Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

24/01/2019

Điểm báo Pháp - Hoa Vi trong tầm ngắm của chính phủ Pháp

RFI tiếng Việt

Hoa Vi trong tầm ngắm của chính phủ Pháp

Theo Le Monde, số đề ngày 24/01/2019, nay đến lượt nước Pháp cũng nghi ngại tập đoàn Hoa Vi của Trung Quốc, vào lúc Paris muốn tăng cường kiểm soát các thiết bị viễn thông sử dụng cho mạng điện thoại di động 5G.

hoavi1

Quảng cáo điện thoại Hoa Vi ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 06/12/2018. Reuters/Aly Song

Le Monde cho biết, sau khi đã chính thức bị gạt ra khỏi thị trường Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, tập đoàn Hoa Vi có thể cũng gặp khó khăn ở thị trường 5G của Pháp. Cho tới nay vẫn rất thận trọng trong hồ sơ gai góc này, Pháp trong những ngày tới sẽ ra một biện pháp tăng cường kiểm soát các thiết bị viễn thông 5G. Tuy biện pháp mới không nhắm cụ thể vào Hoa Vi, nhưng nó có thể tạo điều kiện dễ dàng cho việc gạt các thiết bị của Hoa Vi khỏi mạng di động 5G tương lai.

Le Monde nhắc lại rằng trọng tâm của mối quan ngại chính là sự an toàn của các thiết bị mà tập đoàn Trung Quốc cung cấp cho các công ty viễn thông toàn thế giới. Hoa Vi bị nghi là cài vào điện thoại di động của họ những thiết bị có thể phục vụ cho Bắc Kinh trong công tác gián điệp hoặc phá hoại viễn thông của một quốc gia. Mặc dù cho tới nay chưa có bằng chứng nào được công khai đưa ra để chứng minh giả thuyết đó, nhưng tranh cãi do mối nghi ngờ này gây ra đã không ngừng tăng lên.

Vấn đề, theo Le Monde, đây sẽ là một việc rất tế nhị đối với chính phủ Pháp, vì Hoa Vi nay là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu ở Pháp, như phó tổng giám đốc chi nhánh Pháp đã từng giải thích với Le Monde khi bắt đầu xảy ra tranh cãi vào tháng 11/2018 : "Chúng tôi là công ty Trung Quốc sử dụng nhiều nhân công nhất ở Pháp, với hơn 1 ngàn cộng sự viên trên toàn quốc".

Tập đoàn Trung Quốc cũng đã nhiều nỗ lực để bám trụ lâu dài trên đất Pháp, chứng tỏ thiện chí của họ qua việc gia tăng các hoạt động đầu tư, tài trợ, bảo trợ từ 16 năm qua. Thậm chí Hoa Vi còn hưởng ứng lời kêu gọi của tổng thống Emmanuel Macron cấp cho nhân viên của họ khoản tiền thưởng đặc biệt 1.000 € vào cuối năm qua.

Hoa Vi còn tăng cường sự hiện diện tại Pháp qua việc khánh thành vào tháng 11 năm ngoái trung tâm nghiên cứu và phát triển thứ 5 ở Pháp, và nay sử dụng đến 165 nhân viên cho các trung tâm này.

Miến Điện rơi vào hỗn loạn do du kích sắc tộc

Về thời sự Châu Á, Le Monde hôm nay đăng một bài phân tích của thông tín viên tờ báo này tại Đông Nam Á, Bruno Philip, tựa đề "Miến Điện rơi vào hỗn loạn do du kích sắc tộc". Tác giả ghi nhận là mặc dù vào năm 2015, Miến Điện đã có một chính phủ được bầu một cách dân chủ và trên thực tế do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, thế nhưng điều này đã không thuyết phục được đa số các lãnh đạo du kích quân sắc tộc thiểu số chấp nhận thương lượng một hòa ước. Thực tế đã diễn ra hoàn toàn ngược lại chiều hướng hòa bình .

Các cuộc tấn công gần đây của một lực lượng vũ trang mới, mang tên Quân đội Arakan, khẳng định đấu tranh nhân danh người Phật Giáo của bang Arakan, vừa mở thêm một "mặt trận" mới tại một vùng đầy xáo trộn. Bang Arakan, mà hiện nay gọi là bang Rakhine, đã từng mang tai tiếng trong những năm gần đây, về cách đối xử với người thiểu số Hồi giáo Rohingya, với hơn 750 ngàn người thuộc cộng đồng này đã chạy qua Bangladesh tị nạn, do bị quân đội Miến Điện đàn áp khốc liệt để trả đủa các cuộc tấn công của Quân đội Cứu nguy người Rohingya Arakan, lực lượng du kích Hồi giáo.

Bruno Philip nhắc lại rằng từ nhiều tuần qua, các trận giao tranh đã gia tăng giữa các chiến binh Quân đội Arakan với binh lính quân đội chính quy Miến Điện. Một số chuyên gia không loại trừ khả năng là xung đột sẽ kéo dài và bang Arakan sẽ gặp trình trạng bất ổn thường xuyên. Cho dù khó mà thắng được quân đội Miến Điện rất đáng gờm, các chiến binh của Quân đội Arakan đã chứng tỏ họ được huấn luyện rất tốt, có khả năng chiến đấu cao và rất quyết tâm.

Sự xuất hiện của "mặt trận" mới này khiến chính quyền trung ương và quân đội Miến Điện rất lo ngại, vì bang Arakan không chỉ là một vùng có tính chiến lược, mà còn là vùng được nhiều nơi dòm ngó : Trung Quốc đã đặt tại đây một ống dẫn dầu để vận chuyển dầu từ vịnh Ba Tư, qua vịnh Bengal đến tỉnh Vân Nam. Còn Ấn Độ thì đang xây một cảng nước sâu ở Sittwe, thủ phủ bang Rakhine.

Tỉ lệ thất nghiệp cao tại Pháp : Những nguyên nhân

Tờ Les Echos hôm nay có bài điều tra về những nguyên nhân khiến tỉ lệ thất nghiệp tại Pháp vẫn ở mức cao, nhân dịp cơ quan tìm việc làm Pôle Emploi ngày mai sẽ công bố số liệu thất nghiệp của năm 2018.

Nguyên nhân thứ nhất, theo Les Echos đó là trong khi tỉ lệ thất nghiệp cao như vậy thì hàng ngàn việc làm không tìm được người, vì một mặt ở Pháp thiếu rất nhiều người có chuyên môn, như các nhà tin học, do đào tạo không đủ, mặt khác, do điều kiện nặng nhọc và lương thấp nên nhiều việc làm không đủ sức thu hút.

Nguyên nhân thứ hai là vẫn có sự cách biệt giữa số người thất nghiệp thật sự với số người đăng ký thất nghiệp. Tính đến cuối tháng 09/2018, có hơn 6,6 triệu người thất nghiệp đăng ký tại cơ quan Pôle Emploi, nhưng trên thực tế, có những người không tìm việc làm nhưng vẫn ghi tên thất nghiệp để được hưởng những quyền lợi khác, chẳng hạn như thẻ giao thông công cộng giảm giá hoặc miễn phí.

Một nguyên nhân khác giải thích cho tỷ lệ thất nghiệp cao, đó là thay vì làm việc nhiều năm trong cùng một công ty, xí nghiệp, ngày càng có nhiều người, nếu không muốn nói là tuyệt đại đa số, xen lẫn những giai đoạn làm việc với giai đoạn đăng ký thất nghiệp, kể cả những người có trình độ cao, xuất thân từ các đại học danh tiếng.

"Oman hóa" việc làm : Không đơn giản

Cũng về việc làm, tờ Libération hôm nay đưa độc giả đến Oman, nơi mà người dân đang được khuyến khích... đi làm. Để tạo điều kiện thu nhận nhân công Oman, chính quyền nước này tăng cường các biện pháp chống việc tuyển dụng người nước ngoài. Nhưng dân Oman lại không được xem là một nguồn nhân công hiệu quả.

Theo Libération, để bảo vệ 4,4 triệu dân Oman, mà hiện chiếm thiểu số rất nhỏ trong khu vực tư nhân (260 ngàn so với 2 triệu người nước ngoài), và cũng để lôi kéo họ tham gia nhiều hơn vào hoạt động kinh tế của đất nước, chính quyền vương quốc này đã thiết lập một cơ chế nhằm "Oman hóa" việc làm, với một đạo luật bắt buộc mọi doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước phải tuyển dụng một tỉ lệ tối thiểu nhân công người Oman. Tỉ lệ này được ấn định tùy theo khu vực, nhưng thường là ở mức khoảng 30%.

Nhưng đối với nhiều công ty quốc tế, chính sách "Oman hóa" việc làm đang cản trở sự phát triển của họ ở vương quốc này. Libération trích lời Tareq, một kỹ sư người Pakistan trong ngành xây dựng, giải thích : "Vấn đề không phải là kinh nghiệm hay khả năng, mà là ở chỗ : dân Oman không muốn làm việc". Trong 4 năm làm việc cho 4 công ty nước ngoài, Tareq đều thấy các công ty này phải đối phó với tình trạng lao động Oman thường xuyên vắng mặt hoặc không chịu làm việc.

Vấn đề là theo lời Nader Al Azkawi, một kỹ sư Oman, mặc dù chất lượng của nhân công rất tồi, nhưng một khi đã thâu nhận rồi, các công ty rất khó mà sa thải lao động người Oman. Kỹ sư Tareq thì cho biết là ông không dám lớn tiếng với một công nhân Oman, vì sợ người này sẽ kiện lên chính quyền Oman và hậu quả là ông có thể bị rút visa làm việc.

Giáo hội Công giáo giúp đỡ giới trẻ Salvador

Nhật báo công giáo La Croix hôm nay quan tâm đến vấn đề di dân, chủ đề chính của Ngày Thanh niên Thế giới 2019 đang diễn ra tại Panama với sự hiện diện của giáo hoàng Francis, qua một bài phóng sự về giới trẻ Salvador tại những khu phố nghèo, thay vì bỏ xứ ra đi, đang tìm những con đường khác, với sự trợ giúp của giáo hội địa phương.

Theo đặc phái viên của La Croix từ thủ đô San Sanvador, trong bối cảnh bạo lực triền miên do cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa hai băng đảng lớn đang chia nhau 90% lãnh thổ quốc gia, nhiều thiếu niên Salvador ở khu phố Mejicanos chỉ nghĩ đến chuyện bỏ nước ra đi để tìm đường sang Mỹ.

Để thuyết phục các bạn trẻ này ở lại, nhưng được sống yên bình hơn, các linh mục, tu sĩ công giáo đã thực hiện nhiều dự án, như dự án phát triển một trung tâm huấn nghệ để thanh niên ở San Sanvador có thể tìm được việc làm trên một thị trường lao động qua dư thừa. Mỗi năm, họ cấp học bổng cho một số em tiếp tục học hành cho đến khi có bằng cấp, chìa khóa để tìm được một việc làm ổn định. Trong một khu phố mà 70% người dân có thân nhân tham gia vào một băng đảng, Giáo hội giúp họ tìm ra một con đường thay thế cho con đường lưu vong, vừa nguy hiểm, vừa rất tốn kém.

Không gian : Nguy cơ từ các mảnh vụn

Về không gian, tờ Le Figaro báo động về nguy cơ ngày càng lớn từ các mảnh vụn không gian với ngày càng nhiều các vụ báo động va chạm trên quỹ đạo. Tình hình này đe dọa đến các hoạt động trên không gian.

Theo Le Figaro, các chuyên gia về các mảnh vụn không gian ngày càng lo ngại trước tình hình đang nhanh chóng trở nên trầm trọng. Tờ báo trích lời ông Holger Krag, đặc trách về các mảnh vụn không gian tại Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA) cho biết : "Tại trung tâm kiểm soát của Cơ quan Không gian Châu Âu, mỗi tuần chúng tôi phải xứ lý hàng trăm báo động va chạm với các mảnh vỡ không gian cho toàn bộ 20 vệ tinh nhân tạo mà chúng tôi quản lý".

Cho dù có tránh được, mối đe dọa va chạm với các mảnh vụn không gian gây nhiều tốn kém, không chỉ về phương tiện nhân lực, mà còn về nhiên liệu đối với các vệ tinh, và điều này làm giảm "tuổi thọ" của chúng.

Le Figaro nhắc lại vào năm 2009, đã xảy ra tai nạn mà ai cũng sợ : một vệ tinh quân sự của Nga, đã hết hạn sử dụng, đụng vào một vệ tinh viễn thông của Mỹ. Cả hai vệ tinh đều bị phá hủy hoàn toàn, tạo ra hàng trăm mảnh vụn bắn đi tứ phía, có nguy cơ va chạm vào các vệ tinh khác. Trước đó 2 năm, vào năm 2007, Trung Quốc đã gây sốc cho cả thế giới khi dùng một tên lửa bắn vào một vệ tinh khí tượng của nước này, tạo ra hàng ngàn mảnh vụn không gian, làm tăng đến 34% số mảnh vụn dài hơn 10 cm mà hệ thống giám sát của Không lực Hoa Kỳ kiểm kê được.

Trang nhất các báo

"Brexit : Barnier loại trừ khả năng thương lượng lại hiệp định". Đó là tựa trên trang nhất của Le Monde. Trả lời phỏng vấn Le Monde, ông Michel Barnier, trưởng phái đoàn thương lượng của Liên Hiệp Châu Âu, cảnh báo : thỏa thuận đạt được với thủ tướng Theresa May là "văn bản duy nhất có thể được". Ông nhấn mạnh là nếu chính phủ và các dân biểu Anh không thay đổi lập trường, Bruxelles và Luân Đôn sẽ đi đến tình trạng "no deal" (Brexit không thỏa thuận).

Nhật báo thiên hữu Le Figaro, nhân cuộc đình công của các giáo viên tại Pháp hôm nay, quan tâm đặc biệt đến tâm trạng của giới này, qua hàng tựa : "Giáo viên : Những lý do của sự bất an", cho biết là các giáo viên Pháp bất mãn không chỉ về điều kiện làm việc của họ, mà còn vì họ cảm thấy không được coi trọng.

Nhật báo công giáo La Croix thì chọn đề tài "Truyền thông, khủng hoảng lòng tin", nói đến tình trạng báo chí Pháp đang sụt giảm uy tín và bị xem là không bảo đảm đầy đủ tính độc lập, trong khi dân Pháp lại đang quan tâm ngày càng nhiều đến thời sự.

Riêng tờ Libération, nhân dịp khai mạc Liên hoan truyện tranh Angoulême hôm nay, đặc biệt được trình bày như một truyện tranh, với trang nhất là tranh vẽ của họa sĩ Emil Ferris. Nhưng một trong những đề tài được ghi trên trang nhất là vụ tổng giám đốc Renault Carlos Ghosn, hiện đang bị giam ở Nhật, hôm nay chính thức từ chức.

Nhật báo kinh tế Les Echos thì dĩ nhiên cũng chọn chủ đề hàng đầu về tập đoàn Renault, với hàng tựa "Renault : cặp bài trùng mới trước một sự kế thừa nặng nề". Tân chủ tịch Jean-Dominique Senard và tân tổng giám đốc Thierry Bolloré sẽ nhận trọng trách lãnh đạo tập đoàn xe hơi Pháp sau 14 năm dưới trướng của Carlos Ghosn.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ
Read 567 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)