Ông Nguyễn Hữu Liêm và cơn bão trong tách trà
Jackhammer, Tiếng Dân, 2/10/2022
Ông Nguyễn Hữu Liêm ở San Jose đã gây ra một cơn bão mạng. Sau bài viết về một buổi gặp gỡ tại nhà ông với ông phó chủ nhiệm Ủy ban người Việt ở Nước ngoài của chính phủ Hà Nội, đến nay đã có đến cả chục bài, phần lớn là chỉ trích ông Liêm, có khi tấn công cá nhân rất nặng, đến nỗi tạo cảm giác là người viết có tư thù cá nhân gì với ông Liêm vậy.
"Cái ổ khóa chìa ra như hỏi tôi, anh biết gì về nhà anh mà đòi về !?"
Dĩ nhiên ông Liêm là một nhân vật thú vị ở hải ngoại vì thế đứng của ông, do phát ngôn của ông đối với chính phủ cộng sản trong nước. Thế cho nên bài viết về buổi gặp gỡ của ông với các "cán binh cộng sản" nhận được phản hồi là thường tình, ngay tôi đây cũng có một bài liên quan đến vụ gặp gỡ, nhưng tôi viết về nghị quyết 36 của chính quyền Hà Nội, được ông Liêm đề cập, còn những người khác viết về… ông Liêm.
Công bằng mà nói thì những ồn ào mà ông Liêm nhận được cũng… đáng, vì ông Liêm cũng… ồn ào, theo thuyết nhân quả của nhà Phật vậy. Ông Liêm như cứ trêu ngươi "người ta". Đầu tiên là ông kể chuyện công an Việt Nam hụ còi, mở đường cho ông, sau đó là ông cứ dung dăng dung dẻ chụp hình với các ông cộng sản gộc (mà cũng lạ, nếu như các ông tổng thống Mỹ, Pháp, Anh… chụp hình với các ông cộng sản Việt Nam thì không sao cả), rồi ai ở San Jose mà chả biết là ông công khai tiếp khách Hà Nội tại tư gia !?
Thật ra thì đâu chỉ ông Liêm tiếp khách Hà Nội, ngay sau buổi "gặp gỡ" ở nhà ông Liêm, khi bài của ông chưa xuất hiện trên BBC, thì Thông tấn xã nhà nước Việt nam đã có bài về cuộc gặp gỡ này. Mà hình như là vài cuộc gặp gỡ chứ không phải một, trong đó có tên một số nhân vật cũng có tiếng từ trước đến nay, như ông David Duong chẳng hạn. Ông Duong có một nhà máy xử lý rác tại Sài Gòn, và có lúc cũng có lộn xộn với các tay cầm quyền ở thành phố này.
Trong số các nhân vật mà bài báo đề cập, theo tôi, ông Liêm thuộc loại ít "American Dream" nhất. Tôi hình dung là các cuộc gặp gỡ được tổ chức trong các căn nhà rộng rãi, thảm cỏ tỉa tót sạch boong, tại một khu giàu có nào đó ở vùng Vịnh San Francisco.
Sự đời thường trớ trêu, dù ta muốn hay không, giới giàu có hải ngoại, lại là giới đi đầu trong việc bắt tay với cố quốc. Dân tộc nào cũng thế.
Nhưng như đã bàn trên kia, ông Liêm lại bị mắng nhiều nhất, bị những âm thanh cuồng nộ nhiều nhất, là vì ông… hay nói. Mà cũng khổ, ông Liêm vốn sống bằng nghề dạy học, làm sao bắt ông im lặng cho được, mà nhất là dạy môn triết cho con nít Mỹ, phải dùng mồm mà chế phục chúng nó chứ.
Trở lại với các bài viết có liên quan đến buổi gặp gỡ ở nhà ông Liêm. Ngoài bài của Thông tấn xã nhà nước, liệu có bao nhiêu người Việt Nam đọc được các bài kia ? Các bạn có thể trả lời là… ồ nhiều chứ, Facebook shared quá trời ! Tôi thì thấy chỉ có quanh đi quẩn lại vài gương mặt tích cực tham gia Facebook chính trị thôi, chứ sáu, bảy chục triệu nông dân Việt Nam có ai mà đọc, họ còn đang tính xem nên bỏ quê lên tỉnh làm thuê hay là tiếp tục mua giống, mua phân bón cho mùa tới đầy khó khăn. Mấy chục triệu thị dân thì chắc cũng hơi đâu mà tham gia Facebook chính trị, họ còn lo tìm đường cho con cái du học, tẩu tán tài sản ra nước ngoài…
Ngoài các Facebook "chính trị" người Việt đọc với nhau, còn có cán bộ cộng sản cũng đọc, mà hình như ông Liêm viết cho "đối tượng" này thì phải, không giống như những người mắng chửi ông, họ có vẻ không biết là họ viết cho ai đọc. Có người sẽ nói với tôi là mấy triệu người Việt hải ngoại đọc chứ, vì họ đâu bị cấm. Nếu nghĩ thế là lạc quan quá, tôi nghĩ là mấy triệu đồng bào ta ở hải ngoại, không chừng nghe VTV4 nhiều hơn là SBTN đấy.
Tóm lại, tôi thấy cơn "bão" mạng xung quanh ông Liêm cũng giống như cơn bão trong tách trà vậy thôi.
Sau khi bài của ông Liêm được BBC đăng tải, có người nói với tôi là phen này ông Ngô Trịnh Hà, người "cán binh cộng sản", phó chủ nhiệm Ủy ban người Việt ở nước ngoài, của Bộ Ngoại giao Việt Nam, tiêu tới nơi rồi. Điều này cũng có lý, đôi khi các hoạt động bên ngoài của các "cán binh cộng sản" là nhằm mục đích cho những tranh đoạt trong nước của họ với nhau. Ông Hà bị ông Liêm hụ còi, thì ông Hà tiêu rồi !
Nhưng tôi nghĩ khác, có khi không phải thế, có khi nó còn tùy. Ông Hà sẽ trình bày với các sếp thế này, "cái bọn Việt kiều ấy cứng đầu thế, em đã làm hết sức rồi mà cứ thế". Hiện tại Việt Nam người ta đang quắn lên chuẩn bị cho ông Trọng sang Tàu chúc tụng ông Tập Cận Bình, người ta đang dàn xếp nhau quanh đống vàng bạc bất động sản của bà Trương Mỹ Lan, ai đâu mà chú ý ông cán bộ Hà !
Tôi không nghĩ là cơn bão trong tách trà sẽ ảnh hưởng được bao nhiêu tới tình trạng Việt Nam, mà nó phải là những cơn gió thổi được bên trong nước. Trong một lần về Việt Nam, tôi có đến tham gia một cuộc hội thảo của một trường Đại học, trong đó có một diễn giả rất nổi tiếng, là ông Bùi Văn Nam Sơn, vốn cũng từng là "Việt kiều phản động". Trước khoảng vài trăm giáo viên và sinh viên, ông phê bình đích danh chủ nghĩa Marx. Trong buổi hội thảo đó có cả một thứ trưởng bộ giáo dục. Từ hơn chục năm nay, ông Sơn sống ở Sài Gòn, biên dịch sách vở từ các thứ tiếng phương Tây sang tiếng Việt, và bán công khai cho người Việt trong nước đọc.
Một người khác cũng từ Đức về như ông Sơn, là ông Nguyễn Tường Bách, cũng sống luôn ở Việt Nam. Tôi nhớ ông có kể lại câu chuyện một lần ông về thăm nhà ở Bao Vinh, thành phố Huế, nhưng không hẹn trước. Khi về đến nơi thì cửa khóa. Ông tả như sau : "Cái ổ khóa chìa ra như hỏi tôi, anh biết gì về nhà anh mà đòi về !?"
Quả thật là tôi cũng không biết. Tôi chỉ góp vui trên trang Tiếng Dân cho cơn bão trong tách trà thêm trào lộng. Vậy thôi !
Jackhammer Nguyễn
Nguồn : Tiếng Dân, 26/10/2022
*******************************
Nghị quyết 36 thành công hay thất bại ?
Jackhammer, Tiếng Dân, 21/10/2022
Ông Nguyễn Hữu Liêm ở San Jose, lâu nay "bị" xem là thân "cộng", vừa viết một bài liên quan tới việc tiếp xúc giữa Hà Nội và người gốc Việt ở Mỹ. Trọng tâm của bài viết này, ông Liêm đưa ra những biện luận của mình để chứng minh rằng "nghị quyết 36" của Đảng cộng sản Việt Nam đã thất bại. Nghị quyết này được đưa ra để Đảng cộng sản Việt Nam tiếp cận với người Việt ở hải ngoại, chủ yếu là nhóm tù chính trị ("cải tạo"), thuyền nhân.
Ông Liêm gọi đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng là "người cộng sản cuối cùng
Tôi nghĩ rằng "cộng" sẽ không hài lòng với bài viết này. Ông Liêm chỉ trích Đảng cộng sản Việt Nam khá nặng. Ông nói rằng họ có "tư duy nông dân", và nghị quyết 36 ấy được viết với tư duy đó.
Ông Liêm cũng đề nghị Đảng cộng sản Việt Nam đưa ra một nghị quyết mới, thật lòng hơn, trong đó có việc nhận trách nhiệm về những tội lỗi lịch sử mà Đảng cộng sản Việt Nam đã gây ra, như là cải cách ruộng đất, giam giữ tù chính trị, đánh tư sản miền Nam…
Đây là bài thứ ba liên tục mà ông Liêm, theo chủ quan của tôi, đã làm phật lòng Hà Nội. Đầu tiên ông gọi ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng là "người cộng sản cuối cùng", kế đó ông đả kích chủ nghĩa Marx, và bây giờ ông mắng Đảng cộng sản Việt Nam là… nhà quê (nông dân).
Đối với bài viết đả kích Karl Marx, tôi không dám có ý kiến phản biện lại người chuyên nghiên cứu triết học như ông Liêm. Còn hai bài kia thì tôi không đồng ý, tôi cho rằng tính chất cộng sản của ông Trọng cũng chẳng hơn các đàn em của ông ấy đâu, và ông Trọng cũng chẳng hiểu Karl Marx hơn ông Liêm.
Còn chuyện ông mắng Đảng cộng sản Việt Nam là nhà quê thì tôi đã viết trong bài "Những chiếc ghế gỗ và sự sang trọng cộng sản", để nói rằng, người "cộng sản" Việt Nam hiện nay chẳng quê tí nào đâu, mà họ rất thích sự… sang trọng. Có thể ông Liêm đúng với hàm ý rằng "các nông dân Ba Đình" hiện nay không suy nghĩ được gì lớn lao, hay nói theo ngôn ngữ báo chí trong nước là "không có tầm nhìn".
Nhưng ông mắng họ "nhà quê" là họ giận lắm đấy.
Thôi, sau khi phiếm lòng vòng các danh từ, khái niệm, cho vui, bây giờ tôi xin trở lại vấn đề đánh giá nghị quyết 36 của Hà Nội.
Tôi cho rằng, nói thành công như Đảng cộng sản Việt Nam đánh giá thì cũng đúng, mà nói thất bại, như ông Liêm và các bạn ông, cũng đúng. Vấn đề nằm ở chỗ, ta đứng ở góc nào, yêu cầu của ta ra sao để mà đánh giá. Rõ ràng, yêu cầu của ông Liêm và Đảng cộng sản Việt Nam không giống nhau.
Có thể Đảng cộng sản Việt Nam cho rằng, họ đã mời được "các nhà truyền thông hải ngoại"… về nước, giao lưu, mà những người này cũng có hoạt động trong… "cộng đồng", thành ra là… thành công !
Ông Liêm và các bạn thì mong muốn ý tưởng của các ông nên được Đảng cộng sản Việt Nam xem xét để thúc đẩy sự thịnh vượng của Việt Nam, nên các ông xem nghị quyết 36 là thất bại.
Một việc nữa là ông Liêm và các bạn ông xếp mình vào nhóm người ra đi từ miền Nam Việt Nam, những người đã trưởng thành trước năm 1975, mà nhóm người này chưa bao giờ xem Đảng cộng sản Việt Nam thật lòng với họ cả. Nghị quyết 36 rõ ràng thất bại với nhóm này, trừ một số nhà… "truyền thông hải ngoại".
Nếu ta định lượng kết quả của nghị quyết 36, bằng số lượng người Việt hải ngoại về thăm nhà, số tiền họ gửi về giúp người thân, số lần biểu tình chống đối cũng như cường độ của các cuộc biểu tình bị giảm xuống… thì nghị quyết 36 thành công.
Tuy nhiên, những cuộc biểu tình và cường độ của nó giảm xuống, lại không phải do nghị quyết 36, mà do những người biểu tình già đi, ngọn lửa biểu tình không còn được con cháu họ coi trọng. Đó không phải là thành công của Đảng cộng sản Việt Nam, mà là thất bại của cộng đồng người Việt chống cộng ở hải ngoại.
Sự thắng thế của Đảng cộng sản Việt Nam tại hải ngoại, nếu có, không phải là họ có nhiều điều hay ho, mà là họ có… thời gian.
Theo đánh giá của một nhân vật lãnh đạo chính trị của người Việt hải ngoại (mà tôi xin giấu tên), thì số lượng người Việt ở Mỹ, đến Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình từ thập niên 1990 trở về sau (tức là sau khi Việt Nam mở cửa, không còn là "cộng sản" nữa), cộng với những người sinh ra ở Mỹ, hoặc sinh ra ở Việt Nam, nhưng lớn lên ở Mỹ, đã đông hơn những người từng là tù cải tạo, thuyền nhân.
Nhóm đến sau, hoặc lớn lên ở Mỹ này không còn "quyết tâm chống cộng" mạnh mẽ nữa.
Vào dịp Tết nguyên đán đầu năm 2022, một số nguồn tin khả tín nói rằng, Lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco đã xuống miền Nam California, tổ chức một buổi tiệc tân niên ngay tại khu Little Saigon, nơi được mệnh danh là "Thủ đô tinh thần của người Việt tị nạn Cộng Sản", có đến 200 người tham dự. Vậy mà không có tờ báo Việt ngữ nào của "cộng đồng" đề cập đến.
Thế nhưng, nếu lấy con số 200 đó mà nói nghị quyết 36 thành công, thì không thỏa đáng. Tôi nghĩ rằng chí ít, nhà cầm quyền Hà Nội cũng mong thu được nhân tâm của những người như nhóm ông Nguyễn Hữu Liêm, hay thế hệ trẻ người Việt, không phải là du học sinh, chứ đâu chỉ thu phục nhóm người thích về Việt Nam chơi bời và đến dự tiệc của lãnh sự quán để ăn uống !
Nhóm người Việt trẻ tuổi lớn lên ở Mỹ chú ý đến nước Mỹ hơn Việt Nam. Họ quan tâm đến nền dân chủ Mỹ, và dĩ nhiên với tình trạng chính trị Việt Nam hiện nay thì họ quan tâm để làm gì ? Có bao nhiêu chính trị gia trẻ tuổi người Mỹ gốc Việt, lớn lên ở Mỹ, có quan hệ với Hà Nội ? Theo hiểu biết của tôi, con số đó gần bằng… zero.
Nói cho cùng thì cộng đồng người Việt hải ngoại và chính quyền Hà Nội hiện nay có thể chả quan tâm gì đến nhau cũng không sao cả, mạnh ai nấy sống. Người Việt hải ngoại có được cái may mắn chạy thoát khỏi "lũy tre làng ngàn năm văn vật", cứ tiếp tục hưởng tinh thần dân chủ.
Trong một bài viết cho báo New York Times hôm nay, ông Ngãi Vị Vị, một nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc, hiện sống ở Châu Âu, viết rằng : "Não trạng người Trung Quốc chưa bao giờ thực sự tự do… không có sự thay đổi cơ bản nào khả dĩ diễn ra. Người Trung Quốc bình thường chỉ việc tuân lệnh thôi".
Ai có thể bảo tôi rằng, người Việt thì khác ? Thế cho nên Đảng cộng sản Việt Nam cần chi nghị quyết 36 để cãi chày cãi cối với ông Liêm như thế !
Jackhammer
Nguồn : Tiếng Dân, 21/10/2022
**************************
Cảm nghĩ về bài viết "Việt Kiều và Nhà nước Việt Nam…" của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm
Nguyễn Tiến Cường, Tiếng Dân, 21/10/2022
Tựa đề bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm đăng trên BBC tiếng Việt và Tiếng Dân ngày 19/10/2022 : "Việt Kiều và Nhà nước Việt Nam : 'Đã đến lúc cần chính sách mới hơn Nghị quyết 36'. Bài viết này chỉ là nhận định cá nhân về bài của ông Liêm, không bàn đến những biệt danh mà nhiều người tặng cho ông Nguyễn Hữu Liêm là Kẻ Đánh Giầy Bằng Lưỡi, hay Người Cầm Đèn Chạy Trước Ô-tô…
Ông Nguyễn Hữu Liêm - Ảnh minh họa
Trước khi vào chuyện chính, xin được nói sơ qua về ông Tiến sĩ Luật Nguyễn Hữu Liêm. Được biết, ông Liêm qua Mỹ từ cuối tháng 4/1975, theo lời ông tự nhận là đu càng máy bay trực thăng UH-1 bay ra biển, được hải quân Mỹ cứu. Rồi ông đi học lại, tốt nghiệp tiến sĩ Luật, tiến sĩ Triết, dạy triết học tại trường đại học SJSC (San José State University).
Nghe nói ông Liêm có văn phòng luật sư ở Mỹ nhưng văn phòng có hoạt động không thì chẳng rõ, chỉ biết ông thường xuyên có mặt ở Việt Nam. Ông là người duy nhất được chế độ cộng sản Việt Nam cho tham dự các "phiên tòa Kangaroo" xử án những tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị trong khi thân nhân của họ thì bị cấm. Ông được cho tham dự các phiên tòa là để viết những bài bình luận về các phiên tòa này theo hướng chế độ cộng sản Việt Nam mong muốn. Năm 2004, luật sư Nguyễn Tâm đã có một số bài viết về ông Nguyễn Hữu Liêm, gọi ông Liêm là trí vận của cộng sản Việt Nam (2).
Trở lại chuyện chính. Bài viết nói trên của ông Liêm khá dài – thuật lại cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn ngoại giao, đại diện chế độ cộng sản Việt Nam và một số nhân sĩ Mỹ gốc Việt (đa số ở miền Nam) vào ngày 14/10/2022 tại nhà riêng của ông Liêm. Cả khách lẫn chủ tổng cộng chỉ khoảng 10 người. Cuộc gặp gỡ bỏ túi nhưng không kém phần sôi nổi, nảy lửa khi Nghị quyết 36 trở thành vấn đề tranh cãi. Tôi chỉ trích dẫn một số việc trong bài của ông Liêm.
Ông viết : "Về phía Phái đoàn ngoại giao thì đánh giá Nghị quyết 36 là một thành công lớn, một bước ngoặc quan trọng trong chính sách của Đảng đối với Kiều bào trong tiến trình hòa giải dân tộc để cùng chung tay xây dựng đất nước, hướng về tương lai.
Phía nhân sĩ kiều bào thì cho đó là một thất bại từ cơ bản vì nó không giải hóa được hố sâu ngăn cách giữa người Việt tỵ nạn và thể chế chính trị cộng sản Việt Nam. Chưa nói về bình diện vĩ mô, có người nói thẳng rằng hãy nhìn xem buổi gặp mặt hôm nay tại một nhà riêng với một số nhỏ chưa tới 10 người – thay vì là một buổi gặp gỡ công khai, có đông đảo các thành phần người Việt và giới truyền thông tham dự – thì đây là bằng chứng rõ nhất về sự thất bại của Nghị quyết 36".
Ông Liêm cũng cho rằng, chế độ cộng sản Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, từ tác phong của anh sĩ quan công an mà ông Liêm hay được mời uống cà phê, đến phong thái các cán bộ trung, cao cấp hàng thứ trưởng, vụ trưởng mà ông có dịp tiếp xúc, ăn trưa chung, đều tỏ ra lịch lãm, có học… – hầu hết đều tốt nghiệp các trường đại học uy tín Âu Mỹ, một số còn là cựu sinh viên từng theo học ông – không còn thô kệch, hách dịch kém văn hóa như trước.
Sau chuyến đi Việt Nam tháng 8/2022, ông Liêm kết luận ngọt sớt rằng "Khi con người thay đổi thì thể chế cũng thay đổi theo", Việt Nam ngày nay không còn chế độ cộng sản nữa, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người cộng sản cuối cùng trong bộ chính trị của chế độ cộng sản Việt Nam. Thật ra, theo tôi thì ông Trọng cũng chẳng còn là cộng sản. Ông và đảng cộng sản Việt Nam đã trở thành một đảng mafia độc tài, sắt máu, sử dụng công an, côn đồ như xã hội đen.
Tuy nhiên, dù sao nhận định của ông Liêm về cuộc gặp mặt cũng có phần khách quan, dùng chữ có phần vì ông đã (dám) nêu ra một phần sự thật trong các chính sách, đường lối của chế độ cộng sản Việt Nam từ sau ngày 30/4/1975 đến nay. Mặc dù ca ngợi rằng Đảng cộng sản Việt Nam đã đi đúng hướng trên hành trình hòa giải dân tộc thời hậu chiến – nhưng chưa đủ và còn nhiều khuyết điểm – ông Liêm đã "can đảm" đưa ra lời kêu gọi cộng sản Việt Nam nên có một nghị quyết mới về người Việt hải ngoại.
Ông kêu gọi : "Tôi đề nghị Bộ Chính trị hãy cho ra một Tân Nghị quyết về người Việt ở nước ngoài. Trong Nghị quyết mới này, Đảng hãy can đảm và sòng phẳng để công nhận những sai lầm chính sách đối với dân miền Nam sau 1975. Và có một lời tạ lỗi với họ, và đối với cả dân tộc chung.
Chỉ cần làm điều đó, thì đại khối kiều bào gốc miền Nam, vốn rộng lượng và dễ tha thứ, hy vọng sẽ quên bớt hận thù, để cùng với dân tộc Việt khắp thế giới hướng về tương lai, xây dựng quốc gia như tất cả chúng ta cùng mong mỏi".
Hơn ai hết, ông Liêm hiểu rằng lời kêu gọi của ông chẳng ai (thèm) để ý, quan tâm tới. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng gồm nhiều cựu đảng viên hạng gộc của đảng cộng sản, từng viết hàng chục kiến nghị, tâm thư… gửi đảng còn chẳng thấy tăm hơi. Cắc ké như ông Liêm là cái đinh gì để đảng cộng sản Việt Nam lắng nghe ? Có lẽ ông kêu gọi cho có để đánh bóng cá nhân. Vậy thôi !
***
Cũng có thể ông Liêm chưa nhận ra, sở dĩ đảng cộng sản Việt Nam vẫn để yên cho ông ra vào Việt Nam thoải mái, tham dự những phiên tòa Kangaroo, cho phép ông phê bình đảng trong một chừng mực nào đó, vì họ còn sử dụng được ông như một cái loa tuyên truyền cho chế độ, một cây cầu nối cho những con mồi hải ngoại ngây thơ.
Một ngày nào đó, khi thấy rằng ông Liêm đã đi quá lằn ranh giới hạn thì ông sẽ biết ngay người cộng sản Việt Nam thay đổi ra sao. Họ có còn lịch sự, nhã nhặn, có văn hóa với ông nữa không ?
Nguyễn Tiến Cường
Nguồn : Tiếng Dân, 21/10/2022
Chú thích :
(1) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cd12z9pw073o
(2) https://vietbao.com/a87286/ls-nguyen-huu-liem-len-tieng-ve-vu-hop-bao
************************
Về "trí tuệ nông dân" của tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm
Tuấn Khanh, RFA, 25/10/2022
Trong một bài tường trình về buổi họp của nhóm Việt Kiều yêu nước tại Mỹ - tạm gọi là vậy - tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm có tóm tắt trong đó vài chi tiết về sự phân hóa của của lực lượng có lòng với chính quyền Việt Nam hiện nay, và một vài ý kiến của ông về tương lai của Việt Nam với người Việt ra đi vì bất đồng chính kiến. Tưởng cũng nên nhắc lại và nói suy nghĩ đôi chút ở đây.
Người Việt tập trung biểu tình trước Nhà Trắng ở Washington DC nhân cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 13/5/2022- Photo : RFA
Trong cuộc trò chuyện hôm đó, tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm có nhắc đến một nhân sĩ trí thức không rõ tên, gọi kiểu tư duy của những người lãnh đạo hiện nay của Việt Nam là "trí tuệ nông dân". Dựa trên khái niệm này, ông Liêm cho là tên gọi này "công bằng" khi để đã xảy ra rất nhiều những quyết sách gọi là sai lầm của Nhà nước cộng sản Việt Nam. Trong phần bài sau đó, ông Liêm cũng khẳng định rằng hôm nay, những suy nghĩ như vậy đã mất đi và chính quyền Việt Nam đã vượt thoát và vươn lên.
"Nếu quan sát kỹ, chúng ta có thể thấy rằng bản thân Đảng cộng sản Việt Nam đang vươn thoát khỏi những sai lầm chính sách của trí tuệ nông dân. Cùng lúc, ngôn ngữ và tinh thần của Nghị quyết 36 vẫn còn là một tác phẩm dung chứa tư duy của tầm mức trí tuệ nông dân đó", ông Liêm viết, và khuyến nghị Đảng cộng sản Việt Nam nên có một nghị quyết khác hay hơn, hiệu quả hơn.
Trên thực tế, không có một minh chứng nào cho thấy đảng cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn tiến hóa từ trí tuệ nông dân đến một trí tuệ văn minh như ngày hôm nay, như được nhận định. Bản chất của tất cả mọi quyết sách của Hà Nội đều nằm ở trong một tình trạng ngày càng được tinh vi hóa hơn trước bối cảnh thế giới đang đổi thay, cũng như dù phân hóa, nhưng cộng đồng người Việt ngoài Việt Nam, vẫn là một thế lực lớn, bao gồm sự khác biệt tri thức, kinh tế, chính trị.
Mềm dẻo và tinh vi hơn luôn là cách bảo đảm cho sự sống còn. Sẽ khó có ai chứng minh được chuyến đi của ông Nguyễn Văn Linh tới hội nghị Thành Đô, Tứ Xuyên là một việc làm của trí tuệ nông dân hay tư duy xảo diệu ? Đảng cộng sản Việt Nam đủ thông minh từ những ngày đầu để làm tất cả mọi thứ dựa trên sự sống của mình, và quyền lực có được của mình.
Hình ảnh một vụ đấu tố trong thời cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam. File photo
Ai có thể nói cuộc Cải cách ruộng đất của Đảng cộng sản Việt Nam ở miền Bắc là "trí tuệ nông dân" - mà tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm gọi là "độc ác" - với thể thức dùng bạo lực quốc hữu hóa tài sản công dân, mượn giá trị giai cấp để chia rẽ ?
Và chính "trí tuệ nông dân" đó đủ khôn khéo để dừng lại khi người chết khắp nơi, sự phẫn nộ như bão dậy trong lòng dân chúng, bao gồm cả việc vị lãnh đạo xuất hiện day dứt, cầm khăn lau nước mắt. Sau những hành động bị đánh giá thấp, những người lãnh đạo đủ khôn khéo để chưa bao giờ nói lại, hay xin lỗi những người chết oan cho chủ trương, chẳng hạn như bà Nguyễn Thị Năm.
Gọi "trí tuệ nông dân", hay bằng lòng với cách gọi đó, có thể là sự bộc phát ngao ngán tạm thời, nhưng nếu dùng như một mệnh đề biện giải, là cách cố gắng làm mềm đi các thủ thuật và tư duy độc tài xuyên suốt của Đảng cộng sản Việt Nam. Cách mô tả của ông Nguyễn Hữu Liêm về Nhà nước cộng sản Việt Nam hôm nay đã vươn lên, văn minh hơn, chỉ là một cái nhìn hết sức kém cỏi so với thực tế. Nó chỉ bày ra ước mơ muốn được đóng góp tư duy cho hệ thống cầm quyền Việt Nam hôm nay, bỏ mặc những vấn đề nhức nhối như con số tù nhân chính trị từ nổi tiếng đến những người dân bình thường đang bị giam hãm, bị đặt những mức án mơ hồ, nhân danh luật pháp văn minh của Hà Nội.
Nhưng không chắc là Hà Nội sẽ cần những ý kiến chính thức như vậy, ngoại trừ nó được dùng như một mặt trận truyền thông về một lớp trí thức hải ngoại đang hạ giọng và dịu dàng hơn với người cộng sản. Bởi những bài diễn văn báo cáo hàng năm của những Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài hay Hội Việt Kiều yêu nước suốt gần nửa thế kỷ không nói gì về những đối kháng cụ thể của người Việt hải ngoại, mà chỉ nhấn mạnh về "đóng góp" và tấm lòng "hướng về tổ quốc" – mà trong đó ngụy biện luôn mập mờ Tổ quốc là Đảng cộng sản.
Và chính bản thân ông Liêm cũng phải mượn website của đài BBC để bày tỏ thiện chí của mình, kêu gọi phải thay đổi Nghị quyết 36 và có cái nhìn khác về Việt kiều. Buồn thay, chính đài BBC cũng là nơi bị dựng tường lửa suốt vài thập niên nay, để người dân trong nước khó khăn khi ghé qua.
Trí thức hải ngoại có khả năng, tự cho là mình biết nhìn thời thế và lên tiếng muốn đóng góp với nhà cầm quyền Việt Nam – đôi khi lại chính là một kiểu trí tuệ nông dân, hay tấm lòng nông dân khi mong rằng sẽ thay đổi được Hà Nội. Chắc chắn Hà Nội không "nông dân" khi chạy mọi cách để vào WTO, để có được EVFTA, để có chân trong Liên Hợp Quốc và tăng tính chính danh khi lấy chiếc ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Hà Nội làm mọi thứ để trườn ra mặt bằng của thế giới phương Tây, nhưng không quên đàn áp tàn nhẫn con người Việt Nam khác biệt chính kiến từ ngoài xã hội cho đến trong nhà tù.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm chắc đã quên sau 1975, chính sách ngăn chặn lương thực, cướp tài sản, đổi tiền, cấm mua bán nhằm xiết miền Nam kiệt quệ không còn sức phản kháng trong 3 năm, chắc chắn không phải là trí tuệ nông dân tầm thường.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm quên mất vị lãnh đạo Tây học, ông Phạm Văn Đồng đối đáp trực tiếp tiếng Pháp với phóng viên ở Paris vào tháng 4/1977, về lý do cầm tù hàng triệu người của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, rằng "chúng không có quyền con người". Nông dân không thể nói như vậy. Đó chỉ là ngôn từ hận thù tinh vi của kẻ cầm quyền có học. Và Hà Nội cũng luôn vượt qua những suy nghĩ nông dân để tránh nói, hay xin lỗi về những điều này.
Thật ra, những người rời quê hương ra đi, ai cũng mang theo tấm lòng nguồn cội. Ai cũng khao khát muốn đất nước mình đổi thay, nhà cầm quyền tốt hơn cho một mai quê hương tươi sáng. Nhưng việc quay lại và chấp nhận việc dễ dàng hòa hợp hòa giải – có lẽ cho riêng một số người – nhưng bỏ mặc lịch sử ngổn ngang và nỗi đau của người sống còn đó, thì cũng là một loại trí tuệ nông dân, chứ không phải của người trí thức. Thật khó mà xuề xòa với máu xương. Cuộc ra đi tìm tự do và không cúi đầu vì nhân phẩm của nhà tiên tri Moses trong lịch sử, ắt đôi khi cũng cần được nhắc lại như một bài học.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 25/10/2022
***************************
Về bài của ông Nguyễn Hữu Liêm : Việt Kiều và Nhà nước Việt Nam
, SaigonnhoNews, 23/10/2022
Ông Nguyễn Hữu Liêm, một người Việt ở San Jose, California vừa gây sóng gió qua một bài viết đăng trên trang BBC tiếng Việt hôm 19 tháng Mười. Bài của ông Liêm nhan đề "Việt Kiều và Nhà nước Việt Nam : ‘Đã đến lúc cần chính sách mới hơn Nghị quyết 36’" thuật lại một buổi gặp mặt tại nhà riêng của ông hôm 14 tháng Mười, giữa "Uỷ ban người Việt ở nước ngoài đến từ Hà Nội và một số nhân sĩ Việt kiều, hầu hết là từ miền Nam", để trao đổi "về các chính sách đối với kiều bào". Từ cuộc trao đổi, ông Liêm kêu gọi : "Tôi đề nghị Bộ Chính trị hãy cho ra một Tân Nghị quyết về người Việt ở nước ngoài… Ông Liêm, được biết là một tiến sĩ Luật, tiến sĩ Triết học nhưng các nhận định của ông xem ra phiến diện và sai lầm một cách thảm hại !
Ông Liêm, được biết là một tiến sĩ Luật, tiến sĩ Triết học
Mở đầu bài tường thuật, ông Liêm cho biết ông Ngô Trịnh Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, "đánh giá Nghị quyết 36 là một thành công lớn, một bước ngoặt quan trọng trong chính sách của Đảng đối với Kiều bào trong tiến trình hòa giải dân tộc để cùng chung tay xây dựng đất nước, hướng về tương lai". Trong khi đó, "phía nhân sĩ kiều bào thì cho đó là một thất bại từ cơ bản vì nó không giải hóa được hố sâu ngăn cách giữa người Việt tỵ nạn và thể chế chính trị cộng sản Việt Nam".
Về Nghị quyết 36
Nghị quyết 36, tên đầy đủ là Nghị quyết số 36/NQ-TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, được Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ban hành ngày 26 Tháng Ba 2004, đến nay đã qua 18 năm ; thành công hay thất bại đã rõ, không cần phải bàn nhiều. Chỉ cần để ý một chuyện thời sự đang nóng trên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) hôm 22 tháng Mười : "Thúy Nga Paris và ‘một phần dân tộc bị tách rời’" thì đủ biết. Một chương trình nhạc hội bằng tiếng Việt, do các nghệ sĩ người Việt trình bày cho 10.000 khán giả người Việt thưởng thức nhưng phải tổ chức ở Thái Lan vào lúc ở trong nước các chương trình biểu diễn của Khánh Ly, Thanh Tuyền liên tục bị ngăn chặn vào phút chót !
Như một thư ký cần mẫn, ông Liêm đã tóm tắt ý kiến của các "nhân sĩ kiều bào" về hố sâu ngăn cách giữa họ với Đảng cộng sản Việt Nam, tạo ra từ những sai lầm lớn lao và ác độc của Đảng cộng sản Việt Nam sau năm 1975, "từ học tập cải tạo tàn ác, đến đánh tư sản, đánh Hoa kiều, chế độ lý lịch khắt khe, chính sách lùa dân thành thị lên các vùng kinh tế mới rừng thiêng nước độc, xua đuổi và cướp nhà cửa, tài sản, đưa hàng trăm ngàn dân vượt biển, vượt biên đường bộ, để bị cưỡng hiếp bởi hải tặc, chết khát, chết vì mìn bên Campuchia". Ông cho rằng, đây là những tội ác lịch sử mà tổ chức chính trị mang tên Đảng cộng sản Việt Nam chưa lần nào nhìn nhận trực diện, chưa sòng phẳng.
Ông Liêm thuật lại ý kiến của nhóm "nhân sĩ kiều bào", nhưng ý chính của ông là để nhấn mạnh, "Nghị quyết 36 đã là một cách mạng về tư duy lớn của Đảng [chữ đảng viết hoa trong bài là của ông Liêm] đối với chính sách về kiều bào". Bài viết của ông Liêm chẳng những không làm phật lòng Hà Nội mà là một bài tuyên truyền chính trị có đẳng cấp cho tính chính danh cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam mà đội ngũ dư luận viên đông đúc của đảng ở trong nước không đủ trình độ để viết ra và đăng lên BBC như ông Liêm. Với Đảng cộng sản Việt Nam, ông Liêm xứng đáng được khen thưởng.
Cốt lõi trong bài viết của ông Liêm là lập luận khẳng định Đảng cộng sản Việt Nam đã thay đổi, đã "vươn thoát khỏi những sai lầm chính sách của trí tuệ nông dân", thậm chí đã có công phát triển đất nước và có thiện chí với kiều bào.
Ông viết : "Từ cáo buộc phản quốc, bắt giam, đối với người vượt biên những năm sau 1975, nay Đảng đã chính thức công nhận Kiều bào là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Từ gởi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang quận Cam, California, gặp mặt Kiều bào, cho phép cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Cao Kỳ, Nhạc sĩ Phạm Duy… về sống ở nước nhà, cho đến chính sách miễn thị thực, công nhận song tịch, vấn đề mua bán bất động sản, Đảng cộng sản Việt Nam đã chứng tỏ những thiện chí vượt bực".
Và ông kể lại : "Những ai về nước gần đây, đi vào vùng xa, làng thôn, dù nghèo khó vẫn còn đó, nhưng đời sống chung của quần chúng đã được nâng cao rất nhiều. Nay dân chúng không còn ăn để no, mà phải ngon ; mặc không chỉ đủ ấm, mà phải đẹp. Chúng ta phải công bằng ghi cho Nhà nước Việt Nam điểm cộng".
Một lớp học của trẻ em vùng cao miền Bắc Việt Nam sau hơn 70 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ảnh KênhSinhViên.net
Quả là cái nhìn của một "kiều bào" được Đảng cộng sản Việt Nam mời về, đưa đi đây đó có xe cảnh sát hụ còi dẫn đường, nên ông không nhìn thấy thảm nạn của đất nước. Ông đâu thấy hàng vạn nông dân bị mất đất, trở thành dân oan phải vật vờ khiếu kiện nơi vườn hoa, hè phố. Ông đâu thấy hàng trăm ngàn công nhân bị vắt kiệt sức trong các xưởng mồ hôi mà tiền lương không đủ sống. Ông đâu thấy nền giáo dục, y tế tan hoang dưới chính sách "xã hội hóa" của Đảng cộng sản Việt Nam, đạo đức luân lý suy đồi vô phương cứu vãn. Có người tự vẫn để con cái có tiền phúng viếng mà đi học, có người chở thi thể người thân trên xe gắn máy từ bệnh viện về nhà hàng chục cây số vì không đủ tiền thuê xe cứu thương.
Đằng sau những tòa cao ốc lung linh của Vạn Thịnh Phát, Vin Group, Sun Group, Tân Hoàng Minh, FLC, Đại Quang Minh… là biết bao nhiêu phận đời tăm tối, ông đâu nhìn thấy được. Bao chàng trai trở thành món hàng "xuất khẩu lao động" nơi xứ người, bao cô gái cam phận làm điếm ở Mã Lai, Singapore, Campuchia để cứu gia đình khỏi nghèo đói… Ngay trong những đồng nghiệp của ông, những giảng viên đại học, đã có bao người lên bục giảng mà phải nhìn trước ngó sau, thận trọng từng câu từng chữ, biết đâu lỡ lời đụng chạm tới đảng, nhà nước thì có thể bị bể nồi cơm vì trong đám sinh viên dưới kia không thiếu những "đảng viên, đoàn viên" làm chỉ điểm cho an ninh, mật vụ.
Những lời dẫn trên về sự giác ngộ của ông Liêm trước cái gọi là sự thay đổi, "vươn thoát" của Đảng cộng sản Việt Nam chứng tỏ ông ta có cái nhìn thật thiển cận. Nhận thức luận của lãnh tụ cộng sản V.I. Lenin gọi hiện tượng này là"thấy cây mà không thấy rừng", nhận thức chỉ dựa vào những gì cảm nhận được bằng giác quan trong một bình diện hẹp, không phân biệt hiện tượng và bản chất, bộ phận và toàn thể.
Ông Liêm dựa trên nguyên lý về sự vận động, vạn vật chuyển hóa theo thời gian, để luận ra rằng : "chế độ và con người cộng sản Việt Nam đã và đang thay đổi"… Ông dẫn chứng những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của ông với những cán bộ cấp trung của chế độ, viên sĩ quan an ninh cấp tá mời ông uống cà phê, thậm chí một vài nhân vật trong Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam mà ông có lần gặp gỡ, quen biết để đi đến kết luận rằng "tôi không thấy con người cộng sản nào ở họ, từ ngôn ngữ, nhân cách, phong thái", "theo tôi họ không còn và không phải là người cộng sản" !
Vâng thưa ông Liêm, qua tiếp xúc bề ngoài, người cộng sản bây giờ không còn là những bần cố nông chân đất mắt toét, những thợ thuyền vô sản trên răng dưới dái đi làm cách mạng để "bao nhiêu lợi quyền tất vô tay mình" như lời bài Quốc Tế Ca, mà không ít đảng viên cộng sản đã là những nhà tư bản đỏ, sống và làm việc trong các dinh thự nguy nga, đi xe hơi đắt tiền, ăn uống sơn hào hải vị, ra nước ngoài chơi golf như các bà đi chợ.
Nhưng dựa vào cái bề ngoài đó để cho rằng họ đã thay đổi, không còn là người cộng sản nữa thì ông nhầm. Có thể họ không còn là người cộng sản theo nghĩa triết học nguyên thủy của Karl Marx – chỉ những người vô sản đấu tranh để cải tạo thế giới, xóa bỏ chế độ tư hữu, kiến tạo xã hội công bằng hồi cuối thế kỷ 19 ; thậm chí không còn là những người cộng sản chiến đấu chống thực dân với lý tưởng xây dựng một đất nước độc lập trước năm 1945. Nhưng họ vẫn là người cộng sản, đảng viên của một trong vài đảng cộng sản cuối cùng còn lại trên hành tinh này.
Nếu có một sự thay đổi trong con người đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam thì đó là sự chuyển hóa theo hướng tha hóa, biến chất, xấu đi chứ không tốt lên so với các thế hệ cộng sản tiền bối trước năm 1945. Trong nhiều đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay, nhất là đám quan chức cao cấp, không khó nhận ra thói đam mê quyền lực và sự tàn ác cộng sản, lòng tham vô độ của chủ nghĩa tư bản hoang dã – một mẫu người sống giả dối, vô liêm sỉ và tàn bạo.
Sự chuyển hóa này không phải gần đây mới có mà ngay từ khi Đảng cộng sản Việt Nam cướp được chính quyền trong cái gọi là Cách mạng Tháng Tám 1945. Các nhà văn của phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm đã nói tới sự thoái hóa đó. Nhiều trí thức – cả những đại công thần của chế độ như Trần Xuân Bách, Trần Độ, Trần Đức Thảo, Dương Quỳnh Hoa, Nguyễn Trọng Vĩnh…, gần đây hơn là Phan Đình Diệu, Nguyên Ngọc và nhóm Câu lạc bộ Kháng chiến cũ ở Sài Gòn đều đã lên tiếng cảnh báo sự thoái hóa đó và tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản Việt Nam. Đó là những người thức thời và công chúng kính trọng họ.
Quan chức lãnh đạo ngành y tế tiếp tay buôn lậu dược phẩm giả khi ra tòa còn trâng tráo xin án nhẹ để khỏi gây thêm đau khổ cho gia đình ! Biếm họa của La Thanh Hiền.
Về thể chế cộng sản Việt Nam
Hệ thống cộng sản Việt Nam có thay đổi không ? Ông Liêm đặt câu hỏi và tự trả lời : "Khi con người thay đổi, thể chế cũng thay đổi theo". và "Việt Nam nay không phải là một quốc gia cộng sản nữa" ! Vâng, thể chế cộng sản đã và đang thay đổi. Nhưng cũng như con người cộng sản, thể chế của Việt Nam đã thay đổi theo hướng xấu đi, từ độc tài đảng trị sang chế độ chuyên chế toàn trị (totalitarianism).
Thể chế của Việt Nam về căn bản vẫn dựa trên mô hình nhà nước "chuyên chính vô sản" mà V.I. Lenin lập ra ở nước Nga cuối năm 1917, trong đó Đảng cộng sản Việt Nam tự nhận là đại diện của giai cấp vô sản với biểu tượng cây búa và cái liềm, điều hành quốc gia theo những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản như kinh tế kế hoạch hóa tập trung lấy quốc doanh làm chủ đạo, tập thể hóa nông nghiệp và nông thôn, độc tôn về tư tưởng văn hóa và sử dụng "bạo lực cách mạng" làm phương tiện chủ yếu, v.v.
Những cuộc khủng hoảng liên tục dẫn tới sự tan rã của Liên bang Xô Viết năm 1991 cũng xảy ra ở Việt Nam với những trận đói triền miên những năm 1980. Để tồn tại, Đảng cộng sản Việt Nam buộc phải nối lại quan hệ với "đế quốc" Mỹ và mở cửa nền kinh tế theo hướng thị trường tự do từ năm 1986. Chính sách "mở cửa", tạo điều kiện cho những nhân vật nổi tiếng của Việt Nam Cộng Hòa trở về thăm quê như ông Nguyễn Cao Kỳ, nhạc sĩ Phạm Duy… nằm trong chiến dịch vận động Hoa Kỳ bỏ cấm vận và cấp quy chế thương mại tối huệ quốc. Sau này, khi đã được gia nhập ASEAN, vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Việt Nam phải hành xử theo luật quốc tế.
Mở cửa kinh tế, nhưng với nền tảng tư tưởng chủ nghĩa cộng sản, Đảng cộng sản Việt Nam phải đẻ ra một thứ quái thai "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" để tiếp tục duy trì "kinh tế nhà nước là chủ đạo", "đất đai thuộc sở hữu toàn dân". Cái quái thai này là môi trường nuôi dưỡng tệ nạn tham nhũng, cướp đất, bóc lột người lao động và tàn phá môi sinh. Tăng trưởng kinh tế và đầu tư của nước ngoài đã góp phần hình thành một tầng lớp trung lưu đông đảo nhưng cũng đào sâu hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, giữa quan với dân, giữa đô thị và nông thôn mà đại dịch Covid vừa qua làm bộc lộ rất rõ.
Mở cửa về kinh tế nhưng Đảng cộng sản Việt Nam vẫn siết chặt sự kiểm soát chính trị để duy trì quyền cai trị độc tôn của đảng, không chấp nhận đa nguyên, không chấp nhận tam quyền phân lập ; các quyền tự do căn bản của công dân chỉ tồn tại trên giấy. Người dân Việt Nam cứ cúi mặt làm ăn thì không sao, nhưng có ý định chính trị, dù chỉ xuống đường bày tỏ lòng yêu nước phản đối Trung Quốc thì cũng khó mà sống được. Người ngoại quốc, kiều bào ở nước ngoài, kể cả các nghệ sĩ, được vào Việt Nam làm ăn, nhưng chỉ thuần túy hoạt động kinh doanh, quan tâm tới chính trị sẽ bị trừng trị. Bà Khánh Ly chỉ vì hát bài Gia tài của Mẹ mà chương trình lưu diễn của bà phải nửa đường đứt gánh !
Từ chỗ quản lý cuộc sống của người dân thông qua cái bao tử của họ trong chế độ tem phiếu lương thực, nhà nước toàn trị cộng sản chuyển sang quản lý tư tưởng của người dân thông qua guồng máy tuyên truyền đồ sộ, qua sự theo dõi rình mò của chế độ công an trị và các đạo luật vi hiến, phi nhân. Dù quản lý cái bao tử hay quản lý cái đầu, mục đích đều không đổi : Bảo vệ và duy trì quyền thống trị độc tôn của đảng.
Người dân không có quyền chọn ra người đại diện trong bộ máy quản trị đất nước ; những ai có ý kiến khác với đường lối của đảng đều bị trừng trị theo cái gọi là tội lợi dụng quyền tự do dân chủ. Những nhà đấu tranh trẻ tuổi như Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng… và hàng trăm người khác đang bị giam cầm trong chế độ lao tù khắc nghiệt. Một anh bán bún bò nhại lại hành động rắc muối của tay đầu bếp Thổ Nhĩ Kỳ, một nữ doanh nhân gom tiền giúp cho gia đình các tù nhân lương tâm… cũng bị bắt giam là chuyện chỉ có trong chế độ toàn trị. Nếu"Việt Nam nay không phải là một quốc gia cộng sản nữa" như ông Liêm nói thì nó là cái gì ?
Một đề nghị hoang đường !
Cuối bài, ông Liêm tha thiết kêu gọi : "Tôi đề nghị Bộ Chính trị hãy cho ra một Tân Nghị quyết về người Việt ở nước ngoài. Trong Nghị quyết mới này, Đảng hãy can đảm và sòng phẳng để công nhận những sai lầm chính sách đối với dân miền Nam sau 1975. Và có một lời tạ lỗi với họ, và đối với cả dân tộc chung.
Chỉ cần làm điều đó, thì đại khối kiều bào gốc miền Nam, vốn rộng lượng và dễ tha thứ, hy vọng sẽ quên bớt hận thù, để cùng với dân tộc Việt khắp thế giới hướng về tương lai, xây dựng quốc gia như tất cả chúng ta cùng mong mỏi".
Tôi không rõ khi đưa đề nghị như vậy, ông Liêm nghĩ ông là ai và ai sẽ để ý tới lời kêu gọi của ông. Hay ông chỉ cần đánh bóng tên tuổi và lập công với đảng ? Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà Nội sẽ lắng nghe ông chăng ? Hoang đường !
Và theo thiển ý của tôi, "đại khối kiều bào gốc miền Nam" cũng không cần Đảng cộng sản Việt Nam tạ lỗi về những sai lầm quá khứ. Tôi nghĩ rằng, cái mà đồng bào hải ngoại cần và mong muốn là một nước Việt Nam tự do, dân chủ và thịnh vượng, không lệ thuộc Trung cộng, là người dân Việt Nam được tự do sống với đầy đủ phẩm giá của mình. Khi Đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền ở Việt Nam chưa hòa giải được với những người dân yêu nước ngay trong quốc nội, thì khoan nói tới chuyện hòa giải với đồng bào hải ngoại để "hướng về tương lai, xây dựng quốc gia". Một "tân nghị quyết" hay nhiều "tân nghị quyết" cũng chẳng có ý nghĩa gì khi đất nước vẫn độc tài toàn trị, vẫn lệ thuộc ngoại bang, quyền tự do dân chủ của người dân vẫn bị đàn áp, truy bức như hiện nay.
Hiếu Chân
Nguồn : SaigonnhoNews, 23/10/2022
**************************
Việt kiều và Nhà nước Việt Nam
Nguyễn Hữu Liêm, BBC tiếng Việt, 19/10/2022
'Đã đến lúc cần chính sách mới hơn Nghị quyết 36'
Hôm thứ Sáu 14/10 vừa qua, tại tư gia của tôi ở San Jose, California, có một buổi gặp gỡ giữa Ủy ban người Việt ở nước ngoài đến từ Hà Nội và một số nhân sĩ Việt kiều, hầu hết là từ miền Nam. Trong suốt hơn hai giờ, cuộc trao đổi đều tương đối khá thẳng thắn và thực tiễn về các chính sách đối với Kiều bào.
Ông Ngô Trịnh Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, phát biểu trước nhóm khách do Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm mời tới nhà ở San Jose
Ông Ngô Trịnh Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đã phát biểu trước nhóm khách tôi mời tới nhà. Nhưng khi nói về Nghị Quyết 36 năm 2004 của Bộ Chính Trị Đảng cộng sản Việt Nam về chính sách đối với người Việt đinh cư ở nước ngoài thì buổi thảo luận trở nên sôi nổi gần như là một cuộc tranh luận.
Về phía Phái đoàn ngoại giao thì đánh giá Nghị quyết 36 là một thành công lớn, một bước ngoặc quan trọng trong chính sách của Đảng đối với Kiều bào trong tiến trình hòa giải dân tộc để cùng chung tay xây dựng đất nước, hướng về tương lai.
Phía nhân sĩ kiều bào thì cho đó là một thất bại từ cơ bản vì nó không giải hóa được hố sâu ngăn cách giữa người Việt tỵ nạn và thể chế chính trị cộng sản Việt Nam. Chưa nói về bình diện vĩ mô, có người nói thẳng rằng hãy nhìn xem buổi gặp mặt hôm nay tại một nhà riêng với một số nhỏ chưa tới 10 người - thay vì là một buổi gặp gỡ công khai, có đông đảo các thành phần người Việt và giới truyền thông tham dự - thì đây là bằng chứng rõ nhất về sự thất bại của Nghị quyết 36.
Chưa sòng phẳng với quá khứ
Có ý kiến cho rằng chế độ chính trị cộng sản Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, từ bản chất cầm quyền đến trình độ nhân sự. Các chính sách thực tiễn đối với Việt kiều cũng đã rất thông thoáng và tiến bộ nhiều mặt. Tuy nhiên, hố sâu ngăn cách giữa Đảng và kiều bào vẫn còn đó.
Tác nhân tạo ra hố sâu đó là một cách nhìn không thay đổi của Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng cho dến nay, Đảng vẫn chưa nhận lấy trách nhiệm đó, ít nhất là về mặt đạo lý dân tộc. Ngôn ngữ Nghị quyết 36 không đề cập gì đến những sai lầm lớn lao và ác độc của Đảng sau 1975 đối với dân miền Nam, nhất là người dân Sài Gòn. Từ học tập cải tạo tàn ác, đến đánh tư sản, đánh Hoa kiều, chế độ lý lịch khắt khe, chính sách lùa dân thành thị lên các vùng kinh tế mới rừng thiêng nước độc, xua đuổi và cướp nhà cửa, tài sản, đưa hàng trăm ngàn dân vượt biển, vượt biên đường bộ, để bị cưỡng hiếp bởi hải tặc, chết khát, chết vì mìn bên Campuchia.
Đó là chỉ nêu lên vài nét chính. Chúng là những tội ác lịch sử mà tổ chức chính trị mang tên Đảng cộng sản Việt Nam chưa lần trực diện với chúng, sòng phẳng với quá khứ sai lầm lớn lao đó. Phần đông khối Kiều bào Việt ở Hoa Kỳ vẫn còn mang thương tích lớn từ những chính sách bất nhân đó. Họ chưa tha thứ vì Đảng chưa chịu nhận trách nhiệm trước lịch sử, trước dân tộc, trước đại khối Kiều bào hải ngoại.
Từ trí tuệ nông dân...
Trong lúc thảo luận hôm ấy, một nhân sĩ đặt tên cho những chính sách sai lầm và kém cỏi là tác phẩm của trí tuệ nông dân. Mới nghe qua thì tên gọi nầy có vẻ như là một xúc phạm. Nhưng thực ra đó là một nhãn hiệu công bằng. Đảng cộng sản Việt Nam hãnh diện là của giai cấp công nông – tức là của giới vô sản, bần cùng. Với trí tuệ và ý chí công nông, vô sản đó, họ đã làm nên lịch sử, một lịch sử bách chiến bách thắng – như ngôn ngữ lịch sử chính thống của Đảng vẫn ca ngợi. Và ai – kể cả người cộng sản - cũng thấy rằng các tác phẩm từ trí tuệ nông dân đó cũng đã gây ra biết bao tai họa cho quốc gia, cho dân tộc.
Trí thức thiên tả thường huyền thoại hóa giai cấp bần cùng, quê mùa, vô sản. Đó là sự nhầm lẫn giữa lòng thương hại từ ý thức công lý đối với sự đánh giá khách quan về khả năng quyền lực, đạo đức ý chí chính trị khi nói về giai cấp nông dân. Ý chí chiến thắng của giới bần nông Việt Nam đã tạo nên một Điện Biên Phủ 1954 và Sài Gòn 1975, nhưng nó cũng đã mang đến Cải cách ruộng đất ở miền Bắc, đấu tố giai cấp và đánh tư sản, kinh tế mới ở miền Nam sau 1975. Đó là thể loại tư duy của Mao Trạch Đông khi thấy Trung Hoa thu hoạch lúa mùa kém đã đổ lỗi cho chim sẻ và ra lệnh tiêu diệt hết loài chim nầy. Kết quả là châu chấu và côn trùng tàn phá mùa màng, tạo nên nạn đói năm 1958- 60 trong đó hơn 30 triệu dân Trung Quốc đã chết đói vì thiếu ăn.
Qua khúc quanh vươn thoát
Thế nhưng, nếu quan sát kỹ, chúng ta có thể thấy rằng bản thân Đảng cộng sản Việt Nam đang vươn thoát khỏi những sai lầm chính sách của trí tuệ nông dân. Cùng lúc, ngôn ngữ và tinh thần của Nghị quyết 36 vẫn còn là một tác phẩm dung chứa tư duy của tầm mức trí tuệ nông dân đó. Trên bình diện chính trị, Nghị quyết vẫn thể hiện ý chí chiến thắng, định kiến một chiều, đánh giá không chính xác về tâm tư kiều bào gốc Việt Nam Cộng Hòa, coi họ chỉ là đối tượng nhằm chính phục chính trị và khuyến dụ kinh tế - thay vì nhằm chia sẻ và thông hiểu vết thương sâu thẳm mà Kiều bào đang còn chịu đựng. Đó là chưa nói đến ý tưởng xây dựng cộng đồng Kiều bào ở hải ngoại theo đề án của Đảng, dù là tích cực, nhưng thiếu thực tế và không cần thiết.
Theo ý kiến của riêng tôi, công bằng mà nói, tuy vậy, Nghị quyết 36 đã là một cách mạng về tư duy lớn của Đảng đối với chính sách về kiều bào. Từ cáo buộc phản quốc, bắt giam, đối với người vượt biên những năm sau 1975, nay Đảng đã chính thức công nhận Kiều bào là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Từ gởi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang quận Cam, California, gặp mặt Kiều bào, cho phép cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Cao Kỳ, Nhạc sĩ Phạm Duy… về sống ở nước nhà, cho đến chính sách miễn thị thực, công nhận song tịch, vấn đề mua bán bất động sản, Đảng cộng sản Việt Nam đã chứng tỏ những thiện chí vượt bực.
Điều đó cho chúng ta thấy rằng Nghị quyết 36 mang hai bình diện song song với nhau : Đó là chính sách thực tiển đối với tinh thần chính trị. Cộng đồng Kiều bào, người Mỹ gốc Việt nay về nước làm ăn, nghỉ hưu, du lịch ngày càng đông. Hãy xem các chuyến bay trực tiếp của Vietnam Airlines từ California về Sài Gòn không còn chỗ ngồi thì sẽ thấy điều đó. Đảng cộng sản Việt Nam đã thành công trên bình diện chinh phục kiều bào ít nhất là trong các mục tiêu thực dụng. Nhưng Đảng đã sai khi cho rằng đây là một chiến thắng chính trị.
Và cũng vì thế, đó là nguyên nhân sâu sắc cho một số lớn, nếu không nói là đa số kiều bào gốc Việt Nam Cộng Hòa, chưa chấp nhận thua cuộc trước chiến lược chính trị và nhân tâm đó của Đảng.
...tới logic thương tích của kiều bào
Khi tôi đăng lên trang Facebook về buối gặp mặt nói trên, tôi đã nhận được nhiều bình luận trái chiều.
"Đừng nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm", hay, "Cộng sản tự bản chất là không bao giờ thay đổi".
Có một số bình luận hằn học hơn cùng với nhiều lời tán thành chuyện đối thoại, gặp gỡ như thế. Tôi thông cảm và chia sẻ với tất cả ý kiến trái chiều, và tôi không xóa bỏ lời bình luận nào. Những kết án thuần chất khẩu hiệu của thời Việt Nam Cộng Hòa là những biểu dấu của cái logic thương tích mà chúng ta phải công nhận và thông cảm.
Thôi thì hãy bình tâm mà "nhìn kỹ những gì Cộng sản làm" : Từ cái thời đấu tố Cải cách Ruộng đất, văn kiện đầy ngôn ngữ giai cấp, ca ngợi tuyệt đối chủ nghĩa Mác Lênin, cho đến hôm nay, khi họ cố gắng làm hòa với kiều bào, dù là cho mục tiêu chính trị, hay là khi họ gia nhập toàn diện vào cộng đồng kinh tế của thế giới văn minh, tiến bộ, hay là về bình diện đối nội với những thành đạt về ổn định chính trị, trật tự xã hội – dù bất công và ung thối – và phát triển kinh tế, đã tạo nên một giai tầng trung lưu, tư bản mới cho nhân dân.
Những ai về nước gần đây, đi vào vùng xa, làng thôn, dù nghèo khó vẫn còn đó, nhưng đời sống chung của quần chúng đã được nâng cao rất nhiều. Nay dân chúng không còn ăn để no, mà phải ngon ; mặc không chỉ đủ ấm, mà phải đẹp. Chúng ta phải công bằng ghi cho Nhà nước Việt Nam điểm cộng.
Hệ thống cộng sản Việt Nam có thay đổi không ?
Không những bản chất của chế độ đã thay đổi, mà ngay cả con người đảng viên cộng sản cũng đã thay đổi, đã tiến hóa rất xa. Vâng, cái gì cũng phải thay đổi, chuyển hóa theo thời gian. Chế độ và con người cộng sản Việt Nam đã và đang thay đổi. Lần nữa, ta phải bình tâm để công nhận điều đó.
Trong chuyến về nước tháng Tám vừa qua, tôi có dịp tiếp xúc với khá nhiều cán bộ cấp trung của chế độ. Hầu hết tuổi dưới 50 và tốt nghiệp từ các trường đại học uy tín Âu Mỹ. Trong đó có một số là sinh viên cũ của tôi ở San Jose City College. Trong các bữa ăn trưa hay tiếp xúc xã giao với các cán bộ cấp thứ trưởng và vụ trưởng ở Sài gòn và Hà Nội, tôi không thấy con người cộng sản nào ở họ, từ ngôn ngữ, nhân cách, phong thái.
Ngay cả vị sĩ quan an ninh cấp tá hay mời tôi cà phê cũng là một con người sâu sắc, mang dáng dấp văn minh, lịch sự - chứ không như mấy chục năm trước khi tôi mới về nước đã phải làm việc với các ông an ninh chính trị thô kệch và hách dịch. Hiện tượng nhị nguyên nhân cách nơi cán bộ, tức là con người thể chế đối với con người thực, nay là một chuyện đang giảm bớt rất nhanh.
Khi con người thay đổi, thể chế cũng thay đổi theo.
Hãy nhìn vào nhân sự Bộ Chính trị hiện nay. Ở cơ chế quyền lực cao nhất hiện nay ta thấy chỉ còn một người cộng sản duy nhất : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tôi cũng từng có lần gặp gỡ, quen biết một vài nhân vật trong Bộ Chính trị thì theo tôi họ không còn và không phải là người cộng sản. Họ chỉ coi chủ nghĩa cộng sản như là một gia sản lịch sử cho mục tiêu công lý xã hội, một khung tham chiếu cho trật tự đẳng cấp – và dĩ nhiên, cho ý chí và quyền lợi, tham vọng chính trị. Nói gọn, Việt Nam nay không phải là một quốc gia cộng sản nữa.
Ông Nguyễn Hữu Liêm (thứ nhì từ phải sang) và bạn bè trong chuyến ông về thăm Việt Nam hè năm nay (2022)
Cần một Nghị quyết về kiều bào mới : Một lời tạ lỗi
Từ cái nhìn tích cực - và theo tôi là công bằng, vừa phải - ta phải đánh giá rằng, trên một bình diện nào đó, Nghị quyết 36 đã đưa Đảng cộng sản Việt Nam đi đúng hướng trên hành trình hòa giải dân tộc thời hậu chiến. Nhưng chưa đủ và còn nhiều khuyết khiếm (*).
Tôi đề nghị Bộ Chính trị hãy cho ra một Tân Nghị quyết về người Việt ở nước ngoài. Trong Nghị quyết mới này, Đảng hãy can đảm và sòng phẳng để công nhận những sai lầm chính sách đối với dân miền Nam sau 1975. Và có một lời tạ lỗi với họ, và đối với cả dân tộc chung.
Chỉ cần làm điều đó, thì đại khối kiều bào gốc miền Nam, vốn rộng lượng và dễ tha thứ, hy vọng sẽ quên bớt hận thù, để cùng với dân tộc Việt khắp thế giới hướng về tương lai, xây dựng quốc gia như tất cả chúng ta cùng mong mỏi.
Nguyễn Hữu Liêm
Nguồn : BBC, 19/10/2022
Tiến sĩ triết học, luật học Nguyễn Hữu Liêm, hiện sống tại San Jose, Hoa Kỳ.
(*) Buổi gặp gỡ nói trên chỉ bao gồm nhân sĩ gốc Việt Nam Cộng Hòa và miền Nam, gọi chung là dân tỵ nạn cũ. Dù không đề cập đến, nhưng tại Đông Âu, Pháp, Anh, không liên quan gì đến bà con cựu thuyền nhân hay gốc Việt Nam Cộng Hòa. Nghị quyết 36 nghe nói là cũng không có ảnh hưởng bao nhiêu. Một hai thế hệ người Việt sống, sinh ra, làm việc ở các nước Châu Âu đã nghĩ khác hẳn nội dung Nghị quyết 36. Thực ra, giới trí thức gốc Việt phần lớn không thích các chính sách kiểu giai cấp của Đảng cộng sản Việt Nam, tuy họ không ra mặt chống. Có nhận xét cho rằng đó là lý do các phái đoàn của chính phủ Việt Nam khi qua các nơi đó chỉ hạn chế giao lưu thân được với các nhóm làm ăn buôn bán, đa phần là những người cần quan hệ 'cửa sau" ở Hà Nội để hối mại quyền thế. Một số quan chức sang Châu Âu còn gặp những nhóm làm ăn gần xã hội đen. Các sáng kiến Đại sứ quán Việt Nam ở EU và Anh Quốc lập "hội trí thức" thân hữu để điều khiển họ đều không thành công, theo tôi biết.