Những thách thức cho kinh tế Việt Nam trong năm 2023
Kỳ Duyên, RFA, 21/12/2022
Vừa từ Châu Âu trở về, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi phải có các biện pháp cứng rắn để giữ cho thị trường lao động ổn định khi nền kinh tế đang tiến dần đến cuối năm. Theo thống kê sơ bộ, trên toàn quốc, khoảng 637.000 công nhân bị ảnh hưởng, trong đó 53.000 người đã mất việc làm. Tại Sài Gòn, trung tâm kinh tế của cả nước, có khoảng 102.000 công nhân đã bị cắt giảm giờ làm và 6.000 người bị sa thải.
AFP
____________________
"2023 là năm bản lề, năm vô cùng quan trọng để thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, nhận diện, phân tích những tồn tại, hạn chế trong năm 2022 và đưa ra các kịch bản, giải pháp hướng tới mục tiêu có ý nghĩa vô cùng quan trọng". Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chia sẻ trước thềm "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam" vào ngày 17/12/2022 tại Hà Nội. Đây là lần thứ năm Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sự kiện này. Năm nay, trên cơ sở thỏa thuận hợp tác của Ban cán sự đảng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam thường niên và đột xuất theo chuyên đề.
2022 GDP tăng 8,2%, nhưng 2023 sẽ khó khăn
Chủ đề chính của Diễn đàn : "Kinh tế Việt Nam 2023 : Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức". Diễn đàn Kinh tế lần thứ năm thảo luận chuyên sâu về đảm bảo các cân đối lớn của Việt Nam, từ đó đưa ra các khuyến nghị và lựa chọn chính sách cho phù hợp trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, năm 2022, Việt Nam đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng GDP dự kiến đạt từ 8 - 8,2%. "Tuy nhiên chúng ta đang đối mặt với năm 2023 với rất nhiều khó khăn, thách thức khi bối cảnh khu vực và quốc tế sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp và rất khó lường", Trưởng Ban Kinh tế nhấn mạnh. Diễn đàn lần này thu hút khoảng 1.000 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến để cùng thảo luận các vấn đề trên, từ đó đưa ra các nhận định, khuyến nghị và giải pháp giúp nền kinh tế vượt qua thách thức (1).
Năm báo cáo chính được trình bày tại phiên toàn thể, gồm :
1) Tổng quan kinh tế Việt Nam 2022 và định hướng điều hành 2023, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày ;
2) Triển vọng kinh tế thế giới 2023 và các gợi ý chính sách cho Việt Nam, do Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) trình bày ;
3) Những vấn đề đặt ra đối với kinh tế Việt Nam 2023 qua đánh giá phản ứng chính sách vĩ mô của các nước và dự báo viễn cảnh kinh tế Châu Á 2023, do Giám đốc ADB tại Việt Nam trình bày ;
4) Ổn định tài chính, lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản Việt Nam tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế 2023, do Chủ tịch Quỹ VinaCapital trình bày ;
5) Tăng tốc đầu tư công và khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp để tạo bứt phá tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023, do Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam trình bày.
Trong 11/2022, nền kinh tế duy trì đà phục hồi tốt. Đặc biệt, GDP quý 3/2022 có sự bật tăng mạnh mẽ với mức tăng trưởng hai con số. Theo đánh giá, sự phục hồi mạnh mẽ có được nhờ Việt Nam kịp thời chuyển hướng, mở cửa trở lại nền kinh tế và việc triển khai các gói hỗ trợ để tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh. "Tuy nhiên, sự phục hồi mạnh chỉ là hiện tượng nhất thời bởi những yếu tố tạo nên phục hồi (như : xuất khẩu, du lịch, dịch vụ, sản xuất…) không tăng như những tháng trước và cũng khó kéo dài đến năm 2023 hay 2024", ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), khẳng định. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải nhận diện và đánh giá năm 2022 đúng với thực tế, tránh lạc quan quá mức sẽ dẫn tới không phù hợp với thực tế diễn biến của nền kinh tế (2).
"Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2023" tập trung đánh giá chuyên sâu về sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch ; những tác động từ suy thoái kinh tế toàn cầu tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và cách thức Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực trong bối cảnh mới và lộ trình tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA). Cùng với đó, giá năng lượng, nguyên vật liệu gia tăng ; chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt ở các nền kinh tế sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, có thể làm chậm lại quá trình xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh…
Lịch sử lặp lại sau một thập kỷ ?
Lịch sử trên thị trường tài chính - ngân hàng cách đây hơn 10 năm (2011) dường như đang lặp lại trong năm 2022. Sau hơn một thập kỷ, có vẻ như chương trình tái cấu trúc các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa đạt được mục tiêu ban đầu của Chính phủ Việt Nam. Sau hơn một thập kỷ, các diễn biến trên thị trường ngân hàng - tài chính Việt Nam đang lặp lại với các nét tương đồng : lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, hệ thống chạy đua tăng lãi suất, ngân hàng cho vay vượt quá huy động, lãi suất tái chiết khấu của ngân hàng nhà nước tăng mạnh, đồng VND mất giá sốc, nợ xấu bùng phát... Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã phải hai lần liên tiếp tăng lãi suất tái điều hành trong vòng một tháng. Lãi suất tái cấp vốn được nâng từ 4,0%/năm lên 6,0%/năm ; lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 4,5%/năm ; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng tăng từ 5,0%/năm lên 7,0%/năm (3).
Phát biểu kết luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần năm vào chiều 17/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ý kiến của chuyên gia, bộ ngành tại diễn đàn đều "đúng và trúng". Ông đề nghị tất cả hệ thống chính trị, cơ quan, doanh nghiệp, người dân phải vào cuộc. Thủ tướng nhận định năm 2023, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Tại một cuộc họp Chính phủ trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi phải có các biện pháp cứng rắn để giữ cho thị trường lao động ổn định khi nền kinh tế đang tiến gần đến cuối năm. "Dứt khoát không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động", ông Phạm Minh Chính đưa ra yêu cầu với Bộ Lao động, thương binh và xã hội. Thách thức là rất lớn do biến động về địa-chính trị trên thế giới, các chính sách thắt chặt tiền tệ ở các thị trường lớn để chống lạm phát khiến nhu cầu hàng điện tử và may mặc giảm rõ rệt ở hầu hết các thị trường. Do vậy, xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ chững lại đến nửa đầu năm sau (4).
Theo thống kê mới nhất, có hơn 500 công ty tại Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề do đơn đặt hàng từ các nước bị cắt giảm, khiến cho khoảng 637.000 công nhân bị ảnh hưởng, trong đó 53.000 người đã mất việc làm, theo thống kê mới công bố của Bộ Lao động, thương binh và xã hội Việt Nam. Tại thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của cả nước, khoảng 102.000 công nhân đã bị cắt giảm giờ làm và 6.000 người bị sa thải, Việt Nam News dẫn nguồn từ Ban Chính sách và Pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động thành phố cho biết. Trưởng ban Nguyễn Thành Đô đã đề xuất chính phủ Việt Nam cần phải xem xét ban hành các gói hỗ trợ lãi xuất tiền vay để giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính duy trì hoạt động và nên có gói cứu trợ lớn để hỗ trợ những người lao động bị ảnh hưởng (5).
Tiến sĩ. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam-VIAC chia sẻ một số dấu hiệu đáng lo ngại xuất hiện vào cuối năm 2022 và có thể tiếp diễn trong năm 2023. Đó là sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu đang chậm lại ; thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất để giảm lạm phát của FED… Đó là sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu đang chậm lại ; thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất để giảm lạm phát của FED… Vẫn theo ông Lộc, trong 11 tháng đầu năm, đã có 123.000 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, cứ 10 doanh nghiệp được thành lập thì bảy doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đây là con số đáng suy nghĩ. Bản chất của hiện tượng này là sự tổn thất của thị trường, nó là vấn đề tăng trưởng, vấn đề việc làm, vấn đề niềm tin trong nền kinh tế. Xu hướng này chắc chắn chưa thuyên giảm trong năm 2023 (6).
"Tăng trưởng xuất khẩu trong chín tháng vừa qua chủ yếu do giá cả tăng, chứ lượng xuất khẩu không tăng nhiều. Chúng ta có kích thích được xuất khẩu hay không tùy vào biến động về tỷ giá, lãi suất. Đây là điểm trong điều hành tỷ giá thời gian tới cần phải để ý để kích thích xuất khẩu để giải tỏa việc tồn kho và trì trệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay", Tiến sĩ. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá. Theo các chuyên gia, hiện sản xuất kinh doanh đang gặp khó khi lãi suất tăng và việc tiếp cận nguồn vốn cũng không dễ dàng. Do vậy, chính sách tiền tệ cần phải thận trọng, đảm bảo các ngân hàng có đủ khả năng thanh khoản và có thể nới lỏng tín dụng hơn, ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đóng góp tăng trưởng cho nền kinh tế (7).
Kỳ Duyên
Nguồn : RFA, 21/12/2022
Tham khảo :
5. https://www.voatiengviet.com/a/6879464.html
6. https://baotainguyenmoitruong.vn/dau-la-dong-luc-phat-trien-kinh-te-viet-nam-2023-348010.html
****************************
Sáu thách thức với ngành ngân hàng năm 2023
Kim Anh, Thoibao.de, 20/12/2022
Theo tin từ trang cafef.vn, sáng ngày 17/12, tại "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam", Tiến sĩ Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết, năm 2023, ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với 6 thách thức lớn.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực
Sáu thách thức này có thể tóm tắt như sau :
Thứ nhất, một số văn bản pháp lý về chuyển đổi số ban hành chậm, dẫn đến việc chưa thể triển khai cho vay online và các hoạt động điện tử hóa khác.
Thứ hai, dư địa chính sách tiền tệ đã bị thu hẹp. Dư địa chính sách tiền tệ có thể hiểu là những chính sách có thể sử dụng để điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ. Ví dụ như giảm thuế, miễn thuế, tang/giảm lãi suất, bơm tiền… Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng Nhà nước) đã phải tăng lãi suất 2 đợt để ổn định tỷ giá, dự trữ ngoại hối ở mức thấp… Nếu FED tiếp tuc tăng lãi suất trong thời gian tới, thì áp lực về lãi suất và tỷ giá rất lớn. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì công cụ hạn mức tín dụng để kểm soát lạm phát và thanh khoản hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm, giải ngân đầu tư công chậm, khiến việc tiếp cận vốn doanh nghiệp gặp khó khăn.
Công thức tính hệ số CAR
Thứ ba, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam ở mức thấp so với khu vực.
Hệ số an toàn vốn là tỷ lệ vốn của ngân hàng sở hữu trên tổng mức tín dụng của ngân hang đó. Hệ số này xác định năng lực của ngân hàng trong việc đáp ứng các khoản nợ phải trả và các rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường… Hệ số này thấp đồng nghĩa với việc rủi ro tài chính của các ngân hàng đang ở mức cao. Nguyên nhân do việc tăng vốn của các NHTM gặp khó khăn, thị trường vốn suy giảm, tìm kiếm nhà đầu tư gặp khó khăn.
Thứ tư, dự báo nợ xấu của nền kinh tế trong năm 2023 sẽ gia tăng cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Triển vọng năm 2023, nợ xấu gộp của hệ thống vào khoảng 5% và đây là mức rủi ro cao.
Ngân hàng Teachcombank, nơi có nhiều tai tiếng về những mối quan hệ bất minh với Tập đoàn Masan
Thứ năm, hiện tượng cổ đông, nhóm cổ đông lớn có tác động đến hoạt động đầu tư hoặc tín dụng. Tình trạng các công ty có mối liên kết với nhau, có quan hệ tinh vi… những mối quan hệ này có tác động nhất định đến hoạt động đầu tư hoặc tín dụng. Thực tế, những vụ việc vi phạm của một số tập đoàn bất động sản vừa qua đã bộc lộ tích chất liên quan này. Một ví dụ rõ ràng nhất là mối quan hệ tay ba giữa ngân hàng SCB – Chứng khoán Tân Việt – Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Một ví dụ khác là việc ngân hàng Teachcombank cho các công ty con thuộc Tập đoàn Masan vay những khoản vốn khủng và ai cũng biết mối quan hệ loằng ngoằng giữa các ông chủ của Teachcombank và Masan.
Thứ sáu, thanh khoản của hệ thống ngân hàng gặp khó khăn. Tài sản mang tính thanh khoản cao như tiền gửi của các ngân hàng thương mại tại Ngân hàng Nhà nước giảm. Trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã rút mạnh tiền gửi của tại Ngân hàng Nhà nước, làm giảm mức tiền gửi đến 48% so với đầu năm.
Ngoài 6 thách thức kể trên, huy động vốn trong năm 2022 cũng chậm lại. Nguyên nhân có thể kể đến như : lạm phát khiến giá cả tang cao và chi phí cho hoạt động của các doanh nghiệp cũng tăng, dẫn đến giảm tiền gửi ; lãi suất và tỷ giá tăng cũng làm tăng chi phí tài chính của doanh nghiệp ; phát hành trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn ; đầu tư công giải ngân chậm làm tăng nợ nần giữa các doanh nghiệp ; thị trường bất động sản trầm lắng kéo theo một phần tiền vốn tồn đọng ; thị trường chứng khoán suy giảm khiến môi trường đầu tư rủi ro tăng… Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất trong tất cả các nguyên nhân, đó là người dân mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng, vào các doanh nghiệp đại gia, sau quá nhiều vụ ngân hàng và đại gia lừa đảo, ăn cắp tiền của dân.
Hoạt động ngân hàng vốn dựa vào niềm tin, người dân có tiền nhàn rỗi đem tiền gửi vào ngân hàng vì họ cảm thấy yên tâm. Họ gửi tiền vào ngân hàng để nhận thêm ít tiền lãi, tăng thêm một ít thu nhập cho gia đình. Ngân hàng lấy tiền của dân đem cho doanh nghiệp vay để hưởng chênh lệch lãi suất. Doanh nghiệp vay tiền để đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người dân. Vòng xoay của nền kinh tế cứ như thế, cứ dựa vào nhau để phát triển. Nhưng một khi mất niềm tin thì vòng quay này sẽ khựng lại và mọi thứ sẽ ách tắc.
Kim Anh (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 20/12/2022
***************************
Nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những thách thức 'chưa từng có'
Hoàng An, Tiền Phong online, 20/12/2022
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, đó là những thách thức chưa từng có trong mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế cũng như việc triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại diễn đàn.
Ngày 20/12, Bộ Tư pháp tổ chức diễn đàn Kinh doanh và pháp luật năm 2022 với chủ đề "Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển". Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh các doanh nghiệp của Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Phát biểu tại diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho hay, hơn hai năm qua, trong bối cảnh tác động mạnh mẽ, sâu rộng của đại dịch Covid-19 và tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, nền kinh tế toàn cầu đã và đang đối mặt với nhiều bất ổn, khó lường do lạm phát, thiếu hụt năng lượng, xung đột. Những bất ổn, khó lường này đang và sẽ đặt ra những thách thức chưa từng có cho chúng ta trong mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế cũng như việc triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Để sát cánh cùng doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19, việc cơ quan nhà nước chủ động phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp, nhận diện và tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn pháp lý để doanh nghiệp Việt Nam bứt phá, đạt được những thành tựu mới là vô cùng cần thiết.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, từ kết quả tổ chức diễn đàn , đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu các ý kiến, các khó khăn, vướng mắc được nêu tại diễn đàn để xây dựng lộ trình, phương án giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách cụ thể, kịp thời, hiệu quả, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp.
Tại diễn đàn, đại biểu đề cập đến các chính sách phục hồi kinh tế đối với doanh nghiệp, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nêu quan điểm, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là rất tốt, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý bởi thực tế, nguồn vốn hỗ trợ là tiền của ngân sách, nguy cơ rủi ro cao nên các ngân hàng thương mại rất ngại, thậm chí ngay cả người vay cũng rất thận trọng vì sau này còn thanh tra, kiểm tra.
Bên cạnh đó, bản thân gói hỗ trợ lãi suất 2% không tạo nên động lực thực thi vì nguy cơ cao nhưng lợi ích rất nhỏ, trong khi các ngân hàng thương mại không mặn mà.
Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - cho rằng, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Chính phủ đã nỗ lực có các giải pháp nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp làm thủ tục vẫn mất rất nhiều thời gian, công đoạn. Việc này có thể xuất phát từ yếu tố "chưa có tiền lệ", dẫn đến khi đưa chính sách còn mang tính chung chung.
"Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% là khó vô cùng. Những doanh nghiệp đang cần vốn trong bối cảnh hiện nay đều kỳ vọng nên có sự điều chỉnh quy định để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, và ngân hàng thương mại cũng tự tin hơn khi cung cấp gói hỗ trợ. Khi tiếp cận chính sách, doanh nghiệp luôn kỳ vọng sẽ tuân thủ pháp luật tốt chứ không phải tìm cách lách luật, nhưng khi thực hiện thì khó tránh khỏi các rủi ro, sai sót", bà Thảo nói.
Các đại biểu trao đổi tại diễn đàn.
Đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, ông Tạ Quang Đôn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cũng thừa nhận còn những hạn chế trong việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Theo ông Đôn, qua thông tin khảo sát, chính doanh nghiệp cũng có tâm lý "e ngại" khi tiếp cận nguồn vốn này. E ngại vì sau này sẽ phải tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Ngoài ra, một rào cản khác được ông Đôn đề cập là có những ngành nghề được vay, có ngành nghề lại không, dẫn tới những doanh nghiệp đa ngành nghề phải bóc tách cũng là cả vấn đề. Để giảm thiểu rủi ro, ông nhận định cần có các đề xuất, hướng dẫn chi tiết hơn từ cơ quan có thẩm quyền.
Hoàng An
Nguồn : Tiền Phong online, 20/12/2022