Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/11/2022

25 năm sau, nhìn lại biến cố Thái Bình 1997

Nguyễn Phương

Thái Bình 1997, khi "lớp lớp nông dân vùng lên như bão nổi, như sóng cồn"

Nguyễn Phương, RFA, 30/11/2022

Sẽ đưa em về thăm quê hương anh nơi Tiền Hải

Nghe sóng biển Đồng Châu vui mê mải hát bốn mùa

Nghe tiếng trống năm 30 còn lay động đến bây giờ

Tiếng thiêng trống đó chính là lời Đảng gọi

Lớp lớp nông dân đã vùng lên như bão nổi, như sóng cồn

Phá hết gông xiềng để giành lại những áo cơm

thaibinh07

Nông dân thu hoạch lúa ở Thái Bình hôm 30/9/2011 (hình minh họa) -AFP

Trên báo Quân đội nhân dân, tác giả Trần Thái Phương tự hào nhắc lại lời bài hát do nhạc sĩ Thái Cơ sáng tác. Ca khúc này một thời chiếm sóng đài phát thanh và là bài hát trên cửa miệng của nhiều người do giai điệu vừa trữ tình, vừa hào hùng của nó.

Ông Trần Thái Phương nhận xét "Bài hát đi cùng năm tháng của nhạc sĩ Thái Cơ, cho đến ngày nay, không người con quê hương Thái Bình nào không biết đến, dù họ đang ở quê hay xa xứ tới mọi miền đất nước và nước ngoài".

Quả là bài hát đi cùng năm tháng, và cái tên Tiền Hải, Thái Bình từ ca khúc đó đi vào trong trí nhớ của rất nhiều người đúng như nhận xét của tác giả. Nhưng không ai ngờ chỉ 67 năm sau hồi trống hào hùng lật đổ chính quyền vào những năm 30 của thế kỷ 20, thì đến năm 1997, nông dân Thái Bình phải tiếp tục "lớp lớp vùng lên như bão nổi như sóng cồn", để kêu gọi sửa chữa những gì họ đã tham gia dựng lên trước đó.

Chính từ sự kiện này đã thúc đẩy Bộ Chính trị ban hành khẩn cấp Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, mà Luật thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở vừa được Quốc hội thông qua vào tuần trước là sự cụ thể hóa. Tuy thế, luật này khó có thể có hiệu quả toàn vẹn và thực sự trong bối cảnh chính trị, pháp luật và xã hội Việt Nam hiện tại.

Và vì vậy, bài học Thái Bình chưa cũ.

Cường hào mới

"Khi đó, tại một số địa phương trong tỉnh, đã hình thành một lớp cường hào mới. Motyp của cán bộ xã thời đó là chiều chiều, từng đoàn xe máy lũ lượt kéo nhau lên thị xã hoặc các trung tâm lớn để ăn tiêu, đập phá.

Cách để "nhận diện" họ khá dễ bởi mùa đông thì áo lông, quần ka ki, đầu đội "nồi cơm điện", đi dép lê loẹt quẹt. Mùa hè, trang phục thay đổi đôi chút, áo lông được thay bằng áo bay.

Họ ăn uống xô bồ, bặm trợn và nói năng thường là rất thô lỗ…"- Báo Dân Trí mô tả.

Lớp cường hào mới này là nguyên nhân trực tiếp gây ra một sự kiện long trời lở đất tại Thái Bình năm 1997. Đó cũng là lần đầu tiên một cuộc đấu tranh đông người, có tổ chức chặt chẽ, có ôn hòa kỳ lạ xen lẫn nhiều hành động quá khích cực đoan và diễn ra rộng khắp gần như chiếm trọn vẹn toàn bộ tỉnh Thái Bình được ghi lại trong một ấn phẩm chính thức của UBND-Hội đồng nhân dân tỉnh. Cuốn sách có tên là Từ điển Thái Bình.

Trong cuốn sách này, sự kiện Thái Bình được gọi chung là "tình hình mất ổn định chính trị-xã hội". Cách gọi này gần như hoàn toàn trái ngược với cách gọi của những vị lãnh đao cao cấp nhất bấy giờ như cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng, Tổng bí thư Đỗ Mười, Ủy viên Thường vụ-Thường trực Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt, Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương Nguyễn Hữu Thọ, lẫn những người được chính quyền cử làm nhiệm vụ quan sát và báo cáo nguyên nhân như Viện trưởng Viện Xã hội học, Giáo sư Tương Lai.

Ông Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương kể lại : "Khi nghe báo cáo về cuộc khảo sát Xã hội học về sự kiện Thái Bình, do người viết báo cáo trình bày, đồng chí Phạm Văn Đồng (thời điểm đó ông Đồng là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng-NV) đã không đồng tình khi người báo cáo trình bày rằng : "Ở đây không có chuyện địch ta, mà chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân". Ông (Phạm Văn Đồng) yêu cầu chỉnh lại : "Đây là mâu thuẫn giữa một bên là những người cầm quyền hư hỏng, thoái hóa biến chất đè nén, áp bức để dân không còn chịu được nữa, và bên kia là người dân phải vùng dậy đấu tranh. Có phân tích như vậy mới tìm ra được giải pháp đúng" !

Điểm cháy phát xuất từ xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ. Từ điển Thái Bình viết : "Trong 2 tháng cuối 1996, hàng trăm người ở xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ nhiều lần lên xã, huyện, tỉnh khiếu tố về việc UBND huyện Quỳnh Phụ không thực hiện quỹ đất 5% là trái với chủ trương của tỉnh ; các khoản dân phải đóng góp quá lớn ; cán bộ xã có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Dân yêu cầu cấp trên thanh tra, xử lý cán bộ sai phạm".

Cuộc biểu tình bằng xe đạp đi hàng đôi, không xả ra đường lấy một cọng rác

19g30 ngày 26/12/1996, Chi nhánh điện Quỳnh Phụ ngừng cấp điện cho xã vì UBND xã còn nợ chi nhánh 3,8 triệu đồng. Do bị cắt điện, hàng nghìn người dân trong xã kéo đến nhà Chủ tịch UBND xã thắc mắc. Một số người đập phá tài sản trong nhà chủ tịch, gây thiệt hại khoảng ba triệu đồng.

Ngày 14/1/1997, từ tố cáo của người dân, Công an đã khởi tố điều tra vụ án tham ô, cố ý làm trái gây thiệt hại tài sản xã hội chủ nghĩa xảy ra xã Quỳnh Hội. Toàn bộ ba chức sắc cao nhất của Hợp tác xã Nông nghiệp đều bị khởi tố, bao gồm Đặng Đình Thảo (Bí thư Đảng ủy xã, nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã), Nguyễn Quốc Dũng (kế toán trưởng), Vũ Thị Tám (thủ quỹ Hợp tác xã nông nghiệp).

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi ba cường hào mới của xã Quỳnh Hội bị khởi tố, thì đến ngày 11/5/1997, trong huyện Quỳnh Phụ lại nổ ra cuộc đấu tranh có tổ chức bài bản và quy mô lớn hơn nhiều, cũng vẫn với những nguyên nhân đó.

Nhiều nguồn thông tin bấy giờ cho biết theo ước đoán, có khoảng 2.000 nông dân Quỳnh Phụ thuộc trên dưới 36/38 xã của huyện Quỳnh Phụ đã tham gia vào cuộc biểu tình này. Trình độ tổ chức chặt chẽ của cuộc biểu tình và ý thức tuân thủ tổ chức của đám đông lớn lao khiến những người chứng kiến khâm phục. Người ta kể lại rằng họ diễu hành hàng đôi từ huyện lên tỉnh bằng xe đạp, để tránh những trục trặc và ách tắc giao thông do họ gây ra hoặc do hoàn cảnh đưa lại. Cứ khoảng từ 30 đến 50 người lại có một người sửa xe đạp để nhỡ trên đường có xe hư hỏng là sửa ngay và tiếp tục cuộc đi. Ðến trụ sở Ủy ban tỉnh, người dân ngồi thành hàng trên vỉa hè, tuyệt đối không bẻ cây, vứt rác, làm mất trật tự, trị an nơi họ có mặt. Trong hai ngày một đêm, 2.000 nông dân kiên nhẫn chịu đựng sự căng thẳng, mệt mỏi chỉ để đưa được lá đơn khiếu nại tới tay ông Chủ tịch tỉnh. Chỉ riêng sự kiện này đã gây ảnh hưởng lớn trong toàn tỉnh.

Ở những cuộc biểu tình này tuyệt nhiên không có xung đột, đụng độ nào cho dù có sự hiện diện của cảnh sát dã chiến (chỉ có xung đột ở huyện, xã).

Song song với cuộc biểu tình ngồi trước trụ sở UBND tỉnh thì ở trước trụ sở UBND huyện Quỳnh Phụ, cuộc tập trung của nhân dân nhiều xã trong huyện cứ đông dần lên vì người các nơi ùn ùn kéo đến, có người ước lượng là có đến 10.000 người.

Nguyên nhân vẫn là vì người dân đã không còn chịu nổi trước cảnh bị tận thu với tổng cộng khoảng 30 khoản thu các loại từ xã đến tỉnh. Số thóc phải nộp cho các khoản này gần như ngốn hết hoa lợi từ đồng lúa-nguồn sống chính của gần như toàn bộ nông dân tỉnh Thái Bình. Nếu trong nhà có người bệnh thì chi phí thuốc men gần như chiếm hết khoản thu nhập còn lại dùng cho sinh hoạt. Trong khi đó, các quan xã lại giàu lên nhanh chóng, thậm chí sống xa hoa - ngay trước mắt những người dân cùng làng, với nhiều biểu hiện kệch cỡm và coi thường người dân.

Xin các lãnh đạo cho biết bí quyết làm giàu

Trong các cuộc họp dân, rất châm biếm, người dân đã xoay quanh câu hỏi làm thế nào để họ cũng được giàu lên nhanh chóng như những vị cán bộ xã.

Giáo sư Tương Lai, Viện trưởng Viện Xã hội học bấy giờ, tác giả của những nhận xét trên, viết trong Báo cáo về vụ nổi dậy ở Thái Bình : "Khi đám đông đã đến quy mô như vậy, chỉ cần một hành động quá khích là có thể dẫn đến những bùng nổ không sao kiềm chế được".

Đỉnh điểm của vụ nổi dậy diễn ra vào các ngày 10/5/1997, 8/6/1997, đêm 10/5 đến rạng sáng ngày 11/5, chiều 16/6/1997, đêm 26 rạng ngày 27/6/1997, chiều 13/11/1997.

Nguyễn Phương

Nguồn : RFA, 30/11/2022

Tham khảo :

https://nghiencuulichsu.com/2017/04/18/bao-cao-ve-vu-noi-day-o-thai-binh-1997/

https://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/giai-quyet-va-phong-ngua-diem-nong-trong-tinh-hinh-hien-nay.html
https://thaibinh.gov.vn/upload/80571/fck/files/7137dc34b0bd1fb97b321a2908ba36fb.pdf

https://vtc.vn/ong-pham-the-duyet-tung-50-lan-lien-tuc-di-ve-diem-nong-thai-binh-ar317566.html

https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/lanh-dao-dang-nha-nuoc/thu-tuong-chinh-phu/dong-chi-pham-van-dong-57

******************************

25 năm sau sự biến Thái Bình 1997 : Từ ngọn lửa thành đàn mối

Có lẽ không phải tình cờ khi chỉ 20 năm sau sự kiện nông dân Thái Bình nổi dậy chống lại ách "sưu cao thuế nặng", thì vào năm 2007, nguyên nhân của sự biến đó đã lặp lại gần y hệt, trên diện rộng hơn rất nhiều.

thaibinh01

Một người bán hàng ngồi tại cửa hàng của minh nơi có treo các lá cờ giữa đống hàng hóa ở Thái Bình năm 1998. AFP

Năm 2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tiến hành điều tra ở 135 xã và 117 hợp tác xã (Hợp tác xã) nông nghiệp của 46 tỉnh, thành. Họ phát hiện một điều cực kỳ mới, mới y như Châu Mỹ vậy : ngoài các khoản phí, lệ phí theo quy định của Nhà nước, nông dân còn phải nộp 30-50 khoản phí khác không nằm trong danh mục, chủ yếu do chính quyền địa phương đặt ra.

25 năm sau, số khoản phí nông dân phải đóng từ 31 khoản tăng lên 50 khoản

Năm 1997, tại chảo lửa Thái Bình, số khoản thu "chỉ" là 31 khoản. Một gia đình năm người cấy 7,5 sào ruộng thu được 3,6 triệu đồng/năm. Tính ra họ chỉ có thu nhập 1.970 đ/ngày từ cây lúa.

20 năm sau, vẫn ngay tại Thái Bình, theo tính toán của chính người nông dân Thái Bình, tình hình còn tệ hơn : họ chỉ có thu nhập chưa đầy 1.500 đ/ngày từ cây lúa !

Ông Nguyễn Văn Trãi ở làng Vị Thủy, xã Thái Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình tính toán kỹ lưỡng cho một sào (Bắc Bộ) lúa như sau : phân đạm, thuốc trừ sâu, diệt cỏ hết 100.000đ, thuê máy cày bừa 50.000đ, giống 20.000đ, tuốt lúa 10.000đ. Tổng cộng chi phí để được thu hoạch một sào lúa mất 180.000 đồng. Một sào năng suất trung bình được 1,5 tạ thóc, tính theo giá thị trường thì trị giá 375.000đ. Trừ chi phí còn lại 195.000đ. Tiếp tục nộp cho Hợp tác xã 40.000đ, còn lại 155.000đ. Mỗi khẩu có 1,7 sào lúa, thì lãi được 260.000đ. Mỗi năm có hai vụ lúa, như vậy, mỗi khẩu trồng lúa tính thu được 520.000đ.

Với con số này, chia ra cho 356 ngày, ra được thu nhập chưa đầy 1.500đ/ngày như trên. Đấy là chưa kể sâu bệnh, hạn hán hoặc thiên tai dẫn đến mất mùa.

Anh Phạm Văn Bần ở huyện Thái Thụy tính, mỗi sào lúa (sào Bắc Bộ bằng … m2), anh phải nộp riêng cho Hợp tác xã 16 kg thóc. Nhà nào cấy một mẫu-vỏn vẹn đã phải nộp đi 1,6 tạ thóc. 

Thế nhưng "đấy vẫn chưa phải là cao", vì chỉ tính riêng phí thủy lợi, nông dân ở xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà đã phải đóng cho Hợp tác xã tới 21,37 kg thóc/sào. Tổng cộng có mười mấy khoản thu khác nữa, nông dân xã này phải đóng vài chục kg thóc/sào. Gấp khoảng vài lần ở Thái Thụy.

Vẫn theo kết quả điều tra của Bộ Nông nghiệp, các khoản bắt buộc theo quy định của nhà nước trung ương và địa phương (tỉnh, huyện) như các Quỹ an ninh quốc phòng, Đền ơn đáp nghĩa, Chăm sóc trẻ em, Phòng chống thiên tai, Giao thông nông thôn, … Ngoài ra còn có các khoản phí khác :

- Dịch vụ bảo vệ thực vật.

- Thú y.

- Phát triển sản xuất.

- Thủy lợi nội đồng.

- Bảo vệ đồng điền.

- Chuyển giao khoa học kỹ thuật.

- Diệt chuột.

- Điều hành phòng chống bão lụt.

- Nạo vét kênh mương.

- Công điều hành của trưởng thôn.

- Sửa chữa trạm bơm, cống đập.

- Đại hội xã viên.

- Kiểm kê.

- Quản lý hợp tác xã.

- Tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa.

- Tổ chức lễ hội.

- Xây dựng nhà trường.

- Liên hoan nông dân tập thể.

- Liên hoan ngày thiếu nhi.

- Liên hoan ngày Quốc khánh.

- Liên hoan ngày Phụ nữ.

- Liên hoan Trung thu

Các quỹ gồm :

- Quỹ Khuyến học.

- Xóa nhà tranh tre.

- Ngói hóa.

- Chữ thập đỏ.

- Hỗ trợ người dân bị thiên tai.

- Xóa đói giảm nghèo.

- Xóa nhà tạm.

- Y tế giáo dục.

- Vệ sinh môi trường.

- Ủng hộ nạn nhân chất độc da cam.

- Xây dựng nhà văn hóa thôn xóm.

- Xây dựng nghĩa trang.

- Xây dựng cống rãnh thoát nước vệ sinh.

- Công điền.

- Quỹ người nghèo.

-Quỹ thăm thầy cô giáo.

- Quỹ hội phụ huynh học sinh.

- v.v.

Chuyện lạm thu không riêng nơi nào. Ở huyện Phú Tân, huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang, người dân nói mỗi năm họ phải đóng ít nhất hai triệu đồng cho tất cả các loại phí ở địa phương.

Các phí và quỹ này thường do xã, thậm chí có nơi là thôn-quy định, người dân chỉ biết chấp hành. Về nguyên tắc là tự nguyện, nhưng thực tế thì nó được thực hiện theo chỉ tiêu, gần như bắt buộc dân đóng góp. Chính quyền xã, thôn còn có luật bất thành văn là nếu gia đình nào không nộp đủ tất cả các khoản thuế thì bị từ chối ký giấy tờ.

Người dân sống ở nông thôn có rất nhiều thứ giấy tờ làm ở xã như khai sinh, khai tử, xác nhận độc thân để đăng ký kết hôn, xác nhận có hộ khẩu tại địa phương (cho những người đi học hay đi làm ăn xa)… Xã không ký thì không hoàn tất được hồ sơ, không được đi học, đi làm, đi xuất khẩu lao động…

Thậm chí như ở thị xã Nghĩa Lộ, huyện Mường Lò, tỉnh Điện Biên, nhiều gia đình không làm được giấy khai sinh cho con, không làm được hộ khẩu (thời hộ khẩu còn rất quan trọng, có nó mới mua được nhà, cho con đi học, xin việc làm Nhà nước và rất nhiều thứ khác…). Do vậy, có những người phải vay nợ hoặc bán thóc lúa khẩu phần lương thực để có tiền đóng cho xã. Có nơi như xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, không một ai được miễn giảm các loại phí do lãnh đạo xã đặt ra, kể cả em bé sơ sinh, người khuyết tật thiểu năng không tự nuôi được bản thân, con của thương binh bị nhiễm chất độc hóa học… Có nơi thì chỉ trừ người trên 72 tuổi và trẻ dưới sáu tháng tuổi, còn lại phải đóng đều như tất cả.

Tỷ lệ đóng góp cao nhất chiếm tới 18% thu nhập của hộ trung bình trong xã.

Việc thu chi và sử dụng các loại quỹ, bây giờ được gọi gộp vào là Quỹ xây dựng Nông thôn mới (chủ yếu vẫn chi cho điện-đường-trường-trạm…), như cách đây hàng chục năm- vẫn hoàn toàn do các lãnh đạo thôn và xã tự biết với nhau. Quy chế dân chủ ở cơ sở ra đời được Bộ Chính trị khẩn cấp ban hành sau sự biến Thái Bình 1997 đến nay đã được 25 năm và mới nâng cao hiệu lực thành Luật. Trong đó nhấn mạnh quyền được biết, được bàn, được kiểm tra giám sát của người dân.

Thế nhưng luật pháp chỉ tồn tại trên giấy. Như ở xã Tân Lỵ, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, người dân đã phát hiện một tuyến đường giao thông nông thôn được xây dựng từ nguồn đóng góp của dân, thực tế chỉ dài 590 mét nhưng qua hợp đồng xây dựng của chủ đầu tư là UBND xã và nhà thầu đã bị kê khống lên thành hơn 1.000 mét.

Có thể tìm thấy những ví dụ như thế ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào. Nó phổ biến đến nỗi không còn là hiện tượng bất thường để báo chí hay dư luận phải để ý nữa.

Với những thực tế đã và đang diễn ra ở nông thôn Việt Nam, việc lạm thu và kê khống giá trị xây dựng dường như đã thành nguyên tắc số một của cuộc đời làm cán bộ. Không được lạm thu, không được kê giá, không được làm giàu từ tiền dân thì rất nhiều cán bộ thôn xã sẽ không chịu làm việc.

Với cách điều hành đó, mỗi cấp xã, thôn… không khác gì những kẻ thu xâu, còn người dân là tá điền cho những ông chủ rất hay phát biểu lời hay ý đẹp.

Đến đây, câu hỏi tất yếu phải đặt ra là : Tại sao người dân vẫn chịu đựng tất cả những áp bức đó của tầng lớp cường hào mới mà không nổi dậy lần nữa như Thái Bình 1997 ?

thaibinh02

Một người nông dân đi qua cánh đồng lúa ở Thái Bình hôm 6/7/2005. Reuters

Nông thôn rỗng

Đó là vì, nông thôn bây giờ không còn như năm 1997.

Nông thôn bây giờ là vùng rỗng. Làng rỗng, vùng rỗng, theo khái niệm của Giáo sư Tiến sĩ Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Thu nhập từ cây lúa quá thấp (đối với hầu hết vùng lúa miền Bắc và miền Trung) khiến nông dân không sống được nên họ không còn thiết tha với ruộng đất. Qua nhiều thế hệ, các gia đình cố gắng nuôi con học hành để có nghề nghiệp tốt hơn nhằm thoát ly nghề nông ngay khi có thể. Hầu hết những người con học đại học hoặc cao đẳng tại đô thị đều cố gắng ở lại thành phố để lập nghiệp. Họ nhịn ăn nhịn mặc, dành dụm gửi tiền về cho cha mẹ và em sinh sống, nuôi em học hành để tiếp tục theo con đường của chính mình.
Những người không có điều kiện hay khả năng học cao đẳng đại học thì lên thành phố học nghề hoặc buôn bán tự do. Ít nhất cũng là bán vé số. Tỉnh Phú Yên nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều người đi bán vé số nhất trong cả nước. Nghệ An, Hà Tĩnh là những nơi có số thanh niên đi làm công nhân tại miền Nam đông nhất. Nhiều tỉnh miền Tây như Trà Vinh, Sóc Trăng… có những thôn xóm không còn người ở, đại gia đình ba bốn thế hệ đều đã chuyển đến các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai… ở trọ và làm công nhân.

Lên thành phố làm công nhân là con đường luôn sẵn sàng cho các lớp thanh niên làng quê. Lương công nhân khoảng bảy, tám triệu đồng/tháng, mỗi tháng cũng đong được cả tấn thóc. Hai anh em đi làm công nhân, gửi về quê năm triệu đồng/tháng là đủ cho cả gia đình ở quê sống và nuôi em út đi học, còn trước kia ở quê cả nhà làm bảy sào lúa thì năm nhân khẩu chật vật lắm mới đủ ăn (chuyện của chị Nguyễn Thị Hương, xã Mỹ Đức, Hà Nội). Câu chuyện này đại diện cho đời sống nông thôn toàn Việt Nam hiện tại.

Tất cả đều dẫn đến con đường ly nông, ly hương.

Và gần như tất cả những người trẻ xa quê đều có cùng mục đích là bám trụ lại thành phố và đưa được em út, cha mẹ lên thành phố sống cùng khi đủ tài chính, hoặc khi cha mẹ đã già.

Vì thế, làng quê hầu như không còn nhân lực trong độ tuổi lao động. Trên khắp ba miền, còn ở lại nông thôn hầu hết là người già. Họ chỉ làm ruộng vườn sơ sơ, chủ yếu lấy gạo ăn và nuôi cháu cho con cái đi làm ở xa. Mỗi mùa thu hoạch, các vùng quê đều cực kỳ thiếu lao động. Nhưng do giá đầu tư cao, kết quả thu hoạch thấp, làm dễ lỗ nên người dân cứ thế bỏ đất hoang, thậm chí có nơi cho mượn không cũng chẳng ai nhận làm. Mua gom đất để tích tụ, làm nông quy mô lớn thì ít có nông dân nào đủ tiềm lực.

Tiến sĩ Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho biết theo khảo sát của viện trong giai đoạn 2016-2017, tại tỉnh Thái Bình có khoảng 30% nông dân bỏ ruộng hoang hoặc cho mượn đất nông nghiệp.

Không còn đau đáu với đất đai và quê hương. Nếp sống gần gũi, chia sẻ, cố kết của nông thôn cũng không còn hiển nhiên, sâu sắc như trước, khi các gia đình vừa quá ít người vừa không còn nhiều điểm chung. Do vậy, khi áp lực công khai của việc lạm thu hay các chính sách trái khoáy chỉ biểu hiện ra ở việc bắt đóng mấy triệu đồng/năm thì nhiều người tặc lưỡi "Để con gởi tiền về cho ba nộp xã" cho xong. Đất bỏ hoang cũng được, cứ giữ đó, nếu thất thế ở thành thị thì về quê cắm câu. Hoặc nếu đã chắc chân ở thành thị thì chờ cơn sốt quét qua địa phương mình rồi bán. Quyền lợi và mục đích đã khác nhau nhiều nên chẳng ai nghĩ đến việc đứng ra tổ chức, bàn bạc, cùng nhau đi kiện để chống lạm thu, chống các chính sách bất công, chống cường hào mới, nếu không kiện được thì biểu tình quyết liệt… như Thái Bình xưa kia.

Trừ khi chính sách của Nhà nước đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi lớn nhất của họ, như quy hoạch, giải tỏa, đền bù… mảnh đất đang sinh sống và canh tác. Lúc ấy dân sẽ bỏ hàng chục năm cơm đùm cơm nắm ra tận thủ đô, quyết liệt lăn xả vào cản đầu xe các vị lãnh đạo cao nhất để kêu kiện. Thậm chí, nổ súng, gài mìn như vụ nông dân Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng.

Thế cho nên dù tỷ lệ khiếu kiện của người dân liên quan đến đất đai vẫn rất cao, chiếm đến 70%, nhưng điều kiện để nổ ra một cuộc biểu tình rộng khắp như Thái Bình 1997 có lẽ đã không còn.

Đó tuyệt nhiên không phải là kết quả của 25 năm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Ngược lại, nó chính là sự bất mãn và bất lực đã đến mức cực độ với đại diện chính quyền ở nhiều nơi, đến nỗi người dân không tin vào bất cứ cấp chính quyền nào nữa. "Tao cho mày ăn trong mức độ, nhưng quá giới hạn, tự tao sẽ xử mày"-nhiều người dân đã tự nhủ, và đã làm như thế.

thaibinh03

Người nông dân thu hoạch lúa trên cánh đồng ngay cạnh những tòa nhà chung cư đang xây lên ở ngoại thành Hà Nội hôm 3/6/2013. AFP

Từ ngọn lửa biến thành đàn mối

Nếu năm 1997 Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cảnh báo những người lãnh đạo địa phương rằng ngọn lửa của sự bất bình từ người dân đang cháy lên ngay dưới những chiếc ghế của họ, thì bây giờ đó sự bất mãn đã biến thành những con mối. Không biểu hiện ra bên ngoài nhưng chúng âm thầm ăn ruỗng nát trụ đỡ của lòng dân vào tất cả các thiết chế cao nhất.

Ông Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương kể lại : "Khi nghe báo cáo về cuộc Khảo sát Xã hội học về sự kiện Thái Bình, do người viết báo cáo trình bày, đồng chí Phạm Văn Đồng (thời điểm đó ông Đồng là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng-NV) đã không đồng tình khi người báo cáo trình bày rằng : "Ở đây không có chuyện địch ta, mà chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân". Ông (Phạm Văn Đồng) yêu cầu chỉnh lại : "Đây là mâu thuẫn giữa một bên là những người cầm quyền hư hỏng, thoái hóa biến chất đè nén, áp bức để dân không còn chịu được nữa, và bên kia là người dân phải vùng dậy đấu tranh. Có phân tích như vậy mới tìm ra được giải pháp đúng" !

Nhưng đến thời điểm này, theo tôi, ông Đồng mặc dù nói đúng, nhưng chưa đủ. Nếu suốt 25 năm trời mà những người cầm quyền vẫn hư hỏng, vẫn thoái hóa, biến chất, đè nén, áp bức… khiến cho nông dân chán ngán ruộng đất, bỏ hoang ruộng đất, thậm chí bỏ cả quê hương… thì đó không chỉ là lỗi thuộc về những cá nhân cụ thể nữa. Đó đã là khiếm khuyết trầm trọng của hệ thống. Không thể giải quyết nó bằng việc hòa giải, lắng nghe, xoa dịu… giữa những người lãnh đạo với người đi khiếu kiện nữa, mà phải thay đổi toàn diện và triệt để chính sách đất đai và phương thức hoạt động của hệ thống quản lý chính quyền địa phương.

Nguyễn Phương

Nguồn : RFA, 30/11/2022

Tham khảo :

https://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Hat-thoc-nhoc-nhan-cong%E2%80%A6-phi()-i48976/

https://vtv.vn/trong-nuoc/quang-binh-thanh-tra-cac-dia-phuong-sai-pham-trong-xay-dung-ntm-20141109105808941.htm

http://www.baoyenbai.com.vn/211/33359/Mot_hat_thoc_Cong_tren_vai__49_loai_phi.htm

https://vtv.vn/xa-hoi/chan-chinh-lam-thu-tien-nguoi-dan-de-xay-dung-nong-thon-moi-20150708051041223.htm

https://www.iwem.gov.vn/vn/dong-gop-xay-dung-nong-thon-moi--lam-thu-hay-tu-nguyen-_596.html

https://nld.com.vn/thoi-su/lam-thu-tien-nong-thon-moi-20180603223930785.htm

https://dantri.com.vn/xa-hoi/lam-thu-tai-khu-nong-thon-moi-kieu-mau-thu-nhu-the-la-binh-thuong-20150829111600648.htm

https://dantri.com.vn/xa-hoi/hoa-mat-voi-nhung-khoan-thu-la-20150817070434377.htm

https://dantri.com.vn/xa-hoi/bai-2-ban-lua-vay-tien-ngan-hang-de-dong-phi-cho-thon-20150817155819445.htm

https://dantri.com.vn/xa-hoi/can-bo-ban-can-bo-kiem-tra-dan-chi-biet-moi-viec-nop-tien-2015081908491052.htm

http://congan.nghean.gov.vn/kinh-te-xa-hoi/xay-dung-nong-thon-moi/201406/de-chu-truong-khoan-suc-dan-thuc-su-phat-huy-hieu-qua-498485/

http://www.congdoan.vn/tin-tuc/doi-song-cong-nhan-503/gan-5000ha-ruong-bo-hoang-nong-dan-len-pho-muu-sinh-777739.tld

https://laodong.vn/xa-hoi/ha-tinh-can-bo-thon-tra-lai-nhung-khoan-lam-thu-trong-xay-dung-nong-thon-moi-621654.ldo

https://nhandan.vn/chinh-sach-nao-cho-dat-ruong-bi-bo-hoang-post696640.html

https://nhadat.tuoitre.vn/thieu-ngan-hang-thu-gom-dat-nong-nghiep-bo-hoang-ngay-cang-nhieu-20220603121737905.htm

https://tuoitre.vn/nong-dan-mien-tay-bo-ruong-vi-phan-bon-20220518230542438.htm

*************************

Thái Bình 1997 : Đốt nhà lãnh đạo, phá trụ sở cơ quan, bắt nhốt cán bộ công an

Nguyễn Phương, RFA, 30/11/2022

Cuộc đấu tranh với tham nhũng và nạn cường hào mới ở nông thôn của nông dân Thái Bình nhanh chóng và cùng lúc bùng ra tại nhiều huyện trong tỉnh. Chỉ riêng tại huyện Quỳnh Phụ, cùng lúc có tới hàng chục "điểm nóng".

thaibinh04

Một người nông dân với đàn vịt đang chăn ở Thái Bình năm 2005 (hình minh họa) - AFP

Một hạt thóc gánh 35 khoản thu

Chỉ khi vào cuộc đối thoại với người dân, các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước mới vỡ lẽ vì sao người dân Thái Bình, vốn là đất cách mạng trước đây mà bây giờ phản kháng đến mức quyết liệt như vậy. Cơ cấu thu nhập của tỉnh Thái Bình vào năm 1991 cho thấy 81% là thu từ nông nghiệp. Các khoản thu từ người dân được quy định trong chính sách. Nhưng, tỉnh quy định thu bảy khoản, xuống đến huyện, huyện tăng gấp đôi, thành 14 khoản. Tưởng tỷ lệ này đã là kinh người, ai ngờ chưa thấm vào đâu với các ông bà quan xã. Đến tay xã, họ phệt thêm vào 11 khoản nữa. Cuối cùng, chỉ từ tỉnh xuống đến đầu nông dân ở các xã đã là khoảng 35 khoản thu, tăng gấp năm lần.

Tại xã Tây Phong, huyện Tiền Hải, người dân nói với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ rằng mỗi con trâu một vụ phải đóng 40 kg thóc tiền giao thông, mỗi đàn vịt từ 30 con trở lên phải đóng thuế trồng cỏ, một cuộc họp phổ biến kiến thức nói về nông nghiệp cũng đòi mỗi gia đình phải đóng góp bảy kg thóc... và nhiều khoản đóng góp khác nữa.

Ngay ở huyện Tiền Hải, nơi những nhạc sĩ cách mạng trong thập niên 30 lãng mạn nghe "sóng biển đồng sâu mê mải hát bốn mùa" thì đến 1997, nông dân không còn thóc để ăn no mà nghe hát nữa. Gia đình một nông dân vào năm 1997 gồm năm người, được chia 7,5 sào ruộng có thể có thu nhập tối đa từ làm ruộng, nuôi lợn, một ít rau màu lặt vặt khác như sau :

7,5 sào x 4 tạ = 30 tạ = 3 tấn = 3.600.000đ

2 tạ lợn x 10.000đ/kg = 2.000.000đ

Các khoản khác = 2.000.000đ

Tổng cộng 7,6 triệu đồng/năm. Trong đó, chi phí (chưa tính phí sinh hoạt) hết hai triệu. Các khoản đóng góp cho chính quyền (theo thóc, nộp theo từng vụ mùa) quy ra tiền là 1,53 triệu đồng.

Tính ra, cả gia đình họ mỗi năm còn lại khoảng gần 4,1 triệu đồng. Chia cho năm nhân khẩu trong gia đình, mỗi người được khoảng 800.000 đồng. Họ chỉ có chừng đó để chi cho ăn, mặc, học hành, chữa bệnh, sửa chữa nhà cửa, nhu yếu phẩm, tang ma hiếu hỉ… cho suốt một năm.

Người nông dân nói trên đã tham gia biểu tình đòi giảm các khoản thu, công khai hóa việc phân chia ruộng… minh bạch những khoản đóng góp mà chính quyền địa phương (xã và huyện) thu của nông dân trong những năm trước để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong nông thôn, chủ yếu là các công trình điện-đường-trường-trạm.

thaibinh05

Trụ sở UBND xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, được xây quá uy nghi lộng lẫy so với tình hình kinh tế địa phương thời điểm 1997. Nguồn : Báo cáo về vụ nổi dậy Thái Bình 1997- nhóm Giáo sư Tương Lai.

Lợi dụng chính sách xây dựng nông thôn để ăn tận xương tủy người dân

Điện-đường-trường-trạm hoàn chỉnh đến tận xã chính là niềm tự hào của Thái Bình, là thành tích lớn nhất được lãnh đạo các địa phương trong tỉnh tô dấu son trong báo cáo hàng năm. Thế nhưng mặt trái của nó là đã bị nhiều tổ chức chính quyền lợi dụng để lạm thu, xây bừa phứa bất chấp mục đích, và xà xẻo.

Sự lạm dụng đó rất lớn, chẳng hạn như người ta nói và chắc là không ngoa, sau hai năm công tác, một trưởng thôn có thể kiếm được 17 tấn thóc. So sánh với thu nhập của một hộ gia đình nông dân ở phần trên (mỗi năm năm người thu được ba tấn thóc, trừ chi phí còn hơn hai tấn) thì một ông trưởng thôn có thể kiếm được gấp gần bốn lần cả một gia đình năm người, ít nhất có ba người làm ruộng). Lợi ích này quả là quá "thơm". Ngoài ra, các lãnh đạo thôn, xã... trở lên còn nhận tiền hoa hồng do các bên nhận thầu "lại quả" khi thực thi các công trình phúc lợi công cộng. Khoản tiền này rất lớn và khó xác định.

Tiếp đến, họ còn có tiền bán đất cho nông dân xây nhà + những khoản phí trong các hoạt động sản xuất của nông dân.

Các cường hào mới đã tận dụng cơ hội. Người dân không được biết họ thu chi ra sao. Các công trình xây dựng nông thôn do chính quyền đứng ra làm chủ đầu tư đều có giá vượt gấp nhiều lần giá trị thực tế hay giá thị trường. Ví dụ ở xã Quỳnh Hồng, một chiếc cống thoát nước do chính quyền xây quyết toán lên tới 21 triệu đồng, nhưng khi dân đập đi xây lại thì chỉ mất 7,5 triệu đồng.

Một số cán bộ chủ chốt ở một số địa phương giàu lên nhanh quá mức bình thường trong giai đoạn năm năm xây dựng cấp tập này, thể hiện rõ qua nhà cửa, các phương tiện sử dụng trong sinh hoạt, lối sống xa hoa nhưng kệch cỡm như báo Dân Trí đã mô tả "Chiều chiều hàng đoàn xe máy của cán bộ từ xã lên huyện để nhậu nhẹt, ăn chơi".

Các cuộc biểu tình ngày một đông người, ngày một dồn dập và căng thẳng. Tháng 10/1996, có khoảng 700 người dân đạp xe hàng đôi lên trước cổng UBND tỉnh để trình đơn khiếu kiện. Tháng 4/1997, 1.500 người nông dân tiếp tục lên tỉnh đòi thanh tra lại quỹ đất 5%. Ngày 11/5/1997, 2.000 người dân thuộc khoảng 36/38 xã của huyện Quỳnh Phụ đạp xe lên tỉnh tiếp tục nộp đơn khiếu kiện. Người ta ước tính có chừng 120/260 xã trong tỉnh có biểu tình đưa đơn và từ chỗ đi lẻ tẻ, dần dần hình thành tổ chức quy mô hơn, với khoảng 40 cuộc biểu tình lên tỉnh được tổ chức có quy củ và trật tự.

Những cuộc khiếu kiện này thường được tiếp đón một cách không nhiệt tình. Cách trả lời thường là sự im lặng kéo dài, hoặc lờ đi, hoặc cho thanh tra công khai nhưng kết luận không có gì sai phạm. Những vấn đề này thực ra đã nảy sinh từ những năm 86-90 song cấp chính quyền từ xã, đến huyện, đến tỉnh thường cho đó là "những biểu hiện tiêu cực nảy sinh do một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức quyền tham nhũng, đè nén dân, làm mất uy tín của Ðảng và Nhà nước, thậm chí đổ thừa cho một số người là "lợi dụng tự do dân chủ để hành động cực đoan quá khích, tiếp tay cho địch, gây rối nội bộ, nói xấu Đảng và Nhà nước" (Báo cáo của Giáo sư Tương Lai).

Ngày 6/5/1997, ba người dân tại xã Quỳnh Mỹ (huyện Quỳnh Phụ) đại diện cho nhân dân đứng ra in giấy mời bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Bí thư chi bộ, xóm trưởng, trưởng các ban ngành của xã và đánh kẻng triệu tập người dân về hội trường UBND xã để họp bàn chống tham nhũng. Tại đây, họ vạch ra các khuất tất trong thu chi của chính quyền xã, sau đó đề xuất người dân kéo lên huyện, tỉnh yêu cầu xử lý những cán bộ tham nhũng.

Đáng tiếc là nỗi uất hận của người dân đã không được nhìn nhận và giải quyết chính đáng.

Chỉ hai ngày sau sự kiện này, vào 8/5/1997, Công an huyện Quỳnh Phụ lập tức bắt hai trong số ba người đại diện nói trên, đồng thời khởi tố vụ án, khởi tố bị can họ về tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước và xã hội".

thaibinh06

Đối lập với hình ảnh bề thế của cơ quan công quyền là những chiếc xe đạp ọp ẹp cũ nát vì không có tiền mua mới, là phương tiện giao thông chính của người nông dân. Nguồn : Báo cáo về vụ nổi dậy Thái Bình 1997 - nhóm Giáo sư Tương Lai.

Lửa cháy

Cũng ngay lập tức, người dân đáp trả. Ngay trong ngày 9/5/1997, hàng ngàn người dân xã Quỳnh Mỹ và các xã lân cận kéo lên huyện đòi thả hai người bị bắt.

Chiều 10/5, khoảng 3.000 người dân tràn vào Viện kiểm sát nhân dân huyện, một số người đập phá phòng làm việc và "lăng mạ, xúc phạm Viện trưởng" (từ ngữ chính quyền tỉnh Thái Bình dùng trong Từ điển Thái Bình" ; thu và xé tài liệu của cơ quan này.

Đến khoảng 7 giờ tối, hàng trăm người của xã Quỳnh Hồng cùng số dân xã Quỳnh Mỹ kéo đến bao vây trụ sở công an huyện. Trong suốt sáu giờ đồng hồ (từ 19 giờ ngày 10/5 đến 1 giờ sáng ngày 11/5) khoảng 2.000 người tụ tập trước trụ sở công an huyện. Lực lượng công an với khoảng 500 người được điều ra, với xe vòi rồng, lá chắn và chó bẹc giê. Họ ném 10 quả lựu đạn cay vào đám đông. Đáp trả, người dân phá cổng và tường rào của trụ sở công an huyện và trường Đảng huyện, dùng các vật cản chắn đường ô tô, ngăn không cho lực lượng công an tỉnh và công an các huyện tăng cường. Cuộc biểu tình biến thành xô xát. Dân ném gạch đá tấn công công an, phá hỏng một xe vòi rồng trong tiếng kêu "thế này thì dân chết mất", lại có tiếng "thà chết còn hơn sống khổ". Dân bảo nhau chuẩn bị nếu bị phun nước thì cả đàn ông, đàn bà sẽ cởi hết quần áo ra… tắm !".

Đó là một cách nói uyển chuyển của Giáo sư Tương Lai để mô tả việc người dân dùng một trong những cách phản kháng cùng cực và cực đoan nhất là khỏa thân.

Công an được lệnh không đánh lại dân. Nhưng khi trời tối, dân phát hiện có công an mặc thường phục trà trộn vào đám đông quần chúng. Thế là diễn ra cảnh bi hài, dân hô "Cứ xem thằng nào đi giày da, sờ vào bụng thằng nào to tức là không phải dân, nhằm vào nó mà nện". 11 chiến sĩ công an bị thương, nhiều tài sản bị hư hỏng, trong đó có ba xe chữa cháy, một xe cứu thương, một xe chở quân, vỡ nhiều lá chắn, hỏng toàn bộ cánh cửa nhà hai tầng, hệ thống chiếu sáng và nhiều máy móc thông tin liên lạc.

Dân bị thương vài chục. Công an bị thương được đưa vào bệnh viện, nhưng dân bị thương thì không vào vì sợ bị phát hiện nên khiêng hết về làng.

Sau đó, UBND huyện Quỳnh Phụ cử người ra tiếp dân. Trong cuộc đối thoại, yêu sách của dân tập trung vào việc đòi xử lý cán bộ xã tham nhũng, tiêu cực ; huyện yêu cầu trả tự do cho cán bộ xã và hứa cử đoàn thanh tra về làm rõ, nếu cán bộ vi phạm sẽ xử lý.

Thường trực tỉnh ủy và UBND tỉnh sau đó tạm tha hai người bị bắt. Người dân Quỳnh Mỹ buộc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện ký vào văn bản họ viết sẵn, thừa nhận việc bắt người là sai rồi công bố trên Đài truyền thanh xã Quỳnh Mỹ và tổ chức ăn mừng thắng lợi.

Các sự kiện liên tiếp nổ ra.

Ngày 8/6/1997, chừng 300 thanh niên tuổi từ 13 đến 17 đã trói Chủ tịch và Bí thư xã Quỳnh Hoa, dong họ đầu trần lên huyện dưới trời mưa. Họ la hét và hỏi hai vị chủ tịch và bí thư xã vì sao mà "giàu lên nhanh thế", vì sao mà "chóng béo" đến thế.

Họ phá cổng Ủy ban huyện. Chủ tịch huyện phải bỏ chạy.

Sự việc lên tới cao trào tại xã An Ninh (vẫn huyện Quỳnh Phụ). Ban đầu, người dân xóm 10 thôn Kiến Quan, đòi ông Khương (nguyên Xóm trưởng) giao nộp hồ sơ sổ sách để kiểm tra kết quả thu chi tại xóm, nhưng không được đáp ứng.

Ngày 24/6/1997, trước sức ép của nhiều người, ông Lương Văn Quang, thành viên Tổ Thanh tra nhân dân xóm đã đánh kẻng họp dân toàn xóm. Ðiều này đã dẫn đến tranh chấp, đôi co trong việc lập biên bản và giữ ông Quang tại trụ sở Ủy ban vào ngày 26/6/1997. Việc này do Chủ tịch Nguyễn Mạnh Hàm và Bí thư Ðảng ủy Vũ Xuân Chiếm chủ trương.

Bị kích động bởi một lời thách đố của Chủ tịch xã khi nóng giận (báo cáo của Nhóm công tác Giáo sư Tương Lai), dân xóm 10 và sau đó là hàng nghìn người từ các thôn xóm khác trong và ngoài xã đã tràn đến bao vây trụ sở xã vào cuối ngày hôm đó. Ðám đông hàng trăm người trong đó có những người bịt mặt với sự reo hò, cổ súy của hàng nghìn người vây Ủy ban (cỡ chừng vài ba nghìn người, có người cho rằng có tới sáu nghìn người) đã tràn vào trụ sở UBND xã, đập phá bàn ghế, tủ công tác, bàn hội nghị, phòng ốc, chậu hoa, cây cảnh, bát đĩa, v.v. và tìm đuổi cán bộ xã đang có mặt tại trụ sở. Khi thấy sự việc có chiều hướng nguy hiểm, hệ thống đèn chiếu sáng đã phải vụt tắt, tất cả các cán bộ xã phải trốn chạy tháo thân.

Thế rồi từ 7g tối ngày hôm đó cho tới rạng sáng ngày hôm sau (chừng 3h 30′) là một cuộc bạo động của đám đông hàng nghìn người rầm rập trên đường lần lượt đi phá, đốt nhà cửa, lấy tài sản của các cán bộ chủ chốt trong xã.

Trình tự của cuộc đập phá : Thoạt đầu là Ủy ban xã, ngay sau đó là nhà chị Ly, liền kề Ủy ban (đây là gia đình thường thổi nấu cơm khách, phục vụ ăn uống cho Ủy ban xã). Người ta nói rằng việc đập phá nhà chị Ly là để cho bõ tức vì không tìm thấy ông Chủ tịch Hàm tại đó. Tại nhà này, đám đông đã đốt xe máy phân khối lớn của một cán bộ công an tỉnh biệt phái theo dõi cơ sở. Từ nhà chị Ly, đám đông ầm ầm đi tới xóm 11 dập phá nhà Chủ tịch Hàm. Sau đó, chuyển xuống xóm 6, phá nhà ông Trung, cán bộ quản lý địa chính xã, sang xóm 8, đập phá tài sản nhà ông Lự, Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình. Tại đây, đã diễn ra cuộc đụng độ quyết liệt giữa thân nhân của chủ nhà với người đi đập phá, cả hai phía đều có người bị thương, đám đông bắt đầu nổi lửa đốt từ nhà này trở đi. Tiếp đó đám đông vượt đồng sang xóm 9, xóm 10 để đập phá và đốt nhà ông Hoa, Phó Chủ tịch phụ trách nội chính xã, quay trở về gần nhà Chủ tịch Hàm để đốt phá nhà ông Ðăng, Chỉ huy trưởng quân sự xã, sau đó tới các xóm khác đốt phá nhà ông Trừ (nguyên Phó Chủ tịch UBND khóa trước, nay là Trưởng ban Tài chính xã) rồi tới đốt phá nhà ông Hứa, Phó Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp. Ðiểm đốt phá cuối cùng là nhà Bí thư Ðảng ủy Vũ Xuân Chiếm, huyện ủy viên huyện Quỳnh Phụ… Tại đây, đám đông giải tán vào lúc khoảng 3h30′ sáng ngày 27/6/1997.

Trở lại xã Quỳnh Hoa. Sau sự kiện tháng 6, người dân tiếp tục yêu cầu cán bộ xã phải cho xem sổ sách thu chi, ngày nào cũng có hàng trăm người lên UBND xã chất vấn.

Ngày 12/9/1997, 34 cán bộ xã Quỳnh Hoa gồm Đảng ủy, UBND, Công an, xã đội, các đoàn thể Hợp tác xã nông nghiệp và 6/10 trưởng xóm mang sáu con dấu và đơn xin nghỉ việc lên trả cho huyện. Ngày 12/11/1997, khoảng 400 người dân xã Quỳnh Hoa lên UBND tỉnh khiếu tố, yêu gặp chủ tịch tỉnh.

Do không chấp nhận giải thích của lãnh đạo UBND tỉnh, người dân đã tập trung trước cổng trụ sở, vây ép từ sáng tới chiều tối thì nhiều người trèo qua cổng và hàng rào tràn vào UBND tỉnh, đập phá cửa kính, hò hét, chửi bới.

Ngày 13/11/1997, Công an bắt một số người có hành vi quá khích phạm pháp trong đoàn khiếu kiện tại thị xã và tại xã Quỳnh Hoa. Ngay chiều tối hôm ấy, tại xã Quỳnh Hoa hàng nghìn người bao vây cản trở công an, bắt giữ 23 công an và một cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh ; cướp một máy bộ đàm ném xuống ao, phá hỏng một xe ô tô. Người dân tổ chức rào làng, đặt chướng ngại vật, huy động thanh thiếu niên sử dụng dao kiếm, côn gậy tuần tra canh gác, liên tục đánh kẻng, gõ mõ báo động, kiểm soát chặt chẽ "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

Hàng trăm người ở các xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Giao, Quỳnh Thọ, An Ấp, An Thái cũng kéo sang Quỳnh Hoa.

Đúng như nhận định của cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, Tổ phó Tổ công tác đặc biệt lúc ấy : "Nhiều người lãnh đạo không biết NGAY dưới cái ghế của họ, lửa đã cháy lên rồi".

"Đánh ai mà chiến thắng"

Lúc này Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ do Chủ tịch Trung ương Mặt trận tổ quốc Phạm Thế Duyệt làm Tổ trưởng đã về Thái Bình, nhiều lần họp với các cán bộ lãnh đạo các cấp. Ông cũng mời những tướng lĩnh và cán bộ xuất thân từ Thái Bình họp để nhờ vận động giải quyết.

"Trong năm tháng liền, tôi gặp gỡ từng tổ chức : Mặt trận, hội cựu chiến binh, phụ nữ, nông dân... Sau khi họp ở Tỉnh ủy Thái Bình, tôi mời hơn 20 đồng chí lão thành để nghe ý kiến của họ. Xong tôi lại xuống tận nơi để họp với dân. Tôi nhớ lần xuống xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, hôm ấy, nhân dân kéo đến rất đông, ước chừng khoảng 600 người. Tôi vẫn bình tĩnh vào họp với các đồng chí lãnh đạo ở trong, bên ngoài, người dân nói qua loa phóng thanh mong được trực tiếp gặp tôi. Tôi quyết định để nhân dân cử 10 người đại diện vào làm việc cùng đoàn công tác. Sau khi lắng nghe người dân nói hết những bức xúc của mình, tôi hoan nghênh và hứa sẽ chỉ đạo xử lý vụ việc. Tôi còn nhớ, khi họp xong thì trời mưa, xe ô tô chở tôi bị sa lầy, chính người dân địa phương đã xắn quần giúp chúng tôi đẩy xe lên !"-ông Duyệt kể.

 Sau hai ngày thuyết phục vận động, đến 16h ngày 16/11/1997, 20 cán bộ chiến sĩ công an được trả tự do (bốn người tự trốn ra trước đó).

"Tôi cho xe xuống xã đón anh em về. Nhìn anh em bị nhốt bị đánh rất đau, có người không đi nổi thì cũng thấy thương thật nhưng khi vào hội trường, thấy băng rôn căng hàng chữ "Nhiệt liệt chào mừng các đồng chí chiến thắng trở về", tôi đề nghị bỏ đi, đi đánh ai mà "chiến thắng".

Bộ đội tham gia là để vận động, tuyên truyền ở những nơi khó khăn nhất và bảo vệ dân chứ không phải đối phó, đàn áp nhân dân. Quân đội là để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân chứ quân đội không được tham gia cưỡng chế. Không được phép dùng lực lượng vũ trang để đối phó với dân".- ông Phạm Thế Duyệt, Trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về sự kiện Thái Bình nhớ lại.

Nguyễn Phương

Nguồn : RFA, 30/11/2022

Tham khảo :

https://nghiencuulichsu.com/2017/04/18/bao-cao-ve-vu-noi-day-o-thai-binh-1997

https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/tu_su_kien_tien_lang_nho_lai.html

https://dangcongsan.vn/khuyen-nong-huong-toi-su-phat-trien-ben-vung/tin-tuc/cac-khoan-dong-gop-cua-nong-dan-va-van-de-dat-ra-243996.html

https://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Hat-thoc-nhoc-nhan-cong%E2%80%A6-phi()-i48976/

https://vtc.vn/ong-pham-the-duyet-tung-50-lan-lien-tuc-di-ve-diem-nong-thai-binh-ar317566.html

https://laodong.vn/archived/bai-hoc-thai-binh-van-con-nong-hoi-678208.ldo

****************************

Sự kiện Thái Bình 1997

Nguyễn Văn Học, VietinInfo, 14/01/2012

Sự kiện Thái Bình năm 1997 mặc dù được nghe "truyền miệng" nhiều nhưng lại ít thấy có cuốn sách nào, tờ báo chính thống nào nói một cách đầy đủ và hệ thống. Dù sao, nói đến Thái Bình 1997, người ta vẫn giữ thái độ dè dặt và thận trọng khi phát ngôn, bởi người ta vẫn nghĩ nó "nhạy cảm".

thaibinh08

Mới đây Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình chỉ đạo cho ra đời cuốn "Từ điển Thái Bình" do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin xuất bản 2010. 

Cuốn sách, theo lời giới thiệu của ông Bùi Tiến Dũng – Bí thư tỉnh ủy - Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh giới thiệu, "gồm 5.000 mục từ với hơn 1.300 trang", đáng được xem là một công trình từ điển bách khoa về Thái Bình.

Không ngại va chạm để nói đến những sự kiện lịch sử có tính bước ngoặt, lần đầu tiên một ấn phẩm, một công trình đồ sộ do Tỉnh Thái Bình xuất bản chính thức đưa Sự kiện Thái Bình 1997 vào sách dưới những đề mục nhỏ, như một sự công nhận lịch sử mà không hề chối bỏ. 

"Khi nông dân ra phố" xin trân trọng giới thiệu lại toàn bộ 4 vụ này trong cuôn "Từ điển Thái Bình" để chúng ta cùng đọc và suy ngẫm.

1. Vụ Quỳnh Hoa

"Điểm nóng số 1 của tỉnh. Chiều ngày 16/6/1997, khoảng 300 người dân xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ đã bắt giữ Bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã và Phó ban tài chính xã dong lên huyện, đi bộ trên quãng đường 7km dưới trời mưa không cho đội mũ nón, vừa đi vừa lăng mạ, chử bới, đánh đập. UBND huyện cứ người ra tiếp, trong cuộc đối thoại, yêu sách của dân tập trung vào việc đòi xử lý cán bộ xã tham nhũng, tiêu cực ; huyện yêu cầu trả tự do cho cán bộ xã và hứa cử đoàn thanh tra về làm rõ, nếu cán bộ vi phạm sẽ xử lý. 

 Sau đó, tại xã Quỳnh Hoa vẫn tiếp tục tiếp diễn tình trạng lăng mạ, vây ép đòi cán bộ xã phải ký vào những văn bản do một số người thảo sẵn. Ngày 12/9/1997, 34 cán bộ xã Quỳnh Hoa gồm Đảng ủy, UBND, Công an, xã đội, các đoàn thể Hợp tác xã nông nghiệp và 6/10 trưởng xóm mang 6 con dấu và đơn xin nghỉ việc lên trả cho huyện. Không khí ở địa phương rất căng thẳng, ngày nào cũng có hàng trăm người lên UBND xã chất vấn cán bộ. Ngày 12/11/1997, khoảng 400 người dân xã Quỳnh Hoa kéo lên UBND tỉnh khiếu tố, đòi gặp chủ tịch tỉnh.

Do không chấp nhận giải thích của lãnh đạo UBND tỉnh, một số người đã hành động quá khích, gây rối trật tự công cộng, lăng mạ chửi bới cán bộ trước cổng UBND tỉnh. Đoàn người tập trung ngời cổng trụ sở UBND tỉnh từ sáng tới chiều tôi thì nhiều người trèo qua cổng và hàng rào tràn vào UBND tỉnh, đập phá cửa kính, hò hét, chửi bới.

Trước tình hình đó, ngày 13/11 cơ quan bảo vệ pháp luật đã bắt một số người phạm pháp quả tang trong đoàn khiếu kiện tại thị xã và tại xã Quỳnh Hoa. Đối phó lại, ngay chiều tối hôm ấy, tại xã Quỳnh Hoa hàng nghìn người bao vây cản trở không cho công an thi hành nhiệm vụ, lùng sục bắt giữ 23 công an và 1 cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh ; cướp 1 máy bộ đàm ném xuống ao, phá hỏng 1 xe ô tô ; đối xử tàn nhẫn thô bạo với những người bị bắt đồng thời tổ chức rào làng, đặt chướng ngại vật, huy động thanh thiếu niên sử dụng dao kiếm, côn gậy tuần tra canh gác, liê tục đánh kẻng, gõ mõ báo động, kiểm soát chặt chẽ "nội bất xuất, ngoại bất nhập" gây không khí căng thẳng.

Trong khi đó, hàng trăm người ở các xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Giao, Quỳnh Thọ, An Ấp, An Thái cũng kéo sang Quỳnh Hoa, càng làm cho tình hình thêm phức tạp.

Sau 2 ngày thuyết phục vận động, đến 16g ngày 16/11/1997, 20 cán bộ chiến sĩ công an mới được trả tự do (4 chiến sĩ đã tự giải thoát)

Hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể xã Quỳnh Hoa hoàn toàn bị tê liệt, không kiểm soát được tình hình. Các đoàn công tác của tỉnh, huyện cũng phải rút khỏi Quỳnh Hoa. Sự kiện Quỳnh Hoa gây chấn động dư luận, thu hút sự quan tâm chú ý của cả nước.

Từ ngày 2 đến 4/7/1998, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, bắt giữ người trái pháp luật" xảy ra tại Quỳnh Hoa. Vụ án có 40 bị cáo, đông nhất từ trước đến nay ở Thái Bình, 28 bị cáo bị tạm giam, 12 bị cáo tại ngoại, một số bị cáo là thương binh, đối tượng chính sách.

Đào Văn Tá bị xử phạt 11 năm 6 tháng tù giam, Nguyễn Văn Hội 9 năm tù giam, Nguyễn Xuân Hùng 8 năm tù giam. Các bị cáo khác bị phạt tù từ 7 năm đến 18 tháng tù cho hưởng án treo. Đồng thời cơ quan cảnh sát điều tra Thái Bình cũng quyết định khởi tố vụ tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa đối với Nguyễn Thanh Vận, Phan Văn Phền, Chủ nhiệm và nguyên chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Quỳnh Hoa".

Trích : "Từ điển Thái Bình", Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2010, trang 1082 – 1083.

2. Vụ Quỳnh Hội

"Sự kiện khởi đầu của tình hình mất ổn định chính trị - xã hội ở Thái Bình. Trong 2 tháng cuối 1996, hàng trăm người ở xã Quỳnh Hội huyện Quỳnh Phụ nhiều lần lên xã, huyện, tỉnh khiếu tố về việc UBND huyện Quỳnh Phụ không thực hiện quỹ đất 5% là trái với chủ trương của tỉnh ; các khoản dân phải đóng góp quá lớn ; cán bộ xã có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Dân yêu cầu cấp trên thanh tra, xử lí cán bộ sai phạm.

Ngày 5/12/1996, UBND huyện Quỳnh Phụ thành lập đoàn thanh tra liên ngành, tiến hành thanh tra việc xây dựng cơ bản, ngân sách xã và kinh tế Hợp tác xã Nông nghiệp. Kết quả thanh tra xây dựng cơ bản (trạm bơm, cải tạo mương máng, làm đường giao thông…) bước đầu phát hiện có dấu hiệu tham ô 90.600.000 đồng.

 Thanh tra kinh tế, tài chính xã, phát hiện chi sai nguyên tắc 48.275.000 đồng. Ngoài ra còn có nhiều biểu hiện tiêu cực trong việc mua thóc giống, vay tiền cá nhân sử dụng cho Hợp tác xã với lãi suất cao…

19g30 ngày 26/12/1996, Chi nhánh điện Quỳnh Phụ ngừng cấp điện cho xã vì còn nợ chi nhánh 3.800.000 đồng. Hàng nghìn người trong xã kéo đến nhà chủ tịch UBD xã thắc mắc và một số người quá khích đã đập phá tài sản, làm thiệt hại khoảng 3.000.000 đồng.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo công an tỉnh, của Thường trực huyện ủy, UBND huyện Quỳnh Phụ, lực lượng công an và các ngành đã tập trung giải quyết nhằm ổn định tình hình.

Ngày 26/12/1996, Công an huyện Quỳnh Phụ đã khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Toán, Phạm Văn Quýnh, Nguyễn Tiến Mừng.

Ngày 14/1/1997, khởi tố điều tra vụ án tham ô, cố ý làm trái gây thiệt hại tài sản xã hội chủ nghĩa, khởi tố 3 bị can : Đặng Đình Thảo (Bí thư Đảng ủy xã, nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã), Nguyễn Quốc Dũng (kế toán trưởng), Vũ Thị Tám (thủ quỹ Hợp tác xã nông nghiệp)". 

Trích : "Từ điển Thái Bình", Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2010, trang 1083.

3. Vụ Quỳnh Mỹ

Vu gây rối trật tự nghiêm trọng nhất. Ngày 6/5/1997, Phạm Hữu Hoành, Phạm Văn Tới và Nguyễn Văn Ty tự nhận là đại diện cho nhân dân đứng ra in giấy mời, triệu tập Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Bí thư chi bộ, xóm trưởng, trưởng các ban ngành của xã về Hội trường UBND để họp bàn chống tham nhũng.

Tại đây Phạm Hữu Hoành công khai đả kích , phê phán chính quyền xã, kích động quần chúng kéo lên huyện, tỉnh yêu cầu xử lý những cán bộ mà họ cho là tham nhũng.

Xét hành vi của Phạm Hữu Hoành và Phạm Văn Tới có dấu hiệu về tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước và xã hội", ngày 8/5/1997, Công an huyện Quỳnh Phụ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt Phạm Hữu Hoành và Phạm Văn Tới. Lập tức, từ ngày 9 đến 11/5/1997, hàng nghìn người xã Quỳnh Mỹ và các xã lân cận liên tiếp kéo lên huyện đòi thả người bị bắt.

Chiều 10/5, khoảng 3.000 người đã tràn vào Viện kiểm sát nhân dân huyện, một số người đã đập phá phòng làm việc và lăng mạ, súc phạm Viện trưởng ; thu và xé tài liệu của Viện kiểm sát nhân dân.

Tình hình càng căng thẳng khi hàng trăm người của xã Quỳnh Hồng cùng số dân xã Quỳnh Mỹ kéo đến bao vây trụ sở công an huyện. Trong suốt 6 giờ đồng hồ (từ 19 giờ ngày 10/5 đến 1 giờ sáng ngày 11/5) khoảng 2.000 người tụ tập trước trụ sở công an huyện. Lợi dụng đêm tối, một số người quá khích hò hét, chửi bới, xô đổ cổng, dậu của Công an huyện và trường Đảng huyện ; dùng gạch đá tấn công trụ sở và cán bộ chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ. Họ còn dùng các vật cản chắn đường ô tô, ngăn không cho lực lượng công an tỉnh và công an các huyện tăng cường ; đồng thời tổ chức săn lùng, đánh đuổi các chiến sĩ công an. 11 cán bộ chiến sĩ công an bị thương, nhiều tài sản bị hư hỏng, trong đó có 3 xe chữa cháy, 1 xe cứu thương, 1 xe chở quân, vỡ nhiều lá chắn, hỏng toàn bộ cánh cửa nhà 2 tầng, hệ thống chiếu sáng và nhiều máy móc thông tin liên lạc..

Để giảm bớt áp lực của quần chúng, tạm ổn định tình hình, Thường trực Tỉnh ủy và UBND Tỉnh đã họp bàn thống nhất chủ trương tạm tha 2 đối tượng bị bắt. Được thể, một số người ở Quỳnh Mỹ đã ép Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện phải ký vào văn bản họ viết sẵn, thừa nhận việc bắt người là sai rồi công bố trên Đài truyền thanh xã Quỳnh Mỹ và tổ chức ăn mừng thắng lợi.

Trích : "Từ điển Thái Bình", Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2010, trang 1083 - 1084.

4. Vụ Thái Thịnh

Vụ tham nhũng, tiêu cực và gây rối trật tự công cộng điển hình ở huyện Thái Thụy. 

Ngày 25/6/1997, 60 người dân xã Thái Thịnh lên UBND tỉnh kiến nghị giải quyết thanh quyết toán các công trình xây dựng của xã và tố cáo Chủ tịch xã vi phạm luật đất đai, tham nhũng. Buổi tối cùng ngày, quần chúng họp tại 2 địa điểm xóm 1 và xóm 5 để nghe thông báo kết quả đi khiếu kiện ở tỉnh về.

14g ngày 26/6/1997, trong lúc Đảng bộ xã đang họp bàn chủ trương thực hiện công văn số 279 của UBND tỉnh, hơn 200 người kéo đến bao vây trụ sở, yêu cầu xã phải thực hiện ngay công văn số 279. Chủ tịch xã ra giải quyết yêu cầu mọi người giải tán. Quần chúng không nghe và có lời lẽ thô tục, lăng mạ.

5g chiều cùng ngày, Chủ tịch huyện cùng đoàn cán bộ huyện Thái Thụy về xã Thái Thịnh để giải quyểt, hứa sẽ chỉ đạo xã thực hiện nghiêm túc công văn 279 của UBND tỉnh. Có tới hàng nghìn quần chúng tụ tập tại trụ sở UBND xã. Những người quá khích đã ào lên vây giữ Chủ tịch huyện và đoàn cán bộ. Lực lượng công an tìm cách đưa được Chủ tịch huyện ra ngoài. Chủ tịch xã và Trưởng công an huyện bị một số phần tử xấu hành hung trọng thương. 6 cán bộ khác của xã, trong đó có Bí thư Đảng ủy và 3 an ninh viên bị xâm phạm đến thân thể. Toàn bộ bàn ghế, cánh cửa, tủ đựng tài liệu, tăng âm, loa đài của xã và Hợp tác xã bị đập phá và mất 13,600,000 đồng quỹ UBND xã.

Sau đó, họ kéo đập phá nhà, tài sản gia đình Phạm Văn Chiêm (Chủ tịch xã), Phạm Văn Nghị (Phó Chủ tịch xã), Đinh Thị Tâng (Cán bộ địa chính xã), gây nhiều thiệt hại. 

Tình hình rối loạn diễn ra từ 7 giờ tối ngày 26/6 đến 1 giờ sáng ngày 27/6/1997.

Để giải quyết ổn thỏa tình hình xã Thái Thịnh, Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình đã chỉ đạo 3 ngành Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án tiến hành đồng thời việc điều tra truy tố những đối tượng quá khích, gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật với việc truy tố những cán bộ xã có hành vi tham nhũng, tiêu cực là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc khiếu kiện phức tạp của quần chúng.

Ngày 3/7/1997, Công an tỉnh đã thực hiện lệnh bắt 5 đối tượng chủ yếu (Vũ Văn Kiện, Vũ Văn Tuấn, Phạm Văn Vịnh, Ngô Thị Duyên, Phạm Văn Khuynh) trong 36 đối tượng gây rối trật tự công cộng, cố ý hủy hoại tài sản xã hội chủ nghĩa, tài sản công dân, cố ý gây thương tích, xảy ra đêm 26/6/1997 tại Thái Thịnh.

Đồng thời, Công an tỉnh khẩn trương điều tra, xác định Phạm Văn Chiêm (Chủ tịch xã từ 1991 – 1997) đã cấp trái phép 23.686 m2 đất và đã cùng Phạm Văn Thiện (Phó ban tài chính xã) vi phạm các quy định về chế độ, nguyên tắc quản lí kinh tế nhà nước, gây thất thoát ngân sách xã hơn 220 triệu đồng. Chiêm tham ô 24.670.000 đồng, Thiện tham ô 63.804 ngàn đồng.

Một số cán bộ chủ chốt khác của xã như Phạm Thanh Nghị (Phó chủ tịch xã) , Phạm Văn Thái (Bí thư Đảng ủy xã), Phạm Huy Khản (Phó Bí thư Đảng ủy xã), Phạm Thị Duyên (Thủ quỹ UBND xã) đồng phạm gây thất thoát 154 triệu đồng ngân sách xã. Ngoài ra, Nghị còn tham ô 13 triệu đồng, Thái 11 triệu đồng, Khản hơn 2 triệu đồng, Duyên 5 triệu đồng, Tăng hơn 13 triệu đồng.

Trích : "Từ điển Thái Bình", Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2010, trang 1084 - 1085.

Nguồn : Vietinfo, Nguyenvanhoc, 14/01/2012

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Phương
Read 622 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)