Thế nào là ‘đúng pháp luật’ trong rừng luật và quy định ?
Trân Văn, VOA, 22/11/2022
Tuần rồi, ông Trần Sỹ Thanh – Chủ tịch Hà Nội – khuấy động dư luận khi hối thúc thuộc cấp : "Mình chẳng dính dáng gì mình không sợ ! Mình trong veo thì sợ cái gì !" (1). Bởi công chúng đã bàn luận về chuyện mang tính từ "trong veo" dán cho "công bộc" (2) nên kẻ viết bài này xin phép bỏ qua "trong veo" để nêu vài thắc mắc về chuyện thượng cấp khuyến khích thuộc cấp cứ làm những chuyện họ thấy cần làm, đừng sợ dù không đúng qui định pháp luật !
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hà Nội sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Ông Thanh phát biểu như vừa dẫn khi khoác áo đại biểu quốc hội (Đại biểu quốc hội) đi gặp cử tri ở hai huyện Sóc Sơn và Mê Linh để báo cáo về Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa này (vừa kết thúc hôm 15/11/2022). Tại đó, sau khi nghe cử tri huyện Mê Linh than phiền về việc chính quyền huyện này chần chừ giao "đất dịch vụ" cho những gia đình từng bị thu hồi hơn 30% diện tích đất mà họ có trong giai đoạn từ 1997 – 2008, ông Thanh bảo các viên chức hữu trách ở huyện Mê Linh rằng họ phải "cố gắng", đừng "so đo mấy câu, mấy chữ suốt mấy chục năm" vì như thế là "không ổn". Do Mê Linh là một huyện thuộc Hà Nội nên ông Thanh phủ dụ cả lãnh đạo những sở, ngành có liên quan của Hà Nội là "nếu không có quyền lợi trong việc giao ‘đất dịch vụ’ thì phải quyết tâm làm, trả ‘đất dịch vụ’ cho dân". Ông Thanh nhấn mạnh, "thế hệ lãnh đạo đương nhiệm thuận lợi hơn "vì là thế hệ sau, không dính dáng gì cả" thành ra nên "dũng cảm mà làm". Nguôn gốc "Mình chẳng dính dáng gì mình không sợ ! Mình trong veo thì sợ cái gì !" là từ đó !
***
Có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có chuyện thượng cấp công khai khuyến khích thuộc cấp đừng để qui định "trói chân, trói tay", bất chấp "sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật" vẫn được khẳng định là nền tảng của "pháp chế xã hội chủ nghĩa". Nếu các viên chức hữu trách thật sự không cần "so đo mấy câu, mấy chữ" miễn là "không có quyền lợi" hoặc thuộc "thế hệ sau, không dính dáng gì cả" thì nên giải tán cả quốc hội – nơi ban hành các văn bản lập pháp, lẫn chính phủ và hệ thống chính quyền cấp thấp hơn – những nơi ban hành các văn bản lập quy ! Cần chú ý, trên thực tế, có nhiều "ông" không chỉ khuyến khích như ông Thanh mà còn "chỉ đạo" làm trái qui định. Hồi trung tuần tháng 9 năm nay, khi họp với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, trước tình trạng hoạt động của hệ thống y tế gần như tê liệt vì thiếu đủ thứ, ông Phạm Minh Chính đã lấy tư cách Thủ tướng ra lệnh :"Cương quyết, dứt khoát không vì thủ tục hành chính, vì vướng mắc quy định, vì thiếu trách nhiệm mà để thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế kéo dài" (3).
Dường như nhận thấy chừng đó chưa đủ để thiên hạ hoang mang, lúc ấy, ông Chính – người có học hàm Phó Giáo sư, học vị Tiến sĩ Luật – chú thích thêm : "Ai làm sai thì phải xử lý, kỷ luật nhưng không để vì xử lý, kỷ luật mà để ảnh hưởng tới việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân". Có động não tới nhũn não cũng không thể hiểu tường tận ý của ông Chính. Tại sao đã "cương quyết, dứt khoát" không để "thủ tục hành chính" và "quy định" cản trở khiến "thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế" khiếm hụt rồi trở thành "thiếu trách nhiệm", mà "làm sai thì phải xử lý, kỷ luật" ? Tại sao đã "làm sai thì phải xử lý, kỷ luật" mà còn đòi hỏi "không để vì xử lý, kỷ luật mà để ảnh hưởng tới việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân" ? Tại sao những người vừa góp mặt trong cơ quan ban hành văn bản lập pháp (Đại biểu quốc hội), vừa đứng đầu các cơ quan hành pháp (Thủ tướng, Chủ tịch thành phố) như ông Chính, ông Thanh lại đặt ra các quy phạm pháp luật gây "vướng mắc" nhưng thay vì bãi bỏ, sửa đổi lại khuyến khích thuộc cấp nên "dũng cảm" làm ngược lại ?
***
Văn minh nhân loại đã giúp ngạn ngữ pháp lý (legal maxim) "công dân được phép làm mọi thứ luật pháp không cấm" (everything which is not forbidden is allowed) phát triển thêm vế sau "công chức chỉ được làm những điều mà luật pháp cho phép" (for the individual citizen, everything which is not forbidden is allowed ; but for public bodies, and notably government, everything which is not allowed is forbidden) để ngăn chặn sự lạm quyền. Luật pháp của nhiều quốc gia được xây dựng trên nền tảng này(3). Tuy né tránh đề cập đến quan điểm vừa nêu nhưng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xiển dương "sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật". Dù hoạt động lập pháp, lập quy hết sức rầm rộ, tốn kém nhưng kết quả là quy định, thủ tục vừa tạo ra đủ thứ "kẽ hở, lỗ hổng" để kẻ gian khai thác, vừa tạo ra đủ loại "vướng mắc" và văn minh pháp lý đã tiến đến mức phần còn lại của nhân loại chưa thể theo kịp, đó là đủ loại thượng cấp khuyến khích đủ loại thuộc cấp hãy "dũng cảm", đừng "so đo mấy cấu, mấy chữ"...
Nếu vi diệu là không thể dùng tri thức cũng như ngôn ngữ thông thường để diễn giải thì những chỉ đạo kiểu như "cương quyết, dứt khoát không vì thủ tục hành chính, vì vướng mắc quy định..."rõ ràng là hết sức vi diệu. Sự vi diệu ấy chỉ có ở Việt Nam và sau nhiệu thập niên ra sức xây dựng "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa", ra sức xây dựng "xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", hành vi "xé rào" vẫn còn tương lai bởi hết sức cần thiết cho dù luôn bị trừng phạt trước và ca ngợi sau !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 22/11/2022
Chú thích
(1) https://vtc.vn/chu-tich-ha-noi-tran-sy-thanh-minh-trong-veo-thi-so-cai-gi-ar714223.html
(2) https://www.voatiengviet.com/a/lay-trong-dan-cho-cong-boc-la-dai-/6843176.html
(3) https://en.wikipedia.org/wiki/Everything_which_is_not_forbidden_is_allowed
*************************
Lấy ‘trong’ dán cho ‘công bộc’ là dại !
Trân Văn, VOA, 21/11/2022
Gần đây, tính từ "trong veo" trở thành trend trên mạng xã hội Việt ngữ. Người ta cố tình gắn "trong veo" vào đủ loại chủ đề để bỡn cợt sau khi ông Trần Sỹ Thanh (Chủ tịch Hà Nội) khuyến khích thuộc cấp dũng cảm giải quyết "đất dịch vụ" – một nan đề có tính lịch sử và các viên chức đương nhiệm né tránh, không dám đụng vào : "Mình chẳng dính dáng gì mình không sợ ! Mình trong veo thì sợ cái gì !" (1). Chẳng phải ông Thanh mà nhiều "công bộc" cũng không dè chỉ thế thôi mà thành chuyện.
Ông Trần Sỹ Thanh nhận quyết định làm phó Bí Thư Thành Ủy Hà Nội từ ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư, ngày 15/7/2022. Photo VnExpress.
***
Sau khi Do Duy Ngoc bình : Giờ kiếm nước trong còn khó, làm sao kiếm ra quan trong veo nhỉ ? Ông này nói như lên đồng. Cán bộ ta ai nói cũng hay như nhà văn viết chuyện viễn tưởng. Cũng với ý đó Đỗ Hữu Thẩm "ôn cố, tri tân" :Mấy ông trước đây cũng nói như vậy, giờ thì nằm trong nhà đá hết rồi, chắc ông này sắp vô...
Từ thực trạng mà ai cũng biết, cũng thấy, Van Khoan Nguyen - một thân hữu khác của Do Duy Ngoc – đúc kết :Tất cả những người đang ở trong lò hiện nay đều trong veo trước khi bị phát hiện. Có thể vì vậy nên Thuc Nguyen Nguyen than :Đầy dẫy tâm thần nặng chưa có thuốc chữa ! Cũng có những người không chỉ trích mà "bào chữa" cho ông Thanh, giải thích vì sao ông Thanh phát biểu, chẳng hạn như Ng Hoang :Không nói tụi nó tưởng mình câm ! Hoặc Tuan Nguyen :Nói còn đỡ. Có anh còn viết thành sách dày cui luôn, tự diễn biến tự chuyển hoá chi đó (trường hợp ông Trương Minh Tuấn, tác giả "Phòng, chống ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay", giờ đang thi hành bản án 14 năm tù vì nhận hối lộ)[2].
Cũng từ thực tế đã biết, đã thấy, Nhật Minh đề nghị :Xét theo tiêu chí chung, "trong veo" sẽ có ba cấp độ để xác định là Trong veo cao. Trong veo. Trong veo thấp. Huyên Tô nhất trí về việc phân chia "cấp độ" nhưng có sửa chữa, bổ sung :Đúng vậy ! Cần xây dựng cấp độ "trong veo". Có thểlà "Trong veo cao", "Trong veo veo" ; "Trong veo vừa vừa" và "Trong veo thấp" !Nguyễn Mạnh Hiệp không phản đối nhưng thắc mắc : Ai mà "Trong veo bốn lần" thì có được cấp "Chứng chỉ Trong suốt" không ? Nguyễn Công Liệt xuê xoa :Thôi kệ đi ! Ta cứ tin mức "trong veo cao đi. Ở Hà Nội, ai lên cũng nói hay lắm. Sau đó đều vô Hỏa Lò, công thức nó vậy rồi ! Tuy nhiên cũng có những người như Thành Nguyễn tâm sự :Đọc xong đềnghị, em nghĩ ngay đến sông Tô Lịch(3) !
***
Dường như ông Trần Sỹ Thanh đang "thi đua" với tiền nhiệm của mình (ông Chu Ngọc Anh, người đang bị tạm giam vì tham gia chống lưng cho Công ty Việt Á) về khả năng "ví von" khuấy động dư luận. Nếu ông Chu Ngọc Anh khiến công chúng ngỡ ngàng bởi "bung, toang" thì ông Trần Sỹ Thanh – nhân vật kế nhiệm tiếp tục làm thiên hạ lắc đầu về những "ting ting, leng keng" (tháng trước, tiếp xúc cử tri trong vai Đại biểu quốc hội, ông giải thích : Ai bị bắt đều có leng keng, ting ting cả)(4) và giờ tới "trong veo".
Đào Tuấn gọi mớ từ ngữ rổn rảng ấy là "bộ sưu tập của ông Thanh" kèm nhận xét :Đúng thế, giờ ông Thanh "trong veo" với những gì ở Thủ đô, sợ gì mà không làm.Như chuyện quy hoạch hai bên đường Lê Văn Lương, quy hoạch thủ đô kiểu "phá nát" đó, "trong veo" thì việc gì phải cố níu chuyện xây chung cư 45 tầng là "đúng quy hoạch".Hay chuyện cái loa phường, chuyện đá vĩnh cửu vỉa hè hay cái BRT thảm hại… "trong veo" thì việc gì cứ phải cố níu, lại còn bảo dân "đánh giá tốt" vì giúp giảm ùn tắc nữa.Hôm qua ông Thanh nhận chuyện Mê Linh là "lỗi của chúng ta". "Lỗi của chúng ta" cũng có nghĩa là chẳng của ai cả. Nhưng từ giờ tất tật, nếu "bung, toang", nếu không "trong veo" sẽ chẳng có "chúng ta" nào nhận lỗi thay ông đâu (5).
Giống như nhiều lần trước – dùng thơ thay cho việc đưa ra nhận định về các sự kiện, vấn đề thời sự, lần này, Bùi Chí Vinh cũng góp cho mạng xã hội bàiVịnh cái bọn "mình cứ trong veo thì sợ gì".Bài thơ có những câu như thế này :
...Những thằng ăn vụng nói to.
Đến khi thành củi, tò tò khóc than.
Miệng quan có thép có gang.
Ra Tòa đố dám phồng mang "bố mày".
Đứa ung thư, đứa dạ dày.
Đứa đang tỉnh rụi bỗng say tâm thần.
Ăn thì vét háng nhân dân.
Tù thì xin phép được chăm mẹ già.
Trong veo nhưng đục thấy bà.
Cái tâm hắc ám ai mà tin bay.
Đô trưởng ai cũng như ai.
Lúc còn chễm chệ trên ngai "sợ gì".
Loa phường mỗi sáng thị uy.
Khắp nơi trạm BOT tì tì thu ngân.
Trong tù, "Đô" cũ quét sân.
Ngoài tù, "Đô" mới hét ầm "trong veo"… (6)
***
Công cuộc phòng chống tham nhũng đã kéo dài ba thập niên, tuy gần đây số tham quan bị xử lý kỷ luật, bị tống giam, bị phạt tù tăng vọt và dẫu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ra sức khai thác các số liệu, các tình tiết liên quan đến xử lý tham nhũng, tham quan để chứng minh thiện chí "chỉnh đốn" là thật nhưng phản ứng của công chúng đối với việc ông Trần Sỹ Thanh cố ý hay vô tình dán "trong veo" vào "công bộc" chính là một trong những bằng chứng cho thấy công chúng có tin vào "chỉnh đốn" hay không !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 21/11/2022
Chú thích
(1) https://vtc.vn/chu-tich-ha-noi-tran-sy-thanh-minh-trong-veo-thi-so-cai-gi-ar714223.html
(4) https://thanhnien.vn/chu-tich-ha-noi-ai-bi-bat-deu-co-leng-keng-ting-ting-ca-post1505379.html
******************************
Trần Sỹ Thanh ngồi trên than hồng "chém gió", cẩn thận kẻo ngã vào lò !
Mai Hạnh, Thoibao.de, 19/11/2022
Theo Thông tư liên tịch 01/2005/TTLT-BNV-BTC quy định mức lương của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh như sau : Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có hệ số lương là từ 9,70 đến 10,30. Tương đương mức lương 14.453.000 – 15.347.000 đồng/tháng tức khoảng 600 đô la Mỹ nếu tính theo mức lương cao nhất. Tuy nhiên, khi bị bắt, người dân mới biết căn biệt thự của ông Chu Ngọc Anh có giá 100 tỷ tính ra bằng 555 năm lương của ông Chu Ngọc Anh nếu ông nhận lương mà không tiêu xài.
Hai cựu Chủ tịch Thành phố Hà Nội : Chu Ngọc Anh và Nguyễn Đức Chung đã vào lò
Trước khi Chu Ngọc Anh bị bắt, không ai có thể kết luận ông Cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội là người tham ô đục khoét tài sản nhà nước. Nghĩa là khi chưa bị lộ thì ông Chu Ngọc Anh được xem là trong sạch. Ở Việt Nam, quan chức chưa bị lộ được xem là trong sạch chứ không có quan chức nào thực sự trong sạch.
Nếu quan chức là chỉ sống bằng lương, họ chỉ có thể mua nhà ở vùng nông thôn xa xôi mà thôi. Không thể nào sở hữu những căn biệt phủ tại các đô thị lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh. Hầu hết các quan chức cấp Ủy viên Trung ương Đảng đều có nhà cao cửa rộng và nuôi con cái ăn học nước ngoài với chi phí hàng trăm ngàn đô la Mỹ mỗi năm.
Ông Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hiện nay cho con gái ăn học rất tốn kém tại Mỹ. Với mức lương hiện tại của ông, người ta tính ra ông phải làm 10 năm không ăn không uống mới có thể chu cấp cho con gái một năm học. Từ phép toán đó người dân tin chắc ông Vương Đình Huệ phải có nguồn tiền rất lớn ngoài lương. Mặc dù ông Vương Đình Huệ chưa dính vào tiêu cực nào có liên quan đến tiền bạc nhưng điều đó không có nghĩa là ông trong sạch thực sự.
Ông Trần Sỹ Thanh, tân Chủ tịch Thành phố Hà Nội
Ngày 16/11, ông Trần Sỹ Thanh – Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội tổ chức phiên tiếp xúc cử tri tại huyện Mê Linh để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ông Thanh nói rằng "Mình cứ trong veo thì sợ gì". Câu nói này bị nhiều người cho rằng, ông Trần Sỹ Thanh đang "chém gió".
Chém gió là từ dân gian mới xuất hiện khoảng thập kỷ gần đây, ngụ ý là người đấy nói khoác, nói lấy được để tô vẽ bản thân. Và thực tế, không có một quan chức nào "trong vắt" dưới chế độ này được. Bởi người ta so sánh mức lương và tài sản mà các ông quan này có được thì cũng biết, nó không phải là nguồn tiền kiếm được từ lương.
Những năm gần đây, bắt đầu từ ông Nguyễn Thế Thảo, ghế Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành Phố Hà Nội đã là chiếc ghế đầy sóng gió. Những sai phạm trong quy hoạch xây dựng thời ông Nguyễn Thế Thảo làm chủ tịch rất nghiêm trọng. Năm 2016, ông Nguyễn Thế Thảo đã hạ cánh an toàn, tuy nhiên, gần đây ông Nguyễn Thanh Nghị – Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã cho khui lại sai phạm này và phía thành phố Hà Nội đang phải chống đỡ.
Kế tiếp là ông Nguyễn Đức Chung, ngồi ghế Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội chưa được bao lâu thì dính đến vụ án Nhật Cường Mobile của Bùi Quang Huy và đã phải ngồi tù. Trước khi bị khui ra những sai phạm, không ai có thể khẳng định ông Nguyễn Đức Chung không trong sạch. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào sự bề thế của tư gia nhà ông Nguyễn Đức Chung thì người dân biết rằng, tiền đó không phải do tiền lương mà có.
Kế tiếp ông Nguyễn Đức Chung là ông Chu Ngọc Anh. Như đã đề cập bên trên, ông Chu Ngọc Anh cũng là người mua nhà không phải do tiền lương. Và hiện nay, khi vụ án Việt Á khui ra mọi ngóc ngách thì mới thấy bàn tay của ông quan họ Chu này nó bẩn như thế nào ?
Hiện nay ông Trần Sỹ Thanh đang ngồi ở ghế mà chính ông Nguyễn Đức Chung và ông Chu Ngọc Anh đã ngã nhào vào lò của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Giờ đây, ông Trần Sỹ Thanh tự tin chém gió, nếu không cẩn thận hậu quả của ông sẽ như hai người tiền nhiệm. Bởi không có quan chức nào trong sạch, chỉ có quan chức chưa bị lộ mà thôi.
Mai Hạnh (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 19/11/2022