Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/12/2022

Đảng cộng sản Việt Nam nên rút lui

Phạm Trần

Đảng cộng sản cầm quyền nên từ nhiệm để bảo vệ danh dự sau 15 năm không chống nổi "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên.

Lời khuyên này không cực đoan hay vô lý mà thực tế đã chứng minh như thế.

dcsvn01

Ban lãnh đạo Đảng, Nhà nước cộng sản Việt Nam dự Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 10/02/2022. (Ảnh : TTXVN)

Hãy điểm lại 3 Nghị quyết "Trung ương 4" của các khóa đảng XI, XII và XIII để thấy đảng đang lúng túng cao độ trước làn sóng bài bác chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lười học tập chính trị, Nghị quyết trong toàn đảng và ngoài xã hội để thấy lệnh Đảng không còn hiệu quả nữa.

Thứ nhất, hãy nói về Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" của khóa đảng XI, ra đời ngày 16/01/2012, sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lên cầm quyền thay ông Nông Đức Mạnh.

Nghị quyết này đăt trong tâm vào "tự phê bình và phê bình" nhằm "xây dựng đảng", nhưng sau 5 năm thi hành,Trung ương nhìn nhận : "Bên cạnh những ưu điểm và kết quả quan trọng đã đạt được, Đại hội XII của Đảng cũng chỉ rõ : Trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm ; một số việc chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết đề ra. Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức ; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm ; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao".

Bằng chứng như : "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi ; thậm chí có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn. Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn diễn ra nghiêm trọng và xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành nhưng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi ; sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước" (Bài viết của Đảng Ủy khối các cơ của quan Trung ương, ngày 17/10/2016).

Vì vậy, khóa đảng XII, bắt đầu từ 26/01/2016, phải ban hành Nghị quyết Trung ương 4 thứ hai, nhằm mục đích : "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ".

Lý do : "Công tác xây dựng Đảng còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu.

Nội dung sinh hoạt đảng ở nhiều nơi còn đơn điệu, hình thức, hiệu quả chưa cao. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn yếu kém.

Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu ; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái".

Từ một lên nhiều hơn

Đáng chú ý là số đảng viên suy thoái từ "một bộ phận" của khóa XI đã tăng lên "một bộ phận không nhỏ" trong khóa XII qua thừa nhận : "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn ; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước" (Nghị quyêt 4/XII).

Đảng còn nhìn nhận : "Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao".

Bước sang khóa đảng XIII, nhiệm kỳ 2021/2026, một Hội nghị Trung ương thứ 4 lần 3 được triệu tập với chủ đề "đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Tại Hội nghị này, Đảng duyệt lại việc thi hành Nghị quyết 4, khóa XII thì Trung ương thấy : "Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 vẫn còn hạn chế, khuyết điểm : Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế. Cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm ở nhiều lĩnh vực chưa có hoặc có nhưng chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp. Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên chưa hiệu quả ; chưa phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…".

Điều quan trọng là tình trạng rệu rã trong hàng ngũ đã nẩy mầm từ những đơn vị cơ sở gồm "địa phương, cơ quan và đơn vị" khiến hàng ngũ lãnh đạo dao động.

Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cho biết : "Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, khuyết điểm là do một số cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình ; chưa quyết tâm và có biện pháp chỉ đạo đủ mạnh, còn thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên ; không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa gương mẫu, mất đoàn kết nội bộ, chưa thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", thậm chí còn cục bộ, lợi ích nhóm, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân". 

Do đó, Trung ương đã cảnh giác : "Bước vào giai đoạn phát triển mới, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" còn diễn biến phức tạp".

4 "nguy cơ" là sản phẩm của Hội nghị Đại biểu Đảng toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (20 - 25/01/1994), bao gồm : "Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế ; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa ; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội ; âm mưu và hành động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch". 

Như vậy, tính chung Đảng đã sa lầy 28 năm, không cải thiện được hàng ngũ để phục vụ dân, ngược lại đã làm cho dân điêu đứng thêm.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác nhận những yếu kém kinh niên này tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, tổ chức tại Hà Nội ngày 9/12/2021.

Ông xác nhận : "Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng…" (VoV-Voice of Vietnam, ngày 11/12/2021).

VoV trích lời ông Trọng cho hay : "Nguy cơ từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với các biểu hiện như : phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu niềm tin ; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng ; sa sút về ý chí chiến đấu, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực ; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết ; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân".

19 điều cấm

Vì vậy, vào ngày 25/10/2021, đảng đã ban hành Quy định (37-QĐ/TW) gồm 19 Điều "về những điều đảng viên không được làm", trong đó, có những Điều quan trọng như sau :

Điều 1 : Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng ; làm những việc mà pháp luật không cho phép.

Điều 3 : Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ; không thực hiện trách nhiệm nêu gương ; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi ; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh ; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng.

Điều 4 : Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố ; tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những thông tin, quan điểm trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Điều 5 : Viết bài hoặc cung cấp tài liệu cho người khác viết, nói, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định. Sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật không lành mạnh, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam, mang tính kích động gây ảnh hưởng xấu trong xã hội ; tán phát bài viết, bài nói, phỏng vấn, hồi ký, phim, ảnh không đúng quy định.

Điều 7 : Tổ chức, tham gia các tổ chức, hội trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước ; biểu tình, tụ tập đông người gây mất trật tự, an ninh.

Điều 8 : Tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ. Lợi dụng việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng, Nhà nước để đả kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tùy tiện đối với tổ chức, cá nhân.

Điều 9 : Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp ; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định.

Điều 10 : Chủ trì, tham mưu ban hành văn bản có nội dung trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện không đúng quy định trong quản lý đầu tư, xây dựng, sử dụng nhà, đất, tài nguyên, tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước.

Điều 11 : Vi phạm đạo đức công vụ, bao che, báo cáo sai sự thật khi thực hiện nhiệm vụ ; thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân do mình trực tiếp quản lý xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các vi phạm khác.

- Không báo cáo, không xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

- Can thiệp, tác động hoặc để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi.

- Lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Điều 12 : Có hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay, can thiệp, tác động dưới mọi hình thức đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được tiếp nhận, tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, khen thưởng, phong tặng danh hiệu, đi học, đi nước ngoài, thực hiện chế độ, chính sách cán bộ trái quy định.

Điều 13 : Can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác.

Điều 14 : Tham ô, đưa, nhận, môi giới hối lộ hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới, hối lộ dưới mọi hình thức ; tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện thực hiện hoạt động rửa tiền, đi vay, cho vay trái quy định của pháp luật.

Điều 15 : Tặng, nhận quà dưới mọi hình thức để tác động đến tổ chức, người có trách nhiệm dẫn đến việc quyết định sai, có lợi riêng cho bản thân hoặc cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp.

Điều 16 : Không thực hành tiết kiệm, để xảy ra thất thoát, lãng phí trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công ; mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công trái quy định.

Thực tế thế nào ?

Cấm đoán triệt để như thế mà tại sao Ban Tuyên giáo Trung ương và các báo chính thống như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Tạp chí Cộng sản vẫn còn vất vả với cuộc chiến chống suy thoái tư tưởng, đạo đức và chống tham nhũng ?

Báo Quân đội Nhân dân đã cảnh báo hậu qủa mặt trái của kinh tế thị trường đã gây ra không ít hệ lụy cho Việt Nam với lập luận : "Mặt trái của cơ chế thị trường cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội phát triển rất nhanh với nhiều thông tin đa chiều, nhạy cảm đã tác động mạnh, ảnh hưởng đến mỗi cán bộ, đảng viên…" (Quân đội Nhân dân, ngày 08/12/2022).

Theo Quân đội Nhân dân thì "các thế lực thù địch" đã có nhiều mánh lới chống Đảng, nhưng : "Cách thức phổ biến là : Lợi dụng văn học, nghệ thuật để cài cắm văn hóa, tư tưởng xấu độc, phản động ; dùng tiền tài, địa vị mua chuộc, lôi kéo, làm tha hóa cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức quyền ; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội nhằm xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước ta ; lợi dụng các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo và các sự việc tiêu cực... để suy diễn, quy chụp, vu khống, bôi nhọ chế độ ; kích động, cổ vũ các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị lên mạng xã hội bày tỏ ý kiến chống đối Đảng, Nhà nước ; xúi giục lực lượng do chúng tài trợ gây rối loạn chính trị, xã hội, lôi kéo cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là công nhân, giới trẻ biểu tình, đình công, tiến tới bạo loạn lật đổ theo kiểu "cách mạng màu" v.v.".

Như thế là hàng ngũ những người chống đảng khá đông nên mới lôi kéo được cả đảng viên và công nhân. Đây là hậu quả mà Quân đội Nhân dân thừa nhận : "Thực tiễn cũng đã cho thấy, chính bản thân những cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh, thiếu tinh thần cảnh giác, không làm chủ được mình đã bị "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", nói và viết trái với đường lối, quan điểm của Đảng , thậm chí rơi vào vòng xoáy tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật và đạo đức, lối sống".

Tờ báo của Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng cho hay : "Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII (01/2021) của Đảng đến nay, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 413 tổ chức Đảng và gần 5.600 đảng viên vi phạm, trong đó có nhiều vi phạm về chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm, tham nhũng, cố ý làm trái các quy định của pháp luật...

Trong 6 tháng đầu năm 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 295 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái, tăng 117 đảng viên so với cùng kỳ năm 2021. Điều đó cho thấy, mặc dù Đảng, Nhà nước đã tăng cường các biện pháp phòng, chống, thế nhưng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" vẫn diễn ra và đây là "căn bệnh" vô cùng nguy hiểm, cần phải tiếp tục quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi".

dcsvn02

Ngay cả đội ngũ trí thức của đảng cũng hoang mang, mất định hướng và không còn tin vào những điều mình dạy người khác thì Đảng có còn uy tín gì để cầm quyền.

Giảng viên cũng hoang mang

Nhưng Đảng đã bỏ ra không biết bao nhiêu tiền bạc và nhân lực để chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" mà sao chúng vẫn trơ ra như tham nhũng ?

Bởi vì không còn ai muốn học tập chính trị và các nghị quyết "biết rồi, khổ lắm nói mãi" của Trung ương. Ngoài ra, còn có tình trạng các giảng viên lý luận chính trị, những ông thầy, bà giáo đứng trên bục giảng bài cũng hoang mang, chao đảo và "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" thì học viên chưa tan rã là may.

Bằng chứng này đã được Tạp chí Lý luận Chính trị của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu lên : "Một số giảng viên lý luận chính trị còn biểu hiện chưa tin tưởng thực sự vào lý tưởng, con đường cách mạng của dân tộc, thể hiện ở sự dao động về lý tưởng cộng sản, lung lay niềm tin chính trị, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Vẫn còn những giảng viên lý luận chính trị phát biểu trên bục giảng, trên diễn đàn xã hội những quan điểm đi ngược, đi trái với đường lối của Đảng. Khi phân tích các vấn đề chính trị - xã hội, một số giảng viên còn có cái nhìn thiếu tích cực, thiếu niềm tin.

Một số giảng viên lý luận chính trị chưa đáp ứng yêu cầu của công tác tư tưởng trong cuộc đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" ; thiếu tu dưỡng, rèn luyện nên năng lực sư phạm, trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế".

Ngoài ra, Tạp chí Lý luận Chính trị còn chỉ trích : "Nghiên cứu khoa học và hướng dẫn sinh viên, học viên nghiên cứu khoa học về các vấn đề công tác tư tưởng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của một số giảng viên còn nhiều mặt hạn chế. Một bộ phận giảng viên nhận thức chưa đầy đủ về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nhất là các đề tài về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống... Một số nghiên cứu chất lượng chưa cao, kết quả nghiên cứu chưa thực sự bám sát và giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn của công tác này".

Quan trọng hơn, vẫn theo Tạp chí Lý luận Chính trị, còn có : "Một bộ phận giảng viên lý luận chính trị chưa tích cực, chủ động tham gia chống quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên các phương tiện truyền thông cũng như trên bục giảng. Vẫn còn giảng viên lý luận chính trị chưa thực sự mẫu mực cả trên bục giảng cũng như trong sinh hoạt, còn có biểu hiện tiêu cực" (Tạp chí Lý luận Chính trị, ngày 13/09/2021)

Như vậy thì còn "chống" với "chế" chỗ nào được nữa ? Ngay cả đội ngũ trí thức của đảng cũng hoang mang, mất định hướng và không còn tin vào những điều mình dạy người khác thì Đảng có còn uy tín gì để cầm quyền.

Phạm Trần

(20/12/2022)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần
Read 517 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)