Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/12/2022

Duyên tình bí ẩn giữa Giáo hội Phật giáo và Đảng cộng sản Việt Nam

Huỳnh Liên, Phạm Lê Đoan, Cát Tường

Ẩn tình của món quà tân Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi tặng Thủ tướng Phạm Minh Chính ?

Huỳnh Liên, VNTB, 01/12/2022

Chiều 29/11/2022, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến thăm và cảm ơn sau thành công của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 – 2027.

phatgiao1

Đức Pháp chủ và Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tặng bức điêu khắc bản kinh Chuyển pháp luân đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Trung ương đã đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng bức điêu khắc bản kinh Chuyển pháp luân đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Một chút ‘tò mò’, là món quà này muốn gửi gắm điều gì đến Thủ tướng Phạm Minh Chính ?

Lịch sử Phật giáo cho biết, kinh Chuyển pháp luân là bài giảng pháp đầu tiên mà Sa môn Tất-đạt-đa Cồ-đàm thuyết giảng cho năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển sau khi Ngài đắc đạo. Bài pháp này tóm tắt các điểm chính yếu của Đạo giải thoát, đó là Tứ diệu đế và Bát chánh đạo.

Chi tiết hơn là thế này : Không lâu sau khi thái tử Tất Đạt Đa xuất ly đời sống thế tục, sống không gia đình, Ngài đã tu hành khổ hạnh với nỗ lực mạnh mẽ ở Uruvela. Tại đó, nhóm năm vị Tỳ-khưu đã phục vụ và chăm sóc cho nhu cầu ít ỏi của Ngài.

Sáu năm sau, Ngài nhận thấy rằng, khổ hạnh không phải là con đường đúng để giác ngộ nên đã từ bỏ nó. Ngài dùng lại vật thực cần thiết cho cơ thể. Nhóm năm vị Tỳ-khưu suy nghĩ sai lầm rằng Ngài đã từ bỏ nỗ lực giác ngộ. Thất vọng về Ngài, họ rời bỏ Ngài và đi đến Vườn Nai ở Isipatana.

Sau khi Thái tử Tất Đạt Đa chứng đạt giác ngộ và trở thành một vị Phật, ông quan sát thấy rằng nhóm năm vị Tỳ-khưu sẽ là nhóm người đầu tiên chứng ngộ Pháp (Dhamma). Vì vậy, Ngài viếng thăm họ ở Isipatana để thuyết bài Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavatana Sutta). Bài Kinh (Sutta) này rất được các Phật tử kính trọng, vì nó là lần đầu tiên Đức Phật quay bánh xe Pháp (Dhamma) mà chư thiên và nhân loại chưa từng được được nghe…

Người viết bài này nghĩ rằng ‘thay lời muốn nói’ từ món quà mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa gửi tặng Thủ tướng Phạm Minh Chính, phải chăng ông Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng muốn nói với người đứng đầu chính phủ rằng Phật giáo căn cứ trên kinh nghiệm bản thân, không phải là một lý thuyết chỉ dựa trên suy niệm và luận lý suông.

Theo đó, Phật giáo là một con đường hay Đạo (magga). Kiến thức thích hợp với lý trí là điểm then chốt của Phật giáo. Đức tin mù quáng bị loại trừ, không còn chỗ đứng trong Phật giáo. Phật giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thực hành, thay vì chú trọng đến tín ngưỡng và giáo điều. Tin tưởng suông vào giáo điều không thể dẫn đến giải thoát.

Nghi thức và cúng tế, được xem là quan trọng trong kinh Phệ Đà (Veda), không có vai trò trong Phật giáo. Không có Thần Linh để con người phải khép nép kính sợ. Cũng không có giai cấp trung gian giữa người và Thần Linh để con người phải rụt rè.

Như vậy, từ những gì mà kinh Chuyển pháp luân muốn gửi gắm đến người đời sau, phải chăng không nên tiếp tục giáo điều về một lập luận mù quáng của cái gọi là thể chế chính trị, mà chỉ có mỗi đảng cộng sản Việt Nam mới có thể đem lại sự ấm no, sự phồn vinh không giả tạo cho nhân dân.

Huỳnh Liên

Nguồn : VNTB, 01/12/2022

*************************

Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Thích Trí Quảng sẽ chấn chỉnh kỷ cương ra sao?

Phạm Lê Đoan, VNTB, 30/11/2022

Ngày 29/11/2022, phiên bế mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX tại Hà Nội đã cử hành lễ suy tôn Trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng lên ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam – lãnh đạo tối cao về Đạo pháp và Giới luật theo quy định của Hiến chương giáo hội.

phatgiao2

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX tại Hà Nội suy tôn Trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng lên ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Một năm trước, ngày 1/12/2021, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh họp phiên đặc biệt, đồng thanh suy cử Trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng đảm nhiệm ngôi vị Quyền Pháp chủ. Hội nghị kỳ 6 – khóa VIII (31/12/2021) đã nhất tâm suy tôn ông lên ngôi vị Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ngay sau khi được suy cử, tân Đệ tứ Pháp chủ Thích Trí Quảng đã ban đạo từ, trong đó có đoạn :

"Có trí tuệ mới có kỷ cương. Có trí tuệ chúng ta mới thấy cái gì đáng làm, đáng nói để tạo sự đoàn kết trong giáo hội. Từ đó, xây dựng một cương lĩnh lãnh đạo từ trên xuống dưới. Mọi người chẳng những ở bên ngoài mà ở trong lòng cũng hòa hợp trong giáo pháp của đức Phật.

Cho nên, trí tuệ và kỷ cương quan trọng nhất, có hai thứ đó thì chúng ta mới phát triển bền vững được. Phát triển mạnh mà kỷ cương kém thì đó là điều nguy hiểm vô cùng.

Cho nên tôi kỳ vọng tăng, ni và phật tử trong đại hội này, mỗi người chúng ta cảm thấy trách nhiệm của mình, những việc đã làm tốt, sống tốt thì tiếp tục phát triển; những điều chưa tốt thì khắc phục, sửa chữa… để trở thành những nhân tố tốt trong giáo hội, trong xã hội".

Lý lịch trích ngang của Trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng cho biết ông xuất gia tu học từ năm 10 tuổi tại miền Nam Việt Nam ở Phật học đường Nam Việt – chùa Ấn Quang. Từ năm 1960 – 1964, ông làm giảng sư ở các tỉnh miền Nam.

Từ năm 1965 – 1972, ông du học tại đại học Rissho, Tokyo (Nhật Bản). Giai đoạn 1973 – 1975, ông là Vụ trưởng Vụ Phiên dịch và Trước tác thuộc Tổng vụ Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Từ năm 1975 – 1981, ông là Tổng vụ trưởng Tổng vụ thanh niên thuộc Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

Tháng 11/1981, ông là thư ký đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tham dự Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam, thành viên Ban soạn thảo Hiến chương.

Sau Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam, phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã rút lui, không tham gia vào tổ chức này nữa. Lúc đó, ông tiếp tục ở lại tham gia Ban thường trực Hội đồng trị sự, đảm nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương (1981 – 2007).

Từ 1998 đến tháng 6/2022, ông là Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh. Từ 1989 – 11-2022, ông kiêm nhiệm Tổng biên tập báo Giác Ngộ.

Giai đoạn năm 2002 – 2017, ông đồng thời là Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Các chức danh kiêm nhiệm khác từ năm 2017 đến trước tháng 11/2022 của ông : Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh ; Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam ; Giám luật Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam ; Chủ tịch Hội đồng Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam ; Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Nhìn lại chặng đường hoằng pháp của ông, cho thấy điểm nổi bật rất đáng lưu tâm đó là thời gian ông còn sinh hoạt dưới ngôi nhà chung có tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

Theo đó, sau khi đất nước thống nhất, trong bối cảnh xã hội mới, để duy trì hoạt động tu học của Phật tử, đặc biệt là Phật tử trẻ, với vai trò là Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, ông Thích Trí Quảng đã chủ trương tập hợp các em thanh thiếu nhi đến chùa Ấn Quang sinh hoạt trong tinh thần đạo Phật phù hợp với tuổi trẻ.

Công việc ban đầu của các em là đảm trách việc dâng hoa cúng dường nhân dịp Đại lễ Phật đản. Về sau, các em được học giáo lý và thực hiện thời khóa tụng kinh tại tổ đình Ấn Quang, gắn kết cùng nhau hình thành nên chúng Ngọc Nữ – chúng đầu tiên của Đạo tràng Pháp Hoa, gồm các em lứa tuổi từ mẫu giáo cho đến lớp một. Không lâu sau đó, chúng thứ hai ra đời mang tên La Hầu La gồm các em có độ tuổi lớn hơn.

Với số lượng khiêm tốn ban đầu khoảng trên dưới 40 em từ đồng ấu đến thiếu niên dưới sự dẫn dắt của ông, các em ngày một thích thú thực hiện thời khóa tụng kinh Pháp Hoa 7 quyển một cách trang nghiêm; có em thuộc lòng một quyển, ba quyển cho đến cả bộ. Điều đặc biệt là học lực của các em có tiến bộ rõ nét, tạo thiện cảm với những người xung quanh và cảm hóa được bố mẹ cùng tham gia sinh hoạt với đạo tràng.

Đạo tràng Pháp Hoa dần dần hình thành với mọi lứa tuổi, mọi thành phần trong xã hội, mỗi người đến với Đạo tràng theo một duyên khác nhau, đó chính là nguyên nhân để các chúng lần lượt ra đời. Không chỉ phát triển ở trong nước, đạo tràng Pháp Hoa còn được truyền bá ra hải ngoại, qua những đệ tử của Hòa thượng sáng lập, sống và làm việc tại một số quốc gia như Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Canada, Úc…

Giờ thì ông là tân Pháp chủ đời thứ tư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Liệu "tinh thần đạo Phật phù hợp với tuổi trẻ" hôm nay có được "chấn hưng" như điều mà ông từng rất thành công khi còn là Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất?

Phạm Lê Đoan

Nguồn : VNTB, 30/11/2022

*************************

Tổ chức tôn giáo là "pháp nhân phi thương mại"

Cát Tường, VNTB, 30/11/2022

Khi xảy ra tranh chấp có một bên đương sự cơ sở tôn giáo như chùa, thì việc xác định chùa có tư cách pháp nhân hay không, có ý nghĩa quan trọng để áp dụng pháp luật cho đúng và thống nhất.

tongiao0

Cơ sở vật chất của đạo Phật ở Việt Nam - Ảnh minh họa

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 có việc công nhận pháp nhân tổ chức tôn giáo, nội dung cụ thể như sau : Chính thức công nhận pháp nhân phi thương mại đối với các tổ chức tôn giáo : "1. Tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận…" (Điều 30).

Có nghĩa là từ khi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có hiệu lực việc vấn đề tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo được khẳng định, và nhất là đi kèm với công nhận tư cách pháp nhân là nhiều vấn đề được định chế cụ thể liên quan đến hoạt động tôn giáo.

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo cũng quy định việc các tổ chức tôn giáo phải xây dựng Hiến chương (gọi chung của Hiến chương, điều lệ, quy chế các tổ chức tôn giáo) để xác định về tên gọi của tổ chức, tôn chỉ, mục đích hoạt động, địa bàn hoạt động, trụ sở chính, tài chính tài sản, người đại diện theo pháp luật, mẫu con dấu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và có cấu tổ chức của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, quan hệ giữa tổ chức tôn giáo với tổ chức tôn giáo trực thuộc,… (Điều 23).

Hiến chương không chỉ là một trong những điều kiện của việc chính quyền công nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo, mà thông qua đây chính quyền điều chỉnh hoạt động của các tổ chức tôn giáo, hay nói các khác là tổ chức tôn giáo phải hoạt động theo đúng Hiến chương đã được công nhận.

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo cũng quy định rõ về tài sản : tổ chức tôn giáo muốn được công nhận tư cách pháp nhân phải "…có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình" (Điều 21).

Tài sản của các tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của các thành viên tổ chức, quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc nguồn khác theo quy định của pháp luật. Việc chuyển đổi, chuyện nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan (Điều 56).

Một số ý kiến cho rằng, khó xác định cơ sở tôn giáo là tài sản độc lập của tổ chức tôn giáo trực thuộc để kê khai theo quy định khi đăng ký pháp nhân phi thương mại.

Cụ thể, với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một tổ chức tôn giáo đang hoạt động hợp pháp ở Việt Nam với 63 tổ chức trực thuộc cấp tỉnh, hơn 17 ngàn cơ sở thờ tự. Một số tổ chức trực thuộc cấp tỉnh đang gửi hồ sơ đề nghị được cấp đăng ký pháp nhân, vướng mắc ở đây là việc xác định cơ sở tự viện của Phật giáo có phải là tài sản độc lập của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh theo phân cấp quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ?

Với tài sản là cơ sở tôn giáo nói chung (chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường…) vấn đề đặt ra cần quan tâm trong việc đăng ký pháp nhân phi thương mại cho tổ chức tôn giáo trực thuộc gồm :

Thứ nhất, việc phân cấp quản lý tài sản là cơ sở tôn giáo của các tổ chức tôn giáo có được coi là quy định về tài sản độc lập của tổ chức tôn giáo trực thuộc khi cấp đăng ký pháp nhân ?

Thứ hai, cơ sở tôn giáo với tư cách là tài sản có đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 5 Điều 21 của Luật về đăng ký pháp nhân "Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình".

Các vướng mắc trên dự kiến sẽ được giải quyết qua việc tu chỉnh Hiến chương tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027, vừa khai mạc hôm 28/11/2022.

Cát Tường

Nguồn : VNTB, 30/11/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Cát Tường
Read 314 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)