Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/11/2022

Cuộc cách mạng màu âm thầm xuất hiện trên toàn lãnh thổ Trung Quốc

Trọng Nghĩa, Trọng Thành, Thùy Dương

Trung Quốc : Cách thức phong trào phản kháng vượt qua kiểm duyệt và trấn áp

Trọng Nghĩa, RFI, 29/11/2022

Trong những ngày cuối tuần qua, cư dân nhiều nơi tại Trung Quốc đã biểu tình phản đối chính sách zero Covid nghiêm ngặt. Phong trào phản kháng đặc biệt lan rộng sau một vụ hỏa hoạn chết người hôm 24/11/2022 tại Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương, nơi mà chính sách phong tỏa khắc nghiệt được áp dụng liên tục. Theo các quan sát viên phương Tây, dù không rầm rộ, nhưng làn sóng phản đối đang diễn ra thuộc loại nghiêm trọng nhất đối với chế độ Bắc Kinh kể từ phong trào Thiên An Môn năm 1989. 

tq1

Sinh viên giơ những tờ giấy trắng trong một cuộc biểu tình phản kháng tại Đại Học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 27/11/2022. AP

Theo ghi nhận của tạp chí Mỹ Foreign Policy ngày 28/11, tại Trung Quốc, các cuộc biểu tình không phải là không có, nhưng hiếm khi có quy mô toàn quốc vì một lý do duy nhất. Hầu hết các cuộc biểu tình ở Trung Quốc cho đến gần đây đều nhằm vào những mục tiêu cục bộ, giới hạn ở cấp địa phương, tránh thách thức chế độ về mặt ý thức hệ.

Các cuộc biểu tình công khai phản đối đảng Cộng Sản Trung Quốc thậm chí còn hiếm hơn, nhất là ở Bắc Kinh, nơi vụ một người trương biểu ngữ kêu gọi phế truất chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 10 vừa qua đã trở thành một tin tức quan trọng.

Thế nhưng trong những ngày cuối tháng 11 này, một số người biểu tình đã công khai kêu gọi Tập Cận Bình từ chức, với những tấm biển trống hay tờ giấy trắng được giương lên đã trở thành biểu tượng phản đối kiểm duyệt, trong lúc các đoạn video về các cuộc biểu tình được lan truyền trên mạng xã hội. 

Theo giới quan sát, trong một chế độ sẵn sàng đàn áp thẳng tay những người bất đồng chính kiến và áp dụng một chế độ kiểm duyệt nghiêm ngặt, những người phản kháng tại Trung Quốc đã sáng tạo ra vô số cách thức để bày tỏ nỗi bất bình, tố cáo chính sách zero Covid, và thể hiện sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình. 

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP ngày 28/11, một trong những hình thức được người biểu tình sử dụng phổ biến là phô trương những tờ giấy trắng, những tấm biển trống trong các cuộc tập hợp hay trên mạng. Bên cạnh đó, là hiện tượng chơi chữ nở rộ. 

Giấy A4 trắng : Biểu tượng chống kiểm duyệt

Tại nhiều thành phố, kể cả ở Bắc Kinh hôm 27/11 vừa qua, người ta thấy một số người biểu tình giơ cao những tờ giấy trắng khổ A4 để thể hiện sự đoàn kết và tỏ thái độ chống lại tình trạng thiếu tự do ngôn luận ở Trung Quốc. Trên mạng xã hội WeChat, nhiều người đã cho đăng những ô vuông màu trắng trên tài khoản của họ. Ai cũng ngầm hiểu là những tấm biển trống hay tờ giấy trắng biểu thị cho việc không ai được quyền viết gì trên đó. 

Trên internet cũng lan truyền nhiều bức ảnh cho thấy các sinh viên trường đại học Thanh Hoa (Tsinghua) hàng đầu tại Trung Quốc giơ cao các tấm biển trên ghi phương trình Friedmann - được chọn vì sự tương đồng giữa tên của nhà vật lý và cụm từ "freed man", nghĩa là "người được giải phóng", "người được tự do", hay từ "freedom", tức là "tự do". 

Và sau khi chính quyền cho chặn các từ khóa và địa danh rõ ràng hơn trên các công cụ tìm kiếm trên internet, nhiều bài đăng vô nghĩa đã xuất hiện trên ứng dụng WeChat và Vi Bác, bao gồm các ký tự mang nghĩa "tích cực" được lặp đi lặp lại, chẳng hạn như "đúng, đúng, đúng, đúng, đúng" hay "tốt, tốt, tốt". Ngay hôm sau, các bài đăng vô nghĩa đó, cũng như những bài đề cập đến tờ "giấy A4" đã bị xóa khỏi các trang xã hội, mặc dù các bài đăng tương tự vẫn tiếp tục lan truyền theo cách khác. 

Chơi chữ đòi hạ bệ Tập Cận Bình

Theo AFP, nhiều người dùng mạng xã hội cũng chuyển sang cách chơi chữ tinh vi để nói về các cuộc biểu tình, từ việc sử dụng các từ ngữ như "vỏ chuối", có cùng chữ cái đầu với tên của chủ tịch Tập Cận Bình trong tiếng Hoa kèm theo từ "Hà Đài (rêu tôm)", có cách phát âm tương tự như cụm từ "hạ đài" tức là "bước xuống". 

Một cách thức phổ biến thứ hai là mỉa mai, châm biếm, tách rời hình ảnh ra khỏi bối cảnh thực để biểu thị ý phản kháng. Các video clip về Tập Cận Bình cũng như các câu nói của chủ tịch nước Trung Quốc đã được trích dẫn nhưng với mục đích ủng hộ các cuộc biểu tình, trong đó có một video quay cảnh ông Tập nói : "Bây giờ người dân Trung Quốc có tổ chức và không nên để bị coi thường". 

Cư dân mạng cũng lan truyền các đoạn video chế (meme) về World Cup đang diễn ra ở Qatar, sử dụng hình ảnh của những người hâm mộ bóng đá không đeo khẩu trang để chế nhạo chính sách zero Covid tại Trung Quốc.

Trong một video được chia sẻ rộng rãi nhưng đã bị kiểm duyệt, một cư dân mạng xã hội đã chèn thêm âm thanh của một người hét to : "Hãy đeo khẩu trang vào !" và "Hãy làm xét nghiệm Covid" vào cảnh khán giả cổ vũ World Cup. 

Công khai ca ngợi tự do

Một số đám đông vào cuối tuần qua đã kêu gọi ông Tập từ chức một cách rõ ràng và hô vang những khẩu hiệu như "Xét nghiệm Covid thì không, tự do thì có", gợi đến một tấm biểu ngữ được một người phản kháng đơn độc tại Bắc Kinh treo lên ngay trước Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc hồi tháng 10. 

Và một video lan truyền đã nhanh chóng bị các nhà kiểm duyệt gỡ xuống cho thấy các sinh viên tại ký túc xá của trường đại học hát bài "Hải Khoát Thiên Không" (tiếng Anh là "Boundless Oceans, Vast Skies") của ban nhạc pop Quảng Đông Beyond -- một bài ca ngợi tự do từng được những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông sử dụng trước đại dịch. 

Những người khác thận trọng hơn, tổ chức những cuộc biểu tình có vẻ là im lặng và dâng hoa và nến để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ hỏa hoạn chết người ở Tân Cương tuần trước đã gây ra làn sóng giận dữ mới nhất. 

Tại rất nhiều nơi ở Trung Quốc, nhiều nhóm đã hát quốc ca và Quốc Tế Ca tại các cuộc tập hợp của họ, để khỏi bị chính quyền cáo buộc rằng các cuộc biểu tình là phản quốc hoặc do các thế lực nước ngoài xúi giục. 

Vượt tường lửa để phổ biến thông tin

Các mạng xã hội quốc tế như Twitter và Instagram bị Bức tường lửa của Trung Quốc ngăn chặn, nhưng những cư dân am hiểu công nghệ đã có thể công bố thông tin về các cuộc biểu tình bằng các loại phần mềm VPN đặc biệt. 

Để đưa thông điệp ra ngoài biên giới Trung Quốc, các tài khoản Twitter được điều hành ẩn danh đang mở hộp thư đến của họ để gửi video từ khắp nước, trong khi một số cuộc biểu tình phản đối được trực tiếp truyền đi qua mạng Instagram. 

Và nhiều du học sinh Trung Quốc cũng đã tổ chức các cuộc biểu tình tương tự trên khắp thế giới, bao gồm cả ở một số thành phố ở Bắc Mỹ và Châu Âu.

Trong một video trên Instagram được AFP chứng thực, một số người biểu tình đã dựng một biển hiệu mô phỏng con đường Urumqi của Thượng Hải trên một cột đèn bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở Toronto, Canada. 

Trọng Nghĩa

**********************

Trung Quốc siết chặt kiểm soát ở nhiều nơi để ngăn biểu tình chống "Zero Covid"

Trọng Thành, RFI, 29/11/2022

Hôm 29/11/2022, các lực lượng an ninh có mặt dày đặc tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc để ngăn chặn các cuộc biểu tình chống chính sách Zero Covid. Biểu tình dự kiến tại nhiều nơi ở Trung Quốc tối hôm 28/11 đã không diễn ra.

tq2

Sinh viên tham gia cuộc biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế Covid tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh chụp từ video phát hành ngày 27/11/2022 via Reuters

Theo hãng tin Pháp AFP, tại Thượng Hải, các nhóm an ninh túc trực sẵn tại mỗi cửa ra vào metro. Phố Urumqi, Thượng Hải, trung tâm của các cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật, bị kiểm soát chặt. Ít nhất 12 xe cảnh sát túc trực tại chỗ, theo ghi nhận của một phóng viên. Nhiều người biểu tình cho biết đã bị công an gọi đến để điều tra về việc tham gia vào các cuộc tuần hành những ngày vừa qua. Tình hình tương tự tại Bắc Kinh, công an được triển khai khắp nơi để sẵn sàng trấn áp bất cứ cuộc tập hợp nào. Riêng tại Hàng Châu, thành phố miền đông, cách Thượng Hải 170 km về phía nam, bất chấp sự hiện diện của công an, nhiều cuộc biểu tình nhỏ vẫn nổ ra.

Việc chính quyền Trung Quốc kiểm soát chặt thông tin khiến truyền thông quốc tế khó thẩm định được số lượng các cuộc biểu tình trên toàn Trung Quốc trong kỳ nghỉ vừa qua. Hãng tin Mỹ CNN hôm nay đưa ra con số 20 cuộc biểu tình lớn tại 15 thành phố, bao gồm Bắc Kinh và Thượng Hải. Theo tạp chí Times Higher Education, có trụ sở tại Luân Đôn, chuyên theo dõi giáo dục đại học toàn cầu, biểu tình, phản kháng đã diễn ra tại tổng cộng 79 đại học tại Trung Quốc.

Nhiều Đại học cho sinh viên về quê 

Theo hãng tin Mỹ AP, nhiều đại học đã quyết định mở cửa cho sinh viên về quê và phong tỏa trở lại, để tránh nguy cơ bùng lên các hoạt động phản kháng mới. Cách nay hơn 30 năm, các đại học tại Trung Quốc từng là nơi diễn ra nhiều cuộc vận động thúc đẩy cải cách dân chủ, với đỉnh điểm là cuộc phản kháng tại quảng trường Thiên An Môn 1989. 

Tại nhà ga phía nam Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde, cho biết tình hình sinh viên sáng nay :

Nhiều xe buýt lớn màu xám đậu tại ga phía nam Bắc Kinh sáng nay. Cả một đoàn dài vali kéo. Người sinh viên này của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh không lưỡng lự tranh thủ cơ hội này để rời khỏi trường, trước khi trường phong tỏa trở lại.

Anh nói : "Sáng nay, họ cho chúng tôi một giờ để ra đi trước khi phong tỏa. Nếu chúng tôi muốn đi thì phải trước 11 giờ. Tôi cho rằng chính quyền phải thay đổi chính sách này." 

Không phải tất cả các sinh viên lên tàu để về quê sáng nay đều đã tham gia biểu tình đòi thay đổi chính sách Zero Covid trong những ngày gần đây. Nhưng một nữ sinh viên Đại học Giao Thông (Jiao Tong) cho chúng tôi biết cô không muốn bỏ lỡ cơ hội này.

Cô nói : "Chúng tôi đã xét nghiệm Covid liên tục bốn ngày, bây giờ họ để chúng tôi đi. Tôi thật sự sung sướng được trở về nhà. Năm nay tôi đã chỉ có mặt tại trường trong ba tháng. Tôi cũng không biết có thể trở lại trường vào 6 tháng tới hay không. Vì vậy, tôi mang tất cả mọi thứ đi".

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1989, các khẩu hiệu phản kháng được giương lên tại các trường đại học, bao gồm Đại học Thanh Hoa (Tsing Hua) ở Bắc Kinh, đại học của giới tinh hoa của chế độ.

Người sinh viên môn toán này đến từ Đại học Thanh Hoa cho biết tâm trạng hết sức chán ngán của anh : "Yêu sách của những người phản đối là hợp lý. Các sinh viên đã phản ứng, và họ đã có câu trả lời. Giờ đây, đa số sinh viên muốn ra đi, nếu không người ta sẽ buộc chúng tôi phải đón Tết tại ký túc xá Đại học. Tất cả mọi người đều lo sợ cho tương lai. Có một tâm trạng hoảng hốt bao trùm".

Nỗi lo ngại cũng có thể thấy ở thượng đỉnh quyền lực : sáng hôm nay, an ninh mặc thường phục hiện diện đông đảo tại những nơi đã diễn ra các cuộc biểu tình cuối tuần qua.

Đẩy mạnh tiêm chủng với người trên 60 tuổi

Chính quyền Trung Quốc hôm nay quyết định tăng cường chích ngừa Covid-19 cho người cao tuổi. Cho đến nay, mới chỉ có 65,8% người ở độ tuổi trên 80 được tiêm chủng. Việc tiêm chủng chưa đủ mức, đặc biệt ở người cao tuổi, là một nguyên nhân chính mà chính quyền nêu ra để biện minh cho chính sách phong tỏa nghiêm ngặt từ gần 3 năm nay. AFP dẫn thông tin từ Ủy ban Y tế Quốc gia cho hay chính quyền sẽ đẩy mạnh tiêm chủng với cả hai nhóm tuổi, từ 80 trở lên, và từ 60 đến 79. Tiêm chủng đủ mức có thể cho phép Bắc Kinh chấm dứt chính sách Zero Covid.

Trọng Thành

*************************

Dân Hồng Kông tỏ tình liên đới với người biểu tình ở Trung Quốc lục địa

Thùy Dương, RFI, 29/11/2022

Hồng Kông hiện là nơi duy nhất thuộc Trung Quốc không còn áp dụng chính sách Zero Covid nghiêm ngặt. Phong trào biểu tình tại Trung Quốc trong những ngày gần đây phản đối chính sách Zero Covid đã khiến nhiều người Hồng Kông ngạc nhiên. Bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người từ sau phong trào đấu tranh dân chủ hồi mùa hè 2019, các cuộc tập hợp tại Hồng Kông vẫn diễn ra để bày tỏ tình đoàn kết với người biểu tình ở Trung Quốc lục địa.

tq3

Người biểu tình ở Hồng Kông giương tấm giấy trắng tỏ tình đoàn kết với các cuộc xuống đường phản đối chính sách zero Covid và các nạn nhân vụ hỏa hoạn ở Urumqui, Hồng Kông, ngày 28/11/2022 © Reuters/Tyrone Siu

Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy ngày 29/11/ 2022 cho biết :

Vài bó hoa trắng và vài ngọn nến đặt trên nền đất ở một lối đi dành cho người đi bộ tại khu phố trung tâm thương mại và một hàng người, tổng cộng khoảng 30 người, giương ra phía trước một tờ giấy trắng, thay cho biểu ngữ, cũng giống như ở Trung Quốc. Đó là một trong những cử chỉ rụt rè tỏ tình đoàn kết của Hồng Kông dành cho những người biểu tình ở Trung Quốc, sau cái chết của 6 người trong vụ hỏa hoạn ở Urumqi và sau khi có những người chết vì chính sách Zero Covid.

Các cuộc tập trung quy mô nhỏ cũng diễn ra tại một số trường đại học. Kể từ mùa hè nổ ra bạo động hồi năm 2019, không có cuộc biểu tình hay tụ tập nào được phép diễn ra ở Hồng Kông. "Các biện pháp phòng dịch" đã tạo thuận lợi cho việc cấm mọi hình thức tụ tập thành nhóm.

Vào tuần trước, một nhân viên chuyển phát nhanh, 42 tuổi, đã bị bắt vì tội phiến loạn, chiểu theo luật an ninh quốc gia, chỉ vì người này đã đăng lại một video cho thấy một sự cố tại một trận đấu bóng bầu dục ở Hàn Quốc, liên quan đến vụ ban tổ chức thay vì phát quốc ca Trung Quốc thì lại phát nhầm bài hát của những người gây bạo động ở Hồng Kông.

Hồng Kông hiện giờ vẫn đang bị trấn áp hoàn toàn và nhiều người cho rằng việc biểu tình ở Hồng Kông hiện nay còn khó hơn cả ở Trung Quốc đại lục.

Thùy Dương

**************************

Chống chính sách "Zero-Covid" : Liên Hiệp Quốc kêu gọi Trung Quốc tôn trọng quyền biểu tình ôn hòa

Trọng Thành, RFI, 29/11/2022

Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ, ngày 28/11/2022, đã yêu cầu chính quyền Trung Quốc tôn trọng quyền biểu tình ôn hòa của người dân. Phong trào phản đối chính sách Zero Covid của Trung Quốc cũng diễn ra tại nhiều thành phố ở nước ngoài.

tq4

Cảnh sát tập trung ngày 27/11/2022 tại nơi đã diễn ra cuộc biểu tình ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) phản đối chính sách Covid, sau vụ hỏa hoạn chết người ở Urumqi (Tân Cương). Reuters - STAFF

Theo AFP, phủ Cao Ủy Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, hôm qua, kêu gọi chính quyền Trung Quốc "không giam cầm tùy tiện" những người biểu tình phản đối các chính sách dịch tễ một cách ôn hòa. Người phát ngôn của phủ Cao Ủy Nhân Quyền, Jeremy Laurence, cũng kêu gọi Bắc Kinh đối xử với những người biểu tình "theo đúng luật pháp quốc tế về nhân quyền".

Cũng ngày hôm qua, trong một cuộc trả lời báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby khắng định "chính quyền Mỹ ủng hộ quyền biểu tình ôn hòa" tại Trung Quốc cũng như khắp nơi trên thế giới, và đồng thời cho biết tổng thống Joe Biden "theo sát" các diễn biến tại Trung Quốc. Ông John Kirby không bình luận về nội dung các yêu sách của người biểu tình Trung Quốc, nhưng khẳng định quyết tâm "duy trì các kênh đối thoại" với Bắc Kinh.

Trước đó, một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc rất khó duy trì chính sách "Zero Covid", trong khi đó, tiêm chủng, xét nghiệm và điều trị thì "hiệu quả hơn là các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt".

Phản kháng lan ra nước ngoài, Bắc Kinh không thừa nhận 

Phong trào phản kháng chống chính sách Zero Covid của Bắc Kinh lan ra nước ngoài. Theo Reuters hôm qua, 28/11, biểu tình diễn ra tại hơn một chục thành phố trên thế giới, đặc biệt tại Luân Đôn, Paris, Tokyo, Sydney. Các cuộc biểu tình thu hút hàng chục, thậm chí hàng trăm người. Tại Paris, cuộc biểu tình trước Trung tâm Pompidou hôm Chủ Nhật thu hút khoảng 200 người.

Tham gia biểu tình chủ yếu là sinh viên du học và giới ly khai. Theo Reuters, đây là các cuộc biểu tình hiếm hoi ở nước ngoài ủng hộ phong trào phản kháng trong nước. Trong khi đó, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm qua tuyên bố chính quyền Trung Quốc không ghi nhận bất cứ một cuộc biểu tình nào ở nước ngoài yêu cầu chấm dứt chính sách "Zero Covid".

Hiệp hội truyền thông quốc tế EBU lên án đàn áp phóng viên 

Liên minh Châu Âu về Truyền thanh và Truyền hình (tên tiếng Anh là European Broadcasting Union, EBU / UER), liên minh các phương tiện truyền thông dịch vụ công lớn nhất thế giới, có trụ sở tại Thụy Sĩ, hôm qua đã lên án các vụ đàn áp nhắm vào các phóng viên đưa tin bài về biểu tình chống chính sách y tế tại Trung Quốc.

Liên minh Châu Âu về Truyền thanh và Truyền hình EBU tập hợp 112 tổ chức thành viên thuộc 56 quốc gia Châu Âu, Bắc Phi và Cận Đông, và có thành viên liên kết tại 19 quốc gia thuộc nhiều khu vực khác trên thế giới, trong đó có Trung Quốc và Hồng Kông.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, Trọng Thành, Thùy Dương
Read 728 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)