Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/11/2022

Địa vị pháp lý của người Việt ở Campuchia ?

Hà Nguyên – Cát Tường

"Nâng cao địa vị pháp lý cho bà con người Việt ở Campuchia, khó mấy cũng phải làm".

Đó là tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm chính thức Campuchia và dự hội nghị cấp cao ASEAN hôm 9/11 khi ông đến thăm, nói chuyện với cán bộ nhân viên đại sứ quán, đại diện doanh nghiệp và cộng đồng người Việt Nam tại Vương quốc Campuchia.

Đây là câu chuyện không mới.

phaply1

Ông Sim Chy – Chủ tịch Hiệp hội Khmer Việt Nam tại Campuchia đưa ra yêu cầu với Thủ tướng Phạm Minh Chính, rằng, "hiện nay vẫn còn một số bà con kiều bào người Khmer gốc Việt gặp khó khăn về địa vị pháp lý do chưa được nhập quốc tịch. Một số trường hợp bị tác động của dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống…

Ngày 16/12/2015, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia Say Chhum. Khi ấy thông cáo báo chí cho biết, "Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng của Campuchia phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam để sớm giải quyết vấn đề địa vị pháp lý cho kiều dân Việt Nam tại Campuchia, tạo điều kiện để Việt kiều yên tâm, ổn định cuộc sống, đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển đất nước Campuchia cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước".

Sau đó 5 năm, tại lần hội đàm hồi hạ tuần tháng 11/2020, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã thỏa thuận, "kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trên tinh thần hữu nghị và hợp tác ; tăng cường hợp tác quốc phòng – an ninh, đảm bảo an ninh, trật tự khu vực biên giới…", trong đó có, "đề nghị Campuchia giải quyết ‘địa vị pháp lý’ cho người gốc Việt".

Ở cấp ngoại trưởng, tin tức cho biết đến thượng tuần tháng 6/2021, tại Trùng Khánh (Trung Quốc) nhân dịp tham dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc và Hội nghị Bộ trưởng hợp tác Mê Kông – Lan Thương lần thứ 6, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã đề nghị với người đồng cấp là Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Vương quốc Campuchia Prak Sokhonn, "các cơ quan chức năng của Campuchia trong quá trình triển khai chính sách, cần lưu ý có lộ trình hợp lý, bảo đảm quyền lợi và an sinh của người gốc Việt, tạo điều kiện cho những người bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống, duy trì hoặc chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp và tiếp cận đầy đủ các dịch vụ thiết yếu".

Kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ tiếp tục quan tâm giúp đỡ cho cộng đồng người Khmer gốc Việt về các mặt. Trong đó, cần sự hỗ trợ của Chính phủ hai nước để giải quyết cho bà con được nhập quốc tịch trong thời gian sớm nhất. Đồng thời có kế hoạch hỗ trợ bà con đang sinh sống ở khu vực các bờ sông và Biển Hồ di dời lên bờ sinh sống"…

Trong một bài ghi nhận của tác giả Tưởng Năng Tiến đăng trên Việt Nam Thời Báo ở ngay hôm Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ đại diện Kiều bào tại xứ Chùa Tháp, có đoạn viết theo thể trò chuyện với lời dẫn trực tiếp (trích) :

– Còn Hội Việt Kiều có giúp đỡ gì mình không sư ?

Tôi hỏi theo thói quen nghề nghiệp chớ cũng đã đoán trước được câu trả lời :

– "Không dám giúp đỡ" đâu. Họ không sách nhiễu là mừng muốn chết rồi. May nhờ mấy ông xã ấp người Miên họ thương và bênh vực dữ lắm lắm nên bây giờ mới được yên như vậy đó, chớ mấy năm trước hội cứ cho người tới kiếm chuyện rầy rà hoài hà !.

Có một thực tế khác liên quan đến "địa vị pháp lý", đó là nói như nhận xét của Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Sihanoukville – ông Vũ Ngọc Lý, "khó khăn lớn nhất là dòng chảy lao động bất hợp pháp từ Việt Nam sang Campuchia quá nhiều và số lượng trở thành nạn nhân quá lớn. Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Sihanoukville mỗi ngày nhận được hàng chục thông tin nhờ giải cứu từ nhiều nguồn khác nhau.

Gần đây, gần như lúc nào cũng có người gọi điện trình báo, cả ngày lẫn đêm. Tin nhắn, cuộc gọi đến liên tục nhưng anh em không ai dám tắt điện thoại. Tắt thì thương, lỡ có chuyện gì xảy ra thì đau lòng lắm…", ông Vũ Ngọc Lý cho biết như vậy.

Lao động người Việt khi sang đến Campuchia thường được yêu cầu ký hợp đồng bằng tiếng Khmer, tiếng Anh hoặc tiếng Trung Quốc, không có tiếng Việt. Đại đa số đặt bút ký mà không biết trong hợp đồng có điều khoản gì và lập tức trở thành nạn nhân của đường dây lừa đảo.

Theo phân tích của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), những cơ sở giữ người trái phép và cưỡng ép lao động phần lớn là đường dây lừa đảo chuyên nghiệp đội lốt kinh doanh trực tuyến hoặc casino. Những đường dây này tổ chức sòng bạc trực tuyến, chơi game ăn tiền, sàn giao dịch đầu tư "ma" và ép người lao động thực hiện nhiều chiêu lừa đảo trực tuyến, đánh vào mong muốn kiếm tiền dễ dàng của nạn nhân.

Đến khi được giao việc thực tế, các lao động này mới nhận ra công việc không đúng như hứa hẹn, mức lương không như kỳ vọng và phải chịu nhiều khoản phạt lớn mỗi khi vi phạm hợp đồng…

Trước thực tế như trên cho thấy "đòi hỏi" của Thủ tướng Phạm Minh Chính về "nâng cao địa vị pháp lý cho bà con người Việt ở Campuchia", là bài toán khó của "tiên trách kỷ, hậu trách nhân".

Hà Nguyên – Cát Tường

Nguồn : VNTB, 11/11/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hà Nguyên – Cát Tường
Read 230 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)