Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

18/05/2020

Hoa Vi trả giá cho tranh chấp Mỹ - Trung

RFI tổng hợp

Mỹ tiếp tục trừng phạt Hoa Vi : Bắc Kinh đáp trả cứng rắn (RFI, 18/05/2020)

Quan hệ Mỹ-Trung đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Cuối tuần trước, Washington thông báo một loạt biện pháp mới trừng phạt tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi, bị cáo buộc làm gián điệp cho Bắc Kinh. Hôm qua, 17/05/2020, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả, tố cáo Mỹ "đe dọa dây chuyền sản xuất và cung ứng toàn cầu" và hứa hẹn trả đũa.

hoavi1

Logo của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi. Reuters/Aly Song

Tờ Global Times, ấn bản Anh ngữ của Hoàn Cầu Thời Báo, đại diện cho quan điểm cứng rắn trong chính quyền Trung Quốc, hôm qua cho biết, theo một nguồn tin từ chính phủ Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ có thể trả đũa bằng cách áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với doanh nghiệp Mỹ thuộc các tập đoàn Qualcomm, Cisco và Apple, hoạt động tại Trung Quốc, hay đình chỉ đặt mua phi cơ Boeing của Mỹ.

Thông tín viên Simon Leplâtre từ Thượng Hải cho biết thêm :

« Một lần nữa tranh chấp liên quan đến Hoa Vi lại được làm sống dậy: Trong lúc hai chính quyền Mỹ và Trung Quốc, bị dịch Covid-19 làm chao đảo, gán cho nhau mọi tội lỗi, trong tuần qua Washington lại một lần nữa tấn công tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi.

Các biện pháp mới nhất mà chính quyền Trump đưa ra có thể cản trở Hoa Vi đặt hàng các linh kiện điện tử tân tiến nhất, được sản xuất tại các nhà máy tốt nhất thế giới. Tương lai của tập đoàn viễn thông số một thế giới bị đe dọa.

Hôm qua, 17/05, ngoại trưởng Trung Quốc đã đáp trả với cảnh báo: ‘Chính phủ Trung Quốc sẽ cương quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc. Thông điệp của lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết thêm là các biện pháp của chính quyền Trump ‘‘đang hủy hoại các dây chuyền sản xuất, cung ứng và giá trị toàn cầu’’.

Có một điểm mà Bắc Kinh có thể dùng để phản công Mỹ. Hiện tại Trung Quốc từ chối trừng phạt các doanh nghiệp Mỹ sản xuất tại Trung Quốc, do sợ sẽ kích động làn sóng di dời doanh nghiệp khỏi Trung Quốc, thế nhưng nếu như quan hệ song phương chuyển sang Chiến Tranh Lạnh, đến lượt các đại tập đoàn đa quốc gia của Mỹ như Apple có thể sẽ phải chịu các áp lực từ Bắc Kinh". 

Tập đoàn điện tử Đài Loan "ngừng cấp hàng" cho Hoa Vi

Theo báo Nhật Nikkei Asian Review, hôm 18/05, tập đoàn TSMC của Đài Loan, đứng đầu thế giới về chíp bán dẫn, được sử dụng nhiều trong điện thoại di động, máy vi tính, đã không còn nằm trong danh sách các nhà cung cấp của Hoa Vi. Tập đoàn Đài Loan nói trên là một trong các đối tượng hàng đầu của các biện pháp siết chặt của Mỹ nhắm vào Hoa Vi. TSMC vốn là một nhà cung cấp linh kiện bán dẫn hàng đầu cho tập đoàn Trung Quốc. 

Ngày 15/05, một hôm trước khi chính quyền Mỹ ban hành loạt biện pháp mới với Hoa Vi, tập đoàn Đài Loan TSMC thông báo đầu tư 12 tỉ đô la, từ 2021 đến 2029, để xây dựng một cơ sở sản xuất trên đất Mỹ. TSMC nhận được các trợ giúp của Washington để xây dựng cơ sở tại Hoa Kỳ. Việc TSMC xây nhà máy tại Mỹ nằm trong kế hoạch của chính quyền Trump tái bố trí các cơ sở công nghệ cao trên đất Mỹ, giảm mạnh sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trọng Thành

***************

Mỹ tăng cường giám sát tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi (RFI, 16/05/2020)

Hôm 15/05/2020, Washington thông báo một loạt biện pháp mới để giám sát chặt chẽ hơn nữa tập đoàn Hoa Vi. Tập đoàn viễn thông Trung Quốc bị chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump coi là hoạt động vì lợi ích của chế độ Bắc Kinh và một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

hoavi2

Tập đoàn Hoa Vi Trung Quốc bị nhiều quốc gia nghì ngờ là con ngựa thành Troy của Bắc Kinh. Ảnh minh họa : Biểu tượng của Hoa VI. AFP/File

Sáng sớm hôm 15/5, Bộ Thương mại Mỹ thông báo biện pháp nhằm ngăn cản khả năng Hoa Vi phát triển các thiết bị bán dẫn ở nước ngoài nhờ vào công nghệ của Mỹ. Bộ Thương Mại Mỹ tố cáo Hoa Vi đã lách các lệnh cấm mà Mỹ ban hành hồi năm 2019, theo đó các doanh nghiệp phải có giấy phép của Washington thì mới được xuất sản phẩm của Mỹ cho Hoa Vi và 114 công ty con của tập đoàn này. Theo Washington, bất chấp lệnh cấm của Mỹ, Hoa Vi vẫn tiếp tục sử dụng các chương trình tin học và công nghệ của Mỹ để phát triển thiết bị bán dẫn.

Chính phủ Mỹ đặt ra thời hạn 120 ngày, kể từ thứ Sáu 15/05, để áp dụng các biện pháp mới. Như vậy là các doanh nghiệp nước ngoài dùng công nghệ của Mỹ để sản xuất thiết bị bán dẫn cho Hoa Vi và các công ty con của tập đoàn Trung Quốc còn thời hạn 120 ngày để giao cho Hoa Vi những thiết bị bán dẫn mà họ đã sản xuất.

Để đáp trả, chính quyền Bắc Kinh kêu gọi Mỹ chấm dứt "cuộc đàn áp phi lý nhắm vào tập đoàn Hoa Vi và các doanh nghiệp Trung Quốc". Trong một thông cáo phát ngày hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố : "Chính phủ Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc" và nhấn mạnh là chính sách của chính quyền Trump đã phá hủy các dây chuyền sản xuất và cung ứng của toàn thế giới.

Bắc Kinh đòi Mỹ trả nợ Liên Hiệp Quốc

Cũng trong ngày 15/05, Trung Quốc đề nghị các thành viên Liên Hiệp Quốc hoàn thành các nghĩa vụ đóng góp tài chính cho định chế quốc tế này. Thông cáo của phái bộ Bắc Kinh tại Liên Hiệp Quốc nêu đích danh Hoa Kỳ, theo đó Mỹ là nước nợ Liên Hiệp Quốc nhiều tiền nhất : sau nhiều năm, số tiền Mỹ nợ Liên Hiệp Quốc đã lên đến 1.116 tỉ đô la cho ngân sách hoạt động của định chế và 1.332 tỉ đô la cho các chiến dịch hòa bình.

Số tiền nợ mà Bắc Kinh nêu trên đã bị Mỹ bác bỏ. Chẳng hạn, về ngân sách đóng góp cho các chiến dịch hòa bình, phát ngôn viên phái bộ Mỹ nói Washington chỉ còn nợ 888 triệu đô la. Đại diện phái bộ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cho rằng Bắc Kinh một lần nữa tìm cách đánh lạc hướng dư luận thế giới về việc che giấu và quản lý yếu kém cuộc khủng hoảng Covid-19.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 577 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)