Ngày 10-13/11 sắp tới sẽ diễn ra kỳ họp thượng đỉnh các nước ASEAN trong năm nay. Đây cũng là dịp Campuchia sẽ chính thức kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của ASEAN để chuyển giao vị trí này cho Indonesia - Chủ tịch trong nhiệm kỳ kế tiếp. Một năm Chủ tịch vừa qua của Campuchia đã thể hiện sự thất bại của Trung Quốc trong quan hệ với ASEAN.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trước Thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh hôm 9/11/2022 - Reuters
Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại Campuchia
Việc Trung Quốc cố gắng thiết lập quyền kiểm soát và quyền thực thi quyền lực đối với chính trị toàn cầu không phải là tin tức gì mới mẻ. Trung Quốc đã trải qua một chặng đường dài để phát triển và đạt được những lợi ích bá quyền ở Đông Nam Á.
"Giấc mơ Campuchia" của Trung Quốc là một mắt xích mới trong chuỗi phát triển đó, một quá trình thiết lập các tiền đồn để kiểm soát Đông Nam Á. Căn cứ hải quân sắp được triển khai của Trung Quốc ở Campuchia là ví dụ về một tiền đồn như vậy.
Các yếu tố chính thúc đẩy Trung Quốc lựa chọn Campuchia là : Về nền tảng chính trị, Trung Quốc có mối quan hệ tốt đẹp với chế độ phi dân chủ của Hun Sen ở Campuchia ; Về nền tảng kinh tế, Campuchia là nơi tập trung nhiều đầu tư của Trung Quốc và là nơi nhiều doanh nghiệp/công ty Trung Quốc đang hoạt động ; Về nền tảng lịch sử, Campuchia có những vấn đề về phân định biên giới trên đất liền chưa được giải quyết với Việt Nam, quốc gia vốn là đối thủ của Trung Quốc trong xung đột trên Biển Đông.
Sự suy giảm trong quan hệ giữa Campuchia và Mỹ cũng góp phần khiến Trung Quốc tập trung gia tăng ảnh hưởng. Mối quan hệ Campuchia-Mỹ bị ảnh hưởng bởi việc Campuchia đơn phương hủy bỏ cuộc tập trận chung "Angkor Sentinel" vào tháng 1/2017, sau đó là việc Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) bị giải thể vào cuối năm 2017. Mỹ chỉ trích những hạn chế của nền dân chủ Campuchia, cho thông qua Đạo luật Dân chủ Campuchia và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và doanh nhân Campuchia.
Quan hệ Campuchia-Việt Nam cũng tồn tại căng thẳng do hai bên chưa hoàn tất việc phân định biên giới trên đất liền, vấn đề người Việt Nam nhập cư ở Campuchia và nhận thức của xã hội về vai trò của Việt Nam trong quá trình giải phóng Campuchia khỏi Khmer Đỏ. Do đó, Trung Quốc đang tìm cách tăng cường sức mạnh quân sự của Campuchia theo cách tiếp cận "cân bằng ngoài khơi" để tiến hành "chiến tranh ủy nhiệm" thay vì trực tiếp triển khai hoặc giao chiến với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hoặc Hải quân của Trung Quốc (PLAN) ở Campuchia. Điều này sẽ có ảnh hưởng chiến lược, giúp Bắc Kinh ngăn cản việc Hà Nội tập trung các nguồn lực chiến lược vào Biển Đông.
Trong lần giữ vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2012, Campuchia được gọi là "lực lượng ủy nhiệm của Trung Quốc" vì có lập trường thân Trung Quốc rất rõ ràng. Bắc Kinh muốn thông qua Campuchia để chia rẽ ASEAN và phá hoại sự thống nhất của khối này.
Trong thời gian giữ chức Chủ tịch ASEAN vừa qua, Campuchia đã nỗ lực thực hiện các "chỉ thị" từ Bắc Kinh, bao gồm vấn đề Myanmar và vấn đề Biển Đông, thế nhưng, ASEAN đã không để Campuchia thao túng như trước nữa.
Bế tắc Myanmar
Trung Quốc đã rất muốn ủng hộ chính quyền quân sự Myanmar, và Campuchia đã nỗ lực thực hiện yêu cầu này từ Bắc Kinh, nhưng ASEAN vẫn chưa thể thông qua việc thừa nhận chính quyền quân sự đảo chính này.
Cuộc họp về Myanmar nhưng lại không có Myanmar tham dự là câu chuyện mới trên "vùng đất cũ" Indonesia, nơi mà vào tháng 4/2021, 10 nhà lãnh đạo ASEAN - bao gồm cả Tướng Min Aung Hlaing, nhà lãnh đạo chế độ quân sự Myanmar - đã thông qua thỏa thuận "Đồng thuận năm điểm" nhằm cứu vãn tình hình tồi tệ ở nước này. Cho đến nay, diễn biến tình hình không những không khả quan mà còn tệ hơn trước, khiến chín quốc gia thành viên ASEAN phải nhóm họp ngày 27/10/2022 tại cùng một địa điểm (Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta) để thảo luận về vấn đề Myanmar, nhưng không có sự hiện diện của Myanmar. Chỉ có 7/10 ngoại trưởng ASEAN tham dự hội nghị. Ngoại trưởng của ba nước vắng mặt là Myanmar (không có đại diện), Malaysia (cử Phó Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao tham dự) và Việt Nam (cử quyền trưởng SOM tham gia).
Hội nghị kéo dài hơn hơn giờ đồng hồ, mỗi nước đều có quan điểm và lập trường riêng. Nhưng rốt cuộc, chín thành viên ASEAN thống nhất rằng chế độ quân sự Myanmar đã không thực hiện đầy đủ các cam kết trong "Đồng thuận năm điểm". Chính điều này khiến một số quốc gia không muốn cho phép Myanmar tham dự tất cả các hội nghị cho đến khi giới lãnh đạo nước này có sự thay đổi tích cực nào đó. Trong khi đó, nhóm quốc gia chiếm đa số còn lại đều đồng tình với quan điểm của Campuchia, đó là nên duy trì việc cho phép đại diện phi chính trị của Myanmar tham dự các hội nghị nhưng chỉ trong khuôn khổ hội nghị cấp cao và hội nghị ngoại giao, không nên mở rộng sang hội nghị bộ trưởng các ngành khác.
Theo tường trình của phóng viên Puy Kea trên tờ Fresh News [1] , trong cuộc họp kéo dài ba giờ, Indonesia và Singapore đã đụng độ với Campuchia và Thái Lan (hai đấu hai), đến mức ngoại trưởng Thái Lan phải lược thuật lại lịch sử về vai trò điều phối hết sức quan trọng của Indonesia trước đây, khác với Indonesia hiện nay. Việt Nam và Lào ủng hộ lập trường của Campuchia và Thái Lan. Cuối cùng, hội nghị quyết định những nội dung thảo luận sẽ được đệ trình dưới dạng khuyến nghị để các lãnh đạo cấp cao quyết định tại Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra ở Phnom Penh từ ngày 10-13/11 tới.
Như vậy, cho dù đầu năm, ông Hun Sen - Thủ tướng Campuchia đã "xông xáo" đến Myanmar để có thể tìm ra giải pháp, nhưng cho đến nay, vấn đề Myanmar đã chưa được ASEAN thông qua.
COC cho Biển Đông cũng giậm chân tại chỗ
Một vấn đề thứ hai mà Campuchia cũng muốn nỗ lực vì Bắc Kinh, đó là vấn đề Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Cần lưu ý rằng các sáng kiến chính của ASEAN về Biển Đông nằm trong nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC). Trong khuôn khổ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí về việc hoàn tất COC. Mặc dù những tiến triển đạt được sau đó còn khiêm tốn, nhưng đến năm 2017, ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất về khuôn khổ cho COC. Năm 2018, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí về văn bản đàm phán Dự thảo COC duy nhất. Mặc dù tiến trình đàm phán COC chủ yếu thuộc trách nhiệm của các bộ trưởng ngoại giao, nhưng việc thực thi COC sau khi văn kiện này được thông qua sẽ trở thành trách nhiệm chủ yếu của các cơ quan quốc phòng của ASEAN và Trung Quốc. Như vậy, COC cũng có thể tác động đến các hoạt động ngoại giao quốc phòng lớn hơn trong khu vực, chứ không chỉ ADMM và ADMM+. Trong văn kiện đàm phán nói trên, Bắc Kinh đề xuất rằng Trung Quốc và ASEAN không nên tổ chức các cuộc tập trận chung với các nước bên ngoài khu vực, trừ khi các bên liên quan được thông báo trước và không phản đối điều này. Nếu điều khoản này được đưa vào bản COC cuối cùng, thì Trung Quốc trên thực tế có thể phủ quyết các cuộc tập trận của các nước ASEAN với các cường quốc khác như Mỹ. Philippines chỉ trích điều này với việc người đứng đầu Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh : "Một thỏa thuận như vậy sẽ là sự ngấm ngầm thừa nhận bá quyền của Trung Quốc… Nói tóm lại, đó là cẩm nang hướng dẫn cách chung sống với một nước bá quyền hoặc cách chăm sóc một con rồng trong phòng khách nhà bạn" [2] . Khi Philippines kết thúc nhiệm kỳ Nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc, Ngoại trưởng Philippines Locsin khi đó đã nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán COC không đi đến đâu và Philippines phản đối việc loại trừ bất kỳ cường quốc bên ngoài nào khỏi Đông. Ông khẳng định : "Điều đó sẽ tạo ra phạm vi ảnh hưởng bán hợp pháp đi ngược lại nguyên tắc duy trì sự hữu hảo và tôn trọng giữa tất cả các nước" [3].
Khi nhậm chức Chủ tịch ASEAN hồi đầu năm, các quan chức Campuchia đã tuyên bố cố gắng ký kết COC trong năm 2022, tuy nhiên, vào năm 2012, Campuchia đã từng dùng quyền Chủ tịch của mình để ngăn chặn các Ngoại trưởng ASEAN ra một tuyên bố chung về Biển Đông, trong đó có nội dung lên án hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Kể từ đó, ASEAN đã cố gắng để tránh lặp lại hành động này. Từ đó, ASEAN đã một mặt tăng cường thẩm quyền cho Tổng thư ký ASEAN, mặt khác, đặt ra cơ chế quốc gia điều phối bên cạnh vai trò của Chủ tịch. Mà nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc thời gian này chính là Myanmar, do đại diện chính quyền quân sự Myanmar vẫn không được ASEAN chấp thuận, nên Myanmar không thể thực hiện điều phối các cuộc tiếp xúc giữa ASEAN và Trung Quốc. Chính vì vậy, cho dù rất nỗ lực can thiệp cả hai vấn đề Myanmar và COC nhưng Trung Quốc vẫn nhận "quả đắng" cho đến khi Campuchia kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch của mình.
Thạch Sang
Nguồn : RFA, 09/11/2022
Tham khảo :
[1] http://www.freshnewsasia.com/index.php/en/localnews/264042-2022-10-30-14-14-57.html?fbclid=IwAR0QAXzPDEmio0gDzrJfnTESzAAm0C_BeibdX_8lGQA1ZSsovHeXwOMBMqY
[2] https://www.gmanetwork.com/news/topstories/nation/775030/locsin-philippines-opposes-us-exclusion-in-south-china-sea-code-of-conduct/story/
[3] https://www.gmanetwork.com/news/topstories/nation/775030/locsin-philippines-opposes-us-exclusion-in-south-china-sea-code-of-conduct/story/