Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/11/2022

Việt Nam có thật sự không chọn phe ?

RFA - Nguyễn Huyền

Việt Nam có thực sự "chọn chính nghĩa, không chọn phe" ?

RFA, 08/11/2022

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính mới đây lại lập lại phát biểu : "Chúng ta không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải, ủng hộ các vấn đề vì hòa bình, ổn định".

chonphe1

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu trước Quốc hội khi Quốc hội khai mạc kỳ họp mùa thu tại Hà Nội vào ngày 20 tháng 10 năm 2022. AFP PHOTO

Ông Phạm Minh Chính lập lại phát biểu như vừa nêu khi trả lời chất vấn trước Quốc hội về chính sách, đường lối đối ngoại của Việt Nam hôm 7/11/2022.

Theo ông Thủ tướng Việt Nam, quan điểm đối ngoại của Việt Nam nhằm giữ độc lập, tự chủ nhưng vẫn đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện…

Một chuyên gia về quan hệ quốc tế không muốn nêu tên vì lý do an toàn nhận định với RFA hôm 8/11/2022 :

"Về mặt lý thuyết cho đến bây giờ Việt Nam vẫn không chọn bên, nhưng qua một số hành động như đón tiếp ngoại trưởng Nga, những tuyên bố về phía Nga, hay chuyến đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc… cho thấy Việt Nam vẫn ưu tiên mối quan hệ với Nga và Trung Quốc nhiều hơn so với Mỹ và Phương Tây. Đương nhiên là Việt Nam không đứng về phía nào hẳn, không nghiên hẳn về phía Trung Quốc và Nga. Ví dụ trên thế giới hiện có hai phe, một bên là Mỹ, Phương Tây và một bên là Nga - Trung Quốc, thì có lẽ Việt Nam vẫn ưu tiên nghiên về Nga - Trung Quốc nhiều hơn".

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vừa có chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30/10 đến ngày 02/11/2022, mà truyền thông Nhà nước ca ngợi là "thành công tốt đẹp" và mang tính "lịch sử".

Kết thúc chuyến thăm, hai nước cũng đã ký Bản Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc 2022 được tác giả Trương Nhân Tuấn trong bài viết đăng trên Báo Tiếng Dân đánh giá là đánh dấu sự chuyển mình của Trung Quốc trong thế trận cạnh tranh với Mỹ và Tây phương về ý thức hệ và mô hình phát triển.

Theo ông Trương Nhân Tuấn, Việt Nam đã chấm dứt chính sách "đu dây" từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Chính sách này chỉ có thể áp dụng nếu có hai trụ cột như Liên Xô và Trung Quốc ngày trước. Khi đó Việt Nam thay phiên về phía một trong hai nước này để được tăng cường viện trợ.

Ông Tuấn cho rằng Việt Nam hiện không hề có chính sách "đu dây" giữa Trung Quốc và Mỹ. Vì Mỹ không phải là một "trụ cột" và Trung Quốc cũng vậy.

Vị chuyên gia về quan hệ quốc tế nhận định thêm :

"Việt Nam cố gắng sử dụng quan hệ một cách thực dụng nhất. Đối với quan hệ với Nga thì Nga có nhiều lợi ích đối với Việt Nam. Trong đó thứ nhất là vũ khí, khoảng 80% vũ khí của Việt Nam chủ yếu mua từ Nga. Cho nên Việt Nam cần phải giữ mối quan hệ với Nga. Thứ hai là những hoạt động khai thác dầu khí liên doanh với Nga ở khu vực biển Đông. Thứ ba là cộng đồng người Việt Nam ở Nga, cho nên Việt Nam vẫn duy trì mối quan hệ với Nga và nó vẫn mang lại lợi ích cho Việt Nam".

Còn đối với Trung Quốc theo vị chuyên gia này thì trong chuyến đi vừa rồi của ông Nguyễn Phú Trọng, ngoài thông điệp rất lớn đó là Việt Nam không đi với Mỹ để chống lại Trung Quốc. Ông nói tiếp :

"Ngoài ra quan trọng hơn đó là đó là Việt Nam đã có thể xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc nhiều hơn, đặc biệt là nông sản, thủy sản. Chúng ta còn nhớ năm ngoái Trung Quốc đã chặn hàng hóa ở biên giới khiến cho rất nhiều thương lái, nông dân Việt Nam bị điêu đứng. Cho nên Việt Nam đang muốn thực hiện những gì thực dụng nhất, chứ còn đương nhiên quan hệ với Mỹ và Phương Tây cũng rất quan trọng đối với Việt Nam. Việt Nam vẫn đang cố gắng duy trì mối quan hệ tốt với Mỹ và Phương Tây. Nhưng rõ ràng với thể chế chính trị của Việt Nam, thì họ vẫn nghiêng về phía Nga và Trung Quốc nhiều hơn, đó cũng là điều chúng ta dễ hiểu".

Trước đó, vào tháng 5 năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến làm việc ở Mỹ cũng đã khẳng định Việt Nam "chọn chính nghĩa, không chọn bên".

Trả lời RFA từ Đức Quốc hôm 8/11, Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài cho biết ý kiến :

"Chúng ta phải đánh giá trên hai phương diện, một là ông Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính nói riêng, cũng như là cả ban lãnh đạo chóp bu của chế độ, họ không nhận thức được đâu là chính nghĩa, đâu là lẽ phải… Cho nên họ nhầm lẫn giữa phi nghĩa với chính nghĩa khi họ bỏ phiếu trắng và khi chống lại các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc để lên án Nga cũng như trục xuất Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền… Đó là họ đã đứng về phía phi nghĩa, mà họ lại nói là không chọn bên, họ chỉ chọn chính nghĩa thôi. Đó là sự nhầm lẫn, thứ hai là quá hèn nhát, họ chấp nhận đứng về phía chủ nghĩa đế quốc để mà ủng hộ việc Nga xâm lược Ukraine".

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, với đường lối đối ngoại như Việt Nam nếu như bình thường thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng Việt Nam không bị ảnh hưởng vì biết lợi dụng tình thế hiện nay. Ông Đài giải thích :

"Khi mà cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc một cách toàn diện, thì vị thế chiến lược của Việt Nam rất quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nói riêng, cũng như là đối với Nhật Bản và các nước Châu Âu nói chung. Cho nên họ lợi dụng tình thế đó, do các nước kia không dám trừng phạt Việt Nam hay không dám tỏ thái độ phản đối Việt Nam một cách mạnh mẽ. Bởi vì họ đang muốn lôi kéo Việt Nam ra khỏi vùng ảnh hưởng của Trung Quốc, hay ít nhất cũng giữ được sự trung lập trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ - Phương Tây với Trung Quốc".

Nga chính thức tiến hành cuộc xâm lược Ukraine từ rạng sáng 4/2/2022, đánh dấu bước leo thang lớn đối với xung đột Nga-Ukraine bắt đầu từ năm 2014.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào đầu tháng 3 năm 2022 đã bỏ phiếu lên án cuộc chiến xâm lược của Nga và yêu cầu nước này rút quân khỏi Ukraine. Tuy nhiên với sự đồng thuận gần như đa số của các nước thì Việt Nam đã bỏ phiếu trắng cả hai lần bỏ phiếu.

Vào ngày 7/4/2022, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu khai trừ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) với các cáo buộc nước này vi phạm nhân quyền ở Ukraine, theo đó có 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Việt Nam lần này nằm trong số những nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Mỹ để loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền.

Tuyên bố của ông Chính vào thời điểm này khi Nga ngàn càng lún sâu vào cuộc xâm lược Ukraine làm dư luận đặt câu hỏi liệu có đúng Việt Nam chỉ chọn chính nghĩa, không chọn phe ?

Giáo sư Nguyễn Đình Cống từ Hà Nội khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho rằng :

"Khái niệm Chính nghĩa tưởng rằng đã rõ ràng nhưng vẫn mơ hồ. Một việc, người này cho là chính nghĩa nhưng người khác bảo không phải thì sao. Thí dụ một số người cho rằng Chủ nghĩa Mác Lê, ủng hộ Putin đánh Ukraine, quốc hữu hóa đất đai, đàn áp người bất đồng chính kiến v.v. là rất chính nghĩa, có thật vậy không ? Thế mà nhiều lãnh đạo của Việt Nam đang hết sức thực hành, bảo vệ và kiên trì những thứ đó".

Theo Giáo sư Cống, giữa nói và làm thì một số lãnh đạo của Việt Nam thường chọn được câu hay để nói, nhưng phần nhiều họ làm ngược lại.

Nguồn : RFA, 08/11/2022

***************************

Thủ tướng ‘không chọn bên’, còn Tổng bí thư thì…

Nguyễn Huyền, VNTB, 06/11/2022

Trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội về hoạt động đối ngoại của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam là không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải.

vncpc2

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hà Nội, đặt câu hỏi, "thời gian vừa qua, hoạt động đối ngoại của Việt Nam thành công rực rỡ nhờ sự kiên định, linh hoạt và mềm dẻo, tuy nhiên hiện thế giới đang có nhiều diễn biến hết sức khó lường, khó đoán định, xin Thủ tướng cho biết một số định hướng đối ngoại cơ bản và thái độ của chúng ta ?".

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời theo đúng khuôn mẫu văn phong nghị quyết Đảng : "Về định hướng đối ngoại, trong cương lĩnh, Đại hội XIII cũng như trong Hiến pháp đã xác định rõ chúng ta theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy của các nước trên thế giới vì mục tiêu hoà bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Hiện nay chúng ta đang thể chế hóa, cụ thể hoá các mục tiêu chung này.

Trên thực tế, chúng ta thực hiện các đường lối đối ngoại này với 3 trụ cột chính là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa. Chúng ta đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Chúng ta cũng ứng xử với những vấn đề quốc tế phức tạp như vấn đề Ukraine…

Thái độ của chúng ta thể hiện ở Liên Hiệp Quốc được bạn bè quốc tế chia sẻ trong bối cảnh khó khăn, trong bối cảnh chúng ta phải thể hiện chính kiến, theo đó đường lối đối ngoại của Việt Nam là không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải. Các vấn đề liên quan đến quốc tế chúng ta đều thể hiện tinh thần vì hoà bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới".

Vậy thì với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua "chuyến thăm" Trung Quốc vừa qua, ông chọn gì ?

Một nhà quan sát chính trị có ý kiến như sau về bản tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc được ‘giao kết’ giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng bí thư Tập Cận Bình : ở nội dung bản tuyên bố này cho biết vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ không được giải quyết bằng pháp luật quốc tế, mà bằng việc "hợp tác thực thi pháp luật" giữa hai lực lượng cảnh sát biển của hai nước.

Điều đó có nghĩa tranh chấp trong Vịnh Bắc bộ sẽ được giải quyết trong nội bộ của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam với Trung Quốc. 

"Việt Nam đứng về phe Trung Quốc, thách thức với Mỹ và thế giới tự do trong cuộc cạnh tranh mô hình phát triển và ý thức hệ chính trị. Có thể sắp tới Mỹ sẽ bỏ Việt Nam để "đi" với một quốc gia khác, chắc chắn không bằng Việt Nam về mọi mặt, như Campuchia".

Nếu ví bàn cờ chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương với Châu Âu hiện tại, Việt Nam đối với Trung Quốc có thể ví như là một Bạch Nga đối với Nga. Còn Campuchia có thể là Phần Lan, hay các xứ Baltique. Nếu Bạch Nga không "phản bội" Nga thì Việt Nam sẽ không bao giờ quay lưng lại với Trung Quốc.

Nhưng liệu khi Mỹ "quay lưng" với Việt Nam, đóng cửa với Việt Nam về mọi mặt, liệu Việt Nam có thể giữ nguyên mức phát triển hay không ? Chỉ cần Mỹ hạn chế nhập khẩu, hay hạn chế dòng ngoại tệ của Việt kiều, Việt Nam sẽ ra sao ?" – nhà quan sát chính trị nói trên, bình luận.

Cán cân sẽ ngã ngũ ra sao khi cho đến nay người ta vẫn thấy "cộng sản nói vậy, mà không phải vậy". Theo đó, thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết nhận lời mời của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Campuchia từ ngày 8 đến ngày 9/11.

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ ở lại Campuchia sau ngày 9/11 để dự Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan do Campuchia đăng cai từ ngày 10 đến 13/11. Đây cũng là lần đầu tiên Thủ tướng tham dự trực tiếp các hội nghị cấp cao ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN và liên quan, Thủ tướng dự kiến tham dự hơn 20 hoạt động và có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế để trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm.

Một tin tức đáng quan tâm nhất nhưng không tìm thấy ở Bộ Ngoại giao Việt Nam, đó là Tổng thống Mỹ cũng bay đến Campuchia từ ngày 12 tới 13/11 để gặp gỡ lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN, và gặp lãnh đạo các nước EAS.

Liệu trong danh sách của ‘vận động hành lang’ sẽ có cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Việt Nam với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay tại xứ sở Chùa Tháp theo đúng nguyên tắc mà ông Phạm Minh Chính đã tuyên bố, là "không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải" ?

Nguyễn Huyền

Nguồn : VNTB, 06/11/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA - Nguyễn Huyền
Read 173 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)