Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/11/2022

Động thái thúc đẩy hòa giải và xoa dịu vết thương chiến tranh

Alex Thái Võ

1. Hòa giải nỗi đau chiến tranh - nhớ và quên có chủ đích ?

Gần đây, hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam có nhiều động thái thúc đẩy cuộc hòa giải và xoa dịu những vết thương chiến tranh. Hội nghị bàn về hòa giải do Viện Hòa Bình Hoa Kỳ (USIP) tổ chức tháng trước với sự tham gia của quan chức, học giả nhiều bên là một minh chứng. Tiếp theo bài phỏng vấn cựu Đại sứ Ted Osius, Đài RFA trò chuyện cùng Giáo sư Alex Thái Võ ở Trung tâm Việt Nam học, Đại học Kỹ thuật Texas, về chủ đề vừa mang tính lịch sử vừa mang tính thời sự này.

hoagiai1

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel phát biểu tại Hội nghị về hòa giải chiến tranh tại Viện USIP vào 11/10/2022 - RFA

1.1. Tại sao Việt Mỹ bàn về hòa giải ?

RFA : Như anh thấy trong hội thảo về hòa giải trong Hội thảo USIP, Trung tướng Việt Nam Hoàng Khánh Hưng nói rằng ông rất cảm thương những người lính Mỹ đã chết và mất tích trong chiến tranh. Nhưng ông không nói gì về những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã chết và mất tích trong chiến tranh, trong khi không thể phủ nhận đó là đồng bào của ông. Hai chính phủ Việt Nam - Hoa Kỳ hôm nay đã hòa giải với nhau theo cách quên đi nỗi đau và chấn thương tinh thần của những người Việt Nam Cộng Hòa. Tại sao ? 

Alex Thái Võ : Theo mình thì không thể dùng chữ "quên" được. Quên là vô tình. Còn ở đây là "quên" có mục đích. 

Tại sao có nỗ lực hòa giải này ? Vì từng có một cuộc chiến giữa "Việt Nam" và Hoa Kỳ. Cuộc chiến này có sự tham gia của nhiều phe nhóm khác nhau. Khi nói đó là cuộc chiến giữa "Việt Nam" mà Mỹ thì chúng ta vô tình coi đó là cuộc chiến giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ. Nhưng trong cuộc chiến đó có nhiều "Việt Nam" khác nhau, với những niềm tin khác nhau, mục đích khác nhau. 

Sau thời kì thuộc địa, ở Miền Bắc, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cố gắng thành lập một nước theo chủ nghĩa cộng sản, dưới sự lãnh đạo của một đảng là Đảng cộng sản. Đó là mục đích của họ. Ở Miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa mặc dù có nhiều thất bại nhưng đã cố gắng trong hai mươi năm đó xây dựng một đất nước theo cái nhìn tự do, dân chủ, thị trường. 

Ở đây rõ ràng không ai có thể "quên" là trong cuộc chiến đó, đối diện với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là Việt Nam Cộng Hòa. Ở đây mình nghĩ họ "ignore" (không quan tâm) hay "neclect" (bỏ qua một bên).

Nói đến chiến tranh Việt Nam thì không thể không nói đến Việt Nam Cộng Hòa nhưng ở Việt Nam người ta không muốn nói đến Việt Nam Cộng Hòa. Ở Mỹ cũng vậy. Lý do là họ không còn đại diện nữa, họ chỉ còn tồn tại trong ký ức một số người. 

RFA : Tại sao ở Mỹ sau cuộc chiến Việt Nam thì sách vở học thuật của họ lại hạ thấp Việt Nam Cộng Hòa ?

Alex Thái Võ : Cái này mình chỉ luận thôi chứ không có căn cứ chính xác. Người Mỹ tự hào vì chiến thắng trong thế chiến thứ 2, chiến thắng trong cuộc chiến Triều Tiên, nhưng từ cuộc chiến Việt Nam và các cuộc chiến sau đó nữa thì họ thất bại. Họ có nhu cầu đổ lỗi cho ai đó về những thất bại đó. 

Trong bài phát biểu trong Hội nghị vừa rồi, như ông Chuck Hagel đã nói chúng ta thua vì chúng ta sai. Nhưng đó là nói với phương diện cá nhân. Còn khi nhìn toàn cảnh, khi người Mỹ viết về lịch sử thì họ không nói như vậy mà nói là trước hết chúng ta không nên đến Việt Nam, còn đi sâu hơn thì họ sẽ nói là chúng ta thua vì ủng hộ một phe không đáng ủng hộ là Việt Nam Cộng Hòa, vì đó là một đất nước tham nhũng, quân lính thì yếu hèn. Bằng cách tâng bốc kẻ địch là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và hạ thấp đồng minh thì họ có thể giải thích sự thất bại không phải là lỗi của họ, rằng họ đến Việt Nam với tấm lòng đúng đắn nhưng thất bại là tại sự yếu kém của phe mà ủng họ. 

2.2. Hòa giải nhắm đến lợi ích 

RFA : Khi chính phủ hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ bây giờ đang bàn về hòa giải, họ đã nỗ lực vượt lên những vết thương chiến tranh, bằng cách đi tìm quân nhân hai bên bị mất tích trong chiến tranh. Nhưng như anh đã nói, hai chính phủ ấy đều không quan tâm đến những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã mất tích trong chiến tranh hoặc chết trong các trại tù cải tạo sau cuộc chiến mà cho đến giờ gia đình vẫn chưa nhận được hài cốt của họ. Ở đây có hai vấn đề : một là cách quan niệm về nỗi đau chiến tranh, hai là cách vượt lên vết thương chiến tranh đó. Anh đánh giá như thế nào về điều đó ?

Alex Thái Võ : Nói chung là những ai, nhưng nước đã tham gia vào cuộc chiến đó thì ai có một vết thương chiến tranh cả. Vấn đề là cách mình đối diện với vết thương chiến tranh đó như thế nào, đúng không ? 

Đến nay thì cuộc chiến đã kết thúc gần 50 năm rồi nhưng vết thương chiến tranh vẫn còn đó : đối với những người Cộng sản cũng vậy, đối với những người Việt Nam Cộng Hòa cũng vậy, đối với người Mỹ cũng vậy. 

Nhưng mình phải nhìn lại cái đối thoại về hòa giải, về vết thương chiến tranh để đi đến sự an bình, thì mình phải thấy là cuộc đối thoại về hòa giải đó mang tính chất chiến lược hơn, nó phục vụ cho những nhu cầu chính trị hiện nay hơn. 

Mình là cá nhân, mình nhìn vấn đề hòa giải ở nhiều khía cạnh khác nhau, còn đối với một đất nước thì họ thường nhìn ở khía cảnh chiến lược nhiều hơn. Về chiến lược của Việt Nam ngày nay thì tôi xin không nói, nhưng về chiến lược của Hoa Kỳ thì đó là họ đối diện với sự bành trướng của Trung Quốc trên toàn cầu cả về kinh tế và chính trị. Đối với Hoa Kỳ thì đó là một vấn đề đáng lo ngại. Và như từ thời Tổng thống Obama, xoay trục về Châu Á thì đối diện với Trung Quốc là một chiến lược lớn. Đối đầu với Trung Quốc không nhất thiết là đối đầu trực tiếp mà có thể là củng cố các mối quan hệ với các nước xung quanh Trung Quốc. Thành ra Hoa Kỳ muốn Việt Nam gần lại họ, như thế có lợi cho họ hơn. Để được sự ủng hộ của Việt Nam thì Hoa Kỳ có trách nhiệm giải quyết những nỗi đau chiến tranh trước đây, như đi tìm liệt sĩ Cộng sản mất tích, giúp đỡ thương phế binh, tẩy chất độc màu da cam, gỡ mìn còn sót lại… 

Còn ở phía Việt Nam thì mình bị ở vào cái thế có hai cực đang lôi mình, bên nào cũng muốn tạo ảnh hưởng lên mình. Nên Việt Nam cũng sẽ muốn tạo ra cái thế dung hòa, cân bằng. Theo Thái nghĩ thì nếu nhìn từ góc độ của mình là người dân Hoa Kỳ thì mình sẽ hỏi tại sao không nghiêng hẳn về Hoa Kỳ. Nhưng nếu nhìn từ phía lãnh đạo Việt Nam thì nghiêng hẳn về Hoa Kỳ chưa chắc đem lại sự tồn tại lâu dài cho Việt Nam và chính thể của họ. Ngược lại, họ cũng thấy là nếu nghiêng hẳn về Trung Quốc thì đó là tình thế nguy hiểm chứ không phải chỉ có lợi. Do đó họ sẽ chọn đứng dung hòa, trung dung. Dung hòa để mang lại cái lợi cho mình. Đó là nhiệm vụ của họ. Là lãnh đạo một đất nước thì họ phải mang lại lợi ích cho đất nước họ. Tìm liệt sĩ Cộng sản mất tích, giúp đỡ thương phế binh, tẩy chất độc màu da cam, gỡ mìn còn sót lại… là những lợi ích đó. Đó là những vấn đề khó khăn mà họ không giải quyết hết được nên họ cũng phải lợi dụng chính sách, chiến lược của Hoa Kỳ mà giải quyết những vấn đề mà chính họ phải có trách nhiệm giải quyết. Đó là lí do vì sao hai nước đặt ra vấn đề hòa giải. Mỗi bên đều vì lợi ích của mình.

Trong cả hội nghị về hòa giải ở USIP thì ngoài những người là con em Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi thì không có ai nhắc đến "Việt Nam Cộng Hòa" khi nói về chiến tranh Việt Nam. Bởi vì cả hai nước đang nói về quá khứ nhưng với nhu cầu hiện tại nên không có lý do gì để họ nói về Việt Nam Cộng Hòa vì Việt Nam Cộng Hòa không còn tồn tại. 

2.3. Hòa giải Việt Mỹ : lãng quên Việt Nam Cộng Hòa ?

RFA : Nhưng chiến tranh thì ai cũng đau thương cả. Những người Việt Nam Cộng Hòa cũng đau thương và vết thương tinh thần vẫn còn nguyên đó. Tại sao hai chính phủ bàn về hòa giải mà không nhắc đến Việt Nam Cộng Hòa ?

Alex Thái Võ : Ở đây chúng ta đang nói về hòa giải trong khuôn khổ chính sách hòa giải của hai chính phủ Hà Nội và Washington DC mà Viện Hoa bình Hoa Kỳ (USIP) tổ chức. Nếu đặt vấn đề hòa giải chiến tranh thì đúng là không thể nào không nói đến Việt Nam Cộng Hòa, một bên của cuộc chiến, nhưng hiện nay thì hai nước cố tình không bàn đến Việt Nam Cộng Hòa. Nước Mỹ hiện nay không phải là quên, nhưng về mặt ngoại giao thì họ phải biết là nước Việt Nam ngày nay chấp nhận những gì và không chấp nhận những gì. Nước Mỹ muốn Việt Nam lại gần mình thì phải bắt đầu từ những cái chung, hai đều đều chấp thuận. 

Tôi cũng nghĩ vậy nhưng Chính phủ Việt Nam rất ngại nhắc đến Việt Nam Cộng Hòa. Tôi nghĩ nguyên nhân chủ yếu là do nếu nhắc đến Việt Nam Cộng Hòa thì sẽ tạo ra một sự so sánh, đối chiếu giữa Việt Nam Cộng Hòa thời xưa và Việt Nam bây giờ. 

Sách sử Việt Nam thậm chí không nhắc đến cái tên của chính thể là "Việt Nam Cộng Hòa" vì nhắc đến tên chính thức của chính thể thì giống như thừa nhận họ. Khi nói về cuộc chiến thì Việt Nam ngày nay chỉ nói đó là cuộc chiến giữa người Việt và người Mỹ, họ loại Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi diễn ngôn về cuộc chiến, dù thời đó họ chỉ đại diện cho một nửa Việt Nam thôi. 

Cách tư duy đó vẫn tồn tại đến bây giờ, sau gần 50 năm chiến tranh kết thúc. Nghị quyết 36 mới đây kêu gọi sự đoàn kết của người Việt hải ngoại để về phục vụ đất nước, về mặt bề nổi thì họ kêu gọi đoàn kết, nhưng bề sâu thì họ không chấp nhận cái thể chế một thời đã gắn liền với những người họ kêu gọi đoàn kết. Anh kêu gọi người ta nhưng không công nhận người ta thì anh đang nói chuyện với ai ? 

Những hội nghị như của USIP mang tính chất tác động chính sách cho nên họ rất là ngoại giao. Giống như đến nhà người ta vận động kết thân trong khi gia đình người ta đã ly dị thì không nên nói chuyện ly dị làm gì. Nó sẽ không vui cho chủ nhà. Cho nên không ai nhắc đến Việt Nam Cộng Hòa cả. Ai cũng biết Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn rất nhiều người mất tích trong chiến tranh nhưng họ không nhắc đến.

hoagiai2

Phó Giáo sư Tiến sĩ Alex Thái Võ (ngoài cùng bên trái) tại Hội nghị bàn về hòa giải và hàn gắn vết thương chiến tranh tại Viện Hòa Bình Hoa Kỳ hôm 11/10/2022

2. Con đường hòa giải : đi tìm điểm chung qua sự thật lịch sử

2.1. Hòa giải xét từ lợi ích 

RFA : Các chính phủ, cả Hà Nội và Washington DC, thường chỉ đặt câu hỏi là lợi ích cụ thể khi hành động. Có vẻ như cả chính phủ Hà Nội và DC đều nghĩ rằng hòa giải với cộng đồng người Mỹ gốc Việt, hoặc nói một cách bình thường về Việt Nam Cộng Hòa trước đây thì không có lợi ích gì cả về mặt kinh tế và chính cho ngày nay cả, bởi vì Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa. Nhưng thực thế có phải như vậy không ? Anh Phillip Nguyễn (Vietnamese American Foundation) có nói là sinh viên Nhật, Hàn, Hoa sang Mỹ du học thì được cộng đồng người Mỹ gốc Nhật, Hàn, Hoa giúp đỡ, nhưng điều đó không xảy ra với Việt Nam. Một ví dụ khác, trong kinh tế, doanh nghiệp công nghệ cao người Mỹ gốc Việt cũng không giúp giới công nghệ cao Việt Nam. Như vậy Chính phủ Hà Nội đang bị thiệt hại có phải không ?

Alex Thái Võ : Đúng vậy. Theo Thái thì không phải Chính phủ Việt Nam không biết điều này. Họ biết nên mới ra Nghị quyết 36. Mục đích của Nghị quyết 36 là chiêu nạp lại cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Nhưng cái lấn cấn của họ là họ muốn nhận nhưng vẫn chưa muốn cho. Họ luôn có một phần đa nghi, lo ngại với những người liên hệ tới Việt Nam Cộng Hòa. Mặc dù 2,5 triệu người Mỹ gốc Việt ở đây cũng chẳng làm gì mà lung lay được hệ thống chính trị ở Việt Nam. Nhưng Chính phủ Việt Nam họ sợ nên họ không dám bước một bước kế tiếp, là ngửa bàn tay của mình ra mà nói rằng "chúng tôi muốn bắt tay với các anh, các chị, các cháu trên tinh thần bình đẳng". Thay vì như vậy họ chỉ kêu gọi trung thành với đất nước trong khi vẫn đa nghi. Đa nghi như vậy nên về mặt lịch sử, họ mới không nhắc đến Việt Nam Cộng Hòa nữa. Vì vẫn như thế nên mới có thiệt thòi. 

Ví dụ như có khoảng 36 ngàn sinh viên Việt Nam du học Mỹ. Phần đông cộng đồng người Mỹ gốc Việt tập trung ở những trung tâm lớn như Nam Cali, Bắc Cali, vùng Washington DC, vùng New York. Đó là những nơi cộng đồng người Mỹ gốc Việt rất lớn, business rất nhiều, các công ty, hãng xưởng của người Mỹ gốc Việt rất cần người. Nhưng các bạn ấy không có cơ hội ở đó. Vì các bạn là du học sinh, khi ra nước ngoài thì cũng là đại diện cho một đất nước. Nếu giữa Việt Nam và cộng đồng người Mỹ gốc Việt không có quan hệ tốt thì các bạn cũng bị thiệt thòi. 

2.2. Hòa giải là công nhận lẫn nhau 

RFA : Các bạn du học sinh Việt Nam khi ra nước ngoài thì mang theo một ý thức về "bản sắc quốc gia" mà họ được giáo dục và tuyên truyền ở Việt Nam. Đó là cái "bản sắc quốc gia" gắn liền với Đảng cộng sản. Cái "bản sắc quốc gia" đó khác hoàn toàn với "bản sắc quốc gia" của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Như anh Phillip Nguyễn nói, khác nhau như nước với dầu, cứ cố mà trộn vào nhau thì chỉ một lúc sau cả hai lại tách ra. Vậy theo anh phải làm sao ?

Alex Thái Võ : Nếu chọn nước và dầu như anh Phillip Nguyễn làm ví dụ thì theo như mình được nghe lại là chúng ta có thể dùng xà phòng làm chất xúc tác để giúp hai loại chất khác biệt này hòa hợp với nhau. Theo mình sự hòa hợp giữa hai thái cực cách nhau quá xa, 

Một bên thì đất nước được quan niệm là cái gì gắn chặt với Đảng cộng sản, cờ đỏ sao vàng. Họ dạy cho các cháu điều đó là điều đúng thôi, rất dễ hiểu. Và bên này cộng đồng người Mỹ gốc Việt dạy cho thế hệ sau lịch sử của Việt Nam Cộng Hòa, của lá cờ vàng thì cũng đúng và dễ hiểu. 

Vấn đề là hai thái cực đó như là nước và dầu, không thể hòa vào nhau được. Chiến tranh đã gần 50 rồi, mình thấy là không ai có thể thay đổi điều đó hết. Cho nên điều quan trọng bây giờ theo Thái nghĩ trước hết là hai bên cần phải công nhận sự tồn tại của nhau, hay là đã từng tồn tại của nhau. Chúng ta không thể "deny" (từ chối), "ignore" (làm như không thấy) sự tồn tại của nhau mà nên công nhận sự tồn tại của nhau. Theo Thái thì với vị thế của Nhà nước Việt Nam ở Việt Nam và trên thế giới ngày nay thì sự thừa nhận đó không ảnh hưởng gì đến vị trí, vị thế chính trị của họ. Mà ngược lại, điều đó sẽ mang lại sự đoàn kết hơn giữa họ và người Việt trong nước với cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Sự thừa nhận này nên xuất phát từ họ trước vì Nhà nước Việt Nam ở trong thế mạnh. 

Sự thừa nhận này không phải là thừa nhận một Việt Nam Cộng Hòa trong hiện tại để mà cạnh tranh với Nhà nước Việt Nam ngày nay mà chỉ là một vấn đề lịch sử trong quá khứ : Thể chế Việt Nam Cộng Hòa là một thể chế đã từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam. 

RFA : Thể chế đó là một cách lựa chọn con đường cho Việt Nam là thị trường tự do, khác biệt với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong 20 năm. Họ có thể có sai chỗ này, đúng chỗ kia, nhưng đó là chuyện khác ?

Alex Thái Võ : Đúng vậy. Đúng sai chỗ này chỗ kia là chuyện khác. Nhà nước Việt Nam nên nghĩ như thế này : Mỗi bên chọn một con đường cho Việt Nam. Hai bên tranh chấp với nhau và đưa đến sự thắng và thua. Bên thua họ đã thua rồi. Còn bên ta thì ta đã thắng rồi. Gần 50 năm nay ta đã củng cố được vị thế của ta rồi, cả trong nước và ngoài nước. Nếu thẳng thắn nhìn lại lịch sử đi nữa thì chúng ta cũng đâu có bị đe dọa gì về mặt quyền lực đâu. Ngược lại nữa, chúng ta có 2,5 triệu người Mỹ gốc Việt và ở các nước khác nữa là 4 triệu người. Nếu ta công nhận họ là một thành viên trong trang sử của chúng ta thì nó không có mất mát gì hết. Thay vì cứ phải nói về họ là "Ngụy quân Ngụy quyền" thì thay đổi cách nói, rằng từ 1955 đến 1975 dưới vị tuyến 17 có một chính thể là Việt Nam Cộng Hòa. 

Bằng những động thái nhỏ như vậy, người ta có thể hóa giải được những khúc mắc, những vết thương của cuộc chiến. 

Và những người bên Việt Nam Cộng Hòa cũng nên nhìn nhận sự thật lịch sử là không nên vì chính kiến của mình và phủ nhận sự thật lịch sử là trước 1975 từ vĩ tuyến 17 trở lên, có sự tồn tại của một nhà nước là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Và dù chúng ta không thích, không đồng ý, chúng ta phải vẫn thừa nhận là sau 1975 thì có một nhà nước trên toàn lãnh thổ Việt Nam là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quốc tế công nhận. Ngày nay Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng có những chính sách mang lại nguồn lợi cho Việt Nam và đang bảo vệ Việt Nam.

Chúng ta có một vết thương. Có hai cách trị thương. Cách một là chúng ta không thừa nhận vết thương đó tồn tại để chữa. Nó ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong một điều kiện nào đó, vết thương có thể phát triển thành hoại tử rồi chết thôi. Cách hai là chúng ta thừa nhận nó để tìm cách chữa trị. 

Theo Thái thì nếu chúng ta không thừa nhận vết thương, nói cách khác là không thừa nhận sự tồn tại của nhau, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, thì không giải quyết được vấn đề gì mà chỉ tranh cãi nhau, dẫn đến không còn tin nhau và không hòa giải được. 

Nhưng nếu chúng ta công nhận được vết thương đó, tức là nếu chúng ta công nhận được Đảng cộng sản và thể chế Việt Nam hiện tại và thể chế này công nhận được là trong lịch sử có sự tồn tại của chính thể Việt Nam Cộng Hòa và cộng đồng người Mỹ gốc Mỹ cũng như một số không nhỏ ở trong nước có một mối liên hệ với Việt Nam Cộng Hòa thời đó. Công nhận như vậy thì họ cũng không làm gì chính thể hiện nay cả, nhưng là một sự tôn trọng của chúng ta đối với giai đoạn lịch sử đó của họ. 

Trong hội nghị về hòa giải của USIP thì hầu hết các diễn giả của hai chính phủ như bà Tôn Nữ Thị Ninh hay các diễn giả khác đều nhấn mạnh là để hòa giải thì không thể bắt đầu những bất đồng mà phải bắt đầu bằng những gì hai bên đồng ý. 

RFA : Tức là chúng ta có thể áp dụng nguyên lý hòa giải giữa Chính phủ Hà Nội và Chính phủ Washington DC cho sự hòa giải giữa Chính phủ Hà Nội và cộng đồng người Mỹ gốc Việt hay nói chung là với cộng đồng có quan hệ với chính thể Việt Nam Cộng Hòa trước đây ?

Alex Thái Võ : Đúng vậy. Tức là chúng ta phải tìm được một điểm chung. Theo Thái nghĩ, điểm chung này có thể là những lợi ích về kinh tế và chính trị, nhưng trước hết, điểm chung này chính là thừa nhận lẫn nhau, thừa nhận sự tồn tại của nhau trong hiện tại và trong quá khứ. 

2.3. Hòa giải hay hòa hợp ?

RFA : Nói về sự thừa nhận quá khứ, chúng ta cần nhìn nhận một thực tế là giáo dục lịch sử và tuyên truyền chính trị cố gắng quên đi rất nhiều điều. Có một bản sắc quốc gia được xây dựng dựa trên sự nhớ và quên, nhớ những gì có lợi và quên những gì bất lợi.

Alex Thái Võ : Như trường hợp ông Phạm Quỳnh, trong số những người con của ông có một người là nhạc sĩ Phạm Tuyên mà sự nghiệp âm nhạc của cả cuộc đời ông là ca tụng thể chế đã giết cha mình. Hiện tượng đó khá phổ biến. Ông Phạm Quỳnh là một trong số những người đầu tiên bị chế độ sát hại nhưng sau đó thì liên tục lặp lại ở mức độ cao hơn, từ Cải cách Ruộng đất đến Nhân văn Giai phẩm, rồi Cải tạo tư sản miền Bắc và Cải tạo tư sản miền Nam, rồi tù cải tạo sau 1975… Cuộc chiến Việt Nam ngoài việc đánh với ngoại xâm như người ta thường gọi còn là cuộc chiến giữa những người anh em, giữa người Việt đánh với người Việt. Chúng ta đã vì những lý tưởng khác nhau mà xung đột nhau ngay trong một gia đình. 

RFA : Cụ Nguyễn Xuân Vinh là Tư lệnh Không quân của Việt Nam Cộng Hòa nhưng cha của cụ là Liệt sĩ của Chính phủ Việt Minh.

Alex Thái Võ : Hoặc ví dụ như gia đình cô Tôn Nữ Thị Ninh, cô ấy đại diện cho Nhà nước Việt Nam bây giờ, còn em trai cô là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa. Chính cô ấy nói phần lớn gia đình Việt đều có người bên này và bên kia. Tất cả những điều này không phải là nội chiến thì là cái gì ? Nó là nội chiến bởi vì nó có sự tồn tại của những người Việt Nam khác, có suy nghĩ khác, lý tưởng khác vào giai đoạn lịch sử đó. Cái chúng ta cần là nhìn nhận nhau, tức là tôn trọng nhau. Tôn trọng nhau thì không nhất thiết là nói đến thể chế chính trị mà là nói đến con người. Cuối cùng thì tất cả chúng ta là người Việt Nam, không phải là người Việt Nam này hay người Việt Nam kia. 

Khi chúng ta có một điểm chung như vậy thì chúng ta dễ dàng giải quyết những khúc mắc khác. Nhưng chúng ta không dễ dàng công nhận lẫn nhau. 

RFA : Chính phủ Việt Nam có hai từ là "hòa giải" (reconciliation) và "hòa hợp" (integration). Bây giờ Chính phủ Việt Nam dường như dùng từ "hòa hợp" nhiều hơn chứ ít dùng từ "hòa giải" nữa. "Hòa giải" tức là tôi và anh công nhận lẫn nhau để bắt tay với nhau, gác lại những đau thương trong quá khứ. Còn "hòa hợp" là anh phải đến với tôi.

Alex Thái Võ : Như Thái có nói, Chính phủ Việt Nam có rất nhiều lựa chọn. Cách họ là chọn là các anh phải đến với chúng tôi, đem tài nguồn lực và chất xám về với chúng tôi. Họ quên mất là cách đây mấy chục năm họ gọi những người bỏ nước ra đi là "phản quốc". 

RFA : Anh vừa dùng từ "quên" ?

Alex Thái Võ : Đúng, họ "quên", nhưng là quên cố tình. Họ là người làm chính sách mà, không thể quên thật. Bây giờ họ gắn cho những người ngày xưa họ gọi là "phản quốc" là "Việt kiều" và thêm là tính từ "yêu nước" nữa. Vẫn là những con người đó nhưng qua thời gian tùy theo mục đích họ đặt cho những tên gọi khác nhau. Thay vì sử dụng cách làm đó, họ có thể bắt đầu bằng cách ngửa bàn tay ra, rằng chúng ta có thể bắt tay nhau, bằng cách trước tiên là công nhận sự khác biệt của nhau. Khi đã chấp nhận sự khác biệt của nhau rồi thì chúng ta mới bắt đầu đến với nhau được. Đúng là chúng ta khác nhau như nước và dầu, và đó là hai thái cực khác biệt. Hai thái cực đó là hiển nhiên và không thay đổi được. Không nên mất thời gian làm cho chúng ta trở nên giống nhau. Hãy chấp nhận là dầu và nước là khác nhau và dầu và nước luôn luôn tách khỏi nhau. Nhưng hai yếu tố này đều có thể làm một việc gì đó đặc thù của riêng nó. Chúng ta có thể chấp nhận tách nó ra, dầu có thể dùng để chiên đồ ăn, còn nước để uống chẳng hạn. 

RFA : Việc cố gắng làm cho dầu và nước hòa tan vào nhau là không cần thiết và thay vào đó chỉ cần tôn trọng sự khác biệt của nhau ?

Alex Thái Võ : Đúng vậy. Chính quyền Việt Nam chỉ cần tôn trọng sự thật lịch sử, thay vì tiếp tục đặt tên là "Ngụy quân Ngụy quyền" thì chỉ cần một sự thừa nhận sự thật rằng Việt Nam Cộng Hòa là một chính thể được công nhận bởi bao nhiêu nước trong giai đoạn lịch sử đó nhưng chúng ta không đồng ý với nhau rồi có một cuộc chiến và chính thể đó không còn tồn tại. Chỉ cần như vậy thôi thì số đông người Việt Nam ở Mỹ sẽ ít nhất thấy cái lòng của giới lãnh đạo hiện tại đối với họ. 

RFA : Và nếu làm như vậy thì đối với phần đông người Việt Nam, họ lại thấy Nhà nước Việt Nam có một cái tầm cao hơn ?

Alex Thái Võ : Đúng, tức là có cái nhìn khoan dung.

hoagiai3

Vietnam American Foundation đi tìm hài cốt người tù Việt Nam Cộng Hòa mất trong các trại cải tạo sau 1975. Vietnam American Foundation

3. Hòa giải dân tộc nhìn từ cách đối xử với người đã mất trong chiến tranh

3.1. Nghĩa tử là nghĩa tận 

RFA : Cách đây gần hai mươi năm, phía Mỹ tìm thấy một chiếc máy bay rơi trong chiến tranh Việt Nam, trong đó họ tìm thấy khoảng 81 hài cốt quân nhân Việt Nam Cộng Hòa và 4 hài cốt người Mỹ. Họ mang hài cốt binh sĩ Mỹ về nước và đề nghị Chính phủ Việt Nam nhận những bộ hài cốt của quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng phía Việt Nam không nhận, và Mỹ phải mang về an nghỉ tại Hawaii và sau đó là California.

Alex Thái Võ : Mình nghĩ rằng Nhà nước Việt Nam ngày nay với tư cách là bên thắng cuộc, họ tiếp quản mọi thứ thuộc về Việt Nam Cộng Hòa và họ có trách nhiệm với cả những tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã mất. Khi thắng cuộc, họ tiếp quản mọi tài sản của Việt Nam Cộng Hòa thì xét về mặt lý thuyết, họ cũng phải có trách nhiệm với cả những người lính Việt Nam Cộng Hòa dù xác của những người lính ấy nằm ở đâu. Nhưng đó chỉ là nói về mặt lý thuyết thôi. Còn về mặt thực tế thì họ bối rối vì nhiều câu hỏi : Mang những bộ hài cốt đó về thì chôn cất thế nào ? Bia mộ lại phải ghi là Việt Nam Cộng Hòa hay sao ? Họ đâu phải là lính của chúng ta ?... Cho nên họ từ chối cũng là điều dễ hiểu. 

Nhưng mình muốn kể thêm một câu chuyện thế này. Khi làm việc cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trong dự án tìm hài cốt quân nhân mất tích trong chiến tranh Việt Nam, mình biết là Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã tìm thấy nhiều hài cốt của binh sĩ cộng sản, dù là họ không thể xác định được đó là binh sĩ cộng sản ở Miền Nam nổi dậy hay là quân nhân từ Bắc Việt. Nhưng Chính phủ Việt Nam cũng không chấp nhận mang những hài cốt đó về, dù đó là xác những người đã từng đánh cho mình. Chính họ không nhận về những bộ hài cốt của người bên mình, nên việc họ không nhận hài cốt quân nhân Việt Nam Cộng Hòa cũng là điều dễ hiểu. Bây giờ ở trung tâm bên Hawaii vẫn còn giữ hài cốt của quân nhân cộng sản mất tích. Đó là những hài cốt chúng tôi xếp vào nhóm "Stateless" (không được quốc gia nào nhận về). Thành ra đó là những hài cốt còn "lang thang". 

RFA : Tại sao Trung tâm Việt Nam học ở Đại học Kỹ thuật Texas nơi anh đang làm việc hiện đang xây dựng cơ sở dữ liệu về quân nhân mất tích của cả ba bên : Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ?

Alex Thái Võ : Nếu mà có đủ kinh phí, chúng tôi còn muốn mở rộng cơ sở dữ liệu cho tất cả các bên khác như Hàn Quốc, Úc… kể cả Liên Xô và Trung Quốc. Đảng cộng sản Trung Quốc đã gửi khoảng 320 ngàn quân nhân vào Việt Nam. Và theo tư liêu mà mình có được thì ở những giai đoạn cao điểm của cuộc chiến, quân nhân Liên Xô và Trung Quốc có mặt ở chiến trường Miền Nam, có mặt ở tận vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Họ có thể là cố vấn quân sự, làm phim tuyên truyền, tình báo... đều có hết. Họ đi theo các đơn vị Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, cố vấn cho họ cách tuyên truyền. 

Mình đặt tên cho bài phát biểu của mình tại Hội nghị về hòa giải vết thương chiến tranh ở Viện Hòa Bình Hoa Kỳ là "Reconciliation with the Stateless" (Hòa giải với những người không còn quốc gia). Về lý thuyết như mình đã nói, Chính phủ Việt Nam là bên thắng cuộc thì họ có trách nhiệm kế thừa và có trách nhiệm với mọi thứ nhận từ bên thua cuộc, kể cả hài cốt quân nhân. Nhưng Chính phủ Việt Nam không nhận họ thì họ trở thành "Stateless" (không còn quốc gia). Trong gần 50 năm qua, những người Việt bỏ nước ra đi đã mang quốc tịch nước ngoài, không còn tư cách pháp lý để về nước tìm hài cốt người anh em cũ, còn Nhà nước Việt Nam thì không quan tâm đến họ. Nhưng mình nghĩ bây giờ cuộc chiến đã kết thúc gần 50 năm rồi. Cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ đã củng cố lại được vị trí của họ. Họ có nhiều đại diện trong Quốc hội Mỹ, nhiều người thành công trong quân đội Mỹ, trong kinh tế, công nghệ, giáo dục. Chúng ta với tư cách là người Mỹ có quyền đưa ra tiếng nói yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ có trách nhiệm cả với hài cốt quân nhân Việt Nam Cộng Hòa mất tích. Lý do là khi Chính phủ Mỹ lấy tiền thuế của dân để giúp Chính phủ Việt Nam tìm hài cốt quân nhân mất tích, họ lấy tiền thuế đó từ đâu ?

RFA : Từ người Mỹ, trong đó có hai triệu rưỡi người Mỹ gốc Việt.

Alex Thái Võ : Và vì thế, anh lấy tiền thuế đó đi giúp cho những người ngày xưa là kẻ địch nhưng bây giờ là đối tác thì anh cũng phải có trách nhiệm với những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, những người hi sinh trong chiến tranh hoặc trong các trại cải tạo, trại tị nạn, có trách nhiệm với cả những người mất mạng ở ngoài biển. 

3.2. Nhìn nhau như những con người 

RFA : Ở Sài Gòn có những nhà thờ, ngôi chùa đang nuôi dưỡng các cụ già thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa bây giờ đều đã là bảy tám mươi tuổi, bị tàn tật từ thời chiến.

Alex Thái Võ : Và trong các chương trình trợ giúp của Chính phủ Mỹ cho Việt Nam thuộc khuôn khổ chính sách hòa giải Mỹ Việt này có cả chương trình giúp đỡ cho thương binh cộng sản. Trong khi đó thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa thì sống lê lết gần 50 năm nay rồi thì không ai quan tâm. Họ cụt chân cụt tay. Theo tôi được biết cộng đồng Việt Nam bên này gây quỹ gửi về giúp họ mà đôi khi còn bị làm khó khăn nữa. 

Không phải là mình cứ cố khơi lại chuyện Việt Nam Cộng Hòa đâu, mà sự thực là ban tổ chức của hội nghị về hòa giải chiến tranh của Viện Hòa Bình Hoa Kỳ này đã mời Thái đến và muốn Thái nói về việc tìm hài cốt quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Đó là bài nói chuyện được đặt hàng bởi chính Viện Hòa Bình Hoa Kỳ của Chính phủ Mỹ. Thành ra tôi mới đưa ra tiếng nói là Chính phủ Hoa Kỳ phải có trách nhiệm với quân nhân Việt Nam Cộng Hòa mất tích. Chính phủ Việt Nam phải có trách nhiệm với quân nhân mất tích của họ. Đó là việc đương nhiên. Nhưng họ cũng có trách nhiệm với cả cộng đồng họ kế thừa sau chiến thắng. Nếu chúng ta không muốn nói đến "trách nhiệm" thì chúng ta hãy nói như chính các vị Đại sứ Phạm Quang Vinh hay Tôn Nữ Thị Ninh đã nói là "humantarian aid" (hỗ trợ nhân đạo). Tất cả những xác người đang còn nằm lại rải rác trên mảnh đất này vì cuộc chiến, dù là "người Cộng sản" hay "người Cộng hòa", thì trước khi họ thuộc về một thể chế nào thì họ là một con người, có cha có mẹ, có anh có chị có em, có dòng họ, bạn bè. Chúng ta đang muốn tìm một điểm chung để nói chuyện mà, phải không ? Nếu tìm điểm chung trong chính trị thấy khó quá, dễ tranh cãi, vậy thì hãy đặt chuyện đó sang một bên. Còn nếu nhìn những xác người còn nằm lại đó từ góc độ con người, góc độ nhân đạo, thì nó xóa đi những khó khăn do vấn đề chính trị tạo ra. 

Hãy nhìn họ như những người đang cần được đưa về với gia đình họ. Đưa họ về với gia đình để khép lại cho gia đình họ, cho chính những người đã hy sinh những đau thương. 

RFA : Chính phủ Việt Nam cũng nói "khép lại quá khứ" ?

Alex Thái Võ : Người ta có thể khép lại quá khứ, có thể forgive (tha thứ) nhưng không thể forget (lãng quên). Không thể hòa giải bằng cách lãng quên vì đó là điều bất khả thi. Quá khứ là cái không thể quên vì là cái định hình hiện tại của mỗi bên. Nhưng chúng ta có thể forgive, tha thứ cho nhau, như thế thì có thể đi đến hòa giải cùng nhau. 

Người Nhật, người Đức, người Mỹ đều trải qua những xung đột nội bộ nhưng bên thắng cuộc với lợi thế về mặt quyền lực là bên chủ động hòa giải cùng bên thua nên nước họ thành công. Ở Mỹ bên thua vẫn có những nghĩa trang chôn cất tử sĩ bên mình một cách tử tế. Ngay cả khi người Mỹ bên thắng đã nỗ lực hòa giải với bên thua như vậy nhưng mâu thuẫn đến giờ vẫn còn. Dẫu sao nó cũng không gay gắt như ở Việt Nam.

Mấy năm trước mình làm cho dự án của Bộ Quốc phòng Mỹ tìm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Sau đó mình làm cho Trung tâm Việt Nam học của Đại học Kỹ thuật Texas. Trung tâm này có dự án tìm quân nhân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mất tích sau chiến tranh. Mình tham gia vào dự án đó vì thấy đây là cơ hội để hàn gắn người Việt với nhau. Mình muốn nhận công việc đó. Nhưng để thể hiện sự tôn trọng với ba mình, mình đã gọi điện cho ba : Bây giờ con sẽ tham gia vào một dự án tìm hài cốt những người lính cộng sản mất tích. Họ là những người ở phía bên kia chiến tuyến của ba, và sau cuộc chiến thì ba đã bị tù tội sau bảy năm trong nhà tù của họ. Ba nghĩ con có nên nhận công việc này không ? Ba suy nghĩ như thế nào ? 

Ba tôi trả lời ngay : Nên làm. Con nên làm việc đó. Đó là việc nhân đạo phải làm. 

Một người như ba mình, mất hết những gì mình có trong thời trẻ, khi ba mươi mấy tuổi, lúc qua Mỹ cũng khó mà gầy dựng lại được hết những gì đã mất. Những người như ba đáng lý ra có nhiều uất ức lắm chứ, nhưng họ chịu bỏ qua một bên, khuyến khích con mình tham gia tìm hài cốt của phía bên kia. Chính vì vậy, mình muốn "challenge" (thử thách) Chính phủ Việt Nam lẫn Chính phủ Hoa Kỳ là họ ở vị thế cao hơn, họ cũng có thể làm như vậy được không ? 

3.3. Động lực của hòa giải : văn hóa hay thể chế ? 

RFA : Đằng sau hành động của ba anh và anh có phải là một nền tảng văn hóa, giáo dục nào đó ? 

Alex Thái Võ : Cũng có thể. Như cô Olga Dror ở Đại học Texas A&M đã phân tích trong cuốn sách của cô, so sánh về văn hóa giáo dục hai miền Nam Bắc Việt Nam thời chiến, thì ở miền Nam văn hóa giáo dục tôn trọng bản ngã con người, tính nhân văn, trong khi miền Bắc giáo dục con người để phục vụ hoàn toàn cho cuộc chiến. Về âm nhạc thì nhạc đỏ của miền Bắc cũng rất khác nhạc miền Nam. Mình nghe nhạc đỏ miền Bắc, không dám nói chuyện hay dở, nhưng thấy nó tạo ra sát khí, nó tạo ra "ta" và "địch", phải giết, phải thắng bằng mọi giá. Mình không nghĩ đó chỉ là âm nhạc, không ảnh hưởng đến tư duy con người. Nếu người ta nghe mấy chục năm nhạc đó trong chiến tranh rồi tiếp tục gần 50 năm sau vẫn nghe liên tục thì ít nhiều nó cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ của con người. Âm nhạc miền Nam thì dù nói về người lính hay xã hội thì luôn luôn nhắc đến tính nhân bản, nhắc đến vấn đề con người. 

RFA : Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, một người của Cục Tâm lý chiến Việt Nam Cộng Hòa, sáng tác "Kinh khổ" năm 1967, kêu gọi "thù hằn anh em… bỗng nhìn nhau gọi nhau thật đậm đà".

Alex Thái Võ : Đó là một dòng văn hóa âm nhạc nhìn con người như là con người. Tuy nhiên, mặc dù văn hóa rất quan trọng và ảnh hưởng lớn đến tư tưởng con người, nhưng mình nghĩ dù là bên nào đi nữa, xét đến cùng, ai cũng có nền tảng là tính người giống nhau. 

Họ chỉ khác nhau ở giới tuyến. Giới tuyến thì ảnh hưởng đến văn hóa, dẫn đến người ta dễ chấp nhận để chúng ta có hành động nhân bản hơn, nhưng trong công việc của mình, mình cũng tiếp xúc với những người phía bên kia, có con em đi lính và chết. Họ cũng bị tuyên truyền để nghĩ này khác. Nhưng khi mình liên hệ và nói thưa cô, thưa chú, chúng cháu muốn cùng nhau để tìm lại hài cốt những người đã mất của tất cả các bên trong cuộc chiến thì họ cũng bình tâm nghĩ lại mà nói : Đúng rồi, chúng ta không nên vì cuộc chiến đó mà phân biệt gì nữa hết. Phải tìm cách để tìm được hài cốt của những người đã mất của nhau. 

Như vậy ta thấy dù bên nào thì ai cũng có cái nền tảng nhân bản của con người hết. Ngay cả một số loài thú còn biết đối xử với hài cốt của đồng loại đã mất một cách tử tế nữa huống chi chúng ta là con người. Nhưng cái cản trở ở đây là cái cản trở do tính chất của hệ thống. Hệ thống làm lãnh đạo họ sợ, họ nghi ngờ. Họ sợ nhiều quá nên họ tạo ra rào nhiều rảo cản, rồi ấn cái rào cản đó xuống hệ thống. Trong hệ thống không có cá nhân nào dám làm một cái gì thực chất để hòa giải cả.

Vì vậy, văn hóa rất quan trọng ? Đúng. Giáo dục rất quan trọng ? Đúng. Nhưng nếu chúng ta chỉ đơn thuần quy mọi thứ về cho văn hóa, rồi dẫn đến miền này thế này miền nọ thế nọ thì chúng ta hạ thấp con người quá. 

Mà suy cho cùng văn hóa cũng là do hệ thống mà ra. Nếu đổ hết cho văn hóa thì con đường hòa giải sẽ trở nên mù mờ. Với kinh nghiệm của Thái thì về mặt con người, chúng ta không khác biệt nhau quá xa đâu. 

Mặc dù cả hai bên đều có những người không chấp nhận phía bên kia, không chấp nhận lẫn nhau, nhưng Thái nghĩ những người đó không nhiều. Chúng ta không nên quá bận tâm đến những thái cực đó. Chúng ta nên dành công sức và thời gian cho việc khác, có ích hơn. Nhưng chúng ta vẫn nên tôn trọng sự cực đoan của họ. Đó là sự lựa chọn của họ và chúng ta không nên phải chỉ trích làm gì. Tại sao mình dùng từ "tôn trọng" ? Bởi vì mình không trực tiếp trả qua những đau thương mất mát lớn lao mà họ, ở cả hai bên, đã trải qua. Họ đã trực tiếp phải chôn cất anh em, đồng đội, hoặc bị trực tiếp bắn vào tay vào chân, trải qua những đau thương không thể tả bằng lời. Cho nên theo mình đừng nên khuyên ai "bỏ qua" quá khứ. Có thể nói họ hãy "forgive" (tha thứ). "Tha thứ" là quyền của người ta. Còn "bỏ qua" thì có phần ép buộc họ. Chúng ta không biết, không trải qua những gì họ đã chịu đựng. Chúng ta không thể đặt mình vào vị trí của họ rồi nói tại sao không "bỏ qua" đi. Không nên làm điều đó vì điều đó chỉ làm hại mình và hại họ thôi. Với bên này cũng vậy. Bạn đã phải ngồi tù tám năm sau cuộc chiến chưa ? Bạn đã phải ôm con mình lết vào bờ khi thuyền của bạn bể làm đôi ngoài biển và bao nhiêu người chết chưa ? Bạn có vượt biên để rồi chết hết tất cả chỉ còn mình sống sót hay chưa ? Nếu chúng ta chưa trải qua những điều đó thì chúng ta không thể ngồi đây phán họ "bảo thủ" hay "tại sao không chấp nhận lẫn nhau". 

Như cô Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh trong hội nghị về hòa giải tại Viện Hoa Bình Hoa Kỳ, cô ấy đại diện cho Nhà nước Việt Nam đi kêu gọi "reconciliation" (hòa giải) mà cô ấy lại đổ cho việc không thể hòa giải được lên đầu cộng đồng Việt Nam ở Mỹ, là do có một số người "bảo thủ". Nói về hòa giải Việt Mỹ thì sao cô không nói về một số người Mỹ, vì cũng có những người Mỹ không chấp nhận Mỹ đi giúp Việt Nam như vậy. Nhất là trong hiện tại, Việt Nam vẫn đang có những vấn đề về "human rights" (nhân quyền) cho nên rất nhiều cựu quân nhân Hoa Kỳ không đồng ý Hoa Kỳ hòa giải với Việt Nam. Nhưng cô Tôn Nữ Thị Ninh chỉ nhìn vấn đề trong mối quan hệ với đối tác Mỹ, còn với cộng đồng người Mỹ gốc Việt thì cô chỉ nhìn theo kiểu họ không có ích gì cho mình. Nhưng Nghị quyết 36 cho thấy là Nhà nước Việt Nam nhìn người Việt ở nước ngoài như là một khối tài nguyên. Khối này mỗi năm gửi về Việt Nam hơn chục tỷ đô la, ngay cả trong những năm Covid thì vẫn không giảm. Cô Ninh với tư cách là người đại diện cho Nhà nước khi nói như vậy là vô trách nhiệm. Đang đi kêu gọi tình thương của nhau nhưng lại xoáy vào nỗi đau của người ta thì làm sao nhìn vào mặt nhau mà cười ? Vì vậy mình hơi tiếc vì cô Ninh vốn là người giàu kinh nghiệm, và chính cô nói cô có một người em trai là cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. 

3.4. Lịch sử và hiện tại

RFA : Triết gia Pháp thế kỷ 19 Renan có nói : sứ mệnh của khoa học lịch sử là tìm ra sự thật trong quá khứ. Nếu không thừa nhận sự thật thì không tạo ra được nhận thức lịch sử chung, do đó cũng không hòa giải được. Nhưng khi làm rõ sự thật thì sự thật đó phá vỡ những truyện kể lịch sử có tính tuyên truyền của hệ thống chính trị để tạo ra một "bản sắc quốc gia" có lợi cho nó. Như thế nó phá hỏng cái "nationhood" (tính chất như một dân tộc) mà hệ thống đó đang xây dựng. Đó là một nghịch lý. Làm sao để nghiên cứu lịch sử nói chung vượt lên nghịch lý này ?

Alex Thái Võ : Trong công việc của mình, Thái đã chuyển từ công việc của Bộ Quốc phòng ở Hawaii, đi tìm hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh, sang một công việc khác, là xây dựng cơ sở dữ liệu về quân nhân mất tích của tất cả các bên. Đó cũng là một hành động hướng đến sự hài gắn. Tôi là con em của một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, biết là cha mẹ mình đã bị như thế, anh chị em mình đã bị nhiều thiệt thòi. Nếu tôi suy nghĩ theo kiểu, ôi, đó là xác của mấy ông cộng sản, những người đã hại cha, hại mẹ mình, hại anh em mình, thì sẽ không bao giờ hàn gắn được hết. Đối với mình, mỗi lần tìm được một hài cốt dù của người đã mất của bên nào thì cũng là tìm thấy được lịch sử. Tìm được cái lịch sử chung đó là có thể tạo ra được sự hàn gắn.

Chính phủ Việt Nam ngày nay nói là họ còn ít nhất khoảng 300 ngàn quân nhân mất tích. Phía Mỹ thì nói là họ còn khoảng một ngàn rưỡi. Ít nhất họ còn biết con số tương đối. Nhưng không ai biết còn bao nhiêu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa mất tích mà chưa được đem về. 

Chúng tôi lập một cơ sở dữ liệu về những người tử sĩ, những liệt sĩ của tất cả các bên đã hi sinh, tức là về hoàn cảnh họ bị chết, rồi tập hợp lại, để sau này phân tích để tìm vị trí hài cốt của họ. Phải có nền tảng dữ liệu này thì chúng tôi mới có thể yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam hành động. 

Trung tâm Việt Nam học chỗ chúng tôi hiện có trên 30 triệu tài liệu, trong đó có hơn 260 ngàn hồ sơ trong thời chiến mà quân nhân Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh đã thu thập được khi những người Cộng sản hi sinh hoặc bỏ lại khi chạy trốn. Dựa vào những thông tin đó, chúng tôi có thể phân tích, ví dụ như chỗ này có thể có bao nhiêu người chết, chỗ kia có thể có người được chôn cất. Chẳng hạn như cuốn nhật ký này được lấy ở tọa độ này thì chúng tôi biết ít nhất là ở tọa độ này đã từng có một xác chết có thể được chôn ở khu vực đó. Chúng ta không có tư liệu nói rõ ràng theo kiểu xác chết của người này nằm đúng vị trí kia. Chúng ta chỉ có thể phát hiện thông qua phân tích tư liệu. Chẳng hạn nhật ký này có vết máu thì tọa độ nơi lấy được nhật ký có thể có xác chết để tìm. Nếu mà biết được cuốn nhật ký đó liên quan đến đơn vị nào thì có thể liên lạc với những người còn sống để hỏi. Chẳng hạn nếu có được câu trả cụ thể kiểu như "tôi biết người đó chết ở đâu nhưng lúc đó không mang đi được" thì càng dễ tìm hơn. Hoặc chúng ta có thể phỏng vấn quân nhân Việt Nam Cộng Hòa có liên quan đến trận đánh để khảo sát kỹ hơn. 

Đại khái, trung tâm chúng tôi bây giờ đang tìm để xây dựng một cơ sở dữ liệu để tìm hài cốt quân nhân mất tích của tất cả các bên. 

Và chúng tôi cần sự giúp đỡ của người Việt Nam cả trong nước và khắp thế giới. Khi đã có cơ sở dữ liệu là có bao nhiêu người mất, bao nhiêu người mất tích, thì trên nền tảng đó chúng tôi sẽ tiến tới bước đi tìm trực tiếp. Sau cuộc chiến này thì hầu như gia đình nào cũng có người mất mà chưa tìm được. Nếu họ nhập dữ liệu người đã mất vào hệ thống của chúng tôi, như họ tên, ngày sinh, năm sinh, nhập ngũ khi nào, đơn vị là gì, cấp bậc là gì, năm mất tích là gì… Cho chúng tôi những thông tin đó thì chúng tôi có thể tìm và khảo sát.

RFA : RFA xin trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư Tiến sĩ Alex Thái Võ đã dành cho độc giả chúng tôi cuộc trò chuyện này.

Nguồn : RFA, 07/11/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Alex Thái Võ
Read 406 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)