Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/12/2022

Việt Nam cần một nền tư pháp tử tế

Viết từ Sài Gòn - Gió Bấc

Chào 2023, Việt Nam cần một nền tư pháp tử tế

Viết từ Sài Gòn, RFA, 19/12/2022

Đã rất lâu, không chỉ là chuyện một ông hội đồng tỉnh dùng gậy đánh golf vụt người lượm bóng đến gãy gậy mà bị xử giống như không xử hay là chuyện một người ăn cắp con gà, buồng chuối thì bị xử vài năm tù, kẻ trộm cả ngàn tỉ đồng của nhân dân chỉ bị phạt vài năm án treo… Dường như nền tư pháp Việt Nam bị khủng hoảng từ trứng nước, mà nguyên nhân của nó không có gì khác là do Dốt.

tuphap1

Tòa án nhân dân tối cao Hà Nội - Ảnh minh họa

Dốt, bởi thứ tư duy "truyền thống", lối chọn người theo lý lịch đã nhấn chìm nền tư pháp nói riêng và đất nước nói chung vào hố sâu trì trệ, bí bách, không lối thoát. Dốt bởi những kẻ không có năng lực nhưng giỏi chạy chọt, giỏi đội trên đạp dưới, giỏi nịnh bợ đã thắng thế trong công cuộc xây dựng đất nước (nếu thực sự có công cuộc này !).

Hãy nhìn lại vụ án Hồ Duy Hải và cách trả lời của một chánh án tối cao như Nguyễn Hòa Bình, dường như không có cơ sở khoa học, cũng không có cơ sở pháp lý, không có bất kì cơ sở lương tri nào ở đây. Vụ việc động trời, có liên quan đến tính mạng con người và liên quan đến số phận nhiều người, thế nhưng chính một vị Chánh án tối cao của quốc gia lại ỡm ờ bênh vực cho việc dựng hiện trường, thay thế vật chứng và kết án tử hình một con người quá dễ dàng trong khi chưa hề có bất kì bằng chứng nào đủ thuyết phục (chứ chưa nói đến cơ sở pháp lý) để khẳng định Hồ Duy Hải là kẻ giết người.

Trong bối cảnh này, trạng huống này, gương mặt của tư pháp, của ngài chánh án vô hình trung trở nên rất giống với những kẻ hoạn lợn ngu ngốc, thủ đoạn, tàn nhẫn, mất tính người. Mà rõ ràng chưa chắc ông Nguyễn Hòa Bình đã đảm bảo đầy đủ tính người một khi ông đang là chủ xị của một nền tòa án hết sức ầu ơ, một nền tư pháp mà ông là nhân tố không nhỏ luôn cho thấy ở đó không có công lý, chỉ có sự bất minh, giảo hoạt và man trá. Vì sao nên nỗi ?

Xin thưa, nền tư pháp Việt Nam hiện tại rất dễ mà cũng rất khó để tử tế. Dễ bởi nhân tài không thiếu, luật sư giỏi không thiếu, luật sư có đầy đủ lương tâm công lý không thiếu và hiện tại tiếng nói của họ lọt thỏm, nhỏ nhoi giữa những ồn ào thế sự. Thế nên đâm ra khó, khó một khi người ta đặt câu hỏi về những luật sự thực thụ, tại sao họ lại bị hất ra lề tư pháp, ắt hẳn câu trả lời không vui, bởi họ hiểu biết về luật pháp, họ giỏi phân tích và giỏi luật, nói chung là vậy, hiểu biết về luật của họ không chỉ dừng ở hệ thống luật xã hội chủ nghĩa, thậm chí họ thấm nhuần cái hay của hệ thống luật bên ngoài, luật tư bản… Đương nhiên, nguyên nhân chính để họ không được trọng dụng, đó là họ không phải là đảng viên.

Thế nhưng, nếu là những đảng viên trí thức thực thụ thì cũng bõ bèn cho cái gọi là trí thức, đằng này, nhìn lại nền tư pháp Việt Nam, một nền tư pháp đặc biệt mà trong đó, kẻ dùng bằng dỏm vẫn còn chen chúc, bằng tại chức, bằng chuyên tu thì đầy rẫy, hiểu biết về pháp luật thì chẳng có gì. Tôi từng quen một ông trước làm công an, nổi tiếng nịnh bợ cấp trên, sau này cấp trên bị mất chức, hỏng chân, bị rớt khỏi ngành công an vì không có năng lực, thế nhưng chưa đầy năm sau, nhân lúc tách tỉnh, chia huyện, tay này lại chễm chệ ngồi ghế chánh án tòa án huyện mới. Tôi thực sự bàng hoàng bởi với một kẻ dốt nát có thâm niên, nhân cách kém cỏi, bị đồng nghiệp xem là kẻ ăn bẩn như anh ta, nếu lên làm chánh án của một tòa án huyện thì tư pháp của huyện đó còn ra trò trống gì nữa.

Nhưng đâu chỉ riêng ngành Tòa án ! Các Viện Kiểm sát cũng chả ra làm sao, đương nhiên tỉ lệ bằng cấp ở các viện này thì 100% đại học và cao học. Thế nhưng nếu chịu khó rà soát các tấm bằng của các ông/bà lãnh đạo thì thấy ngay rằng họ dùng bằng tại chức, chuyên tu. Mà những cái bằng này có uy tín đến độ người ta nói vui rằng "dốt như chuyên tu, ngu như tại chức", thì cũng đủ hiểu năng lực của nó. Thế nhưng cái qui luật chết người rằng sống lâu lên lão làng và với việc sinh hoạt đảng lâu năm thì gừng càng già càng cay. Mọi cơ hội thăng tiến, chỗ lãnh đạo lại thuộc về những con người "chuyên tu và tại chức" này một cách nghiễm nhiên. Thử hình dung một đám bằng thật đang vâng dạ, phục tùng những kẻ bằng dỏm (phải nói rõ với nhau rằng loại bằng chuyên tu, tại chức, loại ghế dựa hơi đảng đều là những thứ của rởm, đồ dỏm, không xài được).

Thêm nữa, loại Hội đồng làm mưa làm gió, dùng tiền để thao túng ngành ngày càng nhiều, bởi một khi chính trị, hành chính và công lý không đủ vững, không đủ chặt chẽ thì từ bên ngoài sẽ có những tác nhân kinh tế thò tay vào chọc khuấy và thao túng, một khi cả sinh quyển chính trị nhuốm mùi tiền rồi thì chẳng còn gì để nói nữa, mọi thứ tệ hại nhất sẽ bắt đầu, và tại Việt Nam, nó bắt đầu từ rất lâu, bây giờ là lúc nó tàn phá.

Công lý chỉ xuất hiện và tồn tại khi trí tuệ con người đủ mạnh, đủ sáng suốt để giữ lấy nó như một qui ước tử tế, đó là điều hiển nhiên, bởi nếu con người không đủ mạnh về trí tuệ thì các phép toán ma quỉ sẽ nhanh chóng chiếm chỗ trong xã hội, thao túng, làm chao đảo xã hội theo cách của nó. Hiện tại, từ giới quan chức địa phương đến quan chức tỉnh, trung ương đều có vấn đề, nhìn đâu cũng thấy vấn đề, sở dĩ mọi tội ác và thủ đoạn đều có thể mang ra dùng lúc này bởi đất nước gần như không có công lý, công lý yếu ớt, công lý thất thế, công lý trở thành đồ trang sức của kẻ có tiền, công lý trở thành tiếng cười giễu cợt của kẻ nắm quyền. Đất nước sẽ còn tăm tối cho dù những nhà lãnh đạo còn chút lương tri có cố gắng đến mấy mà không xây dựng được một nền công lý tử tế trên cơ sở một nền tư pháp tử tế.

Năm 2022 sắp trôi qua, 2023 lại đến với một khối tàng tức về kinh tế, lòng người (hãy nhìn vào thành phố Sài Gòn với hàng ngàn lính cơ động có mặt hiện nay, cũng như quân đội miền Bắc có mặt trong đợt phong tỏa chống dịch Covid-19 năm 2021 !) và còn nhiều chuyện khác vẫn "mang mang thế sự", đất nước đi từ khó khăn này sang khó khăn khác, lòng người ngày càng bất an, xã hội ngày thêm bất ổn, thế nhưng giới cán bộ, giới lãnh đạo làm được gì ngoài việc ăn chơi phè phỡn, ngoài việc ung dung hưởng thụ ?

Nếu không kịp thời có một nền tư pháp ổn định, chẳng bao lâu nữa, Việt Nam sẽ phải đón nhận những đợt sóng bất ổn và bạo loạn và rất khó để cứu vãn. Bởi điều quan trọng nhất vẫn là cái lõi tư tưởng. Một khi con người bị mất niềm tin thì mọi biện pháp chế tài, kể cả chế tài về tính mạng cũng chẳng ăn thua gì, đó là chưa muốn nói rằng cả những lực lượng tham gia chế tài cũng là con người, cũng sẽ phản tỉnh và suy nghĩ lại như bao con người khác trước tiếng rên đau của đồng loại.

Và cái tiếng rên đau vì thiếu nền tư pháp tử tế đang ngày càng thảm thiết, đang xé tận tâm can con người, đó là một đòi hỏi lịch sử !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 19/12/2022

************************

Bỏ tù cụ Lê Tùng Vân, khúc xương khó gặm !

Gió Bấc, RFA, 19/12/2022

Ngày 16/12/2022, dàn đồng ca của báo chí, truyền thông Đông Lào đồng loạt lấy hết gân cổ rộ lên bản hợp xướng về thông tin Tòa án Đức Hòa ra quyết định thi hành án với cụ Lê Tùng Vân, người cầm đầu của hộ gia đình tu tại gia, nuôi trẻ mồ côi cơ nhỡ lấy tên Tịnh Thất Bồng Lai, Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ. Họ tăng âm khuếch đại hết volume chừng như muốn át cả tiếng reo hò của sân đấu chung kết World Cup, báo giấy đưa lên trang nhất, báo online, tràn ngập các kênh youtube đen đỏ. Ấy nhưng buồn cười là trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, khúc hợp xướng ồn ào ấy lại chỏi nhịp, "đâm hơi" không hiểu vì sao thi hành án cụ già 92 tuổi, sức kiệt hơi tàn, mắt tay nghễnh ngảng lại khó khăn đến thế ! Án có hiệu lực hơn tháng rồi nhưng ông vẫn nằm nhà !

tuphap2

Ông Lê Tùng Vân tại phiên tòa ngày 2/11/2022

Theo luật, thi hành bản án phúc thẩm có hiệu lực là thủ tục bình thường không có gì quan trọng phải thành tin tức, nếu là một vụ án quan trọng tầm cỡ quốc gia, hay một tù nhân VIP cỡ Đinh La Thăng, Trần Bắc Hà thì cũng chỉ là cái tin nho nhỏ. Ấy vậy mà ở đây vụ án vi phạm điều 311, do tòa án huyện xét xử, đã cố sức kết mút khung cũng chỉ tối đa 5 năm tù, bị án già hết hơi, đi không nổi đến mức tòa Phúc Thẩm phải cho nằm nhà khi xét xử, bị án cũng không chống đối, không thể hóa phép đằng vân, độn thổ như Tề Thiên để bỏ trốn. Cùng cư ngụ với bị án là non 10 đứa con nít dưới 10 tuổi, mấy cô gái tay yếu chân mềm không hề có bảo vệ hay côn đồ canh giữ. Sau khi có án phúc thẩm, công an địa phương đã từng bất thần xâm nhập vào Tịnh Thất Bồng Lai khống chế mọi người già trẻ lớn bé để lấy mẫu ADN như chỗ không người.

Ra quyết định mà không thi hành án, nói bắt giam nhưng vẫn ở nhà !

Rõ ràng là điều kiện như vậy thì đưa bị án Lê Tùng Vân vô tù dễ như thò tay vô túi lấy tiền đâu có gì mà 800 anh em báo chí phải đăng tin ầm ỉ. Điều quái lạ là thông tin các báo lại tự chỏi nhau và càng quái lạ hơn là thông tin chỉ mang tính "nhá hàng" khè nhau mà chơi. Hơn nửa tháng sau khi có quyết định cơ quan thi hành án vẫn chưa động đậy tay chân. Cụ Lê Tùng Vân vẫn phải nằm nhà chờ được thi hành án !

Ngày 16/12, Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ nghe cái tên là đã hiểu tôn chỉ, mục đích, chuyên ngành, đưa tin khẳng định chắc nụi ngay từ tít tin : "Vụ Tịnh Thất Bồng Lai : Bắt ông Lê Tùng Vân để thi hành án phạt tù"

Theo nguồn tin của PLO, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa (Long An) Trần Thị Kim Thảnh vào ngày 7/12 đã ký quyết định thi hành bản án hình sự phúc thẩm (ngày 3-11) của Tòa án nhân dân tỉnh Long An. Quyết định nêu sẽ thi hành án đối với người bị kết án là ông Lê Tùng Vân (sinh năm 1932, ở số 191A, ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An - Tịnh Thất Bồng Lai - Thiền am bên bờ vũ trụ).

Phần cuối bản tin khẳng định : "Được biết, ông Lê Tùng Vân được cho tại ngoại trong quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Sau khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm và bản án đã có hiệu lực pháp luật, ông Vân đã bị bắt giam để đảm bảo thi hành án trước khi có quyết định nêu trên của chánh án huyện Đức Hòa" (1).

Thông tin pháp luật của tờ báo mang tên Pháp Luật thì chắc chắn không sai trật, cụ Tùng Vân đã bị bắt giam.

Thế nhưng cùng trong ngày này, Fb của nhà báo Phương Ngô có tương tác với fb của các luật sư bảo vệ Tịnh Thất Bồng Laiđã đưa thông tin ngược lại "Cụ Lê Tùng Vân hiện vẫn còn đang ở Thiền am, thông báo thi hành án có từ ngày 07/12. Nhưng cho đến hôm nay, cơ quan chức năng vẫn chưa đến di lý, đại diện Thiền am và các luật sư đang rất hoang mang, không biết cụ ông sẽ tự đến trình báo, có mặt tại trại giam là bắt đầu khi nào ?! Trại giam nào ?!" (2).

Gợi ý xin hoãn thi hành án !

Cùng trong ngày này, Tuổi Trẻ Online và nhiều tờ báo khác cho biết ông Lê Tùng Vân, người đã bị tuyên phạt mức án 5 năm tù, vẫn chưa thi hành án và hiện đang tại ngoại. Trước đó vào ngày 3/11, phiên phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Long An tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm phạt tù ông Tùng Vân cùng năm người khác. Năm người kia đã bị bắt tạm giam từ lúc khởi tố bị can, chỉ có ông Tùng Vân được cho tại ngoại.

Báo Tuổi Trẻ cũng dẫn theo quyết định thi hành án ngày 7/12 của Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, giải đáp thắc mắc của nhà báo Phương Ngô về nơi cụ Tùng Vân phải có mặt để thi hành án là ""trong thời hạn bảy ngày từ ngày nhận quyết định, người bị kết án phải có mặt tại cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện Đức Hòa, Long An để chấp hành án. Nếu quá thời hạn trên mà không có mặt tại cơ quan công an để chấp hành án thì người bị kết án sẽ bị áp giải đến trại giam.

Tuổi Trẻ Online cũng dẫn nguồn một lãnh đạo Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa cho biết quyết định thi hành án này đã được gửi đến các cơ quan, cá nhân liên quan. Tuy nhiên, một lãnh đạo Công an tỉnh Long An cho biết đến nay Công an huyện Đức Hòa vẫn chưa nhận được quyết định thi hành án từ phía tòa án. Ông Vân vẫn đang được tại ngoại và thực hiện biện pháp ngăn chặn là cấm rời khỏi nơi cư trú.

Thật quái lạ, trụ sở Tòa Án và Công An huyện Đức Hòa cùng nằm trên thị trấn nhỏ như cái lỗ mũi ! Công văn của Tòa đi theo đường nào mà phát hành từ 7/12 đến 16/12, đã 9 ngày, báo chí cả nước đăng tin rần rần, Công An huyện vẫn chưa nhận được ? Đây là vụ án trọng điểm mà cơ quan tố tụng của huyện và cả tỉnh Long An đã mất ba bốn năm trời, tốn biết bao công sức từ gài bẫy bắt quả tang lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng không khởi tố đươc phải chuyển sang tội vi phạm quyền tự do dân chủ. Đã xử xong tội theo điều 311 rồi vẫn còn phát động quần chúng khơi dậy căm thù tố cáo các bị án này về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cưỡng chế trái pháp luật với toàn thể thành viên của Tịnh Thất để lấy mẫu AND tìm bằng chứng loạn luân. Đây là kiểu điều tra bới lông tìm vết, bới bèo ra bọt, không có tội phải điều tra cho ra tội nhưng tại sao đến ngưỡng cuối cùng là thi hành án lại sần sượng, chệch choạc chậm trễ lạ lùng.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh - giải thích, theo trả lời từ phía công an là chưa nhận được quyết định từ phía tòa án thì cũng không thể thi hành án. 

Đến giai đoạn này thì tạm hiểu là theo luật, cụ Tùng Vân lẽ ra phải ngồi tù từ ngày 7/12 nhưng do quyết định thi hành án đi lạc nên vẫn còn tại ngoại.

Cũng qua lập luận của Luật sư, báo Tuổi Trẻ lại gợi ý mở ra con đường nhân đạo, nhân văn : "trường hợp ông Lê Tùng Vân đã 90 tuổi, nếu mang bệnh, sức khỏe không tốt thì khi nhận được quyết định thi hành án vẫn có thể thực hiện các thủ tục xin hoãn thi hành án. "Theo điều 67 Bộ luật hình sự, ông Vân có thể làm đơn đề nghị ra quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù gửi chánh án Tòa án huyện Đức Hòa kèm theo các giấy tờ có liên quan để xem xét theo quy định tại điều 24 Luật thi hành án hình sự" (3).

Hơn ba năm qua với liên tục làn sóng trấn áp, cáo buộc, đơm đạt từ loạn luân, giả tu lừa đảo… của truyền thông lề phải với những thành viên Tịnh Thất Bồng Laithì gợi ý pháp lý xin hoãn thi hành án của báo Tuổi Trẻ là sự kiện lạ như mặt trời mọc lúc nửa đêm.

Đáp lại sự nhân đạo nhân văn đột xuất này, stt đã dẩn của nhà báo Phương Ngô lại giễu cợt, thách thức "Nếu cơ quan chức năng không đến di lý thì chúng tôi, các luật sư có lẽ phải mang cụ đi nộp.

Chẳng biết sẽ nộp ra sao ?! Bắt đầu khi nào ?! Nộp ở đâu ?! Sợ vài hôm sức khỏe ông cụ có gì bất trắc, cơ quan chức năng lại bảo cụ bỏ trốn rồi phát lệnh truy nã, chẳng lẽ lúc đó lại "đào mồ" cụ lên nộp xác, thử ADN xác nhận thì quá rườm rà và phức tạp ! Mong cơ quan thi hành án hình sự tỉnh Long An khẩn trương nhất có thể.

Nếu chưa có thông tin chi tiết nào tiếp tục thì có thể sáng ngày 18/12 chúng tôi sẽ đưa cụ lên trụ sở Công an tỉnh Long An, địa chỉ : 76 Châu Văn Giác, Thành phố Tân An để giao nộp".

Có lẽ trình độ của 5 luật sư bào chữa cho các thành viên Tịnh Thất Bồng Lai thì không cần đến báo Tuổi Trẻ gợi ý nhắc nhở, tự họ cũng biết cần phải sử dụng điều 67 Bộ luật hình sự để bảo vệ quyền hợp pháp của cụ Tùng Vân. Nhưng tại sao từ ngày 7/12 (có quyết định thi hành án) đến nay họ vẫn im lặng không hề sử dụng ? Vì sao Tòa án, Công an Đức Hòa cứ lấn quấn như gà mắc tóc trong việc đơn giản là bắt bỏ tù ông già 92 tuổi đã hết xí quách ? Tại sao báo Tuổi Trẻ lại đột nhiên nhân đạo ? Tại sao Phương Ngô lại khiêu khích, thách thức các cơ quan pháp luật ? 

Cụ Tùng Vân được Bộ Ngoại giao Mỹ nêu tên

Từ nước Úc, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn đã có stt rúng động dư luận fb với hơn 1900 lượt like, 360 comment, "Người tù cao tuổi nhứt trên thế giới"

Giáo sự Tuấn nhẹ nhàng mai mỉa "Nhờ nhà cầm quyền huyện Đức Hòa (tỉnh Long An), Việt Nam đang lập một kỉ lục mới : có một người tù cao tuổi nhứt thế giới... Đó là ông cụ Lê Tùng Vân, năm nay đã 92 tuổi, bị tòa án Huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) phạt 5 năm tù vì tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Theo tin từ luật sư của ông thì Tòa án Huyện Đức Hòa đã chánh thức bắt ông phải thi hành án, tức là đi tù. Trên thế giới cho đến nay, chưa thấy ai đi tù ở tuổi 92. Do đó, có thể nói rằng ông cụ Lê Tùng Vân là tù nhân cao tuổi nhứt thế giới.

…Theo luật sư của cụ Lê Tùng Vân, ông đi tù chỉ vì câu nói "Thích Nhật Từ ngu như bò". Đi tù chỉ vì một câu nói như thế (chẳng biết có hay không) cũng là một kỉ lục về án phạt trên thế giới.

Vụ việc Thiền Am (cứ tạm gọi như thế) không còn là chuyện trong nước nữa mà đã gây sự chú ý của thế giới. Ông cụ Lê Tùng Vân và các đệ tử của ông đã được Bộ Ngoại giao Mỹ nêu trên website mà họ cho là ông đi tù vì 'religious activity' (hoạt động tôn giáo). Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã đưa Việt Nam vào danh sách 'Special Watch List Countries', đứng chung với những Algeria, Cộng hòa Trung Phi, và Comoros. Không đẹp mặt chút nào, nhứt là trước đây Việt Nam đã 'thoát' khỏi cái danh sách này nhưng nay lại bị đưa vào đó" (4).

Việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt này đã được VOA chính thức đưa tin. Trong một thông cáo báo chí vào ngày 2/12 Bộ trưởng Mỹ Antony Blinken công bố danh sách các quốc gia bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách theo dõi đặc biệt về quyền tự do tôn giáo, trong đó có Việt Nam, "vì đã tham gia hoặc dung túng cho những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo".

Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế Việt Nam 2021 của Hoa Kỳ cũng ghi nhận chính quyền Việt Nam đã sách nhiễu, hành hung, bắt người, truy tố, theo dõi, từ chối hoặc không trả lời yêu cầu đăng ký và các yêu cầu xin phép khác của các tổ chức tôn giáo độc lập.

Nhiều vụ bắt giữ, xét xử những người liên quan đến việc thực hành tôn giáo ở Việt Nam trong năm qua đã thu hút nhiều chú ý như vụ Tịnh Thất Bồng Lai, vụ ông Phan Văn Thu - tù nhân tôn giáo, người sáng lập Ân Đàn Đại Đạo - qua đời trong trại giam vì gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, hay vụ linh mục Trần Ngọc Thanh bị sát hại ở Kon Tum… (5).

Chính phủ Biden đương nhiệm không dao to búa lớn nhưng không thỏa hiệp, nhân nhượng với các vi phạm nhân quyền. Hôm 9/12, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trừng phạt một cựu công an của Việt Nam bằng hình thức cấm nhập cảnh do những hành động vi phạm nhân quyền "trắng trợn". Đây là động thái mới nhất của chính quyền Hoa Kỳ đối với chính sách bảo vệ nhân quyền toàn cầu, chỉ vài ngày sau khi Washington đưa Hà Nội vào danh sách "Theo dõi Đặc biệt" vì vi phạm tự do tôn giáo. Đó là ông Vo Thanh Dung (Vo), cựu công an thuộc Công an Thị xã La Gì, tỉnh Bình Thuận bị trừng phạt theo Khoản mục 7031(c), vì "việc tham gia vào một hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn, cụ thể là tra tấn, vào tháng 1 năm 1987" (6).

Phải chăng cái búa lơ lửng đó đã biết cụ Lê Tùng Vân trở thành khúc xương khó gặm, bắt giam thì cũng dở, bỏ lở cũng không xong nên phải kéo dài thời gian, tạo áp lực dư luận hù dọa và thả ra miếng mồi nhân đạo hoãn thi hành án ?

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 19/12/2022

1. https://plo.vn/vu-tinh-that-bong-lai-bat-ong-le-tung-van-de-thi-hanh-an-phat-tu-post712503.html

2. https://www.facebook.com/phuongngo1.vn/posts/pfbid0Rb8kQ23q9YdNvQPa3Y41d...

3. https://tuoitre.vn/vi-sao-co-quyet-dinh-thi-hanh-an-phat-tu-ong-le-tung-...

4. https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/pfbid031k6UBkeXaDbQd6qeMzGYATx4k9m7KL5xGoRNoa77siJDzw5KrdnKjkxBvPf6kmEMl

5. https://www.voatiengviet.com/a/6877886.html

6. https://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-trung-phat-mot-cuu-cong-an-viet-nam-vi-vi-pham-nhan-quyen/6870627.html

**************************

‘Tiền sẽ thay tù’ ?

Đông Đô, VNTB, 21/12/2022

Vì sao hơn 3 năm bị khởi tố, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh chưa bị truy tố, xét xử ?

muongthanh0

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu tại buổi họp báo

Bộ Công an đã tổ chức họp báo thông báo tình hình kết quả công tác công an năm 2022. Thượng tướng Trần Quốc Tỏ chủ trì buổi họp báo.

Vướng phần nhân sự do Thành ủy Hà Nội quản lý

Tại buổi họp báo, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, cho biết ngày 5-7-2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản – người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh về hành vi Lừa dối khách hàng.

Đối với hành vi vi phạm của ông Lê Thanh Thản, cơ quan điều tra đã làm xong, liên quan đến quy hoạch, xây dựng, trách nhiệm. Tuy nhiên, trong cùng vụ án này, có hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", đối với cán bộ phường, thanh tra xây dựng, lãnh đạo quận Hà Đông. Đối với nhóm hành vi "Thiếu trách nhiệm…", cơ quan điều tra đã kết luận điều tra song Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã trả điều tra bổ sung.

Do vụ án liên quan đến cán bộ đảng viên nên Công an thành phố Hà Nội đã báo cáo Thành uỷ đã đưa vào diện Thường vụ Thành uỷ Hà Nội theo dõi.

Ông chủ Tập đoàn Mường Thanh có thể chỉ bị phạt tiền

Theo kết luận điều tra hoàn tất vào quý 1-2021, thì năm 2011, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định cho phép Công ty Bemes chuyển mục đích sử dụng đất đang thuê để thực hiện dự án CT6 Kiến Hưng. Tuy nhiên trước đó, từ tháng 10-2010, ông Thản chỉ đạo tổ chức thi công dự án CT6 Kiến Hưng và đến tháng 1/2013 thì bàn giao cho các hộ dân vào sinh sống.

Hiện trạng khu nhà cao tầng gồm 3 tòa tháp (CT6A, CT6B và CT6C) là căn hộ để ở, cao 32 tầng, với tổng cộng 1.582 căn hộ. Ngoài ra, khu nhà thấp tầng gồm 2 dãy nhà liền kề, 38 căn hộ, cao 4 tầng. Tại vị trí 513m2 đất để xây dựng trường mẫu giáo không có khu nhà trẻ, mẫu giáo, hiện là khu nhà thấp tầng. Công ty Bemes đã chuyển khu nhà trẻ, mẫu giáo vào phần nhà chung cư.

Cơ quan chức năng xác định dự án CT6 Kiến Hưng đã xây dựng sai phạm nghiêm trọng quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, tăng chiều cao công trình từ 31 lên 32 tầng, giảm 1 tầng hầm ; thay đổi công năng sử dụng một số khu dịch vụ thương mại thành căn hộ ở, xây dựng tăng từ 231 căn hộ và 495 phòng khách sạn lên 1.582 căn hộ. Số nhà thấp tầng cũng tăng từ 15 lên 38 căn…

Kết quả điều tra xác định tổng số căn hộ tại dự án là 1.620 căn, trong đó 934 căn đã được cấp sổ đỏ, 520 căn không được cấp sổ đỏ, 160 căn khách mua chưa làm thủ tục cấp sổ và 6 căn hộ chưa được bán.

Cơ quan điều tra nhận định các căn hộ được ông Lê Thanh Thản tổ chức xây dựng bất hợp pháp, không đúng quy hoạch phê duyệt. Vi phạm nghiêm trọng tại dự án này đã phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng rất lớn đến hạ tầng, xã hội, nhu cầu trường học, bệnh viện, công tác phòng cháy… khi phải chịu áp lực số lượng người dân tăng đột biến khi sinh sống tại dự án.

Ông Thản bị đề nghị truy tố theo khoản 2 Điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015, với khung phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, hoặc phạt tù 1-5 năm.

Sáu bị can còn lại cùng bị đề nghị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có ông Nguyễn Duy Uyển (cựu chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông), Vương Đăng Quân (cựu phó chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông)…

Chờ phối hợp điều tra liên tỉnh

Việc xây dựng được gọi là "bất hợp pháp, không đúng quy hoạch phê duyệt" của Tập đoàn Mường Thanh theo ghi nhận, còn xảy ra tương tự ở dự án tại quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Theo đó, khối nhà chung cư tại tổ hợp khách sạn Mường Thanh và chung cư cao cấp Sơn Trà tự ý chuyển đổi công năng từ tầng 2-5 (từ công trình công cộng sang 104 căn hộ để bán) nên bị chính quyền tuýt còi.

Đầu năm 2018, UBND quận Ngũ Hành Sơn ra thông báo mời các hộ dân đã chuyển vào ở ra ngoài. Đồng thời, quận này cũng gửi giấy mời chủ đầu tư vào Đà Nẵng làm việc về các sai phạm của dự án…

Liên quan đến vụ việc này, khá bất ngờ là phía Tập đoàn Mường Thanh đã có quyết định khởi kiện về 1 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, gồm : 1 quyết định xử phạt và 1 quyết định sửa đổi của Chánh thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng.

Ngoài ra còn có 2 quyết định còn lại của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhằm áp dụng các biện pháp thi hành quyết định xử phạt hành chính của UBND quận Ngũ Hành Sơn và Sở Xây dựng.

Tuy nhiên đến tháng 11-2020, đại diện theo ủy quyền của ông Lê Thanh Thản đã có đơn gửi Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xin rút lại toàn bộ yêu cầu khởi kiện các quyết định xử lý vi phạm tại công trình chung cư Mường Thanh của UBND thành phố và ngành chức năng Đà Nẵng.

Tiếp đó, phía chủ đầu tư chung cư Mường Thanh đề xuất UBND thành phố Đà Nẵng đứng ra làm trung gian để giải quyết cho Mường Thanh và cư dân ; cho phép đơn vị đứng ra thương lượng với người dân để mua lại toàn phần diện tích nhằm tránh việc cưỡng chế gây bất lợi cho các bên…

Một nguồn tin khả tín cho biết, từ ngày 30-12-2019, cơ quan điều tra Công an Đà Nẵng thụ lý giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với hành vi vi phạm của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên (chủ đầu tư Mường Thanh Đà Nẵng) tại dự án theo kiến nghị khởi tố của Sở Xây dựng. Tuy nhiên sau đó cơ quan điều tra đã tạm đình chỉ giải quyết vì Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên-Môi trường chưa trả lời, cung cấp thông tin. Chủ đầu tư dự án và nhà thầu xây dựng (Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Đức Đạt) cũng chưa cung cấp tài liệu liên quan đến dự án.

Công an thành phố Đà Nẵng cho biết sẽ tiếp tục liên hệ các doanh nghiệp và đề nghị Công an tỉnh Nam Định, Công an thành phố Hà Nội hỗ trợ thực hiện.

Đông Đô

Nguồn : VNTB, 21/12/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Viết từ Sài Gòn, Gió Bấc
Read 296 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)