Cơn nhức đầu của Tập Cận Bình
Ngô Nhân Dụng, VOA, 27/11/2022
Tình trạng này càng nghiêm trọng với những chính sách của Tập Cận Bình, muốn kiểm soát tất cả cuộc sống của 1,4 tỷ con người.
Sau hai năm theo chính sách "Zero Covid" khắc nghiêt của ông Tập Cận Bình, dân Trung Quốc đã thấy không thể chịu nổi, họ bắt đầu phản kháng vì cảm thấy vô vọng, bất mãn.
Không gì khích động lòng người bằng những trẻ em chết oan. Ở Lan Châu, tỉnh Cam Túc, một em trai ba tuổi qua đời vì không được đưa đi chữa trị, lý do là không ai muốn vi phạm lệnh chính phủ cấm di chuyển, để không cho Covid 19 lan tràn. Một bé gái 4 tuổi bị bịnh, người bố gọi nhưng bệnh viện không muốn đáp ứng cũng vì phải theo lệnh ngăn ngừa Covid. Phải năn nỉ mãi họ mới gửi xe cứu thương đến nhưng nhân viên cấp cứu từ chối vào nhà, cũng vì sợ vi phạm lệnh cấm Covid. Sau giằng co chờ lệnh 12 tiếng đồng hồ, cháu bé mới được đưa tới nhà thương, và tắt thở. Ông bố đã kể đầu đuôi câu truyện trên mạng xã hội Weibo (Vi Bác) khiến cả nước Trung Quốc xúc động. Hai em bé chết oan vì những lệnh cấm của nhà nước.
Sau hai năm theo chính sách "Zero Covid" khắc nghiêt của ông Tập Cận Bình, dân Trung Quốc đã thấy không thể chịu nổi, họ bắt đầu phản kháng vì cảm thấy vô vọng, bất mãn. Số người nhiễm bệnh vẫn tăng lên nhanh trong một tháng qua. Theo tin AP ngày 25/11/2022, số dân nhiễm bệnh lên tới 32.695 người trong cả nước ; tại Bắc Kinh có 1.860 trường hợp. Con số còn rất nhỏ so với nước Mỹ ; Bắc Kinh có 21 triệu dân, nhưng Đảng cộng sản vẫn quyết liệt giữ các biện pháp ngăn cấm.
Dân nhiều khu vực trong các thành phố bị cấm không được ra ngoài, phải thử test thường xuyên, người thấy nhiễm bệnh bị cách ly. Những trung tâm cách ly được thiết lập tại các phòng tập thể dục, các hội trường và phòng triển lãm, hoặc bất cứ khoảng trống nào có thể dùng ; phần lớn đều chật chội, thiếu các phương tiện hoặc điều kiện vệ sinh, đèn sáng suốt ngày đêm bất kể những người khó ngủ.
Tiếp tế thực phẩm khó khăn hơn trong khi dân nghe ngóng tin đồn. Ai cũng biết vùng thủ đô được chú ý tiếp tế đầy đủ nhất, vì đó là nơi các quan chức lớn cư ngụ và rất đông người ngoại quốc. Nhưng khi nghe tin đồn nơi mình sống có thể bị cấm cung, các bà nội trợ ở khu Đông Bắc Bắc Kinh chạy đua tới siêu thị mua thức ăn, tới các tiệm bách hóa mua đồ dùng cho tới khi các quầy, kệ trống rỗng. Có người sử dụng mạng vi tính để mua hàng, nhưng hệ thống bán hàng qua mạng xã hội đã được dùng tới mức tối đa ; bắt đầu thiếu nhân viên ; trong khi số người mua tăng gấp bội. Nhiều nhân viên giao hàng tới địa chỉ người nhận thì cổng khóa, hàng rào sắt quá cao, gọi không được.
Dân Trung Quốc phải tập sống dưới các lệnh cấm khắc nghiệt như vậy nhưng họ thấy kết quả cuối cùng là Covid vẫn tung hoành, có lúc lên cao hơn, không biết bao giờ mới ngưng. Chịu sống trong vòng kiểm soát của một đảng độc tài chuyên chế đã quen từ hơn 70 năm, nhưng chưa bao giờ người dân bị ảnh hưởng nặng nề như trong thời bệnh dịch này.
Chế độ cộng sản kiểm soát mọi nguồn dư luận, tất cả những lời than thở, các ý kiến bất bình dù chỉ nói bóng gió đều bị kiểm duyệt ngay sau khi đưa lên mạng. Khi nỗi uất ức căng lên quá độ không thể chịu đựng nổi người ta phải ra đường biểu tình phản kháng.
Hàng ngàn công nhân ở Hải Châu thuộc thành phố Quảng Châu đã xuống đường phản đối giá thực phẩm lên quá cao, mặc dù cả khu vực được lệnh đóng cửa, cấm lưu hành vì Covid. Đối đầu với công an mặc áo giáp và các nhân viên y tế mặc toàn đồ trắng, các công nhân đã phá những rào cản được dựng lên để cấm lưu thông do lệnh ngăn ngừa Covid, theo một video củaReuters. Theo báo New York Times ngày 24/11, vì nhiều bệnh viện quá chật chội, các trung tâm cách ly cũng hết chỗ, nhân viên y tế có người phải ngủ ngoài đường, hoặc ngủ trong các đường hầm, tại Hải Châu.
Hải Châu là một trong 11 khu đô thị, nằm ở phía Nam Nghĩa trang Hoàng Hoa Cương (nơi đặt ngôi mộ Phạm Hồng Thái), với 1,8 triệu dân và mật đô 20.000 người trên một cây số vuông có thể châm ngòi cho những cuộc biểu tình khác. Dân Trung Hoa bắt đầu đặt câu hỏi về những lệnh cấm của Đảng cộng sản, nhân danh bệnh Covid. Có cần cấm đoán gắt gao như vậy hay không ? Các lệnh cấm vì Covid cứu được bao nhiêu người và có thể làm bao nhiêu người thiệt mạng vì không được chữa trị ?
Khi dân trong lục địa coi truyền hình những trận đấu Giải Túc Cầu Thế Giới 2022 ở Qatar, họ sẽ có dịp so sánh. Trên màn ảnh sẽ thấy hàng ngàn người tụ tập, trong bao nhiêu quốc gia, khắp thế giới, hò hét, nhảy múa và cổ võ khi đội banh của nước họ ra sân. Đội bóng đá Trung Quốc yếu hơn cả Việt Nam, nhưng nếu họ được đi dự "World Cup" thì chắc người Trung Hoa cũng không được phép tụ tập cổ động cho đội nhà ! Trên các mạng xã hội đã xuất hiện những lời lẽ chế nhạo các lệnh cấm vì Covid, tỏ ý ganh tị với dân chúng các nước được tự do tụ họp vui chơi !
Chưa bao giờ thấy nhiều cuộc biểu tình đông đảo như hiện nay. Tại thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam ở giữa Trung Quốc, từ tháng Mười, số người nhiễm Covid đã tăng vọt. Theo tin AFP, hàng ngàn công nhân lo sợ, tự ý nghỉ việc để về làng quê gốc của họ để tránh bệnh. Nhưng trước khi đi, họ biểu tình đòi lương bổng.
Trịnh Châu là trung tâm sản xuất iPhone của hãng Apple ; khoảng 200.000 người lắp ráp điện thoại cho công ty Foxconn, do người Đài Loan làm chủ, đại đa số sống trong những cư xá chật chội nên càng lo nhiễm bệnh. Khi sốngười bỏ việc tiếp tục tăng lên, Foxconn đã phải tuyển người vào thay. Công nhân đã tố cáo Foxconn để cho các người thợ mới tuyển phải làm việc bên cạnh những người đã nhiễm bệnh, và phản đối công ty không trả lương đúng hẹn. Họ cũng lên án công ty đánh lừa họ, hứa hẹn trả lương phụ trội ¥3000 (đồng nguyên), dưới 500 đô la, nếu họ chịu làm việc ít nhất 30 ngày trong cơ xưởng, nhưng cuối cùng chỉ trả ¥30 nguyên.
Ngày Thứ Ba vừa qua hàng ngàn công nhân Foxconn đã đánh nhau với công an và các nhân viên y tế. Theo báoNew York Times, họ phá các rào cản, bẻ gẫy, dùng làm gậy ném vào đội ngũ chống biểu tình. Một người kêu gào : Chúng nó đánh ! Chúng nó đánh người ta ! Lương tâm của chúng nó để đâu ?" AFP đã thấy hình ảnh một công nhân mặt đầy máu chạy được ra ngoài. Một video chiếu cảnh hàng chục công nhân hô lớn : "Phải bảo vệ quyền lợi chúng ta !" trước mặt đám công an gầm gừ.
Cuối cùng, Foxconn đã chịu trả khoảng $1,400 đô la cho mỗi công nhân tự ý nghỉ việc. Nhưng hình ảnh cuộc đàn áp biểu tình ở Trịnh Châu khiến các công ty quốc tế phải xét lại việc tập trung công tác sản xuất vào một số khu đô thị ở Trung Quốc, như mô hình của Apple. Nhiều công ty đã tìm nước khác để di chuyển.
Kinh tế Trung Quốc thoái trào vì các lệnh cấm Covid khắc nghiệt, nhưng thực sự đã bắt đầu đi xuống trong mấy năm nay. Từ đầu năm 2021, theoThe Wall Street Journal, chỉ số thị trường MSCI do công ty Morgan Stanley lập ra, đã giảm mất một nửa ; tất cả những gì đạt được trong mười năm qua đã biến mất. Khả năng sinh lợi của các công ty ở Trung Quốc, tiêu biểu bằng "Lợi nhuận cho mỗi Cổ phần" (Earnings Per Share) đã đứng yên không tăng lên được từ năm 2010 đến nay. Trong cùng thời gian đó "Earnings Per Share"của các công ty ở Mỹ tăng 9% mỗi năm.
Các công ty tin học ở Trung Quốc, đặc biệt trong ngành chế tạo chip, đang bị chính phủ Mỹ cấm vận sẽ khó tiến nhanh. Các ngành sản xuất pin điện và xe hơi chạy điện ở Trung Quốc còn đang mạnh. Nhưng trong kinh tế cả thế giới đó là những công nghiệp rất "trẻ ;" sẽ còn nhiều phát minh, sáng kiến bất ngờ có thể đảo lộn cả thị trường trong tương lai. Chế độ độc tài Cộng sản không thuận lợi cho các sáng kiến được nẩy nở, các công ty Trung Quốc sẽ đi chậm hàng chục năm so với các nước khác. Tình trạng này càng nghiêm trọng với những chính sách của Tập Cận Bình, muốn kiểm soát tất cả cuộc sống của 1,4 tỷ con người.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 27/11/2022
*****************************
Trung Quốc : Biểu tình chống chính sách Covid lan rộng sang giới sinh viên
Minh Anh, RFI, 27/11/2022
Tại Trung Quốc, bất mãn với các biện pháp phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt tiếp tục lan rộng. Nhiều cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra trong đêm thứ Bảy sáng Chủ nhật 27/11/2022 sau một vụ hỏa hoạn tại một tòa nhà ở Urumqi, Tân Cương, làm 10 người chết và 9 người khác bị thương.
Công an bắt giữ người dân trong một cuộc biểu tình ở Thượng Hải ngày 27/11/2022, chống chính sách Covid, tại địa điểm thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân nhà cháy ở Urumqi via Reuters
AFP dẫn các nguồn tin truyền thông Trung Quốc cho biết, điều tra ban đầu cho thấy lửa bắt nguồn từ một căn hộ ở tầng 15 và đã lan rộng đến tầng 17 tại một tòa nhà dân cư, nằm trong vùng thuộc diện rủi ro Covid thấp, nghĩa là không bị phong tỏa. Tuy nhiên, theo một lời chứng với BBC, cư dân tòa nhà "chỉ được phép ra ngoài trong một khoảng thời gian ngắn ngủi trong ngày, và việc ra vào đều bị chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ".
Biểu tình đoàn kết với dân Urumqi
Các hình ảnh video trên mạng xã hội cho thấy xe cứu hỏa phải chờ công nhân dỡ bỏ các rào chắn bao bọc xung quanh tòa nhà khai thông lối vào hiện trường. Hôm qua, lần đầu tiên giới sinh viên Trung Quốc tại nhiều trường đại học bắt đầu phản đối chính sách an toàn dịch tễ "thái quá".
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephane Lagarde tường thuật :
"Nhân dân muôn năm, cầu cho người đã mất được yên nghỉ !", đây là khẩu hiệu của sinh viên Viện Thông tin và Truyền thông Nam Kinh. Ở Bắc Kinh, học sinh mắc những chiếc khẩu trang mầu xanh dương nhuốm mực đỏ trên các lan can cầu thang Học viện Điện ảnh. Còn tại đại học Nông nghiệp Cáp Nhĩ Tân, là những thông điệp dán trên kính cửa sổ với hàng chữ mầu đỏ : "Không tự do là chết ! Tưởng nhớ các nạn nhân ở Urumqi".
Chia buồn cũng diễn ra ở Tây An, hay như ở Vũ Hán, ở đó, sinh viên trường đại học Công nghệ ở thủ phủ Hà Bắc, đã sắp nến trên nền đất tạo thành các con số 11.24, để tưởng niệm thảm kịch hôm thứ Năm 24/11, khi ngọn lửa đã thiêu chết 10 người và làm 9 người khác bị thương.
Những hình ảnh và tiếng kêu la của nạn nhân đã lưu truyền trên các mạng xã hội Trung Quốc, đánh thức một giới trẻ quá mệt mỏi vì những đợt phong tỏa lặp đi lặp lại nhiều lần trong khuôn viên trường. Những cuộc tưởng niệm, phần lớn là thầm lặng, vì chính sách kiểm duyệt. Ở Nam Kinh, sinh viên đứng bất động như những bức tượng tay cầm những nhánh lá mầu trắng giống như những cuộc biểu tình tại Nga sau cuộc xâm lược Ukraina.
Nhành lá trắng cũng được vài chục người biểu tình giương cao ở Thượng Hải, trên các nẻo đường ở Urumqi. Ở đây, những người biểu tình bắt đầu hô vang các khẩu hiệu chống sự thái quá trong chính sách Zero-Covid và phản đối ban lãnh đạo Đảng. Giờ ai cũng trông chờ có một lời giải đáp từ chính quyền. Sáng nay, một cư dân mạng viết : "Có quá nhiều người để mà trừng phạt, tốt hơn hết quý vị nên nới lỏng áp lực dịch tễ""..
Minh Anh
Nguồn : RFI, 27/11/022
*****************************
Người biểu tình Trung Quốc công khai đòi ông Tập Cận Bình từ chức do cách chống Covid
BBC, 27/11/2022
Các cuộc biểu tình chống những lệnh hạn chế vì Covid tại Trung Quốc ngày càng căng thẳng và lan rộng sau một trận hỏa hoạn khiến 10 người thiệt mạng tại một khu căn hộ ở thành phố Urumqi.
Cảnh biểu tình tại Thượng Hải trong ngày phản đối thứ nhì, Chủ Nhật 27/11
Tại thành phố Thượng Hải, video trên mạng xã hội của các nhà báo nước ngoài cho thấy hàng ngàn người đã đổ ra đường để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn và phản đối chống các lệnh hạn chế vì Covid.
Giới sinh viên cũng biểu tình tại các trường đại học ở Bắc Kinh và Nam Kinh.
Nhiều người đã lên án việc phong tỏa tòa nhà chung cư là nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn ở Urumqi.
Tuy giới chức bác bỏ việc các hạn chế phong tỏa nhằm phòng chống Covid là nguyên nhân dẫn tới những cái chết, nhưng các quan chức Urumqi, khá là bất thường, đã ra lời xin lỗi vào cuối ngày hôm thứ Sáu, và cam kết sẽ "vãn hồi trật tự" bằng việc nới dần các lệnh cấm.
Cảnh biểu tình tại Thượng Hải
'Tập Cận Bình, hãy từ chức đi'
Tại cuộc biểu tình ở Thượng Hải, người ta nghe thấy những tiếng hô vang "Tập Cận Bình, hãy từ chức đi", và "Đảng cộng sản, hãy từ chức đi". Một số người cầm những tấm biển trắng. Một số người đốt nến, đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân.
Đây là một khung cảnh hiếm khi xảy ra tại Trung Quốc, vì chỉ trích trực tiếp chính phủ và chủ tịch nước có thể bị trừng phạt nặng nề.
Các nhà phân tích nói chính phủ có vẻ như đã quá coi nhẹ sự bất mãn dâng cao đối với 'Không Covid', chính sách đối phó với đại dịch của ông Tập Cận Bình, người gần đây cương quyết nói không thể đi chệch ra ngoài cách tiếp cận này.
Một số người biểu tình còn la hét nhằm vào cảnh sát, khi đó đang xếp hàng ngoài đường.
Một người biểu tình nói với hãng tin Associated Press (AP) là một trong số những người bạn của mình đã bị cảnh sát đánh tại hiện trường trong khi hai người khác thì bị xịt hơi cay. Video các phần khác của cuộc biểu tình cho thấy cảnh sát đứng nhìn người dân phản đối.
Mặc dù tình hình tại khu vực đã được ổn định trước buổi sáng ngày hôm nay Chủ nhật 27/11, thế nhưng BBC thấy cảnh sát vẫn tăng cường sự hiện diện trong các khu vực biểu tình, với hàng chục cảnh sát, cảnh vệ riêng, các cảnh sát mặc thường phục trên đường.
Ở nơi khác, tại một vài trường đại học của Trung Quốc, thì hình ảnh và video đã xuất hiện trên mạng ghi lại cảnh sinh viên biểu tình hôm tối ngày thứ Bảy 26/11. Cuộc tập hợp lớn nhất dường như tại Đại học Bưu chính Viễn thông Nam Kinh (Nanjing Communications University).
Rất khó để xác minh các video biểu tình, thế nhưng nhiều video cho thấy sự chỉ trích công khai và thẳng thắn bất thường về chính phủ và người đứng đầu.
Chỉ trích Tập Cận Bình là bất thường
Tessa Wong, Phóng viên số Châu Á
Trận hỏa hoạn tại Urumqi là một kịch bản ác mộng đối với nhiều người Trung Quốc đã phải chịu các lệnh hạn chế ngày càng lan rộng trong những tháng gần đây - bị nhốt trong căn hộ, không đường thoát, theo một số thông tin. Chính quyền đã bác bỏ điều này, tuy nhiên động thái này không giúp chấm dứt sự giận dữ của người dân và ngăn sự bất an lan rộng.
Điều này đã trở thành một điểm tới hạn khiến sự bất mãn dâng cao. Hàng triệu người mệt mỏi sau ba năm chịu các lệnh hạn chế đi lại vì Covid và xét nghiệm Covid hàng ngày. Sự tức giận cũng lan đến mọi ngóc ngách ở Trung Quốc, từ các thành phố lớn đến những vùng xa xôi như Tân Cương và Tây Tạng, tác động tiêu cực đến mọi thành phần của xã hội, từ các sinh viên đại học trẻ tuổi, công nhân nhà máy đến dân thường.
Khi sự giận dữ gia tăng, các cuộc biểu tình chống những biện pháp Covid ngày càng trở thành cảnh tượng thường thấy. Thế nhưng các cuộc biểu tình cuối tuần qua bất thường trong bình thường mới, cả về số liệu, và sự thẳng thắn chỉ trích chính phủ và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hàng trăm người đồng loạt đổ ra đường kêu gọi Chủ tịch Tập Cận Bình từ chức được cho là điều không thể tưởng tượng nổi chỉ không lâu trước đó. Nhưng sau một vụ biểu tình nghiêm trọng gần đây tại một cây cầu ở Bắc Kinh, khiến nhiều người ngỡ ngàng, thì một rào chắn dường như đã được xác lập trong việc được bày tỏ công khai hơn, và sự bất đồng sâu sắc hơn.
Một số người khác cũng đã chọn vẫy cờ của Trung Quốc và hát quốc ca - giai điệu ca ngợi lý tưởng cách mạng và kêu gọi người dân "đứng lên, đứng lên". Đây là một biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước, có thể diễn giải là một biểu hiện đoàn kết nhắm đến sự chịu đựng của người dân Trung Quốc từ chính sách 'Zero-Covid' của Tập Cận Bình và lời kêu gọi hành động.
Người dân ở Thượng Hải làm lễ tưởng niệm cho những nạn nhân vụ cháy tại thành phố Urumqi hôm 26/11
Những cuộc biểu tình mới nhất liên quan đến làn sóng biểu tình ngày càng gia tăng chống lại các biện pháp zero-Covid, ngày càng cho thấy sự chỉ trích mạnh mẽ hơn nhằm vào chính phủ và Chủ tịch Tập.
Chiến lược zero-Covid là chính sách mới nhất tại một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới, một phần vì tỷ lệ tiêm vaccine tương đối thấp tại Trung Quốc và nỗ lực bảo vệ người lớn tuổi.
Các đợt phong tỏa bất thình lình đã gây giận dữ trên khắp Trung Quốc - và các lệnh hạn chế vì Covid nhìn chung đã kích hoạt các cuộc biểu tình bạo lực hơn gần đây từ thành phố Trịnh Châu đến Quảng Châu.
Mặc cho các biện pháp nghiêm ngặt, số ca nhiễm Covid tại Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục chưa từng có kể từ khi đại dịch bùng phát.
Nguồn : BBC, 27/11/2022