Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/10/2022

Ông Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc mang tính biểu tượng hay còn gì khác ?

Phạm Quý Thọ

Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vừa kết thúc hôm 22/10, ngay hôm sau ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, thuộc trong số các nhà lãnh đạo đầu tiên gửi điện mừng tới Chủ tịch Tập Cận Bình tái giữ chức Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc". Hơn thế, theo truyền thông hai nước, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 30/10 đến 02/11 theo lời mời của ông Tập Cận Bình". Chuyến thăm này có ý nghĩa thế nào?

vntq1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ đón ở Phủ Chủ tịch ở Hà Nội hôm 12/11/2017 - AFP

Tính biểu tượng

Nếu quan sát những động thái trên có thể bình luận rằng thái độ của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam là "hồ hởi" chúc mừng "thành công", mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng biểu thị "tình đoàn kết và nét tương đồng" về ý thức hệ qua "mối quan hệ và tình cảm tốt đẹp giữa hai Đảng cộng sản và hai cá nhân Tổng bí thư". Trong bức điện mừng ông Tập, ông Trọng có viết: "Tôi mong sớm được gặp lại đồng chí để chúng ta cùng nhau đi sâu trao đổi những vấn đề chiến lược, góp phần tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, đề ra những định hướng lớn cho tương lai phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước". Tuy nhiên, sự "sốt sắng" của chuyến đi mặc dù sức khỏe của ông Trọng có "vấn đề" sau lần tai biến năm 2018 và thiếu công khai hóa nội dung cuộc gặp khiến chuyến thăm này mang đậm tính biểu tượng".

Cả hai ông Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình đều là "trường hợp đặc biệt", nghĩa là "phá thông lệ" giới hạn về tuổi và hai nhiệm kỳ, để tiếp tục nắm quyền trên cương vị tổng bí thư đảng ở nhiệm kỳ thứ ba, nhưng mỗi ông có hoàn cảnh đặc thù riêng để "ở lại". Trong khi ông Trọng tại vị thêm được cho là có lý do duy trì chế độ khỏi sự tồn vong từ "bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế" ở Việt Nam thì ông Tập "cần phải" tiếp tục lãnh đạo thực hiện "giấc mộng Trung Hoa" trong môi trường quốc tế phức tạp, khó lường khi cạnh tranh giữa các siêu cường và chiến tranh Nga – Ukraine làm đảo lộn kinh tế và chính trị các quốc gia". Tuy nhiên, cách thức để giữ đỉnh quyền lực của họ là giống nhau, thông qua các biện pháp thanh lọc, tổ chức cán bộ để "bố trí những người thân cận" và trừng phạt suy thoái tư tưởng đồng thời với chống tham nhũng". Đi trên con đường đó không thể không có rủi ro, nhưng "ưu thế" của chế độ tập quyền Đảng cộng sản đã được phát huy tối đa".

Họ luôn là những người đồng chí, ngầm định hay công khai hỗ trợ nhau để giữ chế độ". Khi ông Trọng vượt quy định về giới hạn tuổi để ở lại nhiệm kỳ hai năm 2016, ngay sau đó, ông Tập Cận Bình đến Hà Nội, gặp ông Nguyễn Phú Trọng để thể hiện sự đoàn kết giữa hai đảng và nhà nước". Chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông có thể coi là "đáp lễ", thể hiện truyền thống văn hóa chính trị mang tính ý thức hệ pha trộn nho giáo". Họ là những "học trò xuất sắc" của lãnh tụ V". Lê-nin khi hiện thực hóa ước muốn có được một tổ chức bộ máy để "xoay chuyển" đất nước". Hai ông đã "thành công" và họ có cơ hội lớn bàn thảo về tương lai".

vntq2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giới thiệu các thành viên mới trong Bộ Chính trị tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 23/10/2022". AFP

 

Những vấn đề

Tính biểu tượng cao mang tính ý thức hệ không chỉ sẽ quyết định nội dung cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo đảng, mà còn ẩn chứa những vấn đề mang tính quan điểm, chủ chương, chính sách, liên quan đến cải cách thể chế và chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường trong bối cảnh trật tự thế giới phân chia ngày càng rõ rệt theo sự cạnh tranh giữa Trung Quốc, Nga với Mỹ và phương Tây". Sau đây là bốn nhóm vấn đề chủ yếu cần theo dõi, phân tích và cần thêm ý kiến của quý vị đóng góp thúc đẩy chính sách cải cách thể chế :

Một là, tầm và mức độ ảnh hưởng của Đảng cộng sản Trung Quốc, như một chỗ dựa cho Đảng cộng sản Việt Nam, như thế nào đến nội bộ tổ chức, sự hỗ trợ đào tạo cán bộ, tư vấn kinh nghiệm và chính sách điều hành cũng như việc phối hợp xử lý các tình huống cấp bách… ? Chẳng hạn, Trung Quốc đi trước với "cải cách và mở cửa" với tư tưởng thực dụng nhưng việc vận dụng trong đặc thù hoàn cảnh Việt Nam ra sao, thành lập các đặc khu hành chính kinh tế… ? Hay, mặc dù không có bằng chứng về "can thiệp công việc nội bộ" nhưng vì sao luôn lan truyền tin đồn, thuyết âm mưu ?"...

Hai là, chắc chắn có sự cam kết duy trì quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai đảng và nhà nước nhưng những vấn đề mang tính "nguyên tắc" như tranh chấp về lãnh hải, biển đảo hay "nhạy cảm" như  triển khai sáng kiến của Tập Cận Bình về "con đường tơ lụa" liệu có được "nhân nhượng" trong các thoả thuận ngầm hay núp bóng các dự án cụ thể ?

Ba là, việc vận dụng chủ thuyết phát triển và mô hình kinh tế thế nào để tương thích với tham vọng "Đảng- Nhà nước mạnh" với những đặc thù của mỗi nước, trong đó mỗi chủ đề kinh tế sẽ bị chi phối ? Chẳng hạn, tổng kim ngạch buôn bán hai chiều Trung Quốc-Việt Nam năm 2021 đạt 230 tỷ USD và, vị trí thứ ba về đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam liệu có thể được nâng lên và như thế nào trong bối cảnh suy thoái kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do chiến tranh, lạm phát, khủng khoảng nợ, bất động sản… ở mỗi nước ?

Bốn là, sự lựa chọn chiến lược phát triển sao cho giữ được tính độc lập, tự chủ của quốc gia như thế nào trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay giữa hai hệ tư tưởng chủ nghĩa cộng sản và tư bản? "Việc Tập Cận Bình chính thức kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba và có thể suốt đời đã "khóa chặt định hướng chính sách hiện tại của Trung Quốc – một định hướng thể hiện rõ thái độ thù địch với đa nguyên chính trị và các lực lượng của thị trường tự do" và, từ đó Mỹ và phương Tây không còn phải "do dự" để có chính sách đối phó phù hợp khi coi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh trực tiếp". Đổi mới ở Việt Nam "đi sau" với trình độ phát triển thấp hơn, liệu "chính sách thực dụng" có thể từ bỏ khi tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào đầu tư tư bản nước ngoài vẫn phải được coi trọng vì tính chính danh của chế độ hay, tiếp tục "đu dây" thế nào ?

Cần lắm đối với các nhà nghiên cứu có tâm với đất nước làm rõ "thâm ý" lời phát biểu của cố Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình rằng ông ta "hiểu rõ các lãnh đạo Việt Nam" và cần dạy "bài học" cho họ trong bối cảnh xâm lược Việt Nam năm 1979". Phải chăng là sự tương đồng ý thức hệ ? Hiện nay có nhiều bình luận về "ngoại giao cây tre" của Việt Nam, nhưng ý kiến sẽ trở nên kém "trọng lượng" khi thoát ly khỏi "vòng kim cô" ý thức hệ dù đó chỉ mang tính "biểu tượng" như chuyến công du sắp tới đến Trung Quốc của ông Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam".

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 27/10/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 635 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)