Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

14/08/2019

Bắc Kinh chưa tìm ra cách đối phó với sự chống đối của dân Hồng Kông

Tổng hợp

Hồng Kông : Tổng thống Mỹ bị chỉ trích "dễ dãi" với Trung Quốc (RFI, 14/08/2019)

Vào lúc Bắc Kinh hù dọa Hồng Kông, tổng thống Mỹ xác nhận và Trung Quốc đang chuyển quân đến biên giới đặc khu hành chánh. Tuy nhiên, thái độ có vẽ "dễ dãi" của Donald Trump với chính quyền Tập Cận Bình bị chỉ chính giới và công luận Mỹ lên án.

backinh1

Cảnh sát đi tuần tại phi trường Hồng Kông ngày 14/08/2019, sau những vụ xô xát với người biểu tình hôm trước. Reuters/Thomas Peter

Hình ảnh xe tăng Trung Quốc đang ồ ạt kéo về bố trí tại Thẩm Quyến mà truyền thông Hoa lục loan tải trong những ngày qua phải chăng cho thấy Bắc Kinh chuẩn bị can thiệp quân sự chống phong trào dân chủ tại Hồng Kông ?

Trên mạng Twitter hôm thứ ba, tổng thống Donald Trump cho biết "thông tin Trung Quốc đem quân về biên giới Hông Kông đã được tình báo Mỹ xác nhận". Thế nhưng, trước nguy cơ tái diễn một Thiên An Môn thứ hai, tổng thống Mỹ chỉ kêu gọi "các bên bình tĩnh", và "hy vọng không ai bị giết".

Không rõ trong cuộc tiếp xúc với chủ tịch ủy ban đối ngoại đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày hôm qua tại New York, cuộc gặp không được báo trước, nội dung không được tiết lộ, ngoại trưởng Mike Pompeo có khuyến cáo gì hay không.

Trong bối cảnh chính quyền Donald Trump lao vào cuộc xung đột trực diện với Bắc Kinh về thương mại, địa chính trị từ Biển Đông cho đến Đài Loan và nhân quyền, thái độ kín đáo của Nhà Trắng trong hồ sơ Hồng Kông gây bất bình từ mọi phía.

Hầu như công luận Mỹ chỉ trích tổng thống Donald Trump là người có phần trách nhiệm về các vấn đề của Hồng Kông hiện nay. Cựu thứ trưởng ngoại giao Nicolas Burns chỉ trích chủ nhân Nhà Trắng "thiếu can đảm, không dám chọn một bên". Chuyên gia Thomas Wright cho là tổng thống Donald Trump "bật đèn xanh" cho Tập Cận Bình.

Phe đối lập, qua thượng nghị sĩ Chris Murphy, kêu gọi tổng thống khuyến cáo Tập Cận Bình coi chừng hệ quả nghiêm trọng.

Trong đảng Cộng Hoà, Thượng nghị sĩ Rick Scott kêu gọi Hoa Kỳ và các nước tự do trên thế giới sẵn sàng phản ứng "nếu Trung Quốc leo thang". AFP chú ý đến lời kêu gọi của thượng nghị sĩ Lindsay Graham, người được xem là tai mắt của tổng thống Donald Trump : 30 năm sau vụ quân đội Trung Quốc thảm sát hàng trăm người dân chủ ở Thiên An Môn, tất cả công dân Mỹ ủng hộ phong trào phản kháng ôn hoà tại Hồng Kông. Đây là thời điểm quyết định trong quan hệ Mỹ-Trung.

Bắc Kinh không cho phép 2 tàu Mỹ cập cảng Hồng Kông

Một phát ngôn viên của Hạm Đội Thái Bình Dương hôm qua, 13/08/19, cho biết Bắc Kinh đã từ chối để cho hai tàu Hải quân Mỹ nhập cảng Hồng Kông. Theo hãng tin AFP trích lời phát ngôn viên Nate Christenssen, tàu đổ bộ USS Green Bay đã dự kiến cập cảng Hồng Kông ngày 17/08, còn khu trục hạm Lake Erie dự kiến đến đây vào tháng sau. Ông cho rằng Bắc Kinh có trách nhiệm giải thích lý do từ chối yêu cầu cập cảng của 2 chiếc tàu nói trên. Vào tháng 9 năm trước, trong bối cảnh căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ Trung, Bắc Kinh cũng đã không cho phép chiến hạm USS Wasp tới Hồng Kông.

Tú Anh

********************

'Bắc Kinh và người biểu tình Hong Kong cần thỏa hiệp khi còn có thể' (BBC, 14/08/2019)

Bắc Kinh đang tuyệt vọng tìm giải pháp cho tình trạng bế tắc trầm trọng tại Hong Kong, nơi mà các cuộc biểu tình từ hơn hai tháng nay đã làm tê liệt nhiều sinh hoạt của vùng đặc khu hành chính này, Adam Ni, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Macquarie ở Sydney, Australia, nhận định.

backinh2

Khoảnh khắc cảnh sát Hong Kong nã đạn vào trực diện vào người biểu tình

Trong bài Beijing's HK Strategy, tác giả Adam Ni nói mục đích ngắn hạn của Bắc Kinh là chấm dứt sự leo thang liên tục của các cuộc biểu tình lớn, bằng vũ lực nếu cần ; và mục tiêu dài hạn là đưa thành phố và người dân Hong Kong vào hệ thống chính trị của Trung Quốc, kiểm soát Hong Kong y như phần còn lại của đại lục.

Ông Adam Ni vạch ra rằng để đạt được những mục tiêu trên Bắc Kinh có một chương trình hành động sáu điểm, gồm :

- Hỗ trợ mạnh mẽ cho chính quyền và cảnh sát Hong Kong, khuyến khích và kích hoạt chiến thuật cứng rắn hơn với người biểu tình ;

- Tạo mặt trận thống nhất giữa giới kinh doanh và tinh hoa Hong Kong với các lực lượng thân Bắc Kinh ;

- Tăng việc tuyên truyền, đưa ra những thông tin sai lệch để phỉ báng giới biểu tình, tìm sự ủng hộ của công chúng Trung Quốc đại lục cũng như gây ảnh hưởng đến dư luận quốc tế ;

- Đánh vào hầu bao những công ty hay tổ chức ủng hộ biểu tình như hãng Cathy Pacific ;

- Đưa ra cảnh báo mạnh mẽ rằng Bắc Kinh sẽ can thiệp bằng vũ lực để dẹp biểu tình nếu cần ; và,

- Tăng cường các nỗ lực hội nhập kinh tế và kết nối nhằm đưa Hong Kong vào quỹ đạo kinh tế của PRC.

Trả lời phỏng vấn của BBC Việt Ngữ hôm 13/8, giữa lúc có tin Trung Quốc đang chuyển quân tới khu vực biên giới với Hồng Kông, Adam Ni nói rằng tình hình hết sức cấp bách, và Bắc Kinh cùng giới biểu tình cần phải 'nhanh chóng thỏa hiệp khi còn có thể.'

backinh3

Adam Ni : 'Người biểu tình và chính phủ cần phải thỏa hiệp ngay bây giờ trước khi tình hình leo thang thêm nữa, khiến cho thỏa hiệp là điều không còn có thể làm được'.

Adam Ni : Tình hình hiện giờ luôn luôn dao động và chúng ta khó có thể dự đoán hành động của người biểu tình. Chính sách "không lãnh đạo", "lỏng như nước" và kết nối mạng mà các cuộc biểu tình này được tổ chức khá là độc đáo.

Nhưng chiến lược của giới biểu tình có hiệu quả hay không phụ thuộc vào mục tiêu được đặt ra. Nếu thành công được đo lường bằng yêu cầu ban đầu là gỡ bỏ dự luật chống dẫn độ, thì họ đã thành công, mặc dù việc chính thức hủy bỏ dự luật chưa xảy ra.

Tuy vậy, người biểu tình đã không thành công với những yêu cầu rộng lớn hơn, năm yêu cầu chính được đưa ra trong những tuần gần đây. Tôi nghĩ rằng tình hình leo thang liên tục, mức độ gia tăng bạo lực của cảnh sát và sự can thiệp từ Bắc Kinh, nếu có, sẽ có thể thay đổi tình thế.

Một lần nữa, rất khó để dự đoán việc gì sẽ xảy ra ngoài việc nói rằng tôi không thấy hai bên sớm gặp nhau trong thời gian trước mắt, vì ở cấp độ cơ bản nhất có một sự mâu thuẫn : Bắc Kinh muốn khẳng định quyền kiểm soát với người Hong Kong và người dân Hong Kong thì đang chống lại điều này.

Một sự thỏa hiệp sẽ là điều cần thiết hoặc một trong hai bên phải nhượng bộ, nhưng hiện giờ chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều đó.

BBC : Nhiều người lo sợ rằng nếu tình trạng này tiếp tục, thảm sát tương tự như vụ Thiên An Môn năm 1989 không tránh khỏi. Ông nghĩ gì về việc Bắc Kinh có thể đưa quân đội đến Hong Kong để đè bẹp người biểu tình ? Và Trung Quốc sẽ phải trả giá cho hành động này thế nào, nếu điều đó xảy ra ?

backinh4

Người biểu tình giơ cao biểu ngữ chống chính phủ tại sân bay quốc tế Hồng Kông trong ngày thứ năm liên tiếp cho đến tận chiều tối

Adam Ni : Vụ thảm sát Bắc Kinh năm 1989 diễn ra trong bối cảnh chính trị xã hội và thời điểm rất khác so với tình hình ở Hong Kong ngày nay. Bắc Kinh đã nhiều lần báo hiệu quyết tâm can thiệp bằng vũ lực và đàn áp các cuộc biểu tình nếu tình trạng này leo thang.

Theo tôi, đây sẽ là biện pháp cuối cùng của Bắc Kinh, khi giới lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy bất ổn liên tục ở Hong Kong gây nhiều bất lợi cho sự cai trị của họ hơn là cái giá họ phải trả cho một cuộc đàn áp đẫm máu. Tại một thời điểm nào đó, Bắc Kinh có thể đưa ra phán quyết rằng tình hình ở Hong Kong cần đến sự can thiệp của quân đội bất kể là cần phải trả giá ở mức nào, nhưng chúng ta hiện đang chưa ở thời điểm đó.

Ngoài ra ngày 1/10 là kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (PRC), đây là một ngày quan trọng. Bắc Kinh có muốn đánh dấu ngày lịch sử này bằng máu ? Tôi nghĩ là không. Tuy nói vậy, nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng nên thận trọng, không nên hoàn toàn loại bỏ trường hợp này.

BBC : Có hailối suy nghĩ, đó là sự gia tăng bạo lực của cảnh sát sẽ khiến người biểu tình cuối cùng phải phục tùng, và ngược lại, khi cảnh sát gia tăng bạo lựcthì người biểu tình sẽ trở nên bất chấp hơn. Ông nghĩ sao ?

Adam Ni : Tôi nghĩ rằng bạo lực cảnh sát nhiều hơn đơn giản sẽ khiến người dân Hong Kong phẫn nộ tức giận hơn, và tạo thêm sự ủng hộ của công chúng đối với người biểu tình. Cảnh sát sẽ phải sử dụng lực lượng áp đảo để phá vỡ ý chí và sự phản kháng của người biểu tình, và tôi không thấy họ có máu lạnh để làm điều đó. Thế nhưng lực lượng có vũ trang của Trung Quốc thì có.

BBC :Ông có nghĩ rằng các hoạt động tuyên truyền, thông tin sai lệch của Trung Quốc trong việc dán cho người biểu tình những nhãn như ''bạo loạn'' và thậm chí ''khủng bố'' đã gây được ảnh hưởng lên dư luận quốc tế và công chúng ?

Adam Ni : Đảng Cộng sản Trung Quốc đã rất thành công trong việc định hình và thao túng dư luận trong Trung Quốc đại lục. Nhưng bên ngoài đại lục, tuyên truyền của họ khá kém hiệu quả. Thông tin sai lạc, tuy nhiên, vẫn gây ra nhiều hết sức bất lợi. Tôi nghĩ mục tiêu chính của Bắc Kinh là tràn ngập môi trường truyền thông và làm loãng những tường trình vẽ nên hình ảnh tốt cho người biểu tình, và tạo ra nghi ngờ trong tâm trí mọi người. Đây là điều mà Trung Quốc đã ngày càng làm tốt hơn - kể câu chuyện theo phiên bản của mình.

BBCBài viết của ông nói rằng qua biện pháp trừng phạt, Trung Quốc đã cắt đứt một cách hiệu quả sự hỗ trợ cho người biểu tình như của công ty Cathay Pacific. Điều ông nói liên quan đến hỗ trợ về mặt tinh thần, nhưng về mặt tài chánh, ngoài việc gây quỹ trực tuyến rất thành công, người biểu tình còn có thể có nguồn tài trợ nào khác ?

Adam Ni : Tôi nghĩ nguồn hỗ trợ tài chánh của quần chúng là chiến lược tốt nhất cho người biểu tình. Lấy tiền từ chính phủ hay các tập đoàn nước ngoài sẽ làm suy yếu cách công chúng đánh giá về sự liêm chính của họ và cho Bắc Kinh vũ khí để đặt vấn đề về động cơ và ý định của người biểu tình.

backinh5

Một người biểu tình ủng hộ dân chủ tại một cuộc biểu tình tại sân bay quốc tế của Hong Kong vào ngày 13/8/2019 bị cảnh sát bắn lựu đạn cay vào mặt làm mù một mắt

BBC : Cuối cùng thì xung đột theo ông sẽ được giải quyết như thế nào ? Ông có lời khuyên nào cho Bắc Kinh ?

Adam Ni : Bắc Kinh cần phải hiểu rằng không phải mọi thách thức đối với chính quyền của họ đều là điều bất lợi. Và trên thực tế, một phản ứng cứng rắn sẽ gây ra sự kháng cự mạnh hơn nữa khiến mọi việc cứ ở trong một vòng luẩn quẩn. Họ nên dừng chu kỳ này, trước hết bằng cách giảm bớt những lời cường điệu và giải quyết sự bất bình của người biểu tình.

Tất nhiên, Bắc Kinh sẽ không muốn bị coi là lùi bước vì sợ rằng sẽ bị cho là mềm yếu và điều đó sẽ làm phe biểu tình đưa ra nhiều yêu sách hơn nữa, nhưng Bắc Kinh cần phải nhận ra rằng con đường mà họ đang đi, áp dụng các chiến thuật hung hăng sẽ phản tác dụng, giống như chính sách của Trung Quốc trong quá khứ đã trực tiếp dẫn đến tình trạng bất ổn ngày hôm nay.

Nếu Bắc Kinh không muốn phải đối mặt với sự đối kháng dài hạn của người Hong Kong, thì họ cần phải giảm căng thẳng, thay vì gieo rắc thêm hạt giống cho những cuộc xung đột tương lai.

BBC : Về phía người biểu tình, ông khuyên họ nên làm gì ?

Adam Ni : Người biểu tình đang leo thang căng thẳng theo cách mà tôi nghĩ khiến cho công chúng khó có thể tiếp tục ủng hộ phong trào này trong thời gian dài.

Đời sống kinh tế và xã hội của Hong Kong ngày càng bị ảnh hưởng, và theo thời gian, điều này sẽ làm giảm sự ủng hộ của cộng đồng mà từ trước cho đến nay vẫn hỗ trợ các cuộc biểu tình. Người biểu tình cần gặp Chính phủ Hong Kong và Bắc Kinh ở một khoảng giữa.

backinh6

Người biểu tình giơ cao bức tranh vẽ người phụ nữ bị bắn vào mắt trong lúc biểu tình.

Tôi biết nói điều này sẽ không làm cho bất cứ bên nào vui. Nhưng đó là điều cần phải được nói : Người biểu tình và chính phủ cần phải thỏa hiệp. Quá trình đó cần phải xảy ra ngay bây giờ trước khi tình hình leo thang thêm nữa, khiến cho thỏa hiệp là điều không còn có thể làm được, nếu điều đó chưa quá muộn.

Tina Hà Giang

******************

Bắc Kinh : Người biểu tình Hồng Kông hành xử như "khủng bố" (RFI, 14/08/2019)

Chính quyền Bắc kinh hôm nay, 14/08/19, ra thông cáo lên án người biểu tình tại Hồng Kông hành xử không khác gì "khủng bố".

backinh7

Cảnh sát Hồng Kông đụng độ với người biểu tình chống chính quyền tại sân bay Hồng Kông ngày 13/08/2019. Reuters/Thomas Peter

Người biểu tình hôm qua, 13/08/19, tiếp tục chiếm đóng sân bay quốc tế Hồng Kông khiến hơn 300 chuyến bay bị hủy, sân bay phải đóng cửa. Theo hãng Reuters, cũng trong ngày hôm qua, 13/08/19, một nhóm người biểu tình đã bao vây, trói, và đánh đập hai người Trung Quốc, bị nghi là gián điệp của Bắc Kinh. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo khẳng định một trong hai người bị đánh là phóng viên của họ. Người còn lại được Bắc Kinh nhận là một dân thành phố Thâm Quyến tới Hồng Kông du lịch.

Bà Từ Lộ Dĩnh, phát ngôn viên Văn phòng phụ trách Hồng Kông và Macao, cho biết : "Chúng tôi muốn lên án mạnh mẽ các hành động như khủng bố này".

Bà cho rằng những hành động của người biểu tình "làm tổn hại hình ảnh thành phố Hồng Kông một cách nghiêm trọng", đồng thời yêu cầu là những "hành động phạm pháp này phải bị trừng trị theo đúng luật pháp".

Đã có thêm 5 người bị cảnh sát bắt giữ hôm nay, nâng con số người biểu tình bị bắt từ tháng 6 lên tới 600.

Một thông điệp tạ lỗi từ những người biểu tình được trưng bày tại sân bay Hồng Kông hôm nay, 14/08/19, cam kết để cho các hành khách được lên máy bay, hỗ trợ các nhân viên y tế và không cản trở công việc của giới báo chí.

Gia Hưng

****************

Bắc Kinh đổi chiến lược đối phó với biểu tình ở Hồng Kông (RFI, 13/08/2019)

Tuần thứ 10 liên tiếp của phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông được đánh dấu bằng những cuộc tập hợp ở nhiều nơi, bất chấp lệnh cấm của cảnh sát, đặc biệt là chiến dịch tọa kháng từ tối 09/08/2019 tại sân bay quốc tế Hồng Kông nhằm đánh động công luận quốc tế. Đỉnh điểm là sự kiện sân bay phải đóng cửa, hủy hàng trăm chuyến bay khi gần 5.000 người biểu tình đổ về đây vào ngày 12/08.

backinh8

Người biểu tình vẫn/ tập trung đông đảo tại sân bay Hồng Kông ngày 13//08/2019. Reuters

Ý đồ của Bắc Kinh để cho phong trào tự tan rã dường như đã thất bại khi cuộc khủng hoảng ngày càng đi đến bế tắc. Bắc Kinh buộc phải thay đổi chiến lược, không còn coi đây là một "cuộc cách mạng màu", mà đã nâng thành "mầm mống khủng bố" khi nói về phong trào dân chủ Hồng Kông và mức độ bạo lực trong các vụ xô xát giữa cảnh sát và người biểu tình.

Chiến lược mới của Bắc Kinh có thể được tóm lược trong ba mặt trận. Trước tiên, trên lĩnh vực truyền thông, từ vài ngày nay, đặc biệt từ sau sự kiện sân bay Hồng Kông đóng cửa, các cơ quan truyền thông Nhà nước được tự do chỉ trích mạnh mẽ người biểu tình dân chủ Hồng Kông.

Từ "khủng bố", được phát ngôn viên Dương Quang (Yang Guang) của Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macao nêu lần đầu tiên trong cuộc họp báo chiều 12/08, đã được đài truyền hình CCTV nhắc lại đến ba lần trong bản tin thời sự cùng ngày. Hoàn Cầu Thời Báo tiếp tục đăng một đoạn video quảng bá các cuộc thao dượt của "cảnh sát vũ trang", dưới sự kiểm soát của quân đội Trung Quốc, "có vẻ đang diễn tập trên quy mô lớn" ở Thâm Quyến, giáp với Hồng Kông.

Tiếp theo, lực lượng cảnh sát chống bạo động ở Hồng Kông vừa được tăng cường thêm ba xe vòi rồng trị giá gần 3,4 triệu đô la mỗi chiếc. Theo phát biểu ngày 09/08 của bà Regina Ip, một lãnh đạo chính trị thân chính quyền trung ương, "Bắc Kinh đã bật đèn xanh cho chúng tôi để cảnh sát cứng rắn hơn nữa". Cảnh sát tiếp tục đàn áp phong trào dân chủ bằng lựu đạn hơi cay, đạn cao su và dường như nhận được sự tăng viện của an ninh Hoa lục.

Phương pháp thứ ba là đe dọa các doanh nghiệp, giới hoạt động nghệ thuật Hồng Kông, mà lợi ích kinh tế gắn liền với Hoa lục. Hãng hàng không Cathay Pacific là một ví dụ. Ngay khi Bắc Kinh yêu cầu hãng cấm những nhân viên tham gia biểu tình hôm 05/08 bay vào hoặc bay qua Hoa lục, tổng giám đốc của hãng đã phải đổi thái độ, y lệnh của Bắc Kinh với đe dọa kỷ luật, thậm chí sa thải những nhân viên tham gia biểu tình. Quyết định này là dễ hiểu vì gần một nửa doanh thu của Cathay Pacific là nhờ Trung Quốc. Ngoài ra hãng hàng không Air China chiếm 30% cổ phần của Cathay Pacific.

Nạn nhân thứ hai, bị Hoàn Cầu Thời Báo điểm mặt chỉ tên hôm 10/08, là trung tâm thương mại Harbour City, vì ban giám đốc đã hai lần để người biểu tình lấy cờ Trung Quốc. Đến tối 11/08, ông Peter Woo, chủ sở hữu trung tâm Harbourg City, đã nhanh chóng lên án "hành vi bạo lực bất hợp pháp, mang tính chất hăm dọa nhắm vào thường dân vì các mục đích chính trị".

Nếu không được Bắc Kinh bật đèn xanh, các cơ quan truyền thông Nhà nước sẽ không được tự do và dồn dập cảnh cáo người biểu tình Hồng Kông như vậy. Trả lời Le Monde (13/08), ông Sebastian Veg, giáo sư lịch sử Trung Quốc, trường Nghiên cứu về Xã hội Paris (EHESS), nhận định : "Loạt cảnh cáo này điển hình cho kiểu hoạt động của chính quyền Trung Quốc : một chỉ thị từ trung ương đưa xuống, ngay sau đó tất cả các cơ quan, tổ chức phải hành động theo đúng tinh thần của chỉ thị".

Trong bản tin của CCTV, người biểu tình Hồng Kông bị coi là những "kẻ nổi loạn", "bùn bẩn trong Lịch sử cần phải trút bỏ. Chúng ta có đủ tự tin và dũng cảm để gột rửa họ". Còn tờ Hoàn Cầu Thời Báo (phiên bản tiếng Trung) đe dọa : "Nếu những kẻ nổi loạn Hồng Kông không hiểu được thông điệp về việc cảnh sát vũ trang nhân dân tập hợp ở Thâm Quyến liệu, thì đúng là họ muốn hủy diệt".

Trung Quốc có biến những đe dọa đó thành hành động không ? Liệu Bắc Kinh quyết tâm "dọn sạch" Hồng Kông trước kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa 01/10/2019 ? Phát biểu ngày 13/08, đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga cảnh báo : "Bạo lực, dù là được sử dụng hay được khuyến khích, sẽ đẩy Hồng Kông vào con đường không thể thối lui". Tuy nhiên, cảnh sát càng trấn áp, người biểu tình càng chống đối bằng mọi cách. Hồng Kông có lẽ sẽ vẫn là cái vòng luẩn quẩn, chưa có lối thoát.

Thu Hằng

*******************

Hong Kong : Vì sao phe thân-Bắc Kinh đồn Joshua Wong là người 'gốc Việt' ? (BBC, 13/08/2019)

Nếu vô tình dạo quanh Weibo hay Twitter trong những ngày gần đây thì bạn rất có thể nhìn thấy những dòng bình luận gọi Joshua Wong, lãnh đạo phong trào sinh viên là "con khỉ Việt Nam".

backinh9

Joshua Wong không phải là 'người gốc Việt'

Không chỉ Joshua (Hoàng Chi Phong), mà nhiều nhà hoạt động Hong Kong như Deniso Ho, Claudia Mo, Agnes Chow đang bị nhóm thân Bắc Kinh 'đồn thổi' có gốc gác Việt Nam.

Những cụm từ mang tính kỳ thị sắc tộc này thực ra đã xuất hiện từ 2014, khi phong trào Chiếm lĩnh Trung hoàn (Occupy Central) hay được biết đến là phong trào Dù vàng bùng nổ ở Hong Kong, và Joshua Wong là một nhân vật chủ chốt.

Ảnh chụp màn hình từ một diễn đàn Trung Quốc từ 12/9/2014 cho thấy một người cho rằng mẹ của Joshua Wong, bà Grace Ng, có họ "giống với họ Nguyễn hoặc Ngô của Việt Nam".

backinh10

Thông tin này đang được lan truyền trên mạng xã hội

"Ng là dạng viết ngắn của Nguyễn và Ngô… nếu như giả thuyết của tôi là đúng thì mẹ của Wong là gốc Việt. Điều này có nghĩa Wong có nửa dòng máu Việt Nam.''

"Và nếu điều này đúng thì Joshua Wong và mẹ anh ta có khả năng cao là thuộc về một tổ chức chính phủ do Mỹ hậu thuẫn 'Việt Tân'".

Bài đăng này cho rằng bố mẹ của bà Ng, tức ông bà ngoại của Wong là người Việt Nam tỵ nạn sang Hong Kong sau chiến tranh Việt Nam.

Người này nói truyền thông Việt Nam đưa tin tổ chức Việt Tân là kẻ đứng đằng sau các cuộc biểu tình chống chính quyền ở Việt Nam, phá hoại quan hệ Việt-Trung, kiểm soát phong trào Chiếm lĩnh Trung hoàn với mong muốn "khiến Trung Quốc hỗn loạn".

Hình ảnh giờ lại được lan truyền trên Twitter và Weibo, kèm theo nhiều thông tin cáo buộc khác.

Joshua Wong nói gì ?

Joshua Wong không đưa ra phản hồi chính thức về tin đồn này. Tuy nhiên Deniso Ho đã đăng lên Facebook của cô hôm 10/8 một cách châm chọc rằng :

"Tin đồn là tôi tự nhiên trở thành một người Trung gốc Việt…" với những dòng hashtag mỉa mai như "#Quá nhiều dấu hỏi #Tôi thật ra cũng thích bánh mì Việt Nam và #HoChiMinh không phải là nơi tôi sinh ra"

Phản hồi lại dòng trạng thái này của Denise Ho, Joshua Wong viết : "Tôi cũng không hiểu vì sao tôi lại trở thành người gốc Việt…".

Trả lời BBC hôm 13/8, Jeffrey Ngo, nghiên cứu sinh về người tỵ nạn Việt Nam ở Hong Kong, và đồng thời là thành viên của Demosisto và là người phụ trách tài khoản Facebook của Joshua Wong nói :

"Đây là những lời sỉ nhục mang tính phân biệt chủng tộc của những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc" - ám chỉ cụm từ 'con khỉ Việt Nam'.

Ngo không nghĩ việc đồn thổi những lãnh đạo biểu tình là người gốc Việt là một động thái có tính toán.

"Tôi nghĩ hầu hết họ là trolls (những kẻ quấy phá), mục đích của họ không phải làm ảnh hưởng đến phong trào mà chỉ khiến nhiều người tức giận. Tôi không nghĩ chính bản thân họ tin những gì họ nói".

"Một kiểu tự thương hại trước phương Tây, nhưng lại tự cao tự đại trước những nước Đông Nam Á", Ngo nói.

Lời đồn thành trò hề

Trên thực tế, họ Nguyễn hay Ngô của Việt Nam không có quy định viết tắt thành "Ng" khi chuyển sang tiếng Anh.

Và những thông tin do phe thân Bắc Kinh đồn thổi đến giờ vẫn không có cơ sở, và dần trở thành trò cười trên mạng xã hội trong giới hoạt động và nghiên cứu.

Phóng viên Cho Wai Lam của BBC Tiếng Trung bình luận về hiện tượng này :

"Trung Quốc không có tự do báo chí và tự do ngôn luận. Họ kiểm soát người dân bằng các loại thông tin khác nhau. Gần đây, nhiều tin tức giả mạo đã được tìm thấy trên mạng xã hội. Hầu hết các bài viết tìm cách liên kết người biểu tình với nước ngoài để chứng minh rằng phong trào đó được kích động bởi sự can thiệp của nước ngoài. Nó nhắm mục tiêu các nhóm ít học, những người ít nhạy cảm với tin tức đáng tin cậy".

"Tuy nhiên, tuyên truyền như vậy chỉ thu hút cư dân mạng đại lục, chứ không thu hút được công chúng Hong Kong".

Anh Lam dẫn chứng một cuộc khảo sát do Đại học Trung Hoa ở Hong Kong thực hiện, người Hong Kong tin rằng lãnh đạo Carrie Lam, lực lượng cảnh sát và chính phủ Bắc Kinh là thủ phạm chính của cuộc khủng hoảng này, và "lực lượng nước ngoài" được xếp hạng là khả năng thấp nhất.

Thùy Linh

*******************

Biểu tình mới tại Sân bay Hong Kong vào khi lãnh đạo cảnh báo không có đường lui (RFA, 13/08/2019)

Những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hong Kong vào ngày 13 tháng 8 tiếp tục đến sân bay khiến hoạt động tiếp tục bị xáo trộn sau một ngày xảy ra tình trạng hủy chuyến chưa từng có ở Hong Kong.

backinh11

Người biểu tình dùng xe đẫy tạo thành chướng ngại vật ở sân bay Hong Kong ngày 13/8/2019 - AFP

AFP loan tin với nhận định người biểu tình ủng hộ dân chủ thách thức cảnh báo của Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga về viễn cảnh không có đường lui.

Vào sáng ngày 13 tháng 8, Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga lại tổ chức họp báo và trong cuộc họp báo một số lần xúc động khi đưa ra cảnh báo về những hậu quả nguy hiểm của tình trạng bạo lực leo thang không thể kiềm chế.

Theo lời của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga thì bạo lực cho dù đó là sử dụng hay dung thứ bạo lực đều sẽ đẩy Hong Kong đi theo con đường không có lối lui trở lại.

Bà ngày cho rằng tình hình Hong Kong trong tuần qua khiến bà lo rằng đã đến mức độ nguy hiểm.

Tuy nhiên chỉ sau mấy giờ cuộc họp báo được tổ chức, hằng ngàn người biểu tình ủng hộ dân chủ trở lại sân bay Hong Kong. Nhiêu người biểu tình ngồi trước cổng an ninh và sảnh đi của sân bay. Một số sử dụng xe đẩy hành lý lập thành phòng tuyến chướng ngại vật tại khu vực an ninh, chặn những hành khách muốc vượt qua.

Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu ‘Đứng về phía Hong Kong. Đứng về phía Tự do.’ Ngoài ra có người biểu tình viết lên tường câu ‘mắt đền mắt’. Điều này nhắc đến vụ một người biểu tình bị cảnh sát bắn đạn cao su trúng vào mắt và có thể bị mù.

Cuộc biểu tình mới cũng diễn ra vào khi Bắc Kinh đưa ra thêm những dấu chỉ báo điềm xấu nữa yêu cầu đợt biểu tình kéo dài 10 tuần lễ qua phải chấm dứt.

Vào ngày 12 tháng 8, giới chức Bắc Kinh cáo buộc những người biểu tình là ném bom xăng vào cảnh sát là dạng ‘khủng bố’.

Truyền thông Nhà nước Hoa Lục vào ngày 13 tháng 8 tiếp tục nặng lời với những ngưởi ủng hộ dân chủ tại Hong Kong cho rằng đó là những ‘tội phạm’. Tân Hoa Xã đưa ra cảnh báo là những người biểu tình cực đoan bạo động đang đẩy Hong Kong xuống vực thẳm.

Trong một video đăng trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, phát hình viên của kênh CCTV đọc lời cảnh báo "Khi đối phó với bạo lực, không có bàn tay mềm".

********************

Hồng Kông : Sân bay vẫn bị rối loạn do biểu tình (RFI, 13/08/2019)

Sau khi bị tê liệt hôm qua do bị hàng ngàn người biểu tình chiếm đóng, hôm 13/08/2019 sân bay Hồng Kông đã mở cửa trở lại, nhưng vài giờ sau đó, một phát ngôn viên sân bay thông báo mọi thủ tục chuyến bay đều bị đình chỉ. Tuy vậy, vẫn có một số chuyến bay đến và đi.

backinh12

Biểu tình tại Sân Bay Quốc tế Hồng Kông, ngày 12/08/2019. Reuters/Thomas Peter

Sau khi rút đi vào khoảng 1 giờ đêm, một số người biểu tình đã quay lại sân bay Hồng Kông. Hôm qua, hàng nghìn người đã tràn vào sân bay nhằm phản đối hành vi đàn áp biểu tình của cảnh sát, khiến một cô gái trẻ bị thương. Từ Hồng Kông, đặc phái viên Christophe Paget tường trình :

"Hôm nay, hơn 300 chuyến bay tiếp tục bị hủy dù đoàn người biểu tình gần như rút khỏi sân bay vào khoảng 1 giờ sáng nay. Một vài người tuyên bố sẽ quay trở lại, vài người khác giải thích họ phải quay lại làm việc.

Sáng sớm nay, cảnh sát Hồng Kông đã tổ chức họp báo để giải trình vụ bạo động cuối tuần qua. Không có gì chứng minh cô gái trẻ đó đã bị cảnh sát dùng vũ lực nên bị thương cả, có thể đó là cuộc va chạm giữa những người biểu tình. Sở cảnh sát sẽ xem xét lại hình ảnh những người cảnh sát đã lục soát và thu giữ vật cấm trong túi xách của người biểu tình. Sở cảnh sát cho biết sẽ không sử dụng hơi cay đã hết hạn sử dụng mà người biểu tình đã tố cáo nữa, nhưng dù sao thì khí này cũng không độc lại, theo lời của phó cảnh sát trưởng Tang Ping-Keung. Theo ông, cảnh sát đã dùng hơi cay đúng luật tại một bến tàu điện ngầm hôm chủ nhật, bởi đây không phải là một khu vực kín.

Ngay trước đó, cảnh sát đã giới thiệu cho báo chí những xe vòi rồng mới. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế kêu gọi cảnh sát nước này phải hết sức thận trọng trong việc sử dụng vòi rồng, nhắc lại việc một người biểu tình ở Hàn Quốc đã thiệt mạng cách đây 4 năm.

Sáng nay, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố : "Bạo lực, dù là được sử dụng hay được khuyến khích sẽ đẩy Hồng Kông vào con đường không thể thối lui. Theo lãnh đạo hành pháp Hồng Kông, bạo lực này chính là đến từ những người biểu tình".

Người dân Hồng Kông lên án bạo lực cảnh sát

Tại sân bay quốc tế Hồng Kông hôm qua, đặc phái viên Christophe Paget cũng đã trò chuyện với Jeff, một trong những người tham gia tọa kháng :

"Trên đường về nhà, tôi đã chứng kiến một người phụ nữ biểu tình bị bắn đạn cao su vào mắt. Đối với tôi, thì đây gần như một vụ ám sát, vì cô ta bị nhắm bắn vào đầu. Hơn nữa, vụ việc này xảy ra trong một bến tàu hỏa, và điều này là bất hợp pháp. Người biểu tình như chúng tôi không có nơi nào để phản đối, vì mọi cơ quan Nhà nước đều như nhau cả.

Người Hồng Kông dường như đã không còn hy vọng. Và đây là lý do chúng tôi phải làm điều này. Sân bay là một địa điểm có tính quốc tế để chúng tôi cho thế giới biết chuyện gì đang xảy ra tại Hồng Kông.

Tôi là một nhạc sỹ. Đây là một trong những lý do khiến tôi phản đối luật dẫn độ. Bởi vì nếu như tôi muốn nói lên suy nghĩ trong các tác phẩm của mình, sẽ có lúc tôi có những thông điệp mang tính chính trị. Và sẽ có lúc chính quyền Trung Quốc không thích điều tôi nói. Vậy nếu như dự thảo luật này được thông qua, thì họ có thể dùng đạo luật này để cáo buộc rằng những điều bạn nói là vi phạm luật pháp. Và tôi không tin vào Trung Quốc. Tôi nghĩ là hầu hết mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, cũng như vậy. Bởi vì bây giờ, với internet, chúng tôi có rất nhiều thông tin, chúng tôi có thể thấy mọi thứ.

Thế hệ trẻ bây giờ muốn đấu tranh bảo vệ nhân quyền, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do nói chung, nền dân chủ, hay bất cứ điều gì mà người dân trong một thành phố văn minh muốn bảo vệ".

Gia Hưng

********************

Bắc Kinh lên giọng với người biểu tình Hồng Kông (RFI, 13/08/2019)

Vào lúc sân bay quốc tế Hồng Kông bị tê liệt hôm 12/08/2019 vì gần 5.000 người tọa kháng, lần đầu tiên, chính quyền Bắc Kinh lên án hành động của người biểu tình là "mầm mống khủng bố".

backinh13

Phát ngôn viên Dương Quang (Yang Guang), Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macao họp báo, Bắc Kinh, 12/08/2019. AFP Photos/STR

Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :

"Lời lẽ cáo buộc nghiêm trọng hơn một nấc, với ngôn từ tỏ rõ thái độ cứng rắn của chính quyền Trung Quốc đối với người biểu tình.

Phát biểu trước truyền thông Trung Quốc chiều thứ Hai (12/08), phát ngôn viên Dương Quang (Yang Guang) của Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macao, nhấn mạnh : "Điều mà người biểu tình đã làm (hôm 11/08) là điên rồ", nhiều hành động có thể được coi là dấu hiệu "mầm mống khủng bố"

Các phóng viên nước ngoài không được mời đến buổi họp báo trên, chỉ một nhóm nhỏ nhà báo Hồng Kông được tham dự.

Đối với ông Dương Quang, tình trạng bạo lực ở Hồng Kông phải chấm dứt ngay lập tức. Ông phát biểu : "Phải bền bỉ đấu tranh chống kiểu tội phạm này, không khoan dung và đúng theo luật pháp. Chúng tôi ủng hộ cảnh sát Hồng Kông và chúng tôi hy vọng rằng những cá nhân gây ra các hành động này phải nhanh chóng bị đưa ra xét xử. Đặc khu hành chính đang trải qua giai đoạn nguy kịch. Những người ủng hộ vận mệnh của đặc khu phải lên án những người biểu tình cực đoan. Phải nhanh chóng lập lại ổn định".

Tại buổi họp báo lần thứ ba, trong vòng hai tháng biểu tình, của Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macao, phóng viên không được phép đặt câu hỏi.

Từ tối Chủ Nhật (11/08), truyền thông Nhà nước liên tục chiếu hình ảnh một nhân viên cảnh sát bị cháy vì bị ném bom xăng. Dường như võng mạc của 12 cảnh sát Hồng Kông bị ảnh hưởng vì bị người biểu tình chiếu laser, một người khác có lẽ bị thương ở cấp độ 2.

Trong khi đó, hình ảnh người biểu tình bị thương thì bị kiểm duyệt tuyệt đối trên báo chí Hoa lục".

Không dừng ở việc lên án, chính quyền Bắc Kinh gia tăng mức độ răn đe khi điều động quân đến khu vực tiếp giáp với Hồng Kông. Ngày 12/08, nhiều cơ quan truyền thông Trung Quốc đăng hình ảnh một đoàn dài nhiều xe bọc thép chở lính và nhiều xe tăng trên quốc lộ dẫn đến thành phố Thâm Quyến. Trong đoạn video đăng trên mạng Twitter, tờ Nhân dân Nhật báo cho biết đoàn xe trên đến Thâm Quyến để thao dượt.

Hoa Kỳ và Canada đã lên tiếng sau khi sân bay quốc tế Hồng Kông phải đưa ra quyết định hy hữu đóng cửa sân bay và hủy nhiều chuyến bay đi và đến. Một quan chức cao cấp của Mỹ đã kêu gọi "các bên kiềm chế mọi hình thức vũ lực", tôn trọng "những quan điểm chính trị khác nhau". Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 12/08 cho biết "quan ngại sâu sắc" về tình hình ở Hồng Kông, đồng thời kêu gọi chính quyền Trung Quốc "thận trọng" và "tôn trọng" những yêu cầu của người biểu tình.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 542 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)