Trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội đối với Bộ Thông tin và truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng (Bộ trưởng Thông tin và truyền thông) vừa thú nhận :Các dịch vụ mạng xã hội nước ngoài chi phối đến gần 70% thị phần doanh thu quảng cáo trực tuyến(1).
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông. Photo CAND
Nếu so thú nhận vừa kể với tuyên bố của ông Hùng cách nay đúng ba năm trước các đại biểu quốc hội khóa 14 (2016-2021) thì cả ông lẫn chính phủ Việt Nam đều đã thất bại hết sức thảm hại khi không "kéo" được "não người Việt" về Việt Nam.
***
Đầu tháng 11/2019, khi đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội khóa 14, ông Hùng (lúc ấy cũng là Bộ trưởng Thông tin và truyền thông) cảnh báo :Bây giờchúng ta nghĩ gì, nói gì, thậm chí yêu ai, mua gì đều nằm trên mạng xã hội. Điều gì sẽ xảy ra khi tất cả thông tin đó ở trên một mạng xã hội. Nghĩa rằng não người Việt Nam tập trung ở một chỗ và chỗ này hiện không nằm ở Việt Nam. Sau này họ sẽ dùng vào việc gì ? Giờ mới chỉ mà quảng cáo thôi. Điều này rất nguy hiểm bởi đấy là an ninh quốc gia(1).
Từ ấy đến nay (tháng 11/2022) đã tròn ba năm, dưới sự chỉ đạo và điều hành của ông Hùng, Bộ Thông tin và truyền thông chưa kiếm được "sợi dây" nào và chính phủ chưa chế tạo được động cơ nào để làm phân tán "não người Việt" và "kéo" phần lớn về Việt Nam !
Cách nay ba năm, ông Hùng trấn an Quốc hội :Khi tôi làm Bộ trưởng, có khoảng 50 triệu người sử dụng mạng xã hội Việt Nam và sau một năm, mạng xã hội Việt Nam có 65 triệu người sử dụng, tăng 30%. Trong đó có hai mạng xã hội lớn và tám mạng xã hội nhỏ. Nếu chúng ta tiếp tục đẩy mạnh cộng với sự hỗ trợ của người dân ưu tiên hàng Việt Nam thì với tốc độ này, con số này vào năm 2020 là 90 triệu, tương đương với số người Việt đang sử dụng mạng xã hội của nước ngoài vào thời điểm tháng 11/2019.
Ông Hùng trở thành Bộ trưởng Thông tin và truyền thông vào tháng 10/2018, nghĩa là chỉ trong vòng một năm, số người sử dụng mạng xã hội Việt Nam tăng 30%. Vì lẽ gì từ đó đến nay"các dịch vụ mạng xã hội nước ngoài chi phối đến gần 70% thị phần doanh thu quảng cáo trực tuyến" ? Do ông Hùng, Bộ Thông tin và truyền thông, chính phủ vô năng, hoặc dân số Việt Nam đã tăng lên 70% thành 270 triệu người hay ông Hùng thuộc dạng nói cho sướng miệng mà không biết mình nói gì và Quốc hội chỉ gật gù, nghe cho sướng tai nên không thắc mắc ?
Hồi tháng 11/2019, ông Hùng khẳng định : Mạng xã hội Việt Nam khôngcần tiền, vấn đề là giúp họ thế nào. Họ mong muốn đúng một việc là doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước giống nhau, tránh chuyện bảo hộ ngược. Mạng xã hội Việt Nam phải đóng thuế, phải tuân thủ pháp luật. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý là Bộ Thông tin và truyền thông và Bộ sẽ làm tốt việc này. Nếu vậy, mạng xã hội trong nước sẽ phát triển mạnh mẽ như Lotus với cách tiếp cận mới.
Tháng 11 năm nay, ông Hùng biện bạch, sở dĩ mạng xã hội Việt Nam chỉ chiếm 30% thị phần trong nước vì các quy định pháp luật hiện hành chủ yếu tập trung quản lý rất chặt các mạng xã hội trong nước. Một số quy định đã trở nên lạc hậu, bất cập trước sự phát triển rất nhanh của Internet và công nghệ, khiến cho các mạng xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút người dùng để phát triển kinh doanh. Mạng trong nước chỉ cho phép lĩnh vực chia sẻ, trao đổi giới hạn trong một hoặc một vài lĩnh vực hẹp như nghề nghiệp, chuyên môn, sở thích, kiến thức. Một tên miền chỉ được cung cấp một dịch vụ hoặc trang thông tin điện tử tổng hợp hoặc mạng xã hội. Không được tích hợp ; không được cập nhật thông tin tổng hợp, đa chiều, đa lĩnh vực… Cũng vì vậy, đành phải thắc mắc, ba năm vừa qua, ông Hùng làm gì, Bộ Thông tin và truyền thông làm gì, Chính phủ làm gì. Nếu để xảy ra tình trạng không những không như mong đợi mà còn tồi tệ hơn thì ông Hùng, Bộ Thông tin và truyền thông, Chính phủ còn định ngồi yên ở đó nữa hay không ?
Bộ Thông tin và truyền thông chưa kiếm được "sợi dây" nào và chính phủcũng chưa chế tạo được động cơ nào để làm phân tán "não người Việt" và "kéo" phần lớn về Việt Nam !
Ba năm trước, ông Hùng thừa nhận,rất ít quốc gia phát triển mạng xã hội nội địa để cạnh tranh với mạng xã hội nước ngoài nhưng Nga và Trung Quốc đã làm nên Việt Nam sẽ làm bởi : "Người Việt Nam muốn làm chủ và nếu sau này kinh tế số chúng ta không làm chủ không gian này thì khó nói về mức độ tự chủ của nền kinh tế. Hồi đó ông Hùng nhấn mạnh :Mở cửanhưng phải có điều kiện. Ai làm ăn cũng được, càng nhiều càng tốt nhưng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, phải giúp Việt Nam thịnh vượng lên, chứ không phải làm cho đất nước Việt Nam lụn bại. Mạng xã hội Việt Nam sẽ song song tồn tại bên cạnh với điều kiện mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ pháp luật Việt Nam như mạng xã hội Việt Nam".
Ba năm rồi, ông Hùng nói riêng, Bộ Thông tin và truyền thông và Chính phủ nói chung có làm được gì không ? Theo báo cáo của ông Hùng thì "không" ! Ông Hùng mới than về : Tình trạng cạnh tranh không bình đẳng giữa mạng xã hội trong nước với các mạng xã hội xuyên biên giới, lợi thế lớn nghiêng về các doanh nghiệp nước ngoài.
Cứ so những tuyên bố của ông Hùng ba năm trước và mới rồi thì Việt Nam đã mất đủ thứ :Chủ quyền trên không gian mạng, sự tự chủ về kinh tế, an ninh quốc gia, nhưng nghiêm trọng nhất có lẽ vẫn là "não người Việt" đang còn "tập trung ở nước ngoài" ! Trước tình thế nguy hiểm như vậy, rõ ràng, Việt Nam vẫn cần đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, cần Quốc hội với các đại biểu chỉ chất vấn để các thành viên chính phủ thuyết trình cho sướng miệng và tất nhiên cần những bộ trưởng như ông Nguyễn Mạnh Hùng !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 02/11/2022
Chú thích
(1) https://www.sggp.org.vn/mang-trong-nuoc-lep-ve-truoc-cac-nha-mang-nuoc-ngoai-853079.html