Đi đâu để không bị làm "củi tươi" của Đảng ?
Hà Nguyên, VNTB, 24/12/2022
Phát biểu vào ngày 31/7/2017 tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói : "Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu".
Ảnh minh họa Trịnh Xuân Thanh bị áp giải đến tòa
Dĩ nhiên ví von trên của ông Nguyễn Phú Trọng là ẩn dụ, vì nếu cây đang xanh tươi thì họa chăng chỉ lâm tặc phá rừng thì mới có cái gọi là ‘củi tươi’. Vậy thì những quan chức đảng viên trước đe dọa sẽ phải làm ‘củi tươi’ cho thanh trừng, đấu đá giữa các phe nhóm quyền lực, họ sẽ chọn ‘ẩn mình’ ở quốc gia nào sẽ an toàn chuyện đe dọa ‘dẫn độ’ ?
Tên Hiệp định | Ngày ký | Ngày có hiệu lực | ||
1 | Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đại hàn dân quốc | 15/9/2003 | 19/4/2005 | |
2 | Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ và nhân dân An-giê-ri | 14/4/2010 | 28/3/2014 | |
3 | Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Ấn Độ | 12/10/2011 | 12/8/2013 | |
4 | Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ốt-xtơ-rây-li-a | 10/4/2012 | 07/4/2014 | |
5 | Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa In-đô-nê-xi-a | 27/6/2013 | 26/4/2015 | |
6 | Hiệp định về dẫn độ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Cam-pu-chia | 23/12/2013 | 9/10/2014 | |
7 | Hiệp định về dẫn độ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Tây Ban Nha | 01/10/2014 | 01/5/2017 | |
8 | Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hung-ga-ri | 16/9/2013 | 30/6/2017 | |
9 | Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa dân chủ Xri-lan-ca | 07/4/2014 | 01/12/2017 | |
10 | Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa | 07/4/2015 | 12/12/2019 | |
11 | Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Pháp | 06/9/2016 | 01/5/2020 | |
12 | Hiệp định giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Ca-dắc-xtan về dẫn độ | 15/6/2017 | 15/11/2019 | |
13 | Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Mông Cổ | 10/7/2019 | Chưa có hiệu lực | |
14 | Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Mô-dăm-bích | 9/12/2019 | Chưa có hiệu lực | |
Dưới đây là một gợi ý được căn cứ theo nội dung của văn bản số 33/TANDTC-HTQT của Tòa án nhân dân tối cao, "Về công tác tương trợ tư pháp, tống đạt văn bản tố tụng ra nước ngoài", do Vụ hợp tác quốc tế của Tòa án nhân dân tối cao ban hành.
Theo đó, danh sách các hiệp định/thỏa thuận tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù tính đến ngày 17-3/2021 cụ thể như sau về thỏa thuận dẫn độ :
Ngoài ra, cần tham khảo luôn phần danh sách cập nhật liên quan nội dung về Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự.
Tên Hiệp định | Ngày ký | Ngày có hiệu lực | |
1 | Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc | 15/9/2003 | 19/4/2005 |
2 | Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Ấn Độ | 8/10/2007 | 17/11/2008 |
3 | Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen về tương trợ tư pháp về hình sự | 13/01/2009 | 30/9/2009 |
4 | Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ và nhân dân An-giê-ri | 14/4/2010 | 28/3/2014 |
5 | Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa In-đô-nê-xi-a | 27/6/2013 | 21/01/2016 |
6 | Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ốt-xtơ-rây-li-a | 02/7/2014 | 05/4/2017 |
7 | Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Tây Ban Nha | 18/9/2015 | 08/7/2017 |
8 | Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hung-ga-ri | 16/3/2016 | 30/6/2017 |
9 | Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Pháp | 06/9/2016 | 01/5/2020 |
10 | Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Ca-dắc-xtan | 15/6/2017 | 01/6/2019 |
11 | Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Cam-pu-chia | 20/12/2016 | 02/10/2020 |
12 | Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Cu ba | 29/3/2018 | 29/9/2018 |
13 | Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Mô-dăm bích | 03/12/2018 | 11/9/2020 |
14 | Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào | 8/01/2020 | 18/02/2021 |
Hà Nguyên
Nguồn : VNTB, 24/10/2022
*************************
Trốn" đi Mỹ cho an toàn ?
Hoài Nguyễn, VNTB, 24/12/2022
"Trốn" qua Mỹ thì không có thể bị ‘điệu’ về Việt Nam để thi hành án.
Tại phiên tòa xét xử Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC và đồng phạm, tính đến ngày 22/12 thì có đến hai đồng phạm trong vụ án này hiện sống ở Mỹ. Giả dụ án phúc thẩm tuyên họ có tội với mức án tù giam, liệu có thể di lý họ từ Mỹ về Việt Nam để thi hành án ?
Tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Văn Tú bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội, công bố bức thư của của thân chủ của mình gửi cho Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội từ trước khi diễn phiên xét xử.
Cụ thể, nội dung bức thư của bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết thể hiện bị cáo này biết đang chịu xét xử vắng mặt thông qua báo chí. Trong bức thư, bị cáo Thuyết trình bày 3 nội dung, đầu tiên là nói nhận thông tin phiên tòa quá gấp, không thể về Việt Nam dù "rất mong muốn có mặt ở tòa để trình bày". Bị cáo này đồng ý để luật sư Nguyễn Văn Tú bào chữa cho mình.
Trình bày về cáo buộc "quân xanh, quân đỏ", bị cáo Thuyết cho biết khoảng 10 năm trước, có người nhờ bị cáo ký hồ sơ dự thầu nhưng quá lâu nên "ai nhờ tôi không nhớ". Ngoài ra, bị cáo này cũng khẳng định tôn trọng kết luận điều tra và cáo trạng vụ án vì chúng là "kết quả làm việc của cơ quan có thẩm quyền".
Tuy nhiên, bị cáo Thuyết bác bỏ cáo buộc của Viện kiểm sát về việc ông "bỏ trốn, cần xử lý nghiêm". Trong thư, bị cáo Thuyết khẳng định không biết có vụ án này khi xuất cảnh ra nước ngoài vào tháng 4/2021. Cụ thể, Cục Cảnh sát xuất nhập cảnh Bộ Công an đã đồng ý cho người này xuất cảnh và khi đó, vụ án AIC chưa hình thành, chưa được khởi tố. Bị cáo ở Mỹ từ đó đến nay vì có 2 con nhỏ đang học, mà theo pháp luật Mỹ, cả hai phải có người giám hộ. Bị cáo Thuyết cho biết thêm rằng đã ly hôn và giữ quyền giám hộ.
Bị cáo Thuyết cũng trình bày tiến độ xử lý vụ án quá nhanh, hồ sơ chuyển từ Viện kiểm sát sang tòa chỉ 10 ngày đã có quyết định đưa ra xét xử. "Thời gian quá ngắn, bất khả kháng để thu xếp cho gia đình và công việc để về tham gia phiên tòa" – thư bị cáo Thuyết nêu.
Một bị cáo khác cũng đang sống ở Mỹ là ông Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty Nha khoa Việt Tiên. Ông Vinh cho biết đang phải điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ, đồng thời phải chăm sóc con nhỏ đang bị tự kỷ nên không thể về nhưng sẽ "hợp tác với tòa".
Cơ quan tố tụng cáo buộc bị cáo Thuyết có hành vi làm "quân xanh, quân đỏ" giúp Công ty AIC trúng 5 gói thầu tại bệnh viện Đồng Nai, gây thiệt hại chung hơn 55 tỷ đồng ; riêng hành vi của bị cáo Vinh bị cho là gây thiệt hại gần 80 tỷ đồng, và qua đây, người này hưởng lợi 120 triệu đồng.
Ngoài hai bị cáo trên, thì các bị cáo khác cũng đang được cho là "bỏ trốn và đang bị phát lệnh truy nã", gồm : Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty AIC ; Trần Mạnh Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty AIC ; Đỗ Văn Sơn, cựu kế toán trưởng Công ty AIC ; Nguyễn Thị Sen, cựu giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị Y tế và Môi trường ; Nguyễn Thị Tích, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mopha ; và Đỗ Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Cát Vân Sa.
Giả dụ như ở phiên xét xử phúc thẩm vụ án nói trên, danh sách các bị cáo "bỏ trốn và phát lệnh truy nã" được thông báo là đều đang sinh sống tại Hoa Kỳ, thì liệu có thể di lý họ về Việt Nam để "bảo đảm thi hành án" ?
Câu trả lời ở hiện tại là "có thể không" ; bởi rất đơn giản, các văn bản pháp lý gọi là "Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự, Hiệp định Dẫn độ, Hiệp định Chuyển giao người bị kết án phạt tù" giữa Hoa Kỳ với Việt Nam đều đang ở giai đoạn đàm phán.
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 24/12/2022