Trung Quốc sẽ thâu tóm quyền hành rộng lớn về luật an ninh Hong Kong (VOA, 21/06/2020)
Trung Quốc sẽ thâu tóm quyền hành bao trùm đối với việc thực thi luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong, theo các chi tiết được công bố vào ngày thứ Bảy báo hiệu sự thay đổi sâu sắc nhất đối với nếp sống của thành phố này kể từ khi được trao trả lại cho Trung Quốc cai trị vào năm 1997.
Bắc Kinh sẽ thâu tóm quyền lực ở Hong Kong sau khi luật an ninh được ban hành
Dự luật này đã khơi lên lo ngại từ các chính phủ nước ngoài cũng như các nhà hoạt động dân chủ ở Hong Kong, nói rằng Bắc Kinh đang làm xói mòn mức độ tự chủ cao được trao cho lãnh thổ này khi được Anh bàn giao lại.
Theo các chi tiết do thông tấn xã nhà nước Tân Hoa Xã công bố, Hong Kong sẽ thành lập một hội đồng an ninh quốc gia địa phương để thực thi luật pháp, đứng đầu là lãnh đạo thành phố Carrie Lam, được giám sát và chỉ đạo bởi một ủy ban chính phủ trung ương mới do Bắc Kinh thành lập. Một cố vấn từ đại lục cũng sẽ có ghế trong cơ quan mới này.
Các đơn vị cảnh sát và công tố địa phương mới sẽ được thành lập để điều tra và thực thi luật pháp, được hỗ trợ bởi các nhân viên tình báo và an ninh đại lục điều tới ủy ban mới của Bắc Kinh.
Bà Lam cũng sẽ có quyền bổ nhiệm các thẩm phán để nghe chứng trong các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia, một bước đi chưa từng có tiền lệ mà có thể gây bất an cho một số nhà đầu tư, nhà ngoại giao và lãnh đạo doanh nghiệp ở Hong Kong, theo Reuters.
Hiện các thẩm phán cao cấp được bổ nhiệm thông qua hệ thống tư pháp độc lập của Hong Kong.
Các quan chức ở Bắc Kinh và Hong Kong đã tìm cách trấn an các nhà đầu tư rằng luật này sẽ không làm xói mòn quyền tự chủ của thành phố, khẳng định nó sẽ chỉ nhắm mục tiêu vào một nhóm thiểu số "những kẻ gây rối" đề ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia.
Tân Hoa Xã nói nhân quyền và các quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp sẽ được bảo vệ, nhắc lại những phát biểu trước đây của nhà chức trách ở Bắc Kinh và Hong Kong.
Các chi tiết được công bố sau cuộc họp kéo dài ba ngày của cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc. Không rõ khi nào luật sẽ được ban hành nhưng các nhà phân tích chính trị dự trù nó sẽ có hiệu lực trước ngày bầu cử Hội đồng Lập pháp 6 tháng 9 tại Hong Kong.
Theo luật mới, không có cơ quan, tổ chức và cá nhân nào ở Hong Kong được phép tham gia vào hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, Tân Hoa Xã cho biết. Điều này dự kiến sẽ gây lo ngại cho một số nhóm tôn giáo, nhân quyền và các nhóm được nước ngoài hậu thuẫn lâu nay đã đặt trụ sở tại Hong Kong nhưng không được chào đón ở Trung Quốc.
******************
Trung Quốc lên án Đài Loan về kế hoạch che chở người Hong Kong bỏ xứ ra đi (VOA, 21/06/2020)
Cung cấp sự bảo vệ cho "những kẻ bạo loạn" từ Hong Kong sẽ chỉ làm tổn hại người dân Đài Loan và là sự can thiệp vào việc nội bộ của thành phố do Trung Quốc cai trị, chính phủ Trung Quốc nói, lên án kế hoạch của Đài Loan giúp những người Hong Kong quyết định chạy khỏi hòn đảo này.
Các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh và ủng hộ dân chủở Hong Kong kéo dài nhiều tháng đã giành được cảm tình rộng rãi ở đảo Đài Loan dân chủ - Ảnh minh họa
Đài Loan ngày thứ Năm nói họ sẽ thành lập một văn phòng chuyên giúp những người nghĩ đến việc rời khỏi Hong Kong vào lúc Bắc Kinh thắt chặt sự kiểm soát đối với cựu thuộc địa của Anh, bao gồm cả luật an ninh quốc gia mới đã được hoạch định.
Văn phòng mới bắt đầu hoạt động vào ngày 1 tháng 7, ngày mà Hong Kong được trao lại cho Trung Quốc cai trị vào năm 1997 với lời hứa là các quyền tự do rộng khắp sẽ được duy trì dưới mô hình "nhất quốc lưỡng chế" của Trung Quốc.
Trong một tuyên bố vào cuối ngày thứ Sáu, Văn phòng Sự vụ Đài Loan đặc trách chính sách Đài Loan của Trung Quốc nói kế hoạch của chính phủ Đài Loan là một âm mưu chính trị nhằm can thiệp vào việc nội bộ của Hong Kong và phá hoại sự ổn định và phồn thịnh của thành phố này.
"Cung cấp nơi ẩn náu và đưa lên đảo những kẻ bạo loạn và những phần tử đem hỗn loạn tới Hong Kong sẽ chỉ tiếp tục gây tổn hại cho người dân Đài Loan", văn phòng này nói.
Các âm mưu của các lực lượng ủng hộ độc lập cho Hong Kong và Đài Loan và cũng tìm cách gây phương hại cho "nhất quốc lưỡng chế" và chia rẽ quốc gia sẽ không bao giờ thành công, văn phòng nói.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ và ủng hộ dân chủ ở Hong Kong kéo dài nhiều tháng đã giành được cảm tình rộng rãi ở đảo Đài Loan dân chủ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Đài Loan đã chào đón những người dọn đến và dự trù nhiều người hơn nữa sẽ tới.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tháng trước trở thành nhà lãnh đạo chính phủ đầu tiên ở bất cứ nơi nào cam kết các biện pháp giúp đỡ người dân Hong Kong rời đi vì điều mà họ coi là những biện pháp kiểm soát đang thắt chặt của Trung Quốc, bóp nghẹt khát vọng dân chủ của họ.
Trung Quốc phủ nhận kìm kẹp các quyền tự do của Hong Kong và nói rằng luật an ninh quốc gia là cần thiết để vãn hồi trật tự cho trung tâm tài chính toàn cầu này.
*********************
Chiến tranh lạnh Mỹ Trung 'là mối đe dọa toàn cầu lớn hơn Covid-19' (BBC, 21/06/2020)
Chiến tranh lạnh lan rộng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ là mối lo ngại lớn hơn đối với thế giới so với virus corona, theo Jeffrey Sachs, nhà kinh tế học có ảnh hưởng.
Giáo sư Jeffrey Sachs, Đại học Columbia, đổ lỗi cho chính quyền Hoa Kỳ về sự thù địch giữa hai nước.
Thế giới đang hướng đến một thời kỳ "gián đoạn lớn mà không có sự dẫn dắt nào" sau hậu đại dịch, ông nói với BBC.
Thực trạng rạn nứt giữa hai siêu cường sẽ làm trầm trọng thêm điều này, ông cảnh báo.
Giáo sư Đại học Columbia đổ lỗi cho chính quyền Hoa Kỳ về sự thù địch giữa hai nước.
"Hoa Kỳ là lực đẩy tạo chia rẽ chứ không hợp tác", ông nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn cho chương trình Bản tin Kinh doanh Châu Á của BBC.
"Đó là một lực đẩy cố gắng tạo ra một cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra - nếu cách tiếp cận đó được sử dụng, thì chúng ta sẽ không thể trở lại bình thường được, thực sự chúng ta sẽ cuốn vào cuộc tranh cãi lớn hơn và nguy hiểm hơn".
Căng thẳng gia tăng
Bình luận của ông Sachs được đưa ra khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tiếp tục gia tăng trên nhiều mặt chứ không chỉ thương mại.
Tuần này, Tổng thống Trump đã ký luật mở đường cho các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm đàn áp người Hồi giáo ở tỉnh Tân Cương.
Và trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Phố Wall, ông Trump nói ông tin rằng Trung Quốc có thể đã khuyến khích sự lây lan của virus trên phạm vi quốc tế như một cách để gây bất ổn cho các nền kinh tế cạnh tranh.
Chính quyền Trump cũng đã nhắm vào các công ty Trung Quốc, đặc biệt là hãng viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc, công ty mà Washington nói đang được sử dụng để giúp Bắc Kinh theo dõi khách hàng của mình.
Trung Quốc phủ nhận điều này, Huawei cũng vậy. Nhưng lập trường cứng rắn của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc và Huawei có thể là một phần của một mưu đồ chính trị để được bầu lại - ít nhất là theo một cuốn sách mới của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, John Bolton.
Giáo sư Sachs đồng ý rằng việc tấn công Huawei không bao giờ đơn giản là quan ngại bảo mật.
Giáo sư Sachs đồng ý rằng việc tấn công Huawei không bao giờ đơn giản là quan ngại bảo mật.
"Hoa Kỳ đã mất đà đối với 5G, một phần quan trọng của nền kinh tế kỹ thuật số mới. Và Huawei đã chiếm thị phần ngày càng lớn hơn trên thị trường toàn cầu.
"Theo tôi, Hoa Kỳ đã dựng lên quan điểm cho rằng Huawei là mối đe dọa toàn cầu. Và dựa vào các đồng minh của họ rất nhiều... để cố gắng phá vỡ mối quan hệ với Huawei", ông nói.
Căng thẳng bùng phát
Hoa Kỳ không phải là nước duy nhất mà Trung Quốc bị vướng mắc vào mâu thuẫn.
Căng thẳng tuần này đã bùng lên ở biên giới Trung Ấn với ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong một số vụ bạo lực tồi tệ nhất mà xảy ra trong gần 50 năm.
Trong khi đó, Trung Quốc đã tích cực tài trợ cho các dự án kinh tế ở Pakistan, Myanmar, Sri Lanka và Nepal - những nước láng giềng gần nhất của Ấn Độ - và hoạt động này đã gây lo ngại ở Delhi rằng Bắc Kinh đang cố gắng cắt đứt ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực.
Ông Sachs thừa nhận rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối quan tâm của các nước láng giềng ở Châu Á - đặc biệt là nếu họ không làm gì nhiều hơn để xoa dịu sự lo sợ rằng Bắc Kinh đang cố gắng phát triển theo cách hòa bình và hợp tác.
"Tôi có tin rằng Trung Quốc có thể làm nhiều hơn để giảm bớt nỗi lo sợ rất thật không ? Tôi tin là có", ông nói với tôi.
"Thực sự là sự lựa chọn lớn nằm trong tay Trung Quốc. Nếu Trung Quốc hợp tác, nếu nước này tham gia vào ngoại giao, hợp tác khu vực và đa phương, hay nói cách khác là sức mạnh mềm, vì Trung Quốc là một quốc gia rất hùng mạnh… thì tôi nghĩ rằng Châu Á có một tương lai tươi sáng".
***********************
Trung Quốc lập cơ quan an ninh quốc gia giám sát Hồng Kông (RFI, 21/06/2020)
Chính quyền Bắc Kinh sẽ có những đặc quyền mở rộng để áp dụng luật an ninh mới cho Hồng Kông. Theo các thông tin do hãng tin chính thức Tân Hoa Xã loan báo ngày 20/06/2020, Hồng Kông sẽ lập một ủy ban giám sát việc thực thi luật mới.
Một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông, ngày 12/06/2020. Anthony WALLACE / AFP
Theo nhận định của AFP, văn bản luật gồm 66 điều sẽ làm giảm đi đáng kể mức độ tự trị mà Hồng Kông được hưởng kể từ năm nhượng địa 1997. Hồng Kông sẽ phải thành lập một cơ quan an ninh mới do bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga lãnh đạo nhưng chính quyền trung ương kiểm soát. Cơ quan này có mục đích thu thập thông tin, cũng như xử lý các hồ sơ được cho là vi phạm an ninh quốc gia.
Dự luật chi tiết cho phép trừng phạt và xử mọi hành vi đòi ly khai với Trung Quốc, lật đổ chế độ hay thông đồng với ngoại bang như là tội hình sự. Dự luật này của Bắc Kinh đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ, cho đấy là một sự chấm dứt mô hình "Một quốc gia, Hai chế độ".
Còn tại Hồng Kông, phe Dân Chủ đánh giá đây là một công cụ trong ngắn hạn nhằm loại trừ một số ứng cử viên trước kỳ bầu cử lập pháp vào tháng 09/2020. Từ Hồng Kông, thông tín viên đài RFI, Florence de Changy, cho biết phản ứng của phe đối lập :
"Bản tin dài do Tân Hoa Xã thông báo hôm thứ Bảy 20/06/2020 ít nhiều cho thấy rõ việc thực thi Luật An ninh Quốc gia. Nhiều điểm đã gây sốc, nhất là việc bổ nhiệm những công tố viên sẽ chủ trì xử các trường hợp phạm tội an ninh quốc gia và việc thành lập một cơ quan an ninh quốc gia, giống như là công an bí mật.
Đối với Alvin Yeung, lãnh đạo phong trào đảng Civic, một trong số các đảng chính trị đối lập ủng hộ dân chủ, dự luật chi tiết này là cơn ác mộng tệ hại nhất có thể cho Hồng Kông.
Anh nói : ʺBàn tay của Bắc Kinh đang đặt ngay giữa trung tâm cơ quan hành chính và tư pháp Hồng Kông. Đúng là bà trưởng đặc khu hành chính sẽ có quyền chọn các thẩm phán có trách nhiệm phán quyết các hồ sơ an ninh quốc gia. Và điều làm cho tôi lo lắng hơn chính là sẽ có một cơ quan an ninh quốc gia, do chính trưởng đặc khu lãnh đạo nhưng dưới quyền của một cố vấn do Bắc Kinh chỉ định. Vấn đề là ở đấy !ʺ
Alvin Yeung còn tố cáo sự thiếu thông tin về bản chất của những hành vi có thể bị xem như là tội hình sự cũng như là việc không có các thông tin về những án phạt có thể bị đưa ra.
Vào lúc mà ban thường trực của Quốc hội có trách nhiệm soạn thảo đạo luật này đã kết thúc ba ngày họp vào hôm thứ Bảy, cơ quan này sẽ họp lại lần nữa vào ngày 28/06, thay vì là vào cuối tháng 08/2020. Thế nên, rất có thể là văn bản luật này sẽ được thông báo và ban hành trước ngày 01/07/2020".
Minh Anh
***************
Ngoại trưởng Mỹ cảnh cáo Trung Quốc về Hồng Kông (RFI, 20/06/2020)
Tại Hội nghị thượng đỉnh Dân chủ Copenhagen thường niên diễn ra ngày 19/06/2020 qua video, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định cách thức Hoa Kỳ đối xử với Hồng Kông sẽ tùy thuộc vào cách xử sự của chính quyền Bắc Kinh với Hồng Kông.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một cuộc họp báo tại Washington, Hoa Kỳ, ngày 11/06/2020. Reuters- Yuri Gripas
Ngoại trưởng Mỹ lưu ý là trong tương lai, nếu Bắc Kinh coi Hồng Kông như là một thành phố của Trung Quốc chứ không phải một đặc khu hành chính, thì Washington cũng sẽ đối xử với Hồng Kông như một thành phố bình thường của Trung Quốc, như Thâm Quyến hay Thượng Hải và Mỹ sẽ rút khỏi từng thỏa thuận với Hồng Kông. Ông Pompeo cũng nhận định cuộc bầu cử tại Hồng Kông vào tháng 9/2020 sẽ "cho chúng ta biết tất cả những điều mà chúng ta cần biết về cộng sản Trung Quốc".
Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo Châu Âu
Cũng tại Hội nghị này, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra một trong những bản cáo trạng cứng rắn nhất nhắm vào Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Châu Âu chọn công khai, rõ ràng "tự do" thay vì chọn chế độ "chuyên chế" mà Nhà nước "bất hảo" này muốn áp đặt lên Châu Âu. Ông Pompéo nhấn mạnh chế độ Bắc Kinh là mối đe dọa cho các nền dân chủ phương Tây, phụ thuộc vào Trung Quốc là từ bỏ chính mình và các nền dân chủ lệ thuộc vào các chế độ độc đoán thì không xứng đáng được gọi là nền dân chủ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn cảnh báo Châu Âu về nguy cơ lệ thuộc vào Trung Quốc. Ông lưu ý Châu Âu là Bắc Kinh muốn bắt ép Châu Âu lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Từ nhiều tháng nay, Châu Âu đã nhiều lần bị chính quyền Donald Trump trách cứ là tỏ ra mềm yếu trước Bắc Kinh chỉ vì sợ mất quyền tiếp cận thị trường khổng lồ của Trung Quốc.
Nghị Viện Châu Âu kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu đưa Trung Quốc ra Tòa án La Haye
Nghị Viện Châu Âu hôm qua cũng kêu gọi Liên Hiệp Quốc cứng rắn hơn với Trung Quốc, đề nghị Liên Hiệp Châu Âu đưa Trung Quốc ra Tòa án Công lý quốc tế La Haye, nếu Bắc Kinh áp đặt luật an ninh mới lên Hồng Kông. Nghị viện Châu Âu cũng đề nghị các lãnh đạo Châu Âu sử dụng các biện pháp kinh tế để trừng phạt Trung Quốc.
Cũng trong ngày hôm qua, Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi Trung Quốc "trả tự do ngay lập tức" cho nhiều nhà bảo vệ nhân quyền, trong đó có luật sư Dư Văn Sanh (Yu Wensheng), người đã bị tư pháp Trung Quốc kết án 4 năm tù. Đề nghị của Liên Hiệp Châu Âu được đưa ra 3 ngày trước cuộc họp thượng đỉnh Liên Âu - Trung Quốc vào thứ Hai 22/06. Hồ sơ nhân quyền là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi giữa hai bên.
Thùy Dương
Bêu xấu biểu tình Hồng Kông : Bắc Kinh bị gậy ông đập lưng ông (RFI, 09/12/2019)
Với cuộc xuống đường ngày 08/12/2019 huy động được gần 1 triệu người tham gia, phong trào dân chủ ở Hồng Kông như đã có thêm một sức bật mới sau khi bất ngờ được đại đa số người dân ủng hộ bằng lá phiếu trong cuộc bầu cử cấp quận cách đó đúng 2 tuần.
Biểu tình ở Hồng Kông, ngày 08/12/2019. Reuters/Danish Siddiqui
Kết quả cuộc bầu cử ngày 24/11 đã được nhiều nhà phân tích đánh giá là một thất bại chua cay của guồng máy tuyên truyền của Bắc Kinh, đã dùng mọi thủ đoạn để hạ uy tín phong trào phản kháng Hồng Kông, nhưng rốt cuộc đã bị phản tác dụng.
Ngày 07/12 vừa qua, hơn 1000 người thân Bắc Kinh tại Hồng Kông đã biểu tình đòi kiểm lại phiếu bầu nhân cuộc bầu cử cấp quận đã chứng kiến thắng lợi vang dội của phong trào ủng hộ dân chủ. Một người trong ban tổ chức cuộc biểu tình của phe ủng hộ Trung Quốc đã cho rằng cuộc bầu cử "không công bằng" và "không minh bạch".
Đòi hỏi của những thành phần ủng hộ Bắc Kinh đã bị thực tế chứng minh là hoàn toàn vô lý khi chỉ một hôm sau, ngày 08/12, cuộc xuống đường do phong trào phản kháng kêu gọi, đã tập hợp được đến 800.000 người, theo thống kê của ban tổ chức. Đây là một con số cho thấy rõ hậu thuẫn mạnh mẽ mà người dân Hồng Kông dành cho phong trào dân chủ, một sự ủng hộ đã được kết quả cuộc bầu cử cách nay hai tuần hun đúc thêm.
Đối với các nhà quan sát, kết quả cuộc bầu cử ngày 24/11 tại Hồng Kông mang một ý nghĩa rất to lớn : Khi được quyền tự do chọn lựa, đại đa số người dân Hồng Kông không chọn đường lối do Bắc Kinh áp đặt, bất chấp cả một chiến dịch tuyên truyền chống phá phong trào phản kháng, với những người biểu tình bị cả guồng máy tuyên truyền của Trung Quốc cho là một nhóm thiểu số "khủng bố", bị thế lực nước ngoài giật dây.
Tuyên truyền thất bại
Trong một bài phân tích một hôm sau khi có kết quả bầu cử tại Hồng Kông, trang mạng quốc tế Quartz đã không ngần ngại chạy tựa "Kết quả gây chấn động của cuộc bầu cử cho thấy Bắc Kinh đã làm như thế nào để trở thành nạn nhân của chiến dịch tuyên truyền mà chính mình tung ra". Nói cách khác là để cho "gậy ông (lại) đập lưng ông".
Theo ghi nhận của Quartz, cuộc bầu cử hội đồng quận ở Hồng Kông hôm 24/11 đã được xem như là một cuộc trưng cầu dân ý về quan điểm của dân chúng đối với các cuộc biểu tình. Bắc Kinh và chính quyền địa phương dường như tin chắc rằng "đa số thầm lặng", vì chán ngán trước tình trạng đường xá bị chặn, trường học bãi khóa, sẽ dứt khoát bỏ phiếu chống lại những kẻ "bạo loạn".
Tác giả bài viết nêu bật ví dụ của nhật báo Anh ngữ China Daily, trong một tin nhắn Twitter một hôm trước cuộc bầu cử đã kêu gọi mọi người bỏ phiếu cho các ứng cử viên thân Bắc Kinh để giúp Hồng Kông "trở lại cuộc sống bình thường".
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, Global Times, cũng kêu gọi người dân Hồng Kông bỏ phiếu để "chấm dứt bạo lực". Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga và chính quyền của bà đã hùng hồn lên giọng cho rằng những thành phần cực đoan chuộng bạo lực đã lũng đoạn phong trào phản kháng và đã đến lúc cử tri phải cắt đứt quan hệ với những phần tử này.
Và quả đúng là đa số thầm lặng đã lên tiếng, nhưng ồ ạt loại bỏ những ứng cử viên thân Bắc Kinh và dồn phiếu cho phe dân chủ, giúp phe này giành quyền kiểm soát 17 trên 18 hội đồng quận. Trên bình diện cá nhân, các ứng viên ủng hộ dân chủ giành được 347/452 ghế đại biểu hội đồng quận, trong lúc các ứng viên thân Bắc Kinh chỉ được vỏn vẹn 60 ghế, phần còn lại lọt vào tay các ứng viên độc lập.
Theo Quartz, thảm bại chưa từng thấy của phe thân Bắc Kinh tại Hồng Kông đã làm cả bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc gần như bị á khẩu. Vào lúc các kết quả bầu cử được lần lượt đưa ra, các hãng tin lớn của Trung Quốc hầu như đều câm nín trước sự thất bại của các ứng viên thân Bắc Kinh. Chỉ sau đó một vài tờ báo mới bắt đầu phản ứng, chẳng hạn như Hoàn Cầu Thời Báo, đã nhai lại quan điểm xưa cũ về sự can thiệp của nước ngoài để giải thích kết quả bầu cử.
Ở cấp Nhà nước, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng chẳng biết nói gì ngoài việc nhắc lại rằng Hồng Kông là một phần của Trung Quốc.
Tung tiền mua chuộc cũng vô ích ?
Chiến thắng vang dội của phe đối lập Hồng Kông lại càng gây sốc hơn nữa khi các đảng chính trị trung thành với Bắc Kinh đã được văn phòng đại diện chính quyền Trung Quốc ở Hồng Kông không tiếc công sức hậu thuẫn.
Một ví dụ là Liên Minh Dân chủ vì Tiến Bộ của Hồng Kông DAB, vào năm 2018 đã được văn phòng đại diện của Bắc Kinh tại Hồng Kông tặng cho một tác phẩm nghệ thuật đắt tiền, đã giúp cho đảng này thu được hàng triệu đô la nhân một bữa tiệc gây quỹ.
DAB và các đảng thân Bắc Kinh khác đã có ngân quỹ dồi dào để chi tiêu ở cấp cơ sở, điều mà các đảng dân chủ không có, chẳng hạn có tiền tài trợ cho người già đi du lịch, hay mua vé xem phim cho trẻ em.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn có những cách khác để tác động đến các cuộc bầu cử địa phương, ví dụ như thúc đẩy việc loại bỏ các ứng cử viên đối lập mà họ không thích. Điển hình của thủ đoạn này là việc cấm lãnh tụ thanh niên Hoàng Chi Phong tham gia cuộc bầu cử hội đồng quận với lý do là nhân vật này đề cao quyền tự quyết. Có điều là nhiều ứng cử viên dân chủ khác cũng có quan điểm tương tự, nhưng lại không hề hấn gì !
Xem thường dư luận Hồng Kông
Tuy nhiên, đối với tác giả bài phân tích, một trong những sai lầm nghiêm trọng của Bắc Kinh là coi thường phản ứng của người dân Hồng Kông.
Theo HK01, một trang tin trên mạng bằng tiếng Hoa, Bắc Kinh biết rõ là họ đang trong tình thế bất lợi nhưng đã bị sốc trước quy mô thảm bại của các đảng thân chính quyền trung ương. Liên minh DAB đã đưa ra đến 180 ứng cử viên, nhưng chỉ giành được 21 ghế.
Đã có những dấu hiệu dự báo cho kết quả tồi tệ đó, từ việc các cuộc biểu tình liên tục nổ ra từ tháng 6 bắt nguồn từ nỗi lo ngại về dự luật dẫn độ, cho đến những cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự mất lòng tin nơi cảnh sát và chính phủ Hồng Kông liên tục gia tăng.
Tuy nhiên, rõ ràng là Bắc Kinh chưa bao giờ quan tâm đến việc đo lường tình cảm ở Hồng Kông, vì nếu không thì họ đã không để cho tình hình sôi bỏng đến mức như hiện nay, trong khi lại bỏ lỡ nhiều cơ hội có thể làm tình hình bất ổn ngừng leo thang.
Chính quyền Hồng Kông xa rời thực tế
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, thái độ chủ quan của Bắc Kinh đến một phần từ các phương pháp thu thập thông tin thiếu phối hợp và lộn xộn được dùng để nắm bắt tình hình trên thực địa, với nhiều mạng lưới báo cáo khác nhau.
Một nguyên do khác là những người mà Bắc Kinh dùng để thu thập thông tin lại có xu hướng chú ý nhiều hơn đến những tiếng nói trung thành, thay vì đến giới chống đối hay giới trẻ hơn. Đó là chưa kể đến việc không cần đến những liên hệ cá nhân có thể giúp mở rộng tầm nhìn, ví dụ như loại trừ những người ủng hộ dân chủ không cho đến dự các sự kiện có sự tham gia của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Trong khi đó thì các quan chức ở cấp cao nhất trong chính quyền Hồng Kông hầu như hoàn toàn xa rời thực tế. Trong những tuyên bố công khai vào đầu tháng 11 chẳng hạn, ông Trương Kiến Tông (Matthew Cheung), quan chức số hai của Hồng Kông đã thản nhiên cho rằng ông không hiểu vì sao mà mọi người lại giận dữ với chính quyền như vậy.
Đối với trang mạng Quartz, trong một hệ thống chính trị đã trở nên độc đoán, không còn chấp nhận bất kỳ một chính kiến bất đồng nào, dù có nhận được tin xấu về Hồng Kông, đảng cộng sản Trung Quốc vẫn chỉ nghe thấy những gì mình muốn nghe và đã nhấn mạnh thêm lập luận cho rằng những người biểu tình Hồng Kông là thành phần đòi độc lập, đang có hành vi khủng bố, với sự giúp đỡ của các chính phủ nước ngoài và phương tiện truyền thông phương Tây.
Sách lược này rất thành công đối với dư luận ở Hoa Lục, nặng đầu óc tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, đặc biệt là khi tình trạng bạo lực trong các cuộc biểu tình càng lúc càng leo thang. Thế nhưng, sách lược đó trong thực tế đã làm cho đảng Cộng Sản không còn đường lui và tìm ra những cách thức mới và linh hoạt hơn để giải quyết các yêu cầu thực sự của phong trào phản kháng Hồng Kông, trong đó có quyền được đại diện một cách dân chủ hơn và một cuộc điều tra về bạo lực quá đáng của cảnh sát.
Mai Vân
**********************
Một triệu người biểu tình ở Hồng Kông, báo chí Trung Quốc im lặng (RFI, 09/12/2019)
Cả một biển người biểu tình hôm qua 08/12/2019 trên các đường phố Hồng Kông, chứng tỏ sức sống mãnh liệt của phong trào đòi dân chủ, sau sáu tháng liên tục xuống đường chống chính quyền thân Trung Quốc. Tuy nhiên báo chí Hoa lục giữ im lặng không đưa tin về cuộc biểu tình ở đặc khu.
Cả triệu người biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông ngày 08/12/2019. Reuters/Danish Siddiqui
Thông tín Stéphane Lagarde tại Hồng Kông tường thuật :
"Chỉ có những chiếc mặt nạ, năm ngón tay giơ lên kèm theo khẩu hiệu "Năm yêu sách, không thiếu một điều nào", là khác với các cuộc biểu tình lớn hồi tháng Sáu ; còn thì những hình ảnh đều giống nhau. Đó là một đám đông khổng lồ, diễu hành ôn hòa trên những con đường ở khu trung tâm Hồng Kông. Cả phía cảnh sát và người biểu tình đều tỏ ra kềm chế. Những gia đình với xe đẩy em bé, những người biểu tình đi xe lăn hòa lẫn trong biển người.
Trái ngược với những gì mà chính quyền vẫn khẳng định lâu nay, đa số không hề im lặng, và người dân Hồng Kông ủng hộ phong trào phản kháng. Chuyên gia về chính trị Trung Quốc của trường đại học Báp-tít Hồng Kông, ông David Bartel khẳng định : Sau khi hai triệu người đã xuống đường trước đây, nay chính quyền nhìn thấy một triệu người lại biểu tình trên đường phố. Yêu sách của họ khó thể rõ ràng hơn".
Bắc Kinh từ chối nhượng bộ về việc tổ chức phổ thông đầu phiếu, cũng như các đòi hỏi khác của người biểu tình. Ông Nam Shum Wai, thuộc nghiệp đoàn giáo viên Hồng Kông nhận định : Một triệu người biểu tình Chủ nhật này, nhưng chính quyền Hồng Kông luôn từ chối đáp ứng những yêu sách của người dân, nhất là việc lập ra một ủy ban điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát. Thế nên các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục.
Phong trào phản kháng sẽ tiếp diễn, trong khi tại Hoa lục, báo chí Nhà nước không hề đưa ra con số người biểu tình ở Hồng Kông hôm Chủ nhật. Truyền thông Trung Quốc chỉ nói về chuyến thăm Macao của chủ tịch Tập Cận Bình ngày 20/12 tới để kỷ niệm 20 năm cựu thuộc địa Bồ Đào Nha được trao trả cho Trung Quốc - và không có cuộc biểu tình nào tại đây".
Thụy My
Hồng Kông : Cuộc đọ sức giữa Bắc Kinh và giới trẻ đi về đâu ?
Thái độ của Trung Quốc ngày càng hung tợn, đe dọa một Thiên An Môn thứ hai. Washington và Paris kêu gọi Bắc Kinh đối thoại với đối lập Hồng Kông, Tây phương lo âu nhưng giới trẻ không nao núng. Tại Nga, Putin đối đầu với thành phần đối lập trẻ và kiên quyết. Nước Đức và nguy cơ bạo lực cực hữu. Đó là một số chủ đề quốc tế trên báo Pháp 16/08/2019.
Người biểu tình tại sân bay Hồng Kông ngày 13/08/2019. Reuters/Thomas Peter
Đảng Cộng sản Trung Quốc bị thách thức
Sau hai tháng xuống đường, phong trào phản kháng tại Hồng Kông không giảm cường độ. Đứng trước thái độ đe dọa ngày càng thô bạo của Trung Quốc, đưa quân đến sát biên giới "chỉ cách có 10 phút" cộng đồng quốc tế bắt đầu phản ứng nhưng không có gì bảo đảm là Bắc Kinh sẽ lắng nghe. Thái độ hung hăng của Bắc Kinh mang ý nghĩa gì ?
Hành động thô bạo của Bắc Kinh trong vấn đề Hồng Kông trong thời gian gần đây cho thấy tính chất độc đoán của chính quyền cộng sản, La Croix nhận định trong bài xã luận "Hồng Kông và hơn thế nữa". Washington, Luân Đôn, Paris hay Berlin yêu cầu Bắc Kinh phải tôn trong nhà nước pháp quyền, nhân quyền và chế độ tự trị của Hồng Kông. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tiếp tục gây sức ép chính trị, gia tăng tuyên truyền một chiều thô bạo và đưa quân đến Thâm Quyến, sát biên giới của đặc khu tự trị này.
Theo La Croix, hy vọng là hai bên sẽ đối thoại nhưng giải pháp này rất khó xảy ra. Bởi vì Đảng cộng sản Trung Quốc và tổng bí thư Tập Cận Bình xem cuộc nổi dậy tại Hồng Kông là một hành động thách thức uy quyền và mô hình chế độ chính trị tại Hoa lục.
Đối với ban lãnh đạo Trung Quốc, chỉ có một chế độ độc tài, bá quyền mới có thể lãnh đạo một khối 1,3 tỉ dân. Do vậy, nhìn từ Châu Âu, người ta không khỏi lo ngại trước chính sách kềm kẹp dân chúng, chính sách thương mại gian trá, chiến dịch lấn chiếm biển đảo của các láng giềng. La Croix kêu gọi quốc tế phải hành động khẩn cấp.
Le Figaro trong bài báo "Trung Quốc ngày càng đe dọa" đặt câu hỏi, liệu hành động này là dấu hiệu sắp can thiệp quân sự hay chỉ là lời đe dọa ?
Dù việc điều quân tới Thâm Quyến được tuyên bố chính thức là để chuẩn bị diễu binh nhân dịp 70 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Bắc Kinh, cách Hồng Kông đến 2.000 km, thì trong bối cảnh hiện nay, Bắc Kinh gián tiếp đe dọa can thiệp trực tiếp để tái lập trật tự của đặc khu tự trị qua tuyên bố cuộc biểu tình hiện nay là hành động "khủng bố" và có "bàn tay nước ngoài".
Nhiều chuyên gia lại cho rằng, hành động của Trung Quốc thực chất chỉ là lời đe dọa. Bởi vì, điều kiện để can thiệp vào Hồng Kông thì trước hết, thành phố này phải chìm trong hỗn loạn, khi đó Bắc Kinh mới có thể nói chủ quyền và lợi ích đang bị đe dọa. Thứ hai là chính quyền và cảnh sát Hồng Kông không kiểm soát được tình hình, khi đó Bắc Kinh mới có khả năng can thiệp. Và "các điều kiện này chưa hội đủ" theo lời ông Alexander Neil thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc tế của Singapore. Bắc Kinh cũng không thể dùng quân sự như ở Tây Tạng và Tân Cương, nơi không có nhân chứng hay ở Thiên An Môn, chỉ là một quảng trường. Hồng Kông, trái lại là một quần đảo đô thị.
Theo chuyên gia Valérie Niquet, viện Nghiên Cứu Chiến Lược, (FRS), trên La Croix, hai tháng sau khi nổ ra cuộc đấu tranh chống luật dẫn độ, hai kịch bản bắt đầu hiện ra : Một là phong trào tranh đấu rơi vào bẫy bạo lực và yếu dần, tuyên truyền của Bắc Kinh thành công. Hai là biểu tình tiếp diễn và lan rộng, lúc đó Trung Quốc can thiệp quân sự. Nhưng muốn chiến thuật Thiên An Môn thành công ở Hồng Kông, thì quy mô phải đàn áp toàn diện và bắt nhiều ngàn người. Vấn đề là hình ảnh Trung Quốc đã rất tồi tệ từ nhiều năm nay, Bắc Kinh sẽ bị lên án nặng nề hơn. Tập Cận Bình đã nhận được nhiều lời khuyến cáo của Mỹ và Châu Âu. Tuy nhiên, chuyên gia Valérie Niquet thận trọng : Tập Cận Bình vẫn có thể trực tiếp ra lệnh can thiệp quân sự bất chấp nguy cơ giết chết con gà đẻ trứng vàng.
Tuổi trẻ Hồng Kông dấn thân
Theo Le Monde, lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Mỹ có thái độ thẳng thắn khi ra thông cáo "ủng hộ quyền tự do ngôn luận và hội họp ôn hòa" tại Hồng Kông. Le Figaro dành hai trang để tóm lược tình hình : Donald Trump tìm cách "dỗ ngọt" Tập Cận Bình. Thành phố sợ sóng thần suy thoái kinh tế nhưng giới trẻ Hồng Kông không sợ đoàn xe bọc thép của Hoa lục.
Bình luận về hình ảnh đoàn xe bọc thép của Trung Quốc đóng tại Thâm Quyến loan trên các mạng xã hội, một thanh niên Hồng Kông cho biết anh "không một chút lo âu, sẽ tiếp tục xuống đường và không tin Trung Quốc có can đảm tấn công". Giới tài phiệt, trái lại, bỏ tiền quảng bá trên hai trang báo South China Morning Post, kêu gọi giới trẻ "ngưng xuống đường". Một thanh niên họ Mã bác bỏ : "Những ông tỉ phú này cần Trung Quốc để làm giầu thêm nữa, nhưng chúng tôi không sống cùng một thế giới với họ, vì tương lai, giới trẻ chúng tôi không muốn dính dáng đến Hoa lục". Nếu lính Trung Quốc tràn qua thì sao ? : "Chúng tôi rút về nhà và chờ cơ hội. Khủng hoảng vẫn nằm đó".
Nhưng đâu phải chỉ có dự luật dẫn độ, bầu cử tự do và quan hệ độc lập với Hoa lục cũng nằm trong danh sách 5 yêu sách tranh đấu. Trên mạng xã hội, họ kêu gọi nhau xuống đường vào thứ Bảy tới, lần thứ 11.
Chống độc tài, sinh viên Nga là ngọn cờ đầu ?
Tại Nga, tổng thống Putin cũng đối đầu với giới trẻ dấn thân đấu tranh chính trị. Libération giới thiệu Egor Joukov, sinh viên cao đẳng chính trị. Sau khi bị bác đơn tranh cử, nhân vật trẻ được xem là ngọn cờ của phong trào phản kháng chống Putin đối mặt với bản án 8 năm tù.
Vào ngày 17 tới đây, Egor Joukov, người sinh viên 21 tuổi, sẽ không có mặt trong đoàn biểu tình ở thủ đô Moskva. Từ ngày 02/08, blogger có 110 ngàn "fan" theo dõi bị tạm giam chờ ra tòa với cáo buộc "tổ chức và chỉ huy gây bạo loạn".
Cuộc đấu tranh của Egor Joukov nay đã được hàng chục ngàn dân Nga, trong đó có ca sĩ nhạc "ráp" dấn thân Oxxxymiron, ủng hộ. Tội của sinh viên trường chính trị Moskva là sau khi đơn ứng cử bị bác vì "không đủ chữ ký", anh quay sang ủng hộ Dmitri Goudkov, một ứng cử viên đối lập có tiếng tăm. Dmitri Goudkov cuối cùng, cũng như khoảng 30 nhà đối lập khác, bị cấm tranh cử.
Từ nhiều tháng nay, anh không ngừng kêu gọi dân chúng xuống đường "phát biểu mạnh mẽ sự suy nghĩ của mình, không đầu hàng chế độ". Được đào tạo trong môi trường đại học chính trị, nơi mà thầy trò còn được khá nhiều tự do, Egor Joukov vừa tung lên mạng đoạn băng giải thích "Ba lý do để xỉ vả chế độ này".
Trong bối cảnh đàn áp trước bầu cử, Egor Joukov trở thành mục tiêu triệt hạ của chính quyền Nga nhưng họ không bịt miệng anh được. Trái lại, càng bắt nhốt Egor Joukov, thì biểu tình càng đông hơn.
Đức : Cực hữu lộng hành
Về tình hình Châu Âu, trang nhất và bài xã luận của Le Monde lo âu về nguy cơ khủng bố cực hữu tại Đức.
Với 8.605 vụ ám sát và bạo lực quy cho phe cực hữu được báo chí Đức tổng kết trong sáu tháng đầu năm nay, tăng 10% so với năm 2018, nước Đức của Angela Merkel đứng trước đe dọa của "khủng bố nâu", ám chỉ thời tiền quốc xã.
Sự kiện làm cả nước choáng váng là vào ngày 02/06/2019, thị trưởng Walter Lubcke, ở Kassel, bị bắn một viên đạn vào đầu.
Các thủ đoạn khủng bố này nước Đức từng trải qua trong thập niên 1930. Thế mà cơ quan tình báo Đức xem thường hiện tượng từng xảy ra trong lịch sử và đang tái diễn với nhịp độ đáng ngại. Tư pháp Đức cũng chậm chạp truy tìm thủ phạm. Từ khi Angela Merkel, khác với thái độ rụt rè của các đồng nhiệm Châu Âu, cho phép đón tiếp hơn một triệu di dân và người tị nạn, vì lý do nhân đạo và chuộc lỗi phần nào cho lịch sử đen tối của thời quốc xã, nhiều người dân Đức không được chuẩn bị tinh thần để chấp nhận sự nhân ái này.
Khai thác tâm lý tiêu cực này, các tổ chức cực hữu tại Đức và Châu Âu đang lên điểm trong các cuộc bầu cử. Tại Quốc hội Đức , đã có ít nhất 100 dân biểu cực hữu, và phe này có thể về đầu ở ít nhất hai bang thuộc Đông Đức cũ trong cuộc bầu cử tháng 9. Le Monde hy vọng nữ thủ tướng Đức sẽ thành công thực hiện chính sách hội nhập di dân trong hai năm cuối nhiệm kỳ. Nếu không, tình hình sẽ rất nguy hiểm cho nước Đức và Châu Âu.
Pháp : Thất nghiệp giảm kỷ lục
Vào lúc tăng trưởng kinh tế Đức bị khựng lại, tình trạng thất nghiệp tại Pháp được cải thiện với tỉ lệ 8,5%. Tin này đáng phấn khởi hay không ? Les Echos dự báo chỉ tiêu làm giảm thất nghiệp tại Pháp còn 7% vào cuối nhiệm kỳ tổng thống Macron có thể thực hiện được. Le Figaro không lạc quan lắm.
Lần đầu tiên sau 6 năm, tỉ lệ thất nghiệp của Pháp giảm xuống dưới 8,5%. Tuy nhiên, liệu đây có phải là một sự phát triển bền vững?
Tờ Le Figaro trong bài xã luận "Vẻ đẹp yếu đuối" đăng vào sáng 16/08/2019 xem xét trên ba góc độ.
Thứ nhất, các nước láng giềng như Anh và Đức có tỉ lệ thất nghiệp chỉ bằng một nửa của Pháp trong khi các nước trong khu vực đồng euro cũng chỉ loanh quanh ở mức 7,5%.
Thứ hai, dù Pháp đang dần giảm thuế và cải cách luật lao động, hiệu quả của các biện pháp này đều chưa cao. Tiền cần được đầu tư vào nghiên cứu, chứ không phải rơi vào cái túi không đáy của chính phủ, ví dụ như chi gần 10 tỉ euro để xoa dịu khủng hoảng "Áo Vàng".
Thêm vào đó, tuy giới doanh nghiệp phục hồi phần nào niềm tin, nhưng trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tăng cao, tác động đến kinh tế thế giới, niềm tin này rất mong manh. Nước Đức đã trả giá. Kinh tế thế giới có vấn đề không bao giờ là điều thuận lợi cho kinh tế Pháp.
Ang San Suu Kyu, ngôi sao thất sủng
Tiếp tục loạt bài chân dung phụ nữ, hôm nay Libération giới thiệu Aung San Suu Kyi, người mệnh phụ bị "thất sủng".
Là khôi nguyên Nobel hòa bình năm 1991, nhà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi luôn nhận được sự ngưỡng mộ từ phương Tây. Nhưng tình thế nay đã khác do những chính sách thiếu cảm thông của bà đối với người Rohingya, nhật báo cánh tả Libération lấy làm tiếc trong bài "Aung San Suu Kyi, người đàn bà bị ghét bỏ".
Những năm 90 của thế kỷ trước, người phụ nữ Châu Á này nhận hàng loại giải thưởng như giải Sakharov, Nobel Hòa Bình, danh hiệu "đại sứ lương tâm" của tổ chức Ân xá Quốc tế, lên trang bìa của nhiều tạp chí quốc tế, tên tuổi được nhắc nhở đến trong nhiều quyển sách và cả những bài hát. Aung San Suu Kyi trở thành biểu tượng tự do và dân chủ. Tại Paris, bà từng được tổng thống François Hollande đón tiếp như một nguyên thủ quốc gia.
Tuy nhiên, gió đã đổi chiều. Giữa năm 2012, người dân theo đạo Hồi tại Miến Điện dường như phải đối mặt với nhiều đe dọa : tàn sát, hỏa hoạn, bình luận hằn học trên mạng xã hội. Mâu thuẫn tôn giáo bị đẩy lên cao tại quốc gia Đông Nam Á này. Cũng trong năm đó, người phụ nữ quyền lực Suu Kyi đã yêu cầu các nhà ngoại giao nước ngoài ngưng dùng từ "Rohingya".
"Độc đoán", "không khoan nhượng", "hoài nghi" là những từ người ta nói về bà trong thời gian gần đây, gồm cả những người thân cận hay những nhà ngoại giao của Miến Điện.
Năm 2015, bà nhậm chức Cố vấn Nhà nước. Tháng 4, 2016, bà trở thành thủ tướng. Chỉ 6 tháng sau đó, một cuộc đụng độ của người Rohingya với quân đội Miến Điện đã xảy ra. Tháng 8 năm 2017, một cuộc đụng độ nghiêm trọng hơn đã khiến 700.000 người phải chạy sang Bangladesh.
Vì sao bà Aung San Suu Kyi phủ nhận có "một cuộc thanh trừng sắc tộc" ? Dường như, bà đang chọn "sống chung hòa bình" với quân đội, định chế duy nhất có thể đảm bảo an ninh quốc gia.
Nhiều người lên tiếng kêu gọi rút lại giải thưởng Nobel của bà. Các thành phố, các tổ chức cũng tháo dỡ ảnh của bà, rút lại tước hiệu công dân danh dự hay đại sứ.
Hai năm trước, phát biểu với đài BBC, bà nói "Tôi không phải là Margaret Thatcher" (cựu thủ tướng Anh). Mặt khác, tôi cũng không phải Mẹ Teresa". Ở tuổi 74, bà vẫn "nổi tiếng ở Miến Điện nơi người ta vẫn nói về bà với sự tôn trọng và chờ đợi kết quả", một nhà ngoại giao kết luận. Người đàn bà thép không hề biến mất mà trở nên "thực tế" hơn bao giờ hết.
Tú Anh
Hồng Kông : Tổng thống Mỹ bị chỉ trích "dễ dãi" với Trung Quốc (RFI, 14/08/2019)
Vào lúc Bắc Kinh hù dọa Hồng Kông, tổng thống Mỹ xác nhận và Trung Quốc đang chuyển quân đến biên giới đặc khu hành chánh. Tuy nhiên, thái độ có vẽ "dễ dãi" của Donald Trump với chính quyền Tập Cận Bình bị chỉ chính giới và công luận Mỹ lên án.
Cảnh sát đi tuần tại phi trường Hồng Kông ngày 14/08/2019, sau những vụ xô xát với người biểu tình hôm trước. Reuters/Thomas Peter
Hình ảnh xe tăng Trung Quốc đang ồ ạt kéo về bố trí tại Thẩm Quyến mà truyền thông Hoa lục loan tải trong những ngày qua phải chăng cho thấy Bắc Kinh chuẩn bị can thiệp quân sự chống phong trào dân chủ tại Hồng Kông ?
Trên mạng Twitter hôm thứ ba, tổng thống Donald Trump cho biết "thông tin Trung Quốc đem quân về biên giới Hông Kông đã được tình báo Mỹ xác nhận". Thế nhưng, trước nguy cơ tái diễn một Thiên An Môn thứ hai, tổng thống Mỹ chỉ kêu gọi "các bên bình tĩnh", và "hy vọng không ai bị giết".
Không rõ trong cuộc tiếp xúc với chủ tịch ủy ban đối ngoại đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày hôm qua tại New York, cuộc gặp không được báo trước, nội dung không được tiết lộ, ngoại trưởng Mike Pompeo có khuyến cáo gì hay không.
Trong bối cảnh chính quyền Donald Trump lao vào cuộc xung đột trực diện với Bắc Kinh về thương mại, địa chính trị từ Biển Đông cho đến Đài Loan và nhân quyền, thái độ kín đáo của Nhà Trắng trong hồ sơ Hồng Kông gây bất bình từ mọi phía.
Hầu như công luận Mỹ chỉ trích tổng thống Donald Trump là người có phần trách nhiệm về các vấn đề của Hồng Kông hiện nay. Cựu thứ trưởng ngoại giao Nicolas Burns chỉ trích chủ nhân Nhà Trắng "thiếu can đảm, không dám chọn một bên". Chuyên gia Thomas Wright cho là tổng thống Donald Trump "bật đèn xanh" cho Tập Cận Bình.
Phe đối lập, qua thượng nghị sĩ Chris Murphy, kêu gọi tổng thống khuyến cáo Tập Cận Bình coi chừng hệ quả nghiêm trọng.
Trong đảng Cộng Hoà, Thượng nghị sĩ Rick Scott kêu gọi Hoa Kỳ và các nước tự do trên thế giới sẵn sàng phản ứng "nếu Trung Quốc leo thang". AFP chú ý đến lời kêu gọi của thượng nghị sĩ Lindsay Graham, người được xem là tai mắt của tổng thống Donald Trump : 30 năm sau vụ quân đội Trung Quốc thảm sát hàng trăm người dân chủ ở Thiên An Môn, tất cả công dân Mỹ ủng hộ phong trào phản kháng ôn hoà tại Hồng Kông. Đây là thời điểm quyết định trong quan hệ Mỹ-Trung.
Bắc Kinh không cho phép 2 tàu Mỹ cập cảng Hồng Kông
Một phát ngôn viên của Hạm Đội Thái Bình Dương hôm qua, 13/08/19, cho biết Bắc Kinh đã từ chối để cho hai tàu Hải quân Mỹ nhập cảng Hồng Kông. Theo hãng tin AFP trích lời phát ngôn viên Nate Christenssen, tàu đổ bộ USS Green Bay đã dự kiến cập cảng Hồng Kông ngày 17/08, còn khu trục hạm Lake Erie dự kiến đến đây vào tháng sau. Ông cho rằng Bắc Kinh có trách nhiệm giải thích lý do từ chối yêu cầu cập cảng của 2 chiếc tàu nói trên. Vào tháng 9 năm trước, trong bối cảnh căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ Trung, Bắc Kinh cũng đã không cho phép chiến hạm USS Wasp tới Hồng Kông.
Tú Anh
********************
'Bắc Kinh và người biểu tình Hong Kong cần thỏa hiệp khi còn có thể' (BBC, 14/08/2019)
Bắc Kinh đang tuyệt vọng tìm giải pháp cho tình trạng bế tắc trầm trọng tại Hong Kong, nơi mà các cuộc biểu tình từ hơn hai tháng nay đã làm tê liệt nhiều sinh hoạt của vùng đặc khu hành chính này, Adam Ni, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Macquarie ở Sydney, Australia, nhận định.
Khoảnh khắc cảnh sát Hong Kong nã đạn vào trực diện vào người biểu tình
Trong bài Beijing's HK Strategy, tác giả Adam Ni nói mục đích ngắn hạn của Bắc Kinh là chấm dứt sự leo thang liên tục của các cuộc biểu tình lớn, bằng vũ lực nếu cần ; và mục tiêu dài hạn là đưa thành phố và người dân Hong Kong vào hệ thống chính trị của Trung Quốc, kiểm soát Hong Kong y như phần còn lại của đại lục.
Ông Adam Ni vạch ra rằng để đạt được những mục tiêu trên Bắc Kinh có một chương trình hành động sáu điểm, gồm :
- Hỗ trợ mạnh mẽ cho chính quyền và cảnh sát Hong Kong, khuyến khích và kích hoạt chiến thuật cứng rắn hơn với người biểu tình ;
- Tạo mặt trận thống nhất giữa giới kinh doanh và tinh hoa Hong Kong với các lực lượng thân Bắc Kinh ;
- Tăng việc tuyên truyền, đưa ra những thông tin sai lệch để phỉ báng giới biểu tình, tìm sự ủng hộ của công chúng Trung Quốc đại lục cũng như gây ảnh hưởng đến dư luận quốc tế ;
- Đánh vào hầu bao những công ty hay tổ chức ủng hộ biểu tình như hãng Cathy Pacific ;
- Đưa ra cảnh báo mạnh mẽ rằng Bắc Kinh sẽ can thiệp bằng vũ lực để dẹp biểu tình nếu cần ; và,
- Tăng cường các nỗ lực hội nhập kinh tế và kết nối nhằm đưa Hong Kong vào quỹ đạo kinh tế của PRC.
Trả lời phỏng vấn của BBC Việt Ngữ hôm 13/8, giữa lúc có tin Trung Quốc đang chuyển quân tới khu vực biên giới với Hồng Kông, Adam Ni nói rằng tình hình hết sức cấp bách, và Bắc Kinh cùng giới biểu tình cần phải 'nhanh chóng thỏa hiệp khi còn có thể.'
Adam Ni : 'Người biểu tình và chính phủ cần phải thỏa hiệp ngay bây giờ trước khi tình hình leo thang thêm nữa, khiến cho thỏa hiệp là điều không còn có thể làm được'.
Adam Ni : Tình hình hiện giờ luôn luôn dao động và chúng ta khó có thể dự đoán hành động của người biểu tình. Chính sách "không lãnh đạo", "lỏng như nước" và kết nối mạng mà các cuộc biểu tình này được tổ chức khá là độc đáo.
Nhưng chiến lược của giới biểu tình có hiệu quả hay không phụ thuộc vào mục tiêu được đặt ra. Nếu thành công được đo lường bằng yêu cầu ban đầu là gỡ bỏ dự luật chống dẫn độ, thì họ đã thành công, mặc dù việc chính thức hủy bỏ dự luật chưa xảy ra.
Tuy vậy, người biểu tình đã không thành công với những yêu cầu rộng lớn hơn, năm yêu cầu chính được đưa ra trong những tuần gần đây. Tôi nghĩ rằng tình hình leo thang liên tục, mức độ gia tăng bạo lực của cảnh sát và sự can thiệp từ Bắc Kinh, nếu có, sẽ có thể thay đổi tình thế.
Một lần nữa, rất khó để dự đoán việc gì sẽ xảy ra ngoài việc nói rằng tôi không thấy hai bên sớm gặp nhau trong thời gian trước mắt, vì ở cấp độ cơ bản nhất có một sự mâu thuẫn : Bắc Kinh muốn khẳng định quyền kiểm soát với người Hong Kong và người dân Hong Kong thì đang chống lại điều này.
Một sự thỏa hiệp sẽ là điều cần thiết hoặc một trong hai bên phải nhượng bộ, nhưng hiện giờ chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều đó.
BBC : Nhiều người lo sợ rằng nếu tình trạng này tiếp tục, thảm sát tương tự như vụ Thiên An Môn năm 1989 không tránh khỏi. Ông nghĩ gì về việc Bắc Kinh có thể đưa quân đội đến Hong Kong để đè bẹp người biểu tình ? Và Trung Quốc sẽ phải trả giá cho hành động này thế nào, nếu điều đó xảy ra ?
Người biểu tình giơ cao biểu ngữ chống chính phủ tại sân bay quốc tế Hồng Kông trong ngày thứ năm liên tiếp cho đến tận chiều tối
Adam Ni : Vụ thảm sát Bắc Kinh năm 1989 diễn ra trong bối cảnh chính trị xã hội và thời điểm rất khác so với tình hình ở Hong Kong ngày nay. Bắc Kinh đã nhiều lần báo hiệu quyết tâm can thiệp bằng vũ lực và đàn áp các cuộc biểu tình nếu tình trạng này leo thang.
Theo tôi, đây sẽ là biện pháp cuối cùng của Bắc Kinh, khi giới lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy bất ổn liên tục ở Hong Kong gây nhiều bất lợi cho sự cai trị của họ hơn là cái giá họ phải trả cho một cuộc đàn áp đẫm máu. Tại một thời điểm nào đó, Bắc Kinh có thể đưa ra phán quyết rằng tình hình ở Hong Kong cần đến sự can thiệp của quân đội bất kể là cần phải trả giá ở mức nào, nhưng chúng ta hiện đang chưa ở thời điểm đó.
Ngoài ra ngày 1/10 là kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (PRC), đây là một ngày quan trọng. Bắc Kinh có muốn đánh dấu ngày lịch sử này bằng máu ? Tôi nghĩ là không. Tuy nói vậy, nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng nên thận trọng, không nên hoàn toàn loại bỏ trường hợp này.
BBC : Có hailối suy nghĩ, đó là sự gia tăng bạo lực của cảnh sát sẽ khiến người biểu tình cuối cùng phải phục tùng, và ngược lại, khi cảnh sát gia tăng bạo lựcthì người biểu tình sẽ trở nên bất chấp hơn. Ông nghĩ sao ?
Adam Ni : Tôi nghĩ rằng bạo lực cảnh sát nhiều hơn đơn giản sẽ khiến người dân Hong Kong phẫn nộ tức giận hơn, và tạo thêm sự ủng hộ của công chúng đối với người biểu tình. Cảnh sát sẽ phải sử dụng lực lượng áp đảo để phá vỡ ý chí và sự phản kháng của người biểu tình, và tôi không thấy họ có máu lạnh để làm điều đó. Thế nhưng lực lượng có vũ trang của Trung Quốc thì có.
BBC :Ông có nghĩ rằng các hoạt động tuyên truyền, thông tin sai lệch của Trung Quốc trong việc dán cho người biểu tình những nhãn như ''bạo loạn'' và thậm chí ''khủng bố'' đã gây được ảnh hưởng lên dư luận quốc tế và công chúng ?
Adam Ni : Đảng Cộng sản Trung Quốc đã rất thành công trong việc định hình và thao túng dư luận trong Trung Quốc đại lục. Nhưng bên ngoài đại lục, tuyên truyền của họ khá kém hiệu quả. Thông tin sai lạc, tuy nhiên, vẫn gây ra nhiều hết sức bất lợi. Tôi nghĩ mục tiêu chính của Bắc Kinh là tràn ngập môi trường truyền thông và làm loãng những tường trình vẽ nên hình ảnh tốt cho người biểu tình, và tạo ra nghi ngờ trong tâm trí mọi người. Đây là điều mà Trung Quốc đã ngày càng làm tốt hơn - kể câu chuyện theo phiên bản của mình.
BBC : Bài viết của ông nói rằng qua biện pháp trừng phạt, Trung Quốc đã cắt đứt một cách hiệu quả sự hỗ trợ cho người biểu tình như của công ty Cathay Pacific. Điều ông nói liên quan đến hỗ trợ về mặt tinh thần, nhưng về mặt tài chánh, ngoài việc gây quỹ trực tuyến rất thành công, người biểu tình còn có thể có nguồn tài trợ nào khác ?
Adam Ni : Tôi nghĩ nguồn hỗ trợ tài chánh của quần chúng là chiến lược tốt nhất cho người biểu tình. Lấy tiền từ chính phủ hay các tập đoàn nước ngoài sẽ làm suy yếu cách công chúng đánh giá về sự liêm chính của họ và cho Bắc Kinh vũ khí để đặt vấn đề về động cơ và ý định của người biểu tình.
Một người biểu tình ủng hộ dân chủ tại một cuộc biểu tình tại sân bay quốc tế của Hong Kong vào ngày 13/8/2019 bị cảnh sát bắn lựu đạn cay vào mặt làm mù một mắt
BBC : Cuối cùng thì xung đột theo ông sẽ được giải quyết như thế nào ? Ông có lời khuyên nào cho Bắc Kinh ?
Adam Ni : Bắc Kinh cần phải hiểu rằng không phải mọi thách thức đối với chính quyền của họ đều là điều bất lợi. Và trên thực tế, một phản ứng cứng rắn sẽ gây ra sự kháng cự mạnh hơn nữa khiến mọi việc cứ ở trong một vòng luẩn quẩn. Họ nên dừng chu kỳ này, trước hết bằng cách giảm bớt những lời cường điệu và giải quyết sự bất bình của người biểu tình.
Tất nhiên, Bắc Kinh sẽ không muốn bị coi là lùi bước vì sợ rằng sẽ bị cho là mềm yếu và điều đó sẽ làm phe biểu tình đưa ra nhiều yêu sách hơn nữa, nhưng Bắc Kinh cần phải nhận ra rằng con đường mà họ đang đi, áp dụng các chiến thuật hung hăng sẽ phản tác dụng, giống như chính sách của Trung Quốc trong quá khứ đã trực tiếp dẫn đến tình trạng bất ổn ngày hôm nay.
Nếu Bắc Kinh không muốn phải đối mặt với sự đối kháng dài hạn của người Hong Kong, thì họ cần phải giảm căng thẳng, thay vì gieo rắc thêm hạt giống cho những cuộc xung đột tương lai.
BBC : Về phía người biểu tình, ông khuyên họ nên làm gì ?
Adam Ni : Người biểu tình đang leo thang căng thẳng theo cách mà tôi nghĩ khiến cho công chúng khó có thể tiếp tục ủng hộ phong trào này trong thời gian dài.
Đời sống kinh tế và xã hội của Hong Kong ngày càng bị ảnh hưởng, và theo thời gian, điều này sẽ làm giảm sự ủng hộ của cộng đồng mà từ trước cho đến nay vẫn hỗ trợ các cuộc biểu tình. Người biểu tình cần gặp Chính phủ Hong Kong và Bắc Kinh ở một khoảng giữa.
Người biểu tình giơ cao bức tranh vẽ người phụ nữ bị bắn vào mắt trong lúc biểu tình.
Tôi biết nói điều này sẽ không làm cho bất cứ bên nào vui. Nhưng đó là điều cần phải được nói : Người biểu tình và chính phủ cần phải thỏa hiệp. Quá trình đó cần phải xảy ra ngay bây giờ trước khi tình hình leo thang thêm nữa, khiến cho thỏa hiệp là điều không còn có thể làm được, nếu điều đó chưa quá muộn.
Tina Hà Giang
******************
Bắc Kinh : Người biểu tình Hồng Kông hành xử như "khủng bố" (RFI, 14/08/2019)
Chính quyền Bắc kinh hôm nay, 14/08/19, ra thông cáo lên án người biểu tình tại Hồng Kông hành xử không khác gì "khủng bố".
Cảnh sát Hồng Kông đụng độ với người biểu tình chống chính quyền tại sân bay Hồng Kông ngày 13/08/2019. Reuters/Thomas Peter
Người biểu tình hôm qua, 13/08/19, tiếp tục chiếm đóng sân bay quốc tế Hồng Kông khiến hơn 300 chuyến bay bị hủy, sân bay phải đóng cửa. Theo hãng Reuters, cũng trong ngày hôm qua, 13/08/19, một nhóm người biểu tình đã bao vây, trói, và đánh đập hai người Trung Quốc, bị nghi là gián điệp của Bắc Kinh. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo khẳng định một trong hai người bị đánh là phóng viên của họ. Người còn lại được Bắc Kinh nhận là một dân thành phố Thâm Quyến tới Hồng Kông du lịch.
Bà Từ Lộ Dĩnh, phát ngôn viên Văn phòng phụ trách Hồng Kông và Macao, cho biết : "Chúng tôi muốn lên án mạnh mẽ các hành động như khủng bố này".
Bà cho rằng những hành động của người biểu tình "làm tổn hại hình ảnh thành phố Hồng Kông một cách nghiêm trọng", đồng thời yêu cầu là những "hành động phạm pháp này phải bị trừng trị theo đúng luật pháp".
Đã có thêm 5 người bị cảnh sát bắt giữ hôm nay, nâng con số người biểu tình bị bắt từ tháng 6 lên tới 600.
Một thông điệp tạ lỗi từ những người biểu tình được trưng bày tại sân bay Hồng Kông hôm nay, 14/08/19, cam kết để cho các hành khách được lên máy bay, hỗ trợ các nhân viên y tế và không cản trở công việc của giới báo chí.
Gia Hưng
****************
Bắc Kinh đổi chiến lược đối phó với biểu tình ở Hồng Kông (RFI, 13/08/2019)
Tuần thứ 10 liên tiếp của phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông được đánh dấu bằng những cuộc tập hợp ở nhiều nơi, bất chấp lệnh cấm của cảnh sát, đặc biệt là chiến dịch tọa kháng từ tối 09/08/2019 tại sân bay quốc tế Hồng Kông nhằm đánh động công luận quốc tế. Đỉnh điểm là sự kiện sân bay phải đóng cửa, hủy hàng trăm chuyến bay khi gần 5.000 người biểu tình đổ về đây vào ngày 12/08.
Người biểu tình vẫn/ tập trung đông đảo tại sân bay Hồng Kông ngày 13//08/2019. Reuters
Ý đồ của Bắc Kinh để cho phong trào tự tan rã dường như đã thất bại khi cuộc khủng hoảng ngày càng đi đến bế tắc. Bắc Kinh buộc phải thay đổi chiến lược, không còn coi đây là một "cuộc cách mạng màu", mà đã nâng thành "mầm mống khủng bố" khi nói về phong trào dân chủ Hồng Kông và mức độ bạo lực trong các vụ xô xát giữa cảnh sát và người biểu tình.
Chiến lược mới của Bắc Kinh có thể được tóm lược trong ba mặt trận. Trước tiên, trên lĩnh vực truyền thông, từ vài ngày nay, đặc biệt từ sau sự kiện sân bay Hồng Kông đóng cửa, các cơ quan truyền thông Nhà nước được tự do chỉ trích mạnh mẽ người biểu tình dân chủ Hồng Kông.
Từ "khủng bố", được phát ngôn viên Dương Quang (Yang Guang) của Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macao nêu lần đầu tiên trong cuộc họp báo chiều 12/08, đã được đài truyền hình CCTV nhắc lại đến ba lần trong bản tin thời sự cùng ngày. Hoàn Cầu Thời Báo tiếp tục đăng một đoạn video quảng bá các cuộc thao dượt của "cảnh sát vũ trang", dưới sự kiểm soát của quân đội Trung Quốc, "có vẻ đang diễn tập trên quy mô lớn" ở Thâm Quyến, giáp với Hồng Kông.
Tiếp theo, lực lượng cảnh sát chống bạo động ở Hồng Kông vừa được tăng cường thêm ba xe vòi rồng trị giá gần 3,4 triệu đô la mỗi chiếc. Theo phát biểu ngày 09/08 của bà Regina Ip, một lãnh đạo chính trị thân chính quyền trung ương, "Bắc Kinh đã bật đèn xanh cho chúng tôi để cảnh sát cứng rắn hơn nữa". Cảnh sát tiếp tục đàn áp phong trào dân chủ bằng lựu đạn hơi cay, đạn cao su và dường như nhận được sự tăng viện của an ninh Hoa lục.
Phương pháp thứ ba là đe dọa các doanh nghiệp, giới hoạt động nghệ thuật Hồng Kông, mà lợi ích kinh tế gắn liền với Hoa lục. Hãng hàng không Cathay Pacific là một ví dụ. Ngay khi Bắc Kinh yêu cầu hãng cấm những nhân viên tham gia biểu tình hôm 05/08 bay vào hoặc bay qua Hoa lục, tổng giám đốc của hãng đã phải đổi thái độ, y lệnh của Bắc Kinh với đe dọa kỷ luật, thậm chí sa thải những nhân viên tham gia biểu tình. Quyết định này là dễ hiểu vì gần một nửa doanh thu của Cathay Pacific là nhờ Trung Quốc. Ngoài ra hãng hàng không Air China chiếm 30% cổ phần của Cathay Pacific.
Nạn nhân thứ hai, bị Hoàn Cầu Thời Báo điểm mặt chỉ tên hôm 10/08, là trung tâm thương mại Harbour City, vì ban giám đốc đã hai lần để người biểu tình lấy cờ Trung Quốc. Đến tối 11/08, ông Peter Woo, chủ sở hữu trung tâm Harbourg City, đã nhanh chóng lên án "hành vi bạo lực bất hợp pháp, mang tính chất hăm dọa nhắm vào thường dân vì các mục đích chính trị".
Nếu không được Bắc Kinh bật đèn xanh, các cơ quan truyền thông Nhà nước sẽ không được tự do và dồn dập cảnh cáo người biểu tình Hồng Kông như vậy. Trả lời Le Monde (13/08), ông Sebastian Veg, giáo sư lịch sử Trung Quốc, trường Nghiên cứu về Xã hội Paris (EHESS), nhận định : "Loạt cảnh cáo này điển hình cho kiểu hoạt động của chính quyền Trung Quốc : một chỉ thị từ trung ương đưa xuống, ngay sau đó tất cả các cơ quan, tổ chức phải hành động theo đúng tinh thần của chỉ thị".
Trong bản tin của CCTV, người biểu tình Hồng Kông bị coi là những "kẻ nổi loạn", "bùn bẩn trong Lịch sử cần phải trút bỏ. Chúng ta có đủ tự tin và dũng cảm để gột rửa họ". Còn tờ Hoàn Cầu Thời Báo (phiên bản tiếng Trung) đe dọa : "Nếu những kẻ nổi loạn Hồng Kông không hiểu được thông điệp về việc cảnh sát vũ trang nhân dân tập hợp ở Thâm Quyến liệu, thì đúng là họ muốn hủy diệt".
Trung Quốc có biến những đe dọa đó thành hành động không ? Liệu Bắc Kinh quyết tâm "dọn sạch" Hồng Kông trước kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa 01/10/2019 ? Phát biểu ngày 13/08, đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga cảnh báo : "Bạo lực, dù là được sử dụng hay được khuyến khích, sẽ đẩy Hồng Kông vào con đường không thể thối lui". Tuy nhiên, cảnh sát càng trấn áp, người biểu tình càng chống đối bằng mọi cách. Hồng Kông có lẽ sẽ vẫn là cái vòng luẩn quẩn, chưa có lối thoát.
Thu Hằng
*******************
Hong Kong : Vì sao phe thân-Bắc Kinh đồn Joshua Wong là người 'gốc Việt' ? (BBC, 13/08/2019)
Nếu vô tình dạo quanh Weibo hay Twitter trong những ngày gần đây thì bạn rất có thể nhìn thấy những dòng bình luận gọi Joshua Wong, lãnh đạo phong trào sinh viên là "con khỉ Việt Nam".
Joshua Wong không phải là 'người gốc Việt'
Không chỉ Joshua (Hoàng Chi Phong), mà nhiều nhà hoạt động Hong Kong như Deniso Ho, Claudia Mo, Agnes Chow đang bị nhóm thân Bắc Kinh 'đồn thổi' có gốc gác Việt Nam.
Những cụm từ mang tính kỳ thị sắc tộc này thực ra đã xuất hiện từ 2014, khi phong trào Chiếm lĩnh Trung hoàn (Occupy Central) hay được biết đến là phong trào Dù vàng bùng nổ ở Hong Kong, và Joshua Wong là một nhân vật chủ chốt.
Ảnh chụp màn hình từ một diễn đàn Trung Quốc từ 12/9/2014 cho thấy một người cho rằng mẹ của Joshua Wong, bà Grace Ng, có họ "giống với họ Nguyễn hoặc Ngô của Việt Nam".
Thông tin này đang được lan truyền trên mạng xã hội
"Ng là dạng viết ngắn của Nguyễn và Ngô… nếu như giả thuyết của tôi là đúng thì mẹ của Wong là gốc Việt. Điều này có nghĩa Wong có nửa dòng máu Việt Nam.''
"Và nếu điều này đúng thì Joshua Wong và mẹ anh ta có khả năng cao là thuộc về một tổ chức chính phủ do Mỹ hậu thuẫn 'Việt Tân'".
Bài đăng này cho rằng bố mẹ của bà Ng, tức ông bà ngoại của Wong là người Việt Nam tỵ nạn sang Hong Kong sau chiến tranh Việt Nam.
Người này nói truyền thông Việt Nam đưa tin tổ chức Việt Tân là kẻ đứng đằng sau các cuộc biểu tình chống chính quyền ở Việt Nam, phá hoại quan hệ Việt-Trung, kiểm soát phong trào Chiếm lĩnh Trung hoàn với mong muốn "khiến Trung Quốc hỗn loạn".
Hình ảnh giờ lại được lan truyền trên Twitter và Weibo, kèm theo nhiều thông tin cáo buộc khác.
Joshua Wong nói gì ?
Joshua Wong không đưa ra phản hồi chính thức về tin đồn này. Tuy nhiên Deniso Ho đã đăng lên Facebook của cô hôm 10/8 một cách châm chọc rằng :
"Tin đồn là tôi tự nhiên trở thành một người Trung gốc Việt…" với những dòng hashtag mỉa mai như "#Quá nhiều dấu hỏi #Tôi thật ra cũng thích bánh mì Việt Nam và #HoChiMinh không phải là nơi tôi sinh ra"
Phản hồi lại dòng trạng thái này của Denise Ho, Joshua Wong viết : "Tôi cũng không hiểu vì sao tôi lại trở thành người gốc Việt…".
Trả lời BBC hôm 13/8, Jeffrey Ngo, nghiên cứu sinh về người tỵ nạn Việt Nam ở Hong Kong, và đồng thời là thành viên của Demosisto và là người phụ trách tài khoản Facebook của Joshua Wong nói :
"Đây là những lời sỉ nhục mang tính phân biệt chủng tộc của những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc" - ám chỉ cụm từ 'con khỉ Việt Nam'.
Ngo không nghĩ việc đồn thổi những lãnh đạo biểu tình là người gốc Việt là một động thái có tính toán.
"Tôi nghĩ hầu hết họ là trolls (những kẻ quấy phá), mục đích của họ không phải làm ảnh hưởng đến phong trào mà chỉ khiến nhiều người tức giận. Tôi không nghĩ chính bản thân họ tin những gì họ nói".
"Một kiểu tự thương hại trước phương Tây, nhưng lại tự cao tự đại trước những nước Đông Nam Á", Ngo nói.
Lời đồn thành trò hề
Trên thực tế, họ Nguyễn hay Ngô của Việt Nam không có quy định viết tắt thành "Ng" khi chuyển sang tiếng Anh.
Và những thông tin do phe thân Bắc Kinh đồn thổi đến giờ vẫn không có cơ sở, và dần trở thành trò cười trên mạng xã hội trong giới hoạt động và nghiên cứu.
Phóng viên Cho Wai Lam của BBC Tiếng Trung bình luận về hiện tượng này :
"Trung Quốc không có tự do báo chí và tự do ngôn luận. Họ kiểm soát người dân bằng các loại thông tin khác nhau. Gần đây, nhiều tin tức giả mạo đã được tìm thấy trên mạng xã hội. Hầu hết các bài viết tìm cách liên kết người biểu tình với nước ngoài để chứng minh rằng phong trào đó được kích động bởi sự can thiệp của nước ngoài. Nó nhắm mục tiêu các nhóm ít học, những người ít nhạy cảm với tin tức đáng tin cậy".
"Tuy nhiên, tuyên truyền như vậy chỉ thu hút cư dân mạng đại lục, chứ không thu hút được công chúng Hong Kong".
Anh Lam dẫn chứng một cuộc khảo sát do Đại học Trung Hoa ở Hong Kong thực hiện, người Hong Kong tin rằng lãnh đạo Carrie Lam, lực lượng cảnh sát và chính phủ Bắc Kinh là thủ phạm chính của cuộc khủng hoảng này, và "lực lượng nước ngoài" được xếp hạng là khả năng thấp nhất.
Thùy Linh
*******************
Biểu tình mới tại Sân bay Hong Kong vào khi lãnh đạo cảnh báo không có đường lui (RFA, 13/08/2019)
Những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hong Kong vào ngày 13 tháng 8 tiếp tục đến sân bay khiến hoạt động tiếp tục bị xáo trộn sau một ngày xảy ra tình trạng hủy chuyến chưa từng có ở Hong Kong.
Người biểu tình dùng xe đẫy tạo thành chướng ngại vật ở sân bay Hong Kong ngày 13/8/2019 - AFP
AFP loan tin với nhận định người biểu tình ủng hộ dân chủ thách thức cảnh báo của Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga về viễn cảnh không có đường lui.
Vào sáng ngày 13 tháng 8, Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga lại tổ chức họp báo và trong cuộc họp báo một số lần xúc động khi đưa ra cảnh báo về những hậu quả nguy hiểm của tình trạng bạo lực leo thang không thể kiềm chế.
Theo lời của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga thì bạo lực cho dù đó là sử dụng hay dung thứ bạo lực đều sẽ đẩy Hong Kong đi theo con đường không có lối lui trở lại.
Bà ngày cho rằng tình hình Hong Kong trong tuần qua khiến bà lo rằng đã đến mức độ nguy hiểm.
Tuy nhiên chỉ sau mấy giờ cuộc họp báo được tổ chức, hằng ngàn người biểu tình ủng hộ dân chủ trở lại sân bay Hong Kong. Nhiêu người biểu tình ngồi trước cổng an ninh và sảnh đi của sân bay. Một số sử dụng xe đẩy hành lý lập thành phòng tuyến chướng ngại vật tại khu vực an ninh, chặn những hành khách muốc vượt qua.
Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu ‘Đứng về phía Hong Kong. Đứng về phía Tự do.’ Ngoài ra có người biểu tình viết lên tường câu ‘mắt đền mắt’. Điều này nhắc đến vụ một người biểu tình bị cảnh sát bắn đạn cao su trúng vào mắt và có thể bị mù.
Cuộc biểu tình mới cũng diễn ra vào khi Bắc Kinh đưa ra thêm những dấu chỉ báo điềm xấu nữa yêu cầu đợt biểu tình kéo dài 10 tuần lễ qua phải chấm dứt.
Vào ngày 12 tháng 8, giới chức Bắc Kinh cáo buộc những người biểu tình là ném bom xăng vào cảnh sát là dạng ‘khủng bố’.
Truyền thông Nhà nước Hoa Lục vào ngày 13 tháng 8 tiếp tục nặng lời với những ngưởi ủng hộ dân chủ tại Hong Kong cho rằng đó là những ‘tội phạm’. Tân Hoa Xã đưa ra cảnh báo là những người biểu tình cực đoan bạo động đang đẩy Hong Kong xuống vực thẳm.
Trong một video đăng trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, phát hình viên của kênh CCTV đọc lời cảnh báo "Khi đối phó với bạo lực, không có bàn tay mềm".
********************
Hồng Kông : Sân bay vẫn bị rối loạn do biểu tình (RFI, 13/08/2019)
Sau khi bị tê liệt hôm qua do bị hàng ngàn người biểu tình chiếm đóng, hôm 13/08/2019 sân bay Hồng Kông đã mở cửa trở lại, nhưng vài giờ sau đó, một phát ngôn viên sân bay thông báo mọi thủ tục chuyến bay đều bị đình chỉ. Tuy vậy, vẫn có một số chuyến bay đến và đi.
Biểu tình tại Sân Bay Quốc tế Hồng Kông, ngày 12/08/2019. Reuters/Thomas Peter
Sau khi rút đi vào khoảng 1 giờ đêm, một số người biểu tình đã quay lại sân bay Hồng Kông. Hôm qua, hàng nghìn người đã tràn vào sân bay nhằm phản đối hành vi đàn áp biểu tình của cảnh sát, khiến một cô gái trẻ bị thương. Từ Hồng Kông, đặc phái viên Christophe Paget tường trình :
"Hôm nay, hơn 300 chuyến bay tiếp tục bị hủy dù đoàn người biểu tình gần như rút khỏi sân bay vào khoảng 1 giờ sáng nay. Một vài người tuyên bố sẽ quay trở lại, vài người khác giải thích họ phải quay lại làm việc.
Sáng sớm nay, cảnh sát Hồng Kông đã tổ chức họp báo để giải trình vụ bạo động cuối tuần qua. Không có gì chứng minh cô gái trẻ đó đã bị cảnh sát dùng vũ lực nên bị thương cả, có thể đó là cuộc va chạm giữa những người biểu tình. Sở cảnh sát sẽ xem xét lại hình ảnh những người cảnh sát đã lục soát và thu giữ vật cấm trong túi xách của người biểu tình. Sở cảnh sát cho biết sẽ không sử dụng hơi cay đã hết hạn sử dụng mà người biểu tình đã tố cáo nữa, nhưng dù sao thì khí này cũng không độc lại, theo lời của phó cảnh sát trưởng Tang Ping-Keung. Theo ông, cảnh sát đã dùng hơi cay đúng luật tại một bến tàu điện ngầm hôm chủ nhật, bởi đây không phải là một khu vực kín.
Ngay trước đó, cảnh sát đã giới thiệu cho báo chí những xe vòi rồng mới. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế kêu gọi cảnh sát nước này phải hết sức thận trọng trong việc sử dụng vòi rồng, nhắc lại việc một người biểu tình ở Hàn Quốc đã thiệt mạng cách đây 4 năm.
Sáng nay, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố : "Bạo lực, dù là được sử dụng hay được khuyến khích sẽ đẩy Hồng Kông vào con đường không thể thối lui. Theo lãnh đạo hành pháp Hồng Kông, bạo lực này chính là đến từ những người biểu tình".
Người dân Hồng Kông lên án bạo lực cảnh sát
Tại sân bay quốc tế Hồng Kông hôm qua, đặc phái viên Christophe Paget cũng đã trò chuyện với Jeff, một trong những người tham gia tọa kháng :
"Trên đường về nhà, tôi đã chứng kiến một người phụ nữ biểu tình bị bắn đạn cao su vào mắt. Đối với tôi, thì đây gần như một vụ ám sát, vì cô ta bị nhắm bắn vào đầu. Hơn nữa, vụ việc này xảy ra trong một bến tàu hỏa, và điều này là bất hợp pháp. Người biểu tình như chúng tôi không có nơi nào để phản đối, vì mọi cơ quan Nhà nước đều như nhau cả.
Người Hồng Kông dường như đã không còn hy vọng. Và đây là lý do chúng tôi phải làm điều này. Sân bay là một địa điểm có tính quốc tế để chúng tôi cho thế giới biết chuyện gì đang xảy ra tại Hồng Kông.
Tôi là một nhạc sỹ. Đây là một trong những lý do khiến tôi phản đối luật dẫn độ. Bởi vì nếu như tôi muốn nói lên suy nghĩ trong các tác phẩm của mình, sẽ có lúc tôi có những thông điệp mang tính chính trị. Và sẽ có lúc chính quyền Trung Quốc không thích điều tôi nói. Vậy nếu như dự thảo luật này được thông qua, thì họ có thể dùng đạo luật này để cáo buộc rằng những điều bạn nói là vi phạm luật pháp. Và tôi không tin vào Trung Quốc. Tôi nghĩ là hầu hết mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, cũng như vậy. Bởi vì bây giờ, với internet, chúng tôi có rất nhiều thông tin, chúng tôi có thể thấy mọi thứ.
Thế hệ trẻ bây giờ muốn đấu tranh bảo vệ nhân quyền, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do nói chung, nền dân chủ, hay bất cứ điều gì mà người dân trong một thành phố văn minh muốn bảo vệ".
Gia Hưng
********************
Bắc Kinh lên giọng với người biểu tình Hồng Kông (RFI, 13/08/2019)
Vào lúc sân bay quốc tế Hồng Kông bị tê liệt hôm 12/08/2019 vì gần 5.000 người tọa kháng, lần đầu tiên, chính quyền Bắc Kinh lên án hành động của người biểu tình là "mầm mống khủng bố".
Phát ngôn viên Dương Quang (Yang Guang), Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macao họp báo, Bắc Kinh, 12/08/2019. AFP Photos/STR
Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :
"Lời lẽ cáo buộc nghiêm trọng hơn một nấc, với ngôn từ tỏ rõ thái độ cứng rắn của chính quyền Trung Quốc đối với người biểu tình.
Phát biểu trước truyền thông Trung Quốc chiều thứ Hai (12/08), phát ngôn viên Dương Quang (Yang Guang) của Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macao, nhấn mạnh : "Điều mà người biểu tình đã làm (hôm 11/08) là điên rồ", nhiều hành động có thể được coi là dấu hiệu "mầm mống khủng bố"
Các phóng viên nước ngoài không được mời đến buổi họp báo trên, chỉ một nhóm nhỏ nhà báo Hồng Kông được tham dự.
Đối với ông Dương Quang, tình trạng bạo lực ở Hồng Kông phải chấm dứt ngay lập tức. Ông phát biểu : "Phải bền bỉ đấu tranh chống kiểu tội phạm này, không khoan dung và đúng theo luật pháp. Chúng tôi ủng hộ cảnh sát Hồng Kông và chúng tôi hy vọng rằng những cá nhân gây ra các hành động này phải nhanh chóng bị đưa ra xét xử. Đặc khu hành chính đang trải qua giai đoạn nguy kịch. Những người ủng hộ vận mệnh của đặc khu phải lên án những người biểu tình cực đoan. Phải nhanh chóng lập lại ổn định".
Tại buổi họp báo lần thứ ba, trong vòng hai tháng biểu tình, của Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macao, phóng viên không được phép đặt câu hỏi.
Từ tối Chủ Nhật (11/08), truyền thông Nhà nước liên tục chiếu hình ảnh một nhân viên cảnh sát bị cháy vì bị ném bom xăng. Dường như võng mạc của 12 cảnh sát Hồng Kông bị ảnh hưởng vì bị người biểu tình chiếu laser, một người khác có lẽ bị thương ở cấp độ 2.
Trong khi đó, hình ảnh người biểu tình bị thương thì bị kiểm duyệt tuyệt đối trên báo chí Hoa lục".
Không dừng ở việc lên án, chính quyền Bắc Kinh gia tăng mức độ răn đe khi điều động quân đến khu vực tiếp giáp với Hồng Kông. Ngày 12/08, nhiều cơ quan truyền thông Trung Quốc đăng hình ảnh một đoàn dài nhiều xe bọc thép chở lính và nhiều xe tăng trên quốc lộ dẫn đến thành phố Thâm Quyến. Trong đoạn video đăng trên mạng Twitter, tờ Nhân dân Nhật báo cho biết đoàn xe trên đến Thâm Quyến để thao dượt.
Hoa Kỳ và Canada đã lên tiếng sau khi sân bay quốc tế Hồng Kông phải đưa ra quyết định hy hữu đóng cửa sân bay và hủy nhiều chuyến bay đi và đến. Một quan chức cao cấp của Mỹ đã kêu gọi "các bên kiềm chế mọi hình thức vũ lực", tôn trọng "những quan điểm chính trị khác nhau". Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 12/08 cho biết "quan ngại sâu sắc" về tình hình ở Hồng Kông, đồng thời kêu gọi chính quyền Trung Quốc "thận trọng" và "tôn trọng" những yêu cầu của người biểu tình.
Thu Hằng
Hồng Kông : Bắc Kinh vừa dọa, vừa lo
La Croix tiếp tục với biến động Hồng Kông qua bài "Cái bóng Bắc Kinh lơ lửng trên bầu trời Hồng Kông". Tờ báo trở lại sự kiện lần đầu tiên kể từ đầu phong trào phản kháng ở Hồng Kông, các phát ngôn viên của Bắc Kinh tổ chức họp báo hôm 29/07 để lên án bạo lực trong các cuộc biểu tình.
Thanh niên Hồng Kông, xiềng tay vào nhau, biểu tình trước một trụ sở Trung Quốc ở Hồng Kông, ngày 8/6/2019. ©REUTERS/Tyrone Siu
La Croix ghi nhận phản ứng có thể được coi là ôn hòa đó không che được sức ép ngày càng mạnh của chế độ cộng sản nhằm kiềm chế phong trào phản kháng ở vùng đất bán tự trị. Một ngày sau khi Bắc Kinh lên tiếng, 44 người biểu tình bị truy tố vì tham gia vào các cuộc bạo động. Họ có nguy cơ phải lĩnh án 10 năm tù.
Tờ báo trích dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia về sự kiện này. Antoine Bondaz, Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp (FRS), nhận định : "Bắc Kinh buộc phải có phản ứng. Trước hết để không tạo cảm giác họ không quan tâm đến tình hình, tiếp đó là để khẳng định lại tính chính đáng cho chính quyền Hồng Kông và cuối cùng là để tìm cách làm mất uy tín của phong trào".
Những diễn biến, như đưa xã hội đen tấn công thô bạo người biểu tình, đe dọa đưa quân đội vào trấn áp và nhất là dùng vũ lực cấm biểu tình hôm Chủ Nhật..., đều cho thấy có bàn tay chi phối của đảng Cộng Sản trong công việc nội bộ của vùng đất bán tự trị này.
Một động thái khác được La Croix nêu ra đó là việc Bắc Kinh công bố Sách trắng Quốc Phòng hôm 24/7 nhắm tới cuộc chiến chống ly khai và bảo vệ thống nhất đất nước. Dù trường hợp Hồng Kông không được nêu ra, nhưng thông điệp rõ ràng : ly khai là làn ranh đỏ mà Bắc Kinh đã vạch ra không được vượt qua.
Bắc Kinh dọa, nhưng lo
Theo La Croix, đối với Bắc Kinh, thách thức bây giờ là phải làm sao quản lý được một thế hệ mới ở Hồng Kông có ý thức chính trị hơn, cách thức đấu tranh không còn thụ động nữa.Thế hệ mới quyết tâm hơn bao giờ hết bảo vệ quyền tự trị của mình. Họ không còn sợ hãi nữa, mà thay vào đó là phẫn nộ, Bắc Kinh càng đe dọa thì càng làm nỗi bất bình của họ thêm sâu sắc.
Tập Cận Bình : Tham vọng và quyền lực
Vẫn là chủ đề Trung Quốc. Nhật báo Le Monde hôm nay tiếp tục với bài viết thứ 2 trong loạt 6 bài viết về chủ tịch Trung Quốc với tiêu đề : "Tập Cận Bình, một số phận Trung Hoa".
Bài viết của Le Monde phần này dành nói về người cha của Tập Cận Bình, ông Tập Trọng Huân (1913-2002), một công thần của chế độ Mao, nhưng cũng là nạn nhân của Cách mạng Văn hóa, bị các đồng chí của mình cho ngồi tù nhiều năm, bị vu tội muốn hạ bệ Mao.
Cùng chủ đề này, xã luận của Le Monde chạy tựa : "Tập Cận Bình : Quyền lực và tham vọng" . Gần đây báo chí phương Tây vẫn gắn cho chủ tịch Trung Quốc những biệt danh như "Hoàng đế đỏ" hay "Người cầm lái mới". Theo Le Monde, đó không chỉ là ngôn từ báo chí, mà nó thể hiện một dạng tham vọng và quyền lực đã vắng bóng ở Trung Quốc thời kỳ hậu Mao, từ nửa thế kỷ nay.
Xã luận báo Le Monde tóm tắt : "Tập Cận Bình là phiên bản Người cộng sản Trung Quốc với hội chứng của người có quyền lực, dân túy và dân tộc chủ nghĩa". Từ khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã xây dựng một hệ thống chính trị Trung Quốc cứng rắn đáng sợ. Chính dưới thời Tập Cận Bình mới xuất hiện phong trào phản kháng rúng động Hồng Kông. Sau phong trào Dù Vàng, giờ đến lượt thế hệ trẻ ở đặc khu này đồng loạt nổi dậy chống lại Bắc Kinh. Le Monde nhận xét : "Trung Quốc của Tập Cận Bình là hiện thân của sự tụt hậu". Bài báo viết : "Con rồng Trung Hoa giờ trông gớm ghiếc đến nỗi mà con chim Hoàng yến Hồng Kông hoảng loạn cố thoát khỏi các song chắn của chiếc lồng".
Xã luận Le Monde nhấn mạnh rằng sự trỗi dậy của cường quốc Trung Hoa càng tạo điều kiện cho các liên kết địa chính trị chống lại Trung Quốc. Bằng chứng là liên minh Ấn Độ -Thái Bình Dương đang hình thành. Ở bên Châu Mỹ, Donald Trump sẵn sàng tìm mọi cách ngăn cản ý đồ vươn lên thành siêu cường của Trung Quốc.
Bên trong nước, không có tự do ngôn luận, đối lập, Tập Cận Bình chỉ phải đối đầu với các hình thức lật đổ âm thầm. Điều này có thể sẽ sinh ra cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt khi vấn đề kế nhiệm ông được đặt ra, Le Monde kết luận.
Brexit : Anh chuẩn bị ra đi không thỏa thuận
Về thời sự Châu Âu, Brexit vẫn nguyên trạng bế tắc, nhưng kể từ khi ông Boris Johnson lên làm thủ tướng Anh, Brexit lại nổi lên viễn cảnh nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu không thỏa thuận (No deal).
Nhật báo Le Monde chạy tựa trang nhất "Brexit : Boris Johnson trên đường hướng tới "no deal". Tờ báo ghi nhận, "tân thủ tướng Anh đang đẩy mạnh các chuẩn bị để ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu không cần thỏa thuận". Được chỉ định làm thủ tướng Anh cách đây 6 ngày, đến lúc này ông Boris Johnson không hề tính đến chuyện thương lượng với Châu Âu mà còn liên tiếp lên gân.
Nội các của ông đã thành lập một ủy ban chuẩn bị khẩn cấp cho việc rời EU không thỏa thuận. Bộ phận này họp hàng ngày, trong khi đó giới chủ ở Anh đầu tuần này cảnh báo cả EU cũng như Vương quốc Anh đều chưa sẵn sàng cho cuộc chia tay và tác động trước mắt với họ sẽ rất mạnh.
Một loạt các công ty lớn đã ngỏ ý định đóng cửa nhà máy ở Anh Quốc, phòng trường hợp Brexit không thỏa thuận. Còn tân thủ tướng Boris Johnson hôm thứ Hai đã bắt đầu vòng công du xứ Scotland, Bắc Ireland của Liên hiệp Vương quốc Anh để thăm dò khả năng chia tay. Ngay chặng đầu tiên đến Scotland, ý đồ của ông Johnson đưa nước Anh ra đi không thỏa thuận đã vấp phải sự chống đối mạnh mẽ. Một cuộc chia tay không thỏa thuận có nguy cơ làm tan vỡ khối thống nhất Vương quốc Anh. Scotland có thể sẽ đòi độc lập để được ở lại với Liên Hiệp Châu Âu.
Xã luận nhật báo công giáo La Croix nhấn mạnh : "Boris Johnson có vẻ như đang dẫn Vương quốc Anh tới Brexit không thỏa thuận. Giả thuyết này sẽ phải trả giá rất đắt. Trước tiên là người Anh, rồi sau đó đến tất cả các nước trong Liên Hiệp Châu Âu".
Đó là lối thoát mà nhiều năm đàm phán và bao đêm thảo luận ở Bruxelles đã cố tránh. Còn ba tháng nữa là đến hạn ra đi ngày 31/10, những người chủ trương Brexit ở Anh vẫn cố tìm cách rút bớt chi phí bằng cách trương ra viễn ảnh ra đi không thỏa thuận.
La Croix kết luận, trong trường hợp ra đi không thỏa thuận, thủ tướng Anh có thể sẽ đoạn tuyệt với Châu Âu. Nhưng những rắc rối chắc chắn sẽ bắt đầu với Vương quốc Anh".
Pháp : Khoa học và quốc phòng viễn tưởng
Vẫn trên La Croix, trang nước Pháp có bài mang tựa đề khá hấp dẫn : "Quân đội Pháp tuyển dụng các tác giả khoa học viễn tưởng"
Nhật báo công giáo cho biết Cơ quan Sáng chế Quốc phòng, thuộc bộ Quân lực Pháp, dự trù sẽ cộng tác với một nhóm tác giả, họa sĩ truyện khoa học giả tưởng và các nhà tương lai học. Mục đích là để ứng phó với các "đe dọa trong tương lai".
Theo La Croix, chuẩn bị cho điều không tưởng và vượt qua giới hạn của trí tưởng tượng, đó là mục tiêu của Bộ Quân lực ấn định cho nhóm mang tên gọi "Red Team", gồm khoảng từ 4 đến 5 người. Họ có nhiệm vụ xây dựng các kịch bản viễn tưởng giúp cho các chuyên gia quân sự, vốn là những người không giàu trí tưởng tượng, chuẩn bị các tình huống quân sự trong tương lai, đưa ra những quyết định về phát triển quốc phòng hoặc gợi mở những hướng phát triển công nghệ tương lai cho quốc phòng.
Đây là một dự án nghiêm túc, bắt nguồn từ ý tưởng của giám đốc Cơ quan Sáng chế Quốc phòng (AID), ông Emmanuel Chiva, một người say mê với khoa học viễn tưởng. AID bắt xét tuyển các ứng viên đầu tháng 9 tới, nhưng từ giờ cơ quan đã nhận được rất nhiều hồ sơ lý lịch của những người muốn dự tuyển.
Ông Chiva cho biết ý tưởng của Pháp, tuy là độc nhất ở Châu Âu, nhưng Mỹ đã có từ lâu rồi. Vẫn ở Mỹ, một ủy ban quốc gia về vụ khủng bố 11/9/2001 đã nhận định trong báo cáo 2004 rằng, các vụ tấn công khủng bố này cho thấy các cơ quan chức năng Mỹ "thiếu trí tưởng tượng". Ủy ban này kêu gọi cần phải "tạo các thiết chế để phát triển trí tưởng tượng".
Anh Vũ