Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/12/2022

"Thẻ vàng" thủy sản và trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam

Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)

Suốt 5 năm qua, thủy sản Việt Nam bị Ủy ban Châu Âu (EC) gắn "thẻ vàng". Nói ngắn gọn nó là thẻ phạt đối với các quốc gia vi phạm quy định hàng hóa hải sản khi nhập khẩu vào thị trường EU. Cứ cách năm là họ lại qua thanh tra, đến 3 lần rồi, thẻ đều không được gỡ bỏ, nguy cơ còn bị ‘thẻ đỏ’, tức là bị cấm xuất sang Châu Âu.

thevang1

Ngư dân trên tàu cá gần đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi hôm 20/8/2022 - AFP

Thế nhưng, hầu như chỉ nghe nói về trách nhiệm của ngư dân – đánh bắt hải sản trên vùng biển nước khác, bị bắt, phạt, gọi là khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) và cách kiểm soát hoạt động của họ. Báo của Chính phủ nhấn mạnh điều đó, coi nó như là nguyên nhân chính dẫn tới bị ‘thẻ vàng’ (1). Trong hội thảo mới đây (2), do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức, trong đó chỉ tập trung bàn về "quản lý" đối với ngư dân.

Nguyên nhân thứ hai là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Cuộc họp mới đây nhất của Chính phủ với 28 địa phương ngày 1/12/2022 thể hiện điều đó (3).

Thế còn trách nhiệm của Chính phủ cùng các bộ ngành trung ương ? Chỉ xin điểm qua vài hiện tượng liên quan để cùng suy ngẫm.

Nước đến chân…

Không phải vấn đề ngư dân đánh bắt hải sản ở vùng biển nước khác bị bắt, xử phạt mới nổi lên trong 5 năm nay, bị EC phạt "thẻ vàng", mà nó đã có từ lâu. Đơn cử Bà Rịa-Vũng Tàu, đã có thống kê từ 2005-2008 có 844 ngư dân bị Indonesia bắt giữ (4).

Báo chí cũng đã có nhiều bài, thậm chí cả phóng sự về tình cảnh ngư dân bị giam giữ ở Indonesia trong nhiều năm trước khi bị EC phạt "thẻ vàng". Theo chính thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thì chỉ từ 2010 đến 2017 là thời điểm bị "thẻ vàng" mà đã có tới 11.000 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ vì đánh bắt hải sản trái phép (5).

Thế nhưng chỉ thấy Chính phủ "chỉ đạo" "quyết liệt" từ sau khi bị gắn thẻ.

thevang2

Một sĩ quan Cảnh sát biển Hoàng gia Thái Lan bắt giữ các ngư dân Việt Nam trên thuyền của họ ở tỉnh Narathiwat, miền nam Thái Lan. Cảnh sát biển Hoàng gia Thái Lan đã bắt quả tang hai tàu cá Việt Nam và thủy thủ đoàn đánh bắt trái phép trên vùng biển Thái Lan vào ngày 18/04/2020. AFP

Oan sai

Ngư dân Việt Nam bị bắt, bị phạt đều là do họ vi phạm cả, hay còn cả bị oan ? Không ít trường hợp báo chí nêu họ coi là bị oan.

Thế nhưng, việc bảo hộ quyền công dân, trợ giúp ngư dân khi phải ra tòa án nước ngoài là rất mờ nhạt. Đơn cử, ngay thời điểm bị "thẻ vàng", năm 2017, đã có vụ ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ tàu (6), họ đã kêu cứu, cho là bị oan vì chỉ đánh bắt ở vùng biển truyền thống của Việt Nam. Thế nhưng, trách nhiệm của Bộ Ngoại giao Việt Nam là rất mờ nhạt, chỉ thấy "Cục Lãnh sự cũng đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia tiếp tục theo dõi sát vụ việc, phối hợp chặt chẽ…".

Thêm nữa, việc Indonesia đánh chìm tàu cá bị cho là đánh bắt trái phép, trong đó có tàu cá Việt Nam, từ trước khi Việt Nam bị "thẻ vàng", cũng đã bị báo chí đánh dấu hỏi về tính pháp lý (7). Thế nhưng, chẳng thấy Bộ Ngoại giao Việt Nam, hay các cơ quan của Chính phủ làm việc với nước bạn để xử lý vấn đề phức tạp về pháp lý này.

Vùng biển chồng lấn

Ngư dân ta bị bắt khi đang đánh bắt hải sản ở vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam với Indonesia, Malaysia là khá nhiều. 

Vậy giải quyết giữa Chính phủ Việt Nam với chính phủ các nước khác trong vấn đề ngư dân đánh bắt ở vùng biển chồng lấn ra sao rồi, hay cũng đầy những khiếm khuyết đáng trách ?

Đơn cử, trong một công trình nghiên cứu năm 2020 của một sinh viên Đại học Kinh tế Luật cũng chỉ ra rằng "Bản ghi nhớ về khai thác chung giữa Việt Nam và Malaysia mới chỉ dừng lại ở việc điều chỉnh hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí chung giữa các nước tại khu vực chồng lấn thềm lục địa, chứ không hề đề cập đến hoạt động nghề cá". "Hiệp định về Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia quy định khá sơ sài về hoạt động đánh bắt cá" (8).

Cò ngư tặc

"Xuất khẩu" ngư dân đi đánh bắt cá trái phép ở nước ngoài (9). Điều này nghe là lạ, nhưng lại là thật. Nó cũng là một nguyên nhân dẫn tới bị ‘thẻ vàng’. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đề xuất cơ quan công an phải vào cuộc điều tra, xử lý. Mới đây nhất, 9/2022, Thủ tướng có phê duyệt Đề án Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp (10) không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 (khai thác IUU), trong đó có "yêu cầu Bộ Công an và các đơn vị tập trung điều tra, xử lý nghiêm, dứt điểm các tổ chức, cá nhân, môi giới móc nối cố tình đưa tàu cá Việt Nam ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép". Trước đó đúng một năm, cũng tại cuộc họp với 28 địa phương, Thủ tướng cũng đã đưa ra yêu cầu tương tự với Bộ Công an, nói rõ là phải "khởi tố hình sự một số vụ việc" (11). Nhưng cho tới nay, chưa cho thấy có vụ nào được công bố.

thevang3

Tàu cá của ngư dân Việt Nam neo đậu ở cảng thuộc tỉnh Quảng Ngãi hôm 28/10/2020. AFP

Cạn kiệt nguồn

Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng ngư dân Việt Nam phải ra tận vùng biển nước khác đánh bắt, vừa tốn kém hơn, vừa rất nguy hiểm là gì ? Có phải do nguồn lợi thủy sản Việt Nam đã cạn kiệt, nhưng Chính phủ thiếu giải pháp tổng thể để giúp họ phát triển nghề phụ, chuyển đổi nghề, v.v., nên buộc họ phải liều mình như vậy ? Báo chí đã nêu từ trước cả khi bị ‘thẻ vàng’ (12), nhưng chẳng thấy vấn đề này được đề cập trong các cuộc họp của Chính phủ, điển hình là cuộc họp mới nhất ngày 1/12.

Chính sách

Nghị định 67 năm 2014, liên tục trong nhiều năm được báo chí phản ánh là đã nảy sinh vô số khó khăn cho ngư dân trong việc đóng tàu mới để đánh bắt xa bờ (13). Thế rồi năm 2018 lại có thêm Nghị định 17 sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 (14), nhưng xem ra vẫn không ổn (15). Tiếp đến, năm 2021, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lại chuẩn bị trình dự thảo nghị định mới sửa đổi Nghị định 67 và Nghị định 17 , nhưng nay chưa thấy có thêm tin tức gì (16).

Chỉ xin điểm qua sơ sơ vậy, trong khi còn nhiều điều đáng nói về trách nhiệm của Chính phủ trong vấn đề này.

Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)

Nguồn : RFA, 03/129/2022

Tham khảo :

- Gỡ thẻ vàng của EC : Ý thức ngư dân là yếu tố quan trọng hàng đầu.

- Nhiều khó khăn trong quản lý khai thác thủy sản xa bờ https://quochoi.vn/tintuc/Pages/danh-sach-tin-tuc.aspx?ItemID=67857&CategoryId=0

- Thủ tướng : Triển khai '180 ngày hành động' gỡ thẻ vàng

- Từ năm 2005 đến nay : 844 ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ

- Hơn 11.000 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ vì đánh bắt hải sản trái phép

- Ngư dân kêu cứu : Bị Indonesia bắt tàu ở vùng biển truyền thốngVit Nam

- Indonesia đánh chìm tàu cá Việt Nam ; Indonesia đánh chìm tàu cá láng giềng ở Biển Đông có đúng luật ?

- Đánh bắt cá tại vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng dưới góc nhìn của luật quốc tế.

Đề xuất điều tra việc đưa tàu thuyền đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài61 ngư dân bị Indonesia bắt giữ : Ai ngăn cản việc đưa tàu về nước ?

- Điều tra đường dây 'ngư tặc' đưa tàu Việt Nam ra nước ngoài đánh bắt cá

- Thủ tướng : Khởi tố hình sự một số vụ khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài

- Vì sao càng ngày nhiều vụ ngư dân Việt bị bắt ở nước ngoài ?

- 80% tàu đóng mới theo nghị định 67 tại Quảng Ngãi đánh bắt không hiệu quả ; Tàu 67 nằm bờ, ngư dân nợ nần chồng chất

- Nghị định 17/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 67/2014/NĐ-CP

- Vì sao ngư dân không mặn mà với Nghị định 17/2018/NĐ-CP ?

- Sửa Nghị định 67, tạo điều kiện để ngư dân vươn khơi, bám biển

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)
Read 301 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)