Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/11/2022

Thượng đỉnh G20 khai mạc tại Bali và những tiếp xúc bên lề

Lam Vũ, Phan Minh

Hội nghị G20 khai mạc tại Indonesia

Lam Vũ, Thanh Niên online, 15/11/2022

Hội nghị cấp cao thường niên của nhóm G20 (20 nền kinh tế phát triển và mới nổi) diễn ra trong hai ngày 15 - 16/11 tại Bali (Indonesia), giữa lúc kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều thách thức.

Đây là sự kiện quy tụ nhiều lãnh đạo các nước dự trực tiếp sau khi dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu vào đầu năm 2020. Với chủ đề "Recover Together, Recover Stronger" (Hồi phục cùng nhau, Hồi phục mạnh hơn), nước chủ nhà Indonesia đã vạch ra chương trình nghị sự tập trung vào các vấn đề như phục hồi kinh tế sau đại dịch, y tế toàn cầu và năng lượng bền vững, theo tờ The Guardian.

bali1

Hội nghị G20 diễn ra tại Bali (Indonesia) – Reuters

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới đều đang phải đương đầu những khó khăn, chứng kiến lạm phát không ngừng gia tăng và nguy cơ suy thoái ngày càng cận kề. Trong khi đó, xung đột ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu sớm kết thúc.

Giới quan sát dự báo rằng cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc có thể sẽ làm lu mờ triển vọng hợp tác về kinh tế tại hội nghị G20 năm nay. Indonesia đã tìm cách duy trì tính trung lập của diễn đàn G20, từ chối lời kêu gọi của Ukraine và các nước phương Tây về việc loại Nga khỏi hội nghị, đồng thời nhấn mạnh tiềm năng hợp tác về an ninh lương thực và năng lượng. Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết ông không muốn căng thẳng địa chính trị phủ bóng lên sự kiện mà theo ông "không phải là một diễn đàn chính trị". Một ngày trước hội nghị, ông kêu gọi Ủy ban Châu Âu và nhóm G7 thể hiện sự "ủng hộ và linh động" để hội nghị G20 có thể đưa ra tuyên bố chung, Reuters đưa tin.

Ngày 13/11, ông Widodo cũng đã ra mắt một quỹ phòng chống đại dịch của nhóm G20 nhằm cải thiện mức độ sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trong tương lai. Đến nay, quỹ đã huy động được khoảng 1,4 tỉ USD, bao gồm đóng góp từ Indonesia, Mỹ và EU, cũng như từ các nhà tài trợ và các tổ chức từ thiện như Quỹ Bill và Melinda Gates.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm qua cho biết các chủ đề sẽ được thảo luận tại hội nghị G20 bao gồm biến đổi khí hậu, kinh tế toàn cầu, an ninh và xung đột Nga - Ukraine. Ông không nghĩ hội nghị sẽ đạt được đột phá trong bất cứ vấn đề then chốt nào nhưng hy vọng các nước sẽ đi đến đồng thuận về đường hướng chung để tiếp tục tiến lên.

Lam Vũ

Nguồn : Thanh Niên online, 15/11/2022

***********************

Bên lề G20, Úc và Trung Quốc họp thượng đỉnh để cải thiện quan hệ song phương

Phan Minh, RFI, 15/11/2022

Lần đầu tiên sau hơn 5 năm, hôm 15/11/2022 bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Bali, Indonesia, thủ tướng Úc đã hội đàm với chủ tịch Trung Quốc nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai nước, mặc dù còn nhiều chủ đề gây tranh cãi.

bali2

Thủ tướng Úc Anthony Albanese (trái) gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, tại Bali, Indonesia, ngày 15/11/2022. AP - Mick Tsikas

Từ Sydney, thông tín viên Grégory Plesse cho biết thêm chi tiết :

Dưới thời cựu thủ tướng Úc Scott Morrison, các thành viên của chính phủ Trung Quốc thậm chí còn không trả lời các cuộc gọi từ những người đồng cấp ở Canberra. Nhưng hai bên đã nối lại tiếp xúc ngay lập tức sau khi Công Đảng lên nắm quyền vào tháng 5 vừa rồi.

Thủ tướng Albanese đã xác nhận khi đến Bali rằng ông sẽ nói chuyện với chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông cho biết : Chúng tôi tiến hành cuộc thảo luận này với thiện chí. Không có điều kiện tiên quyết nào cho cuộc trao đổi này và tôi hy vọng có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chủ đề gây căng thẳng. Trung Quốc đặc biệt chỉ trích Úc vì sự liên kết với Hoa Kỳ, và điều này vừa lại được bộ trưởng Quốc phòng Úc, trong chuyến thăm Washington gần đây, đã khẳng định rằng liên minh với Hoa Kỳ là yếu tố chính trong an ninh quốc gia và tầm nhìn của Úc về thế giới.

Và Úc không chấp nhận các biện pháp trừng phạt thương mại do Bắc Kinh, đối tác thương mại đầu tiên của họ, ban hành cách đây 2 năm, khiến Canberra mất hơn 12 tỷ euro doanh thu xuất khẩu.

Cuộc gặp thượng đỉnh này có thể cho phép dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nói trên. Trong mọi trường hợp, đây là điều mà một số người tin như vậy, khi vài ngày trước, thủ tướng Trung Quốc tuyên bố rằng Bắc Kinh sẵn sàng đi nửa chặng đường để nối lại liên lạc với Canberra.

Phan Minh

**********************

Bên lề G20, nguyên thủ Mỹ-Trung gặp nhau để duy trì kênh liên lạc, tránh dẫn đến xung đột

Phan Minh, RFI, 14/11/2022

Hôm 14/11/2022, tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, tại Bali, Indonesia. Đây là lần đầu tiên hai lãnh đạo gặp nhau trực tiếp kể từ khi Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ. Mục tiêu của cuộc gặp là làm giảm căng thẳng song phương nhưng không phải nhượng bộ quá nhiều.

bali3

Tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, tại Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022. AP - Alex Brandon

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :

Hai lãnh đạo nở nụ cười trong lúc bắt tay. Nhưng cuộc thảo luận được tổng thống Mỹ mô tả là thẳng thắn, bao gồm một loạt các chủ đề khác nhau. Theo ngôn ngữ ngoại giao, điều này có nghĩa là hai lãnh đạo hầu như không có cùng quan điểm trong nhiều chủ đề.

Nhà Trắng liệt kê các chủ đề đã được đề cập tới. Hành động chống biến đổi khí hậu, các vấn đề về thương mại và kinh tế, nhân quyền, đặc biệt liên quan đến người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và tất nhiên là các vấn đề an ninh chiến lược.

Hoa Kỳ khẳng định sẽ bảo vệ các đồng minh của mình ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Joe Biden giải thích rằng theo quan điểm của ông, Trung Quốc không có lợi khi để một nước như Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân chiến lược ngay sát sườn vì điều đó sẽ dẫn đến việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. Căng thẳng đang ở mức cao nhất về vấn đề Đài Loan. Joe Biden nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn tôn trọng chính sách một nước Trung Quốc, do vậy việc các thay đổi và căng thẳng ở Đài Loan bắt nguồn từ thái độ của Trung Quốc.

Một trong những mục tiêu của cuộc trao đổi này, cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai lãnh đạo kể từ khi Joe Biden làm tổng thống, là tránh để cho cạnh tranh dẫn đến tình trạng giống như xung đột và luôn duy trì các kênh liên lạc. Điều này đã được khởi động ở Bali và sẽ được tiếp tục với chuyến thăm Trung Quốc tới đây của ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lam Vũ, Phan Minh
Read 303 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)