Yếu kém của Bộ trưởng hay do vi phạm quy luật thị trường ?
Hoàng Trường, VOA 07/11/2022
Dường như là "tại anh tại ả / tại cả đôi bên". Các doanh nghiệp cho rằng cơ quan quản lý điều hành xăng dầu trái với quy luật cung cầu, để giá mua cao hơn giá bán khiến nhiều cây xăng thua lỗ, buộc phải đóng cửa. Hơn nữa, giá cả thì biến động từng giờ, mà điều hành lại chậm từ 10 – 12 ngày thì không rối loạn sao được !
Một cây xăng ở Thành phố Hồ Chí Minh dùng hàng rào lưới B40 để chặn và phân luồng lượng khách đông đúc đến cây xăng vào ngày 11/10/2022. (Ảnh chụp màn hình vnexpress.net)
Hiện trạng…
Tình trạng mấy ngày cuối tuần vừa qua, nhiều cây xăng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đóng cửa là vấn đề được các đại biểu Quốc hội truy vấn Bộ trưởng Bộ Công thương trong phiên chất vấn Quốc hội sáng 5/11/2022. Đa phần các đại biểu quốc hội đều phản ánh một thực tế là, nhiều cây xăng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh không bán hoặc bán rất ít, gây bức xúc cho người dân. Các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi về hiện trạng cung ứng xăng dầu với Tổng thanh tra Chính phủ cũng như với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.
Thị trường xăng dầu trong nước đang diễn biến phức tạp với nhiều nghịch lý mà cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng đều là "nạn nhân". Phổ biến là tình trạng thiếu hụt cục bộ, khi phần lớn các cửa hàng bán lẻ đều không có đủ hàng để bán. Tỷ lệ này riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo thống kê của Sở Công thương (ngày 01/11/2022) đã lên tới 20%. Tiếp đến là mức chiết khấu (do đầu mối cắt lại cho thương nhân, đại lý bán lẻ) quá thấp (0 đồng), khiến doanh nghiệp không thể kinh doanh có lãi, thậm chí càng bán càng lỗ. Tuy nhiên, họ vẫn phải tiếp tục "gồng mình" để giữ khách, tới lúc không thể chịu được nữa thì đành treo biển "nghỉ bán – nhập hàng".
Một số của hàng khác thì chọn phương án kinh doanh "cầm chừng", bán hàng "nhỏ giọt", giới hạn khách mỗi lần mua chỉ được đổ 30.000 đến 50.000 đồng (đối với xe máy) ; có nơi còn từ chối bán cho ô tô với lý do "không nhập đủ xăng". Sau một vài lần điều chỉnh giá, tình hình vẫn chưa hề có dấu hiệu được cải thiện.Ngoài ra, cho dù giá tăng, song mức chiết khấu vẫn quá thấp, khiến một số doanh nghiệp lâm vào cảnh "dở khóc dở cười".
Bộ trưởng Công thương trả lời
Tham gia trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tình hình xăng dầu thế giới và trong nước đang có những diễn biến mới, nguồn cung ngày càng khan hiếm do Châu Âu và các nền kinh tế lớn gia tăng mua dầu từ OPEC+ và Nga, trước mốc 25/11 (ngày Châu Âu áp lệnh trừng phạt lần thứ 8 lên Nga). Ngoài ra, tỷ giá đồng euro và USD liên tục tăng trong vài tuần qua, gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu. Việc tiếp cận vốn ngoại tệ để bảo lãnh nhập, hỗ trợ thanh toán cũng khó khăn, dẫn đến tình trạng đứt gãy cục bộ nguồn cung trong hệ thống, nhất là các thành phố lớn tập trung dân cư.
Chưa hài lòng với phần trả lời này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) chất vấn tranh luận cho rằng, "thị trường xăng dầu rõ ràng đang bị hỗn loạn và rất cần được ổn định". Ông Trí cũng chuyển 2 ý kiến của cử tri, thứ nhất theo Nghị định 95/2021, giá xăng dầu hiện lấy giá bình quân của giá thế giới 10 ngày trước để tính giá trong nước cho 10 ngày sau, chênh lệch tới 20 ngày là "lạc hậu và không phù hợp". Thứ hai, thời gian qua, Bộ Công thương đã cấp phép tràn lan, cấp đến 36 đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu và hơn 330 thương nhân phân phối xăng dầu. "Trong khi Nhật Bản chỉ có 5 đầu mối, Trung Quốc 4 - 6 đầu mối, cho nên điều đó đã dẫn đến hệ lụy là rất khó quản lý", đại biểu Trí nêu.
Thừa nhận những bất cập của Nghị định 95, theo Bộ trưởng Diên, quy định 10 ngày "là trong lúc bình thường". Song thị trường xăng dầu hiện rất dị biệt trong bối cảnh thế giới hỗn loạn, nên đã bộc lộ những khiếm khuyết trong quy định hiện hành. Chính phủ cũng đã chỉ đạo sửa đổi Nghị định 95, song theo ông Diên, "thế giới thay đổi hằng ngày, hằng giờ nên cố gắng đến đâu quy định pháp luật cũng có độ trễ so với thực tiễn".
Về vấn đề cấp phép tràn lan, Bộ trưởng Diên cho biết sẽ không cấp thêm, chỉ cấp đổi giấy phép. "Hệ thống kinh doanh xăng dầu hiện rất đa tầng nấc, sẽ rất rối, làm tăng chi phí và phải cộng vào giá bán lẻ. Sắp tới sẽ sắp xếp lại hệ thống từ doanh nghiệp đầu mối đến đại lý, cửa hàng bán lẻ, giảm tầng nấc", ông Diên nói. Ngoài ra, với quy định 10 ngày nếu không phù hợp có thể rút xuống 5 ngày, thậm chí nếu người dân đồng thuận sẽ điều hành hằng ngày.
Chiều 5/11, trao đổi với Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho hay ông chưa hài lòng về vấn đề xăng dầu được Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên giải trình trong phiên chất vấn tổng Thanh tra Chính phủ. Theo ông Trí, thực tế vấn đề xăng dầu đã được đề cập ở các kỳ họp trước, nhưng đến nay diễn biến phức tạp hơn nhiều, nhất là sau khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine và chính Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói xăng dầu thế giới biến động từng giờ.
Song ông Trí cho rằng vấn đề giá xăng dầu của chúng ta vẫn điều hành theo nghị định 95, tức muốn thiết lập giá ngày hôm nay bán phải lấy giá 10 ngày trước xong cộng lại đưa ra giá trung bình… Điều này khiến các nhà kinh doanh xăng dầu nói thường bị chậm tới 20 ngày."Giá xăng dầu biến động từng giờ mà giờ chậm 10 - 20 ngày thì làm sao theo kịp được ?".
Sự thật nằm ở nhiều khâu
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách nhận định : nguồn cung xăng dầu đứt gãy là do cơ chế quản lý. Ông đặt câu hỏi : Tại sao các nước không gặp phải tình trạng trên, còn Việt Nam lại bị, mặc dù đã sản xuất được xăng dầu và hai nhà máy lọc dầu hiện đang chiếm gần 70% thị phần ? "Sự phối hợp giữa hai cơ quan quản lý là Bộ Công thương (về nguồn cung, hoạt động xuất nhập khẩu) và Bộ Tài chính (quản lý giá, chi phí...) chưa được tốt", ông Cường nói.
Nhưng vấn đề có lẽ không chỉ nằm ở cách phối hợp giữa các bộ, ngành. Vấn đề mấu chốt dường như nằm ở những bất cập về mặt chính sách, cụ thể là với hai Nghị định 83/2014/NĐCP và 95/2021/NĐCP (sửa đổi từ NĐ 83). Theo Khoản 4, Điều 18, Mục 4, Chương II, Nghị định 83/2014/NĐCP thì mỗi tổng đại lý chỉ được "ký hợp đồng làm tổng đại lý cho một (01) thương nhân đầu mối. Nếu thương nhân đầu mối đó không kinh doanh nhiên liệu sinh học, được ký thêm hợp đồng làm tổng đại lý cho một (01) thương nhân đầu mối khác chỉ để kinh doanh nhiên liệu sinh học". Và theo Khoản 5, Điều 18, Mục 4, Chương II, Nghị định 83/2014/NĐCP : "Thương nhân đã ký hợp đồng làm tổng đại lý cho thương nhân đầu mối, không được ký thêm hợp đồng làm đại lý cho tổng đại lý khác hoặc thương nhân đầu mối khác".
Còn theo Khoản 2, Điều 21, Mục 5, Chương II, Nghị định 83/2014/NĐCP thì mỗi đại lý bán lẻ cũng lại chỉ "được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một (01) tổng đại lý hoặc một (01) thương nhân phân phối xăng dầu hoặc một (01) thương nhân đầu mối. Nếu tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối đó không kinh doanh nhiên liệu sinh học, đại lý được ký thêm hợp đồng làm đại lý cho một (01) tổng đại lý hoặc một (01) thương nhân phân phối xăng dầu hoặc một (01) thương nhân đầu mối khác chỉ để kinh doanh nhiên liệu sinh học".
Và theo Khoản 3, Điều 21, Mục 5, Chương II, Nghị định 83/2014/NĐCP : "Thương nhân đã ký hợp đồng làm đại lý cho tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối,không được ký thêm hợp đồng làm đại lý cho tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối khác".
Tựu trung, vấn đề nguồn cung, chiết khấu và giá cả đều là những nguyên nhân gây nên tình trạng rối loạn hiện nay. Theo Vụ Thị trường Bộ Công thương, hàng loạt cửa hàng bán lẻ đóng cửa xuất phát từ việc các doanh nghiệp đầu mối không đủ nguồn tài chính để nhập hàng. Họ chỉ duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định. Lãnh đạo một doanh nghiệp tại phía Nam chia sẻ, trước đây 3 tỷ đồng nhập được 2 tàu, nhưng giá hiện đã tăng vọt. "Cùng số tiền đó, giờ chỉ nhập được 1 đến 1,5 tàu, mà vay ngân hàng thì khó do ‘room’ tín dụng cạn", ông bộc bạch.
Chiết khấu là một vấn đề nan giải khác. Tức là khoản thoả thuận, giảm giá của đơn vị bán buôn xăng dầu (đầu mối, tổng đại lý, thương nhân phân phối) cho doanh nghiệp bán lẻ, chủ các cây xăng về 0 đồng, thậm chí âm. Khi nguồn cung dồi dào, giá thế giới giảm, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối tăng chiết khấu cho cửa hàng, đại lý bán lẻ để đẩy lượng bán ra. Còn hiện nay, giá thế giới tăng, họ giảm mức chiết khấu này. Thậm chí gần đây xảy ra tình trạng chiết khấu âm.
Giá cả chưa thỏa đáng cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không muốn tiếp tục kinh doanh. Giá cơ sở xăng dầu mỗi kỳ điều hành do liên Bộ : Công thương và Tài chính quyết định, là căn cứ để xác định mức giá bán lẻ cho người tiêu dùng. Nhưng theo 36 doanh nghiệp đã gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng, chi phí thực tế chưa được phản ánh đầy đủ và nhà điều hành chậm điều chỉnh các chi phí kinh doanh, kìm giá khiến bất ổn càng gia tăng.
Tóm lại, quy định kinh doanh theo hệ thống như hai Nghị định trên là rất "phi thị trường" và làm triệt tiêu sự cạnh tranh dựa trên chi phí, giá cả. Nghịch lý ở đây là, nếu thương nhân phân phối để mức chiết khấu hấp dẫn hơn cho các tổng đại lý và đại lý bán lẻ thì những cơ sở này cũng không được phép mua bên ngoài hệ thống (Bất chấp việc có hóa đơn, chứng từ đầy đủ), nếu làm trái thì bị xếp vào hành vi buôn lậu. Nhưng nếu mức chiết khấu thấp thì doanh nghiệp lại không thể kinh doanh có lãi.Để đối phó, doanh nghiệp khi ấy có thể buộc phải tìm đến nguồn hàng lậu (Chỉ đăng ký bán trên hệ thống của Bộ Công thương cho đúng quy trình thủ tục).
Hoàng Trường
Nguồn : VOA, 07/11/2022
****************************
Không có Đảng, không có ‘ông Diên’ !
Trân Văn, VOA, 07/11/2022
Hôm nay (7/11/2022), Bộ Công Thường vừa "thành kính phân bua" với công chúng rằng "Bộ Công thương không cấm mua xăng bằng can, chai nhựa" vì "pháp luật không cấm".
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Photo VTC.
Lần này, Bộ trưởng Công thương nói riêng và Bộ Công thương nói chung cũng chỉ "thành kính phân bua" chứ dứt khoát không nhận sai, cương quyết không xin lỗi cho dù trước đó ba ngày – hôm 4/11/2022, ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Công thương ban hànhChỉ thị 09/CT-BCT, ra lệnh cho "lực lượng Quản lý thị trường trong cả nướcphối hợp vớicác cơ quan hữutrách tại địa phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu,hành vi bán xăng dầu có các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác"...
Cần lưu ý, ngoài bạo hành hành chính (cấm thứ mà luật pháp không cấm), Chỉ thị 09/CT-BCT còn gây rối loạn sản xuất - kinh doanh, sinh hoạt xã hội. Tuy lập lại các chỉ trích của công chúng trên mạng xã hội (xăng dầu không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại mà còn dùng để vận hành ghe, thuyền tại những vùng nhiều sông rạch, các loại máy mócphục vụ hoạt động nông nghiệp tại gia, nên cấm bán – bơm xăng dầu vào "thùng, can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác" là phi lý) để giải thích tại sao lại "thành kính phân bua" nhưng Bộ Công thương vẫn khẳng định, Chỉ thị 09/CT-BCT là "cần thiết" để "ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ", sở dĩ phải "thành kính phân bua" chỉ vì "trên mạng xã hội xuất hiện một số thông tin mang tính chất bình luận, suy diễn" (1).
Không may cho Bộ Công thương là ngay trong ngày 7/11/2022 – ngày Bộ Công thương "thành kính phân bua" rằng "không cấm mua xăng bằng can, chainhựa" như vừa kể - căn cứ vào Chỉ thị 09/CT-BCT, Ban Chỉ đạo 389 (cách gọi tắt bộ phận chống buôn lậu, gian lận thương mại) của Hà Nội đã phát hành công văn hỏa tốc, yêu cầu "Công an, Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường củaHà Nộivà Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện kiểm tra, xử lý hành vi bán xăng tự phát theo can, chai, lọ… trên đường phố" (2) ! Dẫu "bán xăng tự phát theo can, chai, lọ, trên đường phố" rõ ràng là nguy hiểm cho cộng đồng vì nguy cơ cháy nổ rất cao nhưng tại sao"bán xăng tự phát theo can, chai, lọ, trên đường phố" lại hồi sinh ở Hà Nội ?
Từ đầu tháng 11 tới giờ, dân chúng Hà Nội trở thành nạn nhân của tình trạng khan hiếm xăng dầu (3). Xếp hàng cả giờ để được bơm một vài lít xăng đã trở thành điều bình thường, thậm chí chờ cả giờ nhưng không mua được giọt xăng nào vì chưa tới lượt đã hết xăng cũng đã trở thành điều bình thường (4). Điều bình thường đó diễn ra sau khi ông Diên khẳng định với Quốc hội hồi hạ tuần tháng 10/2022 là "Việt Nam chưa bao giờ thiếu xăng dầu" và "giá xăng dầu Việt Nam thuộc loại thấp nhất thế giới" (5) !
Nếu chịu khó theo dõi diễn biến trên thị trường xăng dầu Việt Nam suốt từ đầu 2022 đến nay ắt sẽ thấy, hễ ông Diên nói "có" thì thị trường xăng dầu sẽ chứng minh là "không" và khi ông Diên bảo "không" thì thị trường xăng dầu xác định là "có".
Hồi tháng 2/2022 – thời điểm các cửa hàng xăng dầu ở Thành phố Hồ Chí Minh nếu không tạm đóng cửa thì cũng chỉ bán cho khách 30.000 đồng/lần đổ xăng (5) – bất chấp việc chủ các cửa hàng phân trần, họ không thể làm khác vì càng bán càng lỗ (bán theo giá đã được ấn định nhưng lại không có chiết khấu, thành ra phải tự móc túi trả tiền nhân công, tiền mặt bằng, tiền điện, tiền nước...), Bộ trưởng Công thương vẫn lên án đó là "găm hàng" và ra lệnh kiểm tra để "lập tứcxử phạt về vật chất, thu hồi giấy phép hoạt động" (6).
Tuy nhiên càng "gia tăng kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm những doanh nghiệp liên quan đến phân phối xăng dầu găm hàng" thì xăng dầu càng khan hiếm. Sau Thành phố Hồ Chí Minh, tới lượt khu vực đồng bằng sông Cửu Long đối diện với cơn khát xăng dầu, ông Diên nhận địnhcơn khát đó là hậu quả của việc từng phụ thuộc vào nguồn xăng dầu buôn lậu trong một thời gian dài nên khi siết chặt, chỉ còn xăng dầu chính thống thì phát sinh thiếu hụt bởi nguồn cung trên thế giới biến động, chiết khấu thấp mà lỗ thì không ai làm (7).
Nhận định vừa dẫn được ông Diên nêu ra vào ngày 22/10/2022, đến 5/11/2022 – lúc dân chúng Hà Nội phải xếp hàng đổ xăng, lúc"bán xăng tự phát theo can, chai, lọ, trên đường phố" xuất hiện khắp nơi, ông Diên bảo rằng "thị trường diễn biến bất thường và khó lường, đứt gãy cục bộ nguồn cung trong hệ thống" là do tác động từ tranh mua trên thị trường thế giới trước khi lệnh cấm tuyệt đối việc mua xăng dầu, khí đốt của Nga có hiệu lực vào ngày 25/11/2022, từ tỉ giá ngoại tệ mạnh liên tục biến động, việc tiếp cận nguồn ngoại tệ và bảo lãnh nhập cảng, hỗ trợ thanh toán của các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối gặp khó khăn (8). Nói cách khác, hiện trạng như đã và đang thấy vừa do những tác động từ thiên hạ, vừa do Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, ông Diên nói riêng, Bộ Công thương nói chung chỉ có công điều hành, không có lỗi !
***
Muốn biết dân chúng nghĩ gì về ông Diên, đánh giá ông như thế nào hãy tham khảo trên mạng xã hội Việt ngữ. Kẻ viết bài này chỉ lược thuật một số tuyên bố, nhận định của ông Diên trước các diễn biến trên thị trường xăng dầu từ đầu năm đến nay để chứng minh ông Diên có chỗ hơn người : Lãnh đạo một bộ như Bộ Công thương nhưng không biết và cũng chẳng thèm biết các quy luật của thị trường. Nói xuôi hay nói ngược cũng hết sức trơn tru, không ngượng, không ngại. Đặc biệt là không bao giờ thấy có lỗi để nhận sai hay xin lỗi. Đã có rất nhiều người thắc mắc, tại sao lại chọn một người vốn chỉ có kinh nghiệm về tổ chức hoạt động đoàn, hoạt động đảng với rất nhiều điều tiếng (9) như ông Diên làm Bộ trưởng Công thương để thị trường xăng dầu càng ngày càng hỗn loạn, ảnh hưởng đến tất cả các giới ? Câu trả lời ngắn gọn là nhờ ơn đảng, không có đảng giành quyền lựa chọn, sắp xếp những người như ông Diên làm bộ trưởng thì làm gì ở thập niên thứ hai của thế kỷ 21, người Việt lại có cơ hội trải nghiệm việc mua xăng từ lề đường ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 07/11/2022
Chú thích
(2) https://thanhnien.vn/ha-noi-hoa-toc-yeu-cau-xu-ly-ban-xang-tu-phat-theo-can-chai-lo-post1518730.html
(3) https://vov.vn/kinh-te/nguoi-dan-ha-noi-met-moi-vi-xep-hang-mua-xang-post981951.vov
(5) https://tv.tuoitre.vn/video-cay-xang-3-ngon-tay-o-tphcm-ban-hang-cho-khach-theo-dinh-muc-116945.htm
(7) https://vietnamnet.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien-gia-xang-viet-nam-thap-nhat-the-gioi/2072731.html
(9) https://baotiengdan.com/2021/04/12/chuyen-tan-bo-truong-bo-cong-thuong-va-ong-chu-hang-bia-dai-viet/
****************************
Thì ra, đó là lỗi của dân !
Tuấn Khanh, RFA, 6/11/2022
Vụ khó khăn cung cấp xăng dầu trong nước đang xuất hiện lời hỏi dồn với Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, rằng tại sao ? Ai là nguyên nhân ? Vấn đề ở đâu ?
Nhân viên ở một cây xăng đang bơm xăng vào bình xe máy cho người mua ở Hà Nội hôm 10/3/2022) - AFP
Ngày 5/11, Bộ Công thương cho biết Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Chỉ thị nêu rõ trong thời gian vừa qua, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại một số địa phương đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế, tạo ra ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân cũng như nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, có chi tiết ông Diên yêu cầu xử lý nghiêm "hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác" trong đời sống đô thị.
Nhưng câu hỏi đặt ra là, vậy chuyện cách phân phối nhỏ cho người dân qua các phương tiện phổ thông, có là phạm pháp không, nhất là khi nguồn mua chỉ có thể lấy từ Bộ Công thương ?
Cách ứng xử của ông Diên, làm gợi nhớ những chuyện không quá lâu.
Hồi tháng 11/2016, có vụ xả lũ bất ngờ từ thủy điện An Khê - Ka Nak, tỉnh Gia Lai. Dân ở các vùng Phú Thiện, Ayun Pa, Krông Pa kể rằng, vào hơn 9 giờ tối, tin nhắn báo gấp vài tiếng nữa sẽ có xả lũ, được gửi vào điện thoại của dân chúng trong vùng, và yêu cầu ai nấy tự lo chuẩn bị chạy nạn gấp.
9 giờ đêm ở rừng núi. Bảo là chạy nhưng chạy đi đâu ? Bao nhiêu người già trẻ nhỏ và vật nuôi nheo nhóc, làm sao để chạy ?
Khổ nỗi dân chúng trong những khu vực đó đa số là những người sắc tộc thiểu số, nhiều người không còn nhìn điện thoại trong giờ đó, và cũng có nhiều gia đình đã an giấc để chuẩn bị cho buổi làm việc sớm ngày mai. Các chùa và nhà thờ trong vùng nhận được tin thì hối hả đánh chuông, đánh kẻng và cho người chạy đi khắp các làng xã để hô hoán chuẩn bị chạy nạn. Nhưng chính nhà thờ và chùa cũng là nơi bị chìm trong biển nước sau đó, cũng không biết chạy về đâu.
Vì dân cư mật độ sống rải rác nên việc thông báo đầy đủ cho tất cả mọi người rất khó khăn, kết quả là khi nhà máy thủy điện An Khê xả lũ kèm với mực nước dâng cao của đợt mưa lớn năm đó, ảnh hưởng đến tận cả Phú Yên, thiệt hại về người và của không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng rồi chẳng có đền bù hay một lời xin lỗi nào.
Về sau, khi thị sát và làm báo cáo lại tình hình, thì các quan chức có trách nhiệm đổ lỗi là do người dân không chịu xem tin điện thoại, và sống cách biệt với xóm làng cho nên không nghe thông báo được. Lỗi chính là do chạy không kịp.
Hôm nay đọc tin của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về chuyện nghiêm cấm việc mua xăng bằng can, thùng, chai mới hiểu là những lúc khốn cùng, tội lỗi vẫn luôn thuộc về nhân dân. Có nghĩa rằng việc thiếu thốn nguồn cung xăng trong đất nước này được xác định rõ là có phần của người dân đi mua xăng bằng những trữ liệu tự do, chứ không phải gắn liền kề cùng động cơ.
Làm dịch vụ độc quyền thu lợi nhưng cung cấp tồi, logistics (hậu cần) tồi, lại đổ lỗi cho người dân về nhu cầu mua và phương thức mua, chỉ là loại suy nghĩ của kiểu lãnh đạo thời mông muội.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 06/11/2022
***************************
Ai phải chịu phạt : Bộ trưởng hay dân bán xăng ‘dạo’ ?
RFA, 07/11/2022
Bộ Công thương yêu cầu xử lý hành vi bán xăng dầu qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác trên đưởng phố. Dư luận cho rằng, Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm trong việc xăng dầu được bán qua chai trên vỉa hè như vậy.
Một cây xăng ở Thành phố Hồ Chí Minh - AFP
Ngày 4/11/2022, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký và ban hành Chỉ thị 09/CT-BCT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Theo Bộ Công thương, xăng dầu là mặt hàng đặc biệt và là ngành kinh doanh có điều kiện nên việc kinh doanh xăng dầu phải tuân thủ quy định của pháp luật, phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và được cấp phép.
Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trên các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở mọi loại hình. Nếu vi phạm sẽ xử phạt.
Điều 35, Nghị định 99/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực dầu khí, có hiệu lực từ ngày 11/10/2020, quy định mức phạt với hành vi vi phạm quy định khác về bán lẻ xăng dầu như sau : "Phạt tiền từ ba triệu đồng đến năm triệu đồng đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang (quốc phòng, công an) thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó".
Nhiều người cho rằng, việc người dân trở lại thời kỳ "cây xăng cục gạch" là do người dân không thể chầu chực xếp hàng ở các cây xăng trong thời gian vừa qua. Do đó, không nên xử phạt những người bán xăng ‘dạo’ mà phải xử lý người chịu trách nhiệm cao nhất thuộc Bộ Công thương và Bộ Tài chính.
Trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên cục trưởng cục quản lý giá, Bộ Tài chánh viết rằng : "Điều hành mỗi mặt hàng xăng dầu mà từ đầu năm đến giờ vẫn bung bét. Không có chuyên môn thì nên nghỉ để đất nước bình yên, để đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu…"
Trao đổi với RFA với tư cách là một người dân khổ sở với việc xếp hàng mua xăng, ông Đinh Kim Phúc nêu quan điểm của ông :
"Lỗi trước nhất thuộc về Chính phủ, cụ thể là Bộ Tài chánh và Bộ Công thương. Bộ trưởng Tài chánh và bộ trưởng Công thương cứ ‘bóng đổ thầy, thầy đổ bóng’ mà không ai chịu trách nhiệm cả. Làm bộ trưởng mà như thế ! Qua việc thiếu xăng dầu này đã cho thấy tầm nhìn, năng lực quản lý, điều hành nhà nước của một số bộ trưởng là quá tệ.
Theo tôi, nếu phải xử lý hành chánh, thậm chí xử lý hình sự những người bán xăng như vậy thì trước nhất phải đuổi cổ ông Bộ trưởng công thương ra khỏi bộ máy chính phủ. Một người không xứng đáng để làm bộ trưởng. Không dám nhận sai về mình mà cứ đổ cho dân. Như thế không xứng đáng làm quan cách mạng. Đất nước này có trên bốn triệu đảng viên, sẽ có người xứng đáng hơn ông Nguyễn Hồng Diên".
Một cây xăng ở Hà Nội. AP
Truyền thông trong nước cho hay, nhiều điểm bán nước, sửa xe lề đường ở Thành phố Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội bỗng trở thành điểm bán xăng tự phát với dấu hiệu để nhận biết là cái chai hoặc cục gạch mà người dân thường gọi là ‘cây xăng cục gạch". UBND TP.Hà Nội yêu cầu các địa phương giải quyết triệt để tình trạng trên.
Tiến sĩ kinh tế Ngô Trí Long nêu quan điểm của ông với RFA sáng 7/11 :
"Hiện nay một số nguồn cung thiếu nên họ tranh thủ bán như vậy. Nhưng đó chỉ là bán trộm chứ không phải bán phổ biến. Nhà nước dẹp ngay không cho phép bán như vậy. Bộ công thương yêu cầu bên quản lý thị trường dẹp.
Bây giờ nói chung thì xăng cũng đủ nhưng vận chuyển không kịp thời. Hồi quý 2 giá xăng tăng rất cao nhưng lúc ấy lại nhập quá nhiều. Đến quý 3 thì giá hạ. Nhập lúc giá cao mà bán lúc giá xuống thì nó ảnh hưởng đến lợi nhuận, đến chi phí kinh doanh dẫn các doanh nghiệp lỗ nên họ hạn chế nhập. Từ đó làm cho nguồn cung mất cân đối. Bây giờ tăng công suất của hai nhà máy lọc dầu rồi thì mọi việc sẽ trở lại bình thường.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về cơ cấu giá bán, thuế, chi phí kinh doanh nhưng Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm chính".
Tuy Bộ Công thương được coi là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc điều hành xăng dầu, nhưng những phát biểu gần đây của các quan chức thuộc bộ, sở này lại gây phản ứng trong công chúng qua một vài ví dụ : Chiều 13 tháng 10 năm 2022, khi trả lời phóng viên báo chí Nhà nước về việc các ngành chức năng nói nguồn cung xăng dầu không thiếu, nhưng các cửa hàng lại đóng cửa vì hết xăng, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng : "Có người, xe còn nửa bình xăng, vẫn chen vào đổ".
Câu nói này bị nhiều người cho là cách nói thiếu trách nhiệm, phủi trách nhiệm và đổ lỗi cho dân.
Hay mới đây, Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất quy định cây xăng bán hàng tối thiểu 12 giờ một ngày (kể cả thứ bảy, chủ nhật). Đồng thời phải đảm bảo không mở cửa bán hàng trễ hơn 6h và không đóng cửa bán hàng trước 18h hàng ngày. Sở này lý giải, việc quy định chi tiết về giờ bán tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhằm dễ dàng xử lý các hành vi vi phạm nếu có.
Trách nhiệm điều hành mặt hàng xăng dầu của Bộ Công thương bị dân chúng chỉ trích nhiều trên mạng xã hội và cả báo chí nhà nước. Mới đây, Bộ Công thương có các công văn gửi tới một số bộ, ngành, đơn vị gồm Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, các Công ty trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đề nghị tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Trước đó, Bộ Công thương cũng có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ tiếp cận vốn bảo lãnh và thanh khoản với một số doanh nghiệp xăng dầu.
Nguồn : RFA, 07/11/2022