Làn sóng sa thải và hệ lụy sắp tới ở Việt Nam ?
Phạm Lê Đoan, VNTB, 17/12/2022
Các chủ doanh nghiệp đang cố nén tiếng thở dài, trong khi người lao động còn khó hơn. Người đã mất việc chỉ sau một thông báo "Nhà máy hết hợp đồng". Người thì còn việc đến cuối tháng này, dứt năm là kết thúc luôn hợp đồng.
Làn sóng sa thải lao động đã lan đến Việt Nam - Công ty PouYuen cắt giảm cùng lúc hàng nghìn công nhân do ảnh hưởng dịch Covid-19, đơn hàng công ty từ châu Âu và Mỹ giảm mạnh.
Có ý kiến, suy thoái kinh tế toàn cầu và những thay đổi khuynh hướng tiêu dùng sau nạn dịch Covid-19 đã lan đến Việt Nam, chậm hơn so với các khu vực khác, nhưng lại bắt đúng ngay thời điểm của Tết Nguyên đán.
Thông báo của các công ty công nghệ ở Mỹ thời gian gần đây đều có điểm chung là những lời xin lỗi. Những đại công ty khác như Netflix, Shopify, Snap và cả Twitter đều lần lượt tham gia vào làn sóng cắt giảm nhân sự. Twitter cũng "dành bất ngờ" cho nhân viên bằng cách gửi email sa thải trong đêm.
Ông Emmanuel Cornet – cựu kỹ sư phần mềm Twitter : "Điều duy nhất mà tôi chính thức nhận được từ Twitter là một email và nó không thực sự đưa ra bất kỳ lý do cụ thể nào. Nghe có vẻ hơi lạ khi bị sa thải mà không có lý do nào hết".
Việc cắt giảm hàng ngàn nhân sự của hãng bán lẻ trực tuyến Amazon là sự đảo ngược môi trường kinh doanh và tình hình kinh tế vĩ mô đầy bất trắc. Nói sâu hơn, đó là thời đại dịch, các công ty công nghệ tuyển ồ ạt nhân viên để phục vụ nhu cầu trực tuyến – hạn chế giao tiếp trực tiếp của người dân. Nhưng hiện thế giới đã trở lại guồng quay trước đây, kèm theo lạm phát, sụt giảm tăng trưởng. Vậy mới có chuyện, ngủ một giấc, thức dậy đã trở thành người thất nghiệp.
Hôm 14/12/2022, Bloomberg đưa tin Gilimex khởi kiện đòi Amazon bồi thường 280 triệu USD với cáo buộc làm thương mại không công bằng, đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng trong năm nay với công ty Việt Nam.
Amazon Robotics LLC là một trong những khách hàng của Gilemex từ năm 2014 và ngày càng có đóng góp quan trọng, giúp quy mô doanh thu của công ty liên tục tăng trưởng cao giai đoạn 2014-2021.
Tổng giá trị các đơn đặt hàng hai bên thực hiện trong năm 2021 đạt mức 146,6 triệu USD (gần 3.500 tỷ đồng). Trong khi quy mô tổng doanh thu của Gilimex năm ngoái đạt 4.150 tỷ đồng, tức Amazon chiếm hơn 80% nguồn thu của công ty Việt Nam.
Tên gọi Việt Nam của Gilimex là Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh, địa chỉ số 334A Phan Văn Trị, phường 11, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đến tháng 5 vừa qua, Amazon đã bất ngờ thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến trong thời gian còn lại của năm 2022 – 2023. Hành động này khiến Gilimex phải nắm giữ hàng tồn kho và nguyên liệu thô vô giá trị.
Gilimex đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất nhằm xây dựng kho chứa hàng hóa của Amazon, tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên để đáp ứng năng lực sản xuất cho Amazon tăng gấp 20 lần trong 8 năm qua. Việc mất nguồn thu từ khách hàng lớn nhất khiến hoạt động của Gilemex lao dốc trầm trọng. Doanh thu quý III chỉ còn hơn 200 tỷ đồng, tức giảm đến 83% so với quý II liền trước và giảm 66% so với cùng kỳ năm 2021.
Số nhân viên thất nghiệp đến từ hệ lụy thưa kiện này, hiện chưa được công bố.
Cổ phiếu GIL trong phiên hôm 15/12 lao dốc về giá sàn 26.250 đồng, thị giá này so với đầu năm đã bốc hơi phân nửa giá trị. Tổng thanh khoản trong phiên đạt gần 2,5 triệu cổ phiếu với phần lớn khớp giá sàn. Thậm chí khi khớp lệnh đóng cửa, nhà đầu tư vẫn còn hơn 1,7 triệu cổ phiếu khác chất bán giá sàn vẫn chưa có người mua.
Năm sắp đi qua, sự phục hồi sau dịch đã không như kỳ vọng ở các phát biểu đầy khoa ngôn của người đứng đầu Đảng, chẳng những vậy, lại gặp thêm quá nhiều tác động và ảnh hưởng từ gần đến xa, từ vi mô đến vĩ mô, từ toàn cầu đến chính đồng lương, mâm cơm gia đình của từng lao động…
Phạm Lê Đoan
Nguồn : VNTB, 17/12/2022
***********************
Việt Nam : Đơn hàng giảm mạnh, tình trạng công nhân mất việc ‘còn tệ hơn trong đại dịch’
VOA, 16/12/2022
Hơn 500 công ty tại Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề do đơn đặt hàng từ các nước bị cắt giảm, khiến cho khoảng 637.000 công nhân bị ảnh hưởng, trong đó 53.000 người đã mất việc làm, theo một thống kê mới công bố của Bộ Lao động, thương binh và xã hội Việt Nam.
Công nhân làm việc tại một xưởng dệt may ở ngoại thành Hà Nội.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của cả nước, khoảng 102.000 công nhân đã bị cắt giảm giờ làm và 6.000 người bị sa thải, Việt Nam News dẫn nguồn từ Ban Chính sách và Pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động thành phố cho biết.
Trưởng ban Nguyễn Thành Đô đã đề xuất chính phủ Việt Nam cần phải xem xét ban hành các gói hỗ trợ lãi xuất tiền vay để giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính duy trì hoạt động và nên có gói cứu trợ lớn để hỗ trợ những người lao động bị ảnh hưởng.
Tại một cuộc họp chính phủ gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi phải có các biện pháp cứng rắn để giữ cho thị trường lao động ổn định khi nền kinh tế đang tiến gần đến cuối năm. "Dứt khoát không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động", ông Phạm Minh Chính đưa ra yêu cầu với Bộ Lao động, thương binh và xã hội.
Các ngành công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do nhu cầu nhập khẩu trên toàn cầu suy giảm. Tuy nhiên, các nhà thầu cho các tập đoàn lớn như Nike, Adidas vẫn thưởng Tết cho công nhân dù đơn hàng bị sụt giảm để chia sẻ gánh nặng của người lao động, theo AFP.
Công ty chuyên gia công giày Pouyuen, nơi có đông công nhân nhất Thành phố Hồ Chí Minh với khoảng 50.000 người trước đó thông báo rằng 18.000 công nhân sẽ phải thay phiên nghỉ vào các ngày thứ Bảy kể từ tháng 12 năm 2022 đến tháng 2 năm 2023 do số lượng đơn đặt hàng giảm.
Đại diện công ty này cho biết sẽ tăng tiền thưởng Tết nhằm giảm bớt gánh nặng cho người lao động dù số lượng đơn hàng về cuối năm có giảm.
Tại Bình Dương, một trong những trung tâm của các khu công nghiệp, số nhân công bị giảm giờ làm của tỉnh này vào khoảng 240.000, số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp khoảng 140.000, số lao động đang tạm hoãn hợp đồng khoảng 30.000 người, theo thống kê của Ban Chính sách pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động Bình Dương.
Nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước cũng đang rơi vào tình trạng tương tự. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Ngọ Duy Hiểu, cảnh báo nếu không giải quyết tốt tình trạng người lao động bị ảnh hưởng việc làm sẽ gây tác động tiêu cực không chỉ trên đời sống người dân mà còn cả về an ninh trật tự.
Hãng thông tấn AFP dẫn lời một số công nhân ở Việt Nam cho biết tình hình mất việc hay giảm thu nhập của người lao động hiện nay "còn tệ hơn cả trong đại dịch", thời điểm mà nhiều công nhân đã phải xin tiếp tế thực phẩm vì bị phong toả tại nhà.
Theo ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách và Pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, dự báo sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tiếp tục khó khăn trong quý I và có thể kéo dài đến hết quý II năm 2023, khiến nhiều người lao động không có việc làm hay bị giảm thu nhập.
Nguồn : VOA, 16/12/2022