính quyền Trung Quốc hiện nay dường như buộc lòng phải chờ đợi cho phong trào suy giảm dần đi.

danap1

Cảnh sát bắn hơi cay vào người biểu tình tại Thâm Thủy Bộ (Sham Shui Po), Hồng Kông ngày 14/08/2019. Reuters/Thomas Peter

Tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris, ngành sản xuất thịt thích ứng với xu hướng tiêu dùng, tranh luận về công nghệ nhận diện khuôn mặt, đó là những đề tài chiếm trang nhất các nhật báo Pháp hôm nay. Về thời sự quốc tế, tình hình Hồng Kông và Nga, cái chết của nhà tỉ phú Mỹ, giá dầu thế giới tiếp tục được quan tâm.

"Be water"

"Tại Hồng Kông, Bắc Kinh chừng như đành phải tạm thời chờ cho phong trào phản kháng lắng dần", đó là nhận xét của thông tín viên Le Monde. Kể từ cuộc tuần hành ôn hòa một triệu người hôm 9/6, rồi hai triệu người ngày 16/6, Hồng Kông lao vào một cuộc khủng hoảng chính trị vô tiền khoáng hậu, mà hiện nay chưa ai thấy ra được một lối thoát.

Người biểu tình nay chuyển sang phương pháp được Lý Tiểu Long (Bruce Lee) cổ vũ ở một trong những bộ phim của ngôi sao này : "Be water" (Hãy linh hoạt như nước). Những hành động bất tuân dân sự nhẹ nhàng lúc ban đầu (như chận cửa để làm trễ giờ các chuyến tàu điện ngầm), đã nhường chỗ cho các vụ tấn công có mục tiêu (như phong tỏa một đường hầm là giao điểm chính).

Những cuộc tập kích của các nhóm nhỏ tại nhiều địa điểm khác nhau có được sự ủng hộ của một phần lớn cư dân, liên quan đến điều kiện sống chật vật và các quyền tự do bị siết lại, cũng như Nhà nước pháp quyền mà người dân Hồng Kông vốn coi trọng.

Đấu tranh nhân dân : Người bị bắt từ 14 đến 76 tuổi !

Một đặc trưng khác của phong trào là sự chiết trung. Các cuộc biểu tình dần dần lan rộng, vượt qua khỏi đảo Hồng Kông đến tận các thành phố biên giới với Trung Quốc, và huy động được nhiều thành phần ngoài hạt nhân chính là giới trẻ. Tuổi của những người bị cảnh sát bắt là từ 14 đến 76, như vậy bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga có quá vội vã khi nói rằng phong trào phản kháng chỉ là "một nhóm người cực đoan bạo động" ?

Bắc Kinh rõ ràng là bối rối, ban đầu để cho bà Lâm giơ đầu chịu báng, và bà này giao lại việc xử lý khủng hoảng cho cảnh sát Hồng Kông, vốn không có kinh nghiệm gì về những sự kiện tương tự.

Kể từ khi đàn áp quá mức vụ biểu tình trước Nghị Viện hôm 12/6, cảnh sát đã trở thành mục tiêu mới của người biểu tình. Họ đòi hỏi điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát, nhưng chính quyền cho rằng chỉ cần điều tra nội bộ.

"Mắt đi mắt"

Hoàn toàn vắng bóng trong cuộc biểu tình hai triệu người hôm 16/6, cảnh sát cũng không hành động gì lúc tổng hành dinh bị bao vây hôm 20/6, và vụ đột nhập Nghị Viện hôm 1/7. Nhưng từ đó đến nay cảnh sát lại thẳng tay đàn áp, vội vã bắn hơi cay và bắt giữ rất nhiều người. Phe "xã hội đen" Hồng Kông bắt đầu tham gia tấn công người biểu tình từ tối 21/7 tại trạm métro Nguyên Lãng (Yuen Long), chúng dùng gậy sắt quất tàn bạo vào bất kỳ ai. Các vụ đối đầu đã trở thành thường xuyên, nhưng, sẽ còn kéo dài bao nhiêu tuần, bao nhiêu tháng nữa ?

Le Figarotrong bài "Leo thang bạo lực tại Hồng Kông" cho biết cuối tuần qua có 40 người phải nhập viện, trong đó có một cô gái bị trúng đạn cao su, mất đi một mắt. "Mắt đối mắt", người biểu tình hôm qua hô vang trên đường đến sân bay. Cảnh sát bây giờ không ngần ngại bắn đạn cao su ở cự ly rất gần, dùng dùi cui đánh đến đổ máu dù người biểu tình đang bỏ chạy, chận bắt một cách thô bạo, và lần đầu tiên bắn hơi cay vào không gian khép kín là một trạm métro.

Le Monde nhận xét, phong trào phản kháng nay nhắm vào ba mục tiêu : cảnh sát, chính quyền Hồng Kông, chính quyền trung ương Bắc Kinh. Khẩu hiệu mới trong các cuộc biểu tình là "Trả lại tự do cho Hồng Kông, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta", cùng với một số vụ đụng độ với phe thân Bắc Kinh và quăng cờ Trung Quốc xuống biển, bị coi là bằng chứng "ly khai".

Thiếu một kế hoạch B, Bắc Kinh lúng túng

Một cảnh sát bị phỏng nhẹ do bom xăng hôm Chủ nhật, khiến Dương Quang (Yang Guang), phát ngôn viên cơ quan phụ trách về Hồng Kông tuyên bố đó là "một tội phạm nghiêm trọng, cho thấy những dấu hiệu đầu tiên của khủng bố".

Nhưng theo Le Figaro, định nghĩa "khủng bố" của Bắc Kinh rộng một cách kỳ lạ. Tháng trước, nhà đấu tranh chống tham nhũng Trương Bảo Thành (Zhang Baocheng) bị bắt với cáo buộc "cổ vũ khủng bố", chỉ vì ông đòi hỏi minh bạch về thu nhập của các thành viên chính phủ. "Đấu tranh chống khủng bố" cũng là cái cớ để tống giam một triệu người Duy Ngô Nhĩ vào các trại cải tạo. Nhiều chuyên gia trong đó có nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan tố cáo, có khoảng 2.000 công an từ Hoa lục trà trộn vào 30.000 cảnh sát Hồng Kông.

Trần Hạo Thiên (Andy Chan Ho Tin), người sáng lập đảng HKNP đòi độc lập cho Hồng Kông tuyên bố : "Dù Trung Quốc phản ứng như thế nào đi nữa, Bắc Kinh đã mất Hồng Kông vĩnh viễn". Ông Trần hiện nay đã bị bắt, đảng của ông bị cấm hoạt động. Le Figaro cho rằng để che giấu sự bối rối, Trung Quốc khi thì tố cáo "bàn tay đen đúa" của một nhà ngoại giao Mỹ ở Hồng Kông, khi lại cáo buộc công ty Cathay Pacific "đổ dầu vào lửa" khi để cho các nhân viên được đình công.

Bắc Kinh ngày càng lớn tiếng đe dọa, nhất là khi công bố các video tập trận chống biểu tình. Le Monde kết luận, một sự can thiệp theo kiểu Thiên An Môn 1989 sẽ là hồi kết cho nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ", với những hậu quả khó lường. Nhưng với sự thiếu vắng một "kế hoạch B", chính quyền Trung Quốc hiện nay dường như buộc lòng phải chờ đợi cho phong trào suy giảm dần đi.

Nga : Chính quyền càng cứng rắn, đối lập càng cực đoan

Nhìn sang một phong trào phản kháng khác nhưng ở nước Nga, chuyên gia Andrei Kolesnikov của Trung tâm Carnegie ở Moskva nhận định trên Les Echos "Trước sự không khoan nhượng của chính quyền, đối lập có nguy cơ trở nên cực đoan hơn".

Với trên 50.000 người xuống đường vào Chủ nhật tuần rồi, đây là một ngạc nhiên cho chính quyền Nga. Có những khuôn mặt trẻ mới xuất hiện, nhưng đây cũng chính là xã hội dân sự trong phong trào phản kháng 2011-2012, gồm đủ mọi lứa tuổi và thành phần, từ doanh nhân cho đến nhân viên các công ty vừa và nhỏ.

Cho đến nay, càng bị siết thì phe phản kháng lại càng quyết tâm hơn. Chính quyền không thể hiểu được vì sao đã bắt hết các nhà lãnh đạo đối lập nhưng vẫn không thể ngăn được phong trào lan rộng. Các nhân vật ôn hòa trong chính quyền Moskva có vẻ kín tiếng, còn đô trưởng đương nhiệm Serguei Sobyanine, một người thân cận của tổng thống Putin thì có chủ trương cứng rắn.

Chính ông ta đã tổ chức các buổi trình diễn văn nghệ và lễ hội nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của người dân. Nhưng các cuộc biểu tình đông đảo người tham gia đã chứng minh chiến thuật của ông Sobyanine phần nào đã thất bại. Tòa đô chính Moskva được lãnh đạo bởi một giàn kỹ trị, tập trung cho việc hiện đại hóa thủ đô. Tuy nhiên những người biểu tình đã nhắc nhở họ rằng không có hiện đại hóa nếu không có dân chủ.

Công nghệ nhận diện : Bạn hay thù ?

Về một tiến bộ khoa học có nguy cơ bị lạm dụng cho việc đàn áp, La Croix chạy tựa "Công nghệ nhận diện, sự khẩn cấp của việc tranh luận". Các cuộc thử nghiệm công nghệ mới này đang diễn ra ngày càng nhiều tại Pháp, nhưng ở California, có những thành phố cẩm sử dụng ở nơi công cộng.

La Croix mô tả, trong đám đông, những tia sáng laser màu xanh lá cây chiếu về phía cảnh sát. Những người biểu tình mang khẩu trang che mặt, đầu đội nón bảo hộ lao động, và che dù. Đó là những trang bị không thể thiếu của người biểu tình Hồng Kông để chống lại công nghệ nhận diện của Bắc Kinh. Những hình ảnh đáng kinh ngạc, không phải trong truyện khoa học viễn tưởng, mà chính là những gì đang diễn ra từ hai tháng qua : ở cựu thuộc địa Anh cũng như những địa phương khác của Trung Quốc, nhà cầm quyền thường xuyên sử dụng công nghệ nhận diện để nhận ra những người biểu tình.

Cho đến nay, công nghệ mới này được ủng hộ với lý do đơn giản là đem lại nhiều lợi lộc, và con người thường thích thú với cái mới. Công nghệ nhận diện giúp nhanh chóng nhận ra các tên tội phạm trong đám đông, tuy nhiên lại xâm phạm nặng nề đến cuộc sống riêng tư, và mang lại cho các chế độ độc tài một công cụ hiệu quả để đàn áp. Theo tờ báo, bây giờ là lúc cần xem xét lại.

Phục dựng di sản quý giá Nhà thờ Đức Bà Paris

Trên lãnh vực văn hóa, Libération chơi chữ ở trang nhất "Những người làm việc cật lực ở Nhà thờ Đức Bà". Tờ báo dùng chữ "bosseur", có thể hiểu là "Bossu -Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà", nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng của Victor Hugo.

Trong bài xã luận mang tên "Kho tàng", tờ báo cánh tả nhấn mạnh giá trị của các di sản không chỉ trên khía cạnh tôn giáo. Không chỉ là một thánh đường bị bốc cháy hôm 15/4, mà còn là cả một quá khứ, đại diện cho nghệ thuật xây dựng và trang trí tuyệt hảo của người xưa. Việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris được phối hợp hài hòa giữa các nghệ nhân có tay nghề cao, và công nghệ hiện đại. Trong một thế giới mà cội rễ có nguy cơ đang dần bị quên lãng, hơn bao giờ hết, việc trùng tu di sản này là một thách thức.

Về việc dựng lại hình ảnh 3 chiều của Nhà thờ Đức Bà Paris, ba ngày sau vụ cháy, một ê-kíp của công ty Art Graphique & Patrimoine (AGP) chuyên dựng ma-két kỹ thuật số của các công trình lịch sử, đã đến nơi và gắng sức chạy đua với thời gian. AGP mua ngay sáu siêu máy tính trị giá nhiều trăm triệu euro để chuyển hàng tỉ điểm đo đạc thành hình ảnh. May mắn là một nhà nghiên cứu Mỹ, Andrew Tallon từ năm 2010 đã lưu được khoảng 1 tỉ điểm. Một bất ngờ nữa Nhà thờ Đức Bà đóng vai chính trong trò chơi Assassin’s Creed Unity của nhà sản xuất video game Ubisoft, ngay sau vụ hỏa hoạn công ty đã cho tải về miễn phí.

Người cao niên phạm pháp

Về mặt xã hội tại Pháp, Le Figaro có bài phóng sự "Khi người cao niên vi phạm pháp luật". Tuy hiếm khi được nêu ra và được đánh giá chưa đúng mức, nhưng tội phạm do những người 60 tuổi trở lên là một thực trạng. Trong năm 2018, có trên 17.000 người cao tuổi đã phạm pháp.

Tờ báo kể ra một thí dụ, tháng Năm vừa rồi, một bà cụ trên 100 tuổi được cho là đã sát hại người láng giềng 92 tuổi tại một nhà dưỡng lão, đã bị đưa vào bệnh viện tâm thần. Hồi năm 2014, Marcel Guillot, một ông cụ 93 tuổi đã bị kết án 10 năm tù vì giết chết một bà cụ trên 80 do từ chối những lời tán tỉnh của ông… Trên thực tế, các vụ giết người, cướp của, trộm cắp, lừa đảo… do người cao tuổi thực hiện không ít, nhưng các bản án dành cho họ thường nhẹ nhàng hơn, và các con số thống kê thường không nói lên hết tầm vóc của hiện tượng.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 544 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)