Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/11/2022

ASEAN trước thách thức bị các nước lớn lôi kéo ảnh hưởng

Anh Vũ

Đông Nam Á trở thành tâm điểm chú ý của các hoạt động ngoại giao quốc tế khi vào tháng này diễn ra hàng loạt cuộc họp thượng đỉnh. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang gia tăng với các cuộc đối đầu giữa phương Tây và Nga hay Trung Quốc tiếp diễn. Dư luận quốc tế hướng về Cam Bốt theo dõi xem ASEAN tỏ lập trường thế nào về các hồ sơ quốc tế lớn, từ chiến tranh Ukraine đến cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc.

asean1

Ảnh do chính phủ Cam bốt cung cấp : Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và đồng nhiệm Cam Bốt Hun Sen tại Cung Hòa bình, Phnom Penh, ngày 09/11/2022. AP - Kok Ky

Ba sự kiện lớn liên tiếp diễn ra trong khu vực Đông Nam Á trong tháng 11/2022, gồm Hội nghị cấp cao ASEAN ở Cam Bốt (11-13/11), Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia (15-16/11) và trong hai ngày 18-19/11 là Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Bangkok,Thái Lan.

Mở màn là hội nghị cấp cao ASEAN tại Phnom Penh từ thứ Sáu 11/11. Khu vực Đông Nam Á đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của hai đối thủ cạnh tranh lớn hiện nay là Trung Quốc và Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới Cam Bốt từ ngày 12 đến 13 /11 dự các cuộc họp của ASEAN. Trước ông, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từ hôm 08/11 đã tới Phnom Penh hội đàm với lãnh đạo Cam Bốt, thủ tướng Hun Sen, trước khi dự thượng đỉnh ASEAN và nhiều cuộc họp với các đối tác khác bên lề hội nghị.

Điều mọi người đều thấy hiện nay là Mỹ và Trung Quốc đang lao vào cuộc tranh giành ảnh hưởng quyết liệt trên khắp các khu vực thế giới. Cả hai cường quốc này đều đã nhìn thấy tầm quan trọng của ASEAN (10 thành viên, 660 triệu dân) trong chiến lược của mình. Không phải ngẫu nhiên mà hồi giữa tháng 5 năm nay, tổng thống Mỹ đã mời các nước trong hiệp hội tới Washington họp hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hoa Kỳ - ASEAN. Sự kiện này đã được giới quan sát ghi nhận như là một chương mới cho quan hệ Mỹ và khối các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, ý đồ của Washington lôi kéo các nước về phe mình cũng như mục tiêu hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực ASEAN đã không thành công. Các nước Đông Nam Á vẫn luôn cố gắng làm hài lòng cả hai đối thủ, và dường như đều ý thức được đó là đường lối tất yếu để phát triển kinh tế.

Tại các cuộc họp ở Phnom Penh tới đây, chắc chắn lập trường này của ASEAN cũng sẽ không thay đổi. Nhất là khi Trung Quốc, với những lợi thế về địa lý và tiềm năng kinh tế, đã dần áp đặt được các mối quan hệ tương đối ổn định với từng nước trong ASEAN. Không thể phủ nhận là giờ đây Trung Quốc là một đối tác kinh tế quan trọng trong vùng và Bắc Kinh cũng đã tạo lập được nhiều hoạt động hợp tác với ASEAN, trong đó nhiều quan hệ đã được định chế hóa.

Tuy nhiên, chính quyền Biden hy vọng sẽ thuyết phục được một số đối tác bằng các quan hệ kinh tế, phát triển công nghệ và đặc biệt về an ninh trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên thế giới hiện nay và thái độ hung hăng nước lớn của Trung Quốc.

Một hồ sơ nóng khác có thể sẽ nổi lên trong các hoạt động ngoại giao tại Phnom Penh là chiến tranh tại Ukraine do Nga phát động. Theo AFP, Ukraine dự kiến sẽ ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác với các nước Đông Nam Á. Tại phiên họp cấp cao ở Phnom Penh, tổng thống Ukraine, Zelensky, đề nghị được phát biểu qua video. Tuy nhiên, các chuyên gia được AFP phỏng vấn đều có chung nhận định là, với nguyên tắc cơ sở là không can thiệp vào công việc của nước khác, không thể mong đợi các nước trong hiệp hội ASEAN bày tỏ sự lựa chọn rõ ràng giữa Kiev và Moskva.

Joanne Lin, chuyên gia Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, khẳng định : "ASEAN sẽ tiếp tục hợp tác với Nga, bằng cách duy trì nguyên trạng". Theo nhà nghiên cứu này, nhiều nước thành viên của ASEAN rất giỏi che chắn hay né tránh các chủ đề nhạy cảm. Việc Thái Lan, Lào, Việt Nam, ở Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc gần đây, không bỏ phiếu nghị quyết lên án Nga "sáp nhập trái phép" các vùng lãnh thổ của Ukraine đã cho thấy rõ lập trường tránh chọn phe của các nước này.

Tại hội nghị cấp cao Phnom Penh lần này, dự trù sẽ còn hàng loạt cuộc gặp gỡ giữa ASEAN và các đối tác lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên Hiệp Quốc. Đó cũng là những thử thách ngoại giao cho ASEAN trong bối cảnh thế giới đầy rối ren hiện nay.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 311 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)