Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/12/2022

Việt Nam : Tỷ lệ vô sinh gia tăng

Chi Phương

Áp lực xã hội trên những người hiếm muộn

Tại các nước đang phát triển như ở Việt Nam, những cặp vô sinh, hiếm muộn, không chỉ phải lo tìm giải pháp chữa trị mà còn phải đối mặt với áp lực xã hội, từ chính người thân hay trong cộng đồng.

vosinh01

Ảnh minh họa vô sinh. © canva

Khi nói đến tình trạng sức khoẻ sinh sản ở các nước đang phát triển, thu nhập thấp, vấn đề thường được nhắc đến nhiều chủ yếu là tỷ lệ sinh cao, tiếp cận các biện pháp tránh thai còn hạn chế, việc phổ biến thông tin chưa được rộng rãi hay các chính sách về kế hoạch hoá gia đình. Trong khi đó, các nước phát triển thì gặp vấn đề về tỷ lệ sinh thấp hay vô sinh. Trên thực tế, vô sinh không phải là căn bệnh của riêng các nước phát triển, mà trở thành một "dịch bệnh toàn cầu", ảnh hưởng đến hơn 186 triệu người, chiếm 15% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản (20-49), theo số liệu của Tổ Chức Y tế Thế Giới (WHO).

Tạp chí y học Anh The Lancet, vào tháng 6/2022, đã cảnh báo rằng tại các nước đang phát triển, vấn đề này còn nghiêm trọng hơn nhưng lại bị bỏ qua, hoặc có ít nghiên cứu liên quan. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ mà thậm chí tình trạng này còn đáng báo động. Tỷ lệ sinh của Việt Nam đã giảm xuống một nửa so với cách đây 30 năm, (một phần là do các chính sách kế hoạch hoá gia đình). Dĩ nhiên không thể kết luận vội vàng rằng tỷ lệ sinh giảm là do vô sinh, mà còn có nhiều yếu tố khác.

Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, thuộc nhóm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam, trưởng trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm của bệnh viện Mỹ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), để có thể đánh giá thực trạng tại Việt Nam thì cần phải thực hiện một nghiên cứu cộng đồng quy mô lớn. Ở Việt Nam chỉ có một nghiên cứu như vậy được thực hiện, nhưng cách đây khoảng 10 năm, chỉ ra rằng có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn mỗi năm ở Việt Nam, tương đương với 7,7% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản. Bác sĩ Tường nhận định :

"Nếu nói trên mặt bằng chung của thế giới, tỷ lệ này hiện nay rơi vào khoảng 15-20%. Tôi nghĩ ở Việt Nam bây giờ, mình có thể giả định tỷ lệ vô sinh sẽ là khoảng chừng 10-15% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản. Họ sẽ gặp khó khăn trong mục tiêu muốn có con. Tỷ lệ này có khuynh hướng tăng theo thời gian và theo sự phát triển của xã hội ở Việt Nam".

Theo một nghiên cứu khác được thực hiện vào năm 2021, có đến 40.000 cặp đôi đến thăm khám chữa vô sinh mỗi năm, chỉ riêng tại bệnh viện Từ Dũ (thành phố Hồ Chí Minh). Trên mạng xã hội Facebook, nhóm "Hiếm muộn vô sinh" có tới hơn 100 000 thành viên. Đây là nơi người dùng mạng chia sẻ về kinh nghiệm về chặng đường chữa trị vô sinh.

Theo WHO, vô sinh là một bệnh mà một cặp đôi không có khả năng thụ thai sau 1 năm chung sống, giao hợp bình thường và không sử dụng các biện pháp tránh thai. Ở nam giới, vô sinh thường là do các vấn đề về tinh dịch, không có hoặc ít tinh trùng, hoặc bất thường về hình dạng và chuyển động của tinh trùng.

Ở phụ nữ, vô sinh có thể là do những bất thường ở buồng trứng, tử cung, ống dẫn trứng và một số nguyên nhân khác.

Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, ngoài những nguyên nhân về bệnh lý, nguyên nhân về xã hội cũng chiếm vai trò không nhỏ.

Ngày nay, phụ nữ dành thời gian nhiều hơn cho công việc và muốn có con muộn hơn, ở độ tuổi khó có con. Ngoài ra, những áp lực cuộc sống khiến thời gian để tập trung vào việc làm sao để tăng cơ hội có con cũng giảm đi. Về phía nam giới, nguyên nhân chính là chất lượng tinh trùng giảm.

Lối sống "phát triển", dẫn đến vô sinh

Hiện vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho việc này. Nhưng theo bác sĩ Tường, nhiều khả năng là do môi trường sống ngày càng ô nhiễm hơn, cách người ta làm việc căng thẳng hơn, ảnh hưởng đến chức năng sản xuất tinh trùng :

"Ở những nước phát triển, lối sống, cách ăn uống, ảnh hưởng đến nhiều hơn. Ở các nước đang phát triển, chủ yếu là do yếu tố môi trường, từ thực phẩm không khí, bị ô nhiễm. Cả hai yếu tố này đều làm cho chất lượng tinh trùng giảm. Đó là hiện tượng xảy ra trên toàn thế giới. Xã hội càng phát triển thì khả năng sinh sản của nam giới và nữ đều bị giảm do nhiều yếu tố về sức khoẻ, y học, xã hội, dẫn đến tỷ lệ vô sinh bị ảnh hưởng. Việt Nam gần như là một trong những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất, hội tụ của những xu hướng. Thứ nhất ô nhiễm nhiều, thay đổi lối sống, xã hội trở nên căng thẳng nữa. Độ tuổi các cặp vợ chồng muốn có con cũng tăng lên, trễ hơn. Người ta mong muốn có con ở độ tuổi khó hơn. Tổng hợp tất cả, tôi nghĩ rằng Việt Nam là một trong những nước mà tỷ lệ vô sinh hiếm muộn ở các cặp vợ chồng có khuynh hướng tăng nhanh".

Theo bác sĩ Mykhailo Dudik, bác sĩ sản phụ khoa, tại bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Nha Trang, nguyên nhân dẫn đến vô sinh ở Việt Nam còn là do lối sống của giới trẻ ngày nay thay đổi. Bác sĩ Dudik, 34 tuổi cho biết, "khi ra ngoài tập thể dục, rất hiếm khi gặp người trẻ vận động, mà chủ yếu là những người cao tuổi. Giới trẻ ngày nay dành nhiều thời gian với điện thoại, đi ăn nhà hàng hay làm gì đó…nhưng ít tập thể thao". Ông nhấn mạnh đến nguy cơ béo phì, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở phụ nữ, cũng như là thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá, khiến tinh trùng suy yếu ở nam giới.

Áp lực xã hội và "nghĩa vụ" sinh con

Với 6 năm kinh nghiệm điều trị vô sinh tại Việt Nam, bác sĩ Mykhailo Dudik ban đầu đã cảm thấy bất ngờ khi thấy nhiều cặp vợ chồng trẻ đi thăm khám, điều trị vô sinh, bị gia đình, hoặc người thân thúc giục, ép buộc "sinh con" ngay sau khi kết hôn.

Bác sĩ sản phụ khoa Mykhailo Dudik, làm việc tại bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Nha Trang. © Hình ảnh do tác giả cung cấp

Bác sĩ Dudik thuật lại :

"Tôi nhớ là đã từng tiếp một bệnh nhân, họ còn khá trẻ và họ không muốn có con, nhưng gia đình của cả hai bên đều muốn họ sinh con. Cặp vợ chồng này gần như là bị người thân bắt buộc đi khám để làm thụ tinh ống nghiệm nếu cần. Người thân của họ tạo áp lực : "cưới nhau đã 3 tháng mà tại sao chưa có con", hay là những câu hỏi như, "cưới nhau 6 tháng rồi mà vẫn chưa thấy con đâu". Họ không muốn đợi. Nguyên nhân họ đến khoa của tôi khám vô sinh và yêu cầu thụ tinh ống nghiệm không phải là vì họ bị bệnh mà vì áp lực từ người ngoài. Tôi thấy đáng buồn là có khá nhiều cặp đôi trẻ khoẻ mạnh muốn là thụ tinh ống nghiệm vì thời gian, vì gia đình bắt buộc. Trong khi thông thường phải đợi 12 tháng quan hệ bình thường không sử dụng biện pháp tránh thai, và chỉ sau thời gian này, chúng tôi mới bắt đầu thực hiện xét nghiệm máu hoặc các kiểm tra khác để tìm ra lý do. Bởi vì 70% các cặp đôi có thể có con trong 12 tháng đầu giao hợp, không sử dụng bảo hộ, nhưng tôi cũng muốn nhắc lại là nhiều người không muốn đợi 12 tháng. Một số bố mẹ của các cặp đôi này chỉ nói rằng 3 tháng là đủ và yêu cầu họ đến bệnh viện kiểm tra lý do vì sao chưa có con. Dĩ nhiên không phải trường hợp nào cũng vậy, cũng có một số trường hợp bệnh lý cần can thiệp phẫu thuật".

Tại nhiều nền văn hoá, các cá nhân coi việc không có con là dấu hiệu của sự ốm yếu, "tàn tật". Một số quốc gia ở Châu Á, như Trung Quốc, coi việc có nhiều con cháu là một trong những yếu tố dẫn đến hạnh phúc. Có con bảo đảm kinh tế cũng như lo việc phụng dưỡng khi tuổi già.

Tại một nơi mà tính cộng đồng được đề cao như ở Việt Nam, hôn nhân được cho là nền tảng của gia đình mà các thành viên gắn kết với nhau. Các cá nhân ở một độ tuổi, giai đoạn nào đó sẽ phải kết hôn, sinh con. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2006 chỉ ra rằng các cặp vợ chồng vô sinh phải chịu áp lực tâm lý rất lớn, nếu như không có con sau 1 năm.

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, có 23 năm kinh nghiệm điều trị hiếm muộn tại bệnh viện Mỹ Đức (IVFMD), thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. © Hình ảnh do tác giả cung cấp (IVFMD)

Về phần mình, bác sĩ Hồ Mạnh Tường tại bệnh viện Mỹ Đức cho rằng áp lực xã hội về vấn đề sinh con có hai mặt. Về mặt tích cực, áp lực này khiến mọi người quan tâm đến sức khoẻ sinh sản nhiều hơn, từ khi còn trẻ. Nhưng cũng có mặt tiêu cực, bác sĩ Tường cho biết thêm :

"Ở những nơi mà việc có con ít quan trọng hơn, người ta sẽ quan tâm đến những thứ khác. Khi quan tâm như vậy thì người ta sẽ tìm đến thông tin sớm hơn, có hiểu biết nhiều hơn và như vậy cũng tốt hơn. Ngược lại, khi việc đó quan trọng thì tạo áp lực lên các cặp vợ chồng không may mắn, khó có thai. Họ sẽ bị áp lực nhiều hơn. Áp lực thứ nhất đó là từ chính bản thân họ tự tạo áp lực, và thứ hai là từ người thân trong gia đình. Bởi vì xã hội cũng đánh giá việc có con cái là quan trọng, cho nên khi họ đi làm, đi học, ngay cả đồng nghiệp cũng tạo áp lực. Bạn bè cũng như mọi người xung quanh ai cũng quan tâm đến chuyện đó, do vậy áp lực ngày càng đè nặng hơn so với các cặp vợ chồng ở những xã hội khác. Nhưng áp lực này cũng có hai mặt, đó là người ta sẽ đi điều trị sớm hơn, nên mình thấy tuổi đi khám vô sinh trẻ hơn ở các nơi là vậy đó".

Một số nghiên cứu đề cập đến hậu quả của vô sinh, dẫn đến các vấn đề về tâm lý, tự ti, lo lắng, và trầm cảm. So với các bệnh nhân vô sinh vì các bệnh lý khác, các triệu chứng tâm lý của bệnh nhân bị vô sinh và cách điều trị, tương tự như đối với các bệnh nhân bị mắc ung thư, cao huyết áp hay vấn đề về tim mạch. Nhật báo Mỹ The New York Times đã trích dẫn các nghiên cứu khác cho thấy khả năng sinh sản bị giảm nếu nồng độ alpha-amylase trong nước bọt tăng, đây là một loại enzyme được tiết ra bởi tuyến nước bọt khi cơ thể trong tình trạng căng thẳng.

Tạp chí khoa học Pháp Science et Vie trích dẫn một nghiên cứu được công bố vào mùa hè vừa qua cho thấy vấn đề về căng thẳng tâm lý ở những người vô sinh tăng 25%. Điều này làm tăng nguy cơ ly hôn và bạo lực gia đình. Theo một nghiên cứu được thực hiện ở các nước có thu có thu nhập thấp và trung bình, phụ nữ vô sinh có nguy cơ bị bạo lực thể xác hoặc tình dục cao gấp 2,5 lần so với phụ nữ có khả năng sinh sản.

Về vấn đề vô sinh ở Việt Nam, nếu như bác sĩ Mykholai nhấn mạnh đến việc thông tin, giáo dục giới tính về khả năng thụ thai, chu kỳ rụng trứng, chu kỳ kinh nguyệt ngay từ trường học, thì bác sĩ Tường lại đặc biệt quan tâm đến áp lực tâm lý trên các cặp đôi vô sinh : những lời nói ra nói vào, công kích hay thậm chí là hỏi thăm quan tâm đều có tác dụng ngược lại. "Cách tốt nhất để quan tâm họ là đừng bao giờ hỏi và nhắc đến chuyện vô sinh đối với các cặp vợ chồng không may mắn hiếm muộn".

Chi Phương

Nguồn : RFI, 14/12/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương
Read 247 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)