Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/12/2022

Tương lai của Đảng không tốt, Thưởng ơi !

Phạm Đình Bá

Phát triển kinh tế đi đôi với việc đòi hỏi các quyền tự do căn bản từ người dân có mức thu nhập cao hơn, dẫn dần đến sự chuyển đổi của độc tài toàn trị.

thuong0

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ trong tình hình mới

Theo báo Quân đội ngày 03/12/2022, Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị vừa ký ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ trong tình hình mới [1]. Thưởng xác định công tác nhân đạo (phương châm của Hội) là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng.

Nguyên tắc hoạt động của Hội Chữ thập đỏ là nhân đạo – bản chất con người, lòng tốt [2]. Con người bao gồm tất cả mọi người và nhân đạo đề cập đến những tình cảm tốt đẹp mà con người thường dành cho nhau, có nghĩa là sự đau khổ của từng người đang được công nhận, và ngược lại, cảm thấy cần phải giúp ngăn chặn, giảm bớt, bảo vệ và đảm bảo sự tôn trọng của những người đang đau khổ.

Phương pháp làm việc nhân đạo có nghĩ là – Hãy hành động theo cách mà bạn đối xử với mọi người, không bao giờ chỉ đơn thuần coi con người như một phương tiện, mà mỗi người là một trọng điểm [3]. Nếu phương tiện làm hại người thì phương tiện ấy không dùng được. Nguyên tắc nầy rất rất khác với cách làm việc của đảng của Thưởng.

Đảng của Thưởng cho rằng cứu cánh biện minh phương tiện. Phương tiện có thể đúng chỉ trong mối quan hệ với cứu cánh, và chỉ phục vụ cho cứu cánh đó. Đảng chủ trương dùng mọi cách để đi đến thiên đường của Thưởng. Ví dụ vụ cải cách ruộng đất để đảng sở hữu đất nông nghiệp là một cuộc tàn sát những người dân lương thiện vô tội, và là một cuộc diệt chủng do sự phân biệt giai cấp gây ra [4]. Hơn 172.000 người đã chết trong chiến dịch của Đảng sau khi được phân loại là địa chủ và nông dân giàu có. Đảng đã giết 172.000 người để thực hiện cứu cánh cộng sản.

Việc Đảng chỉ thị trấn áp Hội Chữ thập đỏ nầy chỉ là đầu ngọn của một làn sóng ngầm. Làn sóng ngầm nầy là khuynh hướng về việc phát triển kinh tế đi đôi với việc đòi hỏi các quyền tự do căn bản từ người dân có mức thu nhập cao hơn, dẫn dần đến sự chuyển đổi của độc tài toàn trị. 

Trong những năm gần đây, đảng của Thưởng cố gắng làm chậm đi biến chuyển xã hội bằng cách đàn áp xã hội dân sự, từ việc đàn áp Hội Nhà Báo Độc Lập và hàng loạt các bloggers khác, đàn áp tôn giáo và đàn áp những nhà hoạt động môi trường. Mặt khác, Đảng củng cố nội bộ dưới chiêu bài chống tham nhũng.

Một câu hỏi cốt lõi là liệu việc Đảng đàn áp bên ngoài và củng cố bên trong như thế có duy trì được độc tài toàn trị ở Việt Nam không ? Câu trả lời của câu hỏi nầy không nằm trong tầm tay của đảng của Thưởng.

Mười năm trước, Tập Cận Bình đã nhìn thấy nguy hiểm về biến chuyển xã hội đi đôi với phát triển kinh tế. Để cũng cố đảng, hắn đàn áp xã hội dân sự, tăng cường kiểm soát / kiểm duyệt người dân, chống tham nhũng, nâng cấp chủ nghĩa dân tộc, và cũng cố quyền lực vào trong tay hắn – ý kiến của 1 Tập trở thành mệnh lệnh cho 1,4 tỉ người.

Biến chuyển xã hội dẫn đến việc dẹp đi độc tài toàn trị ở Trung Quốc về cơ bản dựa trên hai xu hướng đương thời. Đầu tiên là nhu cầu về quyền cá nhân của những người có thu nhập cao. Thứ hai là càng nhiều người biết nhiều hơn về những gì đang diễn ra trên thế giới, bất chấp nỗ lực kiểm duyệt của đảng và nhà nước Trung Quốc.

Các cuộc biểu tình nổ ra khắp Trung Quốc vào cuối tháng 11/2022, bao gồm cả tại các trường đại học và ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Thành Đô và Quảng Châu, nơi hàng trăm người hô vang "Tập Cận Bình – từ chức ! Đảng cộng sản – cút đi !" trong một màn thể hiện sự thách thức chưa từng có đối với chính sách không-Covid nghiêm ngặt và ngày càng tốn kém của cả nước [5].

Những thành phố lớn nầy có dân số và thu nhập bình quân đầu người (đô la Mỹ) không xa các nước đã phát triển : Thượng Hải : 25 triệu dân, thu nhập 24.756 USD ; Quảng Châu : 19 triệu dân, thu nhập 24.622 USD ; và Thành Đô : 17 triệu dân, thu nhập 16.273 USD [6]. Với nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc có mức dân số và thu nhập giống các nước đã phát triển, xu hướng đấu tranh để tạo dựng thể chế dân chủ sẽ gia tăng.

Sẽ khó khăn hơn để đảng của Tập kềm hãm xu hướng dân chủ ở những vùng nầy. Những thành phố nầy lại là đầu tàu cho xu hướng tiến bộ xã hội. Từ từ mà vững chắc, các giá trị tự do – ưu tiên các quyền tự do phổ quát của con người, sự lựa chọn cá nhân, và sự nhấn mạnh về bình đẳng cơ hội—đang thay thế các giá trị độc đoán nhấn mạnh sự tôn trọng và tuân thủ [7].

Truyền thông mở cũng góp phần vào khuynh hướng dân chủ bởi càng nhiều người biết nhiều hơn về những gì đang diễn ra trên thế giới. Biểu tình phản đối "Không Covid" ở Trung Quốc vừa qua phần lớn là phát nguồn từ những người hâm mộ bóng đá nhận thấy sự thật ở World Cup Qatar và sự giả dối của truyền thông cộng sản về sự thành công của chính sách "Không Covid" của Tập. Những vụ biểu tình nầy đã dồn Tập vào thế phải dần dần từ bỏ chính sách "Không Covid" của hắn [8].

Trong xu hướng nầy, Tập là bạn của xã hội dân sự Việt Nam vì chính sách cứng của hắn sẽ tạo điều kiện cho đổi thay – hắn cố giữ đảng cầm quyền nhưng làm như thế sẽ buộc dân xét lại các quyền tự do cá nhân. Trong các cuộc biểu tình gần đây, một số người biểu tình đã kêu gọi phế truất Tập và thậm chí là chấm dứt sự cai trị của Đảng cộng sản Trung Quốc. Đây là một lập trường cấp tiến hơn nhiều so với lập trường của phong trào phản đối ở Thiên An Môn năm 1989, xảy ra vào thời điểm quyền lực của đảng bị phân tán hơn [9].

Các bạn tôi ơi, tương lai của Đảng không ở trong tay Đảng ! Nếu Tập bị lật đổ, thì đảng ở Việt Nam đi đời chắc vài tuần sau đó.

Phạm Đình Bá

Nguồn : VNTB, 11/12/2022

Nguồn :

1. https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-cong-tac-cua-hoi-chu-thap-do-viet-nam-712867

2. https://www.redcross.ca/about-us/about-the-canadian-red-cross

 3. https://en.wikipedia.org/wiki/Kantian_ethics#Humanity_as_an_end_in_itself

 4. https://www.rfa.org/english/news/vietnam_landreform-20060608.html

5. https://www.cnn.com/2022/11/26/china/china-protests-xinjiang-fire-shanghai-intl-hnk

6. Peng R, et al.. Assessing the Sustainability of Long-Term Care Insurance Systems Based on a Policy-Population-Economy Complex System : The Case Study of China. Int J Environ Res Public Health. 2022 ;19(11):6554.

7. Welzel, Christian. "Why the future is democratic". Journal of Democracy 32.2 (2021) : 132-144.

8. Trung Quốc từ bỏ phần lớn chính sách zero-Covid sau các cuộc biểu tình. BBC 07/12/2022.

 9. https://www.project-syndicate.org/commentary/china-zero-covid-protests-undermine-xi-cpc-legitimacy-by-nancy-qian-1-2022-12

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Đình Bá
Read 402 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)