Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/12/2022

Cuộc chiến bán dẫn toàn cầu : chỗ đứng nào cho Trung Quốc và Việt Nam ?

Chi Phương - RFA tiếng Việt

Trung Quốc vẫn đứng bên rìa cuộc chiến bán dẫn toàn cầu

Chi Phương, RFI, 15/12/2022

Gần đây Trung Quốc đã đệ đơn khiếu nại Hoa Kỳ lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vì các chính sách "bảo hộ mậu dịch", cấm xuất khẩu chip bán dẫn cho Trung Quốc. Bắc Kinh cũng được cho là có kế hoạch đầu tư hơn 100 tỷ euro để sản xuất linh kiện bán dẫn trong nước.

chip01

Hình ảnh minh họa chip bán dẫn. © canva

Tuy nhiên, đối mặt với các hạn chế từ Mỹ và đồng minh và cuộc cạnh tranh gay gắt từ các nước khác trên thế giới, cũng như tình trạng công nghệ bán dẫn còn thua kém, Trung Quốc vẫn chỉ đứng ở bên rìa của cuộc đua bán dẫn toàn cầu. RFI xin giới thiệu bài phân tích  trên chuyên san Pháp Asialyst. 

Trong chương mới nhất của cuộc chiến không khoan nhượng này, tập đoàn Đài Loan TSMC ngày 6/12 vừa qua đã thông báo xây dựng một nhà máy khổng lồ thứ hai, sản xuất linh kiện bán dẫn ở bang Arizona, Hoa Kỳ, tương đương với khoản đầu tư trị giá 12 tỷ đô la. Nhà máy thứ hai của TSMC sẽ sản xuất chip điện tử thế hệ mới nhất. Các khoản đầu tư của nhà sản xuất Đài Loan trên đất Mỹ tổng cộng lên đến 40 tỷ đô la. Từ nay, tập đoàn có trụ sở Đài Bắc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất lịch sử bang Arizona.

Sự hiện diện của TSMC tại Hoa Kỳ càng được quan tâm hơn, trong bối cảnh chính quyền Hoa Kỳ đã nhận ra tầm quan trọng chiến lược của sản phẩm bán dẫn. Tổng thống Joe Biden đã ký luật Chips and Science Act vào tháng 8 vừa qua, dự trù đầu tư hàng tỷ đô la vào lĩnh vực này, trong đó 57 tỷ đô la để hỗ trợ vay, và các biện pháp thuế khóa, nhằm khuyến khích các nhà sản xuất chất bán dẫn Hoa Kỳ tăng cường khả năng sản xuất.

Phân bổ địa lý chuỗi cung ứng, cơ hội của Hoa Kỳ

Tờ Nikkei Asia trích dẫn nhận định của phó giám đốc Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia Hoa Kỳ (National Economic Council), ông Ronnie Chatterji, cho biết trong vài năm nữa, khi hai nhà máy của TSMC đi vào hoạt động thì sẽ có thể sản xuất đủ hàng bán dẫn để đáp ứng nhu cầu của Hoa Kỳ, tức là khoảng 600.000 linh kiện bán dẫn mỗi năm.

Trong buổi lễ được tổ chức ngày 6/12 ở Phoenix, tại nơi xây dựng nhà máy của TSMC, với sự hiện diện của tổng thống Joe Biden, chủ tịch kiêm nhà sáng lập TSMC, ông Trương Trung Mưu (Morris Chang) đã giới thiệu các kế hoạch trong mục tiêu phát triển tập đoàn ra quốc tế, được xem như là chìa khóa phát triển của tương lai. Financial Times trích dẫn nhận định của ông Trương, cho rằng, "các doanh nghiệp như TSMC đã gặp phải hàng loạt vấn đề để thấy được sự cần thiết phải tính toán lại việc phân bổ địa lý chuỗi cung ứng. Đây cũng là điều mà không chỉ các nhà chính trị gia kêu gọi thực hiện, mà cả phía khách hàng cũng vậy". 

Giám đốc điều hành của Apple, ông Tim Cook cũng có mặt tại sự kiện. Theo ông, việc sản xuất bán dẫn trên đất Mỹ, dù có hay không có đối tác nước ngoài, đều rất quan trọng, để có thể giảm được chi phí sản xuất. Ông Cook nhấn mạnh rằng : "Từ nay, nhờ vào thành quả lao động không mệt mỏi của nhiều người, những con chip (bán dẫn) này có thể được gắn mác ‘Made in America’ – sản xuất tại Hoa Kỳ. Đây là một thời khắc rất có ý nghĩa, là một cơ hội cho Hoa Kỳ". Đây cũng là suy nghĩ của lãnh đạo của tập đoàn Mỹ Nvidia, Jensen Huang cũng có mặt tại sự kiện. Nvidia và Apple nằm trong số những khách hàng chính của TSMC.

Căng thẳng giữa "ông trùm" bán dẫn Đài Loan và Hoa Lục

Một nhân tố khác, về địa chính trị, khiến TSMC đặt cơ sở sản xuất ở nơi khác ngoài Đài Loan để bảo đảm tương lai : Căng thẳng ngày càng gia tăng với Hoa Lục, cùng với nguy cơ chiến tranh bùng nổ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, với sự can dự theo một cách nào đó của Hoa Kỳ.

Thế mà các nhà máy chính của TSMC hiện vẫn nằm ở Đài Loan vào lúc mà tình trạng căng thẳng tăng thêm do những biện pháp mà Hoa Kỳ đưa ra gần đây để cô lập đất nước của Tập Cận Bình trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là trong ngành công nghiệp bán dẫn. Vào tháng 10 vừa qua, chính quyền Biden đã áp đặt các kiểm soát khắc nghiệt đối với việc xuất khẩu nguyên vật liệu công nghệ cao đến Trung Quốc, trong đó có chip điện tử bán dẫn. (Ví dụ như cấm Nvidia và AMD bán bộ vi xử lý tiên tiến cho khách hàng Trung Quốc.) Mục đích rất rõ ràng, là để ngăn cản nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào phương Tây trong lĩnh vực này.

Vì linh kiện bán dẫn hiện diện ở khắp mọi nơi : Trí tuệ nhân tạo, 5G, xe cộ, điện thoại, máy tính, các máy chủ, bệnh viện, và các ứng dụng trong quân sự, cũng như bộ nhớ đám mây và các thiết bị điện tử kết nối thông minh, hoặc đơn giản là Internet và kỹ thuật số. Biết bao thiết bị và ngành công nghiệp, đại diện cho cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba, đã diễn ra từ cuối thế kỷ XX và sẽ tiếp diễn trong những thập kỷ tới.

Nhà sản xuất chíp bán dẫn TSMC  hiện cung cấp cho khoảng 52% thị trường toàn cầu, tỷ lệ này lên đến 90% đối với loại chíp hiện đại nhất, có độ dày 5 nanomet. Tập đoàn này có thể sẽ đầu tư tổng cộng 100 tỷ đô la trong 3 năm tới. Lợi nhuận của doanh nghiệp Đài Loan tăng 20% trong năm 2022 và tăng ít nhất 15% trong những năm tới. (…)

Cuộc chạy đua chất bán dẫn toàn cầu

Ngoài hai nhà máy đang trong quá trình xây dựng tại Hoa Kỳ, vào tháng Giêng vừa qua,TSMC đã thông báo sẽ xây dựng nhà máy sản xuất chất bán dẫn đầu tiên ở Nhật Bản, trong chương trình hợp tác với tập đoàn Sony của xứ sở hoa anh đào. Ông Mark Liu, đồng chủ tịch của TSMC đã nhấn mạnh rằng nhà máy với khoản đầu tư khoảng 100 triệu đô la có thể cho phép 2 tập đoàn đáp ứng nhu cầu về bán dẫn của thế giới.

Tập đoàn Đài Loan cũng không đơn độc trong cuộc đua này. Đối thủ chính của TSMC là Samsung của Hàn Quốc. Những năm vừa qua, Samsung đã đạt nhiều tiến bộ quan trọng trong việc thu nhỏ linh kiện bán dẫn. Mặc dù đã ngủ quên trên cành nguyệt quế nhiều năm qua, nhà chế tạo chíp Hoa Kỳ Intel, ngày nay cũng cố gắng lấy lại những vùng đất bị đánh mất. (…)

Ấn Độ cũng vừa dấn thân vào thị trường này. Hôm 8/12, chủ tịch doanh nghiệp Tata của Ấn Độ, ông Natarajan Chandrasekaran đã tuyên bố với Nikkei Asia rằng tập đoàn của ông có ý định sản xuất hàng bán dẫn cho thị trường Ấn Độ trong những năm tới, với việc thành lập một công ty con Tata Electronics. Tập đoàn cũng tính đến việc hợp tác với các nhà sản xuất Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Nhu cầu của Ấn Độ đối với loại vật liệu công nghệ cao này tăng gấp đôi từ 2021-2026, trị giá lên đến 64 tỷ đô la.

Cho đến nay, Ấn Độ vẫn chưa có bất cứ cơ sở sản xuất chip bán dẫn nào. Nếu như sáng kiến này được thực thi, Ấn Độ hy vọng có được vị trí nào đó ở Nam Á trong lĩnh vực chiến lược mà chưa nước nào trong khu vực sở hữu.

Liên Hiệp Châu Âu cũng đổ xô vào thị trường bán dẫn. Khối 27 nước đánh giá cao tầm quan trọng của thị trường này đối với sự phát triển trong tương lai và để đạt được "chủ quyền công nghiệp" trong lĩnh vực mà Liên Âu đang bị tụt lại phía sau. Vào ngày 08/02, Uỷ Ban Châu Âu đã trình bày đạo luật " Chips Act", cho phép Châu Âu bảo đảm nguồn cung cấp chip điện tử, giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp Châu Á (lên đến 80%) và tăng gấp đôi thị phần hiện tại, với mục tiêu đạt 20% vào năm 2030. (…) 

Kế hoạch của Châu Âu có thể so sánh với chương trình phát triển sản xuất hàng bán dẫn của Hoa Kỳ, dự trù đầu tư 53 tỷ đô la đến năm 2026 ; hay khoản đầu tư của Trung Quốc : 150 tỷ đô la từ 2015-2025 ; Nhật Bản thì thông báo đầu tư 8 tỷ đô la ; Riêng Hàn Quốc đầu tư 450 tỷ đô la vào nghiên cứu, phát triển sản xuất bán dẫn từ nay đến 2030. 

Châu Âu đã thương thảo với chính quyền Đài Loan và TSMC từ nhiều năm qua để tập đoàn này xây dựng cơ sở sản xuất trên lãnh thổ của Châu Âu. Nhưng đàm phán vấp phải một thực tế là Đài Bắc yêu cầu Châu Âu phải đáp lại bằng hành động chính trị để giúp Đài Loan có vị thế rõ ràng trên trường quốc tế. Đây là một chủ đề ngoại giao nhạy cảm mà nội bộ khối 27 nước khó đạt đồng thuận.

Cô lập Trung Quốc

Trước những hạn chế của Hoa Kỳ về việc xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao như chất bán dẫn sang Trung Quốc, một số quốc gia khác cũng làm tương tự.

Vào tháng 11, nhân danh an ninh quốc gia, Anh Quốc đã yêu cầu công ty Nexperia, vừa được một công ty có chủ Trung Quốc mua lại, phải bán đi 86% vốn của nhà máy Newport Wafer – nhà máy sản xuất các tấm silicon để tạo ra chip bán dẫn lớn nhất của Anh. Theo bộ Thương Mại, Năng Lượng và Công Nghiệp Anh Quốc, việc Nexperia mua lại nhà máy này gần đây tạo ra những rủi ro về việc "rò rỉ" công nghệ và kĩ thuật sang Trung Quốc.

Chip điện tử là linh kiện chủ chốt trong ngành công nghiệp sản xuất vũ khí. Chip bán dẫn cực kỳ quý giá để sản xuất tên lửa mà độ chính xác phụ thuộc vào loại công nghệ này. Tương tự như đối với các chiến đấu cơ, tàu ngầm và tàu chiến.

Trung Quốc bị bỏ lại phía sau

Khi nhìn lại tất cả các chính sách đầu tư lớn mang tầm chiến lược cho sự phát triển kinh tế của các quốc gia và khu vực nói trên, Trung Quốc hiện vẫn vắng mặt do các biện pháp hạn chế mà Hoa Kỳ đã đưa ra từ những năm qua. Thêm vào đó, các nhà sản xuất bán dẫn Trung Quốc không sở hữu công nghệ cho phép để theo kịp các nước khác. Tại Trung Quốc, sản phẩm bán dẫn chủ yếu do công ty SMIC làm ra, hiện được đúc ở độ dày 15 nanomet, cách xa bản đúc 5 nanomet, và sắp tới là bản 2 nanomet mà TSMC hoặc Samsung sắp ra mắt.

Ngành công nghiệp Trung Quốc đã cố gắng tuyển dụng thêm nhiều kỹ sư được đào tạo về công nghệ này, nhưng thành công vẫn còn hạn chế, mặc dù một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể bắt kịp quốc tế trong ngắn hoặc trung hạn. 

Ngày 13/12 vừa qua, từ 3 nguồn tin khác nhau, hãng tin Reuters cho biết Trung Quốc đang dự trù đầu tư khoảng 142 tỷ euro để phát triển sản xuất chất bán dẫn tại Hoa Lục. Các khoản đầu tư chủ yếu dưới dạng trợ cấp và tín dụng thuế. Kế hoạch này có thể được triển khai ngay từ năm 2023 và kéo dài 5 năm. Tên của gói đầu tư này hiện vẫn chưa được tiết lộ. Theo giới chuyên gia, Trung Quốc đã dấn thân vào cuộc chiến bán dẫn, coi ngành bán dẫn là nền tảng cho sức mạnh công nghệ và định hình tương lai của nền công nghiệp đã trở thành điểm nóng địa chính trị toàn cầu. 

Chi Phương

Nguồn : RFI, 15/12/2022

*************************

Đài Loan, Việt Nam và chất bán dẫn

Nguyễn Lê Tiến, RFA, 13/12/2022

Tuần trước, Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) công bố tăng gấp ba lần quy mô đầu tư cho nhà máy sản xuất Chip tiên tiến ở Arizona, Hoa Kỳ. Tổng thống Biden đã đến thăm và khen ngợi. Nhân dịp này, RFA phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Lê Tiến ở California, Hoa Kỳ. Ông du học tại Đại học Kỹ thuật Munich (TUM, Cộng hòa Liên bang Đức) từ 1970, nhận bằng tiến sĩ tại trường này năm 1980 ngành Quang bán dẫn, làm việc trong nhiều lãnh vực điện toán, đồng sáng lập các công ty như Spea (Đức, Computer Graphics), Vormetric (Mỹ, Data protection & security), Mobivi (Vietnam, Ví điện tử). Cuộc phỏng vấn xoay quanh bối cảnh chính trị quốc tế của ngành bán dẫn và Việt Nam.

chip02

Tổng thống Joe Biden thăm nơi xây dựng nhà máy Chip mới của Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan hôm 6/12/2022 tại Phoenix, Arizona. Bên phải là Chủ tịch TSMC Mark Liu, bên trái là Giám đốc điều hành C.C. Wei. Reuters

1. Chất bán dẫn trong lịch sử công nghệ và tác động chính trị

RFA : Ông đánh giá như thế nào về vị trí của chất bán dẫn cũng như Đài Loan trong cuộc "so găng" Mỹ Trung hiện nay ? Tại sao chất bán dẫn lại quan trọng như vậy ?

Nguyễn Lê Tiến : Thế giới thay đổi thật đáng chóng mặt, nó được định hình bởi ba cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Hai cuộc cách mạng trước đây, máy hơi nước (thế kỷ 19) và điện khí hóa (thế kỷ 20), chủ yếu là giúp đỡ con người trong việc "cơ bắp" thì cuộc cách mạng 3.0 mà tâm điểm là máy tính (computer) tập trung hỗ trợ "bộ não" của chúng ta. Cuộc cách mạng này dẫn tới cuộc cách mạng 4.0 ngày nay, ảnh hưởng cả "trí tuệ" con người. 

Không có chất bán dẫn thì không có cách mạng máy tính. Lấy ví dụ một trong những máy tính đầu tiên, Eniac năm 1945. Người ta đã dùng nó để tính toán dự án bom khinh khí, tính quỹ đạo vv. Eniac có 18.000 bóng chân không, thêm các phụ kiện khác nó nặng đến 27 tấn ! Ngày nay, cầm một chiếc smartphone, thí dụ như iPhone, tức ta đang cầm một máy tính có 15 tỷ bóng bán dẫn ! 

Sự khác biệt kinh khủng đó là từ chất bán dẫn. 

Người Nhật đã là một trong những người tiên phong mang bán dẫn vào đời sống thực tế với chiếc radio bán dẫn, tạo thành đại công ty Sony như ta thấy. Cuộc sống chúng ta ngày nay khác hẳn 40-50 năm trước. Chỉ nhìn quanh ta, nếu mở một chiếc máy, thế nào cũng phải có vài con chip bán dẫn. Vào bếp, bật nồi cơm điện lên, bán dẫn điều khiển nó. Vào phòng giặt, trong máy giặt cũng có nó nốt. Khó còn có thể tưởng tượng ra một thế giới không bán dẫn. 

Ấy mới là những thứ thông dụng của đời sống hàng ngày. Còn bao nhiêu lĩnh vực quan trọng khác như công nghiệp, quân sự, không gian, an ninh… Người Nhật gọi chất bán dẫn (semiconductors) là gạo của ngành công nghiệp. Thực ra, chất bán dẫn còn hơn cả "gạo". Ta có thể ví chất bán dẫn như chất dinh dưỡng cho dây thần kinh, bộ não của nền công nghiệp nói riêng, và nói chung là... không thể kể hết được !

Không biết có quá bi quan hay không, nhưng tôi thấy tình hình thế giới ngày nay càng ngày càng có những điểm giống như thập niên 1930. Trung Quốc cũng giống như nước Đức ngày ấy, có chung một niềm "uất ức" của một đế quốc bị "mất phần", bị xem rẻ , khinh thường. Cả hai đều được thống trị bởi một nền độc tài đảng trị với quyền lực vô bờ bến. Cả hai, Quốc xã và Cộng sản, đều cũng đã thành công trong việc "đem no ấm cho nhân dân", hỗ trợ cho tính "chính danh" của họ.

Và cũng khá giống nước Đức thời Hitler, với Tập Cận Bình, Trung Quốc ngày càng hung hãn, đòi lại quyền lợi và vị thế "bá chủ" của họ. Thành thử, nếu không có sự thay đổi nội bộ của Trung Quốc về hướng dân chủ và hòa bình, thì sự xung đột giữa các "đế quốc" thực khó tránh khỏi.

Chuyện này không bất kỳ ai mong muốn cả ! Nhưng có lẽ chỉ có thể hy vọng là không có chiến tranh nóng giữa các cường quốc mà chỉ bộc phát dưới dạng "chiến tranh lạnh" như sau Thế chiến II, đi kèm với bao vây kinh tế và khoa học kỹ thuật.

Tôi nghĩ rằng, cuộc "chiến tranh lạnh" đã khởi động rồi, tình hình Ukraine cũng như liên minh Nga-Trung Quốc bộc lộ đã tăng tốc nó.

Công nghiệp Chip là công nghiệp toàn cầu, Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) tuy nắm giữ phần lớn nhưng chỉ là một khâu trong cả chuỗi cung ứng từ công nghệ đến vật liệu vv… Vì thế, hy vọng là Trung Quốc hiểu rằng chiếm được Đài Loan thì chỉ làm chủ được cái "xác" mà không có "hồn". Nó không như chiếm một cái đảo, vùng đất. Thế nhưng, phản ứng của nhà độc tài thì không ai biết được ! Người ta từng không lường trước được là Hitler tấn công Tiệp Khắc , hay Putin với Ukraine. 

Tuy Mỹ và đồng minh có thể có quyết tâm bảo vệ Đài Loan, nhưng không thể "đi đến cùng" được ! Khả năng Đài Loan bị chiếm đóng không phải là không có. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên với "phương án B" : rút bớt những cơ sở về vùng "an toàn". Như Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đầu tư 12 tỷ vào nhà máy ở Arizona, Globalwarfers năm tỷ ở Texas.

Hiện nay, trong ngành sản xuất chip (foundry), TSMC chiếm 54% thị phần ! Không những thế, sản phẩm của họ thuộc loại cao cấp nhất. Vì thế, thật dễ hiểu rằng nếu Trung Quốc chiếm Đài Loan thì Mỹ sẽ "đói" do thiếu "gạo của công nghiệp" ! Và, dù muốn hay không, cho dù ở Mỹ có do dân chủ hay cộng hòa nắm quyền, thì Mỹ vẫn phải bảo vệ Đài Loan !

chip03

Hình chụp từ trên cao xuống nhà máy của TSMC (Đài Loan) chuyên sản xuất chip bán dẫn tại Nam Kinh, Trung Quốc. AFP

2. Công nghệ và thế đứng chính trị của Việt Nam

RFA : Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện nay diễn ra cùng lúc với cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Theo ông, vấn đề gì là quan trọng nhất đối với Việt Nam khi nhìn cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung này ?

Nguyễn Lê Tiến : Không chỉ riêng Mỹ mà cả thế giới có khuynh hướng "thoát Trung" nên họ phải kiếm lối ra. Việt Nam với số dân gần 100 triệu, người dân có truyền thống ham học, cần cù, chi phí rẻ ..vv.. nên được chú ý hơn. Tôi nghĩ đây là cơ hội vô cùng lớn nếu nhìn trong bối cảnh "chiến tranh lạnh" !

Nếu nhìn vào lịch sử thì thấy Việt Nam cũng cùng trong khối văn hóa mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là "Khổng giáo". Hàng chục năm trước, khi Việt Nam mới "đổi mới", người ta đã từng kỳ vọng Việt Nam thành "con hổ" mới, vì trong sự vươn lên của Đông và Đông Nam Á các nước Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore có sự cất cánh thần kỳ hơn là các nước khác như Indonesia, Thái Lan..

Việt Nam trong khoảng thập niên 1960 đã có cùng hoàn cảnh, trình độ tương đương với các nước này. Thế nhưng bây giờ đã bị vượt qua rất xa.

Nếu trong hoàn cảnh "bình thường", một quốc gia khó lòng vươn lên với tốc độ "thần kỳ" như thế. Riêng trong thời "cách mạng khoa học kỹ thuật" thì lại khác. Bởi là "cách mạng" nên cái "mới" đều mới với tất cả mọi người và quá nhiều thứ để làm. Trong thời cách mạng, có những công ty cũ lạc hậu tàn lụi đi, nghững công ty mới, trẻ trung lại vươn lên. 

Các quốc gia cũng thế. Nhật Bản đã "đổi mới", canh tân và chủ trương quyết liệt "thoát Á", đúng ngay vào thời cách mạng kỹ thuật 2.0 (cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 ), đúng cơ hội để vươn lên. 

Cuộc cách mạng 3.0 với bán dẫn, máy tính xảy ra sau thế chiến thứ 2 với cao điểm ở thập niên 70, cũng là thời "Chiến tranh lạnh 1.0" và bất hạnh thay, cũng là thời chiến tranh Việt Nam.

Các quốc gia Đài Loan, Nam Hàn, Singapore được yên ổn và được Mỹ hỗ trợ tối đa vì là đồng minh. Họ có thể dốc toàn lực, nương theo cuộc cách mạng kỹ thuât mà cất cánh.

Việt Nam tập trung vào chiến tranh và cuối cùng là thuộc phía "bên kia" của cuộc chiến tranh lạnh và cả cuộc cách mạng 3.0. Tất cả các nước thuộc phe Xã hội chủ nghĩa đều trở thành lạc hậu chứ không riêng gì Việt Nam. 

Trong thế đối đầu, dĩ nhiên là "phe kia" luôn bị bao vây, cấm vận ! Đó là vị thế của Việt Nam suốt từ sau 1945 cho đến 1995, chiến tranh và cấm vận.

Ngày nay, Cuộc cách mạng 3.0 tạo cơ sở cho cuộc cách mạng 4.0 đang xảy ra. Với những cơ hội mới như "IOT - internet của vạn vật", "Big Data-dữ liệu lớn", "AI-trí tuệ nhân tạo"... ảnh hưởng vô cùng lớn đến không những kinh tế và còn trong mọi lĩnh vực như khoa học, xã hội, v.v.

Trung Quốc phát triển "thần kỳ" từ 50 năm nay chủ yếu là nhờ "bám" theo kịp thời cuộc cách mạng 3.0. Điều chỉ có thể xảy ra khi ông Đặng Tiểu Bình dứt khoát "đổi phe một phần". Bây giờ, tình thế "đối đầu" quay trở lại, Trung Quốc và Nga lại là đồng minh. Họ sẽ bị Mỹ cấm vận là chuyện đương nhiên. 

Một mình Mỹ tất nhiên là không đủ để có thể tự phục hồi ngành công nghiệp chip mà không cần đầu tư vào một số nước Châu Á. Công nghiệp chip có tính toàn cầu, thí dụ như TSMC phải cần máy quang khắc của ASML Hòa Lan, ASML lại cần hệ thống quang học của Zeiss, Đức, v.v. và v.v. Không ai hoàn toàn "tự lực" cả. Có may mắn là tất cả các công nghệ liên quan đều nằm trong tay Mỹ và các nước đồng minh. Và thế mạnh chủ đạo của nước Mỹ chính là Mỹ có tính "thế giới". Hệ thống, cơ chế, truyền thống… của Mỹ có sức thu hút nên ngay trong sự thành công của nước Mỹ đã có sự đóng góp của biết bao nhiêu là di dân. Tính "thế giới" của nước Mỹ là ở đó.

Do đó, quan trọng nhất với Việt Nam là sự lựa chọn vị trí. Nếu chọn lầm thế đứng, Việt Nam sẽ bỏ mất cơ hội ngàn năm một thủa này để vươn lên cùng thế giới.

chip04

TSMC vừa đầu tư thêm vào cơ sở bán dẫn ở Arizona để nâng cấp lên công nghệ 4 nm

3. Việt Nam trước những chuyển động mới

RFA : Chính vì cần sắp xếp lại chuỗi cung ứng nên gần đây nước Mỹ đưa ra chính sách "friend-shoring" (chuyển sản xuất đến những nước thân thiện). Nhiều khảo sát cho thấy người Việt Nam rất thích Mỹ, vậy nước này có thể được Hoa Kỳ "friend-shoring" hay không ? Làn sóng rời khỏi Trung Quốc có thể giúp Việt Nam nhận đầu tư về công nghệ cao như chất bán dẫn nhiều hơn ? Việt Nam có đủ năng lực để nhận được không ? 

Nguyễn Lê Tiến : Thuật ngữ "friend-shoring" có nghĩa đen là "dàn chống đỡ - bạn hữu", được hiểu là mang những phần quan trọng, thiết yếu nhất của chuỗi cung ứng về những quốc gia "đồng minh" hay "đáng tin cậy". 

Thực ra, nếu trong hoàn cảnh bình thường, thì chính sách này đi ngược với chủ trương kinh tế tự do, toàn cầu hóa, một chủ trương rất tự nhiên và hữu hiệu. Với kinh tế tự do thì hễ sản xuất bất kỳ một thứ gì thì hữu hiệu nhất vẫn là đưa về nơi đâu có khả năng làm tốt và rẻ nhất. Thế nhưng rõ ràng đây là việc "chẳng đặng đừng". Trong tình thế đối đầu như hiện nay thì Mỹ (và Tây phương) khó có một con đường nào khác.

Người Việt ta có câu "ba lần dọn nhà bằng một lần cháy nhà". Chỉ dọn đồ đạc, nồi niêu bàn ghế mà đã thế ! Huống hồ là dọn cả một chuỗi cung ứng, nó ảnh hưởng nhau chằng chịt, nơi này đang sản xuất linh kiện này, nơi kia thứ kia, rút cục một khâu bị tắc, cho dù bé, là cả chuỗi bị nghẽn lại ! Như ta thấy tình trạng kinh tế thế giới hiện nay. Tóm lại, khó, rất khó và cần thời gian. 

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, khả năng thành công khá cao, bởi trong ngành bán dẫn, Mỹ không những là nước đi đầu và là trung tâm của cách mạng bán dẫn mà đang còn nắm những công đoạn cao cấp nhất, chủ yếu nhất trong công nghệ này. 

Thí dụ như : muốn sản xuất chip thì khâu đầu tiên tất nhiên là phải thiết kế. Muốn thiết kế thì cần công cụ thiết kế như EDA (electronic design automation). Thế mà ngành EDA hiện tập trung vào ba công ty Cadence, Synopsys và Mentor Graphics. Hai công ty đầu là công ty Mỹ. Mentor cũng thế, nhưng hiện nay thuộc Siemens của Đức. Chỉ riêng ba công ty này đã chiếm khoảng 75% thị phần. 

Đó là chưa kể, sau khi thiết kế, còn cần vô vàn những công cụ rất tinh vi để thử nghiệm, sản xuất. Và ngành này chủ yếu đang nằm trong tay Mỹ và các nước đồng minh như Nhật, Đức, Hòa Lan. 

Với lợi thế ấy, phần nào có thế thấy rằng Mỹ đang "ép" các đồng minh theo hướng này. Điều này khó chấp nhận ngay, bởi nó gây ra thiệt hại trước mắt cho nhiều nước và doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Mỹ ! Nhưng mặc dù thế các nước và doanh nghiệp cũng thấy rằng khó có đường nào khác hơn là "dọn nhà" thay vì chờ đến "cháy nhà". Có thể thấy qua việc, mới đây TSMC đầu tư thêm vào cơ sở bán dẫn ở Arizona để nâng cấp lên công nghệ 4 nm, Samsung dự định đầu tư 200 tỷ trong vòng 20 năm tới cho 11 cơ sở sản xuất bán dẫn tại Mỹ. 

Nhiều khảo sát cho thấy đa số người dân Việt Nam thích Mỹ, và Việt Nam là một trong những nước thích Mỹ nhất. Nhưng đó là từ phía người dân. Còn về mặt chính sách, cho đến nay thì Việt Nam không phải là "quốc gia thân thiện" với Mỹ theo cách hiểu của chính sách "friend-shoring", mặc dù có thể thấy là Mỹ rất muốn. Thể hiện qua thế đứng là suốt một thời gian dài, chỉ Nga, Trung Quốc, Ấn Độ có quan hệ "đối tác chiến lược toàn diện", còn Mỹ chỉ có quan hệ "đối tác toàn diện". Trong khi đó, chính Mỹ là nước đã kiên trì đề nghị nâng cấp quan hệ hai nước lên thành "đối tác chiến lược" suốt hơn 10 năm nay nhưng Việt Nam không chịu. Mới đây, Việt Nam ký với Hàn Quốc một đồng minh của Mỹ "đối tác chiến lược toàn diện" nhưng vẫn không ký với Mỹ. Nói thẳng ra là Việt Nam vẫn chọn mình là "đồng minh" với Trung Quốc và Nga. 

Mặt khác, dù cho Mỹ có "tin tưởng" đến đâu đi chăng nữa thì rút cục cũng phải chuyển những công đoạn quan trọng sang các nước có khả năng thực hiện. Kỹ nghệ bán dẫn đòi hỏi trình độ công nghệ cao, mà công đoạn càng quan trọng thì đòi hỏi càng cao ! Tôi e rằng, Việt Nam đi quá chậm so với các nước láng giềng trong ngành bán dẫn, không chỉ so với Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan mà còn với Malaysia, Singapore.

Làn sóng rời bỏ Trung Quốc mang lại lợi thế cho Việt Nam. Các công ty nước ngoài như Samsung, LG, BYD… đầu tư khá mạnh đã phát triển công nghiệp điện tử lên khá nhanh, chiếm tới 16% tổng kim ngạch xuất khẩu quý 1/2022. Năm 2010, Intel đã đầu tư một tỷ vào nhà máy đóng gói và kiểm nghiệm chip. Vừa mới đây, Samsung dự định đầu tư thêm cho nhà máy đóng gói chip. Đây là những tín hiệu đáng mừng. 

Tuy nhiên, công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay đang còn ở mức độ gia công là chính. Công nghệ bán dẫn còn đòi hỏi cao hơn nữa. 

Học hỏi kinh nghiệm các nước, chúng ta thấy rằng cùng một điều kiện nhưng ngành bán dẫn phát triển cao ở Đài Loan, Nam Hàn và Singapore, còn các nước khác ở Đông Nam Á thì chậm hơn. 

Một trong những lý do là vì các nước trên, ngay từ đầu đã đầu tư rất mạnh và nghiêm túc vào giáo dục. Điều này, tôi e rằng chính là điểm yếu của Việt Nam ! Việt Nam vốn có truyền thống chung với các nước trên, đó là rất coi trọng việc học hành, một thế mạnh không dễ nhiều nước có. Thế nhưng, thật là nghịch lý khi nền giáo dục lại xuống cấp. Giáo dục phải là một chìa khóa chính yếu để vươn lên.

Việt Nam cần mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty nước ngoài tạo cơ sở phát triển, thiết kế chip. Công đoạn này, theo tôi nghĩ, thích hợp với khả năng người Việt. Gần đây, công ty Synopsys đầu tư vào việc phát triển nhân sự thiết kế chip ở Việt Nam là một sự kiện đáng mừng.

Nguồn : RFA, 13/12/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương, RFA tiếng Việt
Read 209 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)