Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/12/2022

Tầm nhìn : xuất khẩu lao động, tự hào hay nỗi nhục quốc gia ?

Tú Ngọc - RFA tiếng Việt

Xuất khẩu lao động, niềm tự hào đổi đời hay là nỗi nhục quốc thể ?

Tú Ngọc, Thoibao.de, 19/12/2022

Ngày 14/12, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII đã khai mạc tại Hà Nội. Một trong các chỉ tiêu mà Đại hội này đề ra, đó là đưa 500.000 thanh niên đi xuất khẩu lao động để mang ngoại tệ về cho đất nước.

xkld1

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII - Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê, từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đã đưa hàng triệu lao động đi xuất khẩu lao động và mỗi năm lực lượng này gửi về nước khoảng 10 tỷ USD. Xuất khẩu lao động giúp thanh niên có thu nhập cao và thoát nghèo, trung bình mỗi lao động đi xuất khẩu có thu nhập hơn 200 triệu/năm. Do đó, Đoàn Thanh niên Cộng sản cho rằng, họ cần đồng hành để hỗ trợ thanh niên đi xuất khẩu lao động, cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và là giải pháp cho thanh niên. Tổ chức Đoàn cần tham gia tuyên truyền cho thanh niên về lợi ích của xuất khẩu lao động v.v…

Thực tế thì như thế nào ?

Vào năm 2015, cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh từng bày tỏ nỗi xấu hổ, đau xót và lo lắng cho tình trạng xuất khẩu lao động của Việt Nam. Ông cảm thấy nhục nhã trong khi Việt Nam lại tự hào là nước xuất khẩu nhiều lao động. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phương Ngọc Thạch cũng cho rằng, hình ảnh này không mấy sáng sủa, không đáng để tự hào, đó là nỗi nhục nhã của một dân tộc.

Giáo sư Trần Văn Thọ, một giáo sư người Việt giảng dạy tại một Đại học danh giá ở Nhật Bản, trong cuốn sách "Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam" đã viết : "Xuất khẩu lao động là điều nhục nhã của một dân tộc".

Giáo sư Thọ phân tích :

1. Việt Nam xuất khẩu lao động giản đơn sang các nước phát triển. Thông thường những người lao động này phải làm việc trong các môi trường khó khăn, thường bị xâm hại và không được nước sở tại quan tâm.

2. Vì là lao động đơn giản nên người đi xuất khẩu lao động thường có trình độ văn hóa thấp, trình độ ngôn ngữ kém, khó thích nghi với điều kiện sinh hoạt ở nước ngoài. Nhiều trường hợp phạm pháp đã xảy ra gây ra hình ảnh xấu cho nước xuất khẩu lao động.

3. Nước xuất khẩu lao động là nước không thành công trong phát triển kinh tế, vì nếu trong nước có công ăn việc làm, có thu nhập tốt, thì người dân không lựa chọn ra nước ngoài.

4. Lao động được đưa đi không bảo đảm rèn luyện tay nghề khi trở về, ngoại hối thu được không được dùng một cách hiệu quả, không du nhập được công nghệ, tư bản…

Ngoài ra, có những vấn đề tồi tệ khác mà giáo sư Trần Văn Thọ không đề cập đến trong cuốn sách của mình. Đó là chi phí để đi lao động xuất khẩu cao, dẫn đến nhiều hệ lụy và nạn lừa đảo xuất khẩu lao động khiến nhiều gia đình lâm vào thảm cảnh.

xkld2

Một ngôi làng đổi đời nhờ xuất khẩu lao động tại Hà Tĩnh

Những người đi xuất khẩu lao động đa số xuất thân từ nông thôn, gia đình nghèo, ít học. Trong khi đó, chi phí cho một xuất đi xuất khẩu lao động từ một đến vài trăm triệu, họ không có được số tiền này, nên nhiều gia đình phải bán đất đai nhà cửa, hoặc thế chấp sổ đỏ để vay tiền ngân hàng. Người đi xuất khẩu lao động bị áp lực rất nặng nề về việc phải gửi tiền về nhà để trả nợ, nên họ buộc phải sống rất tiết kiệm trong khi làm việc vất vả cực nhọc. Nếu rơi vào chỗ làm không tốt, hoặc vì một lý do nào đó phải về nước sớm, thì họ và gia đình phải gánh một khoản nợ lớn so với thu nhập của họ. Thậm chí, đã có những trường hợp tử vong nơi xứ người.

Có những ngôi làng đã trở nên khá giả hơn nhưng cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn nạn như : tình cảm gia đình rạn nứt, con em thiếu người chăm sóc nên ăn chơi, hư hỏng… Đó là chưa kể đến nạn cò lừa đảo, tiền mất tật mang, mất tiền nhưng không đến được xứ người để làm việc.

Cách đây vài năm, nhiều phụ nữ ở Tây Ninh đã bị lừa đưa đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út. Nhưng chỉ một thời gian ngắn họ phải trở về vì bị bóc lột sức lao động, bị đánh đập, hành hạ, bị đối xử tệ… thậm chí đã có người chết nơi xứ người.

Tóm lại, có gì để tự hào mà Đoàn Thanh niên cộng sản đề ra mức chỉ tiêu đưa 500.000 thanh niên đi xuất khẩu lao động ? Hay họ chỉ quan tâm đến con số 10 tỷ USD mà những người xuất khẩu lao động gửi về ?

Tú Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 19/12/2022

**********************

Đoàn Thanh niên đặt chỉ tiêu xuất khẩu nửa triệu lao động : được và mất ?

RFA, 19/12/2022

Tổ chức Đoàn của Việt Nam mới đây được tỉnh đoàn đề xuất đặt ra chỉ tiêu đưa 500.000 thanh niên đi xuất khẩu lao động. Tỉnh Đoàn là cơ quan chuyên trách của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ở cấp Tỉnh, có chức năng tổ chức thực hiện các chủ trương, kế hoạch, chương trình công tác của Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

xkld1

Tư vấn, tuyên truyền về xuất khẩu lao động cho người dân tại huyện Kim Sơn.

Trong khi đó, tại Hội nghị Ban thường vụ trung ương Đoàn diễn ra vào đầu năm nay, ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thứ nhất trung ương Đoàn - cho rằng, một trong các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022 là phải quan tâm đến nghề nghiệp, việc làm của thanh niên.

Luật sư Đặng Trọng Dũng, từng làm việc tại Sở Lao động, thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm của ông với RFA sáng 19 tháng 12 :

"Việc đặt ra chỉ tiêu đưa 500.000 thanh niên đi xuất khẩu lao động cho thấy chính quyền không tạo được công ăn việc làm cho người lao động. Tôi nhận thấy, quốc sách đưa lao động xuất khẩu kể ra nó là nhục quốc thể. Nhưng nếu nó là quốc sách thì quận, tỉnh nào cũng xin chỉ tiêu đi xuất khẩu lao động vì điều này tạo ra cảnh XIN-CHO chỉ tiêu và sẽ gây ra tham nhũng và phí lao động sẽ cao.

Đây là cách xóa đói giảm nghèo từ thập niên 90’s thế kỷ trước. Người lao động vì phí xuất khẩu lao động sẽ có đối sách. Chắc Chủ tịch nước và Thủ tướng dạo này bay qua nhiều nước nhằm xin họ nhận lao động Việt Nam. Vấn đề là khi trở thành quốc sách thì phí xuất khẩu lao động là bao nhiêu ?"

Đề xuất đưa 500 ngàn thanh niên đi xuất khẩu lao động của Tỉnh đoàn bị nhiều chỉ trích trên mạng xã hội. Người thì cho rằng đây là hình thức "buôn dân" ; người thì cho rằng đây là chủ trương đúng vì không lo nổi cho dân thì để dân đi kiếm sống xứ người một cách hợp pháp.

Ông Thành Phi, người từng đi xuất khẩu lao động Tiệp Khắc vào năm 1988 nói với RFA rằng, tổ chức Đoàn chỉ lo chuyện chính trị, chuyện tuyên truyền chủ trương của Đảng cộng sản, chứ chẳng lo việc làm cho thanh niên như họ hô hào. Thanh niên phải ra nước ngoài làm thuê để kiếm sống là chuyện đương nhiên. Ông phân tích :

"Mình phải nhìn thấy cái nhu cầu xã hội. Bây giờ mình đứng ở góc độ người dân thì cùng một công sức lao động, nếu làm ở Việt Nam lương thấp thì tôi đi nước ngoài tôi làm. Chuyện đó bình thường. Còn chuyện Chính phủ có hỗ trợ, có giúp dân hay không là ở góc độ quản lý Nhà nước. Đừng có ‘bán’ dân đi lấy một mớ tiền. Đưa những người không có trình độ, không có tay nghề qua bên đó để họ làm những cái chuyện sai quấy ảnh hưởng đến quốc gia, đến người lao động. Như thế nước người ta nhìn người Việt không ra gì. Đó là chuyện phải cẩn trọng.

Người lao động ở một chừng mực nào đó là họ đang đại diện cho quốc gia. Phải đào tạo về chuyên môn, về nghề nghiệp và văn hóa, tập tục của quốc gia họ được xuất khẩu qua nữa.

Về mặt quốc gia, người lao động mang ngoại tệ về một năm biết bao nhiêu tỷ đô la. Đó là nguồn ngoại tệ lớn. Về mặt quản lý, Nhà nước phải phối hợp với quốc gia sở tại xem người lao động có gặp khó khăn gì không, cuộc sống họ thế nào chứ không phải ‘đem con bỏ chợ’. Nhà nước kiếm mớ tiền còn người lao động muốn làm gì làm, muốn ra sao thì ra !"

xkld2

Các tài xế xe ôm đang đón khách ở Hà Nội. AFP

Theo thống kê từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 10 năm qua, kể từ khi Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 08/5/2012 của Ban Bí thư "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài" được ban hành, bình quân mỗi năm người lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ USD.

Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, kế hoạch đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc trong năm 2022 sẽ là 90 ngàn người. Tuy nhiên, chỉ trong 11 tháng đầu năm đã có 122 ngàn lao động được xuất khẩu, tức vượt xa kế hoạch đề ra.

Thực tế cho thấy nhu cầu đi xuất khẩu lao động của người Việt là cao ; số tiền mà lực lượng này gửi về gia đình không phải là nhỏ. Tuy vậy, cho đến trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, chỉ có chín quốc gia ở Châu Âu cho phép lao động phổ thông Việt Nam làm việc hợp pháp. Người lao động đi làm việc ở các thị trường này đều cần phải có : Hợp đồng lao động ; visa và Giấy phép lao động hợp pháp do chính quyền nước tiếp nhận cấp (đảm bảo làm các công việc hợp pháp mà nước tiếp nhận có nhu cầu và cho phép tiếp nhận lao động nước ngoài).

Riêng Vương quốc Anh không cấp giấy phép lao động cho lao động phổ thông của Việt Nam sau vụ 39 người tử vong trong container tại Anh năm 2019.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, việc xuất khẩu lao động có mặt lợi và có mặt hại. Ông giải thích :

"Xuất khẩu lao động là chủ trương quan trọng của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong hàng chục năm qua. Cái được là việc thu về hàng tỷ đô la qua xuất khẩu lao động. Nhưng cái mất thì theo quan điểm của tôi, mất quá nhiều cái. Thứ nhất là nạn trốn ở lại nước sở tại ; trộm cắp, thanh toán nhau, trồng cần sa, buôn lậu… những tệ nạn gây đau đầu cho các quốc gia có nhận người lao động và cả chính phủ Việt Nam. Nhân phẩm và danh dự của người Việt Nam ảnh hưởng đến uy tín của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trên trường thế giới trong vấn đề xuất khẩu lao động.

Cái mà tôi muốn nhấn mạnh nó chính là cái nhân phẩm, cái phẩm giá, cái danh dự, cái uy tín của người Việt Nam đã mất quá nhiều. Những giá trị đó không có đồng tiền nào có thể đánh đổi được hết. Điều này nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm của họ trong hiệu quả của xuất khẩu lao động".

Tại diễn đàn Tổ chức Đoàn - người bạn đồng hành với thanh niên, diễn ra tại Hà Nội chiều 14 tháng 12 vừa qua, một số ý kiến cho rằng, xuất khẩu lao động giúp thanh niên có thu nhập cao, thoát được nghèo và học hỏi được nhiều kỹ năng, ý thức kỷ luật và nâng cao tay nghề lao động hơn so với làm việc ở trong nước.

Báo Nhà nước trích lời một số chuyên gia lao động rằng, không phải tất cả lao động trở về nước đều khó tìm việc. Vẫn có người biết tích lũy kinh nghiệm, tiền bạc để tự tạo việc làm, vươn lên làm giàu nhưng tỷ lệ đó chỉ chiếm khoảng một phần tư trong hàng trăm nghìn người đi xuất khẩu mỗi năm.

Nguồn : RFA, 19/12/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tú Ngọc, RFA tiếng Việt
Read 506 times

1 comment

  • Comment Link NVN mercredi, 21 décembre 2022 18:16 posted by NVN

    Ông giáo sư Thọ nói đúng: "Nước xuất khẩu lao động là nước không thành công trong phát triển kinh tế, vì nếu trong nước có công ăn việc làm, có thu nhập tốt, thì người dân không lựa chọn ra nước ngoài.".

    "Đảng ta" đã làm gì từ năm 1975 đến năm 2022 mà "không thành công trong phát triển kinh tế"?

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)