‘Chảo lửa’ đầu tuần
Hàn Lam, VNTB, 08/11/2022
Rơi tự do
Trong đó mã NVL (Novaland) đứng đầu trong top 10 cổ phiếu khiến chỉ số chứng khoán của sàn Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) bị áp lực giảm sâu. Chỉ riêng phiên sáng đã có hơn 11 triệu cổ phiếu NVL nằm trong tình trạng dư bán – được chào bán nhưng chưa có người mua.
Hàng loạt cổ phiếu ngành bất động sản bị nhà đầu tư bán tháo, giảm sàn.
Trong một diễn biến khác, mới đây Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư địa ốc Nova Saigon Royal – công ty con của Novaland – cũng công bố kết quả chào bán lô trái phiếu NSRCH2223002, với không trái phiếu nào được chào bán thành công.
Cũng trong phiên, hàng loạt cổ phiếu khác thuộc ngành bất động sản cũng bị nhà đầu tư ồ ạt đặt lệnh bán, khiến chỉ số chứng khoán của thị trường chung lao dốc như DIG (Đầu tư phát triển xây dựng), DXG (Đất Xanh), KDH (Nhà Khang Điền), NLG (Nam Long), QCG (Quốc Cường Gia Lai), VHM (Vinhomes), VIC (Vingroup), HDG (Hà Đô)…
PDR của Bất động sản Phát Đạt khi rơi về giá sàn ngay khi mở cửa với chỉ hơn 280.000 cổ phiếu được sang tay. Trong khi đó, khối lượng chất sàn có hơn 9 triệu đơn vị và gần 4,8 triệu đơn vị đặt bán giá ưu tiên ATC.
Đây đã là phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp và kéo dài chuỗi 14 phiên giảm gần nhất. Áp lực bán đến từ thông tin Chứng khoán Tân Việt có thể bán giải chấp 1,47 triệu cổ phiếu PDR của chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Văn Đạt và công ty liên quan.
Tương tự là tại DIC Corp (DIG) khi cũng giảm sàn phiên thứ 2 liên tiếp về 15.450 đồng, mất 84% từ vùng đỉnh. Mã này khớp lệnh gần 2,5 triệu cổ phiếu và còn dư bán sàn hơn 22 triệu đơn vị. Chủ tịch DIC Corp Nguyễn Thiện Tuấn cũng mới bị cảnh báo bán giải chấp 2,8 triệu cổ phiếu.
Trong khi chỉ số tại sàn niêm yết HNX giảm 6 điểm (-2,93%) về 198,56 điểm. Chỉ số tại sàn UPCoM ghi nhận mức rơi 2,71% còn 72,25 điểm.
Trong đó, nhóm ngân hàng cũng bị bán dữ dội và một số mã đã rớt xuống giá sàn điển hình như TCB của Techcombank, LPB của LienVietPostBank, EIB của Eximbank. Mã CTG của VietinBank rơi 4,7% hay MBB giảm đến 5,3%.
Hàng loạt nhóm ngành khác cũng bị tác động tiêu cực từ thị trường chung. Đáng kể như nhóm thép có HSG, NKG, TLH giảm sàn, thủy sản có ANV và CMX giảm hết biên độ, dệt may là TNG và VTG trong sắc xanh lơ, ngành điện có GEG, VSH hay TTA, lượng thực là PAN, HAG hay DBC, bán lẻ là MWG, PET, DGW…
Còn "đỏ" dài dài ?
Việc đỏ sàn cổ phiếu bất động sản khả năng còn kéo dài khi tin tức về thị trường này cực kỳ ảm đạm.
Một khảo sát vừa công bố cho thấy, nhiều doanh nghiệp bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh đang phải cắt giảm nhân sự, giảm lương của nhân viên để đưa chi phí hoạt động về mức thấp nhất. Mục tiêu hiện nay của các doanh nghiệp này là tìm cách tồn tại.
Lãnh đạo một doanh nghiệp là đơn vị môi giới quy mô bề thế trên thị trường bất động sản ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vừa thông qua kế hoạch định biên nhân sự với mức cắt giảm nhân viên lớn nhất từ khi thành lập công ty. Cụ thể, công ty đã đánh giá lại năng lực để xác định số nhân viên đủ điều kiện đáp ứng vị trí công việc, từ đó cắt giảm các chi phí không cần thiết ; như một chi nhánh trước đây có 800 nhân viên bán hàng thì nay chỉ còn 150 người.
"Quy mô các chi nhánh bị thu hẹp. Bộ phận hành chính, văn phòng của toàn công ty cũng tinh giảm còn 100 người. Biết là khó khăn nhưng nếu không cắt giảm nhân viên thì công ty không thể cầm cự đến cuối năm nay", lãnh đạo công ty này chia sẻ.
Một doanh nghiệp bất động sản quy mô khác tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa có kế hoạch về nhân sự để ứng phó với tình hình khó khăn chung của thị trường. Không chỉ tạm ngưng tuyển nhân sự mới, từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023, công ty này còn cắt giảm lương nhân viên theo phương thức lũy tiến. Mức lương nhân viên bị cắt giảm cao nhất lên đến 35%.
Còn theo giám đốc một sàn giao dịch bất động sản có quy mô 100 nhân viên tại thành phố Thủ Đức thì công ty ông cũng vừa cắt giảm 30% nhân sự để giảm quỹ lương. Theo vị này, một số doanh nghiệp có chính sách trả lương cứng mà ông biết đều đã giảm lương nhân viên. Còn tại những công ty mà thu nhập của nhân viên chủ yếu nhờ hoa hồng thì hầu như vẫn duy trì. Tuy vậy, số lượng nhân viên nghỉ việc ngày càng nhiều vì bán không được hàng.
Tuy nhiên trong tình hình ảm đạm trên, phát biểu mang tính khẳng định với giới truyền thông hôm 6/11/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng cam kết với vai trò điều hành, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, bảo đảm khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là dịp cuối năm.
Bất chấp những phát biểu lạc quan của các quan chức chính phủ, ghi nhận ở đầu tuần này, nhà đầu tư đang bán mạnh các cổ phiếu ngành bất động sản, công nghiệp, hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu và tài chính, với mức âm từ 3-5%. Chỉ số các ngành như chăm sóc sức khỏe, năng lượng, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng thiết yếu cũng bị giảm, tạm thời âm dưới 1%.
‘Chảo lửa’ trên sàn chứng khoán xem ra đang đỏ rực hơn cả ‘lò ông Trọng’ ( ! ?)…
Hàn Lam
Nguồn : VNTB, 08/11/2022
**********************
Môi trường làm ăn đang sực nức mùi thuốc súng
Tử Long, VNTB, 06/11/2022
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland, mã chứng khoán : NVL) vừa thống nhất sẽ không triển khai phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, vì phương án không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Hội đồng quản trị cho biết sẽ xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông về thời điểm triển khai phương án phát hành tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông gần nhất.
Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland, HoSE : NVL) ngày 19/042022 - Ảnh minh họa
Trên thị trường, cổ phiếu NVL giảm hết biên độ xuống 59.900 đồng/cổ phiếu ngay từ đầu trong phiên cuối tuần này. Tính chung 1 tuần trở lại đây, cổ phiếu địa ốc này đã giảm xấp xỉ 14%.
Trước đó, NVL dự định cho phát hành gần 483 triệu cổ phiếu NVL với tỷ lệ thực hiện quyền 1:0,2475 (sở hữu 10.000 cổ phiếu được nhận 2.475 cổ phiếu mới). Nguồn vốn phát hành từ thặng dư vốn cổ phần tại báo cáo tài chính kiểm toán riêng 2021 với giá trị ghi nhận hơn 5.023 tỷ đồng. NVL chốt ngày đăng ký cuối cùng cho đợt phát hành là 14/11/2022, và ngày giao dịch không hưởng quyền là 11/11/2022.
Xét về tình hình kinh doanh quý 3/2022, Novaland ghi nhận doanh thu thuần 3.279 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của Novaland giảm 18% còn 737 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 236 tỷ đồng. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của Novaland giảm là do chi phí tài chính tăng mạnh thêm 615 tỷ đồng chủ yếu vì chi phí lãi từ hợp đồng hợp tác đầu tư cũng như lỗ tỷ giá tăng so với cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần Novaland giảm 23% đạt 7.894 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.054 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ.
Trước đó, tháng 7/2022, Novaland cũng bất ngờ hủy bỏ thực hiện phương án phát hành trái phiếu ra công chúng, và rút hồ sơ chào bán trái phiếu ra công chúng.
Vừa qua mạng xã hội xôn xao lan truyền hình ảnh một đoạn nội dung "Đề nghị Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Biên Hòa cung cấp hồ sơ cho Phòng An ninh kinh tế – Công an Thành phố Hồ Chí Minh về dự án Izumi City và dự án Aqua City về sai phạm trong quản lý đất đai của Liên hiệp hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đồng Nai (Dona Coop) trước ngày 15/11/2022.
Phản ứng với những tin này, thị giá NVL cũng rớt mạnh trong thời gian gần đây, từ 87.000 đồng/cổ phiếu xuống 59.900 đồng/cổ phiếu. Trong bối cảnh đó, ngày 11/10 vừa qua, ông Bùi Cao Nhật Quân – con trai của ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Nova Group đã đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu NVL từ 14/10 – 12/11 tăng số lượng cổ phiếu đang nắm giữ là 83.242.008 cổ phiếu.
Công ty cổ phần Nova Group cũng đăng ký mua vào 8 triệu cổ phiếu NVL theo phương thức nhận chuyển quyền sở hữu cổ phiếu qua hệ thống của Sở giao dịch chứng khoán. Nova Group hiện là cổ đông lớn nhất ở Novaland khi nắm giữ 37,02%. Việc mua thêm 8 triệu cổ phiếu NVL diễn ra theo đúng kế hoạch, tỷ lệ sở hữu của NovaGroup ở Novaland hơn 37,4% vốn điều lệ, tương đương với 729.830.010 cổ phiếu.
Theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT về thị trường bất động sản, thì mặt tích cực, giá vật liệu xây dựng hạ nhiệt trong nửa cuối 2022, từ đó hỗ trợ đầu tư công cũng như giúp kìm hãm giá nhà. Tuy nhiên, bất động sản gặp nhiều thách thức hơn những tháng cuối năm 2022 do lạm phát chi phí đẩy, lãi suất gia tăng và tín dụng hạn chế.
Công ty chứng khoán này cũng nhận thấy nhiều sóng gió hơn cơ hội trong 2023 đối với ngành bất động sản. Theo đó, ngành bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức gồm : Thắt chặt các khoản vay ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ; lãi suất tăng ảnh hưởng đến quyết định mua nhà.
VNDIRECT tin rằng các nút thắt về pháp lý bất động sản nhà ở khó có những cải thiện đáng kể ít nhất đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) hoàn thành trong quý IV/2023.
Ngoài ra với tin tức bắt bớ trải rộng đang đe dọa từ cú đổ domino Vạn Thịnh Phát, cho thấy môi trường làm ăn hiện tại ở Việt Nam sực nức mùi thuốc súng của các phe nhóm quyền lực trong cùng đảng phái chính trị.
Tử Long
Nguồn : VNTB, 06/11/2022