Khi Việt Nam có sự cạnh tranh đảng phái chính trị thì tin rằng người dân sẽ có quyền thực sự trong lá phiếu bầu cử của mình, và đất nước cũng nhiều cơ hội phát triển bền vững hơn.
Bài viết dưới đây là nói về cảnh báo đối với đảng của bà Thái Anh Văn bên Đài Loan của thạc sĩ Lục Minh Tuấn, Nghiên cứu viên cộng tác tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại Ấn Độ và các vấn đề quan hệ quốc tế xung quanh Biển Đông.
Chỉ cần thay thế tên của người vừa tuyên bố từ chức lãnh đạo Đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) ở Đài Loan bằng tên Nguyễn Phú Trọng chẳng hạn, cùng các điều chỉnh tương ứng, sẽ nhận ra ngay giá trị mà chuyện cạnh tranh đảng phái mang lại trong phụng sự quốc gia.
Bài viết này xin được giả định là vẫn giữ nguyên một đảng chính trị, nhưng trong nội bộ của đảng đó có sự cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật về phổ thông đầu phiếu đối với đảng viên đảng cộng sản Việt Nam. Nôm na là tất cả vẫn không làm thay đổi nội dung, mà chỉ làm rõ hơn về nội dung của điều 4, Hiến pháp 2013.
Mới đây, tại hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được tiến hành tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (dự kiến cuối năm 2023).
Tình tiết giả định mang tính so sánh : lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội Việt Nam với cuộc bầu cử cấp địa phương vừa kết thúc ở Đài Loan, dẫn đến việc bà Thái Anh Văn phải tuyên bố từ chức chủ tịch DPP vào cuối ngày 26/11/2022.
Sự kiện giả định : các bộ trưởng do Bộ Chính trị "quy hoạch" đều nhận được lá phiếu bất tín nhiệm, và người đứng đầu Bộ Chính trị là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận trách nhiệm qua việc tuyên bố từ chức.
Thứ nhất, định hướng sai lầm từ thông điệp được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhắc đi nhắc lại nhiều lần mà không quan tâm đến thời cuộc, đó là, "Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá khách quan, toàn diện tình hình của Đảng, của đất nước và khẳng định, công cuộc đổi mới đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng ; kinh tế, chính trị, xã hội và đời sống của nhân dân được nâng lên, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" – trích diễn văn của ông Nguyễn Phú Trọng vào chiều 26/11/2022, tại trụ sở Trung ương Đảng, khi gặp mặt 63 đại biểu Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về dự Hội nghị biểu dương Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022.
Trong bối cảnh công nhân bị thất nghiệp ngày càng nhiều, hãng xưởng thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa giải thể thì "tự huyễn hoặc" trên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bị dư luận đánh giá là không phù hợp.
Nhu cầu xã hội lúc này quan tâm nhiều về các chính sách phúc lợi, đảm bảo an sinh, phục hồi kinh tế, cơ sở hạ tầng… đã mang lại lợi thế lớn cho nhóm đảng viên nào đó trong đảng cộng sản vốn có chính sách lựa chọn ứng viên địa phương chuyên trách các lĩnh vực này.
Thứ hai, định hướng phòng chống dịch Covid-19 lúc ban đầu đã quá tự tin kiểu "anh hùng cách mạng" dẫn đến hàng chục ngàn cái chết tức tưởi và nền kinh tế kiệt quệ đến tận lúc này.
Phải có người chịu trách nhiệm cho tất cả các vấn đề đó.
Thứ ba, định hướng chính sách kinh tế kém hiệu quả. Tình hình dịch bệnh phức tạp và cuộc chiến Nga – Ukraine đã khiến giá nhiên liệu thế giới tăng cao nhưng các đảng viên quan chức thuộc quyền quản lý của ông Tổng bí thư đã không kịp thời đưa ra những quyết sách, đối sách thích hợp.
Như vậy với tư cách người đứng đầu không làm tốt trọng trách nên cũng tương tự như bà Thái Anh Văn, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đường hoàng tuyên bố từ nhiệm.
Lynn Huỳnh