Có cần xây dựng Luật Đạo đức theo kiến nghị của Viện trưởng Lê Minh Trí ?
RFA, 24/10/2022
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí mới đây đề nghị cơ quan lập pháp xem xét xây dựng Luật Đạo đức. Theo ông Trí, luật này nhằm giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người, nhằm góp phần tốt hơn trong phòng ngừa vi phạm, tội phạm. Ông Trí cho rằng, cần có Luật Đạo đức "để giáo dục cho cộng đồng xã hội, chứ không chỉ bằng biện pháp nêu gương, trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên".
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí - Photo : chinhphu.vn
Phẩm chất của cán bộ, đảng viên lâu nay được giáo dục qua phong trào "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", được Bộ Chính trị khóa 9 quyết định từ năm 2005.
Sau đó, đại hội Đảng lần thứ 11 yêu cầu đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ, tổ chức đảng và các tầng lớp nhân dân.
Theo nhận định của Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, sau 17 năm phong trào "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" được đưa vào tầng lớp đảng viên rồi lan ra các công sở, trường học, kết quả là một sự thật bại hoàn toàn. Ông cho rằng tình trạng đạo đức trong xã hội bị suy đồi đến mức tận cùng đã xuất hiện. Ông nói tiếp :
"Cái khái niệm ‘danh dự’ mà ông Lê Minh Trí muốn giáo dục trong cái Luật Đạo đức ổng đề nghị, trở thành một thứ rất xa xỉ trong một xã hội dày đặc dối trá và lừa đảo cả ở tầm vi mô lẫn vĩ mô.
Đạo đức là một phạm trù thuộc về văn hóa thông qua giáo dục. Dạy về đạo đức phải bắt đầu từ tấm bé, khi trẻ con bước chân vào trường học. Nó phải được dạy những khái niệm về trách nhiệm, về lương tri, về phẩm giá, về sự sỉ nhục, về sự xấu hổ…từ đó nó mới hình thành nên giá trị đạo đức. Đó thuộc về lãnh vực văn hóa giáo dục. Nó không thuộc về lãnh vực pháp luật. Ông Trí đã nhầm lẫn giữa pháp trị và đức trị. Nó cách khác, luật phải có giá trị thi hành trên thực tế. Luật không ban để ra để dạy dỗ như ông Lê Minh Trí là dạy về danh dự. Đó là cách tiếp cận vấn đề sai lầm."
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị cho là đã vào nền nếp, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của tổ chức đảng, đoàn nhằm ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ cũng như đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch.
Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 năm 2016, Đảng nhấn mạnh : "Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới tự diễn biến, tự chuyển hóa chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Hội nghị đưa ra một Nghị Quyết trong đó liệt kê 27 điểm để nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và vấn đề tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Việc phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, hay đòi thực hiện "đa nguyên, đa đảng" bị cho là một biểu hiện để nhận diện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ đảng viên.
Ông Nguyễn Phú Trọng và những cán bộ cấp cao bị bắt vì tội tham nhũng. Tuổi Trẻ / RFA edited
Tháng 10 năm ngoái, các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng cộng sản Việt Nam về Hà Nội dự Hội nghị Trung ương 4 khoá 13 để tiếp tục nâng cấp các Nghị quyết về củng cố Đảng nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình hình suy thoái về "tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống" của cán bộ, đảng viên.
Đạo đức mà Đảng nói tới là đạo đức cách mạng. Còn đạo đức xã hội được nói đến như là một nét đẹp truyền thống văn hóa’ là chuẩn mực, thái độ hay cách sống của một con người. Đạo đức trong một cộng đồng thể hiện qua những quy tắc ứng xử được áp dụng từ việc hợp với đạo lý xưa nay và phong tục của cộng đồng đó. Đạo đức của cả một xã hội thường được xét đến khi xã hội đó bị cho là hỗn loạn và thiếu chuẩn mực.
Với kiến nghị xây dựng Luật đạo đức của ông Lê Minh Trí, một luật sư giấu tên ở TP.HCM cho rằng, với quan chức không còn giáo dục nữa mà chỉ áp dụng bằng luật pháp. Ông nêu quan điểm của mình :
"Ngoài Điều lệ đảng ra thì còn có 19 điều đảng viên không được làm. Nó giống như một quy tắc đạo đức rồi. Bây giờ biến đạo đức thành luật trong khi không đào tạo người ta thành một nền tảng thuở sơ khai. Còn bây giờ nó mang tính ‘bạo lực cách mạng’. Nó giống như cái sơ khai rồi. Bây giờ nếu đưa lên thành luật, gọi là Luật Đạo đức thì 19 điều đảng viên không được làm vứt sọt rác à ? Luật đạo đức như vậy là mơ hồ. Nó là cách giáo dục từ lúc sơ khai chứ không phải khi người ta trở thành hung bạo rồi nó mới biến thành luật.
Đạo đức vốn nằm trong bộ luật hình sự. Còn khái niệm đạo đức là một khái niệm trừu tượng nằm trong phạm trù của giáo dục chứ không phải nằm trong phạm trù của pháp luật. Bây giờ nói vấn đề Luật Đạo đức thì chỉ để trừng phạt những người chống lại quyền lợi phe nhóm mà thôi."
"Bạo lực cách mạng" là tư tưởng của ông Hồ Chí Minh giai đoạn 1954-1975 mà ông Hồ gọi là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Theo tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông thuộc Học viện báo chí và tuyên truyền, tư tưởng Hồ Chí Minh về bạo lực cách mạng là một bộ phận trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng quân sự nói riêng ; là một hệ thống các quan điểm về sử dụng sức mạnh bạo lực của quần chúng nhân dân bị áp bức, bóc lột dưới sự lãnh đạo của Đảng chống lại thực dân, đế quốc, giành lấy chính quyền và giữ vững chính quyền.
Ông Hồ Chí Minh đã khẳng định : "Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp, của dân tộc, cần sử dụng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền".
RFA, 24/10/2022
***********************
Thực tế đạo đức của người cộng sản Việt Nam
Nguyễn Ngọc Già, RFA, 21/10/2022
Cần phải công nhận người cộng sản Việt Nam, họ gần như không còn đủ lương tri tối thiểu để phân biệt mọi lẽ trên đời, nhưng chắc chắn, họ đang tồn tại ; họ đang hít thở, ăn uống và sinh hoạt không khác "Con Người" - Những Con Người hoặc còn đầy đủ hoặc "tạm đủ" Nhân Cách. Bởi nhiều trang báo đưa tin Tất Thành Cang - một nhân vật cộng sản cấp cao của Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục KHÓC LÓC và nghẹn lời khi đứng trước tòa để bào chữa cho bản thân y. Dĩ nhiên, còn nhiều nhân vật cộng sản Việt Nam cấp cao đã từng khóc lóc với vẻ ủ ê của những con mèo ướt bị hất ra khỏi bầy ! Với bộ dạng trông khá tội nghiệp, dù có thể họ từng một thời "hét ra lửa - thở ra khói" với những quyết định gây tan nhà nát cửa cho người dân - như Lê Thanh Hải - nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh không ngại ngần khẳng định [1] : Quản lý ở quận 2 cần "BÀN TAY SẮT" vào ngày 7/4/2007 - báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Tất Thành Cang - một nhân vật cộng sản cấp cao của Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục KHÓC LÓC và nghẹn lời khi đứng trước tòa để bào chữa cho bản thân y
Dĩ nhiên, không ai ảo tưởng, chỉ bằng những lời nói, những chữ viết, chúng đủ sức làm "lay động" tâm hồn "gỗ đá" của người cộng sản Việt Nam. Bởi, nếu chỉ bấy nhiêu, mảnh đất chữ S còi cọc này đã thanh bình từ "đời tám hoánh" !
Thật vậy, biết bao nhiêu nhân vật tên tuổi tầm cỡ thế giới trong tư cách : Tổng thống, Thủ tướng, Triết gia, Bác học, Bậc Chân tu, v.v. đã để lại cho đời hàng ngàn triết lý, hàng triệu lời khuyên còn "không ăn thua", sá gì hàng ngàn bài báo từ trong cho đến ngoài nước, dù cố gắng hết sức thay lời cho hàng triệu người dân mất đất oan ức trong hàng chục năm qua. Ngoài Tất Thành Cang, có những người cộng sản Việt Nam cấp cao nhứt tại Thành phố Hồ Chí Minh - một thời gây bão táp phong ba cho người dân Thủ Thiêm - như : Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua vẫn có vẻ đang yên ổn.
Người dân nghèo và người dân quèn vẫn tiếp tục xôn xao bàn tán và dõi theo vụ đại án từ Trương Mỹ Lan - người đứng đầu tập đoàn nức tiếng - Vạn Thịnh Phát - đã bị bắt. Không rõ người cộng sản Việt Nam cấp cao và bọn trọc phú như Trương Mỹ Lan, có bao giờ đọng trong đầu họ một chút nào, về vô số mảnh đời oan trái, cùng những cái chết tức tưởi và thương tâm kể từ ngày người cộng sản Việt Nam "xuất hiện" trên mảnh đất còm cõi này không ?
Cũng thật khó tin, khi nói về khái niệm "hoàn lương" đối với bản chất người cộng sản Việt Nam. Và càng không thể tin, họ "hồi tâm chuyển ý", dù có bị dồn vào bước đường cùng mà có lẽ "quy trình" đó đang diễn ra ! Những dòng lệ lã chã ; những cặp mắt đỏ hoe từ ánh nhìn thẫn thờ vẫn còn nguyên vẹn vẻ tinh ranh - giảo hoạt, khiến người dân càng nhạo báng, bởi không ai lạ lẫm gì loài cáo tu luyện thành tinh, đội lốt người trong hàng hà sa số các pho truyện cổ tích và thần thoại.
Có lẽ vì "triết lý cuộc đời" nói chung và "triết lý giáo dục" nói riêng là điều quá xa lạ đối với người cộng sản Việt Nam, bởi những "hồn vía" vốn dĩ lấy "chuẩn mực ẩm thực" (nghĩa bóng và cả nghĩa đen) làm lẽ sống ở đời, như họ đã và đang như vậy, trên mọi lãnh vực !
Người cộng sản Việt Nam tựa như những "đế giày nhà binh" đạp thẳng vào nỗi thống khổ của đồng bào ! Họ làm cho "nền móng" chế độ toàn trị "tọa lạc vững chãi" suốt hàng chục năm qua ! Họ là những "tấm thảm đỏ thẫm màu huyết dụ" lót đường cho những "bước chân khoan thai" đầy "kiêu hãnh" trong những cuộc tiếp đón long trọng và linh đình với thế giới ! Và họ còn là rất nhiều các loại "công cụ" phong phú khác, tùy mỗi người suy ngẫm !
Sự tai quái và tinh quái của người cộng sản Việt Nam, khi sa vào lao lý, họ gần như quăng hết vô "thùng rác nhân dân" những thứ lụa là mềm mượt trên đầu môi chót lưỡi gọi là "lý tưởng" mà họ từng vung nắm tay cùng tiếng hô to "XIN THỀ" (đến 3 lần) để được "cống hiến tới hơi thở cuối cùng" (!). "Mề đay" và đủ loại giấy chứng nhận "chiến công, chiến tích lẫy lừng" bỗng chốc hóa thành thứ hàng mã sống sượng, để họ mang ra mặc cả số năm tù. Nghiệt thay ! Những mặc cả đó cũng chính do đồng chí của họ tạo ra và được gọi là "luật pháp nghiêm minh", "không có vùng cấm", v.v.
Bên cạnh đống vàng mã nói trên là đống tài sản, họ xin nộp lại một phần để tòa giảm bớt số năm tù. Gia tài kếch sù đó, được "kết tinh" từ nước mắt trộn lẫn tiếng kêu rên [2] của người đàn bà thân sơ thất sở - cầu bơ cầu bất thốt lên, khi bà cho biết khiếu nại đến Thanh tra thành phố và được khuyên bảo : "Coi như chị xui đi ! Chị cầm mấy chục cây vàng đi đường bị chúng giựt đi !" trong tiếng cười - tiếng vỗ tay của buổi họp ngày 22/11/2018, trong đó Nguyễn Thị Quyết Tâm làm chủ tọa - bà Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xém "ăn trọn" một chiếc dép vô mặt, khi đối diện với người dân Thủ Thiêm mất đất và chịu oan ức hàng chục năm qua ! Đến nổi chính người cộng sản Việt Nam tự coi đồng chí của họ là quân ăn cướp, vậy sao ?
Trên thực tế, Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khóa IX, tháng 8/2005 đã ban hành Kết luận số 39-KL/TW ngày 30/8/2005, trong đó nêu rõ [3] : "Triển khai chỉ đạo điểm cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Hơn 17 năm trường đằng đẵng trôi qua, dù cái gọi là "đạo đức Hồ Chí Minh" ngốn hàng tỷ đồng với hàng ngàn buổi "dạy học", đạo đức của hầu hết người cộng sản Việt Nam đã được phơi bày trần trụi như vậy đó !
Luật đạo đức - Điều khôi hài
Ngày 19/10/2022, báo Tuổi Trẻ đưa tin [3] ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - tiếp tục kiến nghị xây dựng "Luật đạo đức" để giáo dục về danh dự (!) mà trước đó ông ta đã nêu ra trong cuộc tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng (2012 - 2022).
Thật khôi hài, nếu như "Luật đạo đức" ra đời ! Có vẻ ông Lê Minh Trí lầm lẫn giữa khái niệm "Pháp trị" và "Đức trị" đến mức không phân biệt được, luật phải có giá trị thi hành trong cuộc sống, còn đạo đức, chỉ nên được dạy trong nhà trường phổ thông mà thôi.
Những tấm gương đạo đức như cố Thủ tướng Lý Quang Diệu (Singapore) - vang danh toàn thế giới, vẫn không thể thay thế cho "Pháp trị". Người chấp pháp phải đủ đạo đức - Điều này ở người cộng sản Việt Nam không hề có. Thêm nữa, Singapore được nhìn nhận là một trong các quốc gia, gần như nạn tham nhũng không thể tồn tại, bởi chế độ cầm quyền cùng nền pháp trị nghiêm minh, chứ không phải đến từ đạo đức. Song song đó, trong "Pháp" đã có "Đức", thế cho nên, mới có khái niệm : các tình tiết tăng nặng - giảm nhẹ hình phạt, khi đứng trước tòa và nhiều khái niệm mang thuộc tính "đạo đức", như : đầu thú, khai báo thành thật để hưởng lượng khoan hồng, v.v. Tức là trong "pháp lý" đã dung chứa "đạo đức" của Nhà nước, khi một bộ luật được soạn thảo và thông qua.
Bất cứ bộ luật nào cũng xuất phát từ nhu cầu của đời thực ! Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nên dành thời gian để suy ngẫm về lời nói của [5] ông Nguyễn Phú Trọng vào ngày 24/10/2013 "Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa" thay vì đặt ý định soạn thảo Luật đạo đức (!).
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 21/10/2022
Chú thích :
[1] https://tuoitre.vn/tphcm-quan-ly-dat-o-q2-can-ban-tay-sat-195267.htm
[2] https://zingnews.vn/dan-thu-thiem-ke-luc-khieu-nai-duoc-tra-loi-coi-nhu-...
[3] https://tuyengiao.vn/theo-guong-bac/hanh-trinh-tu-chi-thi-06-den-chi-thi...
[4] https://tuoitre.vn/vien-truong-le-minh-tri-tiep-t-kien-nghi-xay-dung-lua...
[5] https://thanhnien.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-phat-bieu-tai-to-ve-du...