Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/11/2022

Thượng đỉnh Mỹ - Trung : Hạ nhiệt căng thẳng nhưng được bao lâu ?

Minh Anh

Hình ảnh tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022 được cho là hình ảnh nổi bật nhất trong ngày. Đây là lần đầu tiên hai lãnh đạo Mỹ - Trung gặp nhau trực diện, kể từ khi Joe Biden đặt chân vào Nhà Trắng cách nay hai năm. Nhưng liệu cuộc gặp này có thể giúp hạ nhiệt những căng thẳng Mỹ - Trung và giảm thiểu rủi ro đối đầu quân sự giữa hai nước ?

hanhiet1

Tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên tại Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022. AP - Alex Brandon

Kết thúc hơn ba giờ đối thoại trực tiếp đầu tiên, hai nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí tạo một nền tảng mới cho mối quan hệ song phương, đồng thời giải quyết các mối quan tâm của hai nước và toàn cầu. Đôi bên cam kết hỗ trợ thành lập các nhóm làm việc chung với việc ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken sẽ có chuyến thăm Bắc Kinh vào đầu năm 2023.

Trước cuộc họp, Bắc Kinh và Washington từng tuyên bố không mong muốn để mối quan hệ giữa hai nước "nằm ngoài tầm kiểm soát". Michael Klare, phóng viên chuyên mục Quốc Phòng cho trang mạng The Nation, đồng thời cũng là giáo sư danh dự nghiên cứu về hòa bình và an ninh thế giới tại đại học Hampshire, trên kênh truyền hình DemocracyNow trước hết lưu ý, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung lần này diễn ra trong một bối cảnh, căng thẳng giữa hai nước đã ở mức tồi tệ nhất từ nhiều thập kỷ qua, một mức độ căng thẳng cao chưa từng thấy, đặc biệt trong hồ sơ Đài Loan.

Ông giải thích : "Từ khi bà Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan hồi tháng 8/2022, Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự xung quanh đảo Đài Loan. Cùng lúc đó, Hoa Kỳ cũng tăng cường các áp lực quân sự của chính mình chống lại Trung Quốc khi đúc kết các thỏa thuận quân sự với Úc và củng cố các mối liên minh quân sự với Hàn Quốc và Nhật Bản. Khi dừng chân ở Cam Bốt trên đường đi từ Charm el-Cheikh đến Bali, Biden đã gặp các lãnh đạo của hai nước này.

Rõ ràng có một sự gia tăng các căng thẳng quân sự tại Thái Bình Dương mà theo ý tôi, nếu họ cứ tiếp tục theo đà này, sớm hay muộn, điều đó có thể dẫn đến đối đầu quân sự. Vì vậy, những gì phải diễn ra tại cuộc họp này chính là hai nguyên thủ tìm ra một cách nào đó để hạ nhiệt căng thẳng và tìm ra các phương cách giảm thiểu nguy cơ đối đầu quân sự, bất kể là ở Đài Loan hay là tại vùng Biển Đông. Cả hai nguyên thủ đều nhấn mạnh đến việc nhất thiết phải xử lý cuộc khủng hoảng, tránh các cuộc xung đột. Đây thật sự là mục tiêu của cuộc họp lần này".

Đài Loan : "Lằn ranh đỏ" Trung Quốc vạch cho Mỹ

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sau cuộc họp tuyên bố cuộc gặp đã đạt được "các mục tiêu mong đợi là trao đổi sâu sắc, có ý định rõ ràng, vạch ra các "lằn ranh đỏ" ngăn ngừa xung đột, chỉ ra phương hướng và thảo luận hợp tác". Nhưng theo ghi nhận từ Ishaan Tharoor, một cây bút xã luận của tờ Washington Post, cuộc gặp thượng đỉnh Joe Biden và Tập Cận Bình đã không được kết thúc bằng một họp báo chung hay một tuyên bố chung, một sự tinh tế ngoại giao thường chỉ ra mức độ tin cậy và mục tiêu chung giữa đôi bên. Sự việc cho thấy giữa Washington và Bắc Kinh vẫn còn nhiều mâu thuẫn lớn.

Trong số này, hồ sơ Đài Loan là vấn đề cấp bách nhất trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung. Theo diễn giải từ phía Nhà Trắng, trong cuộc trao đổi riêng, tổng thống Biden đã nhấn mạnh với đồng nhiệm Tập Cận Bình về những hành động "ngày càng hung hăng" của Trung Quốc đối với hòn đảo "tự cai quản", khi cho rằng các hoạt động quân sự của Trung Quốc gần hòn đảo và các cuộc xâm nhập không phận Đài Loan đã tăng đáng kể.

Phía Trung Quốc, qua thông cáo của Bộ Ngoại giao, cho biết Tập Cận Bình không ngần ngại đáp lại rằng tương lai của Đài Loan "là điều cốt lõi trong số các lợi ích cơ bản của Trung Quốc" và là một "lằn ranh đỏ" mà Hoa Kỳ không nên vượt qua.

Chỉ có điều trong hồ sơ này, sự đồng thuận lưỡng đảng tại Mỹ ngày một lớn. Một số nhà lập pháp thậm chí đang xúc tiến việc bỏ phiếu thông qua dự thảo Đạo Luật Chính Sách Đài Loan (Taiwan Policy Act). Văn bản này sẽ cho phép chính phủ Mỹ có thể trang bị vũ khí và huấn luyện binh sĩ Đài Loan trước khả năng xảy ra một cuộc xâm chiếm quân sự của Trung Quốc, theo cùng một cách thức mà Mỹ đang hậu thuẫn cho Ukraine sau khi xe tăng Nga băng qua biên giới. Các nhà hoạch định quân sự Mỹ nghĩ rằng triển vọng một hành động quân sự Trung Quốc chống Đài Loan là cao trong những năm sắp tới.

Điểm đặc biệt đáng chú ý trong văn bản, theo như giải thích của nhà nghiên cứu về Đông Á, Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, trong một lần trả lời phỏng vấn ban Tiếng Việt đài RFI, Taiwan Policy Act có thể chỉ định Đài Loan như là "một đồng minh chính không thuộc khối NATO. Một thuật ngữ, khái niệm cho đến nay chỉ dành cho các đồng minh lớn của Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản hay như là Úc".

Tuy nhiên, theo quan điểm của Michael Klare, với ý định này, Hoa Kỳ dường như cũng đang góp phần làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Bởi vì, theo cách nhìn từ phía Trung Quốc, chính Mỹ là bên gây hấn, khi tìm cách đưa Đài Loan tham gia vào một liên minh quân sự cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và trong một chừng mực nào đó là Ấn Độ trong khuôn khổ chiến lược chuỗi đảo và các nước bao vây, nhằm chặn đà đi lên của Trung Quốc.

Trên kênh truyền hình Democracy Now, Michael Klare cảnh báo : "Nếu Hoa Kỳ nói rằng Đài Loan sẽ tham gia vào hệ thống liên minh của Mỹ như chính quyền Biden tuyên bố, điều này sẽ gây ra một cuộc xung đột, có nguy cơ dẫn đến một cuộc thế chiến thứ ba, tương tự cho cả việc Trung Quốc xâm chiếm đảo. Ở đây, chúng ta đang trong một tình huống nguy hiểm".

Nga và lập trường "mập mờ" của Trung Quốc

Mâu thuẫn lớn thứ hai là cuộc chiến Ukraine do Nga phát động. Hoa Kỳ ca tụng đồng thuận giữa Tập Cận Bình và Joe Biden, theo đó, tổng thống Nga không nên dọa dùng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột tại Ukraine. Nhưng lập trường này lại không được trình bày trong biên bản tóm tắt cuộc thảo luận của phía Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình chỉ tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng tại Ukraine chưa có được một "giải pháp đơn giản" và "cuộc đối đầu giữa các đại cường là nên được tránh".

Hơn nữa, thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ghi rằng nếu như Moskva và Kiev nhất thiết nên nối lại đàm phán, thì Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và NATO cũng nên mở đối thoại với Nga. Quan điểm này đã không xuất hiện trong tuyên bố từ Mỹ. Giáo sư Ian Chong, trường đại học Quốc Gia Singapore, trên tờ JapanTimes nhận định sự việc phản ảnh quan điểm của Bắc Kinh, xem Mỹ, EU và NATO là "những bên trực tiếp gây ra xung đột, chứ không phải là vấn đề Nga xâm lược Ukraine".

Về điểm này, Jean-François Di Meglio, chủ tịch Trung tâm Châu Á, chuyên gia kinh tế, giáo sư trường đại học Paris Dauphine, trên kênh truyền hình quốc tế Pháp France 24 đưa thêm một số nhận định về thái độ của Trung Quốc đối với Nga.

Jean-François Di Meglio : "Trên trường quốc tế, nhìn chung Trung Quốc hết sức cẩn trọng. Bắc Kinh không bao giờ gởi đi một thông điệp rõ ràng vì đủ lý do. Trước hết là bởi vì Trung Quốc không có đồng minh. Ngược lại, điều chắc chắn chính là Trung Quốc cũng không sử dụng cùng những lá bài liên kết "bị chia năm xẻ bảy" như phương Tây. Do vậy liên quan đến Nga, người ta không thể nói rằng Trung Quốc là đối thủ của Nga, hay Trung Quốc đã chọn phe khác với phe của Nga hay Trung chọn theo phe Nga. Điển hình là tại thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải năm nay, Tập Cận Bình đã cẩn trọng quyết định không đi thẳng đến Samarkand mà đã ghé thăm Kazakhstan trước, một vùng lãnh thổ trước đây khá quan trọng đối với Nga để bắn đi một thông điệp với ông Putin rằng Samarkand chí ít cũng quan trọng như là Kazakhstan".

Cuộc gặp Joe Biden – Tập Cận Bình : Nghỉ giải lao giữa hai hiệp đấu ?

Một bất đồng lớn khác cũng đáng chú ý là hồ sơ Bắc Triều Tiên. Chủ nhân Nhà Trắng hối thúc đồng nhiệm Trung Quốc, với tư cách là quốc gia bảo trợ chính, sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Bình Nhưỡng để ngăn chận  Bắc Triều Tiên trang bị vũ khí hạt nhân sau loạt bắn thử tên lửa kỷ lục. Mỹ và các đồng minh trong khu vực ngày càng lo ngại chế độ Kim Jong Un sẽ sớm thực hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 2017.

Tuy nhiên, thông cáo của Trung Quốc lại không đề cập đến Bắc Triều Tiên, cũng như mối quan tâm của Mỹ trong nhiều vấn đề khác như nhân quyền ở Tân Cương, Hồng Kông, Tây Tạng. Một ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh, ngoại trưởng Vương Nghịchỉ cho biết chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc lại lập trường của Bắc Kinh là Bình Nhưỡng "có lý" khi lo cho an ninh của chính mình.

Nhìn lại những phát biểu giữa hai phía Mỹ và Trung Quốc, chuyên gia về kinh tế, Jean-François Di Meglio, nhận định, cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên này giữa Joe Biden và Tập Cận Bình chỉ cho phép đôi bên tạm hạ nhiệt căng thẳng. Ông ví cuộc dàn xếp này như là quãng thời gian "nghỉ lấy sức" giữa hai hiệp đấu, trong bối cảnh cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đang chịu nhiều sức ép từ trong nước và bên ngoài.

Jean-François Di Meglio : "Trung Quốc của ông Tập Cận Bình, bất chấp vẻ bề ngoài thành công rực rỡ của Đại hội 20 Đảng cộng sản Trung Quốc,, vào lúc này đang bị dồn vào chân tường. Suy thoái kinh tế đúng là không hiện hữu ở Trung Quốc, nhưng khi tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 2,5%, hay 3%, rồi mối đe dọa dân số, tỷ lệ thất nghiệp cao, thì đúng là vào lúc này người ta không thể quá tập trung vào một cuộc đối đầu trực diện với đối tác muôn thuở. Họ cần nghỉ lấy sức, giống như là đợt nghỉ giải lao giữa hai hiệp đấu".

Ngược lại, về phía Hoa Kỳ, trước hệ quả do chiến tranh Ukraine mà Nga phát động gây ra, dẫn đến lạm phát tăng vọt, giá nhiên liệu tăng cao, gây khó khăn cho đời sống thường nhật và cho sản xuất, sức ép từ người dân trong nước và từ các nước đồng minh cũng như cộng đồng quốc tế mỗi lúc một lớn buộc chính quyền Biden phải chấp nhận lùi bước. Đối với Washington, kỳ "nghỉ dưỡng sức" này cũng là lúc để chuẩn bị cho một trận đấu khác lớn hơn mà cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đang nhắm đến, nhằm giành thế bá quyền làm chủ công nghệ bán dẫn, cho phép thống trị thế giới trong tương lai.

Minh Anh (Tổng hợp)

Nguồn : RFI, 17/11/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh
Read 328 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)