Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/12/2022

Chính sách thí điểm của Sài Gòn là gì ?

Hồng Dân - Nguyễn Nam

Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất gì với Trung ương về "chính sách thí điểm" ?

Hồng Dân, VNTB, 04/12/2022

Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh muốn thí điểm thu thuế bất động sản thứ hai, tự quyết nhiều quy định về đầu tư để thu hút nguồn vốn tư nhân…

saigon1

UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị bảy nhóm vấn đề, trong đó có việc giữ nguyên tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố là 21% đến hết năm 2025.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội. Tờ trình do Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi ký ngày 1/12/2022.

Quan điểm của Thành phố Hồ Chí Minh là các cơ chế, chính sách đặc thù phải không làm ảnh hưởng đến sự điều hành chung của chính phủ và lợi ích của các địa phương khác, mà chủ yếu nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh

Xây dựng các cơ chế nhằm giải phóng các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân, tham gia phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh.

Không tăng tỷ lệ điều tiết của ngân sách chung về Thành phố Hồ Chí Minh, mà xây dựng cơ chế tạo ra nguồn thu để tăng chi, nhất là chi cho đầu tư. Hình thành các cơ chế để thành phố có thêm nguồn thu cho ngân sách thành phố để chi cho đầu tư phát triển, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

Một số nội dung đáng chú ý còn vì tính "phổ quát" của nó chứ không riêng mỗi Thành phố Hồ Chí Minh cần đến, như :

Về quản lý đầu tư, hiện nay quy trình thủ tục đầu tư, cơ chế giao đất, cho thuê đất, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ rất đặc thù về quỹ đất… vướng rất nhiều quy định và đang là "điểm nghẽn" trong thu hút vốn đầu tư ; thu hút PPP trong lĩnh vực văn hóa – thể thao.

Nếu được tháo gỡ sẽ huy động thêm được nguồn lực và tăng khả năng hấp thụ vốn đầu tư tư nhân, giúp cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển.

Về tài chính ngân sách, cơ bản giữ lại các nội dung của Nghị quyết 54, ngoài quy định về thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế môi trường vì không khả thi.

Bổ sung quyết định thu thuế bổ sung đối với bất động sản thứ hai trở lên, trừ bất động sản duy nhất.

Bên cạnh đó, hiện Thành phố Hồ Chí Minh được hưởng ngân sách theo tỷ lệ điều tiết là 21%. Đề nghị giữ nguyên tỷ lệ này đến hết năm 2025.

Thành phố được thí điểm cơ chế bồi thường bằng đất theo tỷ lệ khi giải phóng mặt bằng. Cho phép Thành phố Hồ Chí Minh được thí điểm tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B…

Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, phân cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị với điều kiện không làm thay đổi quan điểm và định hướng quy hoạch tổng thể.

Phân cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh được quyết định các nội dung liên quan đến xây dựng nhà ở thương mại ; nhà ở xã hội, nhà tái định cư, xử lý chung cư cũ, nhà ở trên, ven kênh rạch… hiện đang gặp vướng về quy định.

Phân cấp hoàn toàn cho Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và ban hành hạ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất. Thành phố Hồ Chí Minh được thí điểm bồi thường "bằng đất theo tỉ lệ" khi giải phóng mặt bằng…

Về quản lý văn hóa xã hội và quản lý trật tự xã hội, phân cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh quy định các điều kiện thành lập, xây dựng các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao trong các dự án phát triển đô thị.

Mở rộng thẩm quyền "lập quy" của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong lĩnh vực xử phạt các loại vi phạm hành chính về đô thị chưa có quy định hoặc quy định chưa đủ sức răn đe…

Về tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tiếp tục thực hiện quy định về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức tại Nghị quyết 54. Đồng thời, bổ sung phân cấp cho Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn…

Về thành phố Thủ Đức, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện nay thành phố Thủ Đức cơ bản như đơn vị hành chính cấp quận. Theo đó, kiến nghị cho phép Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố Hồ Chí Minh phân cấp cho chính quyền thành phố Thủ Đức những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền ở số lĩnh vực quản lý nhà nước.

Chuyển giao một số nhiệm vụ thuộc sở ngành thành phố cho thành phố Thủ Đức. Cho phép Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định bộ máy hành chính và các đơn vị sự nghiệp của thành phố Thủ Đức. Ưu tiên phân bổ ngân sách cho thành phố Thủ Đức để chi đầu tư phát triển.

Trước đó, phát biểu tại kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hôm 7/7/2022, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhìn nhận có sự hạn chế trong việc phân cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, lúc ban đầu tiếp cận theo Nghị quyết 54, việc này phân cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng khi làm phải hỏi ý kiến các bộ, mà phải quy lại các quy định của pháp luật.

"Phân cấp phải giao điều kiện để thực hiện, đây là vấn đề cốt lõi mà Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa vào nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 trong thời gian tới", ông Mãi nói – "Điều tôi kỳ vọng nhất là có cơ chế phân cấp phân quyền rõ ràng hơn trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước cho thành phố. Ví dụ như liên quan về kinh tế, đất đai, quy hoạch, xây dựng, nhà ở, môi trường… phải được minh bạch về thẩm quyền".

Hồng Dân

Nguồn : VNTB, 04/12/2022

************************

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có các chính sách "đặc thù" ở tầm Bộ Chính trị

Nguyễn Nam, VNTB, 03/12/2022

Ngày 2/12/2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, cho ý kiến về đề án tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, phương hướng nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.

saigon2

Bộ Chính trị thống nhất ra nghị quyết mới về Thành phố Hồ Chí Minh, thí điểm chính sách đặc thù…

Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thành phố Hồ Chí Minh, với vai trò đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, đầu tàu, động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước, Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu đến năm 2030 là thành phố dịch vụ – công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa của khu vực Đông Nam Á, hội nhập quốc tế sâu rộng ; đến năm 2045, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ Châu Á, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, có chất lượng cuộc sống cao ; là đô thị phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.

Tin tức cho biết, tại buổi họp, Bộ Chính trị tiếp tục đưa yêu cầu mang tính hình thức, rằng, "Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết.

Tiếp tục quán triệt, thống nhất, nâng cao nhận thức, đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng và phát triển thành phố trong giai đoạn mới. Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế ; tăng cường liên kết phát triển vùng ; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm hạ tầng đi trước một bước.

Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch. Phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để thành phố phát triển nhanh và bền vững. Phát triển mạnh mẽ văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, xây dựng con người thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Người đứng đầu Bộ Chính trị cũng lưu ý chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cần luôn bảo đảm quốc phòng an ninh ; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế. "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về thành phố, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới" là những mệnh lệnh hành chính khác của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Với việc tiếp tục "cơ chế – chính sách đặc thù" cho Thành phố Hồ Chí Minh, giới quan sát cho rằng nếu không có sự cởi mở nào tương ứng về chính trị, và sự đồng bộ của luật pháp, thì ‘giới tinh hoa’ ở Sài Gòn cũng rất ngại ngần trong đóng góp toàn tâm, toàn trí.

Bởi đơn giản thôi, chỉ cần nhìn vụ án bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh vừa xét xử phiên sơ thẩm, cho thấy những người thầy thuốc nơi đây bằng thực tế lâm sàng, bằng kiến thức chuyên môn…, họ đã lựa chọn sản phẩm y tế tốt nhất, hiệu quả ổn định nhất, hạn chế thấp nhất các tai biến y khoa để phục vụ bệnh nhân.

Thế nhưng điều đó lại khiến bên bảo hiểm y tế phải xuất chi nhiều hơn, thay vì chọn hàng rẻ qua đấu thầu vốn không hề buộc ghi nhận ý kiến chuyên môn từ bác sĩ chuyên trách… Nếu cái gọi là "cơ chế – chính sách đặc thù" kiểu nay đúng – mai sai – mốt đúng – ngày kia ‘xem xét lại’,… vậy thì trong tâm thế vừa làm vừa run ấy, thử hỏi làm sao có thể phát triển bền vững ?

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 03/12/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hồng Dân, Nguyễn Nam
Read 536 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)