Ngày 30/12/2022, các Ủy viên của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13 sẽ kéo nhau về Hà Nội để tham dự thêm một kỳ họp bất thường nữa. Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam – cơ quan tổ chức kỳ họp bất thường này không thông báo lý do nhưng theo báo chí Việt Nam thì "dự kiến có nội dung về công tác nhân sự". Cần lưu ý, trong vòng chưa đầy một năm, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13 đã họp bất thường hai lần. Kỳ họp bất thường đầu tiên trong nhiệm kỳ của Ban chấp hành trung ương đảng khóa này diễn ra hồi đầu tháng 6/2022 và cũng chỉ để giải quyết các vấn đề về nhân sự (1).
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp phiên bất thường xem xét và cho ý kiến về công tác cán bộ ngày 30/12/2022
Sau kỳ họp bất thường của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13, giữa tuần tới, các đại biểu của Quốc hội khóa 14 cũng sẽ về Hà Nội để tham dự một kỳ họp bất thường khác. Ngoài những nội dung đã được công bố (xem xét Dự luật sửa Luật Khám bệnh - chữa bệnh, xem xét Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, xem xét việc thực hiện chính sách phòng - chống Covid-19 và gia hạn việc sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc cũng như nguyên liệu làm thuốc theo Luật Dược) vốn không nhất thiết phải tổ chức một kỳ họp bất thường, Quốc hội còn xem xét công tác nhân sự liên quan đến Đại biểu quốc hội và nhân sự khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội (nếu có) [2].
Hai chữ "nếu có" khi đề cập tới khả năng "xem xét công tác nhân sự liên quan đến đại biểu quốc hội và nhân sự khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội" có thể khiến nhiều người bật cười vì chẳng khác gì "giấu đầu, lòi đuôi". Nếu Ban chấp hành trung ương đảng không tổ chức kỳ họp bất thường vào cuối tuần này, chắc chắn Quốc hội sẽ không triệu tập các đại biểu quốc hội tham dự kỳ họp bất thường vào giữa tuần tới. Bởi kỳ họp bất thường của Ban chấp hành trung ương đảng "dự kiến có nội dung về công tác nhân sự" nên quyết định liên quan đến nhân sự của Ban chấp hành trung ương đảng sẽ quyết định Quốc hội có xem xét công tác nhân sự liên quan đến Đại biểu quốc hội và nhân sự khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội hay không.
Khi nào Quốc hội cần xem xét công tác nhân sự liên quan đến Đại biểu quốc hội và nhân sự khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội ? Cứ đối chiếu luật pháp hiện hành sẽ có câu trả lời : Khi cần bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề cử liên quan đến Đại biểu quốc hội hay thành viên chính phủ. Tuy là chủ nhân của quốc gia nhưng nhân dân không có quyền được biết và tất nhiên là không được phép quyết định gì cả. Thậm chí Quốc hội – trên danh nghĩa là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân – cũng chỉ múa may sau khi đã được Ban chấp hành trung ương đảng định hướng. 180 Ủy viên cả chính thức lẫn dự khuyết của Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 do đảng lựa chọn, sắp đặt giờ chỉ còn 172.
Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, công tác lựa chọn, sắp đặt nhân sự cho Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 từng được quảng cáo là "làm từng bước, từng việc, từng khâu, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó" (3) đã được chính Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 chứng minh là khoác lác. Tính đến thời điểm này, Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 đã loại bỏ bảy "đồng chí" (Trần Văn Nam – Bí thư Bình Dương ; Phạm Xuân Thăng – Bí thư Hải Dương ; Huỳnh Tấn Việt – Bí thư khối các cơ quan trung ương ; Nguyễn Thành Phong – Phó Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh ; Chu Ngọc Anh – Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Hà Nội ; Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Y tế ; Bùi Nhật Quang – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Trong bảy "đồng chí" vừa kể, có "đồng chí" đã bị phạt tù, một số "đồng chí" đã bị tống giam và sắp lãnh án, may mắn hơn thì bị thuyên chuyển công tác chờ ngày về hưu. Nếu không đột tử, Ủy viên chính thức thứ tám (Nguyễn Văn Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương đảng) chắc chắn cũng bị Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 loại bỏ vì những sai phạm xảy ra ở Kon Tum thời đồng chí còn làm Bí thư Tỉnh ủy (4). Người ta dự báo, cuối tuần này, số Ủy viên Ban chấp hành trung ương bị loại bỏ sẽ sớm tăng thêm vài ba người nữa (Bùi Thanh Sơn – Ngoại trưởng ; Phạm Bình Minh – Thành viên Bộ Chính trị kiêm Phó Thủ tướng Thường trực ; Vũ Đức Đam – Phó Thủ tướng).
***
Giữa làn sóng xử lý kỷ luật hàng loạt viên chức ở đủ mọi cấp, thuộc đủ mọi ngành vì câu kết với nhau lừa đảo, trộm cắp công sản, cưỡng đoạt tài sản của công dân, ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư hồn nhiên khoe ông đang dẫn dắt đảng của ông : "Xử lý nghiêm minh các sai phạm theo đúng quan điểm ‘không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai’. Việc xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm như vừa qua, trong đó có cả Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh và nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự là minh chứng rõ nhất và sắp tới cũng phải làm như vậy, kể cả đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài cũng phải tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, không thể thoát được sự trừng phạt của pháp luật" (5).
Nếu ông Trọng và đảng của ông không như đã biết thì cán bộ, đảng viên có táo tợn đến mức như vậy hay không ? Khi chính ông Trọng vừa là người khởi xướng và đề cao chuyện : Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn (6), vừa hiên ngang khoe như mới dẫn, bất kể các Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng thi nhau rơi rụng như sung thì nên xếp ông vào loại nào ?
Đồng Phụng Việt
Nguồn : RFA, 29/12/2022
Tham khảo
(1) https://plo.vn/bo-chinh-tri-trieu-tap-hoi-nghi-trung-uong-bat-thuong-chieu-30/12/post713764.html