Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/12/2022

Cơ sở giải mã bí ẩn thân thế Bác Hồ

Lê Bá Vận

I. Bí ẩn thân thế 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguyên thủ quốc gia cộng sản duy nhất có lai lịch bí ẩn cho đến nay vẫn chưa được giải mã. Xác ướp nằm trong lăng Ba Đình được tôn thờ có đúng là xác của Nguyễn Ái Quốc/Lý Thụy… ngày 13/8/1942 lần đầu tiên lấy tên Hồ Chí Minh đại diện Việt Minh sang Tàu họp việc ?

hcm1

"Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng – Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh, mắt như sao râu hơi dài…" (Tác giả : Phong Nhã 11/1945).

Mọi thắc mắc của nhân dân là hợp lý. Người dân kính ngưỡng Bác là chủ tịch nước, ước mong thân thế Bác được minh bạch hóa song chỉ gặp toàn thất vọng. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh giấu kín quá khứ, xuất hiện dưới nhiều tên nên không dễ gì theo dõi gốc gác của ông.

Báo L’Humanité (Nhân Đạo) cơ quan trung ương của Đảng cộng sản Pháp, năm thứ 29, số 12292, ngày thứ ba 09/08/1932 đã đăng tin và chia buồn về Nguyễn Ái Quốc, sáng lập viên kiên cường của Đảng cộng sản Đông Dương đã từ trần vì bệnh lao phổi tại bệnh xá nhà tù ở Hong Kong.

Như vậy Nguyễn Ái Quốc sau này là giả mạo ? 

Điều này nếu đúng thì việc giả mạo thi công cũng đơn giản và cần tiến hành vì Nguyễn Ái Quốc còn có giá trị sử dụng. Nguyễn Ái Quốc tuy cấp bậc thứ yếu, ít người biết đến, chết gây tiếng vang nhỏ chóng tắt, được hồi sinh triển vọng tiền đồ vẫn u ám, song Quốc tế Cộng sản cần trù hoạch mọi bước đi. 

Mặt khác các đồng chí qua Tàu không nhiều, biết Hồ Chí Minh thì về nước hoạt động chết sớm trong ngục tù Pháp. Những ai còn đó đều nhắm mắt triệt để tuân theo Quốc tế Cộng sản, có khi đồng tình đồng lõa.

Những thuận lợi này khiến sự giả mạo chấp nhận sơ suất mà không đòi hỏi toàn hảo.

Đầu năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp hội thảo và ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946. Nếu còn người Pháp nào nghi hoặc về quá khứ của ông thì cũng không tiện nêu lên vì thấy Hồ Chí Minh nay để râu dài, trán vồ, mặc áo lãnh tụ, diện mạo khác hẳn Nguyễn Ái Quốc trẻ trung, lịch sự mới vừa đây.

II. Giải mã bí ẩn 

1. Ngoại hình

Lúc bất ngờ thành công, trở thành chủ tịch nước, Hồ Chí Minh là người hoàn toàn xa lạ trong nước và quốc tế. Nếu nhìn thoáng qua thì chỉ thấy ông người dong dỏng, cao hơn bình thường, đúng như trong lời hát được nghe khắp nơi : "Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh, mắt như sao, râu hơi dài…" trong bài hát "Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng". 

Chắc chắn tác giả Phong Nhã năm 1945 đã quan sát thật kỹ để mô tả trong bài hát nổi tiếng này, ngoại hình của Bác "dáng cao cao" là chính xác, phù hợp với các hình ảnh Bác chụp tập thể (1).

Thật chẳng ai ngờ bài hát nhỏ bé này lại là chìa khóa để giải mã bí ẩn về thân thế của Chủ tịch Hồ Chí Minh sánh ngang "Cuộc phỏng vấn định mệnh của Hồ Chí Minh" năm 1966 giải mã tài năng, trí tuệ của người (2).

Dáng cao cao là khá cao (tallish), cũng như ‘xanh xanh’ là khá xanh (bluish), láy, ý giảm.

Các số liệu cho biết Nguyễn Ái Quốc cao 1m65, theo căn cước Nguyễn Ái Quốc đến xin làm và khai tại sở Cảnh sát Paris, Pháp ngày 4/9/1919 và cao 1m62 được ghi trong hồ sơ số 39 lập năm 1931 của sở Cảnh sát hình sự tại Bắc Kỳ. Về Hồ Chí Minh thì chưa ai đo chiều cao, có khi lại dùng số liệu của Nguyễn Ái Quốc năm 1919.

2. Thẻ căn cước

Thẻ căn cước cấp tại Paris năm 1919 là đơn giản. Cụ thể được ghi : Nguyễn Ái Quấc, sinh viên, sinh 15/1/1894, tại Vinh, hạt Annam, cư ngụ tại 6 villa des Gobelins, Paris 13. 

Nhân dạng : cao 1m65, tóc đen, mắt đen, mũi tẹt, da xỉn màu, mặt trái xoan. 

Dấu đặc biệt (Signes particuliers) : không có (néants).

Ở Pháp ai cũng có quyền làm chính trị, tùy sở thích, chẳng ai hỏi tới. 

Nguyễn Tất Thành xin làm thẻ căn cước mới, thay đổi cả tên (Nguyễn Ái Quốc), ngày, nơi sinh, nhân dạng chiều cao… thì được song là với ý đồ gì ? Đi xa ông vẫn hay dùng nhưng tên khác.

Thẻ căn cước nay không còn phần ghi nhân dạng chung chung dễ giả mạo, cũng loại bỏ ghi chiều cao dễ làm cho có lệ : nhón chân, đi giày dép đế cao, ước đoán hay người xin cho biết sẵn chiều cao để ghi vào thẻ… Hiện nay là kỷ nguyên căn cước mã vạch gắn chip.

hcm2

Hình 1 : Thẻ căn cước làm tại Paris năm 1919 của Nguyễn Ái Quấc, Sinh Viên, sinh năm 1894.

3. Hồ sơ hình sự

Hồ sơ của sở Cảnh sát (Mật thám) hình sự tại Bắc Kỳ số 39 thiết lập năm 1931 thì chi tiết do cần điều tra kỹ lai lịch của đối tượng thuộc diện tình nghi cần theo dõi cùng thân nhân, bạn bè… bổ túc với các tài liệu được các sở cảnh sát Pháp, Hong Kong cung cấp cập nhật, mới nhất là lúc Nguyễn Ái Quốc bị bắt giam ở Hong Kong, tháng 6 năm 1931. 

Hồ sơ này là hình sự nên được làm rất chuyên nghiệp. 

Trong hồ sơ ghi : NGUYỄN-ÁI-QUỐC, Nguyễn-Tất-Thành hoặc Nguyễn-Văn-Thành cũng gọi là Nguyễn-Sinh-Con hoặc Nguyễn-Bé-Con, cũng gọi là Lý-Thụy, sinh năm 1892 tại Kim-Liên (Nghệ-An), con của người quá cố Nguyễn-Sinh-Sắc cũng gọi là Nguyễn-Xuân- Sắc [mất năm 1929].

Dấu đặc biệt (Physical Characteristics) : cao 1m62 (Height 1m62), vóc người mảnh khảnh (lean built), môi dày (thick lips). Điều chú ý là chiều cao này ở đây được đặt nằm trong mục các dấu đặc biệt, vì được cho là dấu đặc biệt của Nguyễn Ái Quốc, cao 1m62, gạch đỏ ở dưới, được đo chuẩn xác (3).

Ghi chú : Theo VnExpress Sức khỏe, "Tầm vóc người Việt qua 45 năm" (2021/04/16).

Năm 1975, chiều cao trung bình đàn ông Việt Nam là 160 cm, nữ 150 cm. Năm 1985 là nam 161 cm, nữ 151 cm. Năm 2000 là nam 162,3 cm, nữ 152,4 cm… [Trước nữa ít thay đổi].

Lưu ý : Hồ sơ hình sự mới thanh lọc những thông tin cũ ghi trong thẻ căn cước năm 1919 có các điểm thiếu trung thực ? Cũng lưu ý sẹo nhỏ được xem là dấu ấn ở vành tai Nguyễn Ái Quốc không được ghi trong cả 2 văn kiện ‘căn cước và hồ sơ hình sự’ kể trên. Có lẽ sẹo nhỏ đó dễ tạo hình bắt chước. Thật ra nhìn thật kỹ thì thấy sẹo, vành tai và dái tai của Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh cũng có nét khác biệt.

hcm3

Hình 2 : Hồ sơ số 39 năm 1931 tại sở Mật thám Bắc Kỳ của Nguyễn Ái Quốc hoặc Lý Thụy sinh năm 1892. Hình tại Moskva (1924), Nguyễn Ái Quốc áo đen bên trái và áo trắng bên phải xem ra quả là vóc người nhỏ nhắn.

4. Chứng cứ cơ sở

Sẹo vành tai cứ ngỡ thiếu nó là Hồ Chí Minh giả nào ngờ lại là đồ giả. Mọi thứ có thể giả chỉ có chiều cao là không thể sửa đổi nhiều nên phải kết luận Nguyễn Ái Quốc cao 1,62m (tầm thước) và Hồ Chí Minh cao 1,70m+ (cao cao) là 2 người khác nhau, không thể cãi bướng ! Một chứng cứ gót chân Achilles là đủ.

Chứng cứ cơ sở gồm 3 yếu tố độc lập với nhau : 1- Hồ Chí Minh dáng cao cao. 2- các hình Hồ Chí Minh dù về già giảm chiều cao, chụp chung xác nhận điều này. 3- Nguyễn Ái Quốc cao 1m62 theo hồ sơ hình sự năm 1931.

Tiếng Pháp có thành ngữ "Chercher midi à quatorze heures", dịch nghĩa là "Đi tìm buổi trưa lúc 14 giờ" (to look for noon at 2 pm). Nghĩa đen là cố làm điều bất khả thi, vì lúc 2 giờ thì trưa đã qua từ lâu. Nghĩa bóng là đặt ra một vấn đề khó hơn mức cần thiết – biến một điều đơn giản thành một điều phức tạp. Cơ sở chứng minh Nguyễn Ái Quốc khác Hồ Chí Minh thực ra là đơn giản, không phải tìm đâu xa xôi.

Cố tâm giả dạng người là khả thi song nếu tầm vóc cách biệt đủ nhiều thì tối hậu sẽ bị lộ tẩy.

Trong bài thơ ngụ ngôn "Lừa đội lốt sư tử" của nhà thơ ngụ ngôn Pháp, Jean de La-Fontaine, thế kỷ 17, một chú lừa khoác bộ da sư tử làm thiên hạ kinh sợ, lâu sau đó bị phát giác chỉ vì 1 mẩu tai lừa thò ra ngoài.

5. Chứng cứ phụ

Thân sinh Bác Hồ là cụ Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929), thân mẫu là bà Hoàng Thị Loan (1868-1901). Nếu so sánh hình Bác và hình của song thân lúc cùng tuổi đời thì không thấy nét giống.

Nhìn hình Hồ Chí Minh năm 1945 tóc còn xanh rồi hình Nguyễn Ái Quốc thì thấy khác lạ ngoại trừ vết sẹo nhỏ ở tai.

Hồ Chí Minh nói năng ngượng nghịu, thích ở Nhà sàn, ghiền nặng, phóng tâm hút thuốc lá, hầu như luôn có điếu thuốc trên tay trái kể cả lúc ở hang Pắc Bó. Bác lạnh nhạt với thân quyến, không muốn gặp.

Nguyễn Ái Quốc ăn diện đúng thời trang song không bao giờ thấy tay cầm điếu thuốc trên các hình chụp và là người mồm miệng ? Cộng sản Việt Nam khoe Nguyễn Ái Quốc nhiều lần đi diễn thuyết, có lúc làm phóng viên báo, tờ báo Đức "Die Welt" (Thế Giới).

Đối chiếu Hồ Chí Minh và Nguyễn Ái Quốc về phong cách, hình dáng thì chỉ thấy điểm khác, chưa thấy điểm giống.

Tóm lại một nửa bài toán, phần quan trọng nhất : "Hồ Chí Minh khác Nguyễn Ái Quốc. Hai Người Khác Nhau" đã được giải. Nửa kia phức tạp là tìm hiểu Hồ Chí Minh là ai mà thấy cách nói tiếng Việt không mấy suôn sẻ. 

Lại còn bí ẩn về hậu duệ của Bác tức là con cháu hiện còn sống trong nước.

Mọi việc sẽ sáng tỏ hơn chỉ cần hài cốt của Bác, của bà Hoàng Thị Loan và các con, của các thân nhân bên ngoại, của Nông Thị Xuân và con được giám định DNA, là điều Đảng cộng sản Việt Nam luôn chống đối.

Tuy nhiên năm 1998 một ngôi mộ có bia mang tên Trần Phú, chết năm 1931 được phát hiện tại nghĩa trang họ đạo Chợ Quán, đường Cách Mạng Tháng 8, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Đảng cộng sản Việt Nam cho xét nghiệm DNA ngay, được xác nhận là hài cốt của đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng. (Wikipedia).

Các thân nhân của Tổng bí thư Trần Phú được cấp giấy phép mang hài cốt của ông về Hà Tĩnh.

III. Lời kết 

Cho dù là Nguyễn Ái Quốc hoặc ai đó giả mạo thì xác ướp của Hồ Chí Minh, chức sắc Quốc tế Cộng sản cũng đã tiến nhập Lăng.

Chủ nghĩa Mác-Lê đem về nghe Bác nói là theo ý nguyện của toàn đảng, toàn dân, tất yếu lịch sử !

Đúng sai chưa vội tỏ, chủ nghĩa Mác-Lê hay dở chưa vội bàn, chỉ cần biết Việt Nam tự chuốc đại họa vào thân : giang sơn do chủ nghĩa Mác-Lê kết nối, "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" tất yếu rơi vào tay đồng chí Trung Quốc bành trướng khổng lồ láng giềng. 

Tiếp nhận chủ nghĩa Mác-Lê là đánh mất bản sắc dân tộc, là sự sai lầm chết người mất nước do bất cứ ai hoặc nguyên nhân nào thì một tập đoàn giới cầm quyền hậu duệ muốn tháo gỡ trước khi quá muộn, đòi hỏi lòng yêu nước và nghị lực phi thường. 

Việc cần làm ngay là viết lại tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù khó và mất hào hứng. Trước kia mọi việc đều dễ tô lục chuốt hồng, nguồn gốc gia đình nho học khoa bảng, thời niên thiếu của Bác là các huyền thoại Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Ái Quốc ra đi cứu nước. Nay những điều kỳ diệu ấy Bác không còn, các dấu tích nhận lầm phải chóng được xóa bỏ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, cũng như tại mọi nơi khác.

Lê Bá Vạn

Nguồn : VNTB, 24/12/2022

Chú thích :

 (1) Hình minh họa

hcm4

Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tháng 9 năm 1945. Bác Hồ đứng giữa, nhìn xuống. (Ảnh tư liệu).

hcm5

Chiến sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, Hà Nội 11/1965. Bác tóc bạc, đứng cao nhất, 1m72 ?

("Bác chúng em người cao cao, dáng thanh thanh". Nguyễn Ái Quốc người tầm thước, cao 1m62, trong hình cỡ bằng người thứ 5 từ trái qua và người thứ 7 là thấp nhất, 1m54 ?).

Theo nhân trắc học, thông thường đầu = 1/8 và mặt (miệng+mũi+trán) = 1/10 chiều cao cơ thể. 

Một người cao 1m70 thì mặt = 17 cm (miệng = mũi = trán = 5cm6) và thêm tóc cao 4cm.

Nếu Nguyễn Ái Quốc đứng ngang đỉnh trán (chân tóc) của Hồ Chí Minh thì kém Hồ Chí Minh 4cm.

Nếu Nguyễn Ái Quốc đứng ngang lông mày của Hồ Chí Minh thì kém Hồ Chí Minh (4cm+5cm6) = 9cm60… 

Các chuyên gia cho biết từ độ tuổi 40, cứ sau mỗi 10 năm, cơ thể người sẽ thấp hơn 1,2 cm. Sau tuổi 70, chiều cao giảm sút nhanh chóng hơn. Tổng cộng, mỗi người có thể "lùn đi" từ 2,5 đến 7,5 cm trong suốt nửa cuối cuộc đời. (Tạp chí JAMA Internal Medicine). Theo 2 hình trên Hồ Chí Minh 55 tuổi năm 1945, chiều cao giảm 1cm, lúc 75 tuổi, năm 1965 giảm 3cm… tính ra năm 40 tuổi, chưa giảm cao hơn Nguyễn Ái Quốc nhiều.

(2) Tư tưởng Hồ Chí Minh ra đời là một kỳ tích. 

(3) Trước năm 1975 chiều cao trung bình của người Việt Nam, nam giới là 1m60. Tuy nhiên vua Bảo Đại và Phạm Quỳnh người cao lớn, trong khi Mạc Đĩnh Chi và Lê Văn Duyệt người thấp bé.

Lắm người có tầm vóc (chiều cao) khiêm tốn là những vĩ nhân thiên tài làm thay đổi lịch sử : Án Anh đời Tề, Đặng Tiểu Bình, Vladimir Lenin 1m65, Nguyễn Phú Trọng (!)…

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Bá Vận
Read 445 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)