Đội "Chỉnh đốn" vừa cho Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam "thôi" thi đấu trên sân Ba Đình – nơi hai đội "Chỉnh đốn" và "Tha hóa" đã giao đấu suốt hai thập niên và chưa biết bao giờ trận đấu vô tiền khoáng hậu này chấm dứt !
Hội trường Ba Đình là một tòa nhà lớn nằm trước lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, trên Quảng trường Ba Đình
Giao đấu theo phong cách giao hữu trên sân Ba Đình có luật chơi riêng và kỹ thuật riêng, không giống bất kỳ cuộc giao đấu nào từ cổ chí kim, tất nhiên kỹ thuật cũng không giống bất kỳ hình thức đối kháng nào mà nhân loại từng biết.
Ví dụ người của cả hai đội là "đồng chí" của nhau. Đội "Chỉnh đốn" luôn được xem là đội mạnh, đại diện cho "thiện", đội "Tha hóa" luôn bị xem là đội yếu, đại diện cho "ác", nhưng bất kể đội "Chỉnh đốn" thề bồi thế nào, tuyên bố hùng hồn ra sao thì chẳng biết tại sao mạnh vẫn chưa bao giờ thắng được yếu, thậm chí "thiện" thường tự nguyện bó tay, bó chân cho "ác" tung hoành ngang dọc trên sân Ba Đình như chốn không người, không đối thủ và thỉnh thoảng mới phản công !
Giao đấu trên sân Ba Đình còn nhiều điểm khác thường nữa, chẳng hạn Đội trưởng của một trong hai đội đối đầu với nhau lại có quyền giữ vai trò. Huấn luyện viên và Trọng tài cho cả hai đội.
Tuy có "đồng chí" Nguyễn Phú Trọng làm Đội trưởng kiêm Trọng tài nhưng hai thập niên vừa qua, đội "Chỉnh đốn" vẫn chưa bao giờ chiếm được ưu thế vì đội này vừa giao đấu, vừa liên tục tuyển chọn, sau đó cung cấp "vận động viên", kể cả những "vận động viên" hàng đầu nhằm "tăng cường" nhân lực cho đội "Tha hóa". Cứ như những gì đã biết thì việc đội "Chỉnh đốn" chuyển giao "vận động viên" nhằm "tăng cường" nhân lực cho đối thủ không thể chấm dứt.
Trận đấu "bất phân thắng bại" giữa hai đội "Chỉnh đốn" và đội "Tha hóa" khởi đầu từ việc đội "Quang vinh muôn năm" dắt nhau ra sân biểu diễn nghệ thuật múa, khẳng định đội này là số một, không chấp nhận có số hai hay bất cứ số nào khác. Khi khán giả bắt đầu cảm thấy ngán và rủ nhau rời sân, đội "Quang vinh muôn năm" mới tách làm hai, một mang tên "Chỉnh đốn" – hậu thân của "Quang vinh muôn năm", một mang tên "Tha hóa". "Tha hóa" hoài thai từ "Chỉnh đốn" nên gốc gác vẫn là "Quang vinh muôn năm" !
Dù chủ động xây dựng và nỗ lực phát triển đội "Tha hóa" với hi vọng có thể giữ khán giả ngồi lại trên sân và tiếp tục ủng hộ mình nhưng đội "Chỉnh đốn" đang gặp hai vấn nạn. Vấn nạn thứ nhất là sự lo âu và bất bình đã cũng như đang lan rộng trong đội "Chỉnh đốn". Tuy lai lịch giống nhau, tính cách giống nhau, tư cách cũng giống hệt nhau, chưa kể cùng được đội "Chỉnh đốn" đào tạo, tuyển chọn nhưng lại có người được ở lại, có kẻ lại phải chuyển đội. Đó là bất công mà đã bất công thì ắt sẽ loạn !
Để kềm giữ nội loạn, giảm bớt lo âu, bất bình, Huấn luận viên trưởng của đội "Chỉnh đốn" kiêm Trọng tài Nguyễn Phú Trọng liên tục trấn an các "vận động viên" rằng việc điều chuyển sẽ được thực hiện trên cơ sở "nhân ái, nhân văn" và chỉ vì một mục tiêu là giữ chân khán giả. Cả hai đội phải cùng gìn giữ cúp "quang vinh muôn năm", không để khán giả ủng hộ những đội khác vào sân. Lúc đầu, giải pháp này dường như có hiệu quả nhưng khán giả buồn chán rất nhanh và đó chính là vấn nạn thứ hai.
Dẫu điều chuyển nhân lực từ đội "Chỉnh đốn" sang đội "Tha hóa" đã được điều chỉnh cả về nhịp độ lẫn đẳng cấp "vận động viên" song mức độ trầm trọng của hai vấn nạn chỉ tăng chứ không giảm.
Huấn luận viên trưởng của đội "Chỉnh đốn" kiêm Trọng tài Nguyễn Phú Trọng đã phải dùng đến hạ sách : Khuyến khích "vận động viên" tự nguyện xin chuyển đội, hứa hẹn với các vận động viên bị đưa hoặc tự nguyện chuyển sang đội "Tha hóa" rằng, nếu không bị đuổi khỏi sân, sau một khoảng thời gian nhất định theo qui định, họ sẽ được trở lại đội "Chỉnh đốn", Họ sẽ được nhận đầy đủ các phúc lợi dành cho "vận động viên" đội "Chỉnh đốn" sau khi nghỉ giao đấu...
Chưa rõ sáng kiến vừa kể có giảm được nguy cơ nội loạn hay không nhưng các chiến thuật theo kiểu ba rọi ấy không thuyết phục được khán giả và phản hồi từ họ quanh sự kiện cho hai "vận động viên" Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam "thôi" thi đấu chính là ví dụ. Đuổi ra khỏi sân hay chuyển hai "vận động viên" có đẳng cấp cao cỡ đó sang đội "Tha hóa" sẽ khó giải thích vì sao là "người đứng đầu" nhưng Trọng tài, kiêm Huấn luyện viên của cả hai đội, kiêm Đội trưởng đội "Chỉnh đốn" chỉ có "công" chứ không có "trách nhiệm". Chưa kể Ban Huấn luyện đội "Chỉnh đốn" cũng lâm vào thế kẹt tương tự như Trọng tài, kiêm Huấn luyện viên của cả hai đội vì không phải chịu trách nhiệm nào cả. "Cho "thôi" thi đấu trên sân Ba Đình vừa giúp hóa giải các thắc mắc khó biện giải, vừa giữ được "đoàn kết" trong "nội bộ", vừa có thể thuyết phục khán giả rằng những gì đã cũng như đang diễn ra trên sân Ba Đình vẫn là giao đấu ! Chỉ đạo, hướng dẫn giao đấu như thế có tài tình không ?
Đồng Phụng Việt
Nguồn : RFA, 01/01/2023