Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/12/2022

Sài Gòn không có người khiếm thị !

Lê Mai

Thôi nói thế quý vị lại bảo tôi phịa. Chính xác thì có. Nhưng hầu như chẳng thấy họ trên đường phố, trong những nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng, các công sở, tư sở.

mu1

Một phụ nữ mù đi xin ăn (trái) ở Hà Nội năm 2002 (minh họa) - AFP

Người khiếm thị ở đâu ?

Ban ngày, ngoài các trường học mang tên Nguyễn Đình Chiểu thì nơi có thể gặp họ nhiều nhất là vài điểm massage của người khiếm thị. Chỉ đến sẩm tối hay đêm khuya mới thấy họ đông hơn, đặc biệt trong các quán nhậu ngoài trời, các tụ điểm giải trí có kèm bia bọt, những bãi chơi lô tô, hội chợ bình dân... Và lúc ấy, dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của họ, trừ chiếc gậy cầm trên tay quơ quơ dò đường, là xấp vé số trên tay. Hoặc vừa đi sau một chiếc tủ đẩy chất một ít quẹt ga, bông tăm, tăm tre, miếng rửa chén, ngoáy tai, móc chìa khóa linh tinh vừa cầm trên tay chiếc micro chạy pin hát "Đời tôi cô đơn.".. bằng chất giọng rung động lòng người.

Việt Nam có khoảng ba triệu người khiếm thị và thị lực kém-theo thống kê của Bệnh viện mắt Trung ương. Cộng đồng này có Luật (Luật Người khuyết tật có từ năm 2010) ; có một tổ chức đại diện là Hội Người mù, có ngân sách và nhân lực (dù không nhiều), được thành lập từ cấp Trung ương đến các tỉnh, thành phố và các cấp nhỏ hơn như quận huyện… Ngay tại điều 2, Luật này quy định người khuyết tật phải được tiếp cận, nghĩa là sử dụng được công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp để có thể hòa nhập cộng đồng.

Và thực tế là đây, những con đường ở trung tâm Sài Gòn :

mu2

Vỉa hè tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh : Lê Mai

Những con đường này tuân thủ luật hẳn hoi, là các công trình công cộng phải tiếp cận được với người khuyết tật. Như trên lề đường phải có đường gờ gạch nổi để người khiếm thị nhận biết làn đường an toàn cho họ, gờ này cũng hướng dẫn người khiếm thị biết sắp đến giao lộ, cần đứng chờ đèn xanh ở vị trí nào. Các bến xe, điểm đón/dừng xe buýt cũng phải có các vị trí tương tự. Trong xe phải có hướng dẫn bằng giọng nói, báo các điểm dừng. Nơi công cộng như công sở, tụ điểm giải trí, nhà vệ sinh công cộng... phải có hệ thống hướng dẫn đường đi, các bảng chữ nổi, các thiết bị giúp đỡ người khuyết tật như các đường dốc thoai thoải để lăn xe, hệ thống tay vịn bên trong, nút bấm thang máy thấp vừa tầm người ngồi xe lăn...

Nhưng chúng ta đang ở Việt Nam mà, ủa ! Dường như thiên kinh địa nghĩa ở Việt Nam là cái gì lọt vào đất nước chúng ta cũng phải xoắn vặn cong queo đi, nó mới ra cái chất ! Đường cho người khiếm thị cũng vậy. Làm thì vẫn làm, cơ mà nó phải đâm thẳng vào bốt điện, lao xuống vòng xoay, hướng về miệng cống, phi vào trụ điện, áp sát barie, dẫn tới lò than đang ninh nồi phở sôi sùng sục trên vỉa hè, đứng sững trước một bác bảo vệ đình huỳnh bê chiếc ghế bành ra ngồi trông xe cho đỡ mỏi lưng, chìm khuất dưới vô vàn chiếc xe to nhỏ dựng bừa phứa, hay tự dưng dừng phắt lại chả vì lý do gì.

Đó là nói trong nội đô, ở một số rất ít tuyến đường trung tâm có vỉa hè khá rộng và có lót gạch nổi cho người khiếm thị. Nhưng chỉ cần ra khỏi vài quận nội thành mà xem, ngay lề đường cũng không có. Người giao thông kể cả có thị hay khiếm thị đều phải chen ra lòng đường, đi chung với xe container, xe tải, xe cấp cứu, xe ba gác chở hàng cồng kềnh, xe cứu hỏa, xe cứu thương đang lao nhanh, và xe chạy với tốc độ bàn thờ của bọn cướp giật, trộm chó nữa.

"Toàn bộ người mù ở Bình Dương không ai dám đi trên vỉa hè vì vướng đủ thứ, có thể đụng đầu vô trụ điện hoặc đạp phải miệng cống hư ; chưa kể người ta để xe, buôn bán trên vỉa hè. Việc băng qua đường đối với người mù thật sự nguy hiểm vì không có trụ báo hoặc biển báo chữ nổi để chúng tôi biết chỗ dành cho người đi bộ băng qua đường nên cứ băng liều" - ông Nguyễn Đình Phương, làm việc tại Hội Người mù tỉnh Bình Dương kể.

Xe buýt thì sao ?

Thì vẫn là khó. Với người lành lặn còn khó, huống gì người khuyết tật. Tôi đi xe buýt, thỉnh thoảng gặp những người bán vé số bị khuyết tật vận động. Họ chuồi chiếc nạng lên sàn xe rồi hai tay bám lấy cây sắt thanh vịn đu người lên. Những người khiếm thị thì không thấy ai đi một mình. Họ phải đi cùng với một người sáng mắt thân quen để người này giúp khi lên xuống xe.

- Tại các điểm chờ xe buýt chưa có dấu hiệu giúp người khiếm thị có thể dễ dàng nhận biết như các gờ đắp nổi hay loại gạch lát riêng có thể cảm nhận bằng chân. Các điểm chờ chưa được xây dựng thống nhất theo một quy chuẩn, bậc lên xuống chỗ thấp chỗ cao khó tiếp cận với người già, trẻ em và đặc biệt là người khuyết tật do đó người khiếm thị thường gặp khó khăn và nguy cơ mất an toàn khi di chuyển từ điểm chờ đến xe buýt. Cũng không hề có tín hiệu nào giúp nhận biết xe nào vào điểm để lên đúng xe, phải hỏi người xung quanh mà không phải lúc nào cũng gặp được người giúp đỡ. Chính tôi và nhiều người khiếm thị đã từng phải thấp thỏm đứng chờ xe buýt cả giờ đồng hồ dưới cái nắng gắt hay một cơn mưa rào mà không tìm nổi người nhìn số xe giúp mình.

- Cánh khiếm thị chúng tôi khi ngồi trên xe chỉ cần có hệ thống thông báo điểm dừng để xuống thì xe có xe không, đặc biệt không ít xe có thì tài xế cũng cóc thèm mở cho đỡ đau đầu. Người ta mở nhạc rác nghe phê hơn.

Không ít lần chúng tôi bị quá điểm cần xuống hay đứng bơ vơ trên bến dù biết xe mình đang cần lên cứ lần lượt chạy qua. Bên cạnh rất nhiều người luôn sẵn lòng giúp đỡ thì có không ít người tỏ thái độ khó chịu hay buông lời miệt thị đại loại như "Đã khuyết tật còn ra đường làm gì…".

Trời mát còn đỡ, mưa dông nắng lửa mới vò đầu bứt tai : biết cơ sự này cứ ru rú ở xó nhà chẳng vươn lên, chẳng hòa nhập làm gì, chờ bao giờ kinh tế khá khẩm, Nhà nước sẽ nuôi bằng trợ cấp mà ngồi một chỗ ăn và ngủ như heo.

...

Thế cho nên Sài Gòn không có người khiếm thị (dĩ nhiên quý vị hiểu sự chua chát trong cách nói này). Vì đường sá, giao thông như thế thì người khiếm thị chỉ dám núp kín trong nhà chứ làm sao ra đường nổi.

Thế nhưng trong khắp cả nước, cái việc bất thường và vô nhân đạo ấy xuất hiện nhan nhản đến nỗi dường như chả ai thèm để ý nữa. Các quan chức, những nhà quản lý xã hội, những người phụ trách giao thông công cộng ở đô thị hàng ngày vẫn đi trên những con đường, vẫn kiểm tra các dự án làm mới hoặc sửa chữa đường cũ, nhưng đến các đoạn đường có vấn đề như đã nói thì mắt họ bị khiếm thị đột xuất. Do mấy tờ tiền của bên thi công hay bên đầu tư dán vào !

...

Năm 2016, Việt Nam có cuộc điều tra quốc gia Người khuyết tật lần đầu tiên. Nó đưa ra con số khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên trong đó có khoảng 700.000 trẻ khuyết tật, 58% là nữ, 42% là nam, đa số sống ở vùng nông thôn.

Trong khi đó, Bộ Lao động trước đây có con số 7,8 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 8% dân số, còn Tổ chức y tế thế giới nói có khoảng 10% dân số.

Đã nhiều năm qua, con số này đến nay vẫn chưa được thống nhất. Vậy thì cơ sở đâu để hoạch định các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận cuộc sống bình thường như các vị lãnh đạo vẫn hô hào ?

Hội người mù đang quan tâm đến điều gì ?

Và tuy người khiếm thị Việt Nam, như đã nói, có hẳn hệ thống tổ chức Hội đại diện từ cấp Trung ương, tỉnh thành cho đến quận/huyện/thị xã, Hội này cũng có lịch sử thành lập đến 54 năm, nhưng hiện tại tôi không thấy trên trang web của các tổ chức này nêu lên vấn đề khó khăn mà người khiếm thị nào cũng gặp phải hàng ngày, là khi tham gia giao thông.

Tin lớn nhất trên trang Hội người mù Việt Nam là bà Trưởng ban Dân vận Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng đến thăm và làm việc. Theo đó, Trung ương Hội đã thành lập Ban tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc người mù Việt Nam lần thứ X (nhiệm kỳ 2022-2027), trong đó có các nội dung về xây dựng đề án nhân sự, báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, xây dựng dự thảo Điều lệ sửa đổi, báo cáo Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và các Bộ, ngành liên quan theo quy định.

Lãnh đạo Hội thì báo cáo những khó khăn, vướng mắc, đưa ra đề xuất, kiến nghị về thù lao với cán bộ các cấp Hội, tăng cường vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm ; sách giáo khoa cho trẻ em khiếm thị…

Còn lãnh đạo cấp cao, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương thì ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của Hội Người mù Việt Nam, "đặc biệt là sự chuẩn bị đầy đủ, đúng quy trình và chặt chẽ cho việc tổ chức Đại hội".

Tưởng như lạc vào tổ chức Đảng chuyên biệt nào đó chứ không phải một tổ chức tương thân tương ái đặc biệt như Hội người mù.

Trang web của Hội người mù Thành phố Hồ Chí Minh thì dường như đã ngừng hoạt động, vì thông tin mới nhất đã từ cách đây hai năm. Nội dung thông tin này cũng là về đại hội đại biểu Hội người mù Thành phố Hồ Chí Minh (lại đại hội đại biểu, không khác mảy may hoạt động của một chi bộ đảng) nhiệm kỳ 2020-2025. Ngoài các bài hát, tác phẩm âm nhạc, thông tin về lớp yoga và massage, lễ trao học bổng, phòng chống xâm hại tình dục, bài dự thi viết chữ nổi, một số hoạt động tài trợ được các tổ chức trao tặng cho Hội… thì cũng không một thông tin nào nói về khó khăn của người mù khi tham gia giao thông trong một thành phố đông người và giao thông bát nháo xô bồ như Thành phố Hồ Chí Minh.

Trang web của Hội người mù trái phiếu Hà Nội vẫn hoạt động, nhưng thông tin về Hội người mù kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không". Tần suất thông tin mang tính động viên tích cực như các tấm gương vượt khó của người khiếm thị khá dày, cạnh đó là các thông tin kỷ niệm ngày thành lập hội, các lớp nghề cho người khiếm thị, tri ân thầy cô giáo… chung chung. Chỉ có một thông tin thiết thực ghi ngày 01/12/2022 về việc Hội người mù huyện Hoàng Mai tìm hiểu về quyền của người khuyết tật.

Thế cho nên phải nhắc lại lần nữa : Việt Nam không có người khiếm thị. Người khiếm thị sống được ở các thành phố lớn thì không phải là người khiếm thị nữa, họ đều là siêu nhân cả rồi.

Nhân tiện, ngày 3/12 là ngày Quốc tế người khuyết tật, các vị thanh tra xây dựng Việt Nam ạ. Các vị tặng nhiều hoa và xúc động chảy cả nước mắt rồi ấy nhỉ ?

Lê Mai

Nguồn : RFA, 08/12/2022

Tham khảo :

https://giaothonghanoi.kinhtedothi.vn/goc-nhin/giao-thong-cho-nguoi-khuyet-tat-khi-quy-dinh-duoc-soan-thao-bang-tu-duy-cua-nguoi-lanh-24513.html

https://acdc.vn/vi/tai-lieu/141/bao-cao-dieu-tra-quoc-gia-ve-nguoi-khuyet-tat.html

file:///C:/Users/Admin/Downloads/60a7317e69c60.pdf

https://acdc.vn/vi/tai-lieu/194/bao-cao-doc-lap-ve-tinh-hinh-thuc-thi-cong-uoc-cua-lien-hop-quoc-ve-quyen-cua-nguoi-khuyet-tat-tai-viet-nam.html

https://nld.com.vn/thoi-su/du-lieu-ve-nguoi-khuyet-tat-thieu-nghiem-trong-20221007104141868.htm

https://baoquankhu7.vn/mang-khat-vong-sang-cho-nguoi-khiem-thi--783948380-0011333s37710gs?AspxAutoDetectCookieSupport=1

https://hnmhanoi.org.vn/index.php/vi/ta-m-la-ng-nha-n-a-i

https://hnmvn.vn/to-chuc/dong-chi-bui-thi-minh-hoai-bi-thu-trung-uong-dang-truong-ban-dan-van-trung-uong-tham-va-lam-viec-voi-hoi-nguoi-mu-viet-nam-

http://www.hoinguoimuhcm.org.vn/index.php%20?%20idTL=9%20&page=danhmucTL

https://giaothonghanoi.kinhtedothi.vn/goc-nhin/giao-thong-cho-nguoi-khuyet-tat-khi-quy-dinh-duoc-soan-thao-bang-tu-duy-cua-nguoi-lanh-24513.html

https://acdc.vn/vi/tai-lieu/141/bao-cao-dieu-tra-quoc-gia-ve-nguoi-khuyet-tat.html

https://acdc.vn/vi/tai-lieu/194/bao-cao-doc-lap-ve-tinh-hinh-thuc-thi-cong-uoc-cua-lien-hop-quoc-ve-quyen-cua-nguoi-khuyet-tat-tai-viet-nam.html

https://nld.com.vn/thoi-su/du-lieu-ve-nguoi-khuyet-tat-thieu-nghiem-trong-20221007104141868.htm

https://baoquankhu7.vn/mang-khat-vong-sang-cho-nguoi-khiem-thi--783948380-0011333s37710gs?AspxAutoDetectCookieSupport=1

https://hnmhanoi.org.vn/index.php/vi/ta-m-la-ng-nha-n-a-i

https://hnmvn.vn/to-chuc/dong-chi-bui-thi-minh-hoai-bi-thu-trung-uong-dang-truong-ban-dan-van-trung-uong-tham-va-lam-viec-voi-hoi-nguoi-mu-viet-nam-

http://www.hoinguoimuhcm.org.vn/index.php%20?%20idTL=9%20&page=danhmucTL

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Mai
Read 308 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)