Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/12/2022

Trò hề bóc thăm kiểm tra tài sản, Vũ Đức Đam sẽ đi về đâu

Nguyễn Lan - Lê Hoàng

Bộ Công an chọn 14 quan "gộc" để soi, cơ hội triệt hạ nhau hay chỉ là trò hề ?

Nguyễn Lan, Thoibao.de, 05/12/2022

Chuyện chính quyền địa phương hoặc các bộ tổ chức bốc thăm nay rủi, chọn một số quan chức để kiểm tra, kê khai tài sản, được xem là cách chống tham nhũng của Chính quyền cộng sản. Không phải đến bây giờ Bộ Công an mới làm, mà từ năm 2021, Bộ Lao động, thương binh và xã hội cũng đã tổ chức bốc thăm để tiến hành kiểm tra mức độ trung thực khi kê khai tài sản, thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, kết quả thì chẳng có ai thiếu trung thực hay có tài sản bất minh.

taisan1

Hà Nội đã từng có trò hề bốc thăm kiểm tra

Điều nực cười là, rất nhiều quan chức chính quyền dù chỉ có đồng lương chết đói vẫn nuôi được con du học với chi phí cả trăm ngàn đô một năm, nhưng khi bốc trúng thăm và bị kiểm tra thì chẳng ai có tài sản bất minh. Việc làm này không thuyết phục được ai, không ai tin quan chức Chính quyền cộng sản là trong sạch. Bởi nếu họ trong sạch thì tiền đâu họ chi tiêu xa xỉ ? Bởi nếu họ trong sạch thì chỉ có thể ở nhà thuê chứ đừng nói đến những căn biệt phủ hoặc những căn nhà hoành tráng tại các vị trí đắc địa có giá trị hàng triệu đô la.

Được biết, từ năm 2009 đến 2021, bộ máy chính trị, bộ máy công quyền của Hà Nội "không phát hiện vụ tham nhũng". Tuy nhiên, sau đó thì ông Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bị khởi tố, bị truy tố, bị Tòa án phạt tù, rồi vứt ra 25 tỉ để được giảm án ba năm tù giam. Mức lương của ông Chung chỉ vào khoảng 600 đô la một tháng, mà ông có thể bỏ ra triệu đô để mua ba năm tù, thì tiền ở đâu ra ?

Ngày 1/12, Bộ Công an cho biết, Thanh tra Bộ này đã vừa bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập của 14 người có chức vụ, quyền hạn trong ngành công an năm 2022.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 8726/QĐ-BCA-X05 ngày 21/11 phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong ngành công an, thuộc thẩm quyền của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập Bộ Công an năm 2022. Sau đó, chiều 30/11, Trung tướng Trần Đức Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Công an – người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Bộ Công an, đã chủ trì Hội nghị công bố Quyết định xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong ngành công an năm 2022.

Sau 14 lần bốc thăm, chọn ra được 14 người ở 7 đơn vị thuộc Bộ Công an, để tiến hành kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập. Tổ xác minh tài sản, thu nhập sẽ bao gồm 7 người, do Thượng tá Bùi Gia Cường, Trưởng phòng Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Bộ Công an làm Tổ trưởng.

taisan2

Bộ Lao động, thương binh và xã hội cũng từng diễn vở kịch bốc thăm

Bộ Công an vốn là nơi có tai tiếng tham nhũng nhiều nhất. Từ cảnh sát giao thông, cảnh sát điều tra, đến công an khu vực đều rất biết làm kinh tế. Công an giao thông thì mãi lộ móc túi người dân, cảnh sát điều tra thì không ít người dính đến tội phạm như vụ án Năm Cam trước đây và vụ án Mười Thường mới đây ở An Giang. Và cảnh sát khu vực thì bảo kê cho các tụ điểm kinh doanh nhạy cảm như vũ trường, quán ba vv…

Có người cho rằng, việc làm của Bộ Công an lần này cũng chẳng khác Bộ Lao động, thương binh và xã hội hay Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội trước đây. Cũng chỉ làm cho có lệ và không phát hiện được gì. Nhiều người lại kết luận, Đảng cộng sản vẽ ra trò bốc thăm và thanh tra này chỉ là cách mị dân, họ muốn cho dân biết rằng, Đảng cũng đang làm mọi cách để chống tham nhũng. Tuy nhiên, hiệu quả thì vẫn là số không tròn trĩnh. Ông Nguyễn Phú Trọng từng hô hào "chống tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng", vì thực tế các cơ quan chống tham nhũng cũng tham nhũng để đưa ra kết luận "huề cả làng" mà thôi.

Có một bạn đọc của Thoibao.de cho ý kiến rằng, có khi ông Tô Lâm dùng công cụ này để triệt hạ một số kẻ không biết phục tùng trong Bộ Công an. Ý kiến này cũng là một góc nhìn, biết đâu đây là công cụ để triệt hạ đối thủ của ông Tô Lâm ? Đúng hay sai thì đợi là biết.

Nguyễn Lan (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 05/12/2022

***************************

Vũ Đức Đam đã đến hồi thành củi, hay vẫn còn uy quyền để ém được vết chàm ?

Lê Hoàng, Thoibao.de, 05/12/2022

Vụ Bộ Công an bắt ông Nguyễn Văn Trịnh, Trợ lý Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam do liên quan vụ Việt Á vào hôm ngày 30/11 vừa qua, có một chi tiết làm nhiều bạn đọc Thoibao.de thắc mắc, và chúng tôi cũng muốn có bài phân tích để bạn đọc có cái nhìn rộng hơn về vấn đề này. Đó là, người ta thắc mắc, tại sao tất cả các báo Nhà nước đều không nêu tên ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mà lại giấu tên ông này ? Có người cho là, báo chí sợ ông Vũ Đức Đam, có ý thì cho là, ở trên chỉ đạo giấu tên ông Vũ Đức Đam và thậm chí có người còn cho rằng, ông Vũ Đức Đam là "bất khả xâm phạm". Nói chung có rất nhiều ý kiến băn khoăn.

taisan3

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Thực ra, ai cũng biết là, một khi trợ lý cấu kết với Việt Á thì đó chính là chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Khi ông Nguyễn Văn Trịnh bị bắt, thì xem như ông Vũ Đức Đam đã có tội. Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra có buộc tội ông Vũ Đức Đam hay không mà thôi. Như vậy thì, liệu ông Vũ Đức Đam có phải là nhân vật còn đang có uy quyền mạnh, đến mức, hiện tại ông vẫn đang là người bất khả xâm phạm ?

Thực ra tội của ông Vũ Đức Đam đã được xác định từ ngày 15/7, khi đó, kỳ họp của Bộ Chính trị đã xác định ông Vũ Đức Đam có tội. Đến Hội nghị Trung ương 6, nhiều người chờ đợi Trung ương kỷ luật ông Phó Thủ tướng này, nhưng vẫn không thấy động tĩnh gì. Một khi đã bị Bộ Chính trị kết luận, thì không thể nói ông Vũ Đức Đam đủ uy để làm mình thoát tội được. Chức Phó Thủ tướng của ông Vũ Đức Đam không có quyền lực quá lớn.

Như bình luận ở những bài trước, Thoibao.de cũng đánh giá, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn đang ở thế thượng phong. Thỉnh thoảng, ông Trọng giáng một cú đấm xuống thị trường tài chính, thì ông Phạm Minh Chính vất vả tập hợp quân tướng chống đỡ. Đến ông Thủ tướng còn không thể có quyền uy trước ông Tổng Bí thư thì nói chi ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Thực ra lâu nay, ông Vũ Đức Đam là con người trung dung. Không ngả về ông Tổng Bí thư, mà cũng chẳng ngả hẳn về phe ông Phạm Minh Chính. Chính vì thái độ chính trị tránh đối đầu này, mà có thể đã làm cho ông Tổng chưa ra tay. Tuy nhiên, sắp tới ông Tổng có ra tay với ông Phó Thủ tướng này hay không thì không biết.

Còn về phần báo chí, những tên tuổi đến cấp bậc Phó Thủ tướng, thì các tờ báo rất cẩn thận, họ cần nhận mệnh lệnh từ Ban Tuyên giáo Trung ương thì mới dám nói. Hoặc họ sẽ hóng các tờ báo đầu đàn của Đảng, như tờ báo Nhân dân, Đài Truyền Hình Việt Nam VTV, Đài Tiếng Nói Việt Nam VOV, hay Thông tấn xã Việt Nam. Nếu những đài này xướng danh ông Vũ Đức Đam, thì những tờ báo khác mới dám phụ họa theo.

Thực tế, 5 đơn bị đầu đàn trên chưa lên tiếng, các tờ báo chỉ dám nói tên Trợ lý Phó Thủ tướng, mà không được phạm húy. Thực ra, trường hợp ông Vũ Đức Đam là chưa có tín hiệu từ bên trên bật đèn xanh cho nói. Đó là cái khổ của báo chí Cách mạng, dù nói sự thật nhưng bên trên không cho nói mà dám nói là bị trừng phạt, có khi cả tờ báo bị trừng phạt chứ không phải cá nhân.

Công cuộc đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn đang tiếp diễn. Hồ sơ điều tra đã được lưu trong ngăn kéo, vấn đề là, khi nào ông Tổng Bí thư ra lệnh thì bên dưới mới dám. Trường hợp ông Vũ Đức Đam đang được ông Tổng cất ngăn kéo, chưa biết khi nào ông kéo ngăn kéo ra và xử lí. Vấn đề đấy còn tùy thuộc vào thái độ của ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nữa.

Hiện nay ông Lê Văn Thành đang vắng mặt, có nguy cơ ông không thể trở lại ghế Phó Thủ tướng. Trong tình thế này, ông Trọng mà quật ông Vũ Đức Đam thì xem như Chính phủ thiếu Phó Thủ tướng nghiêm trọng. Đây có thể là lý do ông Tổng Bí thư chần chừ. Thực chất, trợ lý làm sai thì chủ soái khó thoát khỏi tội chủ mưu hoặc tắc trách.

Lê Hoàng (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 05/12/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Lan, Lê Hoàng
Read 252 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)