Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ẩn tình của món quà tân Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi tặng Thủ tướng Phạm Minh Chính ?

Huỳnh Liên, VNTB, 01/12/2022

Chiều 29/11/2022, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến thăm và cảm ơn sau thành công của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 – 2027.

phatgiao1

Đức Pháp chủ và Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tặng bức điêu khắc bản kinh Chuyển pháp luân đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Trung ương đã đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng bức điêu khắc bản kinh Chuyển pháp luân đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Một chút ‘tò mò’, là món quà này muốn gửi gắm điều gì đến Thủ tướng Phạm Minh Chính ?

Lịch sử Phật giáo cho biết, kinh Chuyển pháp luân là bài giảng pháp đầu tiên mà Sa môn Tất-đạt-đa Cồ-đàm thuyết giảng cho năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển sau khi Ngài đắc đạo. Bài pháp này tóm tắt các điểm chính yếu của Đạo giải thoát, đó là Tứ diệu đế và Bát chánh đạo.

Chi tiết hơn là thế này : Không lâu sau khi thái tử Tất Đạt Đa xuất ly đời sống thế tục, sống không gia đình, Ngài đã tu hành khổ hạnh với nỗ lực mạnh mẽ ở Uruvela. Tại đó, nhóm năm vị Tỳ-khưu đã phục vụ và chăm sóc cho nhu cầu ít ỏi của Ngài.

Sáu năm sau, Ngài nhận thấy rằng, khổ hạnh không phải là con đường đúng để giác ngộ nên đã từ bỏ nó. Ngài dùng lại vật thực cần thiết cho cơ thể. Nhóm năm vị Tỳ-khưu suy nghĩ sai lầm rằng Ngài đã từ bỏ nỗ lực giác ngộ. Thất vọng về Ngài, họ rời bỏ Ngài và đi đến Vườn Nai ở Isipatana.

Sau khi Thái tử Tất Đạt Đa chứng đạt giác ngộ và trở thành một vị Phật, ông quan sát thấy rằng nhóm năm vị Tỳ-khưu sẽ là nhóm người đầu tiên chứng ngộ Pháp (Dhamma). Vì vậy, Ngài viếng thăm họ ở Isipatana để thuyết bài Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavatana Sutta). Bài Kinh (Sutta) này rất được các Phật tử kính trọng, vì nó là lần đầu tiên Đức Phật quay bánh xe Pháp (Dhamma) mà chư thiên và nhân loại chưa từng được được nghe…

Người viết bài này nghĩ rằng ‘thay lời muốn nói’ từ món quà mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa gửi tặng Thủ tướng Phạm Minh Chính, phải chăng ông Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng muốn nói với người đứng đầu chính phủ rằng Phật giáo căn cứ trên kinh nghiệm bản thân, không phải là một lý thuyết chỉ dựa trên suy niệm và luận lý suông.

Theo đó, Phật giáo là một con đường hay Đạo (magga). Kiến thức thích hợp với lý trí là điểm then chốt của Phật giáo. Đức tin mù quáng bị loại trừ, không còn chỗ đứng trong Phật giáo. Phật giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thực hành, thay vì chú trọng đến tín ngưỡng và giáo điều. Tin tưởng suông vào giáo điều không thể dẫn đến giải thoát.

Nghi thức và cúng tế, được xem là quan trọng trong kinh Phệ Đà (Veda), không có vai trò trong Phật giáo. Không có Thần Linh để con người phải khép nép kính sợ. Cũng không có giai cấp trung gian giữa người và Thần Linh để con người phải rụt rè.

Như vậy, từ những gì mà kinh Chuyển pháp luân muốn gửi gắm đến người đời sau, phải chăng không nên tiếp tục giáo điều về một lập luận mù quáng của cái gọi là thể chế chính trị, mà chỉ có mỗi đảng cộng sản Việt Nam mới có thể đem lại sự ấm no, sự phồn vinh không giả tạo cho nhân dân.

Huỳnh Liên

Nguồn : VNTB, 01/12/2022

*************************

Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Thích Trí Quảng sẽ chấn chỉnh kỷ cương ra sao?

Phạm Lê Đoan, VNTB, 30/11/2022

Ngày 29/11/2022, phiên bế mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX tại Hà Nội đã cử hành lễ suy tôn Trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng lên ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam – lãnh đạo tối cao về Đạo pháp và Giới luật theo quy định của Hiến chương giáo hội.

phatgiao2

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX tại Hà Nội suy tôn Trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng lên ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Một năm trước, ngày 1/12/2021, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh họp phiên đặc biệt, đồng thanh suy cử Trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng đảm nhiệm ngôi vị Quyền Pháp chủ. Hội nghị kỳ 6 – khóa VIII (31/12/2021) đã nhất tâm suy tôn ông lên ngôi vị Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ngay sau khi được suy cử, tân Đệ tứ Pháp chủ Thích Trí Quảng đã ban đạo từ, trong đó có đoạn :

"Có trí tuệ mới có kỷ cương. Có trí tuệ chúng ta mới thấy cái gì đáng làm, đáng nói để tạo sự đoàn kết trong giáo hội. Từ đó, xây dựng một cương lĩnh lãnh đạo từ trên xuống dưới. Mọi người chẳng những ở bên ngoài mà ở trong lòng cũng hòa hợp trong giáo pháp của đức Phật.

Cho nên, trí tuệ và kỷ cương quan trọng nhất, có hai thứ đó thì chúng ta mới phát triển bền vững được. Phát triển mạnh mà kỷ cương kém thì đó là điều nguy hiểm vô cùng.

Cho nên tôi kỳ vọng tăng, ni và phật tử trong đại hội này, mỗi người chúng ta cảm thấy trách nhiệm của mình, những việc đã làm tốt, sống tốt thì tiếp tục phát triển; những điều chưa tốt thì khắc phục, sửa chữa… để trở thành những nhân tố tốt trong giáo hội, trong xã hội".

Lý lịch trích ngang của Trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng cho biết ông xuất gia tu học từ năm 10 tuổi tại miền Nam Việt Nam ở Phật học đường Nam Việt – chùa Ấn Quang. Từ năm 1960 – 1964, ông làm giảng sư ở các tỉnh miền Nam.

Từ năm 1965 – 1972, ông du học tại đại học Rissho, Tokyo (Nhật Bản). Giai đoạn 1973 – 1975, ông là Vụ trưởng Vụ Phiên dịch và Trước tác thuộc Tổng vụ Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Từ năm 1975 – 1981, ông là Tổng vụ trưởng Tổng vụ thanh niên thuộc Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

Tháng 11/1981, ông là thư ký đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tham dự Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam, thành viên Ban soạn thảo Hiến chương.

Sau Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam, phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã rút lui, không tham gia vào tổ chức này nữa. Lúc đó, ông tiếp tục ở lại tham gia Ban thường trực Hội đồng trị sự, đảm nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương (1981 – 2007).

Từ 1998 đến tháng 6/2022, ông là Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh. Từ 1989 – 11-2022, ông kiêm nhiệm Tổng biên tập báo Giác Ngộ.

Giai đoạn năm 2002 – 2017, ông đồng thời là Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Các chức danh kiêm nhiệm khác từ năm 2017 đến trước tháng 11/2022 của ông : Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh ; Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam ; Giám luật Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam ; Chủ tịch Hội đồng Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam ; Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Nhìn lại chặng đường hoằng pháp của ông, cho thấy điểm nổi bật rất đáng lưu tâm đó là thời gian ông còn sinh hoạt dưới ngôi nhà chung có tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

Theo đó, sau khi đất nước thống nhất, trong bối cảnh xã hội mới, để duy trì hoạt động tu học của Phật tử, đặc biệt là Phật tử trẻ, với vai trò là Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, ông Thích Trí Quảng đã chủ trương tập hợp các em thanh thiếu nhi đến chùa Ấn Quang sinh hoạt trong tinh thần đạo Phật phù hợp với tuổi trẻ.

Công việc ban đầu của các em là đảm trách việc dâng hoa cúng dường nhân dịp Đại lễ Phật đản. Về sau, các em được học giáo lý và thực hiện thời khóa tụng kinh tại tổ đình Ấn Quang, gắn kết cùng nhau hình thành nên chúng Ngọc Nữ – chúng đầu tiên của Đạo tràng Pháp Hoa, gồm các em lứa tuổi từ mẫu giáo cho đến lớp một. Không lâu sau đó, chúng thứ hai ra đời mang tên La Hầu La gồm các em có độ tuổi lớn hơn.

Với số lượng khiêm tốn ban đầu khoảng trên dưới 40 em từ đồng ấu đến thiếu niên dưới sự dẫn dắt của ông, các em ngày một thích thú thực hiện thời khóa tụng kinh Pháp Hoa 7 quyển một cách trang nghiêm; có em thuộc lòng một quyển, ba quyển cho đến cả bộ. Điều đặc biệt là học lực của các em có tiến bộ rõ nét, tạo thiện cảm với những người xung quanh và cảm hóa được bố mẹ cùng tham gia sinh hoạt với đạo tràng.

Đạo tràng Pháp Hoa dần dần hình thành với mọi lứa tuổi, mọi thành phần trong xã hội, mỗi người đến với Đạo tràng theo một duyên khác nhau, đó chính là nguyên nhân để các chúng lần lượt ra đời. Không chỉ phát triển ở trong nước, đạo tràng Pháp Hoa còn được truyền bá ra hải ngoại, qua những đệ tử của Hòa thượng sáng lập, sống và làm việc tại một số quốc gia như Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Canada, Úc…

Giờ thì ông là tân Pháp chủ đời thứ tư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Liệu "tinh thần đạo Phật phù hợp với tuổi trẻ" hôm nay có được "chấn hưng" như điều mà ông từng rất thành công khi còn là Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất?

Phạm Lê Đoan

Nguồn : VNTB, 30/11/2022

*************************

Tổ chức tôn giáo là "pháp nhân phi thương mại"

Cát Tường, VNTB, 30/11/2022

Khi xảy ra tranh chấp có một bên đương sự cơ sở tôn giáo như chùa, thì việc xác định chùa có tư cách pháp nhân hay không, có ý nghĩa quan trọng để áp dụng pháp luật cho đúng và thống nhất.

tongiao0

Cơ sở vật chất của đạo Phật ở Việt Nam - Ảnh minh họa

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 có việc công nhận pháp nhân tổ chức tôn giáo, nội dung cụ thể như sau : Chính thức công nhận pháp nhân phi thương mại đối với các tổ chức tôn giáo : "1. Tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận…" (Điều 30).

Có nghĩa là từ khi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có hiệu lực việc vấn đề tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo được khẳng định, và nhất là đi kèm với công nhận tư cách pháp nhân là nhiều vấn đề được định chế cụ thể liên quan đến hoạt động tôn giáo.

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo cũng quy định việc các tổ chức tôn giáo phải xây dựng Hiến chương (gọi chung của Hiến chương, điều lệ, quy chế các tổ chức tôn giáo) để xác định về tên gọi của tổ chức, tôn chỉ, mục đích hoạt động, địa bàn hoạt động, trụ sở chính, tài chính tài sản, người đại diện theo pháp luật, mẫu con dấu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và có cấu tổ chức của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, quan hệ giữa tổ chức tôn giáo với tổ chức tôn giáo trực thuộc,… (Điều 23).

Hiến chương không chỉ là một trong những điều kiện của việc chính quyền công nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo, mà thông qua đây chính quyền điều chỉnh hoạt động của các tổ chức tôn giáo, hay nói các khác là tổ chức tôn giáo phải hoạt động theo đúng Hiến chương đã được công nhận.

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo cũng quy định rõ về tài sản : tổ chức tôn giáo muốn được công nhận tư cách pháp nhân phải "…có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình" (Điều 21).

Tài sản của các tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của các thành viên tổ chức, quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc nguồn khác theo quy định của pháp luật. Việc chuyển đổi, chuyện nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan (Điều 56).

Một số ý kiến cho rằng, khó xác định cơ sở tôn giáo là tài sản độc lập của tổ chức tôn giáo trực thuộc để kê khai theo quy định khi đăng ký pháp nhân phi thương mại.

Cụ thể, với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một tổ chức tôn giáo đang hoạt động hợp pháp ở Việt Nam với 63 tổ chức trực thuộc cấp tỉnh, hơn 17 ngàn cơ sở thờ tự. Một số tổ chức trực thuộc cấp tỉnh đang gửi hồ sơ đề nghị được cấp đăng ký pháp nhân, vướng mắc ở đây là việc xác định cơ sở tự viện của Phật giáo có phải là tài sản độc lập của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh theo phân cấp quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ?

Với tài sản là cơ sở tôn giáo nói chung (chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường…) vấn đề đặt ra cần quan tâm trong việc đăng ký pháp nhân phi thương mại cho tổ chức tôn giáo trực thuộc gồm :

Thứ nhất, việc phân cấp quản lý tài sản là cơ sở tôn giáo của các tổ chức tôn giáo có được coi là quy định về tài sản độc lập của tổ chức tôn giáo trực thuộc khi cấp đăng ký pháp nhân ?

Thứ hai, cơ sở tôn giáo với tư cách là tài sản có đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 5 Điều 21 của Luật về đăng ký pháp nhân "Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình".

Các vướng mắc trên dự kiến sẽ được giải quyết qua việc tu chỉnh Hiến chương tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027, vừa khai mạc hôm 28/11/2022.

Cát Tường

Nguồn : VNTB, 30/11/2022

Published in Diễn đàn
mardi, 29 septembre 2020 15:27

Tôn giáo và bầu cử tại Mỹ

Từ ngày đầu tiên của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, nhà thờ đã được tách khỏi nhà nước. Nhưng điều đó không ngăn cản các chính trị gia cầu khẩn Chúa hoặc chụp mũ đối thủ là kẻ vô thần để kiếm phiếu.

tongiao1

Tổng thống Donald Trump không mở và cầm ngược Kinh thánh khi đứng chụp ảnh trước Nhà thờ St. John's gần Tòa Bạch Ốc ngày 2/6/2020

Đức tin rất mạnh ở Hoa Kỳ. Theo nhiều cách khác nhau, sự biểu hiện tôn giáo ở quốc gia này mạnh hơn nhiều so với các nước Châu Âu.

Tại một cuộc vận động bầu cử ở Ohio vào tháng 8, Tổng thống Donald Trump nói với những người ủng hộ rằng, ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden sẽ tước đoạt vũ khí của họ : "Không có tôn giáo. Làm hỏng Kinh thánh. Làm hại Chúa. Ông ta chống lại Chúa. Ông ta chống lại súng. Ông ta chống lại năng lượng, dạng năng lượng của chúng ta".

Trong các cuộc vận động bầu cử, người ta hay đề cập các đề tài về xã hội, kinh tế, chính trị, luật pháp, khí hậu và chính sách năng lượng. Nhưng việc Trump tuyên bố Biden sẽ dẹp bỏ tôn giáo, làm hại cả Chúa và Kinh thánh khiến nhiều người ngạc nhiên.

Trump đã quên rằng Joe Biden là người công giáo, là một con chiên ngoan đạo. Biden đã rất nhiều lần nói về đức tin của mình. Ông ấy kể đức tin đã mang lại cho ông niềm an ủi và sức mạnh như thế nào, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời ông. Và cũng chính đức tin đã làm ông khiêm tốn trong những lúc vui mừng và đắc thắng.

Trump nói ông yêu thích Kinh thánh nhất. Ông xếp Kinh thánh trước cuốn sách Bàn về Nghệ thuật Đàm phán của mình. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn, trong chiến dịch tranh cử năm 2015, ông ta không thể dẫn được một câu trích ra từ cuốn sách mà ông yêu thích nhất.

Tuy vậy, vào mùa hè năm nay, ông ta đã mang theo Kinh thánh đến Nhà thờ St. John's gần Tòa Bạch Ốc. Ông yêu cầu cảnh sát bắn khói cay giải tán những người biểu tình ôn hòa để dọn đường cho ông đi đến đó. Trump không mở và cầm ngược Kinh thánh khi đứng chụp ảnh trước Nhà thờ. Giám mục Episcopal của Nhà thờ đã phản ứng mạnh do việc Trump sử dụng thánh thư và Nhà thờ cho mục đích chính trị. Nhưng thông điệp không dành cho bà. Nó dành cho những người ủng hộ trung thành nhất của Trump, cánh hữu Cơ đốc giáo da trắng.

Những người theo đạo Tin lành Truyền đạo chiếm khoảng 25% dân số Hoa Kỳ. 15% thuộc về các giáo phái Tin lành khác. Các nhà thờ Tin lành người Mỹ gốc Phi truyền thống tập hợp khoảng 6-7%. 1/5 người Mỹ theo đạo Công giáo. 6% liên kết với một tôn giáo khác và khoảng 23% không theo tôn giáo nào. Nhóm sau cùng này đang phát triển nhanh nhất ở Hoa Kỳ.

Người da trắng, những người theo đạo Tin lành là khu vực bầu cử quan trọng nhất của Trump. Hơn 80% trong số đó đã bỏ phiếu cho ông vào năm 2016 và nhiều người nói rằng họ sẽ làm như vậy một lần nữa vào tháng Mười Một. Họ có lý do để hài lòng Trump. Trump đã giữ lời hứa với họ.

Trump đã bổ nhiệm 200 thẩm phán liên bang bảo thủ. Việc bổ nhiệm 3 thẩm phán bảo thủ vào Tối cao Pháp viện đã làm thay đổi cán cân, có lợi cho cánh hữu. Đối với những cử tri này, đây là vấn đề của trái tim. Trong số những điều khác, họ muốn thay đổi luật phá thai tự quyết và bảo đảm sự ủng hộ của công chúng đối với các cơ sở giáo dục tôn giáo.

Một số người Cơ đốc theo đạo Tin lành coi mọi thứ xảy ra ở Trung Đông là một phần của kế hoạch thần thánh, điều mà họ tìm thấy trong các văn bản Cựu ước. Những lời tiên tri về thời kỳ cuối cùng sẽ được ứng nghiệm. Đấng Christ sẽ trở lại và được người Do Thái công nhận là Đấng Messias.

Trump đã chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, chấp thuận việc Israel sáp nhập cao nguyên Golan và đàm phán các thỏa thuận về Bờ Tây (West Bank hay Cisjordanie) với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain đã bình thường hóa quan hệ với Israel, với sự giúp đỡ của Trump.

Những người theo đạo Tin lành ít quan tâm đến hành vi, hạnh kiểm và cuộc đời riêng của Trump. Họ suy nghĩ theo tiêu chuẩn kép, coi thường tất cả các vụ bê bối và kiện tụng. Đối với họ, Trump là một công cụ (hay thiên sứ ?!) và ông ta làm được việc.

Sự phản đối Trump đặc biệt mạnh mẽ trong những người da đen theo đạo Tin lành, người Công giáo gốc Tây Ban Nha và những người không theo tôn giáo. Cộng đồng công giáo Hoa Kỳ bị chia rẽ 50/50 do khác biệt quan điểm chính trị đảng phái. Phần lớn trong số đó đã bỏ phiếu cho Trump vào năm 2016, nhưng vào năm 2008, họ thích Barack Obama hơn John McCain.

Joe Biden có thể trở thành Tổng thống công giáo thứ hai của Hoa Kỳ. Chuyện John F. Kennedy là người công giáo đã từng là chủ đề gây tranh cãi dữ dội vào năm 1960. Biden không gặp phải rào cản tương tự. Nhưng cũng không chắc là đa số người công giáo sẽ bỏ phiếu cho ông. Trump có sự ủng hộ đáng kể, đặc biệt là trong số những người công giáo da trắng và những người bảo thủ.

Các cuộc thăm dò dư luận do viện nghiên cứu Pew thực hiện cho thấy 3/4 người Mỹ cho rằng các cộng đồng tôn giáo không nên giới thiệu các ứng cử viên chính trị. Đồng thời, một nửa trong số họ tin rằng điều rất quan trọng là Tổng thống phải có đức tin tôn giáo mạnh mẽ. Nhiều người còn nghĩ rằng Kinh thánh nên có ảnh hưởng trong việc hình thành luật pháp quốc gia.

Mặc dù Hiến pháp là thế tục, nhưng Thiên Chúa được viết trong Tuyên ngôn Độc lập. Hàng ngày, tại các trường công lập, ngoại trừ ở 4 tiểu bang, học sinh đứng lên và tuyên thệ trung thành với lá cờ và "một quốc gia dưới quyền của Chúa." Đồng đô la ghi rõ chúng ta tin tưởng Chúa. Tại Quốc hội, 9 trong số 10 dân biểu và nghị sĩ tự nhận mình là người Cơ đốc.

Hầu như tất cả các nhà lãnh đạo nắm giữ chức vụ Tổng thống đều đặt tay lên cuốn Kinh thánh khi tuyên thệ. Năm 2017, Trump đã mượn cuốn Kinh thánh cũ của Abraham Lincoln. Và tại hầu hết các buổi lễ nhậm chức kể từ năm 1881, vị Tổng thống mới nào cũng đều thêm dòng chữ : So help me God.

Biden hoặc Trump sẽ lặp lại lời nguyện cầu vào mùa đông này. Và dù kết quả bầu cử như thế nào, Hoa Kỳ vẫn sẽ không trở thành một quốc gia vô thần.

Hoàng Thủy Ngữ

(29/09/2020)

Published in Diễn đàn

An ninh ngăn chặn Linh mục Phan Văn Lợi đi dâng lễ (RFA, 02/02/2017)

Linh mục Phan Văn Lợi tại Huế hôm nay bị lực lượng an ninh thường phục chặn không cho đi dâng lễ với một số linh mục khác trong địa phận Huế.

vn1 - Copie

Linh mục Phan Văn Lợi. File photo

Bản thân linh mục Phan Văn Lợi cho biết ông tiếp tục bị ngăn chặn trở lại sau 5 ngày tết vắng mặt lực lượng an ninh canh quanh nhà ông như lâu nay, nhất là trong hai tháng vừa qua.

Khi những người không mặc sắc phục cản trở việc đi lại của ông, linh mục Phan Văn Lợi có những yêu cầu và tranh luận cùng họ như sau :

Tôi nói tôi đi làm lễ tại sao lại chặn tôi ; các anh có phải công an không ? Dĩ nhiên tôi biết họ là công an vì những tay này tôi từng thấy mặt trước đây rồi. Tôi yêu cầu đưa giấy tờ nhưng một tay ‘to xác’ nói chúng tôi đâu phải công an. Nhưng tôi nói lại các anh dù mặc thường phục nhưng là quân của thượng tá Trần Hồng Lam thuộc Công an Thừa Thiên- Huế. Ông này là sĩ quan công an lo về Công giáo tại Huế.

Theo nhận định của linh mục Phan Văn Lợi việc ông tiếp tục bị chặn có thể vì gần đây ông tiếp xúc với Đan Viện Thiên An, nơi đất đai của dòng tu này bị trưng dụng sau năm 1975 nhưng đến nay vẫn không được trả lại mà còn bị thu thêm. Bên cạnh đó nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền gồm ba linh mục tại Huế ngoài ông còn hai linh mục Nguyễn Văn Lý và Nguyễn Hữu Giải đang ở tại Tòa Giám mục nên có thể cơ quan chức năng quan ngại nhóm gặp nhau.

Linh mục Phan Văn Lợi cho rằng biện pháp ngăn chặn công dân như ông của lực lượng chức năng là vi phạm không chỉ luật pháp Việt Nam mà cả luật pháp quốc tế.

***************************

Tai nạn giao thông và đánh nhau tăng trong dịp Tết (RFA, 02/02/2017)

vn2 - Copie

Giao thông tại Hà Nội chụp hôm 23/9/2015. AFP photo

Tai nạn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 tăng cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Đó là công bố do Cục Cảnh sát Giao thông thuộc Bộ Công an đưa ra hôm nay.

Thống kê trong 7 ngày nghỉ lễ tết, từ 26 tháng Giêng đến ngày một tháng 2, cho thấy có tổng cộng gần 370 vụ tai nạn giao thông trên toàn quốc, làm chết 203 người, bị thương 417 người.

Theo Cục cảnh sát giao thông, so với cùng kỳ của Tết Bính Thân 2016, tai nạn giao thông tăng 29,5% , số người chết tăng 11,5% và số người bị thương tăng 48%.

Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ công an nhận định nguyên nhân gây tai nạn giao thông chủ yếu do người điểu khiển phương tiện lưu thông sử dụng bia rượu cao, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm.

*******************

Gói tín dụng 100 ngàn tỷ đồng cho nông nghiệp (RFA, 02/02/2017)

vn3 - Copie

Nông dân với con trâu trên một cánh đồng ở miền Bắc hôm 21/10/2015. AFP photo

Tăng hỗ trợ tín dụng cho đầu tư nông nghiệp từ 60 ngàn tỷ đồng lên 100 ngàn tỷ đồng, đó là quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra trong ngày làm việc đầu tiên sau tết Nguyên đán.

Cổng thông tin chính phủ cho biết là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Ngân hàng nhà nước thực hiện việc vận động các ngân hàng khác có gói tín dụng hỗ trợ cho quyết định trên.

Cũng từ nguồn tin này tường thuật lời của thủ tướng Phúc khẳng định phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thông minh, theo yêu cầu thị trường, hướng vào thị trường nội địa và xuất khẩu, đặc biệt là rau quả và chăn nuôi. Phương pháp thủ công ‘con trâu đi trước cái cày đi sau’ phải được cải thiện bằng công nghệ mới.

Bên cạnh đó, thủ tướng cũng nhấn mạnh thêm rằng bài toán nông nghiệp Việt Nam chỉ được giải quyết khi có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã chất lượng cao làm nông nghiệp.

Ông khẳng định bản thân thủ tướng chính phủ sẽ sát cánh với các ngành để giới thiệu các sản phẩm công nghệ cao, chất lượng cao, nông nghiệp sạch của Việt Nam ra thị trường thế giới.

********************

Việt Nam : Năng lượng than sẽ gây nhiều tác hại môi trường (RFI, 02/02/2017)

vn4 - Copie

Một nhà máy dệt may ở Hưng Yên. Việt Nam phải gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Reuters

Việt Nam gia tăng số nhà máy điện chạy bằng than bất chấp những lời báo động về tác hại nặng nề lên môi trường. Đó là nội dung một bài viết được đăng trên trang mạng The Diplomat ngày 25/01/2017. Tác giả là ông Nguyễn Việt Phương, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình An ninh Quốc tế của Trung tâm Belfer, Trường hành chính Kennedy, Đại học Havard.

Đầu tiên, tác giả bài viết nhắc lại rằng, ngày 12/01 vừa qua, tạp chí Khoa học & Công nghệ Môi trường đã công bố một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard, tổ chức Greenpeace, và Đại học Colorado Boulder có tiêu đề "Gánh nặng bệnh tật do việc tăng lượng khí phát thải từ các nhà máy điện chạy bằng than ở Đông Nam Á".

Dựa trên các dữ liệu chính thức về các dự án nhà máy điện chạy than tương lai ở khu vực Đông Nam Á và dựa trên mô hình hóa sự di chuyển của các khối không khí, nhóm nghiên cứu đã trình bày một bức tranh ảm đạm về ô nhiễm không khí trong khu vực do khí phát thải từ các nhà máy nói trên.

Theo công trình nghiên cứu này, đến năm 2030, Việt Nam sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất trong khối ASEAN bởi tình trạng ô nhiễm do than, tính về tỷ lệ tử vong sớm do khí phát thải từ nhà máy điện chạy than, với số người chết thêm là 188,8 trên một triệu dân. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ của quốc gia bị ảnh hưởng thứ nhì, Indonesia (85,4 trên một triệu dân)

Tính tổng số, người ta ước tính rằng sẽ có thêm khoảng 20.000 ca tử vong mỗi năm vào năm 2030 tại Việt Nam do ô nhiễm than, tức là cao gấp năm lần con số đưa ra vào năm 2011 (thêm 4.252 ca tử vong). Đây là con số rất lớn nếu ta biết rằng tai nạn giao thông, vốn là nguyên nhân gây tử vong không tự nhiên hàng đầu ở Việt Nam, chỉ gây ra tỷ lệ tử vong trung bình khoảng 106 trường hợp tử vong trên một triệu người trong vòng 5 năm qua.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Phương, bên cạnh những phát hiện đáng báo động đó, thời điểm ra báo cáo của Harvard-Greenpeace-Colorado cũng đáng chú ý, bởi vì chính phủ Việt Nam vừa công bố quyết định hủy bỏ các dự án nhà máy hạt nhân với những lý do chính là không có nhu cầu và các khó khăn tài chính.

Theo lời Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, các nhà máy hạt nhân sẽ được thay thế bằng các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch than và khí tự nhiên hóa lỏng. Theo dự kiến, than sẽ thay thế thủy điện thành nguồn điện năng chính tại Việt Nam vào đầu những năm 2020, và đến năm 2030, các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than sẽ tạo ra hơn một nửa tổng lượng điện của Việt Nam.

Để trấn an công luận về các tác động có thể có của ô nhiễm than, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong buổi làm việc với Công ty Điện lực Việt Nam, đã nhấn mạnh rằng công ty này phải chú ý đến các khía cạnh môi trường của những dự án nhà máy điện mới và áp dụng những bài học rút ra từ các vụ ô nhiễm công nghiệp gần đây.

Theo tác giả bài viết, ngoài các hóa chất gây ô nhiễm biển từ công ty Đài Loan Formosa, còn phải kể đến vụ ô nhiễm không khí và ô nhiễm biển từ các nhà máy điện chạy than Vĩnh Tân, nằm không xa địa điểm trước đây được dự trù xây các nhà các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.

Các chuyên gia Việt Nam cũng đã lên tiếng quan ngại về việc nhiều nhà máy điện chạy than đã được trang bị những công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả và gây ô nhiễm của Trung Quốc, có thể là đầu tư giá rẻ trong ngắn hạn, nhưng sẽ gây tác hại rất lớn đối với cộng đồng địa phương và môi trường trong tương lai.

Với sản lượng suy giảm của thủy điện và khả năng hạn chế về năng lượng tái tạo trong một đất nước có mật độ dân số cao và mạng lưới điện đang rất "căng", chính phủ Việt Nam, mà hiện có ngân sách rất eo hẹp, thực sự không có nhiều sự lựa chọn nào khác ngoài than và khí tự nhiên cho kế hoạch phát triển năng lượng. Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, cho dù nguồn lực nhà nước có hạn chế như thế nào, cũng phải dành ưu tiên cho phúc lợi của người dân, sẽ là những người đầu tiên gánh chịu những ảnh hưởng, đã được giới nghiên cứu chứng minh, của ô nhiễm than.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Phương kết luận : "Muộn còn hơn không, như người ta vẫn nói, có lẽ đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam loại bỏ các nhà máy điện chạy than gây ô nhiễm và nghiên cứu các phương án "sạch" hơn cho sản xuất điện. phát điện. Trong số các phương án này, năng lượng hạt nhân không có khí phát thải nên được xem xét lại, mặc dù trong ngắn hạn, chưa thể quay trở lại năng lượng hạt nhân, do những yếu tố chính trị và kinh tế.

Cũng về nhà máy điện chạy bằng than ở Việt Nam, trang Forbes (forbes.com) ngày 31/01 vừa qua có đăng ý kiến của tác giả Nish Chugh.

Mở đầu bài viết, tác giả nhắc lại rằng vào năm 2011, Ngân hàng Thế giới đã dự đoán Việt Nam sẽ là một trong năm nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Sáu năm sau, Việt Nam dường như đang trên đường biến dự đoán đó thành hiện thực. Biến đổi khí hậu đã bắt đầu tác động đến nông nghiệp và môi trường của Việt Nam, vào lúc mà nước này đang phục hồi ngành than để đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao.

Tác giả bài viết lưu ý rằng, kinh tế Việt Nam trong hai thập niên qua đã tăng trung bình hàng năm 6%, cho nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên với việc nhu cầu năng lượng trong nước tăng 10% mỗi năm.

Sau khi bỏ dự án điện hạt nhân, Việt Nam đã quay trở lại với cái đã có sẳn, đó là than. Vừa miễn phí, vừa dồi dào. Thế nhưng, theo tác giả Nish Chugh, chọn các nhiên liệu hóa thạch giá rẻ sẽ gây ra những tổn hại không thể đảo ngược được trong dài hạn. Thật không may là những tác hại đó đã bắt đầu xảy ra.

Theo ước tính của Công ty Điện lực Việt Nam, tiêu thụ điện năng hàng năm của cả nước là khoảng 162 tỷ kWh. Hiện nay, Việt Nam có tới 20 nhà máy điện chạy bằng than và có kế hoạch tăng số nhà máy này lên 32 vào năm 2020 và lên 51 vào năm 2030. Điều này có nghĩa là vào năm 2020 các nhà máy than của Việt Nam sẽ sản xuất 49% sản lượng điện bằng cách đốt 63 triệu tấn than. Khi có đến 51 nhà máy hoạt động, khối lượng than được đốt sẽ lên tới 129 triệu tấn.

Theo tác giả Nish Chugh, đối với Việt Nam đó là một con dao hai lưỡi. Mặc dù việc xây dựng các nhà máy than mới có thể giúp Việt Nam xóa bỏ dần những nhà máy than không hiệu quả và gây nhiều ô nhiễm, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước với chi phí phải chăng, các chuyên gia tin rằng đó không phải là lựa chọn duy nhất.

Ngân hàng Thế giới đã xác định được một tiềm năng lớn về năng lượng gió ở khu vực phía nam các vùng miền Trung Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp thêm khoảng 513 MW. Tương tự, năng lượng mặt trời cũng có nhiều hứa hẹn tại một quốc gia có đến 2500 giờ nắng mỗi năm. Một báo cáo từ công ty tư vấn Duanne Morris nhấn mạnh là nên dùng khí thiên nhiên rẻ hơn và sạch hơn so với than cho một kết hợp năng lượng xanh hơn. Các nhà tư vấn cho rằng Việt Nam có thể tìm nguồn tài chính cho lĩnh vực năng lượng tái tạo hơn dể hơn là cho các nhà máy điện chạy than.

Tác giả Nish Chugh cũng cho rằng Việt Nam nên xem xét lại cơ cấu năng lượng của nước này trước khi quá muộn và cần phải quyết định xem chuyển sang than hiện nay để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày mai có thực sự mang tính kinh tế trong dài hạn hay không.

Thanh Phương

Published in Việt Nam